Đây là công trình chọn trích trong cuốn Văn học Cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuậtcủa GS Nguyễn Huệ Chi, do NXB Giáo dục Việt Nam vừa xuất bản. Công trình này được công bố trên Tạp chí Văn học số tháng 6-1990, từ góc độ phương pháp luận bàn về những nguyên nhân sâu xa đưa đến sự sa sút của bộ môn sử và bộ môn văn trong ngành khoa học xã hội chúng ta.
Xin chọn đăng lại bài viết này của tác giả để góp thêm một tiếng nói cùng các giới nghiên cứu và giảng dạy sử học cũng như văn học.
I – Từ một vài phương thức nhận thức của chuyên ngành lịch sử lâu nay
Phải bắt đầu rút kinh nghiệm từ nhận thức lịch sử rồi mới có thể đi vào lịch sử văn học, vì nếu các bộ môn khoa học xã hội đều là các bộ môn nằm trên trục dọc của lịch sử, thì lịch sử theo nghĩa hẹp lại chính là bộ môn nòng cốt nhất; mỗi sự kiện diễn ra ở đây đều liên quan mật thiết đến các bộ môn khác, với những ảnh hưởng gần xa, lớn nhỏ khác nhau. 30 năm qua, giới sử học đã đạt được không ít thành tựu khả quan. Một số công trình chuyên sử có giá trị đã được công bố. Một tiến trình vận động của lịch sử dân tộc tương đối hợp lô gích cũng đã được phác họa thỏa đáng. Tuy vậy, sử học cũng còn để lộ nhiều lúng túng trong quan điểm, nhiều lỗ hổng về phương pháp cần được đặt thành vấn đề chung cho cả giới cùng tìm hiểu, luận bàn.
Chỉ mới cách đây không lâu, khi học tập Nghị quyết 7 (Đại hội VI) chúng ta đã từng đối diện với một câu hỏi không nan giải mấy trong lý thuyết, nhưng lại khá nan giải về mặt thực tiễn. Đó là vấn đề: có nên nhìn lại lịch sử một cách chính xác, rạch ròi hay không? Lý thuyết cố nhiên đòi hỏi chúng ta bao giờ cũng phải đối xử với lịch sử cho thật công minh, và muốn vậy thì điều tiên quyết là phải nhận thức đúng diện mạo và bản chất các quá trình của nó. Nhưng trên thực tế mà nói, nhiều quá trình lịch sử diễn ra trong vòng một trăm năm, thậm chí 50 năm trở lại thôi, trong phạm vi một nước hay rộng ra trên phạm vi cả phe xã hội chủ nghĩa, đã không được tái hiện đầy đủ, không được giải thích, phân tích cặn kẽ bằng tinh thần thực sự cầu thị của chúng ta. Tìm hiểu lý do tại sao là cả một vấn đề còn phải mất nhiều tâm huyết. Tuy nhiên, chỗ rút ra được là hình như trong phương pháp tư tuởng, từ bao lâu nay sự thiếu sòng phẳng với lịch sử vẫn là một hành vi hữu thức được thừa nhận ngấm ngầm. Ta quan niệm việc tìm hiểu lịch sử có cả mặt lợi và mặt hại. Và một quan điểm tường giải lịch sử được coi là chính thống, là phải ra sức khắc phục mặt có hại bằng biện pháp giảm đẳng, hoặc lờ đi không nói tới, đồng thời phải ra sức khai thác mặt có lợi của lịch sử, để hướng dẫn nhận thức của mọi nguời. Đó là vì lợi ích của cách mạng mà làm, là công lợi chứ không phải tư lợi.
Nhưng có thể có cái gọi bằng chủ nghĩa công lợi trong sử học được hay sao? Nếu có, thì chắc hẳn tiêu chí công lợi duy nhất ở đây là sự thật lịch sử. Mục đích tối cao của sử học, theo chúng tôi nghĩ, là đạt đến sự thật khách quan như nó có, là chiếm lĩnh thực tại “vật tự nó”, và cố gắng biến thành “cái cho ta”. Sự thật lịch sử và lợi ích của giai cấp đang đóng vai trò mở đường cho lịch sử đi tới, hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với nhau. Hơn thế nữa, ngay trong bản chất truyền thống của khoa lịch sử xưa kia cũng đã luôn luôn có nhu cầu tìm ra sự thật, phanh phui sự thật.
Từ thời phong kiến, một quy định mà triều đại nào cũng phải tuân thủ là nhà vua không được tự tiện vào Viện Quốc sử và đòi xem quốc sử, bởi vì những gì nhà viết sử ghi chép phải đúng như trong thực tế, độc lập với yêu cầu thêm bớt của ông vua. Việc vua Trần Minh Tông và vua Lê Thánh Tông đòi hỏi các vị sử quan phải trình cho mình xem những gì họ viết, đã được ghi vào sử sách như những bài học phản diện mà vua chúa nào cũng lấy làm răn. Còn sử học phương Tây thì từ lâu cũng đã có quy định chặt chẽ về việc cho “khui” các hòm tư liệu để công bố, 50 năm sau khi sự kiện lịch sử đã diễn ra. Có thể gọi những truyền thống như vậy là gì, nếu chẳng phải là sự kết tinh tinh thần khao khát hướng tới chân lý của nhân loại? Giống như câu chuyện ông vua Midas có tai lừa trong Nghìn lẻ một đêm, sự thật, cho dù phải đánh đổi bằng tai họa, thì vẫn là chuẩn mực của nhân cách, bản lĩnh, sự tiến thủ, và nhu cầu tiến thủ của con người.
Rất tiếc, giới sử học mác-xít từ lâu nay đã không tìm được một hình thức thích hợp, một nguyên tắc được thừa nhận bằng pháp lý, để thực thi quyền thiêng liêng đó trong nghề sử của mình. Chỉ trang bị cho mình một “thế giới quan tiến bộ” không thôi rõ ràng chưa đủ để phát hiện và trình bày chân lý. Chẳng thế mà trong nhiều cuộc hội thảo gần đây, giới sử học Xô viết đã phải than thở rằng trình độ của họ bị tụt hậu, tụt lại cái mốc những năm ba mươi. Chủ nghĩa công lợi trong sử học chúng ta, theo tôi, nếu xem xét tường tận hẳn là một hình thức biến tướng của chức năng trang trí, làm đẹp thêm cho những định đề “đã có sẵn trong đầu”. Dưới đây, thử nêu một vài biểu hiện.
1. Ai cũng biết rằng cái quan trọng nhất của sử học là sử liệu. Không có sử liệu xác tín thì nhà sử học giỏi đến mấy cũng bằng như bó tay. Nói rằng mục đích của sử học là tìm ra sự thật, cũng tức là nói phong cách sử bút của sử gia có khác với văn gia ở sự chính xác và thận trọng trong những gì mình phát hiện và trình bày. “Nói có sách mách có chứng” là để nói về điều ấy.
Ấy vậy mà trong tình trạng thiếu thốn sử liệu đến mức nghèo nàn như tình trạng của Việt Nam, do hoàn cảnh chiến tranh liên miên từ đời này qua đời khác, sách vở, hiện vật, di tích,... bị mất mát, hủy hoại không biết bao nhiêu phen, không hiểu vì sao chúng ta vẫn chẳng gặp trở ngại gì trong khi tái liện lịch sử, trái lại, còn dễ dàng “vung bút” để có những pho sách dày?
Có thể đặt ra hai giả định: Hoặc trong các bộ sử của các nhà viết sử gần đây, ít nhiều sự bình tán dễ dãi đã thay thế cho các sử kiện cần được tìm tòi khổ công và ghi chép thật súc tích? Hoặc bản thân sử kiện người viết sử đem vào nếu có cũng đã mở rộng kích thước, không còn nguyên tính chuẩn xác đúng như bản gốc mình tìm ra?
Dù nặng hay nhẹ, tự phát hay tự giác, cả hai khuynh hướng nhìn đâu cũng không khó nhận diện trong các pho sử hiện hành. Do khuynh hướng thứ nhất mà trong mấy chục năm qua, một thói quen đã trở thành phổ biến là sự coi thường tư liệu và thích những lời bàn chay, “trữ tình ngoại đề”, vượt ra ngoài mực thước của sử bút, song tai hại thay, người ta vẫn tưởng rằng đấy mới là “giàu chất lý luận”. Khuynh hướng này không dừng lại trong giới sử mà lan sang đến nhiều ngành khoa học xã hội khác. Và cũng do khuynh hướng thứ hai mà ở một số bộ sử khá tiêu biểu, sự du nhập các truyền thuyết dân gian không còn là một biệt lệ, trái lại đã là chuyện bình thường. Xin lấy một ví dụ rút ra ngẫu nhiên từ cuốn Lịch sử Việt Nam, Tập I của Ủy ban Khoa học xã hội, phần nói về Thánh Gióng:
“Và Gióng lên đường ra trận. Theo Gióng đi đánh giặc có người dân cày đang cầm vồ đập đất, có người câu cá, có người đi săn, có đoàn trẻ chăn trâu, có những chàng trai nghèo đang vỡ đất. Gióng cùng toàn dân đánh giặc. Gióng nhằm nơi giặc Ân đóng xông tới, quất roi sắt vào thân giặc, vút tre ngà xuống đầu giặc:
Đứa thì sứt mũi sứt tai
Đứa thì chết nhóc vì gai tre ngà.
Tướng giặc bị giết. Giặc thua thảm hại. Cả nước mừng vui với chiến thắng thần kỳ”(1).
Thánh Gióng đúng là một truyền thuyết độc đáo của dân tộc chúng ta, nhưng trình bày truyền thuyết trong một bộ sử thì không nên làm cho người đọc hiểu lầm truyền thuyết cũng là chính sử. Hơn nữa, truyện Thánh Gióng với tất cả tình tiết hư cấu đầy đủ kiểu này chỉ mới xuất hiện trong công trình khảo cứu folklore của Cao Huy Đỉnh hơn chục năm lại đây(2). Phải chăng là hợp lý khi sử dụng nguyên xi một kết cấu truyện folklore vừa được sưu tầm để dựng lại lịch sử xa xưa mà không cần đôi ba lời giải thích?
Về phương diện này, e rằng giới sử học đương đại chưa được thận trọng bằng giới sử gia phong kiến. Sử gia phong kiến khi viết về thời tiền sử, bao giờ cũng đặt trong một đề mục gọi là “ngoại kỷ”, tức là cái gì nằm ngoài “thực lục” (ghi chép sự thật). Và khi bắt buộc phải sử dụng truyền thuyết bổ sung cho tín sử, thì họ đều giới thuyết cặn kẽ. Ngô Sĩ Liên nói ở những trang viết về thời Hùng Vương: “Hãy xin thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ mà thôi”(3). Còn Hồ Tông Thốc thì nêu lên một nguyên tắc về sự gạn lọc tài liệu: “Những chuyện góp nhặt được ở đây đều là lượm lặt ở tiếng vang, lời đồn, trích lấy đầu đuôi, để ghi chép tiếp nối từng đời mà thôi; còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét hãy tạm giữ lại đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu có những lời xuyên tạc báng bổ để dối đời lừa dân hay sao. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, gắng sức nghiệm suy, thì vẻ rực rỡ giữa ngọc và đá sẽ phân rõ. Những hình bóng tiếng vang [của mọi chuyện quái đản] không đợi phá cũng vỡ”(4).
Dầu sao, nếu chỉ dùng truyền thuyết làm sử liệu cho thời tiền sử thôi thì vẫn còn khả dĩ. Đằng này, người viết sử hiện đại lại công nhiên dẫn dụng truyền thuyết cả cho khu vực “lịch sử thành văn”. Cũng trong bộ sử vừa trích dẫn, khi viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, các tác giả đã tiếp thu luôn những gì có lẽ chỉ mới được giới văn nghệ dân gian góp nhặt chưa lâu: “Bà hàng nuớc họ Lương ở gần thành Cổ Lộng (Nam Hà) đã dùng mưu giết chết nhiều toán giặc vào trọ ở nhà hàng của bà. Do hành động yêu nước đó bà được Lê Lợi phong làm Kiến quốc phu nhân và sau khi chết được lập đền thờ ở làng [...]. Một cô hát ả đào ở Tiên Lữ (Hải Hưng) tên là Huệ cũng đã dùng lời ca tiếng hát và mưu trí của mình để tiêu diệt từng toán giặc, khi chúng kéo về đóng đồn ở quê hương cô. Nhớ công ơn của nguời nghệ sĩ dân gian đó, dân làng đặt tên cho làng cô là thôn Ả Đào và về sau lập đền thờ cô. Người phụ nữ làm nghề chài lưới ở sông Đáy không ngại gian lao nguy hiểm chở đò cho nghĩa quân qua sông đánh giặc. Dân làng Nhân Huệ (Thanh Oai, Hà Tây [nay thuộc Hà Nội – NHC]) cũng thờ người dân yêu nước bình thường đó làm thành hoàng. Do đó, nghĩa quân đi đến đâu cũng “chật đất người theo, đầy đường ruợu bày” và “càng đánh càng thắng, đi đến đâu đánh tan đến đấy như phá vật nát, như bẻ cành khô” (Nguyễn Trãi)”(5).
Có vẻ như tập thể tác giả đều thừa hiểu truyền thuyết thì chẳng có gì làm bằng cứ nên cả ba dẫn liệu đưa ra đã không hề kèm theo một ký chú xuất xứ nào cả mà chỉ là giai thoại trống không, ai thuật lại, thuật lại từ bao giờ, đều không biết?! Đành rằng chiến thắng chống xâm lược Minh lừng lẫy là niềm tự hào chính đáng của mọi người dân Việt Nam, không một ai có thể quên, nhưng liệu với những huyền thoại lắp vào chính sử như kia thì niềm tự hào có được nhân lên hay không, hay lại làm cho nguời đọc bỗng đâm nghi ngờ về độ xác thực của phần sử liệu chính văn mà các sử gia xưa đã từng viết về cuộc chiến tranh gian khổ và oanh liệt thời đó? Xin tạm gọi đây là khuynh hướng huyền thoại hóa lịch sử, một khuynh hướng hình như đang mặc nhiên được xem là “đóng góp ưu việt” của phong cách sử bút đương đại của giới sử học chúng ta?
2. Nếu huyền thoại hóa là tô điểm lịch sử theo phương thức tư duy huyền thoại thì lại có một thói quen khác là uốn nắn lịch sử theo vóc dáng con người ngày nay. Điều này thường gặp nhiều hơn, bởi vì chọn khuôn mẫu từ thực tế trước mắt để hình dung lịch sử là việc dễ làm, cũng dễ thỏa mãn mọi hiểu biết thông tục, khỏi phải mất nhiều công sức đào sâu nghiên cứu. Vì thế, điều không khó nhận ra là nhiều nhân vật lịch sử được giới thiệu, đánh giá, ca tụng trong mấy thập kỷ qua, những Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Ngô Thì Nhậm,... không ít thì nhiều, đều có mặt này mặt kia được phóng chiếu theo mô hình “người anh hùng mới” của thời đại ngày nay.
Đây là một đoạn trong một cuốn sách ca ngợi tầm vóc quân sự của Quang Trung Nguyễn Huệ: “Nguyễn Huệ, người lãnh tụ phong trào Tây Sơn vĩ đại ấy, đã vừa là một lãnh tụ kiệt xuất của nông dân, vừa là một anh hùng vĩ đại của dân tộc, vừa là một tướng lĩnh tài giỏi bậc nhất của thời đại. Ông đã đưa phong trào tiến tới hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng mà lịch sử đã trao cho. Ông đã lãnh đạo nông dân lần lượt đánh đổ mọi tập đoàn phong kiến ở trong nước, lập lại nền thống nhất của nước nhà. Ông đã đánh tan mọi cuộc xâm lăng và can thiệp vũ trang của nước ngoài, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc. [...] Với quyết tâm chiến đấu vì lợi ích của quần chúng, vì lợi ích của Tổ quốc, Nguyễn Huệ lúc nào cũng được đông đảo quần chúng ủng hộ, lúc nào cũng được nhân dân cả nước đồng tình. Cho nên trong mọi trận chiến đấu, đứng trước mọi quân thù của giai cấp, của dân tộc, Nguyễn Huệ đã đánh là thắng, quân thù nào cũng phải ngã gục truớc ý chí quyết chiến quyết thắng vô cùng mãnh liệt của ông. Những chiến công rực rỡ của ông đã vang dội khắp non sông, lẫy lừng khắp trong nước, ngoài nước. Trong chiến đấu, quần chúng ủng hộ ông, dân tộc ủng hộ ông, thời đại ủng hộ ông. Nguyễn Huệ đã trở thành một danh tướng bách chiến bách thắng, một danh tuớng bậc nhất của quần chúng, của thời đại”(6).
Và đây là một đoạn khác trong một cuốn sách nói về thiên tài đánh giặc của Nguyễn Trãi: “Giơ gậy làm cờ bốn phương dân cày tập hợp mà Nguyễn Trãi nhấn mạnh như một nguyên tắc để phát động chiến tranh cứu nước, xây dựng lực lượng vũ trang, chính là một đường lối tiến hành chiến tranh rất tài giỏi, tạo cho phong trào Lam Sơn một sức mạnh cả nước để đánh thắng giặc, vừa xây dựng quân đội khởi nghĩa đông mạnh bằng cách “bốn phương dân cày tập hợp”, vừa vũ trang dân chúng rộng rãi bằng mọi thứ vũ khí sẵn có trong tay: gậy tày, đòn gánh, dao, rựa... đều trở thành khí giới để đánh giặc; đàn ông, đàn bà, già, trẻ, đều đánh giặc. Đó là những chủ trương rất sáng suốt, đáp ứng yêu cầu cầu và khả năng của một cuộc chiến tranh nhân dân. Thực tế chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi –Nguyễn Trãi và kinh nghiệm lâu đời của dân tộc ta đã chứng minh rằng để đánh thắng xâm lược, chiến tranh nhân dân là vô địch”(7) (trong cả hai đoạn trích, những chỗ in đậm là do người viết bài nhấn mạnh –NHC).
Đọc hai đoạn văn trên, tưởng đâu như cuộc chiến tranh cứu nước ở các thế kỷ XV, XVIII và cuộc chiến tranh chống xâm lược Pháp, Mỹ mấy chục năm gần đây –được vũ trang bởi tư tưởng duy vật biện chứng và duy vật lịch sử –về mặt tính chất không còn cách biệt nhau mấy tí. Thậm chí nếu có thay những cái tên Nguyễn Huệ hay Nguyễn Trãi bằng tên một Võ Nguyên Giáp thì dễ cũng không ai có gì thắc mắc. Cũng có thể thông cảm, nhiều khi ngòi bút người bình luận lịch sử vô tình bị chính trị hóa bởi áp lực của thói quen: hàng loạt khái niệm “lợi ích quần chúng”, “nhiệm vụ cách mạng”, “chiến tranh nhân dân”... đã ghim sâu vào trí nhớ trong các bài giảng chính trị suốt bao nhiêu năm nên ta không thể rứt khỏi chúng khi buộc phải nhập thân vào một quá khứ khác xa thời đại mình đang sống, phải phục dựng diện mạo và khí hậu thực của những thời kỳ vốn chưa hề biết đến các “khái niệm tân tiến” loại này. Song cũng vì thế, hơn lúc nào hết, yêu cầu tỉnh táo đối với một sử gia có trách nhiệm trước bạn đọc càng phải đặt ra một cách nghiêm túc. Khỏi phải nói, hậu quả của những kiểu viết phóng bút như trên là dẫn tới tình trạng làm nghèo nàn bức tranh lịch sử. Lịch sử như không còn có bề dày mà được dàn bày trên một mặt cắt đồng đại. Lịch sử cũng mất đi tất cả mọi thứ hàng rào ngăn cách, những hệ hình tư duy khác biệt, cách nghĩ trung đại và hiện đại, thể chế xã hội, cách biệt đẳng cấp, phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng,... nói chung là tất cả những gì để có thể hình dung bước đi của lịch sử một cách chầy chật, khó khăn, nhưng cũng thật hơn là cái ta vẽ ra chỉ bằng vài biện pháp tu từ.
3. Làm cho lịch sử mang những nét tương đồng với hiện tại thì dẫu có đề cao, nào có khác gì “tân trang” lịch sử. Mà đã tân trang là che giấu cái lịch sử không phù hợp với chúng ta. Cho nên, giữa tân trang và cắt xén lịch sử, cũng chỉ khác nhau về cấp độ mà thôi. Cắt xén là gọt chân lịch sử cho vừa với đôi giày đóng theo kiểu con người đang “làm nên lịch sử” mà ta “ấp ủ” hàng ngày. Cắt xén đối với nhân vật và thời đại mà mình cảm thấy không có gì chung giữa mình với họ.
Chẳng hạn, đây là cách trình bày toàn bộ đề mục chính viết về triều Nguyễn trong bộ Lịch sử Việt Nam mà cực chẳng đã chúng tôi vẫn phải viện dẫn –cũng chỉ vì đang có nó trong tay: “1. Nhà Nguyễn khôi phục chế độ phong kiến phản động; 2. Chế độ quân chủ chuyên chế cực kỳ phản động; 3. Chế độ áp bức bóc lột nặng nề; 4. Chính sách kinh tế lạc hậu và phản động; 5. Chính sách đối ngoại mù quáng; 6. Ngọn lửa chiến tranh nông dân rực cháy”(8). Mới soát qua đề mục đã nặng nề như thế, nếu đi vào nội dung bạn đọc hẳn còn “choáng” vì không trang nào không dày đặc những lời lên án đến... khó tin. Địa hạt lịch sử tưởng chừng đã trở thành nơi “đấu tố” khi tác giả luôn dùng đại từ “hắn” để gọi Gia Long.
Chẳng lẽ trong một thế kỷ của nhà Nguyễn, những việc mở mang bờ cõi về phương Nam, việc khẩn hoang dinh điền, xây dựng văn hóa, giáo dục,... không có chút gì chứng tỏ lịch sử cũng đã có những bước vận động nào đấy đúng theo quy luật, mà chỉ đứng im hoặc thụt lùi thôi sao?! Thái độ bất công của các nhà sử học đối với triều Mạc hay Nguyễn xét cho cùng, chỉ là biểu hiện của một phương thức coi các tiêu chí của thời đại “thắng Mỹ” cũng đồng thời là tiêu chí chung cho mọi thời. Nhưng đâu có thế được! Đâu phải là lỗi của triều Nguyễn khi nhà Nguyễn đánh bại và kế chân Tây Sơn vào thời điểm Triều đình Quang Toản đã xuống dốc thê thảm và cận kề sự sụp đổ! Cũng đâu phải là lỗi của triều Nguyễn khi nhà Nguyễn tổ chức một cuộc chiến tranh tự vệ quy mô mà cuối cùng đành thất bại truớc chủ nghĩa thực dân Pháp với quân đội nhà nghề và súng ống tối tân lúc bấy giờ! Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở Nhật Bản, vào năm 1853, Mạc phủ Tokugawa đã đầu hàng và mở cửa thông thương ngay sau ba phát đại bác của “hạm đội đen” nước Mỹ. Nhưng Nhật Bản ngày nay là một đất nước không xoàng. Thiết nghĩ, tiêu chuẩn chủ nghĩa yêu nước phải được nhìn thấu lý đạt tình, phải uyển chuyển, sinh động khi xem xét các quá trình của nó, đánh giá cái được, cái mất trong cuộc vận động sinh tồn của dân tộc Việt Nam, nếu không, sẽ không có ích mấy cho yêu cầu “nhận diện chân xác cái đã qua làm phong phú cái đang tới”. Lịch sử cần phải là sự sống chứ không phải là một manequin, mà sự sống thì lắm dạng vẻ, nhiều tầng bậc, có mặt này và mặt khác, lịch sử là muôn màu.
Tóm lại, những khuynh hướng huyền thoại hóa, hiện đại hóa và cắt xén hay là đánh giá một chiều, muốn hay không cũng góp phần đẩy bộ môn lịch sử đến nguy cơ đối diện với sự tụt hậu về phương pháp. Cái “tất yếu lịch sử” trước sau đã bị nhìn nhận một cách đơn giản hóa. Lịch sử chỉ còn như những tấm gương phóng đại nhiều kích cỡ, mà nhìn vào khoảng cách nào cũng thấy hiện ra bóng dáng “người chủ nhân ông hiện tại” đang đấu tranh và dựng xây đất nước. Tuy không hẳn là chủ ý nhưng trong một chừng mực nhất định, phép biện chứng đã bị thay thế bằng “duy ngã luận”.
II – Trở về với một vài phương thức nhận thức lịch sử văn học
Những vấn đề đặt ra cho chuyên ngành sử học, thực tế cũng là những vấn đề mà ngành nghiên cứu văn học đã thể nghiệm, vấp váp và thấm thía từ nhiều năm nay. Chỉ xin giới hạn trong hai vấn đề có tính chất cơ bản:
1. Phân kỳ lịch sử văn học
Nói đến phân kỳ lịch sử văn học là nói đến phương pháp khu biệt đặc trưng của mỗi một thời kỳ, sao cho các yếu tố được tập hợp lại trong thời kỳ này, quả có sự khác biệt về chất so với thời kỳ khác. Trên cơ sở đó, việc cắm mốc phân kỳ mới không gây một lẫn lộn nào đáng tiếc. Đành rằng, các mốc phân kỳ cũng chỉ là quy ước, nhưng là quy ước không thiếu được của một sự nhận thức khoa học về lịch sử. Phân kỳ văn học sử, do vậy, có vị trí then chốt trong quan điểm cấu trúc lịch sử văn học.
Vấn đề đã từng là dấu hỏi của nhiều thế hệ nghiên cứu: giữa phân kỳ lịch sử và phân kỳ lịch sử văn học có gì giống và có gì khác nhau? Trả lời theo lý thuyết thì chẳng mấy khó khăn. Ai cũng thấy rằng lịch sử và lịch sử văn học là hai đối tượng riêng biệt, có quan hệ hữu cơ, nhưng không phải là một. Không thể đem hệ thống này áp đặt vào hệ thống kia. Đúng như Marx nói: “Đối với nghệ thuật thì có những thời kỳ phồn vinh nhất định tuyệt nhiên không có quan hệ gì với sự phát triển chung của xã hội cả, và do đó cũng tuyệt nhiên không có quan hệ gì với cơ sở vật chất, với cốt cách xã hội, nếu có thể nói như thế được”(9).
Song trên thực tế, mọi sự lại không song suốt đến vậy. Một mặt, do cách nhận thức của một thời về vai trò chi phối tuyệt đối của chính trị đối với văn học (chính trị là thống soái), mặt nữa cũng do không tìm thấy sự kiện văn học nào có tính chất bước ngoặt rõ nét (vì văn học vẫn thường phát triển tiệm tiến), trong khi đó lại dễ dàng tìm được những cái mốc chính trị nổi bật, đánh dấu những chặng đường lịch sử khác nhau, nên phần lớn các bộ văn học sử trước đây, từ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (nhóm Lê Quý Đôn), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (nhóm Văn sử địa), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930 - 1945 (Viện Văn học) và Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I (Ủy ban Khoa học xã hội),... đều đã mượn mốc chính trị để làm mốc phân kỳ lịch sử văn học.
Nói cho đúng cũng có những người đã nhiệt tình chủ trương “bảo vệ bằng được luận điểm của Marx”. Chẳng hạn nhà sử học Văn Tân. Là một trong năm tác giả bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, ông Văn Tân khẳng định dứt khoát giữa văn học và chính trị không bao giờ có quan hệ phát triển đồng nhất. Trong lời tuyên ngôn của bộ Sơ thảo, cũng như trong bài phê bình bộ Lược thảo, viết gần như cùng một lúc, ông Văn Tân đã đưa ra hai ví dụ có tính chất điển hình, để bênh vực chủ thuyết của nhóm ông. Ông nói: “Việc vua Quang Trung cả phá hai mươi vạn quân Thanh là một sự kiện quân sự và chính trị hết sức vĩ đại của nước Việt Nam hồi nửa sau thế kỷ XVIII, nhưng sự kiện này không thấy có một phản ánh tương xứng ở văn học Việt Nam. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương nhảy ra vũ đài chính trị ở Việt Nam, nắm lấy quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa phong trào cách mạng ở Việt Nam sang một giai đoạn mới, nhưng cho đến Cách mạng tháng Tám, cái văn học giữ địa vị chi phối ở Việt Nam chưa phải là văn học do giai cấp công nhân lãnh đạo”( 10).
Xem ra, trong ý kiến của vị học giả không phải không có nhiều nhân tố hợp lý, mặc dầu từ dẫn chứng nâng lên khái quát, ông đã rơi vào tuyệt đối hóa. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là chỉ mấy năm sau, ông Văn Tân lại từ bỏ không thương tiếc “chỗ đứng” tưởng là cứng cỏi mà cả nhóm cố trụ vững, để đưa ra những nhận định trái ngược, cũng... cực đoan không kém gì trước đây. Trong “Lời nói đầu” cuốn Lịch sử văn học Việt Nam sơ giản, một bộ sách tóm tắt bộ Sơ thảo, ông đã có dịp đính chính trước bạn đọc những ý kiến “nóng vội” đã qua, và quả quyết ngược lại rằng: “Thực tế của văn học đã chứng minh rõ ràng các giai đoạn của lịch sử văn học hoàn toàn phù hợp với các giai đoạn của lịch sử chính trị”(11); và “thực tế của văn học nước ta hoàn toàn chứng minh như vậy”(12).
Tuy nhiên, dầu đã hơn một lần quả quyết, khi bắt tay vào công việc thực tế, nhà sử học Văn Tân vẫn không khỏi lúng túng. Vì đã coi cái mốc 1788 –năm Quang Trung đại phá quân Thanh –là một mốc lớn của lịch sử văn học, tự nhiên ông Văn Tân cũng phải coi cái mốc 1802 – năm Gia Long đánh bại Tây Sơn –là một mốc thụt lùi của lịch sử văn học. Nhưng tìm tòi mãi trong giai đoạn 1788 - 1802, ông vẫn chẳng kiếm ra được một tác phẩm văn thơ nào gọi là có tầm cỡ, xứng với sự kiện đại thắng của Quang Trung. Trái lại, lùi ra sau 1802, ông lại thấy có kiệt tác Truyện Kiều. Thế là nhận định về sự ăn khớp giữa chính trị và văn học ngó như bất ổn rồi. Xoay mãi hết cách này cách kia, cuối cùng ông Văn Tân đành phải lập luận suy diễn: “Truyện Kiều, tuy xuất hiện dưới thời Gia Long, nhưng thực ra, đó là tác phẩm đã được thai nghén từ cuối thế kỷ XVIII. Những năm đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Du chỉ đem Truyện Kiềuđã được nung nấu ở trong lòng ghi lên mặt giấy”(13); “gác Truyện Kiều ra, văn học hồi nửa đầu thế kỷ XIX so với văn học hồi thế kỷ XVIII là một bước lùi về nội dung tư tưởng và về hình thức nghệ thuật”(14).
Chẳng cần biện giải gì thêm thì sự loay hoay tìm kiếm của người đi trước cũng tố cáo với chúng ta một thực tế: cách làm của họ có gì như chưa ổn. Tại sao lại cứ phải gò ép văn chương cho phù hợp với cột mốc chính trị mà không để văn chương tự tìm lấy mốc của mình? Tại sao nỡ làm mất đi nét hồn nhiên của sự vận động sáng tạo ở một lĩnh vực nghệ thuật tinh tế bậc nhất, thông qua phương tiện đặc thù là ngôn ngữ của con người, bằng cách dùng một yếu tố bên ngoài để cưỡng chế nó? Hãy cứ để cho các hiện tượng văn, thơ diễn ra như nó có, và đặt nó đúng vào chỗ của nó, tự khắc cái dở, cái hay, bước lùi, bước tiến của các tiến trình văn học sẽ hiện rõ, có cần gì giấu giếm hay tô vẽ thêm. Nếu cái mốc 1930 không phản ánh một bước chuyển biến có thực của văn học Cận đại Việt Nam thì sao cứ phải gò văn học Cận đại vào đấy mà không tìm một cái mốc thích hợp hơn? Dĩ nhiên, công việc tìm kiếm này dù chỉ là quy ước cũng không thể là một việc cảm tính, mà cần cân nhắc hết mọi lẽ, cốt sao nắm bắt đúng con đường văn học đã trải qua.
Ta thử trở lại tìm kiếm vào những mốc của chính văn học. Vào năm 1932 - 1933 có mấy sự kiện quan trọng sau đây cùng xuất hiện một lúc: việc thành lập Tự lực văn đoàn, phong trào “Thơ mới” bùng nổ, tạp chí Nam phong chuẩn bị đình bản như một chuyển giao ngầm giữa hai thế hệ,... Vậy sao không dùng các mốc này để đánh dấu chặng đường mới của văn học, mà phải đi mượn ở đâu những cái mốc tuy có thể quan trọng nhưng chưa thấu thị đến văn học ngay lúc bấy giờ?
Cũng có người đặt vấn đề: đứng về tác giả thì một đại biểu nổi bật là Nguyễn Ái Quốc đã cầm bút từ đầu những năm 20. Hoàn toàn đúng. Ảnh hưởng sâu rộng của Nguyễn Ái Quốc trong phong trào cách mạng Việt Nam những năm 20 - 30 thế kỷ XX là điều không cần bàn cãi. Tuy vậy, phạm vi đang khoanh lại để bàn là sự chuyển biến giai đoạn trong nền văn học tiếng Việt công khai nửa đầu thế kỷ XX. Chắc chắn hoàn cảnh bịt bùng của chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương thuở bấy giờ chưa cho phép các bài báo, bài văn của Nguyễn Ái Quốc bằng tiếng Pháp trên đất Pháp trực tiếp vang vọng đến mọi trào lưu sáng tác cũng như công chúng bạn đọc thuộc nền văn học hợp pháp tại xứ này. Vì thế, theo lý thuyết của mỹ học tiếp nhận, chủ thể sáng tạo và công chúng bạn đọc là hai khâu liên hoàn của một quá trình sáng tạo nghệ thuật, quyết định bước chuyển của đời sống văn học một giai đoạn nào đấy, cả hai khâu đều vận động trong những luồng ảnh hưởng của tư tuởng tự do dân chủ phương Tây lúc đó chứ chưa hề bắt gặp tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, tính cho đến 1945.
2. Phân loại văn học
Sau vấn đề phân kỳ, đến các tiêu chí phân loại. Đây là cách tập hợp các hiện tượng văn học theo dòng, theo nhóm, để dễ nắm bắt cặn kẽ lịch sử văn học trong từng thời kỳ nhất định. Nếu phân kỳ là tạo những nhát cắt bổ ngang để lịch sử văn học được chia thành nhiều khoảng thời gian, thì phân loại là tạo những nhát cắt bổ dọc để lịch sử văn học được xem xét một bước sâu hơn, trên những loại hình mang đặc trưng loại biệt.
Nhưng văn học Việt Nam vốn là một nền văn học phương Đông quanh quẩn lâu dài trong một nghìn năm Cổ trung đại. Nó ít có những biến thái rõ nét giữa các thời kỳ cũng như các dòng phái. Nói như Likhachov thì hầu như không có những cuộc đấu tranh làm xuất hiện các khuynh hướng, trường phái nghệ thuật trong văn học Trung thế kỷ ở Nga. Việt Nam hẳn cũng vậy thôi.
Vậy lấy gì để phân loại các dòng phái trong văn học Việt Nam quá khứ? Các nhà văn học sử những năm 50 cho đến gần đây đã tìm ra được một chuẩn mốc phân loại quan trọng, đó là chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước vốn là một chuẩn mốc nằm ngoài văn chương, song quả thật gắn bó mật thiết với dòng chảy chính của văn chương Việt Nam trong hàng nghìn năm. Lịch sử dân tộc Việt đã phát triển trong dạng thức đặc thù luôn luôn đi liền với đấu tranh chống ngoại xâm, và hệ tư tưởng chống xâm lược đã trở thành hệ quy chiếu nhiều mặt cho sự phát triển của cả xã hội. Văn học kết tinh tinh thần yêu nước như một nguyên tắc đạo đức thẩm mỹ, được dư luận xã hội thừa nhận và có truyền thống rất lâu đời. Lấy chủ nghĩa yêu nước làm chuẩn mốc phân loại văn học, phải coi là một phát kiến đáng kể, sáng giá của giới nghiên cứu những năm 50. Nhờ chuẩn mốc này, các bộ môn văn học sử những năm 50 đã đạt được một bước tiến so với các bộ sách cùng loại trước năm 1945.
Nhưng bước tiến nào cũng đi kèm với một bước lùi tương đối. Phân loại theo chủ nghĩa yêu nước là cách tập hợp văn học theo chuẩn mực thời chiến. Mà cuộc sống thì muôn mặt, còn rất nhiều phương diện cũng cần văn học phản ánh, đâu phải chỉ có chiến đấu cho vận mệnh sống còn của đất nước là mục tiêu duy nhất. Khi đã có một độ lùi về thời gian, ta sẽ nhận ra khái niệm chủ nghĩa yêu nước hiểu trong giới hạn hẹp bao gồm những tác phẩm cổ vũ cuộc chiến đấu chống ngoại xâm không thể nào bao quát hết mọi loại tác phẩm khác trong cùng một thời điểm. Để quy định ranh giới giữa văn học yêu nước với các bộ phận văn học khác, trước nay người ta vẫn xem xét ở hai tiêu chí: cá nhân nhà văn có tham gia hay không vào phong trào cứu nước và đề tài nhà văn lựa chọn có thuộc hệ đề tài trung quân ái quốc, đề cập đến nghĩa vụ của kẻ làm trai đối với giang sơn xã tắc hay không. Phân biệt như thế ngỡ không còn vấn đề gì phải phân vân, nhưng trên thực tế vẫn phát sinh những điều nhầm lẫn. Cái chính là có nhiều cấp độ nhận thức về cả hai tiêu chí đã nói, và sự đánh giá không thỏa đáng lại bắt nguồn từ cách hiểu hời hợt, thô thiển, những cấp độ vốn rất phức tạp kia, do thường khi chúng đan xen, chồng lấn vào nhau.
Trên cấp độ con người xã hội, nhà văn cũng thế mà tầng lớp trí thức nói chung cũng thế, vẫn được phân chia đại khái làm ba hạng: người dấn thân nhập cuộc, người ở ẩn và người đầu hàng. Nhưng nào phải trường hợp nào xếp vào một trong ba hạng cũng ổn. Bởi đây là vấn đề con người –con người cụ thể lịch sử –mà ba hạng người được phân loại theo cách ta quan niệm lại chỉ mới là một sự định lượng. Trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX chẳng hạn, hãy cứ loại trừ một ít nhân vật kiểu Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Thân,... ra, thử hỏi trong số những nguời còn lại, giữa một Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Cao tuẫn tiết, một Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Duy Hiệu, Vũ Hữu Lợi,... bị chém đầu, một Nguyễn Đình Chiểu, một Phan Văn Trị sống giữa dân chúng Lục tỉnh, một Nguyễn Thông nửa đường bỏ miền Nam ra Trung tỵ địa, một Phan Thanh Giản quyên sinh và một Nguyễn Quang Bích toan tính quyên sinh, và còn nhiều nữa, những người đã chạy theo vua Hàm Nghi lên căn cứ Tân Sở, sau lại phải bỏ về vì ốm đau, dạn dày gió sương không nổi, những người phải ra đầu thú bởi mẹ già con dại,... biết ai hơn ai trong động cơ trung vua, báo quốc? Từ đó, xếp đặt họ theo trật tự nào cho đúng với thực chất con người họ, ngẫm cho kỹ thật là cả một bài toán “vạn nan”. Trên cấp độ con người nhà văn mà nói, sự phân biệt cũng chẳng đem lại bao nhiêu ý nghĩa nếu không căn cứ vào sáng tác cụ thể của mỗi người. Có khi người trực tiếp tham gia chống giặc cứu nước vẫn viết nên những áng văn đạo lý sáo cũ, chưa chắc đã gây được nhiều xúc cảm, còn người ở ẩn lại có thể có được những vần thơ lay động tâm trí đông đảo người đọc, người nghe. Chẳng phải xưa nay, văn và người tuy là hai đại lượng thống nhất nhưng có bao giờ đồng nhất hẳn với nhau? Hơn nữa, văn chương dẫu sao vẫn là câu chuyện của thiên bẩm, nó đòi hỏi không phải chỉ có một chính kiến vững mà còn có trái tim rung cảm và một tài năng bậc thầy.
Trên cấp độ lựa chọn đề tài, vấn đề cũng không phải dễ dàng định đoạt. Kể cũng khó lòng phân biệt sự hơn kém giữa một đề tài phò vua giúp nước và một đề tài loại khác, đề tài “thế sự”. Chẳng lẽ một người cầm bút ca ngợi vẻ đẹp của xứ sở, quê hương, biết phát hiện ra trong đời sống hàng ngày những dáng nét đặc trưng cho cốt cách, tâm hồn Việt Nam, lại không phải là văn học yêu nước hay sao? Cho nên, nếu đẩy tới một cấp độ cao hơn, cấp độ tính nhân bản của văn học, thì mọi sự phân biệt ở đề tài dường như biến mất. Sẽ không còn chỗ cho thứ lập luận bám vào những lợi ích gần gũi trước mắt để biện minh rằng loại đề tài này là sáng giá hơn loại đề tài nọ, vì cái đích vươn tới xa nhất của văn học giờ đây là con người với vẻ đẹp trần tục của nó, với niềm tin, khát vọng, cái cao quý cũng như cái tầm thường hèn mọn của con người. Văn chương yêu nước hay văn chương đời thường đều không thể lảng tránh mục đích cao sâu này.
Như vậy, bổ sung cho tiêu chí chủ nghĩa yêu nước bằng tiêu chí chủ nghĩa nhân bản theo tôi đã trở thành một nguyên tắc khoa học trong phân loại văn học sử Việt Nam. Một nền văn học đậm nét nhân bản sẽ nổi bật lên, xóa đi được những sự ngăn cách tạm thời, những mặc cảm không cần thiết giữa những nhà văn “hạng nhất”, “hạng hai”, “chiếu nhất”, “chiếu nhì”,... Diện mạo văn học dân tộc cũng sẽ hiện ra phong phú, đa dạng và sống động hơn nhiều. Người ta sẽ không còn đối xử với văn học, một môi trường đặc thù, theo cái cách đối xử của những con người phải đối mặt với nhau trong chiến trận, có người này thì không có nguời kia. Người ta sẽ không vứt bỏ đi thơ của Nguyễn Húc, của Đặng Minh Bích chỉ vì các ông “trót” có những bài thơ tình rất hay ở thế kỷ XV, như trong một công trình nghiên cứu nhiều năm trước đây từng kết án. Người ta cũng sẽ không đem văn tập Phạm Quỳnh ra để mà truy kích, truy kích cho đến cái câu nói không có gì xác đáng hơn của ông: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Một bộ văn học sử Cận đại trong đổi mới hôm nay hẳn có đủ cơ sở lý luận để đặt Phạm Quỳnh vào lớp nhà văn khởi đầu, người đưa văn hóa châu Âu soi vào văn hóa dân tộc, một nhà văn nhận ra đặc trưng cốt yếu của văn chương là nghệ thuật ngôn từ.
Để kiểm điểm lại các quan điểm sử học và văn học sử của ba bốn mươi năm qua có lẽ còn phải làm nhiều. Còn cần phải phân tích tỉ mỉ những cuốn sách cụ thể như cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I của Ủy ban Khoa học xã hội, mặc dù có trân trọng đến đâu ta cũng không thể không trăn trở trước hiện trạng lạ lùng của nó: sách là sách văn học sử –văn học thành văn là chính –mà hình thức kết cấu lại mang tính chất một sự góp mặt tiếng nói của đại gia đình các dân tộc Việt Nam; sách viết về văn học sử Việt Nam mà phần tinh hoa nhất là văn học viết lại bị cắt xén, đẽo gọt, phản ánh một thái độ coi thường. Cái “tôi” của nhà văn bị coi là điều cấm kỵ, trái lại quan điểm dung tục về “tính quần chúng” thì hầu như được trình bày công khai trong các chương viết về văn học dân gian, về văn học dân gian các dân tộc thiểu số,... Các phẩm chất ưu việt của loại văn học này, bởi thế, cũng không đuợc chú tâm làm nổi bật lên một cách thật đích đáng.
Cuộc đổi mới trong quan điểm phương pháp luận lịch sử văn học phải bắt đầu từ việc đối thoại với những luận điểm có tính chất nền tảng như thế. Nói đến văn học là nói đến lãnh vực của cái cá thể, của cá tính; nói đến nhà văn trước hết là nói đến những tâm hồn lớn, những tư tưởng nghệ thuật đột xuất, những phong cách ưu mỹ, những bậc thầy về nghệ thuật ngôn ngữ, những nhà thẩm mỹ tối cao trong truyền dẫn xúc cảm bằng hình ảnh. Sự có mặt của họ, chỉ có họ thôi, mới làm cho diện mạo đời sống tinh thần của một thời đại có thêm những nét mới mà thời đại khác không có.
(Tạp chí văn học, số 6 - 1990; tr. 1 - 9 và 21. Có hiệu chỉnh)
Chú thích
(1) Lịch sử Việt Nam, Tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1973; tr. 61.
(2) Truyện anh hùng làng Gióng, NXB Khoa học xã hội, H., 1969; tr. 27.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội, H., 1970; tr. 63.
(4) “Tựa” Việt Nam thế chí 越南世志. In trong Chương “Văn tịch chí”, Lịch triều hiến chương loại chí. Nguyễn Huệ Chi dịch. Nguyên văn: “是故拾遺餘響。得之傳言。採摭其類。以紹世記耳。其奇怪之跡。廖然難嵇。姑存之。以俟後之君子。豈感有穿鑿毀言以誣世惑民者乎。讀者須留心以細認。刻抑 推驗。則玉石彰然著明。其形聲影響。不攻自潰矣” (Thị cố, thập di dư hưởng, đắc chi truyền ngôn, thái chích kỳ loại, dĩ thiệu thế ký nhĩ. Kỳ kỳ quái chi tích, liêu nhiên nan kê, cô tồn chi, dĩ sĩ hậu chi quân tử. Khởi cảm hữu xuyên tạc hủy ngôn dĩ vu thế hoặc dân giả hồ. Độc giả tu lưu tâm dĩ tế nhận, khắc ức suy nghiệm, tắc ngọc thạch chương nhiên trứ minh, kỳ hình thanh ảnh hưởng, bất công tự hội hỹ).
(5) Lịch sử Việt Nam, Tập I, 1971, Sđd; tr. 246 - 247.
(6) Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, NXB Quân đội nhân dân, H., 1966; tr. 410 - 411.
(7) Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, NXB Quân đội nhân dân, H., 1973; tr. 607 - 608, 609.
(8) Lịch sử Việt Nam, Tập I, 1973, Sđd; tr. 368 - 408.
(9) K. Marx và Engels, Về văn học và nghệ thuật. Jean Fréville tuyển chọn, NXB Sự thật, H., 1956 ; tr. 99.
(10) Mấy nhận xét về quyển “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam” của nhóm Lê Quý Đôn. Tập san Văn sử địa, số 30 (7 - 1957) ; tr. 10 - 11.
(11), (12) “Lời nói đầu” Lịch sử văn học Việt Nam sơ giản, NXB Sử học, H., 1961; tr. 4.
(13), (14) Lịch sử văn học Việt Nam sơ giản, 1961, Sđd; tr. 216.
Nguồn: Văn học Cổ cận đại việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. Phần IV: “Tư duy phương Đông và một vài đặc trưng văn học sử”; tr. 1080 – 1096.