Sông Seine Paris (trái) và kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn (phải)
Sau bữa điểm tâm, anh Văn còn mời mọi người đến uống cà phê tới một quán nhỏ nằm trên đường Hoàng Sa, dưới chân cầu Thị Nghè. Cà phê thì cũng như mọi chỗ nhưng phong cảnh thì rất hữu tình. Nguyên Minh lững thững thả bộ băng qua đường, đi dọc theo kênh Nhiêu Lộc và sau mấy phút bước vào, “phán” một câu xanh rờn làm anh em nhảy nhỏm:
- Đẹp! Chẳng kém gì sông Seine!
Thấy nét mặt “kinh hoảng” của mọi người, Nguyên Minh còn bồi thêm :
- Sông Seine đâu có hơn gì! Nó chỉ sạch hơn thôi. Lúc phẳng lặng, dòng sông Seine soi bóng những lâu đài, còn kênh Nhiêu Lộc phản chiếu mái chùa hay bóng những hàng cây…
Mấy người chạy ra. Bán tín bán nghi… nhưng sau đó cũng phải công nhận là dưới ánh nắng mai, mặt sông phẳng lặng như gương.
2. Cách đây vài mươi năm, có lẽ chắc nằm mơ cũng không ai dám nghĩ là có ngày nhìn thấy một phong cảnh như thế trên dòng nước từng được mệnh danh là kênh nước đen, nước đặc sệt vì rác thải ngập ngụa, hôi thối và muỗi màng sinh sôi nảy nở.
Một điều không tưởng đã xảy ra.
Như từ một hàng rào kẽm gai rỉ sét, giờ biến thành dòng nước trong xanh tươi mát ôm lấy Sái Gòn. Cá tôm sẽ tung tăng bơi lội.
Nhìn dọc theo bờ kênh, chúng tôi nhìn thấy các cụ ông, cụ bà tập thể dục bên những bồn hoa vừa mới được trồng và rất nhiều người thả bộ thư giãn dọc ven bờ, nhìn kỹ chẳng khác một công viên thu nhỏ : thảm cỏ xanh trồng sát vỉa hè, những cụm hoa tầng thấp, tầng cao...khoe màu rực rỡ.
Chu Trầm Nguyên Minh trầm trồ :
- Đẹp thật! Phải viết một chút gì đi về điều tốt đẹp này.
Tôi biểu đồng tình :
- Anh còn nhớ những chiếc ổ khóa amorchetto gắn trên cầu đá Pont de Archevêque gần nhà thờ Notre Dame không? Hay hôm nào mình gặp nhau cà phê rồi luôn tiện gắn những chiếc khóa đầu tiên để chứng tỏ tình yêu thành phố và mừng dòng nước hồi sinh?
- Phải đấy! Nguyên Minh chen vào. Và phải tổ chức một chuyến đi thuyền suốt tuyến kênh Nhiêu Lộc hay kênh Tàu Hũ. Phải viết về dòng kênh đã sống lại và vinh danh những cây bút một thời đã thương yêu thành phố mà chúng ta đang sống…
Mọi người chia tay và hẹn ngày gặp lại.
3. Sau các số Quán Văn 16, 17, 18, 19 với các chủ đề về Sông Seine đến sông Mường Mán, từ núi đồi Đà Lạt đến số 20 là số Xuân Quý Ngọ…anh em được nghỉ Tết một thời gian để chuẩn bị cho số 21 với chủ đề Sông Sài Gòn, dòng Nhiêu Lộc. Mọi người háo hức gọi nhau chuẩn bị bài viết…và hẹn nhau sáng 22/2/2014 để gặp cà phê, gắn ống khóa và ném chìa xuống lòng sông gần cầu Thị Nghè, rồi sau đó cùng đi bơi thuyền trên kênh Tàu Hũ…
Nhà thơ Đoàn văn Khánh và họa sĩ Nguyễn Sông Ba đã công phu chuẩn bị buổi tố chức cho ngày vui ấy.
Nhưng tiếc thay, trời chẳng chiều người!
Liên tiếp vắng mặt ba lần trong buổi ra mắt Quán Văn, sau Tết Quý Ngọ thì nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh phải nhập viện và chẳng mấy chốc đã giã từ anh em để về cõi vĩnh hằng. Sáng sớm ngày 22/2/2014 anh em vẫn họp nhau đông đủ, nhưng không phải để bơi thuyền mà tiễn bạn về nơi an nghỉ. Những giọt nước mắt xót thương...lặng lẽ chảy trên khuôn mặt mọi người.
Cũng mùa này năm trước, nhà văn Huỳnh Kim Bửu, tác giả tập tùy bút “ Nơi con sông Côn chảy qua” ở Qui Nhơn cũng đã từ giã Quán Văn để bay theo “tiếng hạc”!
4. Làm chủ bút một tạp chí văn chương, Nguyên Minh chắc phải là người “cứng cựa” và quyết đoán. Nhưng gần anh mới biết anh là người rất giàu cảm xúc. Trong rất nhiều tình huống, khi thấy đôi mắt anh ngấn lệ hay giọng nói run run là biết anh đang vô cùng xúc động.
Tai ương đến với bạn, Nguyên Minh trân trọng thắp một nén nhang. Nén nhang thành kính của anh là một nén nhang không khói, là tâm nhang, và chính là những trang sách góp nhặt công phu những bài viết của bạn hay của những ai viết về bạn, anh cẩn thận gói ghém cảm xúc và nước mắt anh em để tưởng nhớ những người bạn đã vĩnh viễn giã từ trần thế.
Quán Văn số đặc biệt để tưởng nhớ nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh vì thế đã ra đời trong thời gian kỷ lục. Làm việc suốt 3 ngày đêm nên 10 bản in đầu tiên có nhiều thiếu sót, nhưng quan trọng là kịp đặt lên linh cữu người ra đi, góp mặt trong đêm thơ tưởng niệm trước khi tiễn bạn về nơi an nghỉ cuối .
Hình bìa nén nhang đó là bức ảnh chân dung hai người bạn ngồi choàng tay nhau ở Paris: Chu Trầm Nguyên Minh và Nguyên Minh. Hai-ông-Nguyên-Minh trong nhóm Quán Văn nên nhiều người ở xa thường hay lầm lẫn. Lúc ở nhà bác sĩ Thiện Paris, phần do tên dài, phần để tránh trùng lặp nên Chu-Trầm-Nguyên-Minh bị …rụng mất 50 phần trăm, biến thành Chu Trầm.
Hai người bạn gặp nhau từ nhiều năm trước trong tình yêu văn chương, lạc nhau trong chiến tranh loạn lạc bể dâu, hơn 35 năm sau tái ngộ và cùng cầm bút trở lại trong tình yêu Quán Văn. Họ viết như chạy đua với thời gian, chống lại bệnh tật và tuổi tác đang tiến dần.
Hợp tan, tan hợp. chuyện đời như gió thoảng mây bay.
Quán Văn đặc biệt là nén nhang không khói. Không tan. Nên cảm xúc và lòng yêu thương được lưu giữ giữa lòng những trang giấy.
5. Sau “Cuộc hội ngộ của những trái tim ”,[i] nhóm sáu anh em đại diện “cõng” Quán Văn qua họp mặt chân tình với văn nghệ sĩ Âu Châu, khi trở về đã chọn lọc và tập hợp những văn thơ nhạc hoạ… của những người Việt đã từng đến sống và sáng tác trên đất Pháp và cho ra đời Quán Văn số 16 với chủ đề Bên dòng sông Seine.
Mới chưa đầy môt năm mà đóa hoa sáu nhánh đã rụng bớt một …
Nhưng Quán Văn có phải chỉ là sân chơi hoài niệm của những người tuổi tác, tâm hồn hoài cổ, sống ở trời Tây mà hồn vẫn đắm đuối mơ về quê cũ, lòng bùi ngùi nhớ những mùi hương? Hoàn toàn không. Vì đến với Quán Văn còn có nhiều bạn trẻ, để góp mặt bằng thơ văn hay đơn giản chia sẻ những trang viết đầy cảm xúc của những người yêu văn chương chữ nghĩa.
Bên ngoài cái dòng đời vùn vụt đây đó vẫn còn nhiều không gian văn hóa thấm đậm tình người, đây đó vẫn có những bạn trẻ, hòa nhập với công việc trong thời đại toàn cầu nhưng tâm hồn không chịu hòa tan trong môi trường tư bản hoang dã, trong lòng vẫn còn bám chắt nét đẹp quê hương.
Trong khi chuẩn bị bài vở và chọn địa điểm cho buổi ra mắt Quán Văn có chủ đề về Kênh Nhiêu Lộc, một nhóm bạn trẻ qua tiếp xúc với nhà thơ Việt Nguyên đã mời gặp chủ bút Nguyên Minh vào một sáng thứ bảy. Họ đến bằng xe máy, chở theo các vật liệu cần thiết rồi tự nhiên trải chiếu bên lối đi dành cho người đi bộ sát dòng Kênh vừa được cải tạo, đoạn ở Tân Định nằm trước cổng chùa Vạn Thọ.
Bàn tay Minh Hoàng thoăn thoắt, động tác khá thuần thục của một người còn rất trẻ nhưng thường hay tụ bạn bè vào những buổi uống trà, trao đổi kiến thức và chia sẻ tâm tình. Đề tài yêu thích của họ phần lớn là việc giữ thơm quê mẹ và tôn vinh nét đẹp quê hương. Thỉnh thoảng các bạn Như, Thùy cũng giúp Hoàng chiết trà ra chén mời mọc mọi người. Họ hồn nhiên, thoải mái, không cầu kỳ…hay bám vào những nghi thức cứng ngắt.
Ngồi tâm tình với họ, tôi chợt nhớ đến lần trò chuyện mấy năm về trước với nhà văn Nam Thi “Người Nhật cái gì cũng nâng lên thành “đạo”: trà đạo, kiếm đạo, không thủ đao,…Người Việt nam thì ngược lại: biến những cái lẽ ra là “đạo” thành đại chúng để mỗi tầng lớp đều có thể thưởng thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ”. Buổi uống trà sáng ấy không giống với các nghi thức miêu tả của Elena trong “Tà áo lụa và những cánh sen”[ii] ở quán Trà Việt của Viên Trân hay trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Nhưng là một buổi gặp gỡ thân tình của những người yêu cái đẹp, ngày ngày vui cùng trà, kể cả lộ thiên hay quán cốc,… “Đạo khả đạo phi thường đạo”, đạo có đó mà như không có đó…
Tôi nhìn Minh Hòang, Như, Thùy…trông họ hiện đại mà chân phương, nghiêm trang mà đơn giản… khác xa những lớp trẻ hãnh tiến đâu đó bắt gặp trên đường: sống ở Việt Nam mà bán linh hồn ra tận New York, London… trên người tân trang những phụ kiện đắt tiền…nói tiếng Anh như gió mà tiếng Việt tù mù, viết mấy từ đã ngập đầy lỗi chính tả ; họ cũng chẳng giống các nhóm đầu tóc bù xù, nhuộm xanh vàng tím đỏ, đua xe, lạng lách hay nốc bia như nước,…đánh cược đời mình vào những trò vớ vẩn vì tâm hồn vất vưởng chẳng biết bám vào đâu….sống giữa quê hương mà cuống rún gắn ở nơi nào vô định…
“ Xin phép các anh, em phải đi làm bây giờ đây !” Đang ngồi bỗng Thùy đứng lên từ giã. Mấy phút sau buổi gặp mặt nhấm trà trong sương sớm cũng sắp sửa tan. Hoàng, Như… cũng lục tục thu gom dụng cụ , gói ghém cẩn thận rồi móc lên xe. Tiếng máy nổ giòn. Tôi nhìn theo bóng họ chạy dọc theo khúc kênh đẹp nhất của thành phố Sài Gòn. Mới quen, tôi chưa biết họ có viết hay không, nhưng tin chắc họ sẽ là những độc giả trung thành và giữ lửa để Quán Văn có thể phát huy cái đẹp của tình người và gìn giữ văn hóa cội nguồn.
Sài Gòn 3-2014
Nguồn : tsvh Quán Văn số 21 tháng 3-2014
[i] http://art2all.net/tho/chutramnguyenminh/quanvan/cuochoingocuanhungtraitim.html
[ii] http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4013%3Ata-ao-la-gia-nhng-canh-sen&catid=45%3Asangtac&Itemid=101&lang=vi