Marrism: Một thuyết Lysenko trong ngôn ngữ học

20170925 Lysenko

Ảnh: Con tem có in hình viện sĩ Nikolay Yakovlevich Marr (1865-1934), tác giả của “học thuyết mới về ngôn ngữ”, tuy gây ấn tượng mạnh cho người không phải chuyên gia, nhưng thực chất chứa đựng rất nhiều sai lầm, gượng gạo, thậm chí là hư ngụy.

Ngày 20.6.1950 báo “Pravda” tại Moskva đăng bài báo “Chủ nghĩa Marx và ngôn ngữ học” của Stalin, nhà lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước Liên Xô, một động thái trợ giúp một số nhà ngôn ngữ học trẻ nhằm lật đổ “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Viện sĩ đã quá cố Nikolay Yakovlevich Marr (1865-1934), từng nhận được sự ủng hộ chính thống của nhà nước Liên Xô trong gần ba thập kỷ. Sự kiện này như sự giải cứu ngành ngữ học Xô-viết khỏi cái ách những lý thuyết ý thức hệ hóa phi lý.

Nikolay Yakovlevich Marr xuất thân từ Gruzia (như Stalin), học tập và sống đến cuối đời ở Petersburg. Tại Đại học Petersburg, Marr học đồng thời tất cả các ngành của Khoa Đông phương học và học tất cả các ngôn ngữ được dạy tại khoa này. Năm 1888 ông tốt nghiệp, trở thành một nhà nghiên cứu có những đóng góp đáng kể vào các ngành sử học, khảo cổ, dân tộc học về Gruzia, Armenia và vùng Kavkaz, đào tạo nhiều chuyên gia Đông phương học, trong đó có những người xuất sắc. Ông được bầu làm giáo sư (1902), trưởng Khoa Đông phương học Đại học Petersburg (1911), rồi trở thành Viện sĩ đặc cách Viện Hàn lâm Đế chế Nga từ 14.1.1912. Sau cách mạng tháng 10.1917, Marr tiếp tục là giáo sư đại học, Viện sĩ Viện Hàn lâm Nga, có uy tín lớn trong giới trí thức Liên Xô. Ông sáng lập Viện nghiên cứu Japhetic tại Petrograd (sau là Viện Ngôn ngữ và Tư duy mang tên ông); tháng 3.1930 ông được bầu làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô; được tặng Huân chương Lenin nhân 45 năm hoạt động khoa học (1933)…

Từ những năm đầu hoạt động khoa học, Marr đã quan tâm đến vấn đề liên hệ nguồn gốc giữa các ngôn ngữ vùng Kavkaz và đề xuất một loạt giả thuyết về sự thân thuộc giữa chúng về ngữ nghĩa, từ vựng. Ông gọi chúng là “những ngôn ngữ Japhet”, theo tên Japhet, con trai thứ ba của Noah trong truyền thuyết Kinh Thánh. Tháng 11.1923, Marr công bố “học thuyết mới về ngôn ngữ”, còn được gọi là “thuyết Japhetic”, “Japhetologia”, “Marrism”, “thuyết về tính giai đoạn”, với một số nội dung chính như sau:

1/ Các ngôn ngữ Japhetic. Marr cho rằng tồn tại cái mà ông gọi là “những ngôn ngữ Japhetic”, gồm những thứ tiếng như tiếng Gruzia (là bản ngữ của ông và ông buộc học trò phải học), các ngôn ngữ Kartvelian vùng nam Kavkaz, một số ngôn ngữ như Burushaki, Basque, v.v. Chúng được Marr lý giải như một giai đoạn phát triển ngôn ngữ, hiện diện trên toàn thế giới, gắn với cấu trúc giai cấp của xã hội.

2/ Bản chất giai cấp của ngôn ngữ. Marr khẳng định ngôn ngữ có bản chất giai cấp do nó là “thượng tầng” bên trên “hạ tầng” là các quan hệ kinh tế xã hội. Các giai đoạn ngôn ngữ gắn với các giai đoạn phát triển xã hội theo chủ nghĩa Marx: xã hội tiền giai cấp, chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ quân chủ phong kiến, chủ nghĩa tư bản; và do vậy, sẽ cần phải nảy sinh một ngôn ngữ mới của xã hội cộng sản chủ nghĩa, đó sẽ là “ngôn ngữ mới và duy nhất, ở đó cái đẹp đẽ cao nhất được hòa quyện với sự phát triển trí tuệ cao nhất”.

3/ Nguồn gốc của ngôn ngữ. Các ngôn ngữ đều có nguồn từ “những tiếng kêu trong lao động”, do “cách mạng âm thanh” và gắn với ngọn nguồn hoạt động lao động của con người. Nó có trước ngôn ngữ ra hiệu (ngôn ngữ cử chỉ). Mọi từ vựng của mọi ngôn ngữ đều chung nguồn gốc xuất xứ (monogenesis), chính là bốn yếu tố vốn là những tiếng kêu khởi đầu lao động: SAL, BER, ION, ROSH (thoạt tiên “không có bất cứ hàm nghĩa gì” và nhắm tới các mục đích ma thuật); bộ môn gọi là “cổ sinh học ngôn ngữ” có thể quy bất cứ từ vựng nào vào một trong số 4 yếu tố ấy.

Những quan niệm thông thường về lịch sử ngôn ngữ cho rằng một ngôn ngữ nguyên sơ (proto-language) duy nhất phân rã dần thành những ngôn ngữ đơn lẻ nhưng có liên hệ thân thuộc với nhau về nguồn gốc. Nhưng Marr lại cho rằng ngôn ngữ đi từ đa dạng, đa bội đến thống nhất, duy nhất. Theo ông, các ngôn ngữ nảy sinh độc lập với nhau: chẳng những tiếng Ukraina và tiếng Nga từ xa xưa không hề thân thuộc họ hàng với nhau, mà đến mỗi phương ngữ, biệt ngữ tiếng Nga trong quá khứ cũng đều là những ngôn ngữ nảy sinh độc lập. Về sau sẽ diễn ra quá trình gặp gỡ, giao cắt, lai ghép nhau, biến thành những ngôn ngữ con cháu; ví dụ tiếng Pháp là do ngôn ngữ Japhetic và ngôn ngữ Latin lai ghép nhau. Do nhiều giao cắt, lai ghép mà số lượng ngôn ngữ giảm dần và đến xã hội cộng sản thì quá trình này hoàn tất bằng việc tạo ra một ngôn ngữ toàn thế giới, khác với mọi ngôn ngữ đã tồn tại. (1)

Học thuyết của Marr còn nhiều nội dung khác nữa, ở đây tạm không đề cập.

Các luận điểm do Marr đề xuất với một khối tài liệu rộng lớn các ngôn ngữ xứ lạ, tuy gây ấn tượng mạnh cho người không phải chuyên gia, nhưng thực chất chứa đựng rất nhiều sai lầm, gượng gạo, thậm chí là hư ngụy, và thường có lối trình bày rối rắm, hay lướt từ đề tài này qua đề tài kia – đôi khi những điều đó gắn với bệnh trạng tâm lý của Marr.

Sự ủng hộ của Nhà nước

Ngay sau khi xuất hiện (1923), học thuyết của Marr lập tức thu được sự chú ý đặc biệt của nhiều quan chức cấp cao các ngành khoa học và giáo dục Liên Xô. Ngay trong thập kỷ 1920 có A. Lunacharsky, M. Pokrovsky, P. Lebedev-Polyansky, V. Friche, V. Bryusov, v.v. Dân ủy (bộ trưởng) giáo dục A. Lunacharsky viết rằng, “bộ óc sáng tạo hiệu quả của nhà ngữ văn vĩ đại nhất Liên bang chúng ta và có lẽ là vĩ đại nhất trong số những nhà ngữ văn đang còn sống” chính là Marr. Nhà vật lý, Viện sĩ Hàn lâm Abram Ioffe thì truyền bá giai thoại rằng Marr có thể, trong một ngày, học xong một ngôn ngữ trước đó ông chưa biết. Giám đốc Đại học Quốc gia Moskva khi đó là A. Vyshinsky yêu cầu đưa học thuyết của Marr vào giảng dạy.

Cuối những năm 1920, Marr bắt đầu trích dẫn Marx và Engels vào các bài viết của mình, khẳng định học thuyết của mình chính là “ngôn ngữ học Mác-xít”, quay lại lên án các bộ môn ngữ học đang có ở Tây Âu mà bản thân ông từng chịu ảnh hưởng. Ông tuyên bố ngữ học so sánh lịch sử là “khoa học tư sản”, học thuyết về ngữ hệ Ấn-Âu là “sự hỗ trợ về tư tưởng cho chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa chủng tộc”.

Năm 1930, Marr lên đọc báo cáo tại Đại hội 16 Đảng Cộng sản Liên Xô và ngay sau đó vào Đảng, là người duy nhất trong số các Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học đế chế cũ gia nhập Đảng Cộng sản, lại là trường hợp rất hiếm được miễn thời gian là đảng viên dự bị.

“Học thuyết mới về ngôn ngữ” chẳng những được ủng hộ bởi những cá nhân lãnh đạo cấp cao mà còn được tuyên truyền tích cực khắp Liên Xô và được vận dụng như “một lý thuyết duy nhất đúng đắn về mặt giai cấp”. Trong khi nhìn chung giới khoa học châu Âu hoàn toàn im lặng lảng tránh nó thì ở Liên Xô hình thành xung quanh Marr một “trường phái” những người tuyên truyền học thuyết của ông. Hầu hết đó là những kẻ háo danh, những “chuyên gia trẻ”, đôi khi không có chút học vấn nào về ngữ học, cũng không làm nghiên cứu mà chỉ chú trọng phỉ báng những ai phản đối lý thuyết của Marr bằng những quy chụp chính trị (“bọn theo Trotskyism”, “tư sản buôn lậu”, v.v.). Tuy nhiên, một số nhà khoa học có trình độ cao ở Liên Xô cũng tỏ ra đồng tình với đám tuyên truyền viên này.

Cuối năm 1929 xuất hiện một bản báo cáo kịch liệt phê phán học thuyết ngữ học của Marr, do một học giả Nga, E.D. Polivanov, viết, nhưng không được đồng nghiệp ủng hộ. Vì báo cáo này, ông bị phái đi Trung Á rồi tại đấy ông bị bắt, bị xử bắn (1938). Một ý đồ nữa chống học thuyết của Marr là của nhóm “Mặt trận ngôn ngữ” (của T. Lomtev, P. Kuznetzov) nhưng đến đầu 1932 thì bị các môn đồ học thuyết Marr đè bẹp.

Sau khi Marr qua đời (20.12.1934), và nhất là vào những năm 1940, những người tự coi là học trò và kế tục Marr (I. Meshchaninov, S. Katznelson, M. Gukhman, v.v.) trên thực tế đã vứt bỏ những quan điểm sai lầm trong “học thuyết mới về ngôn ngữ” của ông. Một số luận điểm được cho là “diễn giải chưa hoàn chỉnh” của Marr, được họ tuyên bố bảo lưu; một số luận điểm đã lộ rõ là hoang tưởng thì họ đem gán cho không phải Marr mà là một số “kẻ dung tục” vô danh.

Trong phạm vi cuộc đấu tranh gọi là “chống chủ nghĩa thế giới” (“Cosmopolitanism”, diễn ra những năm 1948-1953, nhắm vào lớp trung lưu trí thức, bị coi là đại diện xu hướng hoài nghi và thân phương Tây), khá đông tuyên truyền viên của học thuyết Marrism (như F. Filin, G. Serduchenko) mở chiến dịch chống “những kẻ giả danh của lý thuyết tư sản” trong ngữ học, trên thực tế là nhắm vào tất cả các nhà ngữ học lớn (V. Vinogradov, D. Bubrikh, thậm chí cả những người kế tục học thuyết của Marr). Lúc này, học thuyết Marrism được coi như một lý thuyết “yêu nước”, các công trình của Marr được đưa vào dạy ở bậc đại học, thậm chí cả ở trường phổ thông.

Gió xoay chiều và kết thúc một “huyền thoại”

Đầu năm 1950, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô lập ra một ban trù bị cho việc kỷ niệm 15 năm ngày mất của Marr. Nhưng ngay trong hai tháng 5 và 6, nhật báo “Pravda” mở cuộc thảo luận công khai về “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Marr. Mở đầu là bài viết của A. Chikobava (lúc đó đang phụ trách Khoa Nghiên cứu Kavkaz, Đại học Tbilisi) kịch liệt phê phán học thuyết Marrism; đồng thời cùng theo hướng đó là các ý kiến của L. Bulakhovsky, G. Kapantzyan, B. Serebrenikov. Báo cũng đăng các ý kiến bảo vệ học thuyết ấy (I. Meshchaninov, N. Chemodanov, F. Filin, V. Kudryavtzev), và những ý kiến nhân nhượng, điều hòa (V. Vinogradov, G. Sanzheev, A. Popov, S. Nikiforov).

Khi cuộc thảo luận gần kết thúc thì xuất hiện bài báo của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Liên Xô, J. Stalin, đăng ngày 20.6.1950 với nhan đề “Về chủ nghĩa Marx trong ngữ học”. Ngày 4.7 báo đăng tiếp đoạn văn Stalin trả lời nữ phóng viên E. Krasheninnikova. Ngày 2.8 báo đăng đoạn văn Stalin trả lời thư một bạn đọc. Sau đó, tất cả các phần đăng tải này được soạn thành một văn bản dưới nhan đề “Chủ nghĩa Marx và vấn đề ngữ học”, được xuất bản với số lượng in lớn và được tuyên bố là “tác phẩm thiên tài”.

Trong bài báo của Stalin, ý tưởng xem ngôn ngữ là “kiến trúc thượng tầng”, “tính giai cấp của ngôn ngữ” do Marr đề xuất, đều bị bác bỏ; ngôn ngữ được xem như công cụ giao tiếp toàn dân; “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Marr được khẳng định “không phải là ngữ học Mác-xít”.  

Chikobava sau này kể lại rằng bài của ông đăng báo “Pravda” là theo chỉ thị của Stalin(2). Trước đó Chikobava có thư gửi Stalin khi ông bị một số môn đồ học thuyết Marrism săn đuổi. Theo Chikobava, ông viết bức thư đó là do đề xuất của Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Đảng Cộng sản Gruzia Kandid Nesterovich Charkviani (1907-1994) và qua ông ta được gửi cho Stalin. Vậy có thể đây là sáng kiến của Charkviani, người che chở nhà ngữ học Chikobava.

Người ta nêu ra vài giả thuyết lý giải Stalin can thiệp sâu vào ngữ học như vậy. Một là với việc này, ông có thể củng cố vinh dự một lý thuyết gia của chủ nghĩa Marx. Hai là tư tưởng của Marr vốn nhắm vào tâm trạng những năm 1920 đã không còn tương thích với đường lối chính trị của Stalin thời hậu thế chiến.

Hầu như mọi công trình ngữ học ở Liên Xô sau đó đều trích dẫn bài báo của Stalin, đồng thời “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Marr chính thức bị coi là phản khoa học. Những môn đồ của thuyết Marrism cũng bị đả kích đôi lúc quá đà, có người bị buộc thôi việc, hoặc buộc phải đi tỉnh lẻ, tuy nhiên nhìn chung không có sự trừng phạt nặng nề.

Giới ngữ học tại Liên Xô và cả nước ngoài đều đánh giá sự kiện này như sự giải cứu ngành ngữ học Xô-viết khỏi cái ách những lý thuyết ý thức hệ hóa phi lý. Tạp chí “Language” của Mỹ nhận định rằng, với vụ việc này, “ngành ngữ học Xô-viết đã bước được một bước theo hướng đúng, nhưng vẫn còn chưa bước khỏi bóng tối để ra ánh sáng, bởi vì tư tưởng Stalin, bất kể nội dung nào của nó, vẫn là giáo điều được tuyên ngôn bằng văn kiện chính thống”.(3) Mặc dù Stalin nói trong khoa học cần có tự do ý kiến, nhưng từ phía chính thống, người ta vẫn áp dụng sự phân giới giữa khoa học “đúng đắn”, “mác-xít” với mọi khuynh hướng còn lại, bị coi là “tư sản”, “lệch lạc về tư tưởng”.

Từ sau đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (1956), việc bàn luận về học thuyết Marrism mất hẳn tính thời sự. Vào những năm 1960, liên quan đến việc phê phán Stalin cũng xuất hiện một số ý đồ phục hồi học thuyết Marrism, nhưng không có kết quả. Người ta càng thấy rõ, khi không còn sự ủng hộ từ phía chính thống, học thuyết này sẽ biến mất khỏi chân trời khoa học.

Nói gọn lại, có thể so sánh tác hại của thuyết Marrism với tác hại của thuyết Lysenko trong sinh học và nông học Liên Xô. Chính sự ủng hộ mang tính nhà nước đối với học thuyết này đã cản trở sự phát triển của khoa ngữ học Xô-viết.

Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận chính nó đã khiến giới nghiên cứu ngữ học đương thời thấy không thể thỏa mãn với bộ môn nghiên cứu so sánh lịch sử, và thấy cần nghiên cứu tính quy luật đồng đại của ngôn ngữ, xã hội học ngôn ngữ, loại hình học ngôn ngữ.
--------
(1) Xem: V.M. Alpatov, Marr, Marrizm, Stalinism[Marr, học thuyết Marr, chủ nghĩa Stalin] // Filosofskiye Issledovahiya [Nghiên cứu triết học], 1993, № 4, tr. 271-288 [chữ Nga]
(2) Chikobava, A.S., Điều đó xảy ra lúc nào và như thế nào. // Niên giám Ngữ học Iberiisk-Kavkaz, XII, Tbilisi, 1985. [chữ Nga]; theo Alpatov, bài đã dẫn.
(3) Rubinstein H. The Recent Conflict in Soviet Linguistics.//Language.V.27, 1951, № 3. [chữ Anh]; theo Alpatov, bài đã dẫn.

Chỉ một tháng sau khi đăng ở Moskva, bài viết “Chủ nghĩa Marx và ngôn ngữ học” của Stalin đã có bản dịch Hoa văn mà dịch giả là một cán bộ cấp cao Trung Quốc lục địa, Lý Lập Tam (1899-1967), đăng báo “Đại Công” (số ra ngày 21.7.1950) ở Hương Cảng, khi đó đang thuộc quyền quản lý của Anh quốc. Ở Việt Nam, tại “thủ đô gió ngàn” Việt Bắc, ngay trong năm ấy, thường trực Ban Ngôn ngữ văn tự của Hội Văn hóa Việt Nam đã nhận được số báo “Đại Công” Hương Cảng kể trên. Người phụ trách Ban Ngôn ngữ văn tự lúc ấy là Phan Khôi đã bắt tay dịch ngay bài báo của Stalin ra tiếng Việt. Vừa lúc dịch xong, ông lại nhận được một bản dịch chữ Pháp đã đánh máy bài kể trên của Stalin, không ghi tên người dịch; ông đã đối chiếu một số điểm và thêm một vài chú thích vào bản dịch của mình. Bản dịch của Phan Khôi được công bố dưới dạng sách in, đứng tên Bộ Quốc gia Giáo dục và Ban Văn học Vụ Văn học nghệ thuật. Sách in xong và phát hành ngay trong năm 1951 tại Việt Bắc. Thái độ nhất quán của Phan Khôi trong và sau khi dịch bài này là cần rất mực thận trọng, rất mực dè dặt. Ông nhắc lại điều này ở lời ghi thêm cuối tập sách: “nhất là bạn nào để tâm về ngôn ngữ học nên đọc thật kỹ”. Tất nhiên, người ta biết, đương thời, uy danh của nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô là cực lớn, hầu như mọi động thái phát ngôn của ông đều được truyền tin khắp Liên Xô và “phe” XHCN, lại cũng được các giới báo chí, truyền thông các nước phương Tây tư bản chủ nghĩa chú ý khai thác, đưa tin, bình luận. Tuy nhiên, một thông tin học thuật về một lĩnh vực tri thức tương đối hẹp là ngữ học, mà được lan truyền từ Moskva qua Hồng Kông đến một vùng rừng núi Việt Bắc trong thời gian ngắn như trên, quả là việc hiếm thấy. Báo chí ở vùng kháng chiến thường chú trọng nhiều sự kiện và vấn đề khác, quan thiết hơn các chuyện học thuật, nên ta khó tìm thấy phản hồi nào về tập sách dịch này. Dù sao, Phan Khôi cũng đã thực hiện được một thông tin về một sự kiện hệ trọng đời sống học thuật mà khá lâu về sau người ta mới biết đến.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 25.9.2017.

Thông tin truy cập

60518460
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9971
12997
60518460

Thành viên trực tuyến

Đang có 280 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website