Nguyễn Đình Thi, hạt bụi vàng đơn độc…

Nguyễn Đình Thi trở thành nghệ sĩ đa tài là trường hợp đặc biệt thuận với lịch sử vận động trong tiến trình hiện đại của văn nghệ Việt Nam.

 Ông là điển hình cho số phận nhà văn Việt Nam mà tài năng được phát lộ, tỏa sáng viên mãn về nhiều phương diện trong thời tiết đặc thù của cách mạng Tháng Tám, và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kéo dài suốt từ những năm 40 của TK XX, khi Nguyễn Đình Thi còn đầu xanh tuổi trẻ, cho đến ngày ông về cõi, năm 2003, đầu TK XXI.

  Sinh vào những năm 20 của TK XX, Nguyễn Đình Thi không trải qua hành trình triết học-mỹ học như  Chế Lan Viên từng nghiệm sinh “từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”. “Ta là ai như ngọn bấc siêu hình/Cơn gió hư vô thổi nghìn nến tắt/Ta là ai khẽ xoay chiều ngọn bấc/Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”. Ông đến với Cách mạng Tháng Tám bằng tấm tình trong trắng của một thanh niên “Tây học”, yêu nước như yêu tình đầu: “ Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”. Cuộc lột xác của ông theo kháng chiến cũng là một cuộc lột xác lãng mạn, dù cho “ rớm máu”

 Với những lý do lịch sử-thẩm mỹ đặc trưng ấy, đường văn nghệ của ông không ngẫu nhiên, khởi đi từ thơ tự do, mối tình đầu, và càng không tình cờ, khép lại ở thể loại kịch, như mối tình cuối.

Một: Tự do thơ từ ngọn nguồn triết học

 

 Từ góc nhìn triết học- mĩ học, tôi nghĩ ông đã đi từ mùa thu nghĩa hẹp (của riêng Hà Nội, với “sáng mát trong” như lòng ông trong sáng. Ngày mùa thu ấy ông không thể nào quên. Vào mùa thu cách mạng, vào tự do thơ của Nguyễn Đình Thi đã được triết học của ông dâng lên thành mã thi ca của riêng ông. Quên sao được “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy). Và dù ông đã lưu luyến để lại cả sáng mùa thu Hà Nội ấy sau lưng, khoác ba lô lên rừng theo kháng chiến chống Pháp, rồi sau đó cùng đoàn quân trùng trùng như nước về giải phóng thủ đô, tràn ngập 5 cửa ô màu xanh quân phục bộ đội cụ Hồ, màu thắm tươi cờ đỏ sao vàng, ông đã mê say  ăn ở cùng Hà Nội, “nơi lắng hồn núi sông” cho đến cuối TK XX, (ngoài đoạn chót, ông ở TP.HCM). Lúc sắp về cõi, thấm thía buồn, ông chạnh thấy mình chỉ còn gặp “Bóng mùa thu”. Mùa thu đầu đời quá xa xôi, đã mờ phai, như cánh chim bay mỏi về cuối trời, đã nhuốm màu tục lụy, nhiễm buồn hơn, bởi: “Tôi đã thấy mái tóc bạc/ Người ấy ngồi một mình giữa rừng/ Lặng im hút thuốc/ Nhặt chiếc lá rụng cầm lâu trên tay/ Dưới trời chói lòa tôi đã gặp/ Em bé cười chạy vào ngàn sóng thơm vàng/ Hôm nay dọc đường phố ồn ào đầy quảng cáo/ Bóng mùa thu bay trong cây/ Gió hỡi thổi đi những bụi bậm hủy hoại/ Đôi mắt buồn cô gái kia nhìn. (Viết năm 1994)

 Hình ảnh “Người ấy” trong thi phẩm này đã hiển thị đậm đặc tâm trạng chủ thể trữ tình Nguyễn Đình Thi, cả đời thơ đã chỉ muốn lui vào nội tâm, một mình cô đơn ngẫm nghĩ. Cả đời thơ chỉ muốn tự vạch đường, đi theo tự do thơ “riêng ra một lối”. Khôngchút tình cờ, người thanh niên thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã nghĩ, đã cảm bằng tự do thơ-thơ tự do, với tất cả lòng tin triết học trinh bạch, trong vắt về khả năng diễn đạt tối ưu của thể thức thơ mới mẻ ấy, cho cái nghĩ, cái cảm của mình về cuộc đời, mà ngay từ những ngày trai trẻ, và trong trẻo nhất, số phận Nguyễn Đình Thi đã gắn chặt như định mệnh vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Thử đặt mình vào trạng huống sáng tạo “độc trọi” của Nguyễn Đình Thi trên hai điểm nối kết mà tôi cho là quan trọng bậc nhất, đặng “tìm thấy” trong hai loại hình sáng tạo, mở đầu và kết thúc sự nghiệp sáng tác của ông: thơ tự do đầu đời và kịch cuối đời, nhằm lý giải, biện luận và đánh giá ông, tôi thấy Nguyễn Đình Thi đúng là một tài năng muôn mặt, xứng đáng là một trong mấy nhà văn hóa khai sáng văn nghệ cách mạng Việt Nam, ngay từ cuộc Kháng chiến chống Pháp, trên nền tảng “Tây học” chắc chắn, vững vàng của chính ông.

 Không hề tình cờ, Nguyễn Đình Thi rất mê triết học phương Tây,  và tư duy của ông mang rất đậm phẩm chất lý thuyết. Trước khi mặc khải cử chỉ tự do thơ, mê đắm điệu tâm hồn phóng túng ngang tàng, mang tình điệu thơ từ bên trong, không chịu gói mình trong câu thúc vần luật của các thể thơ cố điển: song thất lục bát, lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, Nguyễn Đình Thi đã khát khao gửi mình cho triết học.

Trong “Thi Nhân Việt Nam”[1], khi tìm cách gọi tên và lý giải hiện tượng Thơ Mới, là mới mẻ thực sự như sự hiện diện của một thời đại mới trong thi ca Việt Nam, Hoài Thanh “quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tràng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.” Cắt nghĩa trên tinh thần triết học, Hoài Thanh cho rằng, có sự xuất hiện cả một thế hệ thi sĩ cùng một lần với sự khác biệt, cách biệt đa dạng giữa những cá tính thơ, là do những cá tính ấy “bị kiềm chế trong bao nhiêu lâu bỗng chốc được giải phóng”. Sự giải phóng này, chắc chắn, “chỉ làm giàu cho thi ca”. Theo Hoài Thanh, nó là “sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm” đã được “tung bờ vỡ đê”, chỉ bởi “một điều rõ: ảnh hưởng phương Tây, hay đúng hơn, ảnh hưởng Pháp, cho dù “có chia đậm lạt khác nhau”. Tuy nhiên, khi minh định điều đó, chính Hoài Thanh cũng“cảm thấy khó chịu. Mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”. Song, là một thiên tài Việt về bình luận Thơ mới, Hoài Thanh lại khẳng định: “Sự thật đâu có thế. Tiếng Việt, tiếng Pháp khác nhau xa. Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hóa hoàn toàn”.

Nguyễn Đình Thi là kẻ hậu sinh, sinh sau những nhà thơ Mới hàng thế hệ. Ông không có diễm phúc ra đời trong dải Ngân Hà Thơ Mới, được   lấp lánh cùng một lượt với các vì sao “thơ mới”. Trên đầu ông cũng không mang  nặng ảnh hưởng của nhà thơ Pháp nào. Song chắc chắn, ông chịu ảnh hưởng của các nhà triết học Pháp[2], đủ để “tự giải phóng”, chứ không phải “được/bị giải phóng”, để tự thành lập một trầm tư triết học nội tâm sâu thẳm, trước khi ông òa đến với thơ tự do, như một chỉ định thi ca tất nhiên của số phận. Về căn bản, Nguyễn Đình Thi là số phận một thi nhân. Chính vì thế,  số phận này đã khiến cuộc chiếm lĩnh chữ nghĩa đầu tiên của ông, được chỉ định là thể thức thơ tự do. Và cũng vì thế, triết học về thơ tự do đã dẫn dắt ông căn bản vượt qua cuộc tranh luận rất gay gắt về thơ tự do của ông, trong đó nhiều phần là ý kiến phê phán kịch liệt thơ của ông trong chiến khu Việt Bắc[3]. ( 25-28.9.1949).

Nguyễn Đình Thi không quan trọng cái tên người ta gọi thơ ông là “thơ  tự do”, hay “thơ không vần”. Theo ông, vần điệu của thơ nằm trong tình điệu nội tâm thi sĩ, thuộc về giọng thầm bên trong, mang nhạc cảm nội tâm, hắt sáng từ tâm hồn thi sĩ, tuyệt nhiên không phải thứ niêm luật bên ngoài, với nhiều ràng buộc lễ lạt của hình thức. Nghĩ và làm thơ như thế, dĩ nhiên chủ thể thơ Nguyễn Đình Thi đã nỗ lực tự thiết kế công cuộc sáng tạo thơ của chính mình trên nền tảng triết học phương Tây, với nội lực nằm rất sâu trong bản thể phương Đông. Bình tĩnh lắng nghe, nhất là những ý kiến phê phán, Nguyễn Đình Thi công nhận sự sáng tạo nghệ thuật của ông, vì được thiết kế trên nền tảng lý luận, nên “cái tìm tòi” của ông cũng nhuốm đậm màu lý luận: Tôi hay lý luận. Cái tìm tòi của tôi cũng hay lý luận. Nhưng nói đến thơ, đó là cái thiết tha nhất của tôi, và cũng là cái tìm tòi rất khổ của tôi (tuy nó có cái vui của nó). Cảm giác tiếp theo của ông rất lạ (so với chính cái cuộc “phê bình” hồi bấy giờ), đó là cảm giác “rất áy náy”. Ông nói rõ hai lý do: Một là vì thơ ấy là thơ của tôi. Hai là thơ ấy là thơ tự do( dài, ngắn, vần, không vần, không quan hệ). Đáng lẽ thơ của tôi là thơ của tôi. Còn vấn đề thơ tự do thì rộng hơn thơ tôi nhiều. Rồi ông khéo léo tiếp, với sự minh triết rất Nguyễn Đình Thi: Vậy phải tách ra làm hai: trước hết, tôi tự phê bình thơ tôi. Sau xin bênh vực thơ tự do.

Về sự “tự phê bình thơ tôi”, cũng thật là tinh tế và rành rõ, theo cách của ông. Phản hồi ý kiến Xuân Diệu cho thơ ông “già”, Nguyễn Đình Thi nhận: Gần đúng. Vì thơ của tôi không phải những bài thơ vui. Đó là những bài thơ đau đớn. Lúc tôi làm nó, tôi cũng nghĩ rằng trong lúc này, có nên đưa ra cái đau đớn đó không? Có. Vì cuộc kháng chiến của ta có bao nhiêu cái đau đớn, những đau đớn chính đáng; miễn là cái đau thương ấy không phải cái đau thương đi xuống(…). Rất đau thương mà không nói. Đó là thái độ nội dung của tôi. Khi tôi nói cái đau thương của tôi ra, nó ẩn ở một chỗ rất kín.(Ví dụ trong bài Không nói: Môi em, đôi mắt còn ôm đây).

Nhưng nội dung ấy khách quan mà xét, thì nó không đúng với cuộc kháng chiến bây giờ, cái đau đớn của kháng chiến không giống cái đau đớn trong thơ tôi. Ở nhiều chỗ của kháng chiến, còn đau đớn hơn nhiều, nhưng cái đau đớn không như thế(…). Vì cái nội dung đã u uất rồi, cho nên khi nó thể hiện ra ngoài, nó cũng có vẻ khắc khổ gò bó. Trong khi tôi đi tìm một hình thức tự do, thì cái nội dung của tôi lại gò tôi lại. Tôi muốn có cái mộc mạc đơn sơ, thì trái lại nó lại cầu kỳ.

Tiếp thu phê bình, Nguyễn Đình Thi nhã nhặn nhận hai ý kiến. Ý kiến Xuân Diệu về  thơ ông: già, đau đớn, u uất về nội dung, sự khắc khổ gò bó về thể hiện. Ý kiến Xuân Thủy cho thơ ông “trúc trắc khó ngâm”, “đọc khó hiểu”. (…). “Trong thời kỳ này, cần phải phục vụ quần chúng, thì không nên dùng lối thơ mà quần chúng không hiểu. Nên phổ biến lối thơ dễ nhớ, mà quần chúng có thể cảm thông với thi sĩ được”.

Đồng ý với ý kiến của Xuân Thủy, Nguyễn Đình Thi “rất mừng vì có dịp để bộc lộ một thái độ minh bạch. Chỉ quan niệm không mà thôi, nhất định là không đủ. Phải được sống nhiều hơn, sống rộng rãi, vui, tin tưởng, khỏe lành. Không thể quay vào mình thôi mà tìm được.

Còn về “thơ tự do”, Nguyễn Đình Thi sau khi đã tiếp nhận phê bình theo lối độc đáo như thế, ông biểu đồng tình với ý kiến Xuân Thủy: “đó là một câu chuyện rộng rãi, vượt qua tôi nhiều. Khi tôi nói đến thơ tự do, xin hiểu cho là tôi nghĩ đến cái gì chung”. Và Nguyễn Đình Thi  trở nên đặc biệt sắc sảo, thuyết phục, khi bênh vực thơ tự do, trên một tinh thần triết học đổi mới. Ông khẳng định chắc thiệt: “Cái hình thức gọi là “thơ mới”nó sẽ cứ có, dù ngăn nó cũng không được.Vần hay không vần, câu dài hay câu ngắn, cái đó đã thường lắm rồi. Kháng chiến đã làm ra như thế. Những bài thơ hiện nay đã chứng tỏ điều này. Có vần là một lợi thế rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ. Khi làm thơ, thái độ của người làm là ghi cho đúng cảm xúc. Nếu cảm xúc gặp được vần thì hay. Nhưng gặp khi nó gò bó, hãy vượt lên nó đã. Hình thức nghệ thuật (các luật bằng trắc) phải tự thân nó ra. Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh. ( Người viết bài nhấn mạnh).

Rất sòng phẳng, Nguyễn Đình Thi tự thức, và cùng lúc, ông trả lời cả cho Xuân Diệu và cử toạ lúc bấy giờ: “Có thể có sự bỡ ngỡ đối với thơ không vần. Hồi “thơ mới”(1932) mới ra đời, người ta cũng bảo không hiểu. Thơ tôi bây giờ có gì là không hiểu?(…).Nếu trên đường cởi mở, có rất nhiều người làm thơ ấy, thì mới đầu có loạn thật, nhưng rồi cũng quen như thơ lục bát”.Vậy, Nguyễn Đình Thi vững tâm làm thơ “tự do”, là vì “ không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc, cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy.” Thơ hay, theo  minh định của ông, là “không kể lể tình cảm, chỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc” và “có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo. Chính lối thơ nói “hình ảnh bằng cảm xúc” hoặc “cảm xúc bằng hình ảnh” này của ông đã mặc nhiên “chống hẳn lối thơ kể lể mười mấy năm trước đây”. Và ông rút ra kết tinh (thi pháp) quan trọng cho sáng tác thơ tự do theo cách riêng: “ Khi đã bỏ luật lệ rồi, đủ cảm xúc tự nhiên thì cứ nói, thành vần cũng được, không thì thôi. Nói như lời nói thường vậy(….). Nói như lời thường. Tôi mong đi tới những câu thơ như lời nói thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt. Nếu cần nói một hơi dài, dùng những câu dài. Nếu hơi ngắn, nói ngắn. Những hình ảnh thơ mới bây giờ, tôi tưởng tượng nó cần phải khỏe, gân guốc, xù xì, chất phác,chung đúc, tự nhiên. Những bài thơ cũ, cùng một nhịp điệu đều đều, tôi không thể chịu được. Bài thơ chất phác kia tác động vào tâm hồn ta hơn(…). Rồi đây, tiến độ hơn nữa của tình cảm, thơ sẽ trở về cái hình thức đều hòa hơn(…). Người dùng những điệu đều đặn mà nói được nội dung mới phải là thiên tài. Hình thức cũ để tả nội dung cũ. Nội dung mới, tự  nó sẽ tìm đến hình thức mới.”

Điều khá lạ lùng nữa là lời kết cuộc tranh luận của Tố Hữu, một thi sĩ cách mạng “toàn phần”, một lãnh đạo văn nghệ cao nhất của kháng chiến chống Pháp trong chiến khu Việt Bắc. Có lẽ chịu tác động từ cách “tự phê” độc đáo, đầy tinh thần tranh biện triết học, cũng rất thành thật của Nguyễn Đình Thi, mà Tố Hữu thông cảm được “cái khổ tâm của người làm thơ”, thực chất là mối quan hệ biện chứng giữa nỗi đau đớn về tình cảm, đã dẫn đến nỗi “ khổ vì trí tuệ” trong thơ tự do của Nguyễn Đình Thi. Tố Hữu bày tỏ: “Làm thơ không phải do trí tuệ muốn, mà do sự sống bản thân của mình. Có những lúc tôi yêu thơ anh Thi, và cũng có lúc tôi thù ghét nó. Những lúc mà tôi buồn bực, nhọc mệt, có những lúc nhớ, tôi thích đọc thơ anh Thi. Tôi đọc những bài Sáng mát trong…Thơ là một điệu hồn, tìm đến với những hồn đồng điệu. Những lúc thấy cần làm việc, tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm vì tôi thù ghét cái cá nhân nó trở về với tôi. Rồi tôi lại dè chừng với tôi. Nhiều khi thấy bài thơ hay mà chưa chắc nó hay. Vậy lấy gì làm chuẩn cho cái hay…”. Thế mới thấy là khi “va chạm” với Nguyễn Đình Thi về lý luận thơ, chính cách thơ của Nguyễn Đình Thi đã khiến Tố Hữu lộ rõ sự mâu thuẫn trong  bản thân Tố Hữu, giữa con người thi nhân và con người chính trị, nhất là khi Tố Hữu ở vị trí lãnh đạo văn nghệ.

 Âu cũng là cách hiểu, cách đọc thơ của một thời, và điều đó chỉ minh chứng rằng, thơ tự do của Nguyễn Đình Thi là khởi đầu cho một cách thơ lãng mạng cách mạng, một cuộc đổi mới thơ ca, tuy khá đơn độc, song có tính chất ngang hàng với Thơ Mới, tất yếu hiện diện trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà Nguyễn Đình Thi là tiêu biểu Và vì thế, sau đó, thơ tự do đã trở thành hiện thực như “thơ mới”, không thể cưỡng chống.

Cưỡng chống làm sao, những câu thơ trong vắt tình yêu Hà Nội, một tình yêu đầy nhung nhớ, khắc khoải. Từ chiến khu Việt Bắc, năm 1948, Nguyễn Đình Thi nhớ Hà Nội, nhớ một sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em/ Gió thổi mùa thu vào Hà Nội/ Phố dài xao xác heo may/ Nắng soi ngõ vắng/ Thềm cũ lối ra đi/ Lá rụng đầy…Dù tên bài thơ này có thay đổi, sửa sang, thay tên gọi mới, được biên tập mới do Nguyễn Đình Thi (có thể vì lý do “tiếp thu phê bình”), nhưng với cái tên nào, sửa chữa thế nào, thì đó vẫn là những bài thơ và câu thơ lộng lẫy trong thể thức tự do, với vẻ đẹp đặc sắc chỉ có trong thi pháp Nguyễn Đình Thi.[4] (Thực ra, bài Sáng mát trong như sáng năm xưa, ngoài tên đầu tiên này, còn có tên Sáng mát trong, rồi mới mang tên Đất nước, đang phổ biến hiện nay trong các sách giáo khoa và giáo trình).

Không phải ngẫu nhiên, những bài thơ hay nhất  của Nguyễn Đình Thi là thơ tình, viết về tình yêu trong kháng chiến chống Pháp, và sau này, chống Mỹ. Nhân vật trữ tình Em láy đi láy lại trong thơ ông. Một người tình không chân dung, không tên, hoặc chỉ nằm trong một chữ cái viết tắt đề tặng  lặng lẽ, kín đáo đầu bài thơ, nhưng đã theo ông, ám ảnh ông suốt một đời thi sĩ, dù có thể không thực sự có mặt trong đời thường. Đó là một “mã thi ca” sáng chói nhất, ám ảnh nhất trong thế giới thơ buồn lắng sâu, thăm thẳm suy tư, lộng lẫy hình ảnh lạ về “một thời để yêu, một thời để chết” của riêng ông, trong thời thi sĩ trẻ trai, đã một lòng theo kháng chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu gian khổ.

 Không nói là bài thơ gần như đầu tay của Nguyễn Đình Thi, đúng nghĩa thơ tình, thể thức tự do, viết năm 1948, chứa đầy những khoảng im đa nghĩa trong ý thức kiệm chữ rất nhất quán với quan niệm riêng của Nguyễn Đình Thi về thơ tự do. Kể cả tên, bài thơ gồm 37 chữ, với ba khổ thơ, với  cố ý rất Nguyễn Đình Thi trong ngắt câu dài ngắn, nhịp điệu buông bỏ tự do, tiết tấu dùng dằng ngẹn ngào được nén thật chặt dưới đáy chữ thơ, biểu đạt một lần gặp thoáng chốc trên nẻo đường chiến tranh, rồi đôi người yêu vội vã chia ly. Và phía dưới cuộc chia ly, chữ thơ của Nguyễn Đình Thi đã ngậm một nghĩa chìm sâu: không bao giờ còn gặp lại. Ai biết trước điều gì sẽ xảy ra trong chiến tranh? Khi một lần gặp nhau, vội đến mức không nói được một lời: Dừng chân trong mưa bay/ Ướt đầm mái tóc/ Em em nhìn đi đâu/ Môi em đôi mắt/ Còn ôm đây/ Nhìn em nữa/ Phút giây/ Chiều mờ gió hút/ Em/ Bóng nhỏ/ Đường lầy. Trong tứ thơ “không nói”, cả bài thơ ngập trong chuyển động của những cử chỉ lặng im và lặng im. Người trai, chủ thể trữ tình, đã chỉ  có thể nhìn, thấy mái tóc ướt đầm, thấy môi, thấy đôi mắt, thấy mình còn ôm đây. Em em nhìn đi đâu. Trong bài thơ, cặp tình nhân thời chiến tranh không nhìn vào mắt nhau, có lẽ để đỡ đau đớn trong cuộc gặp đấy, mà cũng là chia ly ngay đấy. Nguyễn Đình Thi bảo con chữ độc nhất, nặng tình nhất, ngời sáng nhất, ngay cả với ông trong bài thơ ngắn này là chữ còn. Còn ôm đây, đang ôm em trong vòng tay mà biết sẽ phải buông tay biệt ly. Chỉ trong phút giây ngắn ngủi, cái đang còn, đồng hành với cái sắp mất. Ý nghĩa triết lí thật mạnh, về cái tình mong manh đến hư vô trong chiến tranh, khi cả hai “không nói”, vì chỉ gặp nhau trong một lát ngắn ngủi, chỉ nhìn, mà không cùng một hướng. Em em nhìn đi đâu. Còn anh chỉ nhìn em: môi, mắt…Nhìn lần nữa, một cái nhìn hoang hoải vô thường, để biết em phải đi, đi thật, xa hút, phút chốc chỉ còn thấp thoáng bóng nhỏ khuất dần trong chiều mờ, xiêu xiêu mưa, đường lầy, gió hút … Và mưa cứ bay từ đầu đến cuối bài thơ trong nỗi chia ly đau đớn đến không nói xuyên suốt bài thơ.

Đúng như thú nhận của Nguyễn Đình Thi, chùm thơ 3 bài đầu tay của ông đều buồn thẳm, hơi có vẻ lạc ra ngoài cuộc kháng chiến. Song, nếu nhìn từ triết học- thẩm mĩ, có thể thấy đây là những bài thơ tình phản đề lộng lẫy vẻ đẹp riêng của thơ tự do Nguyễn Đình Thi.  Nó xác tín vẻ đẹp trí tuệ thâm trầm riêng của thi sĩ - nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi, người thực sự theo cách mạng và kháng chiến bằng toàn bộ ý thức triết học, cùng trái tim đa cảm của mình. Sau này, trong cuộc chiến chống Mỹ, Nguyễn Đình Thi lại có một cuộc gặp và chia tay thoáng chốc trong một bài thơ khác: Lá đỏ.

Có điều, chủ thể thơ không một mình, nhân vật trữ tình em của ông cũng không một mình. Người đi trong đoàn quân xanh màu lá, gặp em gái tiền phương trong rừng Trường Sơn, trên cao lộng gió, áo ào rụng đầy lá đỏ. Em đứng bên đường, thân mật như quê hương, vai áo bạc, quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã, chào vội vã em gái tiền phương, hẹn gặp nhé, trong thắm đỏ ngày giải phóng Sài Gòn. Màu lá thắm đỏ bài thơ, thắm đỏ cuộc hẹn gặp ngày chiến thắng, khác với nỗi buồn lặng, màu không xác định của mưa bay, trong “ Không nói” của giữa thế kỉ trước. Nhưng, thời gian cứ trôi mặc lòng, cốt lõi vẻ đẹp thơ tự do của Nguyễn Đình Thi vẫn còn nguyên, sự nhất quán của tình thơ với nhân vật Em vẫn còn nguyên. Và dường như, nỗi buồn lãng mạn cách mạng cũng vẫn còn nguyên…

 


[1] Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam. NXB Văn học,H.,2000, tr.41,42,47,48

[2] .Nguyễn Đình Thi là tác giả của những sách: Siêu hình học, Triết học Kant, Triết học Nietzsche, Triết học Descartes,… đều do Tủ sách triết học Tân Việt,  NXB Tân Việt, 49, phố Takou, Hà nội, xuất bản, năm  1941, 1943.

[3] Sách Nguyễn Đình Thi, về tác gia và tác phẩm.( Hà Minh Đức và Trần Khánh Thành giới thiệu và tuyển chọn. NXB Giáo Dục, từ tr.215 đến tr. 229. Bài  “ Cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi”. XD ghi theo biên bản Hội nghị, chiều 28). Tạp chí Văn nghệ số 17,18, tháng 11,12-1949.

 Theo chú thích, bài tường thuật này do Xuân Diệu ghi. Những người tham gia cuộc tranh luận này: Xuân Diệu, Tâm Trung, Thanh Tịnh, Văn Cao, Ngô Tất Tố, Tố Hữu, Phan Thị Nga, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Xuân Trường, Nguyễn Huy Tưởng, Hữu Tâm, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Văn Khoa, Xuân Thủy,… với lời kết của chủ tịch đoàn: Tố Hữu. Hối đó, Nguyễn Đình Thi 24 tuổi, mới in 5 bài thơ ngắn. Nguyến Đình Thi coi chùm thơ: Đường núi, Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa in trên Văn Nghệ hồi Việt Bắc là những bài đầu tay. Không nói in đầu tiên trên  Tạp chí Văn nghệ số 6. 11.1948.

[4] Sdd, Nguyễn Đình Thi-về tác gia và tác phẩm.  Nguyễn Văn Nam, tác giả bài “Thơ Nguyễn Đình Thi”, tr.245, đã chú thích như sau: Các bài thơ trong bài này đều lấy ở tập Người chiến sĩ in lần thứ 2, NXB Văn học, 1960 Bài thơ Hắc Hải, NXB Văn học, 1959. So với các bản in trước, có những thay đổi. Ví dụ: bài Đêm sao nguyên là bài Đêm mít tinh trong Tập văn cách mạngvà kháng chiến. Bài Đấtt nước nguyên là bài Sáng mát trong như sáng năm xưa nói trong Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc. Cũng cần nói thêm, Nguyễn Đình Thi còn một số thơ nữa chưa đưa được vào hai tập thơ này.

 

Nguyễn Thị Minh Thái, PGS.TS nghệ thuật học

Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa truyền thông

Khoa Báo chí, trường ĐH KHXH&NV. HN

(Bài viết do tác giả gửi cho Web Khoa Văn học)

Thông tin truy cập

63672212
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15930
17595
63672212

Thành viên trực tuyến

Đang có 355 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website