Bản ngã tự khẳng định trong khi tự đối lập
Hegel
Ở Việt Nam, trong nghiên cứu văn học, không hiểu từ bao giờ, người ta luôn xếp lý luận vào chiếu nhất, còn phê bình ở chiếu bét. Có thể lý luận là độc quyền của một cơ quan quyền uy nào đó, hoặc của những đầu óc có tư duy trừu tượng. Vì sang cả như vậy, nên lý luận luôn hấp dẫn những đầu óc mộng mơ. Trần Đình Sử và tôi đều xuất thân ngoại ngữ, cái cửa sổ để mơ mộng thế giới. Hẳn vì vậy, anh và tôi cùng ham thích lý thuyết. Bất cứ một hiện tượng văn học nào cũng được chúng tôi nhìn từ cạnh khía lý thuyết. Có điều Trần Đình Sử, làm nghề giảng dạy lý luận, đi từ lý thuyết đến tác phẩm, còn tôi, một đãng tử đọc sách, đi từ tác phẩm đến lý thuyết, đúng hơn luận thuyết. Bởi vậy, Trần Đình Sử làm lý luận văn học, còn tôi làm phê bình.
Về tuổi đời, Trần Đình Sử chỉ hơn tôi tám, nhưng tuổi nghề, anh hơn tôi cả mấy chục. Anh thuộc thế hệ đàn anh. Trong sự phát triển tăng tốc của thế kỷ XX, “một năm có thể bằng ba mươi năm” (Vũ Ngọc Phan), thì thời điểm xuất hiện của một tác giả có nhiều ý nghĩa. Nguyễn Đình Thi tuổi cũng xấp xỉ các nhà Thơ mới, nhưng chỉ đến đầu kháng chiến chống Pháp mới xuất hiện, nên ông đã thuộc về một thế hệ nhà thơ khác. Trong phê bình cũng vậy, xuất hiện vào thời đầu Đổi mới, bị hấp dẫn bởi các vấn đề chính trị văn học, hay xã hội học văn học, lại tìm thấy những đáp án ngon ăn ở lý luận Nga – Xô viết, nên nhiều nhà phê bình, dù thông minh có thừa, sau Đổi mới thì không tự đổi mới được nữa. Hẳn họ không vượt qua nổi những “người thầy đầu tiên.” Tuy vậy, người thuộc thế hệ sau muốn đi lên phía trước, quả thực phải biết vượt gộp, tức phải kinh qua những gì mà người đi trước đã qua, không phải để bỏ lại mà gộp chúng vào hành trang của mình như một trải nghiệm riêng thuộc.
Vỡ lòng phê bình của tôi được học những bài học hay. Đầu tiên là cuốn Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) của Phan Ngọc. Nhờ ông mà tôi vượt thoát khỏi cái quan niệm văn là người (Phong cách, chính là con người) của Buffon, mà anh Nguyễn Đăng Mạnh đã nhiều gặt hái, và đến nay không ít người còn đang mót lại, để đến với khái niệm phong cách ngôn ngữ, hoặc rõ hơn phong cách là/bằng ngôn ngữ. Phan Ngọc đã chứng minh một cách thuyết phục cho cái định nghĩa của ông, phong cách là sự lựa chọn. Tuy nhiên, với tôi thì định nghĩa ấy quá lỏng, nên trong công trình của mình, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, tôi nêu ra một định nghĩa khác, dễ thực hành hơn: Phong cách là sự lệch chuẩn. Tôi còn thấy ở cuốn sách ấy, Phan Ngọc còn khá máy móc, do coi sáng tác như một quy trình sản xuất, đẩy thao tác thành thao tác luận, đẩy nghệ thuật thành thủ công. Tôi có viết một bài phê bình, gửi Lại Nguyên Ân bấy giờ đang trông coi mục lý luận phê bình thay chị Thiếu Mai ở báo Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc. Một vài ngày sau, anh Ân đem trả lại: ông Phan Ngọc là người đổi mới, chúng tôi ủng hộ những ai Đổi mới, vậy mà bài của cậu lại có vài điểm chê ông Phan Ngọc. Tôi kể chuyện này cho ông hàng xóm cùng phố Lê Phụng Hiểu của tôi, nhà thơ Trần Nguyên Vấn, anh bèn gửi vào cho Nguyễn Khoa Điềm đăng trên tạp chí Sông Hương.
Một vỡ lòng khác là Thi pháp thơ Tố Hữu (1987) của Trần Đình Sử. Anh Sử đã giải quyết giúp tôi vấn đề Nội dung và Hình thức, một vấn nạn hãm bước văn học Việt Nam, làm cho sáng tác thì suy nghệ thuật, phê bình thì suy học thuật. Trong lúc người ta còn kinh sợ hình thức, coi hình thức như một cấm kỵ, thì Trần Đình Sử tuyên bố đối tượng của thi pháp học chính là hình thức, tuy nhiên không phải bất kỳ hình thức nào, mà hình thức có tính quan niệm, cái thống nhất giữa nội dung và hình thức. Trước đây, anh Nguyễn Đăng Mạnh cũng hay dẫn Belinski nói hình thức thống nhất với nội dung. Nhưng quan trọng là thống nhất như thế nào và thao tác hóa nó ra sao thì anh không nói đến/được. Tuy nhiên, hình thức có tính quan niệm cũng còn ít nhiều trừu tượng, khó thao tác hóa so với các cặp khái niệm khác như vật liệu và cấu trúc, vật liệu và hình thức, vật liệu và phong cách. Nhất là so với sự lưỡng phân triệt để của nhà ngữ học cấu trúc Đan Mạch Hjelmslev: nội dung thì chia thành nội dung của nội dung và nội dung của hình thức, hình thức cũng chia thành hình thức của hình thức và hình thức của nội dung. Như vậy, nội dung của nội dung là tài liệu, hình thức của hình thức là vật liệu, đều là những thứ phi nghệ thuật, còn nội dung của hình thức và hình thức của nội dung là nghệ thuật, đối tượng thực sự của phê bình văn học.
Giữa những năm 80, thấy tôi còn bức xúc về những cuốn sách dịch mà không/chưa được in, hoặc khi in được thì lại bị chôm chỉa, anh Nguyễn Đăng Mạnh, bạn vong niên của tôi, bảo: Thúy nên bỏ dịch chuyển sang viết phê bình, hay chí ít phê bình sự phê bình. Kìa, Phạm Mạnh Hùng dịch đến hơn 20 cuốn tiểu thuyết mà mấy ai biết đến đâu, còn cậu Suyền (GS. Trần Đăng Suyền) chỉ mới viết có một bài về Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng mà đi đâu cũng được cánh nhà văn săn đón. Hay như cậu Sử (GS. Trần Đình Sử) mới ở Nga về chỉ cần một bài Thời gian nghệ thuật trong truyện Kiều (Tạp chí Văn học, 5-1981) mà danh nổi như cồn. Dù thích thi pháp học, nhưng nghe anh Mạnh nói thế tôi cũng chỉ biết thế. Đến khi Trần Đình Sử có hẳn một chuyên luận về thi pháp, dẫu rằng thi pháp của thơ Tố Hữu, thì tôi không thể không viết. Nhất là chị Thiếu Mai hứa đăng. Thi pháp học, có thể nói, mang đến một cái nhìn khác về thơ Tố Hữu so với những nhà “Tố Hữu học” trước đó, thậm chí khác cả với sự hình dung của chính Tố Hữu về thơ ông. Xưa nay, Tố Hữu vẫn theo đuổi ngôi vị nhà thơ của các nhà thơ, tức ngồi vào tất cả các chiếu, nay thi pháp học Trần Đình Sử chỉ cho ông ngồi một chiếu, dù là chiếu nhất: thơ trữ tình chính trị, thì hẳn chẳng làm ông hài lòng. Bằng chứng là sự “mần thinh” không phản ứng gì của Tố Hữu, khi nhà xuất bản long trọng mang sách đến biếu tặng. Điều này liệu có thể làm Trần Đình Sử bất ngờ? Nhưng với tôi, chỉ riêng việc đưa thi pháp học vào Việt Nam, một xã hội trọng tĩnh, “bốn nghìn năm ta vẫn là ta,” đã là một đóng góp của Trần Đình Sử, còn thơ Tố Hữu, hoặc chính Tố Hữu, xét cho cùng, chỉ là dẫn liệu, một công cụ truyền tải.
Sự thành công của Thi pháp thơ Tố Hữu đã nảy ra nhiều ý kiến: học thuật có, ghen tỵ có, ghen tỵ núp dưới vỏ bọc học thuật cũng có. Trước hết là sự dè bỉu: thi pháp học có gì là mới mà phải ầm ĩ thế? Cách đây hơn hai nghìn năm đã có rồi! Trong bài viết của mình tôi đã phải “cãi” cho Trần Đình Sử, đúng hơn cho tôi, rằng cần phân biệt thi pháp học cổ điển từ Aristotle và thi pháp học hiện đại khởi từ trường phái hình thức Nga. Một đằng là thi pháp học quy phạm, dạy nhà văn viết ra những tác phẩm đúng, còn đằng kia là thi pháp học miêu tả, nghiên cứu văn bản theo cách dựng mô hình. Thi pháp học của Trần Đình Sử là thi pháp học hiện đại. Tuy nhiên, so với thi pháp học phương Tây, hoặc chính trường phái hình thức Nga, thì thi pháp học Nga - Xô viết có vẻ thiên về nội dung hơn, nên dễ lẫn với xã hội học văn học. Không phải không có lý khi La Khắc Hòa gọi đó là “thi pháp học nội dung.” Do không phân biệt được sự khác về nguyên tắc này của thi pháp học hiện đại so với thi pháp học cổ điển, nhất là không coi thi pháp học hiện đại là một lý thuyết văn học, nên số đông người tưởng rằng chỉ cần tiếp thu các thủ pháp là đủ. Sự “ngắt ngọn” này biến thi pháp học nhanh chóng trở thành thời thượng. Người người thi pháp, nhà nhà thi pháp. Đến nỗi xuất hiện những cuốn sách chẳng thi pháp tẹo nào cũng trưng biển thi pháp. Trần Đình Sử, dĩ nhiên, chẳng phải chịu trách nhiệm gì vì cái hội chứng thi pháp này. Ông thuộc thế hệ đầu tiên đưa thi pháp học vào Việt Nam, uống lý thuyết tận nguồn và thực hành phê bình với nhiều sáng tạo. Còn các thế hệ F2, F3, F4 sau ông, thì hầu như chỉ dùng lại nguồn nước của ông, khi các khái niệm công cụ đã trở nên sờn mòn. Hơn nữa, ăn theo cũng là một tệ chung của tư duy Việt Nam. Nó biến một luận thuyết nghiêm túc, khó nuốt nhanh chóng trở thành mì ăn liền: học thật thành học giả, thi pháp học thành thi phét học (từ của Phương Lựu).
Hiện nay, nhiều người đòi “xét lại” Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử. Anh Phạm Vĩnh Cư hỏi một câu hỏi tu từ: Thơ dở cũng có thi pháp học à? Thực ra, thơ Tố Hữu không dở, mà thơ ông là “ngọn cờ đầu” cho một kiểu thơ dở, thơ tuyên truyền chính trị hay cổ động chính sách. Nhiều người thắc mắc tại sao Trần Đình Sử lại chọn thơ Tố Hữu, liệu còn có động cơ nào ngoài học thuật? Tôi nghĩ, vào thời điểm ấy chọn thơ Tố Hữu làm dẫn liệu cũng dễ hiểu. Thơ ông là lớp đường bọc viên thuốc đắng thi pháp học để cho những cái miệng ưa của ngọt dễ nuốt. Hơn nữa, thơ Tố Hữu đã được nhiều nhà Tố Hữu học mài miệt viết, công trình nhiều vô số, nay Trần Đình Sử tiếp cận thơ ông từ thi pháp học thì bạn đọc qua so sánh dễ thấy được thành công mới do phương pháp mới đưa lại. Hơn nữa, ngoài Thi pháp thơ Tố Hữu, Trần Đình Sử còn có Thi pháp Truyện Kiều (2002, 2018), Thi pháp văn học Trung đại Việt Nam (1989), Dẫn luận thi pháp học (1998, 2004), Dẫn luận thi pháp học văn học (2017). Ngoài ra, Trần Đình Sử còn có Tự sự học, lý thuyết và ứng dụng (chủ biên, 2017), rồi dịch (chung) Những vấn đề thi pháp Dostoievsky (1993), Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc (1990), Bốn bài giảng về mỹ học (2004)…
Như vậy, đóng góp của Trần Đình Sử trong việc giới thiệu lý thuyết văn học thế giới và ứng dụng vào văn học Việt Nam là hết sức quan trọng. Ông lại là giáo sư đầu ngành, đào tạo ra nhiều học trò có cương vị công tác, nên mỗi thành tựu phê bình mới mẻ của ông lập tức truyền vào các thế hệ học trò theo kiểu xòe quạt. Cách đây hơn chục năm, tôi có hướng dẫn một học viên cao học làm luận văn thạc sĩ về Đóng góp của Trần Đình Sử trong Nghiên cứu và Phê bình Thi pháp học. Có người trong hội đồng chấm đề cương hỏi tôi: Sao Trần Đình Sử “đánh” ông như thế mà ông vẫn cho học viên làm luận văn về ông ta? Tôi trả lời rằng mình đủ tự tin để phân biệt được chuyện gì thuộc về cá nhân, chuyện gì thuộc về học thuật. Thành công học thuật của Trần Đình Sử cần phải được nghiên cứu, lý giải, để làm bài học kinh nghiệm cho thế hệ sau. Hơn nữa, tại sao nhiều nhà văn nhà thơ chỉ thuộc bàn nhì, thậm chí bàn ba, cũng đã là đối tượng cho các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ mà một nhà phê bình đầu ngành hiện nay như Trần Đình Sử lại không xứng một luận văn thạc sĩ? Người trong ngành còn tự mình rẻ rúng mình như vậy thì thử hỏi sao cánh ngoài ngành, như sáng tác chẳng hạn, tôn trọng? Qua việc hướng dẫn này, trước/trên hết tôi muốn tôn trọng nghiệp phê bình văn học của tôi.
Thực ra, tôi không được/bị học văn một cách chính quy/thống, mà từ ngoại ngữ/vi xé rào sang, nên để chứng minh dẫu mình là kẻ “ngoại đạo” vẫn làm được việc, tôi phải tìm cách tự học. Một trong những cách “tự sinh tự diệt” đó là tìm người để đối thoại, có những người đối thoại theo trường hợp, theo giai đoạn, nhưng cũng có những người đối thoại suốt đời. Mà đối thoại tốt nhất là đọc, suy nghĩ và viết. Trần Đình Sử được tôi chọn là người đối thoại. Một đối trọng học thuật. Đối trọng là để tìm ra điểm yếu của mình mà tự vượt mình, chứ không phải để vượt qua người mình lấy làm đối trọng. Nhưng, có thể, chính anh hoặc đám đồ đệ đông đảo quanh anh tưởng tôi là kẻ đối lập, nên cũng nhiều lúc “cái bấc ném đi hòn chì ném lại.” Có một buổi tối, nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi nhấc máy lên, một giọng hùng hổ chửi: Mày là thằng nào mà dám chê Hoàng Ngọc Hiến. Mày xách dép cho ông Hiến có đáng không? Tôi sững người chưa kịp hiểu mô tê gì thì máy cúp. Chả là mấy hôm trước báo có đăng một bài viết của tôi về những nghịch lý của Hoàng Ngọc Hiến, một đối trọng khác của tôi, rằng anh Hiến cả đời nghiên cứu triết học, muốn trở thành một triết văn, một trí thức hàn lâm, nhưng anh lại thích và chỉ thành công như một trí thức bình dân với các phát ngôn gây sốc (văn học phải đạo, cái nước mình nó thế!). Tôi hình dung trong một cuộc bia bọt, có ai đó nhắc đến bài viết của tôi về anh Hiến, thế là tất cả cái mồm nhao lên thằng Thúy láo quá, phải cho nó một bài học. Rồi cái mồm nhiều bọt bia nhất rút điện thoại ra. Có điều nó vẫn rất tỉnh táo, vì chỉ gọi điện thoại bàn và cũng chỉ chửi ngắn. Với Trần Đình Sử cũng vậy. Anh nhiều lần gọi đến tôi cật vấn sao Thúy lại bảo mình là phê bình ngắt ngọn? Tại sao Thúy nói xấu mình trong bài viết về thơ Không Lộ thiền sư? Tôi bình tĩnh thanh minh và chứng minh ngay cho anh rằng tôi không đời nào mà làm điều ấy. Chắc anh lại nghe xúi bẩy. Anh bảo mình chưa đọc nhưng vừa nghe anh Ất anh Giáp gọi điện mách. Tôi vốn có nhiều kẻ ghét ít người ưa nên không lấy làm lạ chuyện này. May anh Sử tính nóng, cả tin, nhưng rất thấu tình đạt lý, nên nhanh chóng hiểu chuyện. Từ lọt lòng chúng ta đã được dạy sống là đấu tranh, và muốn đấu tranh thì phải có kẻ thù, nếu không có kẻ thù thì phải tạo ra kẻ thù. Nên người ta không hề có khái niệmđối trọng và, sau đó, đối tác, mà chỉ có đối lập, và, sau đó, đối thụi.
Cuộc “đụng độ” lớn và thẳng thừng giữa tôi và anh Sử, đúng hơn anh Sử và tôi, là bài viết trên báo Văn Nghệ. Bài viết này anh đã viết trước đó rất lâu và gửi cho Văn hóa Nghệ An. Phan Thắng hốt hoảng gọi điện cho tôi rằng anh rất khó xử giữa hai người anh quý trọng. Thắng nói sẽ gửi bài ra để tôi đọc và tùy tôi quyết định có đăng hay không. Mấy ngày sau Thắng lại gọi ra nói anh Sử bảo đừng đăng bài ấy, anh sẽ viết lại. Thắng lại gửi cho tôi bản thảo lần hai. Bài sau tuy đã bớt nặng nề hơn nhưng vẫn còn rất nặng nề. Ít lần sau Thắng lại gọi ra bảo anh Sử đề nghị không đăng nữa và cũng không nên cho ai biết. Tôi cũng không hiểu tại sao. Rồi khi sau thấy cuốn sách về thi pháp học nhân Trần Đình Sử 70 tuổi, trong có bài viết của tôi về Nguyễn Gia Thiều, nên tôi nghĩ rằng anh rút bài viết về tôi kẻo bất tiện. Nhưng đến ngày 12/06/2010, báo Văn Nghệ đăng bài Những lý luận khó tin của Trần Đình Sử. Bài này có 2 điểm mới là 10 điểm thì anh chỉ đăng 5 điểm và nhan đề cũng đổi khác, nhẹ nhàng hơn. Nhìn chung, những phê của anh với tôi chủ yếu là bắt bẻ lý luận, nhất là lỗi thuật ngữ, kể cả lỗi đánh máy như loại hình thành thể loại. Anh bảo: “Không một sinh viên nào gọi văn học là ‘thể loại nghệ thuật thời gian’ cả.” Nhiều người, kể cả bạn thân của anh, xui tôi nên “tranh luận” lại, nhưng tôi thấy giữa anh và tôi khác nhau ở hệ hình, nên nếu tạo ra một cuộc thư hùng “ai thắng ai” thì cả hai đều bại. Hơn nữa, trước sau gì tôi vẫn coi anh là đối trọng chứ không phải đối lập. Bởi vậy, tôi chỉ viết cho người đọc và trình bày thực chất của sự khác nhau giữa anh và tôi (số 27, ngày 03/07/2010). Bửu Nam bảo, cả Huế nín thở chờ cuộc xung đột. Nhưng rồi không có gì xảy ra cả: vô chiêu đã thắng hữu chiêu.
Đời sống văn học hiện nay, theo chỗ tôi biết, có ba nhà lý luận đáng kể là Trương Đăng Dung, Trần Đình Sử và La Khắc Hòa. Trương Đăng Dung làm lý luận chay, tuy, như anh nói, tránh được bầm dập, nhưng đôi khi khô cứng như những tổng thuật. La Khắc Hòa và Trần Đình Sử làm lý luận có phê bình. Lý thuyết của các anh sống động trong thực hành, hợp với tỳ vị người Việt Nam, nhưng đôi khi không tránh khỏi là “lý thuyết từ trên xuống,” thêm một ví dụ local cho lý thuyết phổ quát. Còn tôi chỉ là nhà phê bình, ngồi bệt, nhưng là phê bình có lý thuyết. Anh Thái Bá Vân, cực đoan hơn, bảo: thực ra trong nghệ thuật chỉ có phê bình và lịch sử thôi. Phê bình là cơ sở của lịch sử, còn ai làm phê bình mà chả có lý thuyết, nếu không có thì nước mẹ gì. Sự khác nhau của người phê bình và người lý luận còn ở chỗ một đằng thì nói ra, đằng kia thì nói về. Anh Sử thiên nói về, nên hầu như anh không sai, còn tôi nói ra nên sai nhiều đúng ít. Tuy nhiên trong bài này, với tư cách là đối trọng của tôi, thì anh Sử lại là người làm ra câu chuyện, còn tôi chỉ là người kể lại câu chuyện.
Chùa Thầy, 12-2019