Những đặc điểm của hệ thống lí luận văn học macxít thế kỉ XX

Cùng với sự phát triển của một thế kỉ văn học dân tộc, lí luận văn học ở Việt Nam cũng đã có những thành tựu, khẳng định sự trưởng thành của tư duy lí luận văn học hiện đại.

 

 

Tuy nhiên, sự phát triển của lí luận văn học mácxít ở Việt không thể tách rời những thành tựu của các nền lí luận văn học mácxít trên thế giới. Nó là bộ phận của một hệ thống. Ở mỗi nước, sự phát triển của lí luận văn học mác xít đều có những sắc thái riêng, nhưng nếu nhìn trong hệ thống, chúng ta sẽ thấy có những đặc điểm chung. Việc chỉ ra những đặc điểm đó sẽ soi sáng nhiều vấn đề còn tồn tại bên trong hệ thống (và ngoài hệ thống), giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, khoa học hơn về những thành tựu và cả những hạn chế của toàn bộ hệ thống cũng như từng bộ phận. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể đề cập hết toàn bộ sự phát triển của hệ thống lí luận văn học mác xít ở tất cả các nước. Để làm rõ những đặc điểm cơ bản, chúng tôi sẽ nghiên cứu các mô hình lí luận mác xít với những tác gia, tác phẩm tiêu biểu có liên hệ với đời sống lí luận văn học ở Việt Nam như là bộ phận của một hệ thống đã góp phần làm nên những đặc điểm đó.

Nói đến tính hệ thống của mĩ học và lí luận văn học mác xít không có nghĩa là chỉ thừa nhận sự thống nhất tuyệt đối của mọi quan điểm tạo nên hệ thống đó. Bên trong mỗi hệ thống triết học hay mĩ học đều có những khác biệt nhất định do mỗi nhà triết học hay mĩ học đều có hệ thống riêng của mình. Ở mỗi hệ thống riêng này đều có những hạn chế không tránh khỏi.

Trên cơ sở triết học Marx-Lenin và những ý kiến của Marx-Engel-Lenin bàn về văn học, có thể nói từ những năm 1870 đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thời gian sau đó, cho đến hết thế kỷ XX, lí luận văn học mác xít, từ những nước có truyền thống mĩ học đến những nước không có truyền thống đó, đã hình thành và phát triển với nhiều sắc thái đa dạng. Sự đa dạng này không chỉ thể hiện ở từng nước với những mô hình lí luận văn học khác nhau trên cùng một vấn đề, mà còn thể hiện ngay trong cách xây dựng từng mô hình lí luận với những quan điểm khác nhau. Trước hết chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề mối quan hệ giữa văn bản (văn học) và hiện thực, hay như các nhà lí luận văn học ở Việt Nam vẫn thường nói là mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Đây là một trong những vấn đề cơ bản mà lí luận văn học mác xít đã nói đến nhiều. Tuy nhiên về vấn đề này lí luận văn học mác xít đã cho thấy những quan điểm tương đồng và khác biệt. Bắt đầu bằng mối liên hệ giữa các quan điểm của chủ nghĩa thực chứng với các quan điểm của Plêkhanốp, khi Plêkhanốp phát triển lí thuyết của H. Taine bằng việc hợp nhất các quan điểm lí luận của Taine với một số phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Marx. Plêkhanốp đã gắn quyết định luận của H. Taine với đấu tranh giai cấp, với các quan điểm mác xít về hình thức của các mối quan hệ giữa người với người. Ông lí giải điều đó bằng khái niệm tinh thần đạo đức và đồng nhất nó với tâm lí giai cấp. Như vậy, văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống, cái hiện thực mà, theo Plêkhanốp, nội dung đấu tranh giai cấp quy định.

Với sự xuất hiện của G. Lukacs, lí luận văn học mác xít đã có thêm những công trình lí luận quan trọng nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Tiếp thu những thành tựu triết học và mĩ học tư sản, Lukacs đã có cái nhìn sâu hơn, toàn diện hơn vào một số vấn đề lí luận văn học, nhất là vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Những năm ba mươi của thế kỷ XX là thời kì phát triển quan trọng của mĩ học Lukacs, khi ông bắt đầu xây dựng hệ thống các quan điểm mĩ học của mình về phản ánh nghệ thuật trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Xuất phát từ phản ánh luận của Lenin, Lukacs nhấn mạnh quan điểm văn học phản ánh hiện thực "bằng các hình thức của đối tượng": Ông khẳng định văn học nghệ thuật như là ý thức của sự phát triển nhân loại, và cũng như Plêkhanốp, ông luôn trung thành với quan điểm văn học nghệ thuật không tách rời đời sống xã hội. Tuy vậy, so với Plêkhanốp, Lukacs đã xác lập được hệ thống quan điểm mĩ học của mình về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực qua đặc trưng của phản  ánh nghệ thuật. Trong khi Plêkhanốp cho rằng "muốn hiểu nghệ thuật phản ánh cuộc sống như thế nào thì cần phải hiểu cơ cấu của cuộc sống đó"(1) thì Lukacs nhấn mạnh đến thế giới riêng của sáng tạo nghệ thuật, ông cho rằng mọi tác phẩm nghệ thuật có giá trị đều tạo ra "thế giới riêng", các nhân vật, tình huống đều hoàn toàn khác với thực tế hàng ngày, thậm chí không giống với bất kì nhân vật tình huống nào của tác phẩm khác. Lukacs chỉ ra rằng sự say mê của người tiếp nhận là sự say mê hoàn toàn vào đặc trưng của cái "thế giới riêng" của tác phẩm, do tác phẩm đã phản ánh hiện thực trung thực hơn, hoàn thiện hơn, sinh động hơn cái mà người tiếp nhận có được về hiện thực. Thế giới riêng của tác phẩm chỉ là cái tưởng như, như thể tác phẩm văn học, nghệ thuật không phải là sự phản ánh hiện thực khách quan, như thể người tiếp nhận không hình dung ra "cái thế giới riêng" đó của tác phẩm chỉ là sự phản ánh hiện thực. Lukacs viết: "Nghịch lí ảnh hưởng của tác phẩm là ở chỗ chúng ta trao mình cho một hiện thực dâng sẵn bên ta, ta coi nó là hiện thực và tiếp nhận nó, mặc dù ta vẫn biết chính xác rằng nó không phải là hiện thực mà chỉ là hình thức đặc biệt của sự phản ánh hiện thực"(2). Lukacs còn nhấn mạnh một luận điểm có ý nghĩa khoa học, đó là chân lí nghệ thuật tồn tại không phụ thuộc vào sự tương xứng hay không với chân lí khách quan theo tinh thần "nghệ thuật không đòi hỏi người ta phải thừa nhận các tác phẩm nghệ thuật là hiện thực" mà Lenin từng nói. Như vậy, chỉ đề cập đến những quan điểm của Lukacs về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực thể hiện trong công trình Nghệ thuật và chân lí khách quan viết năm 1934, chúng ta đã thấy đối tượng nghiên cứu của nhà lí luận văn học mác xít này không phải là lí luận văn học chung chung mà là văn học hiện thực, là tiểu thuyết. Lí luận văn học của G. Lukacs không phải là lí luận mô tả mà là lí luận đánh giá. Dựa vào mô hình phản ánh, ông diễn đạt những phán xét về các giá trị cơ bản, độc lập với việc một tác phẩm văn học có hiện thực hay không. Tuy không dành cho chủ thể sáng tạo cái vai trò rõ ràng, nhưng khi nhấn mạnh sự phản ánh thế giới của tác phẩm văn học, Lukacs cũng không phủ nhận sự hiện hữu của người sáng tác, thậm chí nhiều lần ông nhắc đến sự vĩ đại của người nghệ sĩ thể hiện qua việc phản ánh trung thực đời sống xã hội.

Trong một công trình nghiên cứu so sánh hai nhà mĩ học mác xít là C.Caudwell (Anh) và G.Lukacs (Hungary)(3), chúng tôi đã nêu lên những điểm tương đồng và khác biệt trong các quan điểm của hai nhà mĩ học này về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật mà cũng chính là về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, mặc dù cả hai đều là những nhà mĩ học mác xít. So sánh tác phẩm Ảo ảnh và hiện thực của C.Caudwell với tác phẩm Đặc trưng mĩ học của G.Lukacs, ta thấy sự đa dạng trong các quan điểm của họ, trước hết trong việc xác định đối tượng của phản ánh nghệ thuật. Theo Caudwell thì đối tượng của phản ánh nghệ thuật là "hiện thực bên trong" của con người, còn "hiện thực bên ngoài" là đối tượng của phản ánh khoa học. Caudwell viết: Nghệ thuật thể hiện sự tự do của con người trong cái thế giới nhận thức, bởi vì cả hai (khoa học và nghệ thuật -T.Đ.D) đều nhận ra một cách có ý thức tính tất yếu của thế giới, và cả hai đều biết làm thay đổi thế giới của mình. Nghệ thuật có thể thay đổi thế giới cảm xúc, tức là thế giới hiện thực bên trong, còn khoa học thay đổi thế giới của các hiện tượng, tức là thế giới hiện thực bên ngoài" (4). Còn Lukacs thì cho rằng nghệ thuật cũng như khoa học đều phản ánh cùng một hiện thực. Lukacs gắn bó với yêu cầu về chủ nghĩa hiện thực, về tính chân thực của sự phản ánh; còn Caudwell nhấn mạnh tính chân thực lịch sử của thái độ và tư tưởng của nhà văn, tức là nhấn mạnh vai trò của chủ thể sáng tạo.

Liên quan đến vấn đề chủ nghĩa hiện thực, cần nói thêm rằng giữa Ernst Fischer, R. Garaudi và G. Lukacs cũng có những quan điểm khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà khi bàn về chủ nghĩa hiện thực, hoặc về các sáng tác của Franz Kafka, R. Garaudi đã không cùng chung quan điểm với G. Lukacs, còn Ernst Fischer thì mặc dù rất kính trọng Lukacs, vẫn xem ông là người bảo thủ!

Có thể nói lí luận văn học mác xít đã nghiên cứu nhiều đến mối quan hệ giữa văn học và hiện thực; đến xuất xứ, nguyên nhân và các yếu tố khác liên quan tới sự ra đời của văn học nghệ thuật. Phương thức tiếp cận văn học theo hướng này là mô hình phát sinh mà một trong những biến thể hiện đại của nó đã gắn liền với tên tuổi của nhà lí luận xã hội học, gốc Rumani là Lucien Goldman. Xuất phát từ quan niệm cho rằng nghĩa khách quan của một tác phẩm văn học hay triết học nhiều khi ngay cả tác giả của nó cũng không ý thức được (Hume và Descartes đều tin ở Chúa Trời nhưng các công trình triết học của họ đều toát lên sự ngờ vực, duy lí) việc tiếp cận tiểu sử tác giả để nghiên cứu các mối liên hệ giữa tác phẩm văn học và cuộc đời tác giả theo L. Goldman, cần phải dựa trên cơ sở nghiên cứu các mối liên kết giữa cấu trúc tác phẩm và cấu trúc thuộc về ý thức của cái nhóm xã hội mà tác giả là thành viên. Cách hình dung này của Goldman phản ánh ảnh hưởng của G. Lukacs, người cho rằng hiện thực và tư duy tạo nên sự thống nhất biện chứng trong đó tất cả đều liên kết với nhau. Các quan điểm của L. Goldman trong cuốn sách quan trọng nhất của ông, Chúa trời ẩn náu (1955)(5) đều có cơ sở từ những quan điểm của Lukacs trong cuốn Lịch sử và ý thức giai cấp. Goldman cho rằng nguồn gốc của các tác phẩm có thể tìm thấy trong ý thức và trong cách ứng xử xã hội. Tác phẩm văn học không thể hiện cái tôi của tác giả mà thể hiện cái giai cấp xã hội mà nó lệ thuộc. Lucien Goldman nhấn mạnh rằng cấu trúc ý thức của một tác phẩm có thể tìm về với ứng xử xã hội, nhưng ứng xử xã hội lại không phải là ý muốn của từng cá thể mà là do hành động thống nhất của hai hoặc nhiều cá thể qui định, giống như một vật nặng được nâng bởi nhiều người. Do đó, theo Goldman, các tác phẩm văn học là những sản phẩm tập thể của các nhóm xã hội. Từng nhóm xã hội riêng biệt đều trang bị cho mình cái hình thức có đẳng cấp cao nhất của tư tưởng mà Goldman gọi là cái nhìn thế giới. "Cái nhìn thế giới" là sự thể hiện của các nhóm xã hội mà tư duy, cảm xúc và ứng xử của họ đều hướng tới sự hệ thống hóa các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên.

Các quan điểm trên của L. Goldman được ông thể hiện trong tác phẩm chính Chúa trời ẩn náu và vận dụng vào thực tiễn nghiên cứu văn học. Công trình này nghiên cứu các mối liên hệ giữa một nhóm xã hội và một phong trào tôn giáo, giữa triết học của Pascal và các vở bi kịch của Racine . Ở  mỗi bên Goldman đều gặp "một cái nhìn thế giới" đặc trưng trong đó con người đang vật lộn giữa những trách nhiệm trái ngược mà sự hòa đồng của chúng không được thế giới tạo điều kiện. Nghiên cứu cấu trúc ý thức của cái nhìn bi kịch và cấu trúc của tác phẩm văn học, Goldman đã mở ra sự tương đồng thuộc về hình thức của chúng. Sự tương đồng hình thức này sau đó được ông gọi là sự đồng đẳng. Một khi cấu trúc của tác phẩm văn học và cấu trúc ý thức của cái nhóm  xã hội là "đồng đẳng" thì cái gì tạo nên tính đặc thù của tác phẩm văn học? Theo Goldman đó là sư liên kết mà tác giả phủ lên cấu trúc ý thức có sẵn.

So sánh những quan điểm lí luận ở mô hình phát sinh của L. Goldman với những quan điểm ở mô hình phản ánh của G. Lukacs, chúng ta rất dễ nhận ra những tương đồng và khác biệt. Có thể nhận thấy ảnh hưởng của những tác phẩm của Lukacs trong thời kỳ đầu đến với chủ nghĩa Marx đối với L. Goldman, thậm chí cả khái niệm "đồng đẳng" mà Goldman sử dụng cũng có từ Lukacs. Cả hai người đều đặt điều kiện trực tiếp về sự tương ứng hình thức giữa tác phẩm văn học và hiện thực xã hội. Nhưng ở Goldman, thay cho phản ánh là quá trình biểu hiện nằm ở trung tâm. Lukacs nghiên cứu việc một tác phẩm văn học có phản ánh (hay không phản ánh) cái tổng thể biện chứng của hiện thực và tư duy, còn Goldman thì nghiên cứu những mối quan hệ có thể cảm nhận được giữa tác phẩm và nhóm xã hội của tác giả. Phương pháp tiếp cận của Goldman mang tính xã hội học hơn của Lukacs, vì Goldman trước hết nghiên cứu từng nhóm xã hội, không phải toàn bộ xã hội. Ông quan niệm về giai cấp xã hội có phần hẹp hơn và cụ thể hơn Lukacs.

 Mô hình sinh thành của Goldman cũng khác với mô hình sản xuất của P.Macherey(6), nhà lí luận văn học mác xít người Pháp, trên những điểm cơ bản. Ở Goldman sự thể hiện là trung tâm chứ không phải là sự sản xuất. Và những cái nhìn thế giới là những biểu hiện của các giai cấp xã hội, các tác phẩm văn học lớn đều gắn liền với những cái nhìn thế giới. Những cái nhìn thế giới là những hình thức tư tưởng tổng quan mà nhờ sự liên kết chúng có thể tạo ra hình thức tư tưởng trong văn học. Còn Macherey thì cho rằng bản thân tư tưởng tự nó hoàn toàn thỏa mãn trong đời sống thực tiễn nhưng lại không đủ khi được xây dựng trong một văn bản văn học, nơi luôn có những khoảng trống cần được người đọc lấp đầy...

Khi ở châu Âu, trong đời sống mĩ học và lí luận văn học mác xít đang đặt ra những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa hiện thực thì ở Việt Nam xa xôi đã xuất hiện Hải Triều, một chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx, đấu tranh cho một nền văn nghệ cách mạng. Qua các cuộc tranh luận về Duy tâm hay duy vật Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh diễn ra trong những năm ba mươi của thế kỷ, Hải Triều đã có những đóng góp kịp thời và thiết thực cho sự nghiệp của Đảng trên lĩnh vực văn nghệ. Những quan điểm của Hải Triều về văn học nghệ thuật thể hiện chủ yếu trong các bài viết tranh luận với Phan Khôi, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Thiếu Sơn... Trên lĩnh vực triết học, cuốn Chủ nghĩa Macxít phổ thông của Hải Triều xuất bản năm 1938 là một đóng góp có ý nghĩa trong bối cảnh chính trị và đời sống học thuật của đất nước lúc đó. Nếu các nhà lí luận văn học mác xít ở các nước châu Âu trước khi đến với mĩ học và lí luận văn học, họ được thừa hưởng những di sản triết học và mĩ học đồ sộ thì ở Việt Nam, các nhà lí luận văn học trước hết là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, lấy việc truyền bá quan điểm văn nghệ của Đảng làm mục đích. Đây là một đặc điểm không nên bỏ qua khi nghiên cứu sự phát triển của nền lí luận văn học mác xít ở Việt và các nước có hoàn cảnh tương tự. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng, Hải Triều đã nhìn nhận vai trò của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội theo tinh thần của Plêkhanốp. Ông viết: "Một công trình văn nghệ hay mĩ thuật càng diễn đạt được rõ ràng cái tính cách xã hội thì lại càng có giá trị. Nói một cách khác, nếu một tác phẩm mà có thể biểu hiện được cái tình cảm tư tưởng phổ biến của số đông người trong một thời đại (cái số đông người đã biết thưởng thức nghệ thuật) thì cái công trình đó sẽ được hoan nghênh"(7). Điều đáng nói ở đây là Hải Triều đã không đơn giản hóa những quan điểm của Plêkhanốp đến mức chỉ xem tác phẩm nghệ thuật là sự diễn dịch đời sống kinh tế, xã hội ra ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật như trường phái xã hội học ở Nga đã làm những năm sau Cách mạng tháng Mười. Ông viết: "Cái giá trị của nghệ thuật trong xã hội này chỉ tương đối và hữu hạn thôi. Vì tác phẩm với giai cấp này, thời đại này, xứ sở này thì dù cho là có giá trị, mà đối với giai cấp khác, thời đại khác, xứ sở khác thì chả ra gì (8). Quan điểm này làm chúng ta nhớ lại quan điểm xem văn nghệ luôn phát triển theo đời sống xã hội, theo lịch sử tiến hóa mà Plêkhanốp đã từng nói khi ông phân tích những điểm chưa đúng ở cả hai phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật" và "Nghệ thuật vị nhân sinh" thời đó.

Như vậy, đến đây chúng ta có thể kết luận rằng cùng với những tương đồng và khác biệt trong các quan điểm của các nhà lí luận văn học mác xít về một số vấn đề lí luận văn học, đã làm nên sự đa dạng của một hệ thống lí luận, là sự tiếp nối và phát triển của những quan điểm thống nhất trên cơ sở một học thuyết về chính trị, kinh tế, xã hội xuất hiện từ thế kỷ XIX ở châu Âu. Và đây chính là điều mà tư duy lí luận văn học mác xít hiện đại của thế kỉ mới không thể bỏ qua trong quá trình đổi mới để có thể tiếp tục phát triển.

Trong một bài viết gần đây (9) chúng tôi đã có dịp nói về vai trò độc lập của lí luận văn học hiện đại trong hệ thống các khoa học văn học. Tính chất độc lập của lí luận văn học hiện đại chỉ có được nếu lí luận văn học hiện đại trong khi phát triển đồng hành với các khoa học văn học vẫn giữ được tính chất siêu khoa học của nó, không để bị chi phối bởi bất kỳ hệ thống những qui ước thực dụng nào khác, phi Ií luận. Chúng tôi cũng đã nói đến nguy cơ lí luận văn học sẽ bị mờ nhạt trước các khoa học văn học khác nếu nó không khoanh vùng được đối tượng nghiên cứu với những vấn đề riêng, không lí giải và soi sáng được những vấn đề đó trên bình diện lí luận. Điều quan trọng để lí luận văn học phát triển độc lập là ngoài phương pháp nghiên cứu mới, lí luận văn học cần phải xác lập được bản chất tự nhiên của đối tượng nghiên cứu. Sự phát triển của hệ thống lí luận văn học mác xít từ sau Cách mạng tháng Mười cho thấy ở đâu lí luận văn học xác lập được bản chất tự nhiên đặc trưng của đối tượng nghiên cứu thì ở đó lí luận văn học khẳng định được vai trò độc lập của nó trong quan hệ với lịch sử và phê bình văn học. Ở phương Tây hiện nay, vấn đề này hầu như không cần phải đặt ra vì nghiên cứu lịch sử văn học và phê bình văn học ở phương Tây đã có sau lưng cả một truyền thống triết học và mĩ học, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học không còn phải đối diện với tình trạng "suy lí luận", hoặc tình trạng "khó xử" trong việc lựa chọn đối tượng và phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học. Một khi ý thức văn học đã phân biệt được đối tượng và cấp độ nghiên cứu của lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học thì không cần phải đặt ra yêu cầu riêng cho mỗi ngành trong việc khẳng định vị thế độc lập của nó.

Lí luận văn học mác xít thường lẩy ra những vấn đề cấp thiết nhất có khả năng hướng văn học phục vụ kịp thời những mục đích xã hội. Như vậy nhu cầu đáp ứng kịp thời những mục đích thực tiễn đã qui định đối tượng nghiên cứu của lí luận văn học, làm cho lí luận văn học phải từ bỏ bản chất đặc trưng, trở nên "năng động", xông xáo" như phê bình văn học để "nhanh chóng trả lời" những vấn đề bức xúc của đời sống văn học!. Chính từ đây lí luận văn học đã đánh mất cái bản chất tự nhiên đặc trưng của đối tượng nghiên cứu, tự xóa đi cái ranh giới rất cần thiết khu biệt lĩnh vực tư duy trừu tượng với các lĩnh vực tư duy cụ thể khác. Trong thực tế, việc không phân định rõ ranh giới giữa lí luận và phê bình văn học chẳng những không mang lại hiệu quả khoa học cao mà còn có ảnh hưởng xấu đến lợi ích của khoa học văn học. Trước hết nó làm cho khoa học văn học không phát triển một cách bình thường vì đối tượng của lịch sử văn học và phê bình văn học cũng bị lí luận văn học xâm phạm, trong khi lẽ ra lí luận văn học với đối tượng và mục đích riêng, phải là chỗ dựa cho nghiên cứu và phê bình văn học. Chúng ta biết rằng đặc trưng của mọi công việc nghiên cứu khoa học là sự triển khai, phân tích và tổng hợp đối tượng nghiên cứu. Muốn thực hiện được điều đó, mọi ngành khoa học đều phải tiếp cận đối tượng trên hai bình diện là kinh nghiệm và lí luận. Chính các mối quan hệ giữa cụ thể và trừu tượng, riêng và chung sẽ bổ sung những điểm nhìn từ các phía khác nhau, đến một đối tượng chung nhất có tên gọi là văn học. Điều đó nói lên sự gắn bó, liên kết giữa lí luận văn học và nghiên cứu, phê bình văn học. Nhưng nếu hiểu sự gắn bó đó như là sự hòa trộn của ba ngành nghiên cứu này thì thật là sai lầm về nhận thức khoa học. Ở Việt không biết từ bao giờ cụm từ lí luận-phê bình luôn đi với nhau. Và đương nhiên nhà phê bình cũng đồng thời là nhà lí luận, và nhà lí luận cũng phải là... nhà phê bình. Khi nói đến tình trạng yếu kém của nghiên cứu lí luận văn học người ta cũng nghĩ luôn sự yếu kém đó là của phê binh văn học và ngược lại. Do đó không một ngành khoa học nào tự ý thức rõ về sự yếu kém của mình. Lâu dần trong đời sống văn học ở nước ta xuất hiện hai đặc điểm: một là người ta thậm chí không muốn chấp nhận những người làm lí luận thuần túy, cho đó là kinh viện, trừu tượng, xa rời đời sống văn học; làm cho không ít những nhà lí luận tự rời bỏ "lãnh địa" của mình, tham gia phê bình văn học để nhanh chóng được "đóng góp" cho sự nghiệp văn học nước nhà! (Không phải ngẫu nhiên mà G.Lukacs, nhà mĩ học và lí luận văn học mác xít lớn nhất thế kỉ XX, sau năm 1945 cũng đã bị phê phán là coi thường văn học dân tộc vì không trực tiếp tham gia vào đời sống nghiên cứu, phê bình văn học Hungary). Hai là các nhà phê bình ít quan tâm đến lí luận văn học, nhất là những thành tựu mới của lí luận văn học trên thế giới. Tình hình trên dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề cơ bản của mĩ học và lí luận văn học không được nghiên cứu từ gốc một cách triệt để nên bất kì ai, bất kì lúc nào cũng có thể lẩy ra một vấn đề nào đó không có gì là mới mẻ nhưng cũng đủ làm "bùng nổ" những cuộc tranh luận kéo dài mà không rõ chân lí cuối cùng thuộc về ai. Người ta tranh luận ríu rít ở trên ngọn của vấn đề, nhưng cái gốc của nó bị bỏ qua.

Do không có được cái bản sắc riêng của đối tượng, lí luận văn học ở Việt không thoát khỏi thế nhập nhằng trong quan hệ với phê bình văn học. Với tình trạng đó lí luận văn học chẳng những không thể làm chỗ dựa cho nghiện cứu, phê bình văn học, mà bản thân nó cũng tự triệt tiêu dần theo thời gian. Rốt cục người ta chỉ còn thấy những bài viết mang tính chất tổng kết hoặc phát biểu ý kiến về tình hình văn học hơn là các bài nghiên cứu lí luận văn học được xây dựng bằng các luận điểm lí luận có hệ thống.

So với trình độ phát triển của lí luận văn học hiện đại của một số nước trên thế giới mấy chục năm qua, chúng ta mới chỉ có được những thành tựu nhất định. Tính từ Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai, sự vận động của tư duy lí luận văn học hiện đại ở Việt luôn cho thấy những nỗ lực tiếp nhận cái mới và hội nhập với bên ngoài. Tuy nhiên, những nỗ lực đó xuất hiện không đều và không phải lúc nào cũng tạo ra được những cú hích thật sự, có thể tạo nên trường phái học thuật. Điều đó có nhiều nguyên nhân mà theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân có ở trong quan niệm của chúng ta về đối tượng nghiên cứu của lí luận văn học. Có được quan niệm đúng về bản sắc của đối tượng thì lí luận văn học mới có thể khẳng định được vị thế độc lập của nó bên trong hệ thống các khoa học văn học, từ đó mới có quan niệm đúng về tính ứng dụng của lí luận văn học trong khoa học văn học nói chung và trong đời sống văn học nói riêng.

Một đặc điểm nữa rất dễ nhận thấy trong hệ thống lí luận văn học mác xít là sự mờ nhạt của mô hình ngôn ngữ. G. Lukacs chỉ thấy ở ngôn ngữ cái công cụ của một nguyên tắc hình thức cao nhất mà thôi, ông không xem ngôn ngữ là thực thể của tác phẩm. Nghiên cứu các công trình của L.Goldman, chúng ta thấy nhà lí luận này cũng không xem cấu trúc ý thức là cấu trúc ngôn ngữ, và ngôn ngữ cũng không có vai trò gì riêng biệt. Trong tác phẩm Chúa trời ẩn náu, ông cho rằng ngôn ngữ chỉ thể hiện và thông báo những nội dung đặc trưng nhất định, những nội dung này chính là những cái nhìn thế giới. Quan điểm này khác với quan điểm cấu trúc xem bản thân nghĩa là sản phẩm của ngôn ngữ. Theo Goldman ngôn ngữ và cả văn học, đều là công cụ thể hiện một hiện thực đang tồn tại. Chính hiện thực đã mang lại hình thức trước cho tác phẩm văn học trong cái nhìn thế giới và trong cấu trúc của cái nhìn thế giới, theo tinh thần của chủ nghĩa cấu trúc sinh thành.

Để mô hình ngôn ngữ có được vai trò mới trong lí luận văn học mác xít, cần phải có quan niệm mới về vai trò của ngôn ngữ trong quá trình xã hội. Ở giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa hình thức Nga, trong những năm hai mươi, xuất hiện một nhóm các nhà khoa học Xô viết chịu ảnh hưởng của các nhà hình thức Nga và chủ nghĩa Marx. Đó là các tên tuổi M. Bakhtin, P. Medvegyev, và V. Volosinov. Các nhà lí luận này đã đưa ngôn ngữ vào trung tâm nghiên cứu vì theo họ ngôn ngữ không thể tách rời đời sống xã hội. V. Volosinov viết Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ khi các nhà ngôn ngữ học duy tâm xem ngôn ngữ là hoạt động cá thể. Bakhtin cùng các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu ngôn ngữ trong các tình huống xã hội và nhận thấy rằng lời nói luôn có tính đối thoại: "Đối thoại là bản chất của ý thức, bản chất của cuộc sống con người... Sống tức là tham gia đối thoại: hỏi, nghe, trả lời, đồng ý v.v... Con người ra đi khi đã nói lời của mình, nhưng bản thân lời nói ấy còn lại mãi mãi trong cuộc đối thoại không bao giờ kết thúc"(10). Theo Bakhtin việc phổ cập tính hội thoại và phiếm thoại làm nên sự thống nhất của ngôn ngữ chứ không phải là lời nói cá thể hay các yếu tố sáng tạo của câu. (Chúng ta nhớ lại những quan điểm của M. Heideger về ngôn ngữ khi ông cho rằng ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể và mỗi thông điệp của người nói phát ra đều đòi hỏi ở người nhận nó những nỗ lực lớn để hiểu (11). Như vậy thông điệp của lời nói còn phụ thuộc vào người đối thoại chứ không chỉ phụ thuộc vào người nói. Quan điểm của Bakhtin về tính đối thoại nội tại của lời nói không chỉ soi sáng những đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết mà còn giúp chúng ta có cái nhìn khoa học hơn về tác phẩm văn học nói chung. Cơ sở lí luận văn học của trường phái Bakhtin có ba hướng vận dụng: lí luận tác phẩm văn học; phân tích phiếm thoại; lí luận sáng tác. Hướng thứ ba này có ý nghĩa nhất đối với lí luận văn học mácxít.

Có thể nói cách tiếp cận của Bakhtin đối với tác phẩm văn học không giống với những mô hình lí luận văn học mácxít khác. Bakhtin không xem văn học là sự nhận thức thực tại, mà chỉ là việc sử dụng ngôn ngữ trong thực tế. Điều này phân biệt mô hình lí luận của Bakhtin với mô hình  của Lukacs và Adorno, những người luôn khẳng định tác phẩm văn học mang lại sự nhận thức thế giới hiện thực. Và việc sử dụng ngôn ngữ là hoàn toàn khác so với sự biểu hiện của các tư tưởng thông qua môi trường ngôn ngữ. Các quan điểm của Bakhtin khác xa so với quan điểm của P.Macherey, người cũng đã ít nhiều nhận ra vai trò của ngôn ngữ. Macherey trước hết nghiên cứu xem bằng cách nào mà văn học tạo ra được cái gì đó nằm ngoài văn học. Điều ông quan tâm là phải chỉ ra được sự khác biệt giữa tư tưởng xuất hiện trong một tác phẩm và sự thực hiện nó trong văn bản. Trường phái Bakhtin không muốn thừa nhận văn học là sự phản ánh trực tiếp hiện thực, cũng như vai trò quan trọng của tư tưởng trong văn học. Bakhtin cũng không xem văn học là hình thức hiểu biết hay thể hiện mà chỉ là phương thức hoạt động mà thôi. Mặc dù các nhà lí luận của trường phái Bakhtin không xuất phát từ quan điểm ngôn ngữ của Saussure nhưng trong cách tiếp cận của họ chúng ta thấy có nhiều yếu tố hoà đồng với quan điểm cấu trúc.
Ơ Việt Nam lí luận văn học vẫn chưa vận dụng hết những thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại, mặc dù trong một số bài nghiên cứu kí hiệu học, lý thuyết thông tin, thi pháp học... các tác giả đã chú ý đến ngôn ngữ học. Những thành tựu của trường phái Bakhtin hay sau này của Julia Kristéva không được thừa nhận ngay là do quan niệm về sự khác biệt giữa thế giới kí hiệu và thế giới vật chất, về cấu trúc xã hội v.v... Tuy nhiên, việc vận dụng mô hình ngôn ngữ một cách hệ thống sẽ mang lại nhiều kết quả, chúng ta có thể đưa ngôn ngữ làm xuất phát điểm của việc nghiên cứu xã hội học văn học với phạm vi rộng hơn, hay ở các lĩnh vực nghiên cứu khác như ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ tiểu thuyết v.v... Nghiên cứu lí luận văn học không thể tách rời những thành tựu của triết học và mĩ học, đó là điều người ta đã nói đến nhiều, nhưng cần phải nhấn mạnh thêm rằng lí luận văn học hiện đại chỉ có thể phát triển tương xứng với những đòi hỏi mới nếu nó cũng biết dựa vào những thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại.

               Hà Nội, 2001
                    T.Đ.D
--------
(
1) Plêkhanốp; Nghệ thuật và đời sống xã hội, Nxb.Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 1963, tr.283-284.
(2) G.Lukacs
Nghệ thuật và chân lí khách quan,
Trương Đăng Dung dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6-1999, tr.127.
 (3) Xem: Trương Đăng Dung:
Về đặc trưng của phản ảnh nghệ thuật trong mĩ học C.Caudwell và G.Lukacs, trong Văn học và hiện thực, Nxb.KHXH, 1990.
(4)  C.Caudwell:
Ảo ảnh và hiện thực, Trương Đăng Dung dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5-2000, tr.180.
(5) Chúng tôi nghiên cứu tác phẩm này qua bản dịch tiếng Hung của Pôdôr László. Nxb. Gondolat, Budapest 1977.
(6) Xem:
Trương Đăng Dung:
Hai mô hình lí luận trên một vấn đề. Trong sách Những vấn đề lí luận và lịch sử văn học. Nxb.KHXH, Hà Nội, 2001.
(7) (8) Hải Triều:
Toàn tập, Nxb.Văn học, Hà nội, 1996, Tập I, tr.315.
(9) Xin xem Trương Đăng Dung:
Hai mô hình lí luận trên một vấn đề, trong sách "Những vấn đề lí luận và lịch sử văn học", Nxb.KHXH, Hà Nội, 2001.
(10) Dẫn theo Phạm Vĩnh Cư trong sách M.Bakhtin
Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1992, tr.12.
(11) Xem Martin Heideger:
Trên đường đến với ngôn ngữ
Trương Đăng Dung dịch. Tạp chí VHNN, số 1-1999.

Thông tin truy cập

63660300
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4018
17595
63660300

Thành viên trực tuyến

Đang có 789 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website