(Đào Ngọc Chương, Bình luận văn học - niên san 2015, tr.58-62)
Tóm tắt
Bài viết tập trung vào ba vở kịch của Hoàng Như Mai, công bố trong tập Tiếng trống Hà Hồi, xuất bản năm 2001. Ba vở kịch thể hiện “hành trình tư tưởng, nghệ thuật” của ông với tư cách là nhà viết kịch. Chất nghệ sĩ của tác giả gắn liền với những thủ pháp cách tân của kịch hiện đại, rực rỡ, đơn giản mà phức tạp.
Từ khóa: Hoàng Như Mai, kịch, sân khấu, Tiếng trống Hà Hồi…
***
Giáo sư Hoàng Như Mai, nợ là với nghề dạy học, nhưng duyên có lẽ là kịch nghệ. Cái duyên ấy đã sống với ông thật lâu, và một cách nào đó, đã thể hiện “hành trình tư tưởng, nghệ thuật” của ông với tư cách là nhà viết kịch.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013), nguồn: http://www.ussh.vnu.edu.vn
Trong tập kịch Tiếng trống Hà Hồi của Hoàng Như Mai do NXB Trẻ xuất bản năm 2001 gồm ba vở là Tiếng trống Hà Hồi, Dòng sông biên giới và Vẽ chân dung Cụ Đồ Chiểu:
“Ba vở kịch trong tập kịch này là ba cột mốc trên hành trình tư tưởng, nghệ thuật của tôi.
Tiếng trống Hà Hồi viết năm 1948 là nỗi mong chờ ngày Tổng phản công trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Dòng sông biên giới viết năm 1957, mang nỗi đau buồn nhưng không thất vọng trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt.
Vẽ chân dung Cụ Đồ Chiểu viết năm 1982 khi đất nước thống nhất, tôi vào Nam bộ có dịp đến Bến Tre tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Tôi in ba vở kịch này cũng là để nhớ lại những người bạn diễn trong đoàn kịch Độc Lập hồi Nam tiến 1946-1947 và trong đoàn kịch Văn Hóa của Hội Văn hóa Kháng chiến tỉnh Hưng Yên 1947-1949”
Đoạn viết của GS. Hoàng Như Mai như chúng tôi trích trên đây được in ở trang 4, không ghi rõ là lời gì và được đặt ngay trước mục Thay lời tựa (trang 5) được trích từ một đoạn trong sách Miền Nam giữ vững thành đồng của GS. Trần Văn Giàu (Tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, 1970); trong đó, GS. Trần Văn Giàu nhận định về hoạt động của “Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc” từ nửa cuối những năm 1960 tại các thành phố lớn miền Nam có nhắc đến vở Tiếng trống Hà Hồi của GS. Hoàng Như Mai và một ý kiến đánh giá của tờ Tin Văn, tức tờ báo đối lập ở miền Nam, số ra ngày 21.3.1967.
Cái cách gắn lơ lửng đoạn viết của GS. Hoàng Như Mai giới thiệu ba vở kịch của mình như chúng tôi trình bày trên đây (không ghi rõ là lời gì, và đặt ngay trước mục Thay Lời tựa bằng (trích) lời của GS. Trần Văn Giàu) là một cách làm tinh tế của một trí thức đậm chất nghệ sĩ – xác định vị trí của kẻ sĩ. Và trong ba vở kịch thì có đến hai vở nhân vật chính, thậm chí nhân vật trung tâm, là Ông Đồ: Tiếng trống Hà Hồi với Đồ Trần và Đồ Vũ, và Vẽ chân dung Cụ Đồ Chiểu là Đồ Chiểu.
Hai vở kịch đầu gắn với các sự biến của đất nước vào thời đầu và cuối Tây Sơn, tức thời Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc tiêu diệt hàng vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị vào dịp Tết Kỷ Dậu, năm 1789 (Tiếng trống Hà Hồi), và sự biến thứ hai trong vở Dòng sông biên giới là “khoảng mùa thu năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh, nhờ sự giúp đỡ của người Pháp do Bá Đa Lộc dắt mối đã chiếm được các đất đai từ sông Gianh (Linh giang) trở vào Nam, và thế lực của Tây Sơn chỉ còn từ sông Gianh trở ra Bắc” (tr.63). Riêng vở thứ ba là Vẽ chân dung Cụ Đồ Chiểu không gắn với một sự biến cụ thể nào của đất nước vào năm 1982 mà chỉ là một dịp trong cuộc đời tác giả, “khi đất nước thống nhất, tôi vào Nam bộ có dịp đến Bến Tre tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu” (tr.4). Và vì thế, tính chất tâm tình, cũng là tính chất nghiên cứu, hiện lên rất rõ trong vở kịch này trong khi chất nỗi niềm thời thế là ở hai vở trước. Chúng ta cũng có thể nhìn nhận đặc điểm đó từ điểm nhìn tuổi tác hay từ độ chín của nghề dạy học; vở Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu ra đời trong thời gian mà những đánh giá về cuộc sống đã trở nên đằm thắm, những trải nghiệm đã thực sự trở thành chất liệu sáng tác, những kiến thức đã kết tinh theo một chiều hướng đậm lại, riêng tư.
Tiếng trống Hà Hồi là vở kịch nói ba màn mà khung cảnh là kinh thành Thăng Long những ngày tháng u uất, đầy chết chóc dưới sự trấn áp của lực lượng xâm lăng phương Bắc là Tôn Sĩ Nghị, và bước chuyển mình trong nhân dân và giới trí thức trung thực cho cuộc chiến thắng vĩ đại của mùa xuân Kỷ Dậu,1789. Dòng sông biên giới là một vở kịch thơ hai màn mà khung cảnh là bờ nam sông Gianh thời chia cắt cùng bước chuyển là người đi về bờ Bắc như một khát vọng. Tính chất thời thế là rất rõ trong hai vở kịch này, và cùng với nó là chất nghệ sĩ, hay đúng hơn chất anh hùng-nghệ sĩ đã hiện lên. Chúng ta thử hình dung giữa kinh thành Thăng Long như thế, hai người bạn cùng chí hướng là Đồ Trần và Đồ Vũ chán nản, thất vọng với những cụ Tú, Quan Huấn, cụ Bảng hèn nhát, sợ chết, rỗng tuếch, đã quyết tâm “trốn vào Thanh Hóa, theo Tây Sơn, họa chăng có cơ hội phất cờ tự chủ” (tr.40) nhưng, ngay lúc ban đầu nghĩ lại, Đồ Trần vì gia cảnh không đi được cùng bạn và họ nói những lời ly biệt:
Đồ Trần: Lúc này tôi mới thấm thía cái niềm uất hận của Từ Thứ. Bác đi ắt hẳn đem tài trí của Gia Cát Lượng mà an thiên hạ. Tối nay, bác lại đây uống với tôi chén rượu tống biệt. Mai bác đi không biết đến ngày nào hai ta mới lại trùng phùng “Biệt thời dung dị, kiến thời nan”.
Đồ Vũ: Thôi hai ta đành lấy việc lớn mà dẹp tình riêng vậy thôi. Ngày chúng ta gặp nhau có lẽ cũng còn chầy. Vì ngày ấy là ngày khải hoàn, ngày mà dân nước Nam ăn mừng tự chủ. Thôi kính bác tôi về. Mà có lẽ tôi xin báo trước bác ngay bây giờ. Tối hôm nay, tôi còn bận thu xếp công việc nên không đến chào bác được đâu. Chén rượu quan hà thôi đành để lại đến ngày tái ngộ uống với chén tẩy giáp binh một thể”.(tr.42-43)
Khí phách hiện ra một cách đầy chất nghệ sĩ. Và về sau, nhờ vợ Đồ Trần có ý định quyên sinh (nhưng Đồ Trần cản kịp) để chồng có thể an lòng ra đi cứu nước nên Đồ Trần đã quyết định đi cùng Đồ Vũ. Cả hai chưa kịp lên đường thì ngay đêm đó “quân Tây Sơn đã ra Bắc phá vỡ thành vào kinh kỳ rồi…”
Và, “Bên ngoài tiếng quát rộn rã: Bắt lấy lũ giặc Mãn, giết hết loài tẩu cẩu, đạp cổ triều đình bất lực xuống” (tr.59)
Trường hợp Dòng sông biên giới thì khác. Chúng tôi nghĩ bản thân thơ trong vở kịch thơ Dòng sông biên giới là cơ hội để GS. Hoàng Như Mai thể hiện chất nghệ sĩ của bản thân, và cùng với đó, là nỗi lòng của hai nhân vật Kim Âu và Ngọc Quỳnh trong cuộc chia ly bên bờ nam dòng sông Gianh. Những phát triển sự biến cốt truyện kịch không thực sự được chú ý trong vở kịch này, và thay vào đó, là lời thơ đầy tâm trạng của bước ngoặt tình anh em nuôi sang tình yêu đôi lứa. Chúng ta hãy nghe lời Kim Âu nói với Ngọc Quỳnh trong buổi biệt ly:
…
bình minh thui thủi trên cồn cát
nước biển mây trời man mác xanh
chao ôi, vũ trụ mênh mông quá
mà chiếc thân mình quá mỏng manh,
tương lai thân thế hư không cả
đen đặc tâm hồn sự tử sinh (tr.90)
Hay ở một lớp kịch khác:
Em ơi, lửa đốt lòng anh
khổ cực tràn ra suối lệ
bao lớp phong trần phủ lên thân thế
gió mưa tầm tã đường đời (tr.110)
Chất nghệ sĩ trong Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu thì khác hẳn, tập trung nơi cách xây dựng cấu trúc tác phẩm kịch một màn thông qua giấc mơ – cái nhất thời của giấc mơ đã đẩy tất cả vào thiên tải hay là ngược lại cũng vậy. Đó là giấc mơ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu về các nhân vật của mình (Lục Vân Tiên, bốn người dân mộ nghĩa Cần Giuộc, Kỳ Nhân Sư, Kiều Nguyệt Nga) gắn với những con người cùng thời nhưng đã khuất và đã từng được Nguyễn Đình Chiểu đề thơ (Phan Thanh Giản, Trương Định) trong nỗi niềm hiện tại của nhà thơ khi thời thế còn dang dở, ngổn ngang.
Câu chuyện kịch có thể xảy ra vào khoảng những năm 1880, khi Sương Nguyệt Anh (1864-1921), con của Nguyễn Đình Chiểu, là một nhân vật trong vở kịch, đã khôn lớn, và khi Phan Thanh Giản (1796-1867) cùng Trương Định (1820-1864) đã qua đời. Trong trường hợp này cấu trúc giấc mơ của tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã giúp vở kịch chuyển tải được cái nhìn của GS. Hoàng Như Mai (tác giả vở kịch) không chỉ về quan điểm đánh giá lịch sử, các nhân vật lịch sử mà cả về mối quan hệ giữa tác giả với nhân vật trong bối cảnh cuộc sống như một dòng chảy.
Vở kịch là một cuộc đối thoại giữa nhân vật trong tác phẩm với nhân vật trong giấc mơ (vở kịch), giữa các nhân vật trong các tác phẩm với một/các nhân vật trong giấc mơ (vở kịch) và với tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Tất cả hình như đều có tiếng nói riêng của mình, và thế là lịch sử được tái hiện dưới một ánh sáng mới và những đánh giá, những nỗi niềm hiện ra trong sâu thẳm của từng nhân vật trong vở kịch. Đây là lời của nhân vật Kỳ Nhân Sư:
Không phải là may mắn đâu thưa Cụ Đồ. Đối với mọi người có lẽ tôi chỉ là huyền thoại. Nhưng đối với cụ,tôi là nỗi chán chường u uất ám ảnh suốt thời gian cuối đời của cụ, là bóng tối tiếp theo những ngày rực rỡ nắng hồng của cụ, là vang bóng một thời, là mối hận nghìn thu của cụ, là trận gió thu hiu hắt buổi ngày tàn bóng xế của cụ đấy thôi Cụ Đồ ơi! (tr. 141)
Đó là lời của nhân vật trong giấc mơ của tác giả, còn đây là lời của nhân vật Cụ Đồ, tức tác giả Nguyễn Đình Chiểu, lúc sực tỉnh giấc mơ:
Người viết văn là thế. Vui là thấy mình đã cống hiến được cho đời được những mẫu người để người đời hoặc noi gương hoặc tránh vết xe đổ. Buồn là vì lý tưởng của mình, yêu cầu của mình thường là cao xa mà thực tế thì khó được như ý muốn. Cả cuộc đời viết văn và những băn khoăn, ước vọng, những ngao ngán xót xa, những say mê phấn khởi, những nhân vật mình tạo nên, những cuộc sống mình xây dựng…cũng là một giấc mơ như giấc mơ vừa rồi thôi! (tr.151)
Hiện tượng trùng phức đã được dựng lên khi GS. Hoàng Như Mai với tư cách tác giả vở kịch đã làm/tổ chức một cuộc đối thoại của/với các nhân vật của mình trong một bối cảnh mới của lịch sử – đối thoại của đối thoại – trong khu vực thẩm mỹ cổ điển. Và chính tại đây, chất nghệ sĩ hiện đại của (tác giả) vở kịch giấc mơ hiện ra trong một không khí đầy màu sắc cổ điển:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
Trong lúc Cụ Đồ đứng lên chính giữa sân khấu đọc hai câu thơ ấy thì đồng thời hai câu thơ được hiện ra rực rỡ trên sân khấu và một điệu nhạc phổ vào hai câu thơ cất lên, nâng cao, ngân vang lên hùng tráng mãi trong không gian.
Hạ màn.(tr.152)
Ba vở kịch (Tiếng trống Hà Hồi, Dòng sông biên giới, Vẽ chân dung Cụ Đồ Chiểu) đánh dấu “ba cột mốc trên hành trình tư tưởng, nghệ thuật” của GS. Hoàng Như Mai đã hiện ra chất nghệ sĩ của tác giả càng lúc càng gắn với những thủ pháp cách tân của kịch hiện đại với những nét rực rỡ, đơn giản mà phức tạp.