Bế Kiến Quốc- Thi sĩ lãng mạn và khát khao thành thực

20181125 Be Kien Quoc

Tôi nhìn thấy chàng thi sĩ người gốc Nam Định này lần đầu khi chàng băng qua sân cỏ dành cho sinh viên đá bóng, cùng hai người bạn, tiến về con đường nhỏ, nằm giữa hai nhà 4 tầng, khu Mễ Trì. Một nhà cho việc học, đọc, và chỗ ở của giảng viên, một dành cho chỗ ở của sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Cô bạn cùng lớp thấy tôi chăm chú, ghé tai tôi bỏ nhỏ: Cậu không biết ba chàng ngự lâm này à? Họ học trên mình một năm, đẹp trai, hình như đồng hương Nam Định, thích làm thơ, học giỏi, rất đáng chú ý phải không? Người đi giữa nổi nhất, theo tớ, cũng đẹp trai nhất, là Bế Kiến Quốc đấy!

Ôi chao là sự lãng mạn của sinh viên văn khoa Tổng hợp Hà Nội, thời chiến tranh chống Mỹ đang khốc liệt nhất, ở tuổi hai mươi, cứ hồn nhiên nhìn đời qua lăng kính lãng mạn của người trẻ dấn thân học và quyết định chọn văn chương làm nghề lập thân, ngó lơ câu “sấm truyền” mà đã là sinh viên văn chương thì ai cũng biết: “lập thân tối hạ thị văn chương”.

 Chúng tôi đã chọn học văn khi đó, phơi phới tinh thần lãng mạn tuổi 17, khi nhớm chân vào đại học, năm 1968, tại nơi sơ tán miền đồi trung du tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ, có con suối Đôi chảy qua, đẹp đến nao lòng. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ câu thơ nằm lòng tôi của Lưu Quang Vũ, về cái tuổi thanh xuân đẹp nhất này: Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp/ Ngồi trong rạp hát đợi màn lên…Sau hơn một năm sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên, chúng tôi được chuyển về Hà Nội, học trong khu đại học Tổng hợp ở Mễ Trì, lúc đó còn hoang sơ, hai bên đường dẫn đến Đài phát thanh Mễ Trì đầy những đầm sen nở hoa chi chít hồng mỗi mùa hè đến. Năm đó, tôi nhớ đầu hè 1970, “khi hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn”… trong thơ của thi sĩ Nguyễn Bính, thì chàng sinh viên Bế Kiến Quốc đang học năm cuối, để chuẩn bị ra trường cuối 1970.

Hình ảnh bộ ba thi sĩ lớp trên chuyên đi cùng nhau, đặc biệt là chàng thi sĩ sinh viên luôn đi giữa ấy, đã tự nhiên ám ảnh tôi, cùng không ít những kỉ niệm lãng mạn về tình bạn, tình yêu đầu đời của chúng tôi, năm học thứ 2: 1969-1970, với tuổi đôi mươi không thể nào quên của lớp tôi, khóa 13, 1968-1972.

Và bây giờ, các hồi ức, các kỉ niệm đang ào ạt trở lại, khi tôi đọc xong 3 tác phẩm thi ca của thi sĩ Bế Kiến Quốc, được trao giải thưởng Nhà Nước, được in chung trong “Tác phẩm văn học được giải thưởng nhà nước”, do NXB Hội nhà văn ấn hành cuối năm 2004, gồm 3 tập thơ: Cuối rễ đầu cành (1994), Mãi mãi ngày đầu tiên (2002), Đất hứa (2003). Không chỉ đoạt giải thưởng văn học Nhà nước từ 3 tập thơ đó, Bế Kiến Quốc còn đoạt nhiều giải thưởng văn học trước đó: Giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn Nghệ 1969. Giải A Hội Nhà văn Hà Nội, Mãi mãi ngày đầu tiên. Giải A Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN 2002.

Bằng vào sự đọc ba tập thơ này và việc cả ba đã được giải thưởng Nhà nước về tác phẩm văn học, tôi nghĩ Bế Kiến Quốc là nhà thơ mang một tính cách thơ thiên mệnh, được chính số phận chỉ định làm thơ, với sức mạnh nội sinh của sự lãng mạn, được cất cánh từ khả năng thi ca bẩm sinh của chính ông. Cả cuộc đời ông đã chỉ đánh cược sinh mệnh mình vào thơ.

Do được đào tạo tử tế trong môi trường đặc thù văn chương là khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã có ý thức rõ rệt về tâm thế và sứ mệnh thi ca của chính bản thân mình, với tư cách thi sĩ. Sinh năm 1949, Kỷ Sửu, trong Một lời tựa viết sau, vào mồng một Tết Bính Thìn, 1976 (ngày 31.1 dương lịch), ông đã bất ngờ “tìm thấy cảm hứng lớn: cảm hứng về thế kỉ 20, và tự biết: năm 1949, mình sinh ra “tức là vào đúng giữa thế kỉ”, đã được ông “tự coi đấy là một điều may mắn”. Và Bế Kiến Quốc, đúng là một thi sĩ, khi phát hiện: cảm hứng chi phối suốt đời thơ ông, chính là “cảm hứng về thế kỉ hai mươi”, mà khi ấy, năm 1976, ông tự biết mình đã sống với thế kỉ này trên 25 năm, khi ông chưa đến tuổi 30. Bế Kiến Quốc tự thấy mình có “ý thức thực sự sâu sắc về thế kỉ 20, khi cảm nhận: “thực sự gắn bó tâm hồn mình với tất cả mọi người, với thời cuộc…”. Và đúng như trực giác lành mạnh của thi sĩ bẩm sinh, ông thành thực sám hối: “Làm sao tôi có thể chối cãi rằng chính mình đã có những năm không gắn bó mình được vào cảm hứng chung của thế kỉ chúng ta”, là cái thế kỉ mà ông vừa nói tới - thế kỉ 20.

Là thi sĩ thứ thiệt và thành thiệt của nửa cuối thế kỉ 20 đầy bão giông lịch sử, ông tự phát hiện: “VN quê hương tôi, hai mươi lăm năm qua… Những thay đổi quan trọng nhất… Những hi sinh cao cả nhất… những niềm tin mãnh liệt nhất… Những chiến thắng vĩ đại” Từ ấy, ông đã tìm được sự cân bằng trong tâm thế thi sĩ của mình, nối liền được những khát khao thành thực gắn bó tâm hồn mình với thời cuộc, lại được hòa nhập trong tình yêu riêng tư với một người phụ nữ, mà chính ông khẳng định “Một trong những thay đổi cơ bản nhất - đó là sự có mặt của EM trong cuộc đời tôi”. Và nhân vật Em này, đã có thực trong cuộc đời ông, thành người vợ của ông, thi sĩ Đỗ Bạch Mai. Và, đã tự nhiên thành nhân vật trữ tình sáng rỡ của thơ ông.

Nếu ba tập thơ của ông trong sáng tựa ba tấm gương trong, thì thơ ông quả đã được phản chiếu một cách trung thực trong đó. Với hai dòng thơ quấn quyện vào nhau, với một khát khao thành thực, thành thực đến tận cùng trong cả hai dòng thơ thế sựdòng thơ tình.

Không ngẫu nhiên, thơ thế sự của ông đau đáu nỗi niềm nhân thế, khởi nguồn từ một chủ thể trữ tình luôn trăn trở, ngẫm ngợi về mối quan hệ biện chứng, trong luân chuyển sự sống từ cuối rễ đến đầu cành, trong chu kì của cây xanh. Vươn mãi vào bề sâu/ Cái rễ non tìm đường cho cây/ Qua sỏi đá có khi tướp máu- Hướng mãi lên chiều cao/ Cái cành non vượt mưa đông nắng hạ/ Nảy chiếc lá như người sinh nở/ Ai đang ngồi hát trước mùa xuân/ Cuộc đời như thể tự nhiên xanh/ Chỉ có đất yêu cây thì đất biết/ Những cơn đau nơi cuối rễ đầu cành.

Bài thơ thật trong trẻo. Bởi tâm thế nhà thơ nhập hòa vào tâm thế chung của cuộc đời, khi ông sử dụng tinh tế đại từ Ai, để thấy ai, hay chính mình, đã cùng muôn vàn ai khác, cùng ngồi hát trước mùa xuân, cùng chiêm nghiệm, cùng thấy cuộc đời như thể tự nhiên xanh, để cùng vỡ ra một chiêm nghiệm thật tươi lành, trong trẻo: Chỉ có đất yêu cây thì đất biết/ Những cơn đau nơi cuối rễ đầu cành. Hoàn toàn không tình cờ, khi thi sĩ Bế Kiến Quốc đã đặt tên tập thơ đầu trong ba tập thơ của ông, in trong tập sách này là: Cuối rễ đầu cành.

Và ngay sau đó, trực giác thơ của ông vẫn không ngừng nảy sinh từ sự không dưng, cũng là tên bài thơ của ông. Cái tên như hư hao hờ hững này, đã khiến người đọc bị thắt buộc, bởi chính cảm giác không dưng này: Không dưng lòng chợt nhói đau? Sóng xô trắng xóa bãi dâu thuở nào…Rồi, không dưng lòng chợt đắng cay/ Nắng tà này những lối này năm xưa…Và, không dưng lòng chợt tơi bời/Bốn bên tịnh vắng chẳng người tri âm. Bài thơ kết như môt nốt nhạc rơi trầm: không dưng lòng xót xa buồn/ Em ơi đừng hỏi ngọn nguồn vì đâu.

Tôi nghĩ tâm thế không dưng này biểu lộ rất mạnh, rất hồn nhiên về trực giác thơ, tràn ngập dạt dào trong tất cả những bài thơ thế sự của ông. Chính trực giác thơ này đã mang cho thơ ông sắc thái riêng về thơ thế sự, không ồn ào bày tỏ mà chỉ âm thầm chiêm nghiệm để tự sinh nhận thức lớn: phải đau để phải yêu cuộc đời này! Tuy nhiên, Bế Kiến Quốc không muốn gieo tình yêu cùng nỗi đau đời này vào mê cung của trực giác thơ, ông muốn lý giải nó, đến tận cuối rễ đầu cành, bằng sự thành thực của trái tim, được chiếu rọi ánh sáng duy lý, khi ông “Tự nhủ”: ta phải đưa bàn chân đi, trên mọi nẻo đường. Ta phải đi vì ta yêu mục đích, dẫu có khi bàn chân vấp ngã, hoặc dẫm phải gai. Cũng như vành tai, thi sĩ phải đưa nó đến miệng đời - dù nghe lời đắng chát. cặp mắt ơi/ta đưa ngươi đi… Ta phải nhìn, vì ta yêu cái đẹp. Cuối cùng, là trái tim, thi sĩ đã quyết liệt dứt nó khỏi lồng ngực, để hiến dâng cho mọi người, dù trái tim có xót xa, có buồn, và có thể ngừng nhịp đập. Cũng chẳng hề chi, khi thi sĩ đã chốt lại lời nhắn nhủ cuối cho chính mình: ta phải yêu, vì ta tin hạnh phúc…

Tâm thế này của Bế Kiến Quốc đã thành thường trực, đúng hơn, kết đọng thành bản năng xã hội trong dòng thơ thế sự của ông, và tuôn chảy dạt dào trong hai tập thơ Cuối rễ đầu cànhMãi mãi ngày đầu tiên, với sự biến ảo kì diệu của các tứ thơ mà ông chắt lọc từ một điều giản dị: Sứ mệnh của thi sĩ là phải luôn lắng nghe và thấu suốt những biến động của cuộc đời qua tâm cảm của chính mình. Bởi vậy, ông thích/muốn phiêu lưu trên mọi nẻo đường đất nước, để mở rộng suy tưởng, mở lòng yêu thương những người Việt, những miền đất Việt mà ông đã sống, đã gặp gỡ và nhớ nhung trong suốt đời mnh.

Ông nhớ Hải Phòng, nhớ sông Chu. Vào miền Trung, dưới núi Huỳnh Mai, ông nghĩ về Đào Tấn, lan man nhớ Sa Huỳnh. Chia tay Pleiku, nhớ mãi ấn tượng Tây nguyên. Nỗi nhớ vắt sang miền đá Ăng-co, và cùng ông bay đến Liên Xô, nước Nga Xô Viết. Trong khoảnh khắc một giờ đêm, ông gặp thủ đô Matxcơva, rưng rưng yêu hoa tuyết bay biền biệt trắng trời trắng đất. Xa Hà Nội, ông vời vợi thương nhớ hoa huệ trắng muốt, hoa loa kèn Hà Nội chỉ nở rộ vào tháng tư dương lịch, và hương hoa sữa mùa thu, nhớ đầm hoa sen Hồ Tây nở hồng… Đến Sài Gòn, viên ngọc Viễn Đông, ông nhớ mưa dông sầm sập, những sáng, n trưa chiều tối nhộn nhịp người đi, trong tiếng chuông nhà thờ Đức Bà ngân dài, thong thả, yên bình. Và ông nhớ người bạn, đã từng đi trong bộ ba tôi từng thấy ở sân trường đại học năm 1969, hoặc 1970, trong bài thơ Với Long hi sinh 1972. Bài thơ mang nỗi đau, mất người bạn thân là mất mát vô cùng, nhất là khi thi sĩ ngồi một mình trong nắng ngắm mây cao, thiếu bạn, thấy cả thế gian vắng vẻ…

Và không ngẫu nhiên, những nỗi niềm thế sự này đã khởi hành, đã song hành và trở về ngọn nguồn cảm hứng với nhân vật Em, trong tập thứ ba, khi thơ tình Bế Kiến Quốc, khép lại sách thơ dày dặn gồm ba tập thơ này, đó là Đất hứa.

 Tập thơ tình tinh khôi và dào dạt này được Bế Kiến Quốc viết để ngợi ca tình yêu riêng tư của ông. Và rất hồn nhiên, cảm xúc thơ trong lành và thánh thiện ấy đã cất cánh thành biểu tượng tình yêu của thi sĩ đối với cái đẹp của người con gái Việt. Ông ngẫm ngợi, thấu hiểu sự kì diệu của việc đời đã sinh ra người nam và người nữ để hấp dẫn nhau, yêu nhau, sinh con cái, để chuyền tay nhau giữ gìn hương nhụy của tình yêu. Thi sĩ Bế Kiến Quốc có lẽ cả đời chỉ có/chỉ muốn duy nhất một tình yêu, nên thơ ông đã chỉ thiên về Ngợi ca sự có em. Và ngợi ca buổi chiều anh nhận ra điều đó-khi ánh trăng bừng lửa trên một vòm cây xanh- anh bắt đầu ra khỏi bản thân mình, bắt đầu có một tình yêu thật thà, bắt đầu có một tin vui dòng suối… và bắt đầu khởi động cả môt dòng thơ tình chan chứa chảy trong suối thơ ông. Dường như tình đầu trong thơ ông cũng là tình cuối, nên thơ tình của ông không bị giằng xé trong thương đau của bi kịch chia lìa, cạn yêu hoặc bị bội phản. Thơ tình của ông được trú ngụ ở một miền đất hứa:“ ở nơi đó, niềm vui sinh nở, như dòng suối, cành hoa, lời ca, như ngọn lửa…như sự sống không hề vơi”… Bởi tình yêu với nhân vật Em trong thơ ông bao giờ cũng đong đầy trạng thái trữ tình bay bổng và lãng mạn huy hoàng.

Vậy miền đất hứa tình yêu của Bế Kiến Quốc thời trai trẻ bắt đầu từ thời gian, không gian nào của đời thi sĩ? Thơ ông chân thành và trung thực, đẫm tình khi nhớ thương và “tự thú” về cái thời thanh tân, cái ngày xa xanh ấy, cái không gian không thể nào quên ấy của đời ông, kể từ cuối năm 1975, và bừng nở chói chang trong ngày Tết 1976 ở Hải Phòng. Ở thành phố cửa biển ấy, thi sĩ …bỗng có em. Em hiện ra thật ngỡ ngàng trong đời ông, và ngay lập tức kết tinh cảm xúc thí sĩ vào những tứ thơ tình độc đáo, bất chợt, khiến thi sĩ hoài nghi đến không tin, bởi giấc mơ này dường như quá đẹp…Cho tới lúc tin rằng em có thực/Anh chắp tay anh tạ ơn trời đất/ Đã mang em ban tặng cuộc đời anh/ Niềm vui lớn, tâm hồn không giữ được/Cứ tràn ra xanh nõn mọi cây cành.

Từ đây, Bế Kiến Quốc đã viết những lời thơ nồng ấm, trang trọng, đẫm tình của sự đón đợi tình đầu. Chủ thể thơ thành thực tỏ bày bằng sự tinh tế của cách dùng đại từ Anh: Anh đập tan nỗi buồn vây xung quanh/ Anh xóa hết những lời đau thuở trước/ Bao mối dây cũ càng anh dứt đứt? Anh dọn dẹp trang hoàng/ anh xua khỏi bóng đêm/ Anh từ bỏ cái lý trí lạnh lùng, anh đón nhận trái tim/ Anh yêu mình và anh yêu em.

Có một sự thật mà Bế Kiến Quốc không che giấu trong thơ tình, đó là chỉ tình yêu mới kéo được thi sĩ ra khỏi sự đắm chìm trong tâm trạng riêng và chỉ yêu em, ông mới phát hiện tình yêu với bản thân mình. Tôi lại nhớ đến câu thơ tình lộng lẫy của Nguyễn Đình Thi có lẽ cũng diễn tả cảm giác đẹp đẽ này, hai người yêu nhau, như hai tấm gương soi vào trong nhau.

 Và không hề tình cờ, trong thơ tình, ông tưởng ra người yêu bằng hình ảnh mộng mơ huyền ảo: cánh buồm hồng trong cơn mưa xanh. Cánh buồm lướt đến ngay trước mắt, khiến thi sĩ bàng hoàng, như người đã nhiều năm sống trên đảo hoang, quen cô đơnđã nguôi niềm nhớ đất: Bỗng sững sờ, sớm nay nhìn qua mưa / Cánh buồm em hồng thắm cập bến bờ.

Bởi vậy, tâm thế trong thơ tình Bế Kiến Quốc dường như được nhuộm tươi màu tình ái trong màu hồng của cánh buồm dễ thương ấy, nên thơ tình Bế Kiến Quốc không có lấy một tiếng thở dài bi lụy nào. Dù buồn thương vì xa cách, dù thoáng chút hờn ghen của tâm trạng khi yêu, thơ ông vẫn nồng nàn và ấm áp…

Và điều sáng chói nhất trong tâm trạng khi yêu của thi sĩ Bế Kiến Quốc chính là sự phát hiện của chủ thể trữ tình: Một người khác trong tôi có từ khi em tới/ Đưa tôi đi gặp gỡ với chân trời/ Tôi tin tưởng tôi yêu tôi ca ngợi/ Tôi đón chào một người mới trong tôi…

Đúng là chỉ có một tình yêu lớn, mới có thể hình thành một chủ thể thơ với đầy khát khao thành thiệt như thế và đến thế.

 ***

Bế Kiến Quốc đã mất vì ung thư phổi năm 2002, khi thế kỉ 21 bắt đầu chưa đầy hai năm. Ông đi xa cuộc đời này đã 15 năm. Nhưng thơ ông để lại vẫn xanh non như lá, vẫn hồng tươi như cánh buồm trong trái tim người yêu thơ Việt đang sống thế kỉ 21 đầy giông bão này, giúp cho tâm thế họ bình yên và êm đềm trở lại….Và như thế, Bế Kiến Quốc đã làm trọn sứ mệnh một nhà thơ của chính thời đại mình, trong nửa cuối thế kỷ 20. Vì thế, thơ ông để lại vẫn còn xanh biếc theo thời gian, còn vang vọng, không chỉ sang nửa đầu thế kỉ 21, dù thời gian đã không ban tặng cho ông được sống dài lâu như ước nguyện của ông…

 Đêm 31.5.2017

 NTMT

 

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Thông tin truy cập

63670104
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13822
17595
63670104

Thành viên trực tuyến

Đang có 671 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website