Về truyện ngắn Học trò già
Trong truyện ngắn Học trò già (Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 38, ngày 29-9-1996), nhà văn Trần Kim Trắc chỉ đơn giản kể lại một cuộc viếng thăm. Cuộc viếng thăm gợi nhớ đến một quãng đời và làm thức dậy những nỗi niềm riêng của hai con người. Giữa người thầy giáo già yếu bây giờ và ông giáo trẻ đẹp trai, phong lưu ngày trước; giữa người học trò tuổi đời chồng chất hôm nay và chú bé nghịch ngợm thuở xưa là một khoảng cách bốn mươi lăm năm.
Dưới ngòi bút của nhà văn, “khoảng cách bốn mươi lăm năm như xích lại gần”. Câu chuyện về cái bánh sầu riêng nóng hổi gói giấy nhựt trình, về những cái xác rệp trong kẽ bàn học sinh, về bài học tiếng Pháp thời thơ ấu… đã phả hơi ấm vào hai thế giới riêng tư cách biệt thầy - trò và hóa giải những niềm nghi ngại.
Sức cuốn hút của thiên truyện trước hết là ở vẻ đẹp tâm hồn của hai nhân vật. Ông giáo Đức đã có lúc chua chát, hờn dỗi với thời cuộc. Người học trò - nhân vật xưng tôi - thì lại từng lỡ lầm, vấp ngã. Nhưng cả hai vẫn giữ được tâm hồn trong trẻo mà đi qua những trắc trở và sóng gió cuộc đời. Trong căn nhà cũ kỹ nơi thầy trò gặp nhau, hiện tại cùng cất tiếng nói với quá khứ. Vì bài học của họ vẫn là bài học của mọi thời: bài học về nhân cách - bài học có thể “xốc dậy” con người. Nói đạo lý mà không ra vẻ dạy đời, điều đó đâu phải dễ!
Trần Kim Trắc đã tạo ra được bầu không khí tự nhiên để người đọc chuẩn bị tâm thế mà tiếp nhận bài học làm người tưởng chừng khô khan đó. Tác giả cứ để cho những kỷ niệm gọi dậy cùng nhau, dường như không hề xếp đặt, không có mối nối giữa các đoạn văn, các lời đối thoại. Những chỗ sử dụng tiếng Pháp trong ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật mà lược bỏ đi thì cái không khí đó cũng sẽ mất đi một phần đáng kể. Những câu đối thoại không gây ấn tượng nặng nề vì nhân vật - người kể chuyện là kẻ biết tự trào, chẳng hề oán giận cuộc đời, lại còn tìm cách làm lành với nó.
Học trò già thuộc vào những truyện ngắn mà người ta đã viết nên bằng cả một đời mình. Một đời để sống và một đời để chiêm nghiệm. Vả chăng, đây đâu phải chỉ là chuyện thầy trò. Qua một câu chuyện thầy trò, nhà văn đã chạm vào những điều sâu xa nhất của lòng nhân nghĩa. Ẩn sau giọng văn điềm đạm là tình yêu thương và cảm xúc về sự hòa hợp. Mà tình yêu thương thì bao giờ cũng có sức nâng đỡ con người.
(“Hai truyện ngắn hay nhất trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 1996”, TTCN số 51, ngày 29-12-1996)
Về truyện ngắn Con mắt thứ ba
Vẫn là lối kể chuyện nhẹ nhàng kèm theo một nụ cười hóm hỉnh. Cuộc sống ở đây thật giản dị, mọi cái đều được sắp xếp theo lẽ tự nhiên. Hố bom trở thành ao nuôi cá. Cá ba sa rớt giá thì có cá vồ thay thế. Hạnh phúc mỉm cười với người có lòng. Còn kẻ quen thói tán tỉnh quơ quào thì đáng cho một bài học nhớ đời.
Là người linh hoạt, ông Ba Văn Hóa dễ dàng thành công mọi điều, nhưng đến việc xe duyên cho cô Thơm thì thất bại. Câu hỏi tò mò và câu trả lời ở cuối truyện tưởng chỉ là chuyện bâng quơ, nào ngờ là điểm nhấn của truyện. Cười nhạo cái chủ quan của kẻ trải đời, ngợi ca sự nhạy cảm của người phụ nữ hình như là cách nhìn quen thuộc đã gặp đâu đó trong văn Trần Kim Trắc, nay lại tìm được một cốt truyện mới để thể hiện.
Có cảm giác như câu chuyện còn có thể viết dài hơn, với nhiều tình tiết hơn. Nhưng hẳn tác giả hiểu rằng người đọc cũng có “con mắt thứ ba” để nhìn ngắm sự đời. Và kho chuyện đời dung dị không vơi cạn chắc sẽ còn được tiếp tục khai thác nhờ cái duyên của ngòi bút Trần Kim Trắc. Cái duyên cộng thêm một chút cay của gừng già…
(Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 39, ngày 02-10-2005)
Giải pháp chữ Tâm và những giả định lạc quan (Về truyện ngắn Lương tâm cắn rứt)
Hai tuần trước khi có “đề xuất luật về kiểm soát tài sản, thu nhập” (Tuổi Trẻ ngày 7-4-2013), báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần (số 10, 24-3-2013) đăng một truyện ngắn có liên quan, với nhan đề Lương tâm cắn rứt. Đã lâu trên mặt báo mới có một truyện ngắn “sát sườn” với đời sống xã hội như vậy. Có lẽ cũng vì đã lâu người đọc tỏ ra mệt mỏi với loại hình văn học “nóng bỏng tính thời sự” và trở nên giảm lòng tin vào những “giải pháp” nhiều lúc ngây thơ và dễ dãi của các nhà văn.
Nhưng đây không phải là truyện ngắn của một nhà văn non tay nào mà là của Trần Kim Trắc lịch lãm và lão thực, với cách kể chuyện lôi cuốn, khiến người ta có thể đọc một mạch cái câu chuyện nửa bi nửa hài đó. Ông Thìn, chủ tịch ủy ban nhân dân quận G, đại biểu quốc hội, bị “choáng” trước chủ trương kê khai tài sản của cấp trên, hình dung viễn cảnh sẽ bị trừng phạt vì tội “bốc lủm” nhiều năm để trở thành giàu sụ. Đầu óc ông càng như muốn vỡ tung ra khi nghe tin Công ty xây dựng Đại Hưng mà ông trực tiếp ký “chỉ định thầu” khai thác khu quy hoạch của quận, nhờ đó ông nghiễm nhiên trở thành cổ đông góp vốn 10%, cũng sắp bị thanh tra. Để thoát khỏi tình thế nguy hiểm ấy, ông “đạo diễn” cho bà vợ đến thẳng công đường tố giác chồng có quan hệ ngoài luồng. Và thế là, ngay ngày hôm sau, lấy lý do bị vợ hạ uy tín và làm sụp đổ danh dự, ông Thìn dễ dàng và nhanh chóng tuyên bố “từ chức chủ tịch ủy ban quận, xin rút chân khỏi mọi vị trí ở cơ quan đoàn thể và đại biểu quốc hội để trở về là thường dân”.
Như vậy là ông Thìn đã tìm được cách “hạ cánh an toàn”, tuy có bị dư luận đàm tiếu về đạo đức sinh hoạt, nhưng lại được tán thưởng ở sự tự phê bình nghiêm khắc và lòng can đảm “tự phong” một hình thức kỷ luật nặng nề, thà mất chức (hy sinh đời bố) mà giữ được tài sản (để củng cố đời con). Nghe những câu ông Thìn nói trước thuộc cấp khi tuyên bố từ chức, người đọc không còn biết nên cười hay nên khóc: “Để bảo vệ sự trong sáng của cách mạng như bảo vệ chính con ngươi của mắt mình, cần loại trừ ra những con sâu làm rầu nồi canh”. Ngòi bút của nhà văn còn đặt vào miệng Thìn những phát ngôn “triết lý”: “Đời người ai chẳng như đồng xu, có mặt ngửa có mặt sấp, như là hai người…”; “Lỗi lầm của tôi có sám hối đến tàn trăm bó nhang cũng không thoát khỏi hỏa ngục”. Và cứ theo lô-gích đó, chỉ mấy ngày sau, Thìn đã tìm một cách “sám hối” đắc địa: dùng tất cả số tiền cổ tức của Công ty Đại Hưng hàng tháng xây một căn nhà tình nghĩa trị giá năm sáu chục triệu đồng, mỗi năm 12 căn nhà như vậy, để bà vợ “đứng tên hiến tặng, và lên tivi” (!), cho đến cuối đời.
Từ góc độ xã hội học, có thể nói truyện ngắn Lương tâm cắn rứt, vô hình trung, đặt cơ sở trên ba điều giả định sau đây:
Một, cuộc đấu tranh chống tham nhũng với giải pháp kê khai tài sản đã có tác động lớn trong giới quan trường, làm chùn tay và truyền sự khiếp sợ đến những kẻ làm giàu bất chính, trước viễn cảnh bị “bỏ phiếu tín nhiệm bãi miễn để cách ly con vi-rút tham nhũng, miễn dịch cho đoàn thể”.
Hai, “văn hóa từ chức” đã ăn sâu và thấm nhuần vào đội ngũ quan chức và được “ứng dụng” nhuần nhuyễn đến nổi ông Thìn “tự kỷ luật bằng bản án từ chức” xong là giới thiệu luôn người phó thay thế, hôm sau không đến cơ quan nữa. Cấp dưới và cấp trên của ông đều xem việc đó là đương nhiên, không cần họp hành bàn bạc công tội gì nữa, cũng không thể tất gì đến quá trình phấn đấu và cống hiến của ông.
Ba, “giải pháp chữ Tâm” hóa ra còn ảnh hưởng lớn và nhanh đến những người “bị ô nhiễm tư tưởng” như Thìn, chỉ trong mấy ngày đã chuyển hóa được ông, từ một con sâu “quen tính bốc lủm”, đã nghĩ đến ngày ăn đạn, rồi liên tưởng đến hỏa ngục, bèn làm từ thiện để lương tâm đỡ cắn rứt.
Cái kết thúc có vẻ có hậu đó thật ra không hoàn toàn là dấu hiệu của một kiểu công thức dễ dãi và nhạt nhẽo trong văn học một thời xa vắng. Trần Kim Trắc cố tránh điều đó bằng cách kể chuyện nửa nghiêm túc nửa cười cợt của ông. Lúc ta có cảm tưởng nhà văn mỉa mai, xài xể Thìn; lúc lại như ông che chở, khoan dung đối với anh ta. Nhân vật người kể chuyện xưng tôi, một mặt, nói rằng “nhà văn có truyền giáo cho ai đâu mà gọi là thầy”, mặt khác vẫn tin rằng “nghề viết văn là nghề chọc ngứa tâm hồn bạn đọc để tâm trí họ hiểu hiện thực đời sống, khêu gợi tiềm lực bản thân để tự họ giải quyết những vấn đề riêng của bản thân mà thôi!”.
Văn học cảnh báo để gieo một chút hạt giống lành, dù không chắc sẽ nẩy mầm thành cây trái, cũng là quý. Giữa lúc những ông Thìn đã trở thành “một bộ phận không nhỏ”, biết đâu giải pháp chữ Tâm thật thà và cả tin của Trần Kim Trắc cũng có phần hợp lý?
(Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 16, ngày 05-5-2013, với nhan đề Văn học cảnh báo để gieo hạt giống lành).