Sự cân bằng sinh thái của nền văn minh miệt vườn đang bị phá vỡ. Mang tư duy của người đồng bằng Bắc bộ vào cải tạo đồng bằng sông Cửu Long là một sai lầm.
Tây Nam bộ - vùng đất mới
Người Việt vào Tây Nam bộ đối diện với một “địa văn hóa” hoàn toàn khác với Bắc bộ và Trung bộ. Môi trường sông nước ở đây đã quy định phương thức sản xuất, cư trú, tín ngưỡng… Hơn nữa, người Việt, lần đầu tiên, còn phải làm ăn sinh sống theo thế cài răng lược với các tộc người khác như Khmer, Chăm, Hoa… Những hành trang truyền thống, cả vật chất lẫn tinh thần, mang vào đây có cái không dùng được, có cái phải biến cải mới dùng được.
Trước hết, họ phải tồn tại, thích nghi để mà tồn tại. Muốn có đất để cư trú và trồng lúa, người Việt phải đào kênh cho nước đồng liên thông với nước sông Tiền, sông Hậu, thoát lũ vào mùa mưa, cấp nước vào mùa khô. Hoặc những kênh rạch đưa nước ra vịnh Thái Lan nhằm thau chua rửa mặn. Trong đó nổi tiếng nhất là kênh Vĩnh Tế từ An Giang đến Hà Tiên, vừa là kênh thủy lợi, vừa là đường giao thông kinh tế, quân sự.
Từ nghề trồng lúa cổ truyền, người Việt bắt đầu trồng cây trái. Những hàng cây trồng theo luống, khi thủy triều lên, đẩy nước sông, kênh, rạch vào vườn tưới cây, thì nước rút để lại một lớp phù sa màu mỡ thay phân bón. Vườn Tây Nam bộ ngoài trồng những cây bản địa, còn du nhập nhiều cây trái mới, đặc biệt là vùng Cái [kẻ] Mơn, quê Trương Vĩnh Ký. Kinh tế vườn cao hơn ruộng nhiều lần, lại đỡ vất vả hơn. Nhà cửa xây dựng khang trang. Con cái được học hành tử tế. Từ đây xuất hiện từ vườn, miệt vườn, và một văn hóa phù hợp với nó gọi là văn minh miệt vườn.
Người Việt từ chỗ thích nghi để tồn tại đã đến chỗ thích nghi để phát triển. Ở đây, sự biến đổi ngoại cảnh cũng chính là biến đổi tâm cảnh, tức bản thân mình. Cũng là người Việt, nhưng đã phát sinh những thuộc tính mới, được gọi là cá tính Nam bộ, “tính anh Hai”. Đó là tính rộng rãi, phóng khoáng, bộc trực, trọng nghĩa, đặc biệt là trung nghĩa (sản phẩm của Nho giáo Nam bộ, vừa chính thống vừa dân gian, nhà nho vừa dạy học vừa đi buôn), cuối cùng là khả năng dung hợp, tiếp biến văn hóa, đa ngữ, đa tín ngưỡng, quần áo bà ba, khăn rằn, canh chua…
Như vậy, người Việt Tây Nam bộ đã đạt đến sự cân bằng sinh thái, cả sinh thái tự nhiên lẫn sinh thái nhân văn.
Đất mới của đất mới
Tây Nam bộ hết thẩy đều thuộc về văn minh miệt vườn. Riêng Cà Mau, Rạch Giá là một ngoại lệ. Đất vùng này chủ yếu là đất phèn ngập mặn, nên không trồng cấy được. Cây rừng phần lớn là tràm ngập nước, cây đước, cây bụi, dây leo kết thành nhiều tầng che phủ ánh mặt trời. Bởi thế, đây còn gọi là U Minh (Thượng, Hạ). Một thiên nhiên còn hoang dã. Cư dân sống bằng săn bắt, hái lượm là chính: chài lưới, ăn sáp ong, bẫy chim thú và làm rẫy. Đây là miệt dưới, miệt rừng, đối lập với miệt trên là miệt vườn. Cuộc sống cực khổ, man dã, hiểm nguy như vậy mà người Việt vẫn đến đây sinh sống, trước hết vì lý do chính trị, kinh tế. Họ là những nghĩa quân bại trận, những nông dân bị mất đất khi thực dân Pháp đánh chiếm lần lượt ba tỉnh Đông, rồi Tây Nam bộ. Rồi cả những dân nghèo trốn nợ điền chủ, nợ Hoa kiều cũng đến đây sinh sống.
Như vậy, nếu miền Tây Nam bộ, với người Việt, là đất mới, thì Cà Mau - Rạch Giá là đất mới của đất mới. Vùng đất ngập nước này còn chứa đựng rất nhiều lớp trầm tích, không chỉ của cây cối, động vật, mà cả lối sống của con người. Vì thế, có thể nói, vùng đất còn sót lại này của Tây Nam bộ là một phòng thí nghiệm tự nhiên dành cho các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu sinh thái học cả tự nhiên lẫn nhân văn.
Một nhân viên của phòng thí nghiệm tự nhiên đó là nhà văn Sơn Nam. Một công trình về phòng thí nghiệm đó là Hương rừng Cà Mau. Sơn Nam (1926 - 2008) là một nhà văn bản thổ, quê An Biên, Rạch Giá. Hương rừng Cà Mau là tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông, tác phẩm “làm cho Sơn Nam trở thành Sơn Nam”. Ngoài ra, ông còn là một nhà khảo cứu nổi danh về đất đai, văn hóa, lịch sử của Nam bộ. Hương rừng Cà Mau là một tác phẩm văn học, nhưng cũng xứng đáng được dùng như một tài liệu khoa học để nghiên cứu những vấn đề sinh thái của vùng Cà Mau nói riêng và cả Tây Nam bộ nói chung.
Một trầm tích sinh thái
Sơn Nam không lạ gì vùng đất quê hương ông, nhưng Hương rừng Cà Mau lại là một thứ hương xa, hấp dẫn óc hiếu kỳ, thói chuộng lạ của người ngoài. Hẳn ai cũng muốn được “du lịch qua những trang sách nhỏ” của Sơn Nam để được tận mắt chứng kiến cảnh bắt cá sấu, trói hai chân trước lại, đầu con nọ ghếch vào đuôi con kia, rồi lùa cả đàn từ rừng về nhà như lùa vịt. Điều này gợi nhắc đến Ba Phi, người thông minh, tài trí, có sức khỏe phi thường, bắt sấu dưới sông, đánh cọp trên rừng, những phẩm chất của kẻ chinh phục, làm nức lòng người sau đi khai phá. Hoặc truyện “ngủ mùng nước”, “ngủ mùng gió” của những người đi nhổ bàng ở những cánh đồng hoang đầy muỗi…
Những câu chuyện ly kỳ như vậy, Sơn Nam không miêu tả trực tiếp, mà thông qua người kể chuyện để tạo một khoảng cách giữa người nghe và đối tượng được kể. Người kể chuyện của ông thường không phải là người địa phương mà từ nơi khác đến, hoặc nếu ở địa phương thì cũng đi học xa từ nhỏ, nay trở về trở thành thầy Hai, cậu Hai. Đó là những thanh niên ở Sài Gòn, Mỹ Tho đến, hoặc chủ tiệm tạp hóa, chủ nhà máy xay xát gạo trên thị trấn. Họ đã chứng kiến, trải nghiệm, hoặc chỉ nghe chuyện rồi đem kể lại. Đi theo người kể chuyện đứng ngoài như vậy, bạn đọc thâm nhập dần vào vùng đất lạ kỳ như nhà nhân học với phương pháp quan sát - tham dự.
Đổ vỡ sinh thái qua Hương rừng Cà Mau
Hương rừng Cà Mau không chỉ đáp ứng nhu cầu chuộng lạ, mà còn hấp dẫn bởi những vấn đề sinh thái. Vùng rừng Cà Mau với tính chất nguyên sinh của nó, con người Cà Mau với tính chất nguyên thủy của nó, đã đạt được sự cân bằng, dù là cân bằng động. Người dân ở đây khai thác tự nhiên để/đủ sống, một cuộc sống vừa phải, tùng tiệm. Họ tri túc, chứ không tận thụ, tận diệt. Đơn cử, cá sấu là kẻ thù của con người, nhưng cũng là con vật, như chim kền kền, ăn xác thối, giúp con người dọn vệ sinh môi trường, nên họ không bắt khi sấu sắp đẻ trứng hay đang trong thời kỳ trông đàn con nhỏ...
Bức đá chạm thủ bút Sơn Nam chép bài thơ “Hương rừng Cà Mau” tại Nhà lưu niệm Sơn Nam. Ảnh: thamhiemmekong.com
Nhưng sự cân bằng mỏng manh này bắt đầu nghiêng lệch khi xuất hiện những yếu tố mới. Trước hết, đó là những chủ hiệu tạp hóa, chủ nhà máy xay xát, những người thu mua lâm thổ sản, những quan chức thuộc địa… Trong Hương rừng Cà Mau, chiếc tàu từ đảo Hải Nam của người Hoa nhiều lần cập cảng Rạch Giá, hay lởn vởn ngoài khơi vùng đất mũi để mua hàng. Từ đó, thiên nhiên bắt đầu được/bị coi như là hàng hóa để khai thác. Cây đước bị chặt để đốt lấy than. Những đầm sấu cạn nước, cá sấu hết dần. Rừng bị đốt phá, chim thú cạn, cọp chạy về vùng Bảy Núi, rồi chạy sang Campuchia.
Vùng Rạch Giá, Hà Tiên nổi tiếng có nhiều sân chim, đặc biệt là chim bồ nông. Đến mùa chim đẻ trứng, chủ trại thuê người quây lại thành “sân”. Đến khi chim non nở, chim mẹ phải đi bắt cá từ Biển Hồ về mớm cho con. Rồi chim non mọc lông ống, xập xòe bay liệng. Bỗng một hôm, khi chim mẹ đi vắng, vào ban đêm, hàng chục “bạn giết” đốt đuốc xông vào “sân” giết chim con. Họ vặn cổ từng con. Những người “bạn nhổ” tức khắc nhổ lông ống. Sáng hôm sau bầy chim mẹ bay về chỉ thấy đống xác bồ nông con to như đống lúa ba bốn trăm giạ. Chim mẹ gào thét, bay tới bay lui trên sân ba bốn ngày rồi quay về Biển Hồ, không trở lại nữa. Lông chim bán cho tàu Hải Nam để kết quạt…
Hương rừng Cà Mau cho thấy cụ thể và sống động vùng đất này đang mất dần sự cân bằng sinh thái cũ, để có thể tiến tới một cân bằng sinh thái mới. Nhưng đó không phải là nền văn minh miệt vườn. Bởi lẽ, xét về mặt thổ nhưỡng, vùng miệt dưới khác hẳn miệt trên. Cà Mau trước đây là “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” thì nay cả bàn chân ấy đã bê bết bê tông rồi. Hơn nữa, bây giờ sự cân bằng sinh thái của nền văn minh miệt vườn cũng đang bị phá vỡ.
Mang tư duy của người đồng bằng Bắc bộ vào cải tạo đồng bằng sông Cửu Long là một sai lầm. Việc đắp đê khoanh vùng để cấy lúa đã làm thay đổi chế độ thủy văn sông Tiền, sông Hậu, khiến nước biển ăn sâu vào đất liền, mùa mưa thì lũ lớn, mùa khô thì không đủ nước để thau chua rửa mặn. Lúa không cấy được phải trồng dứa. Thậm chí dân không có nước ngọt để dùng. Tình trạng này càng tồi tệ thêm khi mực nước sông Mekong xuống thấp vì bị chặn nguồn.
Về một sinh thái học tư duy
Sinh thái học vốn là một bộ môn của sinh học, chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa các quần thể sinh vật và giữa chúng với môi trường tự nhiên. Sau đó nó chuyển sang nghiên cứu mối quan hệ người - người và con người với môi trường xã hội: sinh thái học nhân văn. Cuối cùng là sinh thái học tinh thần hay sinh thái học văn hóa. Nhưng, xét cho cùng, cả ba loại, hay ba giai đoạn phát triển này, của sinh thái học đều bị quy định bởi tư duy. Bởi “mọi hoạt động của con người đều được thực hiện thông qua tư duy” (F. Engels).
Từ đó, đổi mới tư duy trước hết là tư duy lại chính tư duy. Trước đây người ta hiểu lầm rằng tư duy chỉ thụ động phản ánh hiện thực khách quan, mà quên mất rằng tư duy còn là sáng tạo. Chính tư duy sáng tạo đã đẻ ra quan niệm mới, lý thuyết mới, khám phá mới, từ đó thực tại mới. Vì “tư duy là phương thức cao nhất của hoạt động tổ chức của tinh thần, mà bằng và qua ngôn ngữ, nó thiết lập quan niệm về thực tại và cách nhìn thế giới” (Edgar Morin).
Khu tưởng niệm nhà văn Sơn Nam ở Tiền Giang. Ảnh: TL
Vào thời homo érectus (người đứng thẳng), tức người trở thành người, tư duy xuất hiện đột sinh và, do đó, có tính tự trị. Cái nhìn thế giới theo kiểu hòa đồng nguyên thủy đã tạo ra tư duy tổng thể nhất nguyên. Sau đó, sự xuất hiện của tư duy phân tích/tách theo nguyên lý loại trừ đã khiến con người phải lựa chọn/loại bỏ: nếu lấy ví dụ sinh thái học thì hoặc con người là trung tâm, là thước đo của vạn vật, hoặc động/thực vật là trung tâm… Rồi tiếp đến tư duy theo nguyên lý bao hàm, một bước tiệm cận hơn với thực tại: con người vừa là trung tâm, cũng vừa là bộ phận trong tổng thể sinh thái học. Nguyên lý bao hàm đã đánh dấu sự từ bỏ lối tư duy đơn giản, để chuyển sang lối tư duy phức hợp (pensée complexe). Đây là sự chuyển đổi hệ hình tư duy: từ hệ hình của cái đơn giản (paradigme de simplicité) sang hệ hình của cái phức hợp (paradigme de complicité).
Tư duy phức hợp, một mặt, không loại bỏ tính đơn giản hóa, mà tích hợp nó vào mình. Tư duy phức hợp chấp nhận nguyên lý bất toàn và bất định của tri thức, mong muốn đạt đến một tri thức đa chiều, chú trọng liên kết cái một với cái nhiều, tạo ra sự thống nhất trong đa dạng.
Cùng với sự phát triển của vật lý thiên văn và vật lý hạ nguyên tử, lý thuyết hệ thống, lý thuyết thông tin, đặc biệt là lý thuyết tự - tổ - chức đã đưa lại “cuộc cách mạng Copernic” về tri thức luận, hình thành tri thức luận phức hợp. Theo Morin, tri thức luận phức hợp vừa hàm định thế giới vừa công nhận chủ thể. Nó đặt cái này vào cái kia trong thế tương hỗ. Thế giới của tự tính sự vật chỉ có được khi có một chủ thể tư duy, mà chủ thể tư duy lại chỉ có thể xuất hiện trong một quá trình vật lý trong đó có cả hiện tượng tự tổ chức.
Như vậy, chủ thể và đối tượng biểu lộ như hai sự xuất hiện cực hạn không tách rời nhau của mối quan hệ giữa hệ tự tổ chức và/là hệ sinh thái. Từ đó, có thể rút ra kết luận: hệ sinh thái cũng là một hệ tự tổ chức, đồng thời nghĩ đến một sinh thái học tư duy.
Đỗ Lai Thúy
Nguồn: Người đô thị, ngày 12.3.2022.