(Tóm tắt) Để các sản phẩm du lịch của Đồng Tháp được xác định rõ nét trên bản đồ du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, bản đồ du lịch Việt Nam nói chung, nhằm thực hiện mục tiêu của đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, theo tác giả cần có những định hướng khai thác các nguồn tài nguyên (nhất là nguồn tài nguyên nhân văn) của du lịch Đồng Tháp qua việc xác định lợi thế so sánh về tiềm năng du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Dẫn nhập
Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Đồng Tháp nói riêng cũng như toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung nằm trong một vùng trũng. Đồng Tháp lại có xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều tỉnh khác trong khu vực, chính vì lẽ đó, một số chuyên gia đã từng đánh giá rằng “so sánh trong vùng, tiềm năng du lịch của Đồng Tháp chỉ ở mức trung bình”. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy Đồng Tháp có khi còn có những sản phẩm du lịch độc đáo hơn so với nhiều tỉnh khác, đặc biệt là nguồn tài nguyên nhân văn. Có thể nói, Đồng Tháp có tất cả những gì du lịch đồng bằng sông Cửu Long đang có: từ ẩm thực, sông nước, ghe xuồng, vườn cây trái, đồng ruộng mênh mông, các giá trị văn nghệ dân gian, nhiều cụm di tích, nhiều làng nghề cho đến các giá trị văn hóa – lịch sử ghi nhớ cả quá trình hình thành và phát triển của vùng nói riêng và miền đất phương Nam nói chung. Hay nói cách khác, đó là nét tiêu biểu của vùng đất ngập nước, thuận lợi để tổ chức du lịch mùa nước nổi; có các món ẩm thực rất riêng (chuột đồng, cá linh, lúa trời, mật ong rừng tràm … ) mà những nơi khác không có; có những dấu ấn rõ nét và nguyên vẹn của nền văn hóa Óc Eo; có tinh hoa của cả hai nhánh sông Tiền và sông Hậu; có những làng nghề với các sản phẩm đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước (như làng hoa kiểng Sa Đéc, làng nem Lai Vung, làng chiếu Định Yên … ). Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên du lịch của Đồng Tháp lại được phân bố rất hài hòa và đều khắp các địa phương trong tỉnh, không nơi nào giống hoàn toàn nơi nào. Đặc điểm này giúp cho các địa phương có thể chia đều cơ hội cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch của Đồng Tháp được xác định rõ nét trên bản đồ du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, bản đồ du lịch Việt Nam nói chung, thiết nghĩ cần có những định hướng khai thác các nguồn tài nguyên nhằm thực hiện mục tiêu của đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Trong bài viết này chúng tôi giới hạn chỉ xem xét các nguồn tài nguyên nhân văn – cũng là thế mạnh của du lịch Đồng Tháp so với các địa phương khác trong vùng.
1. Khai thác các sản phẩm du lịch từ hệ thống các di tích văn hóa – lịch sử
1.1. Hệ thống chùa chiền, đình, miếu
Đến Sa Đéc – Đồng Tháp, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là hệ thống những ngôi chùa, đình, miếu lâu đời, thể hiện một đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng cư dân địa phương nơi đây. Trong số các cơ sở tôn giáo đó, không ít những công trình đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia hoặc cấp tỉnh. Một điểm thuận lợi khác là đa số các cơ sở tôn giáo này đều nằm ở trung tâm Thị xã, có hệ thống giao thông thuận tiện. Hơn nữa, mỗi địa điểm lại có những nét đặc trưng riêng, không gây cảm giác đơn điệu, trùng lặp… Điều quan trọng hơn, theo số liệu mà chúng tôi có được thì trong nhiều năm gần đây lượng du khách đến Đồng Tháp ngày càng tăng.
Vì những lý do cần và đủ nêu trên, chúng tôi thiết nghĩ nếu Đồng Tháp thiết kế và quảng bá tốt những chương trình tham quan các cơ sở tôn giáo đặc sắc, tiêu biểu, có bố trí hướng dẫn viên chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức về tôn giáo – tín ngưỡng bên cạnh sự hiểu biết về đặc điểm kiến trúc của công trình,... thì khả năng thu hút du khách hành hương đến với nơi đây là không nhỏ. Và nếu làm được điều này thì Sa Đéc cũng có thể khai thác được hình thức du lịch tâm linh – tín ngưỡng quanh năm không bị bó buộc vào 2 mùa lễ hội như Gò Tháp – Tháp Mười hiện nay.
1.2. Hệ thống các ngôi nhà cổ
Ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất vùng Đồng Tháp hiện nay là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngoài những nét kiến trúc cổ xưa, ngôi nhà còn chứa đựng một chuyện tình hấp dẫn du khách gần xa, đặc biệt là du khách Pháp. Vì thế, việc khai thác các giá trị lịch sử - văn hóa của ngôi nhà đưa vào kinh doanh du lịch là rất hợp lý và cần thiết. Hiện nay, Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp đang quảng bá chương trình “Theo dấu chân người tình” để đưa du khách đến với công trình kiến trúc cổ này. Chúng tôi đánh giá, đây là một sáng kiến khá hay, phù hợp với mục tiêu khai thác những yếu tố mới, hấp dẫn ứng dụng vào kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng ngôi nhà này hiện đang tồn tại hai tên gọi không thống nhất. Trong chứng nhận di tích cấp quốc gia nó mang tên “Nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận” (người chủ xây dựng công trình), một vài bài viết quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng sử dụng tên này; trong khi đó, nhiều tờ bướm quảng cáo của Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp cùng với bài giới thiệu của Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp lại sử dụng tên “Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê” (tên người con trai, đồng thời là nhân vật chính của câu chuyện tình thú vị xoay quanh ngôi nhà). Ở đây, điều mà chúng tôi muốn đưa ra trao đổi không phải chỉ đơn giản là cách gọi tên, mà nó thể hiện tính chính xác trong khoa học và lịch sử - cũng rất cần thiết để các đơn vị khai thác kinh doanh du lịch thống nhất trong chiến lược quảng bá sản phẩm vì cùng là một địa điểm mà lại có nhiều cách gọi khác nhau sẽ khiến du khách hoang mang.
Một điểm nữa theo chúng tôi rất cần phải lưu ý, đó là thành công của quyển tiểu thuyết cũng như bộ phim “Người tình” là những nguyên nhân chính giúp nâng giá trị khai thác du lịch của căn nhà, vậy mà hiện nay, cơ quan chủ quản ngôi nhà chưa khai thác thật tốt lợi thế này: trong chương trình tham quan, đến đây du khách chủ yếu chỉ được nghe giới thiệu về kiến trúc ngôi nhà, lịch sử dòng họ Huỳnh và chuyện tình giữa ông Huỳnh Thủy Lê và bà Marguerite Duras. Về cách bài trí liên quan đến “Người tình” thì chỉ có vài hình ảnh trong bộ phim này được treo hai bên vách tường nhà; không có nơi bày bán các món quà lưu niệm. Chúng tôi thiết nghĩ, tại sao công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp không tận dụng nhiều hơn nữa những hình ảnh trong bộ phim để tạo ra các món quà lưu niệm bày bán cho du khách. Chẳng hạn như chiếc nón đan bằng cói gắn liền với tên tuổi và thành công của “Người tình”[1].… Ngoài ra, bộ phim này đã được phép lưu hành ở Việt Nam thì tại sao chúng ta không xin bản quyền san và bán đĩa phim DVD cũng như tiểu thuyết. Khai thác sâu hơn lợi thế này, chúng tôi còn nghĩ đến rạp chiếu phim mini có khoảng từ 25 - 40 ghế sẽ bán vé dành cho khách trên 18 tuổi muốn xem bộ phim.
Hơn nữa, nơi đây từng là một phần quan trọng của phim trường – bộ phim đầu tiên của đạo diễn nước ngoài quay tại Việt Nam. Do vậy chúng ta có thể tận dụng đặc điểm này để tái hiện một số hình ảnh, không gian trong phim để du khách có thể được tận mắt chứng kiến và ghi dấu lại nơi ra đời của một cuộc tình, của một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng; được hóa thân vào nhân vật họ yêu thích,… Lúc này, chúng ta chẳng những sẽ tạo được cho du khách nhiều cảm hứng và háo hức muốn được quay trở lại, mà còn tạo ra được nhiều nguồn thu đáng kể như: bán vé vào phim trường, cho thuê trang phục, chụp ảnh …
Một ý tưởng khác nữa là trong quá trình thực hiện chương trình “Theo dấu chân người tình”, Đồng Tháp không nên chỉ đưa du khách đến thăm nhà cổ. Chúng ta có thể xây dựng một tour đúng với ngữ nghĩa của cụm từ “theo dấu chân”, có nghĩa là chúng ta sẽ dẫn du khách ngược dòng thời gian đến với những nơi mà hai nhân vật chính từng đặt chân qua. Như thế chúng ta chẳng những sẽ khai thác được thêm một sản phẩm nữa mà còn có cơ hội giới thiệu với du khách nhiều địa điểm thú vị khác của tỉnh. Chính những đối tượng du khách của sản phẩm này sẽ trở thành khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm khác[2].
Ngoài nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, vùng đất Sa Đéc còn lưu giữ được khá nhiều nhà cổ – đặc biệt là khu nhà trên đường Nguyễn Huệ. Qua khảo sát, chúng tôi nhận định khu vực này có nhiều nét rất lý thú: một bên là hệ thống những ngôi nhà mang nhiều nét cổ xưa, một bên là dòng sông trong mát hiền hòa, dọc bờ sông luôn có những con thuyền tấp nập ra vào, trên bờ không bị tác động bởi tiếng ồn ào của quá nhiều xe cộ, bên kia sông lại chính là làng hoa kiểng Tân Quy Đông nổi tiếng …, đặc biệt gần đấy còn có một ngôi chợ hoa – trái cây còn giữ được khá nhiều nét xưa cũ. Thiết nghĩ đây là những yếu tố thuận lợi để các công ty du lịch có thể thiết kế thành những chương trình độc đáo với những điểm nhấn như dẫn du khách dạo chơi tham quan phố nhà cổ, mua sắm tại chợ, nối tuyến tham quan làng hoa kiểng.
1.3. Các di tích lịch sử khác
Đồng Tháp còn khá nhiều những di tích mang dấu ấn lịch sử của các cuộc đấu tranh giữ đất giữ người. Nơi đây ngày xưa từng là một trong những chiến trường ác liệt nhất nhưng cũng anh dũng nhất của miền Nam. Nhiều người đã từng gắn bó gần như cả cuộc đời kháng chiến nơi đây. Hòa bình lập lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, họ chuyển cư đến nhiều vùng đất mới để tiếp tục sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Đến ngày nay, chắc chắn rằng trong lòng họ vẫn còn lưu giữ rất nhiều tình cảm sâu nặng đối với vùng đất này… Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng ngành du lịch Đồng Tháp có thể thiết kế những sản phẩm đặc thù dành cho các đối tượng đặc biệt này, tạo điều kiện để những người lính trẻ năm xưa và con cháu của họ được về nguồn, được sống lại vài ngày tại vùng chiến khu năm nào … đồng thời tham quan thêm những địa điểm du lịch khác để cảm nhận vùng đất mà họ từng góp sức bảo vệ đang ngày càng phát triển.
2. Khai thác các sản phẩm du lịch từ các lễ hội
Trong tiến trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân nước ta từng bước được nâng cao, theo đó việc tham gia vào các hoạt động lễ hội đang trở thành một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân. Đồng Tháp với tiềm năng về lịch sử và nhân văn được xem là nơi có lợi thế để tổ chức và khai thác loại hình du lịch lễ hội văn hóa – lịch sử, du lịch hành hương.
Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy lợi thế này chưa được tỉnh khai thác một cách có hiệu quả đúng với tiềm năng của nó. Đa số các kỳ lễ hội chỉ phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng địa phương và đối tượng du khách hành hương.
Để khai thác các kỳ lễ hội như một sản phẩm du lịch đặc sắc, thiết nghĩ Đồng Tháp cần có những chương trình quảng bá cho kỳ lễ hội vào những khoảng thời gian thích hợp.
Ngoài ra, phải coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi loại hình lễ hội, tránh các nơi cùng tổ chức đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán đối với du khách. Phải cố gắng khôi phục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội, gắn với truyền thống của mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Nói một cách cụ thể đó là:
- Đối với lễ hội dân gian: Không được cải biến quá mức, làm cho lễ hội mất đi bản chất và giá trị vốn có của nó. Không áp đặt lễ hội theo kịch bản, theo ý chí chủ quan; kịch bản hóa lễ hội là đi ngược lại với bản chất của lễ hội truyền thống.
- Đối với lễ hội có quy mô lớn mang tính lịch sử: Ngược lại, dạng lễ hội này phải có được một kịch bản chặt chẽ. Tuy nhiên, khi xây dựng kịch bản phục vụ lễ hội phải chú trọng đến những giá trị lịch sử, những sự kiện chính trị và bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. Vì vậy, chủ đề của lễ hội phải mang tính tư tưởng sâu sắc, nội dung nghệ thuật phù hợp, cô đọng và súc tích, hình thức thể hiện sinh động nhưng tránh phô trương lãng phí, gây phản cảm cho du khách. Các chương trình phục vụ lễ hội cần có nội dung phù hợp với lễ hội.
3. Văn hóa ẩm thực:
Văn hóa ẩm thực cũng là một nét đặc sắc của vùng Đồng Tháp. Nhiều món ăn nơi đây đã để lại không ít ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách cả trong lẫn ngoài nước. Thế nhưng với cách thức hiện nay thì du khách chỉ được thưởng thức món ăn chứ chưa có điều kiện tìm hiểu nhiều về món ăn mình yêu thích. Chính vì thế chúng tôi thiết nghĩ các đơn vị tổ chức du lịch nên tổ chức các chương trình dạy cho du khách cách chế biến những món đặc sản địa phương đơn giản như bánh cống, lẩu mắm, canh chua cá kho tộ, ốc hấp, nấu cơm gạo huyết rồng, lúa trời … Kết thúc buổi học có thể tổ chức một cuộc thi nhỏ giữa những thành viên trong đoàn, giám khảo chính là dân địa phương, người thắng sẽ được tặng một món quà tinh thần nào đó cũng như được chụp ảnh với sản phẩm của mình và với ban giám khảo. Các món làm được có thể góp lại với nhau làm thành một bữa tiệc “cây nhà lá vườn” … như thế, du khách vừa được thưởng thức các món đặc sản vừa biết thêm về cách làm các món ăn đó. Điều này sẽ làm cho họ cảm thấy hào hứng khi nghĩ về chuyến đi và nếu có cơ hội, chắc rằng họ cũng sẽ muốn được quay trở lại nhiều lần nữa.
Hơn nữa, khi bàn về ẩm thực, đã nói đến ăn thì phải đi kèm với uống, nhưng thực tế cho thấy không riêng gì Đồng Tháp, ở Việt Nam hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu, khai thác đầy đủ sự phong phú của các loại thức uống Việt Nam. Theo chúng tôi, với những thức uống đặc sắc của địa phương như trà tim sen, mật ong, rượu trái nhào của công ty Domesco, nước ép trái nhào và các loại cây trái địa phương, Đồng Tháp hoàn toàn có thể nghiên cứu, pha chế các loại nước uống vừa có lợi cho sức khỏe, vừa đảm bảo cho các món đặc sản trên đạt được mức độ tinh tế cao nhất của nghệ thuật ẩm thực[3].
4. Văn nghệ dân gian
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại Đồng Tháp có 37 Câu lạc bộ đờn ca tài tử nhưng loại hình này dường như chưa được ứng dụng tốt vào các hoạt động phục vụ du lịch. Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, đơn vị tổ chức du lịch nên có sự phối hợp chặt chẽ với các câu lạc bộ này. Khi đó, ngành du lịch sẽ có sẵn được nguồn cung ứng theo nhu cầu của du khách, mặt khác các câu lạc bộ cũng có đầu ra cho loại hình nghệ thuật mình yêu thích.
Bên cạnh loại hình nghệ thuật đàn ca tài tử thì văn nghệ dân gian còn được thể hiện qua các câu truyện cổ, các truyền thuyết từ xa xưa … Nền du lịch hiện đại trên thế giới cho chúng ta thấy: nhiều địa điểm du lịch thu hút du khách đơn giản chỉ từ một truyền thuyết hấp dẫn nào đó. Vì thế chúng tôi cho rằng Đồng Tháp – với tiềm năng nhân văn phong phú – hoàn toàn có thể sưu tầm, khai thác được ý tưởng này, hình thành nên những sản phẩm du lịch mới dựa trên yếu tố truyền thuyết.
5. Hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống
Theo chúng tôi đánh giá, các làng nghề truyền thống tại Đồng Tháp khá phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên số lượng các làng nghề được các công ty du lịch đưa vào các tuyến tham quan cho du khách không nhiều. Trong khi đó, hoạt động này cũng sẽ là một lợi thế của Đồng Tháp so với các tỉnh khác.
Nhiều nước trên thế giới đã rất thành công với loại hình du lịch vận dụng những làng nghề. Ở đây, chúng ta có thể tham khảo dự án OTOP[4] của Thái Lan [1, tr.103].
Hiện nay Thái Lan có hơn 120 làng nghề được chọn để quảng bá sản phẩm, chính vì thế mà lượng du khách đến Thái Lan kết hợp du lịch với thương mại càng tăng cao. Đều đó cũng đồng nghĩa với doanh số sản phẩm OTOP liên tục tăng hàng năm. Theo Vụ xúc tiến xuất khẩu – Bộ Thương mại Thái Lan thì: “Nếu như năm 2002 doanh số sản phẩm OTOP đạt 16.714 triệu baht thì năm 2005 con số này đã tăng lên xấp xỉ khoảng 60 triệu baht”. [1, tr.104]
Qua ví dụ của Thái Lan, chúng tôi nhận thấy rằng, việc ứng dụng các giá trị của làng nghề truyền thống vào du lịch thực sự rất cần những hỗ trợ đúng mức và kịp thời của các cơ quan chức năng chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào người dân. Khi đó, du lịch Đồng Tháp có thể xây dựng những chương trình tham quan vòng quanh các làng nghề truyền thống để giúp cho du khách được quan sát thực tế, được tự tay thử làm một công đoạn đơn giản nào đó trong quy trình sản xuất; được nghe hướng dẫn cụ thể về lịch sử làng nghề, về những giá trị văn hóa của làng nghề, ý nghĩa đối với cộng đồng địa phương, những thuận lợi và khó khăn hiện tại …
Ngoài ra, cũng cần suy nghĩ đến những biện pháp để khi tới thăm làng nghề du khách buộc phải tự nguyện bỏ tiền ra để có được các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương. Trong việc sản xuất và buôn bán quà lưu niệm chúng ta cũng nên học tập ngành du lịch Thái Lan, đó là ý thức tôn trọng các giá trị đặc thù địa phương. Ví dụ như du khách yêu thích và muốn mua các sản phẩm thủ công truyền thống của tộc người Karen tại làng Long Neck[5] làm ra thì chỉ có cách là đi du lịch đến ngôi làng này. Hoàn toàn không thể tìm thấy những món quà đó ở bất kỳ nơi nào khác – kể cả những đô thị sầm uất nhộn nhịp nhất đất nước Thái Lan. Nếu làm được như thế, du lịch Đồng Tháp nói riêng và cả miền Tây Nam Bộ nói chung sẽ dần tránh được tình trạng trùng lắp các sản phẩm du lịch cũng như quà lưu niệm như hiện nay.
Kết luận
Xác định được vị trí so sánh của du lịch Đồng Tháp trong bối cảnh du lịch đồng bằng sông Cửu Long; dựa vào quan điểm của địa phương trong chiến lược khai thác các sản phẩm du lịch cũng như đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi hy vọng tỉnh Đồng Tháp có thể khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa – lịch sử đặc sắc phát triển du lịch, để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp cho sự phát triển năng động của tỉnh trong thời gian tới. Ngoài ra, thiết nghĩ cũng cần lưu ý đến các cấp, các sở ban ngành liên quan đến hoạt động du lịch rằng: không có một nguồn tài nguyên nào là vĩnh cửu và vô hạn. Cho nên, việc khai thác các nguồn tài nguyên hiện có cần phải được đặt song hành với vấn đề bảo tồn một cách hợp lý và có hiệu quả.
(Phan Thị Hồng Xuân, Tạp chí Văn hoá và Du lịch, số 11, tháng 5 năm 2013)
Tài liệu tham khảo
1. Phan Thị Hồng Xuân (2010), Một số biện pháp nhằm nâng cao khả năng khai thác các yếu văn hóa phi vật thể góp phần phát triển du lịch Đồng Tháp trong xu thế hội nhập, đề tài NCKH 787/QĐ – ĐH, Trường ĐH Mở Tp.HCM – UBND tỉnh Đồng Tháp.
2. Phan Thị Hồng Xuân (2013), Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Đồng Tháp (dưới góc nhìn Nhân học), Tạp chí Khoa học Văn hóa và Du lịch, ISSN: 1809 – 3720, số 10 (64), tháng 3 năm 2013.
[1] Khi lần đầu tiên phim người tình được chiếu ở TP.HCM – những năm 1994 – 1995, một chủ tiệm cửa hàng thời trang ở TP.HCM đã làm giàu vì biết tận dụng hình ảnh trong phim, đã đặt hàng và bán được rất nhiều chiếc nón “Người tình” cho các cô gái trẻ thành phố.
[2] Người thực hiện đề tài đã từng trải nghiệm tour “Soul of music” ở Salzburg, Áo với đầy đủ tình cảm và hứng khởi khi đã xem bộ phim rất nổi tiếng “Soul of music”.
[3] Xem thêm Nghiêm Phượng Minh Trâm, “Cocktail rượu Việt, sự giao thoa giữa văn hóa dân tộc và thế giới, góp phần phát triển du lịch Việt Nam hội nhập”, Khóa luận tốt nghiệp đại học, Khoa Đông Nam Á học – Trường ĐH Mở TP.HCM, 2009 do TS. Phan Thị Hồng Xuân hướng dẫn.
[4] khai thác các làng nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch
[5] làng người cổ cao