Tưởng nhớ Lê Ký Thương (1946 – 2025)

K.VH - Lê Ký Thương, họa sĩ, nhà thơ, dịch giả sinh năm 1946, vừa qua đời ngày 14.02.2025 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi. Để tưởng nhớ ông, Website Khoa Văn học đăng tải 2 bài viết của GS. TS. Huỳnh Như Phương về sáng tác hội họa và dịch phẩm Một nỗi đau riêng (Ōe Kenzaburo) của Lê Ký Thương.

20250214

Lê Ký Thương (áo đỏ, bìa trái) giữa các văn hữu

   
   

Tạ ơn người, tạ ơn đời …

                                                 Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người,

                                                        tạ ơn đời …

                                                                                TRỊNH CÔNG SƠN

       Với chủ đề “Lạy tạ”, phòng tranh của họa sĩ - nhà thơ Lê Ký Thương mới đây tràn ngập một tình cảm biết ơn. Biết ơn nhật nguyệt mỗi ngày soi chiếu. Biết ơn chiếc lá khô “chết vui cho cành nẩy lộc”. Biết ơn con bù nhìn canh lúa trên cánh đồng vàng. Biết ơn chiếc chổi tre làm sáng bừng tâm thức.

      Vô ơn là nguồn gốc của mọi tội lỗi trên đời này. Đứa con bất hiếu vì vô ơn. Người học trò bất nghĩa vì vô ơn. Người cán bộ tham nhũng vì vô ơn với những người đã đào hầm cưu mang mình những năm đen tối.

      Kêu gọi tạ ơn là kêu gọi phản tỉnh, là khơi gợi tính thiện của con người.

      Sống trên đời là mang nợ, nợ hình hài, nợ áo cơm, nợ kiến thức. Dẫu anh giận hờn ai mà từ bỏ xã hội này ra đi làm kiếp Robinson trên hoang đảo, anh vẫn mang theo tấm vải che thân mà đồng loại đã dệt cho anh. Dẫu trên đảo hoang, anh vất bỏ cả áo quần để chỉ đóng khố bằng lá khô và vỏ cây, anh vẫn cần cái bật lửa hay một que diêm để nhóm bếp sưởi ấm và nướng thịt thú rừng. Dẫu anh vất luôn hộp diêm và bật lửa mà chỉ cần ghè hai hòn đá để làm ra lửa, thì điều đó chính là nhân loại dạy cho anh, đâu phải tự anh nghĩ ra được.

      Một số tộc người có tập quán rất đẹp: trong ngày hợp hôn, hai người nam nữ chắp tay vái lạy cha mẹ rồi vái lạy người phối ngẫu để tạ ơn nhau. Tạ ơn anh, tạ ơn em đã cho mình hạnh phúc này. Tạ ơn cha mẹ đã ban phát hình hài này để bây giờ mình thuộc về nhau. Tạ ơn trời đất đã se duyên cho mình gặp nhau đây dưới một mái nhà trên đường đời vạn dặm.

      Phải chăng ta đang chứng kiến một phần nhân loại vô ơn? Vô ơn nên mới phát thải khí nhà kính vào thiên nhiên một cách vô tội vạ. Vô ơn nên mới ngăn dòng chảy của sông ngòi làm thuỷ điện khiến nguồn cá bị cạn kiệt. Vô ơn nên mới chặt phá cây rừng bỏ vương vãi và trôi bạt ngàn khi mùa lũ đến.

      Lạy tạ là một cách đi ra khỏi con người vị kỷ của mình, là hướng đến tha nhân và tạo vật. Nhưng đi xa mà cũng là về gần: qua phút cúi đầu lạy tạ, ta như bừng tỉnh về sự hiện hữu của chính mình, ý thức trọn vẹn về thân phận, số kiếp và ý nghĩa của đời sống.

      Không phải ngẫu nhiên mà Lê Ký Thương cảm xúc sâu sắc về câu chuyện của họa sĩ – thiền sư Hakuin Ekaku (1686-1768), một trong ba trụ cột của Thiền học Nhật Bản: “Một hôm Hakuin Ekaku đi khất thực, đến trước một căn nhà, không nghe tiếng quát tháo xua đuổi từ bên trong vọng ra, vì tâm ý đang ngập tràn chuyện sống chết của một kiếp người. Người chủ ngôi nhà là một bà lão, thấy sư cứ đứng lì một chỗ như trời trồng, bèn lấy cây chổi tre đánh vào đầu sư. Sư bất tỉnh. Và khi sư tỉnh dậy thì tất cả các công án Thiền đã hành hạ tâm ý sư lâu nay bỗng bừng sáng. Sư vui mừng hét lên vì đã ngộ”.

      Du khách đến thăm đất nước Triệu Voi có những phút giây lắng đọng khi chiêm ngưỡng, trên một đường phố thanh bình buổi sáng tinh mơ, những người dân lặng lẽ chờ sẵn để cúng dường cho đoàn sư khất thực chân trần chầm chậm bước qua. Cúng dường đâu phải chỉ là cho, cúng dường cũng chính là nhận, nhận những hạt giống thiện của lòng biết ơn gieo xuống tâm thức mình. Như những hạt mầm rồi sẽ mọc lên cây xanh trong mùa xuân đang tới.

                                                                               HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, Xuân Canh Dần, 2010.

   
   

Một nỗi đau riêng của Ōe Kenzaburo qua bản dịch Lê Ký Thương

 

          […] Ra mắt năm 1964 và được Giải thưởng văn học Shinchosa, 32 năm sau, tiểu thuyết Kojinteki na taiken của Ōe Kenzaburo được nhà thơ Lê Ký Thương dịch qua bản Anh văn A Personal Matter của John Nathan và được xuất bản với nhan đề Một nỗi đau riêng (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997). Cũng như Diễm Châu, Lê Ký Thương là một nhà thơ khuynh tả đã có tác phẩm công bố trước 1975.

          Dựa trên một trải nghiệm trong chính cuộc đời Ōe Kenzaburo, Một nỗi đau riêng là câu chuyện về một người cha chứng kiến sự ra đời của đứa con đầu lòng bị dị dạng vì bệnh thoát vị não. Anh ta tìm cách trốn chạy trách nhiệm với sinh linh bé nhỏ đó và có ý định bỏ mặc đứa bé cho Thần chết, miễn là không để tay mình vướng vào tội ác, hầu thực hiện giấc mộng lãng du sang châu Phi mà anh ôm ấp bấy lâu nay. Người bạn tình Himiko đã tiếp tay cho anh thực hiện âm mưu tội ác đó. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là một cuộc đấu tranh nội tâm đầy giằng xé giữa lương tâm, trách nhiệm của một người cha với sự dửng dưng của một trái tim vô cảm.

          So với Nuôi thù thì việc miêu tả yếu tố tính dục trong Một nỗi đau riêng “nghiêm trọng” hơn nhiều. Nhưng việc miêu tả này chỉ tập trung từ đoạn cuối chương 6 đến hết chương 7. Khi Điểu (Bâdo/ Bird), nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, bước ra khỏi bệnh viện, trong thời gian chờ đợi ở trạm xe buýt giữa cái nắng thiêu đốt của mùa hè, bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải lấy khoản tiền dành dụm bấy lâu nay cho chuyến đi du lịch châu Phi để trả chi phí điều trị cho con, anh ta đã thấy cái “mầm khát khao tính dục” nhú lên như một cách phản ứng lại nỗi sợ hãi đang xâm chiếm lấy anh. Đó là “khúc dạo đầu” chuẩn bị cho chương 7, chương “cao trào”, khi Điểu trở lại căn nhà của cô bạn tình Himiko, và hai người đã quyến rũ nhau trong trò cút bắt tính dục để làm sống lại cơn khát khao chưa được thoả mãn từ thời sinh viên. Ōe Kenzaburo miêu tả thật dữ dội cuộc quần thảo giữa hai người bạn cũ, mang dấu ấn xen kẽ vừa khổ dâm, lại vừa bạo dâm:

            “Điểu nhận ra anh đang nhìn Himiko như một chiến binh già đã được tôi luyện trong những trận mạc của cuộc sống hàng ngày, nhiều kinh nghiệm hơn chính bản thân anh. Nàng không chỉ là một chuyên gia tính dục mà năng lực của nàng còn quá sức dồi dào ở nhiều khía cạnh khác của cuộc sống trong thế giới thực tại này. Điểu nhận ra chính mình chịu ảnh hưởng của Himiko: nhờ nàng mà anh đã vượt qua một trong những nỗi sợ hãi của mình” (1).

            Bản dịch Một nỗi đau riêng lần đầu được gửi đến một nhà xuất bản và bị từ chối. Nơi thứ hai mà dịch giả gõ cửa là NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cấp giấy phép với điều kiện phải cắt bỏ đoạn cuối chương 6 và toàn bộ chương 7 nói trên vì nội dung tính dục. Do chương 7 không xuất hiện trong văn bản tiếng Việt Một nỗi đau riêng, chương 8 trong nguyên bản được đánh dấu bằng chương 7 và cuốn sách kết thúc ở chương 12 thay vì 13. Như vậy là khác với trường hợp Nuôi thù phải cắt bỏ những câu ngắn rải rác trong bản dịch, Một nỗi đau riêng cắt gọn và tập trung khoảng 15 trang trong bản dịch tiếng Anh.

            Quả thật, nếu tách riêng chương 7 của Một nỗi đau riêng ra khỏi cấu trúc tác phẩm, mặc dù dịch giả đã cố gắng “lựa lời mà dịch” những chỗ nhạy cảm, người đọc Việt Nam vẫn có thể bị sốc với cách miêu tả bạo liệt và trần trụi của tác giả. Nhưng nếu đọc nó trong toàn bộ mạch văn của cuốn tiểu thuyết, có thể thấy rằng Ōe Kenzaburo không miêu tả tính dục thuần tuý vì tính dục.

            Tác giả đã miêu tả cơn khát tính dục của Điểu như đỉnh cao của cám dỗ con người trốn chạy và phủi tay trước trách nhiệm, như một cách “phơi bày hết ra ánh sáng nỗi sợ hãi đang chui vào người anh”. Ngay trong và sau cơn mây mưa, Điểu vẫn không thôi bị ám ảnh và dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi:

            “Giấc ngủ đối với Điểu là một ống khói tàu mà anh chui vào qua một lối đi rộng và dễ dàng, nhưng phải thoát ra bằng ngõ hẹp. Trương phồng như một khinh khí cầu, cơ thể anh chầm chậm trôi qua vùng không gian lờ mờ vô tận. Anh bị trát đòi hầu tòa ở bên kia vùng bóng tối, và anh đang suy nghĩ cách qua mặt quan tòa về trách nhiệm của anh đối với cái chết của con trai mình (HNP nhấn mạnh). Cuối cùng, anh biết mình không thể lừa bịp các quan tòa, nhưng cùng lúc anh cảm thấy mình muốn chống án – những kẻ trong bệnh viện đã làm như vậy! Không lẽ tôi không có cách nào thoát khỏi sự trừng phạt? Nhưng sự đau khổ của anh lại càng ô nhục thêm khi anh tiếp tục trôi nổi trong chiếc khinh khí cầu nhỏ bé của mình” (2).

            Một nỗi đau riêng của Ōe Kenzaburo gợi nhớ đến Kẻ xa lạ của Albert Camus ở phương diện tương giao con người. Meursault của Kẻ xa lạ vô cảm và dửng dưng trước cái chết của mẹ, rồi giết người với cảm giác không gớm tay. Meursault đã không cưỡng được áp lực tâm lý dưới cái nóng hừng hực, rát bỏng của mùa hè thiêu đốt từ đất đá bốc lên, từ trời cao ập xuống. Ngay sau đám tang của mẹ, anh hưởng lạc thú với người tình là Marie và mặc dù A. Camus hầu như chỉ kể mà không tả những lần quan hệ ấy, không thể nói là nhân vật - người kể chuyện muốn mình “đạo đức” hơn dưới mắt kẻ khác. Khi nổ súng giết người, anh hiểu mình “đã huỷ diệt sự bình yên của ngày, bầu không khí yên lặng phi thường của một bãi biển, nơi mà tôi cảm thấy hạnh phúc” (3). Và anh buông xuôi trước cái guồng máy pháp luật vô cảm với những chánh án, biện lý, luật sư… đã vây kín không cho anh một lối thoát, khiến anh tự đóng dấu mình là một “kẻ xa lạ” trong tương giao nhân loại.

           Trái với Meursault, Điểu của Một nỗi đau riêng là một lương tâm tự vấn thường trực, luôn ở ranh giới giữa thiện và ác, và trong giờ phút quyết định nhất của hiện sinh, đã kịp rút chân ra khỏi vũng lầy cám dỗ của tội lỗi. Nếu anh tiếp tục thông đồng với cái hệ thống y tế vô cảm, có thể anh không bị buộc phải đối mặt với một toà án cụ thể nào như Meursault. Nhưng may mắn là phiên toà bên trong anh đã mở ra cùng lúc với quá trình đi đến tội ác, qua những lời độc thoại nội tâm. Điểu đã từng tự kết án mình, rồi cũng từng tự biện hộ để cuối cùng có một phán quyết nhân bản nhất. Tưởng như anh đã cứu đứa bé, nhưng chính là đứa bé đã cứu vớt anh khỏi thảm kịch hủy diệt khuôn mặt người. Từ khuôn mặt với “những giọt mồ hôi nhờn lấp lánh từ trán xuống mũi, đôi môi thì mấp máy theo hơi thở bồn chồn, đôi mắt vẩn đục thì thất thần: đúng là khuôn mặt của một kẻ đồi trụy” hiện lên trong chiếc gương soi hình bầu dục khiến Điểu choáng váng, anh đã có thể tìm lại khuôn mặt mới của mình qua đôi mắt của đứa con: “Cái gương trong đôi mắt của thằng bé là tấm gương soi màu xám trong veo và sâu thẳm, phản chiếu một hình ảnh, nhưng là một hình ảnh quá đẹp đến nổi Điểu không thể tin chắc được đó lại là gương mặt mới của mình” (4). Con người ta đâu thể nào chà đạp lên tất cả, dù chỉ là một con chim sẻ dưới mưa. Bằng việc đánh thức cảm quan trách nhiệm nơi Điểu, Một nỗi đau riêng đã thể hiện phương diện tích cực trong nhân sinh quan của chủ nghĩa hiện sinh, đặc biệt là triết học hiện sinh của J.-P. Sartre mà Ōe Kenzaburo tiếp nhận từ thời trẻ.

           Có thể nói, cũng như Nuôi thù, tiểu thuyết Một nỗi đau riêng thấm đẫm tinh thần nhân bản. Cuốn trước là thái độ nhân bản trong cuộc tranh đấu với kẻ thù trong một hoàn cảnh cực đoan và khốc liệt của chiến tranh; còn cuốn sau là tinh thần nhân bản trong đấu tranh với cái ác của chính bản thân mình trong đời sống thường nhật. Hai tác phẩm đã chọn hai “điểm rơi” vào hai hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam trong chiến tranh và sau khi hoà bình. Hai tác phẩm cùng thể hiện sứ mệnh của một nhà tiểu thuyết là “phải chịu đựng tất thảy những lầm lạc của Con Người”, như một câu thơ của Wystan Hugh Auden mà Ōe Kenzaburo yêu thích […].

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học (Viện Văn học) số 2 (480), tháng 2-2012.

---------------------------

(1), (2) Bản dịch của Lê Ký Thương.

(3) Albert Camus: Kẻ xa lạ (Bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001, tr. 79.

(4) Ōe Kenzaburo: Một nỗi đau riêng (Bản dịch của Lê Ký Thương), NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997, tr. 266.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

65777462
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
470
15612
65777462

Thành viên trực tuyến

Đang có 261 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website