Đổi mới tư duy lý luận trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ 1986 đến nay

Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, cũng sắp gần 30 chẵn. Giữa hai mốc lịch sử 1975 - 1986 là hai cuộc chiến tranh biên giới, chính sách cấm vận của Mỹ, những trì trệ của nền kinh tế tập trung quan liêu: thời hậu chiến đã chứng kiến biết bao khó khăn, gian khổ của đất nước.

Dù sao, thời gian đó cũng tạo điều kiện cho sức sáng tạo của dân tộc được phục hồi trong xây dựng kinh tế và văn hóa. Riêng trong lĩnh vực văn học, có thể nói đến một bước ngoặt về tư duy lý luận thể hiện trong hoạt động nghiên cứu, phê bình, có tác động tích cực đến sáng tác, thưởng ngoạn và tiếp nhận từ 1986 đến nay.

Dưới đây là một số suy nghĩ bước đầu về chủ đề này, giới hạn ở những phương diện trong sự nghiệp đổi mới tư duy lý luận văn học, với những thành tựu và hạn chế của nó.

Ảnh: Internet

Lý luận văn học không thể tách rời lịch sử sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học. Lấy dẫn chứng từ thực tiễn hoạt động văn học, có thể nhận diện bước ngoặt về tư duy lý luận diễn ra trong đời sống văn học qua ba phương diện sau đây:

1. Sự đổi mới tư duy trong quan niệm và thái độ đối với di sản văn nghệ quá khứ, đặc biệt là văn học quốc ngữ trước Cách mạng Tháng Tám

Thành tựu nổi bật nhất của khoa nghiên cứu văn học thời kỳ Đổi mới là việc đánh giá công bằng đối với các hiện tượng văn học (khuynh hướng, trào lưu, tác gia, tác phẩm) trong quá khứ. Trước đây, một mặt, do hoàn cảnh chiến tranh, hai miền chia cắt, các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện bao quát tư liệu văn học sử, nên bản đồ văn học dân tộc còn nhiều mảng trống. Mặt khác, bị chi phối nặng nề bởi cái nhìn ý thức hệ, việc phân tích và đánh giá văn học có khi rơi vào phiến diện, suy diễn về chính trị. Sau chiến tranh, đời sống văn học từng bước trở lại bình thường, học giới điềm tĩnh nhìn lại di sản văn học với tinh thần khoan hòa, “gạn đục khơi trong”, nhờ đó nhiều giá trị văn hóa và văn học được phục hồi, được khẳng định giá trị.

Không gian văn học mở rộng, đối tượng của khoa nghiên cứu văn học cũng mở ra nhiều bình diện. Văn nghệ dân gian người Việt và các tộc người thiểu số cả ba miền được tiếp cận từ góc độ folklore học và từ lý thuyết về bối cảnh. Những dự án sưu tầm và khảo sát văn nghệ dân gian được triển khai một cách hệ thống và được Nhà nước đầu tư về kinh phí đem lại kết quả là những bộ sách công phu, bề thế về các thể loại: ca dao, dân ca, hò vè, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, sử thi…

Nghiên cứu, bình luận về mười thế kỷ văn học viết của dân tộc, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19, là một thành tựu không thể phủ nhận của giới nghiên cứu hai miền Nam Bắc trong hoàn cảnh khó khăn thời chiến tranh, tiêu biểu là những bộ lịch sử văn học của nhóm Lê Quý Đôn, của các nhà giáo ở Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội, của Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Phạm Văn Diêu ở miền Nam. Kế thừa những thành tựu đó, sau ngày hòa bình, nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn học cổ điển lần lượt xuất hiện, tiêu biểu là bộ Thơ văn Lý Trần và những chuyên khảo về Truyện Kiều của Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Đặng Thanh Lê…

Văn học chữ quốc ngữ thế kỷ 20 đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Nhiều hiện tượng văn học được đánh giá lại một cách thỏa đáng: phong trào Thơ Mới, Tự Lực văn đoàn, các tác gia Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… Đối với một số trường hợp phức tạp và gay cấn hơn, tuy chưa có sự đồng thuận rộng rãi trong sự đánh giá của dư luận, nhưng tác phẩm của họ cũng được tái bản làm tư liệu sử dụng trong và ngoài nhà trường: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, Trần Dần, Lê Đạt…

Khắc phục những hạn chế về tư liệu, từ thời Đổi mới đến nay, giới nghiên cứu Việt Nam đã có sự quan tâm thích đáng đối với đời sống văn học vùng Nam Bộ với những tác gia, tác phẩm, sự kiện và vấn đề của nó. Nhờ vận dụng những lý thuyết và phương pháp tiếp cận mới, nhờ khai thác những nguồn tài liệu được cập nhật, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận định khách quan và toàn diện về văn học ở vùng đất này. Tập hợp những kết quả nghiên cứu đó theo một hệ thống nhất định sẽ cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh về văn học Nam Bộ; đồng thời giới thiệu và trình bày những bước tiến của giới khoa học xã hội và nhân văn trên địa bàn này. Bên cạnh những cuốn sách được tái bản của Bằng Giang, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Khuê…, có những công trình mới được biên soạn và ra mắt bạn đọc của Nguyễn Văn Trung, Hoàng Như Mai, Nguyễn Kim Anh, Võ Văn Nhơn, Đoàn Lê Giang, Cao Xuân Mỹ… Có thể nói, đó là những nỗ lực âm thầm mà kiên trì, bền bỉ mấy chục năm qua của nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu đã góp từng “mảnh vụn” để lấp đầy những khoảng trống, tái tạo và hoàn chỉnh bản đồ văn học sử nước Việt.

Trong phạm vi nghiên cứu văn học hiện đại, việc nhìn lại phong trào Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn có lẽ đã diễn ra trong một quy mô rộng lớn nhất. Tính từ khi tiểu luận Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ và bài thơ Tình già của Phan Khôi được công bố trên Tập văn mùa xuân, phụ san của Báo Đông Tây Xuân Nhâm Thâm 1932, và trên báo Phụ Nữ tân văn ngày 10/3/1932, phong trào Thơ Mới ra đời đến nay đã hơn 80 năm. Tính từ khi Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm giám đốc tuần báo Phong Hóa vào ngày 22/9/1932, chuẩn bị cho sự ra đời của Tự Lực văn đoàn sau đó, hơn 80 năm cũng đã trôi qua. Thời gian gần đây, một số cơ quan nghiên cứu và giảng dạy văn học trân trọng kỷ niệm hai sự kiện văn học có ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hiện đại hóa văn học nước ta.

Là sản phẩm của lịch sử và văn hóa Việt Nam, chịu ảnh hưởng bởi những biến động chính trị, xã hội, kinh tế trong tám thập niên vừa qua, hai hiện tượng văn học nói trên đã trải qua những chặng đường gập ghềnh trong sự tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá. Trong những hoàn cảnh cực đoan, có lúc Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn đã bị xem là những hiện tượng văn học suy đồi, tiêu cực, thậm chí có hại cho việc giáo dục đạo đức và thẩm mỹ.

Đường lối Đổi mới xã hội và văn hóa, văn học khởi xướng từ năm 1986 đã góp phần cứu vớt số phận của hai trào lưu văn học này, “chiêu tuyết” cho nó và từng bước đưa nó trở lại với đời sống. Những thi phẩm công bố trước 1945 của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Bích Khê, Hồ Dzếnh, Đoàn Phú Tứ, Nam Trân, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Đinh Hùng… lần lượt được in lại với số lượng lớn. Truyện ngắn, tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Trần Tiêu… cũng được tái bản và phát hành rộng rãi, chứ không phải là tài liệu hạn chế trong thư viện chỉ dành cho một số ít nhà nghiên cứu tiếp xúc mà thôi. Một số bài thơ hay của văn học lãng mạn được đưa vào các tuyển tập, được bình giảng trong sách giáo khoa trung học, được chọn làm đề thi tú tài và đại học. Hầu hết các nhà thơ, nhà văn nói trên cùng tác phẩm của họ được khảo sát trong các tiểu luận, luận văn, luận án ở nhà trường đại học.

Có thể nói một trong những thành tựu lớn nhất của khoa nghiên cứu, phê bình văn học thời kỳ Đổi mới là việc phân tích, nhận thức lại những hiện tượng văn học quá khứ đã từng bị đánh giá bất công, từ đó đi đến nhận định khách quan và xác lập cho nó vị trí xứng đáng trong văn học sử. Những nhận xét thỏa đáng về các hiện tượng văn học ấy của Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan trước 1945 và của những nhà nghiên cứu ở miền Nam trước 1975 như Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Đặng Tiến, Lê Huy Oanh, Bùi Đức Tịnh… được thừa nhận. Một số nhà nghiên cứu từng nặng lời với Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn trước đây cũng thay đổi cách nhìn. Đặc biệt, từ cuối những năm 80 thế kỷ trước đến nay, nhiều công trình cá nhân và tập thể đã được biên soạn trong tinh thần khoa học, giúp người đọc cảm và hiểu sâu hơn những tác gia, tác phẩm của một giai đoạn văn học phát triển mạnh mẽ vào những năm 1932 - 1945. Có thể kể ở đây một số cuốn sách tiêu biểu: Thơ Mới - những bước thăng trầm Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam của Lê Đình Kỵ, Mắt thơ của Đỗ Lai Thúy, Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa… của Vương Trí Nhàn, Về Tự Lực văn đoàn của Nguyễn Trác và Đái Xuân Ninh, Tự Lực văn đoàn - con người và văn chương của Phan Cự Đệ, Tự Lực văn đoàn - trào lưu và tác giả của Hà Minh Đức, Ba đỉnh cao Thơ Mới của Chu Văn Sơn, Giọng điệu trong Thơ Mới của Nguyễn Đăng Điệp, Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca do Huy Cận và Hà Minh Đức chủ biên, đặc biệt là hai bộ sách nghiên cứu về các tác gia của Hà Minh Đức và Vu Gia…

Những công trình nghiên cứu đa dạng và đa diện về phong trào Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn cho thấy đây là những hiện tượng “một đi không trở lại” trong lịch sử văn học dân tộc, có giá trị đích thực và sức sống dài lâu, còn có thể được tiếp tục khám phá. Bằng chứng là dưới ánh sáng của thi pháp học, phong cách học, lý thuyết tiếp nhận, văn bản Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực văn đoàn bộc lộ vẻ đẹp và sự phong phú của nó, đồng thời cho thấy tiếng vang của nó còn ngân xa trong lòng các thế hệ văn thi sĩ và độc giả đến sau.

Tuy nhiên, mọi hiện tượng văn học đều có những giới hạn lịch sử của nó. Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn cũng không là ngoại lệ. Kỷ niệm hai sự kiện văn học này không phải là dịp để tôn vinh những khuôn mẫu không hề bị vượt qua mà quan trọng hơn là rút ra những bài học cho những cách tân hôm nay. Thời đại mới, con người mới luôn luôn cần những tiếng nói nghệ thuật mới. Trân quý những tiếng nói nghệ thuật cũ không có nghĩa là mãi mãi nằm trong bóng râm và vùng từ trường của nó. Trên thực tế, văn học ở những địa bàn khác nhau của đất nước, từ cuối những năm 50 thế kỷ trước đến nay, đã có những bứt phá và đột phá mà có lẽ lúc đương thời những Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu…, dù đầy tài năng, chưa thể hình dung được.

Việc nghiên cứu văn học hiện thực, văn học cách mạng cũng đi vào chiều sâu, có sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng và nghệ thuật. Điều này góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông và đại học. Được xem là “người bạn đường” của văn học cách mạng, văn học hiện thực phê phán từ lâu đã được khoa nghiên cứu văn học mác-xít đề cao. Sau 1975, với những phương pháp tiếp cận mới, những nhà nghiên cứu nước ta tiếp tục đi sâu khám phá thế giới nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng… Ngoài hàng trăm bài báo trên các tạp chí, có thể kể những cuốn sách công phu đã ra mắt: Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan của Lê Thị Đức Hạnh, Nghĩ tiếp về Nam Cao của Phong Lê, Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 của Trần Đăng Xuyền, Vũ Trọng Phụng - hôm qua và hôm nay của Trần Hữu Tá, Vũ Trọng Phụng - tài năng và sự thật của Nguyễn Hoành Khung và Lại Nguyên Ân…

Làm nền tảng cho những công trình trên đây là việc hệ thống hóa, bổ sung nguồn văn liệu từ những phát hiện mới ở những thư viện tư nhân và công cộng, trong nước và ngoài nước, góp phần hoành chỉnh dần khuôn mặt văn học dân tộc trên cả các bình diện trào lưu, tác gia, thể loại… Thành tựu nổi bật của công việc này là những công trình tập hợp và tuyển chọn tác phẩm theo thể loại như Thơ Mới 1932 - 1945 của Lại Nguyên Ân, Tuyển tập văn xuôi lãng mạn Việt Nam của Nguyễn Hoành Khung, Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam Tranh luận văn nghệ thế kỷ 20 của Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), Nguyễn Tuân - Toàn tập của Nguyễn Đăng Mạnh, Tản văn Việt Nam hiện đại của Lê Trà My, Truyện ngắn Nam Phong của Nguyễn Đình Hảo, Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa của Nguyễn Hữu Sơn… Công tác giảng dạy văn học trong nhà trường chịu ơn những công trình này qua việc nâng cao chất lượng đào tạo và cho ra đời hàng trăm luận án tiến sĩ, hàng ngàn luận văn thạc sĩ nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại.

Có thể nói chưa bao giờ không khí đổi mới gây ra được nguồn cảm hứng lớn cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện đại như giai đoạn sau 1986. Chỉ riêng lĩnh vực lịch sử phê bình văn học trước 1945 đã được khảo sát và soi chiếu kỹ lưỡng qua những công trình đã xuất bản của Mã Giang Lân, Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Mạnh Tiến, Trần Thị Việt Trung, Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên)… Việc nghiên cứu văn học giai đoạn này còn có sự cộng hưởng, chia sẻ từ một số nhà nghiên cứu ở hải ngoại mà sự đánh giá đối với văn học lãng mạn cũng như văn học hiện thực không có khoảng cách quá lớn với học giới trong nước: có thể nhận ra điều đó qua đóng góp không chỉ của Đặng Tiến, Phạm Đán Bình, Nguyễn Vy Khanh… mà cả của Anatoly Sokolov (Nga), Peter Zinoman (Mỹ)… Nhìn chung, thành tựu nghiên cứu lịch sử văn học vừa cho thấy sự đổi mới trong tư duy khoa học, vừa cho thấy khả năng hợp tác của giới nghiên cứu về đề tài Việt Nam.

2. Sự đổi mới tư duy lý luận thể hiện rõ qua việc dịch thuật, giới thiệu, quảng bá những trào lưu tư tưởng mỹ học và lý luận văn học nước ngoài vào Việt Nam.

Trong bước đầu đổi mới tư duy lý luận văn học nghệ thuật, giới nghiên cứu Việt Nam nhận thấy, cùng với việc đổi mới hệ thống lý luận văn học mác- xít, đời sống học thuật có nhu cầu nhìn lại và lý giải thật thỏa đáng những vấn đề căn bản của nguyên lý văn học. Một số vấn đề lý luận văn học phức tạp, thông qua những cuộc thảo luận và tranh luận, nhiều khi không kém phần gay gắt, được tiếp cận toàn diện, tinh tế và thuyết phục hơn: văn nghệ và chính trị, văn nghệ và đạo đức, chức năng của văn nghệ, nội dung và hình thức… Sự va chạm và xung đột tư tưởng ở đây là không tránh khỏi và không dễ tìm được sự đồng thuận một sớm một chiều, nhưng chắc chắn đời sống học thuật sẽ có cách điều chỉnh theo tinh thần biện chứng.

Bên cạnh việc tiếp tục truyền bá những công trình lý luận văn nghệ mác- xít, nhiều công trình lý luận ở phương Tây cũng được giới thiệu. Diện khảo sát của giới lý luận nước ta được mở rộng: phong cách học, thi pháp học, tự sự học, ký hiệu học, phân tâm học, văn học so sánh, tiếp nhận văn học…

Công lao này trước hết thuộc về những nhà nghiên cứu, phê bình có thiên hướng lý luận. Họ thường đề xuất và giải quyết những vấn đề lý luận từ thực tiễn văn học Việt Nam hay giới thiệu, phổ biến những trào lưu tư tưởng mỹ học và lý luận văn học nước ngoài vào Việt Nam. Đó là những nhà giáo ở đại học và các nhà nghiên cứu ở các Viện Văn học, Viện Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Thông tin khoa học xã hội…: Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Phan Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh, Đình Quang, Phương Lựu, Phùng Văn Tửu, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Huy Tiêu, Nguyễn Nghĩa Trọng, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Trường Lịch, Trần Duy Châu, Phan Hồng Giang, Lã Nguyên, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Lê Sơn, Nguyễn Minh, Nguyễn Quân, Lộc Phương Thủy, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương, Lê Nguyên Cẩn, Trương Đăng Dung, Lưu Liên, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Văn Dân, Đào Tuấn Ảnh, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Đăng Điệp, Trịnh Bá Đĩnh, Từ Thị Loan, Lê Phong Tuyết, Lê Lưu Oanh, Nguyễn Thị Minh Thái, Bích Thu, Tôn Thảo Miên, Phạm Xuân Nguyên, Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Huy Bắc, Nguyễn Hòa, Đoàn Đức Phương, Phạm Thành Hưng, Ngô Tự Lập, Lý Hoài Thu, Trần Hinh, Nguyễn Thị Bình, Đỗ Hải Phong, Phạm Xuân Thạch, Trần Hải Yến, Nguyễn Nam, Phan Thu Hiền, Trần Thị Phương Phương, Cao Kim Lan, Bửu Nam, Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà, Trần Thái Học, Nguyễn Thị Bích Hải, Nguyễn Thành, Trần Huyền Sâm, Phùng Ngọc Kiên, Cao Việt Dũng, Trần Văn Toàn, Nguyễn Phương Ngọc… Về phía giới sáng tác, tham gia vào công việc này có thể kể: Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Dương Tường, Inrasara… Danh sách này, chắc chắn không đầy đủ, cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu rộng rãi đến mức nào. Họ góp phần thổi một làn gió mới vào đời sống lý luận - phê bình văn học khi đề xuất vận dụng các lý thuyết và phương pháp hiện đại để soi sáng những vấn đề và hiện tượng văn nghệ Việt Nam: vấn đề ký hiệu trong nghệ thuật sân khấu truyền thống, vấn đề thi pháp Truyện Kiều, so sánh văn học Việt Nam và nước ngoài, tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa học, tinh thần hậu hiện đại và chủ nghĩa nữ quyền trong sáng tác của một số nhà văn đương đại…

Một cách công bằng, phải ghi nhận rằng một số lý thuyết và phương pháp văn học như thi học, phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc, văn học so sánh, tiếp nhận văn học… từng được du nhập và giới thiệu ở miền Nam trước 1975, qua nỗ lực của Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Ngọc Ninh, Bùi Hữu Sủng, Lê Tuyên, Bửu Ý, Nguyên Sa, Vũ Đình Lưu, Đỗ Khánh Hoan, Đỗ Long Vân, Lê Thanh Hoàng Dân… Tuy nhiên, việc giới thiệu đó chủ yếu dừng lại ở bình diện lý thuyết, còn việc vận dụng mới ở bước đầu nên chưa có nhiều thành tựu. Phải đợi đến khi đất nước thống nhất và đổi mới, chúng ta mới thấy những công trình bề thế về thi pháp học, văn học so sánh, tiếp nhận văn học…

Điều thú vị là đời sống lý luận - phê bình đã chứng kiến một sự gặp gỡ có ý nghĩa tích hợp. Trước năm 1975, nếu thế mạnh của các nhà nghiên cứu miền Bắc là ảnh hưởng của lý thuyết mác-xít, thì sở trường của các nhà nghiên cứu miền Nam là ảnh hưởng của các lý thuyết phương Tây. Từ khi đất nước thống nhất, tinh hoa lý luận và sáng tác văn học từ nhiều chân trời thế giới được chọn lọc, tiếp thu và khai thác đa dạng. Giới nghiên cứu được hình thành không chỉ từ những thế hệ được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa mà còn từ một số nước Âu - Mỹ. Chính vì vậy mà chưa bao giờ tư duy lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam đứng trước viễn cảnh hội nhập và hiện đại hóa rộng rãi như hiện nay.

Có thể nói, trong ba thập niên qua, việc nghiên cứu và giảng dạy các trào lưu tư tưởng lý luận văn nghệ trên thế giới đã có một bước tiến khá dài. Tuy nhiên, thành tựu về mặt này diễn ra trên bề rộng hơn là chiều sâu, ít nhiều mang tính chất tự phát, chiều theo những nhu cầu thời thượng và sự vận dụng có khi khiên cưỡng. Một nền lý luận văn học phát triển toàn diện cần có sự cân đối trong tiếp nhận tư tưởng phương Đông và phương Tây, đồng thời sự tiếp nhận đó cần diễn ra trên cơ sở một nội lực vững mạnh của tinh thần dân tộc.

3. Một phương diện của đổi mới tư duy lý luận là thái độ và cung cách nhận diện tiến trình văn học thời kỳ đổi mới, thông qua việc đánh giá những hiện tượng có ý nghĩa thời sự

Thực tiễn sáng tác văn học thời hậu chiến đã cho thấy sự nở rộ của nhiều khuynh hướng và phong cách trong việc thể hiện những đề tài khác nhau: lịch sử dân tộc, kháng chiến và cách mạng, xây dựng và cải cách xã hội, số phận con người, tình yêu đôi lứa… Như một “mỹ học đang vận động”, lý luận - phê bình không thể đứng ngoài tiến trình văn học, không thể bàng quan với những hiện tượng mới của sáng tác văn học.

Diện mạo của phê bình văn học thời kỳ này gắn liền với những nhà phê bình bám sát vào đời sống văn học đương đại, thường xuyên có ý kiến về những tác phẩm mới, những tác giả trẻ. Họ có ý hướng trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp và có đóng góp vào việc nhận diện tiến trình văn học thời kỳ Đổi mới. Họ chính là người của “cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn” như cách nói của Nguyễn Khải. Viết về cái đương thời, họ đối diện với những vấn đề nóng bỏng, gây tranh cãi và không ngại bộc lộ chủ kiến nên không tránh khỏi va chạm.

Đời sống văn học sau 1975 đã chứng kiến những cuộc thảo luận về tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn…, thu hút sự quan tâm của nhiều cây bút lý luận - phê bình thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Trong khi tiếng nói của thế hệ những nhà phê bình hình thành trong thời kỳ chiến tranh vẫn phát huy tác dụng, thì tiếng nói của các thế hệ trẻ hơn, xuất hiện sau chiến tranh hay sau thời kỳ Đổi mới cũng từng bước khẳng định. Một số nhà nghiên cứu cao niên trước đây chỉ chuyên tâm đến văn học nước ngoài, nhờ không khí hào hứng của công cuộc đổi mới, đã bước vào lĩnh vực phê bình văn học Việt Nam với sự nồng nhiệt và khám phá riêng: Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Anh Đào…

Nói đến những nhà phê bình thời Đổi mới, xin nhắc ở đây một gương mặt nữ đáng quý là Thiếu Mai. Nhiều năm liền phụ trách biên tập trang lý luận - phê bình của báo Văn Nghệ, Thiếu Mai là người phát hiện, ủng hộ và cổ vũ nhiều cây bút phê bình trẻ. Trước khi từ trần, bà chỉ in hai tập sách: Thơ - những gương mặt Hái giữa đôi bờ với giọng văn từ tốn, điềm đạm, có lý có tình. Thiếu Mai là nhà phê bình không bao giờ phản bội lại lý tưởng đổi mới và không bao giờ viết bất cứ điều gì gây bất lợi cho sự phát triển của văn học.

Nhìn lại hoạt động phê bình thời Đổi mới, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót của nó: hiện tượng bỏ cuộc của những nhà phê bình không bền chí, sự đánh giá thiên lệch, phiến diện, thiếu khách quan và thái độ quy chụp ác ý giữa những người đồng nghiệp.

4. Kết luận

Như vậy, qua hoạt động nghiên cứu văn học sử, hoạt động giới thiệu và vận dụng lý thuyết văn nghệ nước ngoài và hoạt động phê bình văn học thời hậu chiến, có thể nhận diện bước ngoặt về tư duy lý luận văn học nghệ thuật ở Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới. Sự đổi mới tư duy lý luận không nằm ngoài thực tiễn văn học và cần được lý giải trên nền thực tiễn đó. Điều quan trọng ở đây là cần phải đúc kết thực chất bước ngoặt của sự đổi mới đó là gì, nói cách khác, đâu là những điểm căn cốt về lý luận của sự đổi mới này? Chúng tôi xin tạm khái quát qua những kết luận sau đây:

Một, sự đổi mới tư duy lý luận văn học thể hiện qua việc kết hợp hài hòa và biện chứng giữa yêu cầu về tính dân tộc và tính nhân loại, vấn đề số phận cộng đồng và số phận cá nhân.

Trong hoàn cảnh chiến tranh vệ quốc, lý luận văn nghệ đề cao tính dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, coi trọng số phận cộng đồng là chính đáng. Trong điều kiện hòa bình và xây dựng xã hội mới, công bằng, dân chủ, văn minh, vấn đề tính nhân loại, số phận cá nhân, tự do và hạnh phúc con người trở nên bức thiết. Lý luận văn học thời Đổi mới quan tâm đến phương diện nhân học của văn học, đề cao chủ nghĩa nhân văn, giá trị nhân bản trong văn học. Vấn đề không phải là đề cao mặt này để hạ thấp mặt khác, mà là tạo nên sự kết hợp hài hòa, nhuần nhị và biện chứng để cho thấy sức sống và sự phát triển của văn học dân tộc trong thời đại mới.

Hai, sự đổi mới tư duy lý luận văn nghệ thể hiện qua việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và cách tân.

Sự vận động và phát triển của văn học bao giờ cũng đặt nền tảng trên sự kết hợp những yếu tố ổn định và biến đổi, truyền thống và cách tân. Từng hiện tượng văn học cụ thể (khuynh hướng, trào lưu, trường phái, tác phẩm…) có thể thiên về yếu tố này hay yếu tố kia, nhưng cả một nền văn học, một tiến trình văn học thì cần đến cả hai.

Cách tân văn học không phải từ hư vô mà xuất phát từ truyền thống, nhằm bổ sung, cải biến hay làm mới truyền thống. Có cách tân về nội dung và cách tân về hình thức. Văn học nói riêng, văn hóa nói chung, là chuyện trăm năm chứ không phải là chuyện ngày một ngày hai trước mắt. Truyền thống là sự có mặt của quá khứ trong hiện tại và tương lai. Còn cách tân là mầm mống của tương lai trong hiện tại, nó tác động đến cả cách nhìn và tiếp thu của con người đương đại với quá khứ.

Quy luật kế thừa và đổi mới luôn luôn hành chức trong quá trình vận động và phát triển của văn học. Không thể kế thừa đích thực nếu không đồng thời tiến hành đổi mới; cũng không thể đổi mới thành công nếu xem nhẹ, thậm chí phủ nhận sự kế thừa. Không có quỹ thừa kế thì tiến trình văn học không thể phát triển được, sự đổi mới cũng không thể triển khai được. Kinh nghiệm cho thấy mọi sự phủ định tuyệt đối, không tính đến sự kế thừa, sẽ dẫn đến thất bại. Những phủ định, nếu có, cũng là nhằm hướng đến sự chuẩn bị để sáng tạo những giá trị mới. Trái lại, không đổi mới, thì truyền thống chỉ là một thứ vốn cố định bị đóng băng, đông cứng.

Ba, sự đổi mới tư duy lý luận văn nghệ thể hiện qua việc kết hợp hài hòa giữa nhân tố tư tưởng và nhân tố nghệ thuật.

Trong đời sống văn nghệ trước 1975, không phải lý luận văn nghệ xem nhẹ tính nghệ thuật hay vai trò của hình thức. Nhưng trong thực tiễn sáng tác và phê bình thời kỳ đó, vị trí ưu tiên vẫn thường dành cho nội dung tư tưởng, cho thế giới quan. Hoàn cảnh sau chiến tranh tạo điều kiện để người làm văn học đầu tư cho chất lượng nghệ thuật, hoàn thiện nội dung và hình thức như một thể thống nhất, thể hiện chức năng thẩm mỹ của thông điệp. Đó là tiền đề cho sự ra đời của những phong cách độc đáo và đa dạng. Không phải ngẫu nhiên mà đời sống lý luận văn học đã chứng kiến giới nghiên cứu hướng về tìm hiểu hình thức luận, thi pháp học, phong cách học, ký hiệu học… Nếu không bị lạm dụng, kinh nghiệm của các khuynh hướng này có thể làm phong phú hoạt động văn học và nâng cao chất lượng cả trên bình diện nghiên cứu, phê bình lẫn trên bình diện sáng tác.

Bốn, sự đổi mới tư duy lý luận văn nghệ thể hiện qua sự tương tác và kết hợp hài hòa vai trò của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận trong môi trường văn học.

Tư duy lý luận văn học truyền thống coi trọng yếu tố bối cảnh được quy chiếu và yếu tố biểu hiện của nhà văn. Tư duy lý luận văn học hiện đại đề cao yếu tố thông điệp, ngôn ngữ thi ca, mã nghệ thuật và đặc biệt là vai trò của người đọc. Quá trình sáng tạo và quá trình tiếp nhận cùng trong một mối quan hệ hỗ tương của tiến trình văn học. Nhà văn và người đọc đều giữ vai trò chủ động trong việc xây dựng một nền văn học mới. Trong tinh thần đó, lý luận văn học thời Đổi mới khẳng định tính chất đồng sáng tạo trong hoạt động tiếp nhận. Lý thuyết tiếp nhận, phê bình phản hồi - độc giả ngày càng được quan tâm, giúp khoa văn học lý giải số phận lịch sử của tác phẩm văn học và tính quy luật của sự thưởng thức, cảm thụ cũng như những nhu cầu của công chúng.

Sau 30 năm nhìn lại, không thể phủ nhận rằng công cuộc Đổi mới xã hội và đổi mới văn nghệ là một sự nghiệp tiến bộ. Trong sự đổi mới đó, có vai trò của đổi mới tư duy lý luận. Nhờ tư duy lý luận ngày càng sâu sắc, tinh tế, nhạy bén mà sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học ngày càng phát triển đa dạng. Ngược lại, đời sống văn học phát triển cũng tác động đến sự phát triển của tư duy lý luận. Sự tiến bộ trong văn học có thể diễn ra dưới hình thái tiệm tiến, từng bước hay nhảy vọt, đột biến. Qua quá trình chuẩn bị và tích tụ lâu dài, bước ngoặt đổi mới tư duy lý luận là một một bước tiến bộ nhảy vọt, góp phần nâng cao vị thế của nền văn học dân tộc.

H.N.P
Nguồn: Tạp chí Sông Hương số 327/05-2016.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60521803
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3296
10018
60521803

Thành viên trực tuyến

Đang có 240 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website