Vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục…

TTCT - Trước khi đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1997 với Taste of cherry (Mùi vị anh đào) và khiến thế giới phải chú ý đến nền điện ảnh Iran, đạo diễn Abbas Kiarostami đã tạo nên một phong cách làm phim không thể trộn lẫn với ba bộ phim xuất sắc mà sau này đều được xem là những kiệt tác của chủ nghĩa tối giản: Where’s the friend’s house? (Nhà bạn ở đâu?, 1988), Close-up (Cận cảnh, 1990) và And life goes on (Cuộc sống vẫn phải tiếp tục, 1992).

20200510 2

Ảnh: Đạo diễn Abbas Kiarostami (CNN)

Kết hợp tài tình giữa hiện thực và hư cấu, giữa phim tài liệu và phim truyện, với cốt truyện triệt tiêu kịch tính và ngôn ngữ điện ảnh giàu chất thơ, không có kịch bản cụ thể và diễn viên không chuyên, phần lớn là người thật việc thật và để họ tự đóng vai chính mình…, ba bộ phim nói trên của Kiarostami khiến ta sửng sốt về khả năng truyền đạt của điện ảnh, và hơn hết là về sức sống kỳ diệu của những con người bình dị ở đất nước ông.

Cuộc sống dù có khắc nghiệt và tang thương đến đâu đi nữa, nhưng nếu còn sự sống thì nó vẫn phải tiếp diễn. Thông điệp giản dị đó một lần nữa cần được vang lên trong nghịch cảnh con người ở đất nước ông, và nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt hiện nay. 

Close-up: cận cảnh một vụ lừa đảo nghệ thuật

Được đánh giá cao nhất (Viện Phim Anh chọn vào top 50 phim vĩ đại nhất mọi thời vào năm 2012) và cũng là bộ phim khiến Kiarostami hài lòng nhất trong sự nghiệp của ông là Close-up, chứ không phải bộ phim được giải Cành cọ vàng danh giá Taste of cherry.

Dựa trên một bài báo thuật lại một câu chuyện có thật xảy ra ở Tehran, Kiarostami đã biến Close-up thành một bộ phim độc đáo mang tính thể nghiệm tiên phong của điện ảnh, điều được ông tiếp tục trong các bộ phim sau đó của mình.

Vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục…
Cảnh trong phim Close-up. Ảnh: Kiarostami Foundation

Mở đầu phim, một chiếc taxi chở một nhà báo và hai viên cảnh sát đến hiện trường một vụ lừa đảo nghệ thuật lạ lùng, nơi kẻ mạo danh đang bị bắt giữ. Đây là vụ lừa đảo mà theo anh nhà báo là “cả đời làm báo cùng lắm được hai ba vụ là cùng, nên tôi sẽ theo đến cùng. Tin giật gân kiểu này sẽ tăng tia-ra dữ lắm”.

Bộ phim tiếp diễn trong một ngôi nhà thuộc tầng lớp thượng lưu ở Tehran. Nghi phạm đang bị bắt giữ là Hossain Sabzian (tự đóng vai chính mình), một công nhân xưởng in mạo danh Mohsen Makhmalbaf, một đạo diễn tài danh ở Iran được giới điện ảnh phương Tây biết đến.

Theo lời khai, Sabzian ngồi cạnh một phụ nữ sang trọng trên xe buýt và khi biết gia đình bà ta rất ngưỡng mộ những bộ phim của Makhmalbaf, anh ta tự nhận mình chính là Makhmalbaf bằng cách kể vanh vách những bộ phim nổi tiếng của ông đạo diễn này. Sau đó, anh ta còn tiết lộ sắp làm một bộ phim mới dựa theo những câu chuyện có thật và muốn làm phim về gia đình bà ta. Người phụ nữ dễ dàng bị mắc lừa và mời anh ta về nhà, hỗ trợ tiền bạc để anh ta quay phim. Nhưng những thành viên trong gia đình dần nghi ngờ thân thế của ông đạo diễn dỏm. Cuối cùng, anh ta bị bắt và bị đưa ra tòa vì tội 
lừa đảo.

Nội dung của vụ án mạo danh chỉ có vậy nhưng khi vào tay Kiarostami, nó trở thành góc quay “cận cảnh” với cái nhìn sâu sắc vào động cơ, tâm trạng, những nỗi niềm thầm kín của từng nhân vật, đặc biệt là Sabzian, khiến người xem đi từ ngạc nhiên đến thích thú, từ bật cười đến cay cay khóe mắt. Để rồi khi bộ phim kết thúc, ta không biết đâu là ranh giới giữa đời thực và phim ảnh nữa.

Phần lớn thời lượng bộ phim diễn ra tại tòa án. Và nhan đề của bộ phim có thể hiểu theo nghĩa đen của nó. Kiarostami sử dụng hầu hết những góc máy cận cảnh (close-up) để đặc tả những nhân vật chính xuất hiện trong phiên tòa. Đó là vị thẩm phán khả kính, bị cáo Sabzian và nguyên cáo là những người trong gia đình Ahankhah cùng một số nhân chứng khác. Bị cáo tự bào chữa cho mình trước tòa. Anh ta thừa nhận có tội theo phán xét của tòa án, “nhưng tình yêu nghệ thuật của tôi nên được tòa xem xét thêm”.

Khi thẩm phán hỏi tại sao anh lại mạo danh nhà đạo diễn nổi tiếng, Sabzian đáp: “Tôi ngưỡng mộ những bộ phim của ông ấy. Nỗi thống khổ trong phim của ông ấy được miêu tả rất chân thực. Ông ấy nói lên tiếng lòng và lột tả nỗi khổ của tôi”.

Thẩm phán hỏi tiếp: “Tại sao lại đóng giả Mohsen Makhmalbaf?”. Sabzian trả lời: “Tôi luôn ước mình ở địa vị của ông ấy, tôi luôn ước mình là ông ấy. Trước đây không ai nghe những gì tôi nói, vì tôi nghèo và vô danh. Nhưng khi tôi đóng giả Makhmalbaf, tôi nói gì người ta cũng nghe theo. Tôi bảo họ dời tủ, họ cũng dời, tôi bảo họ chặt cây, họ cũng chặt. Nhưng khi tôi rời khỏi nhà họ, tôi trở lại là con người cũ, sống trong một căn nhà tồi tàn rách nát và không có tiền mua đồ chơi cho con. Sau khi trở về nhà vào ban đêm, tôi chỉ muốn khi ngủ dậy trở lại đó và tiếp tục vai diễn của mình”.

Anh ta tiếp tục khai - hay nói lên nỗi lòng - trước tòa: “Khi ở trong tù, tôi hay đọc kinh Koran: “Hãy gọi tên thánh Allah và trái tim con được an ủi”. Nhưng tôi không cảm nhận được sự an ủi nào. Mỗi khi cảm thấy buồn phiền và sụp đổ, tôi muốn hét to với cả thế giới, nhưng không ai lắng nghe những chuyện đó cả. Rồi có một người đến và khắc họa mọi thứ lên phim của ông ấy, tôi có thể xem đi xem lại hàng trăm lần. Chúng khắc họa những kẻ xấu xa, những kẻ đùa cợt với cuộc sống của người khác, những người giàu có nhưng không nghĩ đến những nhu cầu cơ bản của người nghèo. Vậy nên tôi chỉ tìm được sự an ủi trong những bộ phim đó. Nó mang lại sự bình yên cho tâm hồn tôi. Đó là những điều mà tôi ước mình có thể nói ra được”.

Ban đầu, ta nghĩ rằng Sabzian là một kẻ nghiện phim, mắc chứng tự kỷ ám thị, nhưng càng theo dõi vụ án và những lời khai của anh cùng các nhân chứng, những ẩn khuất dần hé lộ. Trò lừa đảo của Sabzian không đơn giản chỉ là một “tin tội phạm” trên báo, không phải vì “nghèo và vô danh”, mà còn vì “vai diễn” mà anh khao khát được thể hiện, đến nỗi lâu ngày “lộng giả thành chân” và không nghĩ mình đang lừa đảo. Hơn thế nữa, ta thấy được cận cảnh vụ “lừa đảo nghệ thuật”, như lời Sabzian, “nghệ thuật là trải nghiệm mà chúng ta cảm nhận được từ bên trong nếu ta có thể nuôi dưỡng được nó”.

Vụ án “kết thúc có hậu” với việc rút đơn kiện của nguyên cáo, và bị cáo Sabzian được tòa xử trắng án sau nhiều ngày bắt giam chờ xét xử.

Cái kết còn bất ngờ hơn nữa: đạo diễn thật Mohsen Makhmalbaf đến đón đạo diễn dỏm Hossain Sabzian ngay cổng trại giam để chở anh trên một chiếc xe máy đến nhà gia đình đã bị anh lừa đảo. Dọc đường, Makhmalbaf dừng xe và nói Sabzian ghé mua một chậu hoa làm quà xin lỗi. Máy quay lúc này của Kiarostami lia từ bên trong chiếc xe hơi bám đằng sau qua kính chắn gió hoặc vượt lên để quay qua kính chiếu hậu. Hình thức kể chuyện theo kiểu dàn dựng của thể loại phim truyện trước đó được tiếp diễn bằng hình thức quay giấu máy của phim tài liệu ở đoạn kết!

Vụ lừa đảo dựa theo một câu chuyện có thật qua góc nhìn của Abbas Kiarostami trở thành một truyện ngụ ngôn về nhân phẩm và sức mạnh của nghệ thuật. Và sự pha trộn giữa hiện thực và hư cấu, giữa đời thật và phim ảnh một lần nữa khiến ta ngỡ ngàng. 

Where’s The Friend’s House?: Trẻ con có thể dạy ta những gì

Trước đó ba năm, Kiarostami thực hiện một bộ phim đúng nghĩa tối giản, một kiệt tác dễ tiếp cận nhất nhưng cũng gây ngạc nhiên nhất trong sự nghiệp của ông - Where’s the friend’s house?. Đây cũng là bộ phim mở đầu cho bộ ba (trilogy) phim về vùng đất và những con người nghèo khó ở Koker thuộc miền núi phía bắc Iran.

Vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục…
Cảnh trong phim Where's the friend's house?. Ảnh: Kiarostami Foundation

Bộ phim có nội dung không thể đơn giản hơn: Ahmed, cậu bé 8 tuổi, cầm nhầm vở bài tập về nhà của người bạn ngồi bên. Lo sợ bạn sẽ bị thầy giáo trừng phạt khi không làm bài tập về nhà, cậu bé bằng mọi cách tìm đến nhà bạn ở làng bên, dù không biết nhà bạn ở đâu. Hành trình của cậu gặp rất nhiều trở ngại, từ sự ngăn cấm của người mẹ và sự thờ ơ của những người lớn trên đường, không có địa chỉ cụ thể, những con đường quanh co lên núi xuống đồi, những bản làng tựa vào vách núi và bầu trời tối dần ngăn cản mọi nỗ lực, nhưng cậu vẫn không bỏ cuộc…

Suốt tác phẩm dài 81 phút như một road-movie (phim hành trình) này, không sử dụng bất cứ cấu trúc kể chuyện phức tạp hay đánh đố nào, Kiarostami dẫn dắt người xem khám phá bức chân dung sống động về vùng nông thôn miền núi Iran với tất cả sự phong phú và phức tạp của nó.

Ở gần cuối chuyến hành trình thực hiện nhiệm vụ đơn giản nhưng khó khăn của mình, cậu bé gặp một ông già làm nghề chạm khắc, người dẫn cậu đi một đoạn đường tìm đến nhà bạn, ta được nghe kể về cuộc sống và lịch sử ngôi làng, về những kẻ đã rời bỏ ngôi làng ra đi, về sự phiền muộn và nỗi cô đơn của tuổi già. Nhưng có vẻ như những điều đó quá phức tạp với một đứa bé 8 tuổi. Nhiệm vụ của cậu đơn giản là phải trả cuốn vở cho bạn mà thôi…

Với phong cách kể chuyện theo kiểu tường thuật, sử dụng những cú máy dài để quay ngoại cảnh, đặc biệt gây mê hoặc với bối cảnh ngọn đồi zig zag trơ trụi trong ánh hoàng hôn và hình ảnh cậu bé chỉ là một chấm nhỏ xíu trên nền trời, bộ phim trở thành một quan sát nhạy cảm, ấm áp và sâu sắc về trẻ em. Đó còn là ẩn dụ về niềm tin và trách nhiệm, về sự duy ý chí và những bài học mà một đứa trẻ có thể dạy chúng ta.

And Life Goes on: cuộc sống vẫn phải tiếp diễn

Vài năm sau, Kiarostami thực hiện bộ phim thứ hai thuộc bộ ba chủ đề “Koker” khi một vụ động đất giết chết nhiều người ở vùng núi phía bắc Iran vào năm 1990, trong đó có ngôi làng Koker mà ông từng thực hiện phim Where’s the friend’s house?.

Ba ngày sau vụ động đất, Kiarostami cùng con trai nhỏ lái xe từ Tehran đến Koker tìm cậu bé từng đóng phim Where’s the friend’s house?, xem cậu có sống sót sau thảm họa không. Vài tháng sau, với những chất liệu ghi lại từ chuyến đi, ông thực hiện bộ phim And life goes on.

Vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục…
Cảnh trong phim And life goes on. Ảnh: Kiarostami Foundation

Bộ phim kết hợp những phong cách thể nghiệm mà ông từng thực hiện trong hai tác phẩm trước: hiện thực pha lẫn hư cấu, phim truyện trộn lẫn phim tài liệu, câu chuyện tối giản nhưng ẩn chứa những ẩn dụ sâu sắc và tuyệt đẹp về tha nhân và cuộc sống.

And life goes on tiếp tục là một bộ phim hành trình, với câu chuyện mang tính ngẫu hứng diễn ra trên đường đi của hai cha con nhà làm phim (do diễn viên khác đóng). Kiarostami gần như không có kịch bản từ trước, ông chỉ ghi lại những nhân vật mà hai cha con ông gặp và trò chuyện trên con đường gian khó vào ngôi làng Koker, khi gần như toàn bộ con đường chính đã bị phá hủy vì trận động đất.

Qua những cuộc trò chuyện ngẫu hứng, chân dung cuộc sống của vùng đất nghèo Iran lại hiện lên chân thực mà sống động, đặc biệt là cách mà những con người bình thường đối mặt thảm họa, phần nào lý giải tại sao Kiarostami quyết định thực hiện một bộ ba phim về vùng đất này và biến nó từ vô danh trở thành nổi tiếng trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Nhà làm phim gặp một cặp đôi vừa mới cưới. Chú rể kể rằng lễ thành hôn của họ diễn ra sau trận động đất chỉ vài ngày, dù 63 họ hàng và người thân của anh đã chết trong thảm họa. Anh nói đám cưới đã dự định từ trước, còn trận động đất diễn ra không ai đoán được và không thể thay đổi được, nên lễ cưới vẫn phải diễn ra dù rất ít người tham dự.

Một cậu bé khác đang nằm ngủ trong nhà với em trai, do bị muỗi cắn không ngủ được nên ra ngoài tìm cha mẹ. Đúng lúc đó trận động đất diễn ra, cậu sống sót, còn em cậu bị vùi dưới đống đổ nát của ngôi nhà. Người ta nói muỗi cứu sống cậu, nhưng cha cậu không muốn đùa như thế. Cha cậu nói rằng đó là “ý tứ” của Chúa. Đạo diễn chỉnh lại “là ý chí của Chúa”.

Một người đàn ông khác có ba người thân bị động đất vùi lấp nhưng sau những ngày tang thương, anh vẫn đến khu lán trại dựng tạm có ăngten để xem một trận bóng đá. “Chúng ta biết phải làm gì đây? Bốn năm mới có một trận chung kết World Cup, còn động đất… phải 40 năm mới có một lần. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Hơn nữa, sống và chết là việc của Chúa”…

Lại những cú máy dài, toàn cảnh về ngọn đồi zig zag, lại một câu chuyện tối giản và không kịch tính, lại là những ranh giới giữa đời thực và phim ảnh, lại là một cái kết mở khi đích đến của chuyến hành trình vẫn bỏ ngỏ, nhưng ta biết chắc một điều cuộc sống ấy vẫn tiếp diễn trong phim của Kiarostami và ngoài đời.■

Abbas Kiarostami sinh năm 1940 tại Tehran, Iran. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và khởi nghiệp với nghề thiết kế đồ họa. Sau đó, ông làm việc cho Trung tâm Phát triển trí tuệ trẻ em và thanh thiếu niên, cũng là thời điểm ông bắt đầu làm phim, ở tuổi ngoài 30.

Có thể chia sự nghiệp điện ảnh của Kiarostami thành ba giai đoạn:

Giai đoạn đầu vào những năm 1970, ông quan tâm đến các chủ đề về trẻ em.

Giai đoạn thứ hai từ cuối thập niên 1980 tới những năm đầu 1990 với những bộ phim mang tính tiên phong và thể nghiệm, nổi bật là “bộ ba Koker” và Close-up.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu với Taste of cherry (1997) và The wind will carry us (Gió sẽ mang ta đi, 1999) giúp ông đoạt hai giải thưởng quan trọng tại LHP Cannes và Venice, đồng thời đưa tên tuổi ông nổi tiếng toàn cầu đến những năm cuối đời. Kiarostami trở thành một trong số ít những nhà làm phim quan trọng nhất của điện ảnh Iran đương đại và thế giới.

Ngoài làm phim, ông còn tổ chức nhiều triển lãm về nhiếp ảnh, phim ngắn và thơ. Ông mất ngày 4-7-2016 vì bệnh ung thư. Đám tang ông có hàng ngàn người dân bình thường ở Iran đưa tiễn.

Lâm Lê

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 07.05.2020.

Thông tin truy cập

60773107
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17277
10454
60773107

Thành viên trực tuyến

Đang có 711 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website