Các lý thuyết nghiên cứu văn học và tính khả dụng

 

            Từ những thập niên đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu ở nước ta đã bắt đầu vận dụng các lý thuyết và phương pháp của phương Tây để khảo cứu và thẩm định văn chương. Nhưng việc áp dụng các phương pháp khoa học đôi khi cũng bộc lộ sự lệ thuộc vào lý thuyết mà chưa căn cứ xác đáng vào thực tiễn sáng tác, từ đó ít nhiều đã để định kiến chi phối một số nhận định của mình, dẫn đến những kết quả thiếu chính xác, làm giảm chất lượng và hiệu quả của phê bình. Ở giai đoạn này, các khiếm khuyết nói trên có thể được biện minh bởi tình trạng non trẻ của khoa nghiên cứu văn học. Nhưng ngày nay, tình trạng phê bình lệ thuộc vào định kiến lý thuyết hình như vẫn đang chi phối một bộ phận trong giới nghiên cứu. Dù việc áp dụng lý thuyết là rất cần thiết, song không phải các lý thuyết đều có thể áp dụng như nhau. Khi áp dụng một lý thuyết, chúng ta nên xem xét thực tiễn văn học để thấy có phù hợp với lý thuyết đó không, nếu phù hợp thì phù hợp đến mức nào.

            Chẳng hạn gần đây ở Việt Nam, người ta bắt đầu nói đến “triển vọng của nghiên cứu hậu thực dân trong văn học”. Song chúng tôi cũng thấy băn khoăn là không biết khi nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam thì chúng ta nghiên cứu vấn đề gì? Thực tế là vấn đề văn học hậu thực dân trên thế giới đã xuất hiện ở (và đối với) những nướcthuộc địa cũ của Pháp, Anh và Mỹ, đó là những nước vẫn còn giữ lại những thiết chế chính trị và văn hoá của mẫu quốc, họ có vấn đề về mâu thuẫn giữa thiết chế với bản sắc dân tộc, có vấn đề tìm lại bản sắc dân tộc sau chế độ thực dân, bởi lẽ phần lớn các nước đó sau khi độc lập vẫn nằm trong Liên hiệp Pháp hay Liên hiệp Anh.

            Theo các nhà nghiên cứu, không phải tất cả những nước đã qua giai đoạn thuộc địa đều có vấn đề về hậu thực dân. Ví dụ, Hoa Kỳ đã từng là thuộc địa của Anh, nhưng nó lại không có vấn đề hậu thực dân (theo Jonathan Hart and Terry Goldie, “Post-colonial theory”, Encyclopedia of Contemporary Literary Theory, General Editor and Compiler: Irena R. Makaryk, University of Toronto Press, Toronto - Buffalo - London, 1997, tr. 156). Mặc dù vẫn lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, nhưng văn hoá Hoa Kỳ lại không hề có sự mâu thuẫn giữa thiết chế với bản sắc dân tộc, vì Koa Kỳ có một nền thiết chế chính trị và văn hoá hoàn toàn tự chủ, độc lập với thiết chế chính trị và văn hoá mẫu quốc. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với một số nước thuộc địa cũ ở châu Âu, khi mà những nước này đã giành được độc lập tự chủ hoàn toàn. Ở các nước đó không có vấn đề hậu thực dân. Đây là một nhận xét rất quan trọng, nó sẽ giúp ta tránh được quan điểm giáo điều trong việc áp đặt nghiên cứu hậu thực dân cho bất cứ quốc gia thuộc địa cũ nào.

            Tương tự, Việt Nam đã giành độc lập bằng cuộc cách mạng dân chủ, lật đổ chế độ thực dân, thiết lập một chế độ mới với những thiết chế chính trị và văn hoá mới. Vậy ở Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề cần giải quyết là vấn đề văn học hậu thực dân hay là vấn đề xây dựng nền văn học mới? Liên quan đến chủ đề hậu thực dân, Việt Nam sẽ được nhìn nhận giống với trường hợp của Hoa Kỳ và một số nước châu Âu, hay là giống với các nước thuộc địa cũ ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á? Nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam hiện nay, nếu có thì nó xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hay là một sự áp đặt của lý thuyết bên ngoài? Việc xác định vấn đề như vậy là rất quan trọng.

            Đó là chưa kể nhiều người còn hiểu sai những khái niệm chủ chốt nhất của lĩnh vực nghiên cứu này: hai thuật ngữ tiếng Anh “postcolonialism” và “Orientalism” đã được họ dịch là “chủ nghĩa hậu thực dân” và “chủ nghĩa phương Đông”. Trên thực tế không hề có “chủ nghĩa” hậu thực dân và “chủ nghĩa” phương Đông trong khoa học (nếu có các chủ nghĩa này thì chúng mang một nội hàm khác và ở trong lĩnh vực khác). Trong khoa học, “Postcolonialism” chỉ có nghĩa là “nghiên cứu hậu thực dân” [hay “nghiên cứu hậu thuộc địa”]; còn “Orientalism” có các nghĩa: “phong cáchphương Đông”, “phương Đông học” [hay “nghiên cứu phương Đông”]. Trong các ngôn ngữ phương Tây, hậu tố “ism” trong nhiều trường hợp không có nghĩa là “chủ nghĩa”.

            Rồi lại rộ lên câu chuyện văn học nữ quyền. Ở phương Tây, phong trào nữ quyền thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, như việc đòi quyền tham gia chính trị của phụ nữ mà ở nhiều nước hiện nay vẫn chưa được quan tâm thoả đáng. Còn trong văn học, phong trào nữ quyền ở phương Tây hiện nay chủ yếu thể hiện ở việc phát hiện, phục hồi và quan tâm đến tác phẩm của các nhà văn nữ. Vậy ở Việt Nam thì sao? Chúng ta có vấn đề nữ quyền trong một số lĩnh vực xã hội, nhưng trong văn học thì như thế nào? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề gì? Người phụ nữ đã xuất hiện ngay từ buổi đầu của lịch sử văn học trên cả phương diện đối tượng lẫn chủ thể sáng tác, điều này trên thế giới và ở Việt Nam thì thời nào cũng có. Nhưng có phải cứ viết về phụ nữ thì là văn học nữ quyền không? Có phải cứ nghiên cứu về phụ nữ trong văn học thì là phê bình nữ quyền không? Thực tế là phải có vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ thì chúng ta mới có thể nói tới nữ quyền trong văn học. Hiện nay ở nước ta mới chỉ có giới thiệu các bài viết của nước ngoài về nữ quyền mà chưa thấy nói văn học nữ quyền ở Việt Nam là gì. Phải chăng vì nó không có vấn đề nên người ta không nói ra được. Mà không có vấn đề thì không thể nghiên cứu được. Nếu không xác định được vấn đề thì việc nghiên cứu nữ quyền trong văn học cũng chỉ là gắn một cái nhãn mới cho những công việc vẫn làm lâu nay, hoặc là du nhập vấn đề nữ quyền của phương Tây vào nước ta một cách gượng ép. Cái đó trong khoa học người ta gọi là “nguỵ vấn đề”. Từ nguỵ vấn đề đến nguỵ khoa học chỉ là một bước nhỏ. Đó là điều rất cần cân nhắc kỹ lưỡng.

            Cũng trong xu hướng tiếp thu cái mới, có người đang nói tới khả năng cách tân của phê bình sinh thái. Với chủ trương đề cao mối quan hệ hài hoà giữa con người với tự nhiên, họ cho rằng “Trên cơ sở sinh thái chỉnh thể luận, chủ trương của mỹ học sinh thái là thống nhất hài hòa giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội, con người và bản thân chứ không phải là con người chiếm hữu, chinh phục và cải tạo tự nhiên, không chủ trương quan điểm lao động sáng tạo ra cái đẹp (tôi nhấn mạnh – NVD)”. Đây là lời diễn giải của một nhà nghiên cứu người Trung Quốc được tác giả Đỗ Văn Hiểu trích lại trong bài viết “Phê bình sinh thái – Khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân” (Nhà văn, số 12-2012). Nếu đây đúng là quan điểm của phê bình sinh thái thì mọi quan niệm về triết học và văn học sẽ phải được xem xét lại. Tại sao con người lại không cải tạo tự nhiên? Tại sao con người lại không lao động để sáng tạo ra cái đẹp? Nếu chúng ta xem xét đến quan điểm của Liên Hợp Quốc (LHQ) về phát triển bền vững thì sẽ thấy rằng LHQ không chủ trương như vậy. LHQ chủ trương rằng con người không thể không phát triển, và đã phát triển thì không thể không cải tạo tự nhiên. Vấn đề là phải cải tạo tự nhiên một cách bền vững chứ không phải là phá huỷ tự nhiên. Và tư tưởng này cũng chỉ là phát triển trên cơ sở của tư tưởng bảo vệ thiên nhiên đã có từ bao đời nay. Nếu tuân theo ý kiến “không chủ trương quan điểm lao động sáng tạo ra cái đẹp” thì số phận của mọi tác phẩm nghệ thuật ca ngợi lao động chinh phục tự nhiên sẽ ra sao? Đây không phải là một sự cách tân của phê bình sinh thái, mà thực chất sẽ là một cuộc “cách mạng” xoá bỏ phần lớn các giá trị truyền thống của văn học. Vậy thì liệu lý thuyết này có thể áp dụng cho nghiên cứu văn học không? Hay nó chỉ là lý thuyết của những người hoạt động bảo vệ môi trường?

            Trên thực tế, phê bình sinh thái là một phong trào xã hội bảo vệ môi trường. Nó xuất hiện chủ yếu ở Mỹ từ những thập niên cuối thế kỷ XX. Đặc biệt, năm 1992 ở nước này đã thành lập tổ chức Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường (tiếng Anh: Association for the Study of Literature and Environment [ASLE]). Một trong những nhiệm vụ của nó là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hoá, văn học với môi trường, với tự nhiên, nhưng “văn học” ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, nó bao gồm cả các tác phẩm, công trình phi hư cấu (tức phi văn chương). Như thế, nếu xếp nó vào là một loại lý thuyết nghiên cứu văn học thì cũng là gượng ép. Có lẽ chính vì thế mà giáo sư người Mỹ M. P. Cohen (2004) đã nhận xét: “Nếu bạn muốn là một nhà phê bình sinh thái, thì bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng để giải thích điều mình làm và sẵn sàng chịu bị phê phán, nếu không nói là bị chế giễu.” (Michael P. Cohen, “Blues in Green: Ecocriticism Under Critique”, http://www.asle.org/site/resources/ecocritical-library/intro/blues/). Cohen cũng nhận xét: “Theo định nghĩa, hay ít nhất là theo nguyên ngữ, lý thuyết phê bình sinh thái tổ chức các cuộc thảo luận về văn học môi trường, dựa trên khoa học, sử học và triết học, trong khi nó cũng phê bình các nguồn này. Nếu không, phê bình sinh thái sẽ có thể trở thành một địa hạt mà ở đó văn học sẽ gặp phải định kiến dân gian, và có thể nó sẽ không có gì nhiều ngoài lợi ích xã hội học như là những quan điểm chưa được kiểm tra của các giáo sư văn học mà đồng thời cũng là các nhà hoạt động môi trường nghiệp dư.” Ông nói rõ thêm: “Như vậy, phê bình sinh thái khẳng định gần như chính bản thân phạm vi chữ nghĩa là môi trường chú giải của nó, cái môi trường có hạn mà người đọc hay người viết quan tâm đó có được là nhờ không chỉ các yếu tố quyết định đã được mã hoá về mặt văn hoá, mà còn nhờ các yếu tố quyết định của tự nhiên đã tồn tại trước các yếu tố văn hoá và chúng sẽ tồn tại lâu hơn các yếu tố đó.”

            Về tương lai của phê bình sinh thái, Cohen viết: “Phê bình sinh thái cần phải chất vấn sát sao hơn nữa bản chất của văn bản tự sự về môi trường chứ không chỉ đơn thuần ca tụng văn bản đó như nó thường làm.” Trong tinh thần này, Cohen đã gọi một phiên bản của phê bình sinh thái là “trường phái tụng ca”. Nó ca ngợi thiên nhiên và kêu gọi quay về với thiên nhiên, như ASLE đã lấy ý tưởng của John Elder làm khẩu hiệu: “Tôi thà đi bộ còn hơn!” [“I’d rather be hiking!”].

            Vì thế Cohen cũng cho rằng: “Rõ ràng, phê bình sinh thái có thể trở thành một chủ đề nóng và đang được tranh cãi trong giới nghiên cứu văn học.” Quả thực, một số người cũng nghi ngờ việc sử dụng ngôn ngữ “sinh thái” trong phê bình sinh thái. Trên thực tế, nhiều bài viết về phê bình sinh thái là của các nhà nhân học và văn hoá học, in thành sách hoặc đăng trên các tạp chí văn học và văn hoá, thậm chí cả tạp chí môi trường (như bài viết nói trên của Cohen đã được đăng trên tạp chí Environmental History [Lịch sử môi trường]No. 9. 1 (January 2004), p. 9-36).

            Như vậy, phê bình sinh thái trước hết là một phong trào văn hoá - xã hội bảo vệ môi trường, một phong trào xã hội bảo vệ và phát triển con người. Song nếu nói phê bình sinh thái là một sự “cách tân” trong nghiên cứu văn học thì là một tuyên bố vội vàng và phi thực tế. Vấn đề môi trường chỉ là một trong nhiều vấn đề của văn học và nó cũng không phải là một vấn đề mới. Thực tế văn học chưa bao giờ ca ngợi sự phá huỷ thiên nhiên. Nó cũng không cần phải có những nguyên tắc thẩm mỹ đến mức thiếu chúng thì người ta không biết thế nào là tác phẩm văn học bảo vệ môi trường. Mặt khác, với tư cách là một phong trào văn hoá - xã hội bảo vệ môi trường, phê bình sinh thái đòi hỏi phải có trình độ chuyên gia về khoa học môi trường, về văn hoá học và về khoa học phát triển bền vững. (Thực tế đang có các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này như chúng tôi đã nói.) Nó hoàn toàn không thể là công việc ngẫu hứng của các nhà phê bình.

            Nếu cứ lấy một vấn đề xã hội bất kỳ để gắn một cách gượng ép với văn học và gọi nó là mỹ học, thì chúng ta sẽ có vô vàn lý thuyết mỹ học nhưng không áp dụng được. 

(Nguồn: Văn nghệ số 15/2014)

            Nguồn: http://vanvn.net/news/11/4597-cac-ly-thuyet-nghien-cuu-van-hoc-va-tinh-kha-dung.html

Thông tin truy cập

60424275
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5250
6820
60424275

Thành viên trực tuyến

Đang có 188 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website