Truyện ngắn Chinh Ba - những dụ ngôn đa nghĩa

Trọn một đời văn, Chinh Ba chỉ viết khoảng 50 truyện ngắn. Nhưng với một sự nghiệp văn học ngắn ngủi, dở dang vì thời cuộc, ông đã góp phần tái hiện những trầm luân của một xã hội nhiễu nhương và bi đát, với bút pháp cô đọng dồn chứa nhiều ẩn nghĩa, khiến cho thông điệp của tác phẩm có sức vang vọng và lan tỏa.

Bìa tập truyện ngắn "Bài thơ trên xương cụt" của nhà văn Chinh Ba

Mộ huyệt và cơn khát nắng

Chinh Ba dành phần lớn tác phẩm của mình cho những suy ngẫm về sự sống và cái chết, những cảm nghiệm về thân phận khốn cùng của con người. Đọc Chinh Ba, gây ấn tượng nhất có lẽ là những hình thù kỳ quái, những số phận dị thường, những cái chết đáng sợ nơi tối tăm, ẩm thấp. Một vài truyện ngắn nghe vọng tiếng kinh cầu hồn, tuy thiếu những bóng ma.

Không gian trong truyện ngắn Chinh Ba, nếu không là căn nhà ngột ngạt, nơi cái chết đang rình rập (Tiếng đàn khuya, Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng), thì cũng chìm trong một căn hầm, một ngục đá hay nấm mồ (Đóa sen vàng, Khát nắng, Mồ sống). Nó xuất hiện như định đề về con người bị chối bỏ sự tồn tại, hoặc tồn tại trong cô độc và tuyệt vọng.

Khát nắng vẽ ra một ngục đá lạnh lẽo và tăm tối. Ánh sáng trong truyện chỉ là ánh sáng ngập ngừng của một thỏi nắng vàng, một vầng trăng. Truyện không ít những câu văn đẹp đầy chất thơ, nhưng cái lạ nằm ở chi tiết nhiều ẩn nghĩa: một người tù bị chôn vùi đời mình trong ngục tối và ước nguyện sau cùng của lão là có một tia nắng rọi thẳng vào mặt mình từ trên vách đá cao, “để sự sống của lão có trong không gian tới ngày này được nhận thực”. Bao ngày qua, lão nằm đó bất động trên hai tấm ván ghép, làm mồi cho bầy muỗi và những con rệp đói, chờ đến ngày chết rục, thúi ình ra như “con chuột già trụi lông nằm phơi bụng trong kẹt xó”. Trên đời này không ai chờ lão và lão cũng chẳng có gì để mà chờ đợi, ngoài một tia nắng vô tâm. “Lão chỉ biết rằng một phần đời người sau cùng của lão đã không có nắng rọi vào. Nên trước khi chết, lão thèm một tia nắng chiếu vào mặt, chiếu vào đôi mắt ngập bóng tối của lão; để da mặt lão nóng dậy lên, để mắt lão nhìn thẳng được mặt trời”. Điều ước tưởng chừng tầm thường và nhỏ mọn ấy đã được đánh đổi bằng chính cái chết của lão. Nắng trở thành ẩn dụ thể hiện nỗi khao khát ánh sáng của một cuộc đời giữa đêm đen.

 Như thế, truyện ngắn của Chinh Ba phủ đầy bóng tối, sự ẩm thấp và nhầy nhụa. Bóng tối đồng nghĩa với sự hốt hoảng, nỗi hiểm nguy và niềm tuyệt vọng. Mồ sống cũng là truyện ngắn gây ám ảnh với cốt truyện kỳ lạ: một thanh niên bị đạn bom tàn phá cơ thể, gần như tự chôn sống chính mình để cách ly với xã hội. Cô độc với hình hài ghê tởm đó, Vàng đã vùi mình trong một cái huyệt tối tăm, lạnh lẽo mà thế gian không hay biết. Người cha lang thang tìm đứa con trai khắp nơi và cơ duyên đã đẩy đứa con dâu của ông lạc đến đó, “nàng đã thở cái hơi hám đó trong lòng huyệt, nàng đã chung đụng với người đàn ông ở chỗ chật hẹp đó để sinh ra đứa con thơm tho này”. Một đứa bé đã ra đời nơi lòng huyệt âm u đầy tử khí. Chinh Ba miêu tả thật dữ dội và trần trụi cái giây phút khuôn mặt biến dạng kinh khiếp của Vàng hiện ra trước mắt Chót ngay lúc nàng lên cơn đau đẻ. “Tiếng nấc trong cổ họng gã và bước chân khấp khiễng của gã đến gần, gã ngồi xuống bên nàng. Hình như gã khóc, tiếng khóc nghe ì ọt, rền rĩ, đôi lúc phì phọt như tiếng kêu thoát ra từ vết máu ở cổ của một con vật bị cắt tiết. Nước mắt gã và hình như có cả nước dãi, nhỏ giọt xuống người nàng. Sau hết gã đã cởi chiếc áo độc nhất của gã đắp lên cái bụng tròn đầy của nàng rồi thất thểu bước đi…”. Cái nghịch dị ở đây không phải là thủ pháp nghệ thuật mà chính là sản phẩm của chiến tranh, chiến tranh như một thứ định mệnh bao trùm lên hiện hữu của con người, làm biến dạng nhân hình trong một hoàn cảnh mà nhân tính vẫn tìm cách chống chọi để duy trì.

Cái chết và cuộc trở dạ

Ngòi bút Chinh Ba bộc lộ rõ sở trường khi tái hiện những mảnh đời, những số phận bị cuộc chiến tàn phá. Điều gây ám ảnh không phải là khói lửa trực tiếp của chiến trường mà là những hệ lụy, những vết thương chiến tranh và sự đền bù của tình nhân loại. Nhiều nhân vật của ông là con người kỳ dị và bị khiếm khuyết: một gã khấp khiễng với cái chân tàn tật và cánh tay độc nhất; một đứa bé với hai cục môi dày bệu, đỏ hếu như chằn tinh; một người đàn ông có gương mặt bị sứt mất hàm dưới, lưỡi dài và nước chảy lòng thòng như quái vật… Dữ dội và kinh khiếp, nhân vật của Chinh Ba là hiện thân của cái kỳ dị khiến người đọc khó quên.

Viết về cuộc chiến tranh khốc liệt qua khoảng cách thời gian và sự  chiêm nghiệm, Chinh Ba cho thấy hận thù được hóa giải bằng tình yêu, những tổn thương được bù đắp bằng lòng tha thứ và sự tàn bạo được xoa dịu bằng đức khoan dung. Qua đó, nhà văn nhìn thấy sự sống nối dài sau cái chết.

Hầu hết truyện ngắn của ông đều có những cái chết không bình an. Nhưng ẩn đằng sau đó là những cuộc trở dạ. Đứa trẻ ra đời chứng kiến cái chết của đấng sinh thành ra nó. Sự sống nở ra nơi hoang dã, thâm u lại là dấu hiệu cho cuộc phục sinh. Những đứa bé như Lụa, như thằng Chằng, như đứa con của Chót tuy chào đời trong mất mát, vẫn nuôi niềm tin về “một đóa sen vàng”: rằng ai nắm giữ đóa sen vàng, người đó sẽ có cơ may vượt qua nỗi đau thương. Đoá sen vàng là biểu tượng cho tự tánh của con người biết thương yêu. Đó là đoá sen trong lòng thằng Hoà (Tóc), là đoá sen Tơ muốn trao truyền cho Lụa (Đoá sen vàng), là đoá sen của tình người bao la vây bọc lấy thằng bé lai (Thằng Chằng). Chủ đề về số phận đứa con lai, sau Chinh Ba, sẽ còn nhiều nhà văn khai thác:  Nguyễn Thị Mỹ Thanh với Thằng Chà, Nguyễn Minh Châu với Mảnh đất tình yêu, Tô Đức Chiêu với Đứa con lai… Nhưng có lẽ Chinh Ba là người tiên cảm sớm hơn hết những vết thương rỉ máu từ mối quan hệ dị chủng ép buộc này và tìm phương thuốc cứu chữa cho những nạn nhân.

Mở đầu truyện Đoá sen vàng, Chinh Ba viết: “Vào một ngày nào đó, trong một xứ sở nào đó – xứ sở của mấy nghìn năm nghèo đói và chiến tranh – có một người đàn bà bị bom lửa phủ lên người. Toàn thân bốc lửa, người đàn bà chạy như một con trâu điên, chạy đi tìm một cái ao, một cái giếng, một vũng nước”. Dụ ngôn về sự huỷ diệt đó đâu phải là sản phẩm của văn chương kỳ ảo: mấy năm sau nó sẽ được xác nhận bằng tấm ảnh Nick Út chụp Kim Phúc và những nạn nhân chiến cuộc trên đường làng Tây Ninh. Trong văn bản nghệ thuật của Chinh Ba, dụ ngôn đó gợi lên hoá thân của cái chết khi nó gắn liền với hình ảnh của sự sống: “Giữa hố bom một đoá sen hồng vươn mình khỏi mặt nước rêu xanh, khiêm tốn phô cái vẻ tinh khiết và thanh thản, nhưng rất hùng hồn chứng tỏ sự hiện hữu của mình ở chính giữa dấu tích của chiến tranh”. Từ đóa sen hồng giữa hố bom, mà sau này nhiều lần thơ ca viết về chiến tranh sẽ mượn hình ảnh để gợi lên viễn cảnh, đến đoá sen vàng trong lời kể chuyện huyền thoại của Tơ cho bé Lụa, tất cả đã trở thành biểu tượng của sự phục sinh, hơn nữa, như một giải pháp tâm linh để vượt lên tấn thảm kịch của chiến tranh.

Mộ huyệt và cơn khát nắng, cái chết và sự trở dạ, Chinh Ba đã kết hợp những đối cực của cuộc nhân sinh đầy nghịch lý nhằm tạo ra những “cảm xúc đối nghịch” nơi người đọc; khi những dữ dội, bạo liệt, gớm ghiếc và tàn nhẫn được hoá giải, cứu chuộc bằng con đường của tình yêu cuộc sống, cũng là con đường của nghệ thuật.

Điệu ru tình và bài thơ trên xương cụt

Ngoài những câu chuyện ám ảnh về chiến tranh, Chinh Ba còn viết mấy truyện ngắn mang âm sắc của tình yêu lãng mạn: Hai vì sao lạc, Kẽ hở bàn tay, Tháp tình của đá… Truyện tình của Chinh Ba hầu như không có sự phản bội. Nhà văn tin ở lòng thủy chung, ân nghĩa. Trước cái chết, tình yêu vẫn là vĩnh hằng. Có lẽ vì niềm tin không tiết chế này mà những truyện tình của ông thường đi gần về “cổ tích”. Cái nhìn lạc quan về tình yêu làm dịu đi tính chất bi đát và trắc trở thường thấy của những cuộc tình trong chiến tranh.

Đọc Chinh Ba, đôi khi ta bắt gặp những câu văn mang hơi hướng lãng mạn chịu ảnh hưởng của Tự Lực Văn đoàn, thậm chí còn mang phong vị đăng đối và hoài cổ: “Từ đó họ yêu nhau. Suối ngập hương yêu, rừng ngát ý thơ và gió reo hồn nhạc. Mối tình kia trôi qua nhiều mùa thu, đẹp như thơ chàng, thắm như mắt nàng và êm như dòng suối chảy”. Những câu chuyện tình yêu này chưa phát huy thế mạnh của ngòi bút Chinh Ba, cấu trúc tác phẩm còn để lộ sự sắp đặt, kết thúc có phần dễ dãi. Tuy vậy, tinh thần nhân bản, khát vọng hạnh phúc và hoà hợp tạo nên cái hồn và không khí của những thiên truyện. Tháp tình của đá vĩnh cửu hoá pho tượng Linh Mai như biểu tượng của tình yêu hiến dâng. Hai vì sao lạc tượng trưng cho vẻ đẹp và vẻ sáng của tình yêu nhân giới mà ánh sao của thần giới không bì kịp.

  Là người tin vào sứ mệnh cao cả của nghệ thuật, Chinh Ba muốn đánh thức lương tri của người cầm bút giữa một xã hội mà vi trùng ô nhiễm đã lây lan đến cả môi trường văn học (Một lứa cá mè). Ý thức phản kháng trở thành lẽ sống của những người như Trần Lý, rút tinh huyết từ hình hài tàn tạ để sáng tạo những trang văn xốc dậy con người (Hoa bút).

  Nếu mỗi nhà văn chỉ cần một truyện ngắn sâu sắc, hấp dẫn để người đời ghi nhớ, thì với Chinh Ba, truyện ngắn đó là Bài thơ trên xương cụt. Dù là người dè dặt, tôi cũng phải đồng ý với nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, rằng đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Truyện là điệu ru buồn của cô đào hát đi tìm người du tử của đời mình: “Điệu hành vân áo não u trầm, mang cái buồn cổ kính của dĩ vãng, rỉ ngấm qua vách lá, làm ẩm ướt những dòng cảm nghĩ… Hình như nàng sống để hát, và sống bằng tiếng hát của mình”. Đuổi bắt, nhầm lẫn và rồi “đem gửi hương cho gió phũ phàng”, Út Lệ cuối cùng đã tìm thấy những câu hát tự do, dẫu người đời dèm pha, người tình phụ bạc hay lão chồng hết sức thô lậu, tục tĩu. Sâu xa hơn, truyện ngắn này là dụ ngôn về thực trạng và nỗi đau của văn hóa ở cái thời mà những Ba Lò Heo nắm quyền chỉ đạo và bình phẩm văn nghệ: “Mấy tuần lễ sau, qua nhiều lần bình giảng thi văn bằng dao, bằng búa và bằng hơi men sặc sụa, lão kết luận rằng câu hát nào của Út Lệ cũng có ý than duyên trách phận, cũng có chút tình kín đáo nhắn gửi người chồng cũ. Cứ mỗi lần “bình giảng” như vậy, lão “bỏ” một câu hát của Út Lệ. Vì vậy mà cái vốn liếng văn nghệ của gia đình Út Lệ ngày càng sa sút nghèo nàn dần”. Trong “vòng phấn trắng” mà Ba Lò Heo quy định với những câu hát ngô nghê, lạt lẽo và vô nghĩa, người nghệ sĩ chân chính Út Lệ phải dùng giọng hát để biểu thị thái độ của mình: “Cũng từ đó, tiếng hát của chị có giọng oán hờn thống trách, dần dà về sau lại đượm ý chán nản, liều lĩnh, khinh thị. Mỗi tiếng hát như một vết dao băm vào vết đau khổ trong lòng mình, và xỉa xói vào tâm can người nghe”.

Nhưng bạo lực làm sao chấp nhận để nghệ thuật được phép lên án chính nó! Ba Lò Heo phải tìm “một giải pháp cho tình trạng bế tắc của nền văn nghệ gia đình”. Vì “định nghĩa văn nghệ là sự tẩm quất dục vọng hoặc là sự làm đã ngứa chỗ xương cụt, nên lão đã đặt cơ sở nền văn nghệ trên chiếc xương cụt của lão”. Tình thế đó buộc Út Lệ, để giành lấy quyền tự do được hát những bài hát mà mình yêu thích, phải dũng cảm ly khai với cái nền-văn-nghệ-xương-cụt đó. Thay vào chỗ của chị trong lãnh địa của Ba Lò Heo là một người đàn bà câm từ lúc lọt lòng mẹ, tượng trưng cho cái công chúng ngoan ngoãn của đường lối văn nghệ lấy xương cụt làm chỗ dựa.

Có thể nói Chinh Ba sắc sảo và sâu cay nhất là ở truyện ngắn này. Cái hay của cốt truyện đa chiều; cái lạ của phép nghịch đảo và sự trào lộng đã làm nên giá trị nghệ thuật của Bài thơ trên xương cụt.

oOo

Chinh Ba viết ít nhưng vẫn khiến những người cùng thời và bạn đọc hôm nay hỏi nhau rằng ông là ai.

Chinh Ba tên thật là Phan Tân Nhựt sinh năm 1934, quê ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cùng dòng họ và chi phái với Phan Khôi. Vào Sài Gòn cuối những năm 50 thế kỷ trước, ông viết văn, làm báo, đã cộng tác với các báo Mã thượng, Nhân loại, Lẽ sống, Ngày mới, Bông lúa, Nghị lực, Giữ thơm quê mẹ dưới nhiều bút danh: Thông Mai, Hạ Thảo, Thảo Nguyên, Cước Nguyên, Trọng Cưu, Phan Phong Chinh, Kiều Mỹ Vân, Hà Thời Đán. Bị chính quyền Việt Nam Cộng hoà theo dõi và bắt giam ba năm vì hoạt động báo chí khuynh tả, ông trốn sang Cambodge rồi qua Pháp từ năm 1967, hiện định cư ở Montpellier.

   Những truyện ngắn trên đây được tác giả viết và gửi đăng trên các báo ở Sài Gòn vào cuối những năm 50 – nửa đầu những năm 60. Riêng truyện Bài thơ trên xương cụt viết trong nhà lao Chí Hoà rồi bí mật chuyển ra ngoài và được nhà thơ Hoài Khanh chọn đăng trên tập san Giữ thơm quê mẹ số 4, tháng 10-1965, sau đó nhà xuất bản Lá Bối in lại trong tập truyện Ảo tượng (in lần đầu 1966, tái bản 1971) cùng với tác phẩm của Sơn Nam, Hồ Hữu Tường, Thiều Chi, Nhất Hạnh, Võ Phiến, Tuệ Uyển. 44 năm sau, truyện ngắn này được nhà văn Trần Hoài Thư đưa vào tuyển tập Văn  miền Nam, theo gợi ý của  nhà văn Nguyên Minh. Ngoài ra, Chinh Ba còn có một số tản văn và kịch bản ngắn in trên các báo thời kỳ đó.

Sau hơn một phần ba thế kỷ sống trên xứ người, Chinh Ba trở về quê hương nhiều lần để tìm lại những dấu tích của quá khứ - mồ mã tổ tiên, khu vườn tuổi nhỏ; nhưng ông không nghĩ đến việc tìm lại những dấu tích văn học của chính mình. Được người em là nhà thơ Chinh Văn Phan Tân Minh động viên và giúp đỡ, trong lần về quê vào dịp Tết Tân Mão, Chinh Ba đã sưu tầm những tác phẩm nằm rải rác trong sách báo cũ để tập hợp thành cuốn sách này. Có thể nói đây là những đoá sen hồng bé nhỏ của văn học miền Nam mọc lên giữa phong ba bão táp của thời cuộc, thiếu chút nữa thì bị bỏ quên bên dòng trôi đi vô tình của lịch sử, đang tìm cách tái sinh dưới trời xanh thẳm.

Nguồn: Lời bạt trong sách Bài thơ trên xương cụt, tập truyện ngắn của Chinh Ba, NXB Trẻ, TP. HCM, 2011.

In lại trong sách Huỳnh Như Phương: Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63693371
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13663
23426
63693371

Thành viên trực tuyến

Đang có 197 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website