Đinh Thị Thu Vân – Người giấu lửa trong thơ

 Đinh Thị Thu Vân là một trong những nhà thơ nữ của ĐBSCL. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Long An, tốt nghiệp Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh năm 1977 nhưng không theo nghề dạy học, Đinh Thị Thu Vân trở về phục vụ cho quê hương bên ngành thư viện. Thời gian đầu cô làm Biên tập viên, sau trở thành Tổng Biên tập cho tạp chí Văn Nghệ Long An.

 

Đinh Thị Thu Vân bắt đầu làm thơ từ năm 1977. Lúc mới cầm bút, mảng đề tài chính của cô là quân đội, về sau đi sâu vào mảng tự sự, trữ tình. Là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam, Đinh Thị Thu Vân đạt được những giải thưởng nhất định trong sự nghiệp văn chương của mình. Có thể kể đến là Giải C cuộc thi thơ Báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, được Tặng thưởng thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981 và  Tặng thưởng văn học bộ Quốc Phòng 5 năm 1984 – 1989. Đến nay cô đã xuất bản được hai tập thơ như hai dấu ấn khác nhau trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Đó là thay cho lời hát ru anh, Hội VHNT Long An xuất bản năm 1981 và một ngày ta ngoái lại cũng do Hội VHNT xuất bản năm 2005.

Nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật ta thấy Đinh Thị Thu Vân sáng tác không nhiều nhưng tất cả những gì cô mang đến đều để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả. Ngay từ những bài thơ đầu tiên như Con tem quân đội, Nếu không có ngày ba mươi tháng tư, Bài thơ lục bát của anh… Thu Vân đã để lại ấn tượng về một “em” hậu phương trẻ trung đằm thắm nghĩa tình. Tình yêu lý tưởng cộng với chút gì hồn nhiên, sâu lắng, Thu Vân đã thật sự làm mới lại một đề tài vốn đã thân quen. Hơn nữa lại ra đời trong những năm sau giải phóng, tập thơ làm thức dậy trong lòng bao chàng trai trẻ từng “bạc vai áo xông pha” những kỷ niệm, những cảm xúc ngọt ngào. Chính một người bộ đội năm xưa từng bày tỏ cảm xúc rằng yêu lắm những vần thơ của Thu Vân ngày đó.

Ai đó đã từng nói rằng mỗi nhà thơ là một kiến trúc sư, họ thiết kế một ngôi nhà và giấu trong đó những chiếc chìa khóa. Độc giả hay người phê bình nếu không tìm được một trong những chiếc chìa khóa đó thì mãi mãi cũng chỉ là những người khách qua đường, lãng vãng xung quanh ngôi nhà chứ không cách nào vào được. Cầm trên tay tập thơ của Đinh Thị Thu Vân, người đọc đôi khi lầm tưởng mình đã bước được vào căn nhà ấy, bởi những điều tác giả viết có gì cao siêu đâu, cũng không theo một trào lưu hiện đại nào quá khó hiểu. Thu Vân viết thơ cho mình, viết theo tâm trạng, cảm xúc thật của mình với tất cả những ngổn ngang, thổn thức.

Một trong những mấu chốt đầu tiên khi tiếp cận thơ cô đúng như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nói, đó là “phải đọc to lên mới thấm”. ([1]) Đọc thơ cô để cảm nhận một dòng nội tâm lúc nào cũng tràn đầy như thác đổ. Dường như tác giả cài vào đó chiếc đập ngay từ những dòng đầu tiên, để rồi ai lỡ chạm vào sẽ bị cuốn theo không cách nào dừng lại được. Đó không chỉ nói đến mạch thơ mà còn muốn nói đến mạch suy tư. Đọc “để thấy trong nồng nàn cay đắng vẫn còn làm mất ngủ cả tàn tro”. ([2])

Nếu với Thay cho lời hát ru anh người đọc thấy một Đinh Thị Thu Vân hồn nhiên tươi trẻ với những câu thơ mang tinh thần lạc quan của một cô gái trẻ viết về anh bộ đội cụ Hồ thì khi đến với một ngày ta ngoái lại ta lại bắt gặp một Đinh Thị Thu Vân khác, một Thu Vân của những trăn trở, hoài niệm, tiếc nuối, những cuộc đối thoại tâm trạng với một người nhưng dường như với chính bản thân mình. Với tập thơ thứ hai, người đọc sẽ để cho cảm xúc của mình “phiêu” trong những miền sáng tối, những góc khuất khác nhau của nội tâm, có khi là đỉnh của yêu thương nhưng có khi lại là tận cùng của niềm cô độc. Chính những “góc”, “khoảng” ký ức triền miên ấy đã làm không ít người đọc cảm thấy ám ảnh, day dứt, xót xa trước cái ngõ hẹp hun hút của tâm hồn.

Có thể nói Đinh Thị Thu Vân là một trong những cây bút nữ đặc biệt của xứ đồng bằng. Sau ngày giải phóng, rất nhiều người biết đến cô qua những bức thư tình hậu phương tươi trẻ, hồn nhiên nhưng thấm đẫm một tình yêu ngời sáng. Cô cũng đạt được những giải thơ nhất định qua tập thơ đầu tiên của mình. Thơ tình Thu Vân lúc nào cũng đầy ắp một chữ tình. Qua hai tập thơ nhưng ta thấy có một điểm chung duy, đó chính là tình yêu lúc nào cũng đằm thắm, ngọt ngào, chất chứa đầy những nội tâm sâu kín. Cũng là thơ tình nhưng thơ tình của cô có gì như trách móc, lời trách móc không phải để giải tỏa nội tâm mà như những mũi dao tự đâm chính mình. Cái lỗi trong tình yêu đôi khi không quá rõ ràng, rạch ròi như bài toán, đó là những day dứt đắng cay chỉ người trong cuộc mới hiểu. Cả hai tập thơ đều viết về tình yêu nhưng sắc thái và cung bậc ở mỗi tập thơ là hoàn toàn khác nhau. Nếu như trong thay lời hát ru anh là tình yêu trong sáng, tươi trẻ của một tâm hồn tràn đầy sức sống thì trong tập thơ thứ hai một ngày ta ngoái lại là cái đắng xót của một tình yêu bị tan vỡ, một sự hoài niệm tiếc nuối và có cả nỗi khát khao đợi chờ dẫu biết đó là vô vọng. Xuyên suốt tập thơ là “nỗi ân hận của người đến sau, của người đến muộn dẫu rằng lý do không kịp ấy của chị là điều không thể khác([3]). Cái lỗi ở đây không rạch ròi, cái lỗi đan cài trong đó nhiều ẩn tình, éo le, ngang trái. Có khi là yêu thương nhưng lại trở thành “lỗi”, cái lỗi nhẹ nhàng, cũng là cái lỗi lớn lao nhất.

Đến với trang thơ cô, người đọc cảm nhận sự khát khao chờ vọng mãnh liệt cứ chực trào ra trang viết, khát khao được bày tỏ sự riêng tư nhưng lại cố tình giấu lại để ngày đêm thiêu đốt trái tim mình:

“tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa/  một nửa dường đang khuất phía mông lung…” (một nửa dường đang khuất).

Trong văn học hiện đại, viết về tình yêu của người phụ nữ có lẽ chúng ta thường nhớ đến nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Có điều nếu nhìn nhận một cách sâu sắc, ta thấy Xuân Quỳnh có cơ hội để bày tỏ tình cảm, biến cái “lửa” ấy thành những cung bậc thiết tha, nhẹ nhàng như từng lớp sóng ru vỗ tâm hồn. Còn với Đinh Thị Thu Vân, cô cũng có một tình yêu nhưng có bao giờ được trọn vẹn? Có lẽ vì vậy mà cái lửa trong thơ cô càng thêm mãnh liệt, có thể thiêu đốt trái tim bất cứ người đọc nào. Trần Mạnh Hảo từng cảnh báo điều đó trong bài viết của mình rằng “Tôi khuyên quý vị nam giới nào thấy tâm hồn mình nhiều rơm chớ nên đọc thơ Đinh Thị Thu Vân, coi chừng lửa ở trong tro sẽ bùng lên thiêu rụi cây rơm anh bất cứ lúc nào!([4]) Tuy nhiên, theo người viết, không chỉ có nam giới mà cả phụ nữ, những ai từng chứa lửa trong tim mình cũng sẽ dễ dàng “bốc cháy” nếu đắm mình trong những câu thơ ấy. Cô nhốt nỗi lòng của mình trong chiếc rọ chật hẹp được vây phủ bởi bóng tối mong giấu kín mọi điều, không cho nảy nở sinh sôi nhưng những dòng xúc cảm, nỗi đớn đau ấy cứ ngày đêm chồi đạp đòi khai sinh những câu thơ làm đắng xót tâm hồn. Một trái tim luôn khao khát yêu đương nhưng lại tự mình muốn giết chết nó. Giết làm sao được khi chiếc mầm chưa một lần sinh sôi, chưa một lần già cỗi? Có ai trong ngày đầu năm mới lại tự chúc mình bằng những câu thơ “lạ” thế này chăng: “tôi chúc tôi đừng thiếu nữ/  đừng khao khát những chân trời” (tự chúc). Thế rồi cũng con người đó, hơi thở đó, cũng khoảnh khắc xuân đó có lúc lại ao ước rằng:

ngày mai… ngày mai… ôi giá như ngày mai/  tôi có thể chia cho ai một chút lòng tan vỡ/  một chút ngậm ngùi một chút cô đơn…(tàn đông) .

Bao trùm trong dòng ký ức loạn nhịp ấy đôi khi ta thấy một sự mâu thuẫn lớn trong nội tâm chủ thể trữ tình. Bởi lẽ những cung bậc tình yêu có bao giờ rạch ròi đâu. Có khi hờn trách, lại có lúc thương yêu, đôi khi cái trách móc có vẻ đắng cay lại ẩn chứa một tình yêu nồng nàn hơn bao giờ hết.

Thu Vân làm thơ không nhiều nhưng những lời cô viết ra như được chưng cất từ muôn vạn nỗi niềm riêng thành chiếc bóng đen đặc quánh như giọt café nặng trịch trong chiếc cốc tâm hồn. Ở đó cái yếu đuối được ngụy trang bằng sự rắn rỏi bên ngoài, nỗi khát khao được phủ lấp bởi cái bất cần đầy nữ tính:

và em chợt thương những người phụ nữ suốt đời chung thủy/ suốt đời vùi hồn trong những kỷ niệm/ ngỡ thiêng liêng/ ôi những người phụ nữ không biết quay lưng/ sẽ không bao giờ/ không bao giờ nhận ra được hết những ngõ ngách bạc bẽo trong trái tim lạnh lùng phản bội!” (trần trụi tình yêu)

Nghịch lý ấy vỡ ra từ sự cay đắng, đớn đau đến tột cùng cảm xúc khiến những người nhận biết dẫu trong hay ngoài cuộc đều thương chứ không nỡ trách. Cái nghịch lý đáng yêu lắm nhưng cũng xót xa lắm, ấy vậy mà đó dường như lại là lý do duy nhất để người thơ tồn tại giữa cuộc đời đầy phong ba bão tố. Trách móc cho thỏa để rồi cuối cùng cũng nhận hết mọi cay đắng về mình. Đó là lý do vì sao Phan Văn Tường từng nói thơ Thu Vân gợi lên cái ám ảnh về một con người “luôn thấy mình có lỗi”:

“em nhận lỗi về em tất cả/  những câu thơ phơi trải hết u buồn” (bài thơ tạ lỗi).

Những dòng tâm tư ấy ngày đêm như lớp than nồng âm ỉ, chỉ chờ trông một cơn gió lòng gợn qua cũng có thể bốc cháy mãnh liệt. Dường như không phải tác giả đang nói mà chính tâm sự của cô lên tiếng, cô cố dập tắt nó, không muốn tỏ bày, đóng kín cánh của tâm hồn nhưng đành bất lực. Dường như người trong cuộc đang phải đấu tranh giữa “quên” và “nhớ”:

dường như lòng chưa trọn một lần quên/ thì cứ nhớ như ngày mai không được nhớ/  …/  làm thế nào tôi nói đựợc lời riêng…” (tàn đông)

Đinh Thị Thu Vân viết thơ như viết nhật ký, viết cho riêng mình, không cần ai biết, không cần ai sẻ chia. Trái tim ấy từ lâu thôi không còn thanh thản, bởi đã một lần lạc mất tình yêu cho dầu yêu thương vẫn còn đó, vẫn hằng đêm hiện về nhưng làm sao bấu víu, làm sao sống trọn cho mình dù chỉ một đêm?

anh vẫn đi về…xáo động ước mơ xưa/  vẫn đầy ấp, vẫn vô tình xa cách…(lẩn khuất tên anh)

Yêu thương, khát khao, chờ vọng, để rồi đến cuối cùng Thu Vân vẫn giữ mãi “chiếc hôn màu tím lạnh” trong thơ mình.

Có một điều đặc biệt dường như tồn tại đậm đặc trưng thơ Đinh Thị Thu Vân là sự hòa trộn xúc cảm của quá khứ và hiện tại, giữa yêu thương và chờ vọng, giữa hạnh phúc và khổ đau. Các cung bậc ấy cứ đan cài vào nhau, làm cho hơi thơ không lúc nào nằm yên một chỗ, cũng thổn thức, cũng có linh hồn. Và bởi thơ viết ra do tâm trạng nên trong thơ cô có rất nhiều những khoảng, những góc của miền thâm u chật chội. Không gian ấy đầy khoảng tối, đầy bóng đêm, con người như đang xoay mặt lại để ngắm con người thứ hai của mình. Đâu rồi cái hồn nhiên của cô gái mười tám đôi mươi đầy lạc quan tin tưởng vào tình yêu như trong tập thơ trước. Tuy vậy ta vẫn thấy một điều nhất quán trong nội tâm cô, một trái tim lúc nào cũng rừng rực lửa yêu đương, và khi yêu đều hết lòng cho người mình yêu, đều hóa thân cho dù phải chịu nhiều đắng cay, đau khổ: “em sẽ đánh mất mình riêng chỉ với anh thôi…” (sau cánh cửa)

Thơ đối với Thu Vân như người bạn tri âm để giải bày, chia sẻ. Tuy nhiên đọc những vần thơ ấy không làm cho ta có cảm giác dễ dãi trong câu chữ và mạch cảm xúc. Mỗi từ cô viết ra như được chưng cất từ bao vị đắng trong lòng, một tình cảm rất thực và cũng hòa trộn trong đó sự trân trọng đúng mực đối với sáng tạo nghệ thuật. Không cầu kỳ từ nội dung đến hình thức thể hiện, các bài thơ của Đinh Thị Thu Vân không nằm chung trong bản đồng ca thơ đồng bằng xuyến xao mềm mượt mà là một vị khách khiêm tốn chọn cho mình một chỗ ngồi riêng, vẫn không sao từ chối được sự chú ý của độc giả. Sự đặc biệt thể hiện từ nội dung, kết cấu, đến hình thức thể hiện. Không giống đa số những nhà thơ, cô không viết thơ để tặng, không ghi lại ngày tháng đặc biệt không viết hoa đầu dòng, kể cả tên tập thơ. Đó không phải là dụng ý gây chú ý hay cách tân gì lớn lao. Điều đơn giản cô dành lại cho độc giả cũng như với chính mình có lẽ đúng như nhà thơ đã từng nói – trần trụi một tình yêu.

Thơ viết cho riêng mình nhưng vẫn mang lại cảm xúc cho người đọc, làm rạo rực biết bao trái tim. Thật khó bày giải một cách rạch ròi, nhưng theo người viết, đó có lẽ là ở cái năng lực đặc biệt mà không phải ai cũng có. Chỉ có thể nói một cách giản dị về cô rằng: Đinh Thị Thu Vân – “người giấu lửa” trong thơ…

 



[1] Trần Mạnh Hảo, Đinh Thị Thu Vân – những câu thơ em viết mất linh hồn, trong một ngày ta ngoái lại, Hội VHNT Long An, 2005.

[2] Trần Mạnh Hảo, Sđd.

[3] Phan Văn Tường, Thơ Đinh Thị Thu Vân, trong Bước đầu tìm hiểu văn học ở Long An, 2007.

[4] Trần Mạnh Hảo, Đinh Thị Thu Vân - những câu thơ em viết mất linh hồn, trong  một ngày ta ngoái lại, Hội VHNT Long An, 2005.

Thông tin truy cập

63695739
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16031
23426
63695739

Thành viên trực tuyến

Đang có 619 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website