Sau gần một năm công diễn và nhận được hiệu ứng tích cực từ giới mộ điệu, dự án Cải lương Đợi Kiều sẽ chính thức trở lại phục vụ khán giả vào cuối tháng 9 tới.
“Đợi Kiều” sẽ đến với Làng đại học Thủ Đức
Tác phẩm được ra mắt lần đầu tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào tháng 9.2022. Trong lần trở lại này, YUME - Art Project (Dự án Phát triển nghệ thuật và sáng tạo) kết hợp với CLB Sân khấu và Điện ảnh sẽ mang Đợi Kiều đến với “Làng đại học” Thủ Đức.
Hướng đến khán giả đương đại
Đợi Kiều là tác phẩm Cải lương thể nghiệm độc diễn, được cải biên văn học từ kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm do TS Đào Lê Na sáng tác kịch bản và đóng vai trò đạo diễn, với phần chuyển soạn Cải lương của TS Lê Hồng Phước. TS Đào Lê Na là học giả thỉnh giảng của chương trình Fulbright Visiting Scholar năm học 2021-2022 tại ĐH Massachusetts Amherst (Hoa Kỳ). Hiện cô là Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và là nhà sáng lập Dự án nghệ thuật YUME. Lê Hồng Phước là tiến sĩ Lịch sử văn hóa tại ĐH Versailles Saint-Quentin-en-Yvelines (Cộng hòa Pháp); chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình Đờn ca tài tử - Cải lương; hiện là Phó trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Phần âm nhạc là sự kết hợp hai mảng cổ và tân nhạc của NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Toàn Thắng, nhóm Humm, Ngọc Long, Minh Nghĩa, Thanh My, Thanh Trà, Minh Khôi, Cellain Lu, Châu Minh Tâm, Phạm Ngọc Thiện Phước... Thêm vào đó, nghệ sĩ Lê Mai Anh đã biên đạo và đưa vào Đợi Kiều những chuyển động đương đại, hỗ trợ đắc lực cho diễn viên Hồng Bảo Ngọc (Quán quân Bông lúa vàng 2019) độc diễn xuyên suốt 90 phút và những màn múa bóng ấn tượng.
Dự án theo đuổi sứ mệnh lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống Việt, đặc biệt là loại hình nghệ thuật Cải lương đến khán giả trẻ, khuyến khích sự thử nghiệm và sáng tạo. Bên cạnh những diễn giải và góc nhìn mới, vở diễn cũng đưa vào rất nhiều lời thơ đẹp từ Truyện Kiều. Khán giả sẽ nhận ra nhiều bài bản trong 20 bài bản tổ của Đờn ca tài tử xuất hiện kết hợp với các ngôn ngữ nghệ thuật đương đại… Kể từ khi ra mắt, Đợi Kiều đã nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng bởi cách kể chuyện mới lạ, sự độc đáo trong việc bài trí sân khấu và góc nhìn riêng biệt.
Vở chỉ có bốn nhân vật nữ mà không có sự xuất hiện của tuyến nhân vật nam. Xem Đợi Kiều, khán giả sẽ thấy một Thúy Vân xinh đẹp, tràn đầy sức sống thanh xuân đến người phụ nữ trưởng thành, sắc sảo như Hoạn Thư. Giác Duyên là hình ảnh của một người từng trải, chiêm nghiệm sự đời. Và cuối cùng là hồn ma Đạm Tiên, tượng trưng cho sự lụi tàn… TS Đào Lê Na dàn dựng kết cấu này bởi cô muốn diễn giải nhãn quan của mình về Kiều theo chủ nghĩa “nữ quyền sinh thái” và sự tự do trong nghệ thuật.
Sử dụng thủ pháp độc diễn, một diễn viên đảm nhiệm cả bốn vai, đạo diễn mong muốn tạo ra sự đối thoại với văn chương. Nhìn bề mặt, khán giả chỉ thấy có bốn nhân vật đang đợi Kiều. Còn có Kiều hay không có Kiều, chỉ khi kết thúc khán giả mới có được câu trả lời cho riêng mình.
TS Đào Lê Na cho biết, dự án được chuẩn bị từ năm 2020, lúc đó cô và các cộng sự thực hiện một số chương trình liên quan đến kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du. Mong muốn truyền tải một ý niệm nào đó về nữ quyền sinh thái, về Kiều, về tự do của người phụ nữ cũng như hình ảnh của họ trong tương quan với thiên nhiên và nghệ thuật, Đợi Kiều đã phá vỡ cấu trúc sân khấu thường thấy, mở ra một không gian mới, nơi dòng thời gian không ngừng luân chuyển, nơi tinh thần và màu sắc Á Đông hiện lên rõ nét.
Theo ê kíp thực hiện dự án, với mong muốn gìn giữ và tiếp nối những giá trị tốt đẹp từ Truyện Kiều cùng nghệ thuật Cải lương, Đợi Kiều đồng thời cũng là sự tự do trải nghiệm, bước ra khỏi những “khuôn vàng thước ngọc” để tái hiện một Truyện Kiều rất mới.
Cách tân nhưng vẫn đậm đà bản sắc
Nhận định về Đợi Kiều, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu bày tỏ, ý tưởng đổi mới Cải lương của Đào Lê Na độc đáo và mới lạ nhưng vẫn gắn bó với bản sắc của nghệ thuật Cải lương, làm cho nó trở nên đậm đà dù có đổi mới, có cách tân. Từ những người hiểu Truyện Kiều đến những người còn xa lạ với Truyện Kiều, tất cả như xích lại gần nhau hơn. Còn dịch giả Quế Sơn bày tỏ: “Tôi bị hấp dẫn từ đầu buổi diễn bởi những điệu múa phía sau tấm màn và xin dành lời khen tặng cho tác phẩm đã tạo thêm những bề dày tâm lý khác cho các nhân vật trong Truyện Kiều”.
Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc thì cho rằng, điều mừng nhất là dự án đã cuốn hút được những người rất trẻ và trong cái trẻ đó còn thấy sự sáng tạo và sự đam mê, hai điều rất cần thiết cho những người làm nghệ thuật.
Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, mọi thứ trong vở hài hòa, từ phần hát, hòa âm, múa với các nhạc cụ cổ điển, hiệu ứng bóng phản chiếu trên màn, đến dàn nhạc Cải lương, diễn và hát chính đều do những người trẻ đảm nhiệm. Vở Cải lương làm về câu chuyện ai cũng biết và phần nào hiểu, nhưng lại toát lên sự tươi mới, không gói gọn trong nghệ thuật Cải lương mà đan cài vào các loại hình nghệ thuật khác.
“Khi diễn Đợi Kiều ở Nhà Văn hóa Thanh niên vào năm ngoái, ê kíp quyết định không kêu gọi tài trợ vì muốn tìm hiểu sự quan tâm của công chúng với Cải lương, với Truyện Kiều. Giá vé lần đầu công diễn khá cao, và với giá vé đó, sẽ khó cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên tiếp cận vở diễn. Đợi Kiều là tác phẩm tâm huyết của cả ê kíp vì những vấn đề được đặt ra từ quá trình tiếp nhận Truyện Kiều và việc làm mới Cải lương. Do đó, lần này ê kíp quyết định đưa Đợi Kiều đến Nhà văn hóa sinh viên ở Thủ Đức để đến gần hơn với các bạn trẻ”, TS Đào Lê Na chia sẻ và cho biết, điều này cũng đồng nghĩa với việc ê kíp sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ nhiều bên vì chắc chắn thu nhập từ bán vé sẽ không đủ bù cho chi phí sản xuất. Vì vậy, ê kíp kêu gọi nguồn lực đóng góp từ cộng đồng để có kinh phí cho vở diễn. “Dù kết quả kêu gọi thế nào, ê kíp nhất định mang Đợi Kiều đến với các bạn trẻ, TS Na nhấn mạnh.
Được biết, toàn bộ phục trang được nghiên cứu trên những mẫu cổ phục, góp phần giới thiệu nét thẩm mỹ của người Việt xưa.
Thùy Trang
Nguồn: Báo Văn hóa điện tử, ngày 14.8.2023.