Lê Đình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học

Gần 35 năm trước, Vương Trí  Nhàn, một trong những cây bút góp phần tạo nên diện mạo của phê bình Việt Nam đương đại, từng viết về phong cách phê bình của Lê Đình Kỵ qua tập Đường vào thơ: "Anh nhập được vào tác giả như một người trong cuộc, để thấy chỗ dễ, chỗ khó. Càng những chỗ mịt mờ sương khói, thơ lung linh ẩn hiện, như ở giữa cái dễ dàng và dễ dãi, cái say và cái tỉnh, cái khái niệm và tư tưởng thơ ca…, Lê Đình Kỵ lại càng tỏ ra có sự tinh tế của một nhà phê bình. Anh vừa theo sát các tác giả trong từng bài thơ, từng câu thơ, lại vừa chú ý để từ đó mở rộng ra, nâng cao, khái quát. Hơn một sự phẩm bình cụ thể, người viết muốn truyền đến ta một tình cảm, một cách nhìn, một lý tưởng thẩm mỹ như anh vẫn nói…"  [18]. Mới đây, Vương Trí Nhàn còn nhắc đến Lê Đình Kỵ khi nhớ lại thuở mới vào nghề: "Khoảng đầu những năm 60 trên báo chí văn nghệ ở Hà Nội thấy nổi lên một lối viết phê bình mà trong tầm mắt của một cậu học trò cấp 3 Chu Văn An như tôi, nghe có vẻ rất mới, khiến tôi mải miết học theo, tất nhiên theo lối học lỏm. Người tôi mê nhất lúc ấy là Lê Đình Kỵ" [19] .
Kể lại những kỷ niệm về người thầy mà mình chịu ơn, Phạm Quang Long viết rằng ông đã chọn học ngành Văn một phần vì yêu thích văn phê bình của Lê Đình Kỵ từ khi còn ở trung học: "Bài viết của thầy Kỵ về thơ Chế Lan Viên theo trí nhớ của tôi là Những biển cồn hãy đem đến trong thơ thu hút tôi một cách kỳ lạ. Sự tinh tế trong cảm thụ, những kiến giải sâu sắc của một tư duy mãnh liệt như thế lần đầu tiên tôi bắt gặp trong sách vở đã gợi bao xúc động trong tôi" [20] .
Nói về phê bình văn học, Lê Đình Kỵ quan niệm: "Chọn phê bình văn học là phải am hiểu lý luận văn học, phải biết chấp nhận những ý kiến trái ngược nhau; nhưng trước hết thái độ của người phê bình là vì học thuật và thực sự cầu thị, hướng tác giả - tác phẩm - công chúng đến Chân Thiện Mỹ và hoàn toàn vì nghệ thuật. Một tác phẩm (sáng tác, phê bình) ra đời mà không ai đọc thì có cũng như không. Có người đọc, nhưng mơ hồ không thấy hay dở ở chỗ nào và vì sao thì cũng thật đáng tiếc cho tác giả cũng như cho bản thân người đọc. Phê bình có tác dụng bổ khuyết cho khoảng trống này, cố gắng là nhịp cầu nối liền tác giả, tác phẩm với công chúng, làm cho tác phẩm có giá trị trở lại sống nơi người đọc, trong chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật của nó" [21] .
Khẳng định vai trò của trực giác, trực cảm trong phê bình, đề cao đóng góp của Hoài Thanh, nhưng Lê Đình Kỵ không muốn lấy một lối phê bình nào làm khuôn mẫu. Ông nói: "… đi vào phê bình, thẩm định văn học, đòi hỏi đầu tiên là hiểu văn học đúng với văn học, nhìn nhận mỗi tác phẩm đúng với cái hay cái dở của nó, mà cái hay cái dở ở đây có muôn vàn sắc độ, thường chỉ có thể phát hiện, cảm thụ bằng trực giác trực cảm. Khả năng này có được một phần nhờ bẩm sinh, một phần nhờ trải qua quá trình tiếp xúc với những giá trị văn học chân chính do hàng trăm ngàn tài năng, thiên tài văn học trong nước và trên thế giới tạo ra (…) Không có Thi nhân Việt Nam thì Thơ Mới cũng vơi đi một phần giá trị. Bây giờ không thể dừng lại, dẫm chân tại chỗ với lối phê bình kiểu Hoài Thanh. Ai đó muốn đem cái hào quang của sáng tác để phủ lấp ý nghĩa của phê bình, nghiên cứu. Đặt vấn đề hơn thua giữa sáng tác và phê bình để làm gì chứ? Vấn đề là chất lượng, còn dở thì dù sáng tác hay phê bình cũng đều vô ích như nhau"  [22].
Từ những trang viết của Lê Đình Kỵ toát lên một ý tưởng chủ đạo này: Để cho phê bình có thể có tác động đến tiến trình văn học và tồn tại được với thời gian, thì nhà phê bình phải là người đồng hành với người sáng tác và người đọc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn học giàu tính nhân văn và đậm đà tinh thần dân tộc. Viết phê bình trước hết là để góp phần làm cho văn học đơm hoa, kết trái và phát triển sinh sắc trong niềm hy vọng chứ không phải truy bức cho nó lụi tàn đi trong nỗi hoang mang và niềm sợ hãi.
 Trong nghiên cứu, phê bình, Lê Đình Kỵ vốn là người thận trọng khi đánh giá những hiện tượng mới. Ông không bao giờ tán thành những biểu hiện thái quá và cực đoan trong sáng tác và phê bình. Nhưng mặt khác, ông cũng chưa lần nào tỏ ra nặng lời dè bỉu làm nản chí những nỗ lực tìm tòi của các thế hệ đến sau. Có thể tìm thấy ở ông tấm gương của một nhà giáo, một nhà khoa học luôn thể hiện tính đòi hỏi cao trong công việc, đồng thời một tấm lòng nhân ái, bao dung đối với lớp trẻ. Những ai từng có dịp làm việc với ông hẳn đều chia sẻ nhận xét của Nguyễn Văn Hạnh: "Trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu văn học, anh Lê Đình Kỵ là người có trách nhiệm cao và có chủ kiến rõ ràng. Nhưng vốn là người hiền lành, độ lượng, anh thích nói về những biểu hiện tích cực của cuộc sống, biết lắng nghe và chờ đợi, khơi dậy tính chủ động và sáng kiến của học trò, động viên những thành công bước đầu của những cây bút trẻ. Đương nhiên, có thể có một thái độ khác, một cách ứng xử khác trong cuộc sống, trong quan hệ với người đời, mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, thậm chí quyết liệt hơn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy là trong những lĩnh vực phức tạp và tế nhị như công tác đào tạo, như hoạt động văn học thì cách tiếp cận của anh Lê Đình Kỵ, cách nghĩ và cách viết của anh thường tỏ ra hợp tình hợp lý hơn, có hiệu quả hơn" [23] .
Chứng kiến và tham gia trực tiếp vào những biến động của đời sống văn học gần nửa thế kỷ qua, Lê Đình Kỵ hẳn cảm nhận sâu sắc những vui buồn nghề nghiệp cũng như ý thức rõ về những thử thách mà người làm lý luận, phê bình phải đối diện. Những trang viết, dù là sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, chấp nhận làm chức năng minh họa cho những giá trị nhất thời, thì khó mà tránh khỏi một số phận ngắn ngủi, hẩm hiu. Nhà khoa học không thể không bị quy định bởi một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng đồng thời cũng biết vượt thoát khỏi hoàn cảnh và tác động trở lại hoàn cảnh. Những gì họ viết ra không chỉ là bằng chứng ghi dấu cái thời đại họ sống, mà còn là tấm gương phản ánh bộ mặt tinh thần của người trí thức luôn coi trọng lương tri và lẽ phải, luôn kiên trì với những xác tín khoa học của mình ngay trong điều kiện bất lợi nhất. Vì vậy, giá trị và ý nghĩa của những tài sản tinh thần họ để lại nhiều khi không phải là chân lý vĩnh cửu cho mọi nơi, mọi thời; mà chính là bài học về lương tri và khát vọng tìm chân lý cho những ai tin tưởng vào sự tiến bộ và nỗ lực phấn đấu cho sự tiến bộ trên con đường nghiên cứu khoa học.
Lời giới thiệu Tuyển tập Lê Đình Kỵ, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2006.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63677561
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21279
17595
63677561

Thành viên trực tuyến

Đang có 201 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website