Bàn về đạo đức: Những hiện tượng văn hóa - nghệ thuật nổi bật năm 2019 và sự chất vấn lại: Thế nào được gọi là "tốt"?

Trong bối cảnh mà dường như sự giả dối, trí trá lại trở nên hợp thời và được ưa chuộng, những nghệ sĩ như Kanye West, Greta Gerwig hay Phoebe Waller-Brid đã khởi sự chất vấn lại khái niệm về đạo đức và những quyền hạn của con người.

20200209
Hình ảnh trong phim Little Women.

Trong những ý kiến đánh giá về tác phẩm điện ảnh mới đây của Greta Gerwig được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển Little Women (Những người phụ nữ nhỏ bé), một chủ bút đã thẳng thừng liệt những tự sự về nhân vật chính Jo March là chuyện rất lỗi thời. “Thời buổi này không ai đem đạo đức đi bán nữa”, anh quả quyết. “Công chúng xem phim là muốn được giải trí hơn là để được nghe thuyết giảng làm người”. Thật không may, anh ta đã nhầm. Câu chuyện bất hủ về bốn tiểu thư nhà March – cái tên đã trở thành biểu tượng trong sự nghiệp của nữ nhà văn Louisa May Alcott - một lần nữa được sống dậy. Năm 2019, Gerwig đã hồi sinh Những người phụ nữ nhỏ bé ngay lúc cả xã hội loay hoay với một câu hỏi, “thời điểm này, cái gì thì được gọi là tốt” mà vẫn chưa nhận lại được bất cứ câu trả lời thỏa đáng nào.

Một thập kỉ mà nhận thức được gia tăng nơi mỗi cá nhân chủ yếu nhờ Twitter với Tumblr đã làm phức tạp hóa vấn đề này lên rất nhiều khi việc phân xử và phán xét các hành vi có tính đạo đức trên mọi quy mô từ nhỏ đến lớn đều được vận hành dựa trên những quy tắc văn hóa ứng xử của mạng xã hội và luật chơi của nhà phát hành. Ngay cả tới hiện tượng văn hóa tẩy chay đến một thời điểm cũng bắt đầu… bị tẩy chay: những nhà phân tích đã chỉ ra rằng, số lượng những người bị tẩy chay vì những hành vi trái pháp luật họ đã gây ra giờ không còn, hoặc họa chăng thì còn rất ít. Nếu thực sự văn hóa tẩy chay có hiệu lực thì những cáo buộc về tình dục xoay quanh tiểu sử của Donald Trump bao gồm những phát biểu có tính chất thóa mạ cho đến những hành vi xâm hại của ông ta đáng lý ra phải là những rào cản chắc chắn nhất ngăn Trump gia nhập vào Nhà Trắng – nhưng có vẻ như ý tưởng này đã sớm trở thành huyễn tưởng và sự thắng thế của phe cực hữu đã đâm một lỗ thủng huơ hoác về đạo đức trong đội ngũ lãnh đạo thế giới. Từ chính trị gia cho tới những kẻ lừa đảo dưới đáy xã hội đều là những minh chứng rõ ràng rằng: trí trá, lừa lọc, giả dối chẳng mấy khi ảnh hưởng tới quyền lực hay bước đường thành công. Đây cũng là lí do mà những đứa trẻ sẽ chẳng thể nào yêu cầu được bố mẹ chúng chịu trách nhiệm về hậu quả mà thói vị kỉ và sự vô trách nhiệm trong tiêu dùng suốt cả vài thập kỉ qua đã gây ra - xúc tiến nhanh chóng quá trình của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nghệ thuật là không gian nơi người ta được quyền lên tiếng trước những vấn đề như trên, nơi người ta có thể được trấn an nhờ cảm nhận được những thay đổi hữu hình vẫn còn đang diễn ra. Những chất vấn lại như vậy chắc chắn sẽ làm biến dạng bộ mặt văn hóa - xã hội. Những thể tài tưởng xưa như thế kỉ nay được tái trình hiện trong những diện mạo mới khi những nghệ sĩ bắt đầu lưu tâm đến cái rường cột của những khái niệm như gia đình, tôn giáo, thiên nhiên hay lòng tự trọng. Tuy nhiên, những quan điểm của họ nhiều khi đi theo những chiều hướng hoàn toàn trái ngược nhau khi phải bàn tới cái gì mới là bản chất của tính từ “tốt”, ai là người kiến tạo nên những chuẩn mực và kẻ nào được hưởng lợi từ đó. Đầu năm 2018, cây bút của tuần báo New Statesman, Anna Leszkiewicz đã viết về thứ mà cô gọi là “chiếc TV đạo đức”, và đưa ra những kiến giải tại sao “những nhân vật trên truyền hình lại luôn có vẻ bất an, dằn vặt bản thân và đeo đẳng những cảm giác tội lỗi hơn bất cứ ai”. Nhân vật chính trong những sê-ri truyền hình như Search Party, Bojack Horseman hay The Good Place, theo phân tích của Anna, thường xuyên bị ám thị bởi suy nghĩ rằng họ là người xấu hay người tốt. Hơn hai năm sau, những thành tố nhị nguyên, một là một, hai là hai đó tan ra, trở thành vô vàn những hạt nhỏ li ti: không còn tồn tại những định nghĩa rõ ràng chỉ ra đây là tốt, kia là xấu nữa, mà chỉ còn những quan niệm khả thể diễn giải về những phẩm chất này. Trong những tập đầu phần hai sê-ri Fleabag, nhân vật của Phoebe Waller-Bridge đã có một loạt những lát cắt liệt kê những hành vi chuẩn mực cô đã cố gắng thực hiện hòng đưa cuộc sống của mình trở lại với đúng quỹ đạo: tập thể dục, ăn uống, sinh hoạt điều độ. Cô dường như đã trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình so với cô gái với gương mặt đẫm nhòe mascara đã giết chết người bạn thân nhất của mình trong phần một. Nhưng, kì lạ thay, tất cả những châm ngôn sống lạc quan, tích cực kiểu như “new year, new you” đều không thể lấp đầy những cái hố đen trống rỗng trong cô. Phần hai của Fleabag một lần nữa đặt lại câu hỏi đã từng dằn vặt nhân vật trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Nga: Làm thế nào chúng ta sống yên ổn được giữa thời đại rặt những khổ đau và không một ai còn khẳng định được sự tồn tại của Chúa?

Hình ảnh của Kanye West biểu diễn cùng hợp xướng Sunday Service.

Những tiểu luận trong tuyển tập đầu tay Trick Mirror của Jia Tolentino đã xem xét đến những động cơ phức tạp ẩn sau những màn trình diễn đương đại có liên quan đến khía cạnh đạo đức, mà biểu hiện rõ ràng nhất có thể tìm thấy được trong sự nghiệp âm nhạc năm nay của Kanye West với việc rẽ hướng sang thể loại “Phúc Âm”. Giới phê bình hồ nghi rằng, sự thức tỉnh tôn giáo nơi West rất có thể chỉ là một nỗ lực giả tạo hòng cứu chuộc lại một thời gian đầy phiền toái với anh sau khi công khai thừa nhận mình ủng hộ Trump và có những phát biểu cho rằng tình cảnh khốn khốn khổ, nô lệ chỉ như là “một chọn lựa” của mỗi người. Phải thừa nhận rằng thật khó để chấp nhận được West với những biểu hiện của hành vi slut-shaming chính người vợ của mình qua tên gọi của vị Chúa xuất hiện trong album Jesus is King của anh, và hoạt động tổ chức những buổi lưu diễn với dàn hợp xướng Nhà thờ Sunday Service mà sự linh thiêng tôn giáo dường như chỉ được phúng dụ qua những bộ đồng phục bao gồm một đôi vớ 50 đô với một áo choàng dài 225 đô như kiểu cách của những tín đồ thực thụ. Nhưng trong một bản tin Popcast trên Thời báo New York, một số nhà phê bình Phúc Âm đã đưa ra nhận định rằng, cộng đồng thật ra rất hoan nghênh sự phá cách của West trong thể loại âm nhạc này. Và nếu như những tín đồ Kitô giáo lại đang bày tỏ sự tha thứ và chấp thuận với West, thì chính những nghi vấn về sự (có vẻ như) giả tạo của West nói trên, lúc này, lại mới cần phải đặt dấu chấm hỏi.

Những pha xoay chuyển tình thế như vậy rất thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ – một biến cố bất ngờ xảy đến và tất cả những quan niệm thâm căn cố đế của các nhân vật về chuẩn mực của sự “tốt” đều bị thách thức lại. Hai cô bé mọt sách trong Booksmart luôn cảm thấy tự tin đến ngạo mạn trước những người bạn cùng lớp ngỗ nghịch của mình cho đến khi nhận ra chính những đứa trẻ được cho là hư hỏng ấy luôn cảm thấy hài lòng với điểm số của mình và vui cả ngày. Cố gắng trở nên tốt đẹp thực ra chỉ khiến cuộc sống của chúng thêm chật chội, tù túng. Sự “giác ngộ” này cũng xảy ra trong một phiên bản 18+ hơn trên sóng truyền hình HBO: sê-ri Mrs Fletcher. Nhân vật nữ chính gắn với tựa phim do Kathryn Hahn thủ vai, một bà mẹ đơn thân mang đậm tư tưởng nữ quyền chủ nghĩa, luôn thấy bất bình trước những quan niệm về tình dục mà theo bà, có xu hướng thoái hóa, suy đồi của cậu con trai đang đến tuổi vị thành niên. Nhưng ngay sau khi cậu rời khỏi nhà để đi học Đại học, bà bắt đầu xây dựng cho mình một đời sống tình dục mãnh liệt, táo bạo – và chính nó đã đem lại cho bà một khoái cảm về tự do chưa từng có trước kia.

Nghệ sĩ sẽ là những người chất vấn xa hơn về vấn đề: ai là người có quyền quy định những thiết chế về mặt đạo đức và ai thực sự là kẻ được hưởng lợi từ đó. Trong tập cuối của phần một sê-ri Big Little Lies, chính sự tử tế, nghĩa hiệp đã hối thúc Bonnie chạy đến chỗ của Perry nơi anh ta đang siết cổ chính người vợ Celeste của mình, rồi đẩy ảnh xuống cầu thang đến chết. Sự dằn vặt đạo đức sẽ trở đi trở lại ở phần hai sê-ri: cho dù Bonnie giết Perry để bảo vệ Celeste, nhưng thực tế vẫn là cô đã giết một con người và Bonnie phải sống khổ sở trong chính cảm giác tội lỗi này. Trong khi đó, những người bạn da trắng giàu có, hào nhoáng của cô đã chôn cất bí mật về cái chết này biến mất mãi mãi khỏi cuộc đời của họ và tiếp tục trở lại nhịp sống trước đây. Một trường hợp khác với cuốn tiểu thuyết Fleishman Is in Trouble của Taffy Brodesser-Akner, vẻ ngoài như một người cha tốt của nhân vật chính thật sự đã khơi gợi được nhiều cảm thông nơi độc giả khi anh ta mới bước ra từ cuộc li hôn, và mọi thứ chỉ thật sự quay ngoặt khi chính họ chứng kiến thêm những khung hình tự sự về người vợ bị ghẻ lạnh.

Ngay cả những vấn đề công lý tưởng như rất minh bạch, rõ ràng cũng bắt đầu cần được bàn lại. Trong bộ phim mới đây của Marielle Heller Can You Ever Forgive Me?, Melissa McCarthy đã thủ vai vào nhân vật nữ nhà văn trung niên hết thời Lee Israel, quyết định chọn kiếm sống nhờ hành nghề ghi chép tiểu sử về các nhà văn đã chết thông qua việc giả mạo những lá thư của họ. Đây thật ra là một phiên bản khác của Robin Hood: khi rơi vào tình cảnh túng quẫn, cạn kiệt, những hành động lừa lọc, trí trá thành thử ra lại trở nên chấp nhận được như một chiến lược sinh tồn tất yếu. Trong khi đó ở sê-ri Succession (Kế nghiệp), khi một kẻ phản bội đe dọa sẽ lật đổ tập đoàn Waystar Royco nhà Roy, khán giả đã được chứng kiến cách mà Cousin Greg tỉnh táo chơi ván bài của mình, cân đo đong đếm chọn lựa giữa tiền bạc hay đạo đức. Và cuối cùng, người đàn ông trẻ da trắng mà bỗng một ngày được làm quen với sự giàu có, nhân vật chính tự nhiên phản diện của bộ phim đã ranh mãnh đưa ra một lựa chọn kếp hợp được cả hai.

Nhưng rất hiếm khi những trường hợp như vậy xảy ra. Tác phẩm điện ảnh mới đây của Rian Johnson, Knives Out (Kẻ đâm lén), xây dựng bối cảnh của một gia đình giàu có nơi mà các thành viên rất có ý thức về xuất thân của mình hay của kẻ khác và luôn mang sự tự tin cao ngất ngưởng khi sở hữu một giấy chứng nhận mình là công dân New York. Tất cả dường như đã nổi điên lên khi phát hiện ra người ông quá cố của họ, một tiểu thuyết gia danh tiếng, đã để lại toàn bộ gia sản cho cô gái giúp việc người Latina đã chăm sóc mình. Marta, con gái của một người nhập cư bất hợp pháp, đã vô tình giết chết ông và vướng vào phi vụ trinh thám này. Nhưng khi tất cả những thành viên trong gia đình đều bị tình nghi và tiết lộ ra động cơ sát hại bậc cha chú của mình, Marta đã quyết định tự tha thứ cho chính cô và tỏ ra vô tội bằng cách làm những điều có vẻ như tử tế, cô thậm chí còn cung cấp những bằng chứng về một “hung thủ thực sự” cho phía thám tử. Và Marta cuối cùng trở thành người thừa kế. Trong một diễn biến hoàn toàn trái ngược ở bộ phim mang tên Get out (Trốn thoát), có một thực tế phũ phàng đã được vạch ra, rằng những người nhập cư “tốt” không bao giờ là kẻ chiến thẳng: ngay cả khi anh là một công dân hiện đại, hội nhập, anh cũng thể trốn thoát khỏi những phân biệt chủng tộc, kì thị vùng miền và những chính sách riêng dành cho người nhập cư.

Hình ảnh trong phim Knives Out.

Ngay cả nỗ lực kể lại những câu chuyện cũ cũng chịu nhiều cay đắng. Trong Little Women (Những người phụ nữ nhỏ bé), Gerwig đã thêm vào những sắc thái đương đại để nhấn mạnh thêm sự cấp tiến sẵn có trong văn bản gốc của nhà văn Alcott, đồng thời khôi phục lại những tham vọng và quan điểm chính trị mà Alcott muốn bộc lộ trong sáng tác của mình nhưng đã buộc phải nén lại bởi sự kiểm duyệt của nhà xuất bản mà quan niệm “thế nào mới là định hướng đúng đắn cho người phụ nữ?” ăn sâu, bám rễ trong đầu họ. “Bạn nghĩ gì khi chứng kiến cảnh tượng Jo March có được cuốn sách của chính cô so với khi bạn bắt gặp một cô gái khác đang được hôn?” Gerwig phát biểu. “Đó không còn là một cô gái có được một chàng trai, đó là một cô gái đang sở hữu những cuốn sách”.

Đào sâu vào đời sống của bốn chị em nhà March, Gerwig còn xây dựng nhân vật Amy về sau sẽ tự tay kiến tạo những bệ đỡ để hỗ trợ cho những người phụ nữ có ý chí và tham vọng. Bộ phim của Gerwig là một tác phẩm đáng ghi nhận: nó là bằng chứng cho tham vọng và những nỗ lực của cô, sự chuyên chú và nghiêm túc khi nghiên cứu và sáng tạo cùng một thái độ cực kì tôn trọng trên tư cách là một đạo diễn hay một người đồng sáng tác – và bộ phim với tính chính trị rõ rệt của nó, thành công đạt được cùng những sự hoan nghênh đến từ giới phê bình đã mở ra những cánh cửa cơ hội mới cho những nhà làm phim nữ của Hollywood. Gerwig đã làm đúng mọi thứ, nhưng cô vẫn tuột mất Quả Cầu Vàng, một điều kiện dường như thiết yếu để tiến vào con đường đi tới hạng mục đề cử cho giải Oscar. Năm 2019, chuyện về đạo đức có thể vẫn đem ra bán được, nhưng “lợi nhuận” từ nó thì vẫn khó kiếm vô cùng.

KIỀU CHINH dịch theo Laura Snapes, The Guardian

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 06.02.2020.

Thông tin truy cập

63752220
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15091
35223
63752220

Thành viên trực tuyến

Đang có 605 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website