Lễ hội Cổ Đụng - Nét văn hoa riêng của đảo Phú Quốc

             Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam (diện tích 589,23 km²), nằm ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang. Do đặc điểm cư trú ở môi trường biển nên từ lâu ngư dân Phú Quốc hình thành những tín ngưỡng mang tính đặc thù riêng. Nơi đây có nhiều tộc người sinh sống như người Việt, Hoa, Khmer, nên đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở đây phong phú, đa dạng và có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ.

 

Bài viết này giới thiệu đến bạn đọc một lễ hội hết sức đặc trưng của hòn đảo này “Lễ hội Cổ Đụng” hay còn gọi là lễ hội Xô Đụng. Qua đó, hiểu rõ hơn về nhu cầu cần sự ủng hộ của lực lượng siêu nhiên trong đời sống của ngư dân đảo.

Vài nét về Phú Quốc

Đảo Phú Quốc có hình tam giác, cạnh đáy nằm ở Bắc đảo, nhỏ dần lại ở phía Nam. Địa hình tự nhiên thoai thoải chạy theo hướng Bắc -Nam, chiều dài lớn nhất của đảo là 49km; nơi rộng nhất ở khu vực Bắc đảo với chiều dài là 27km, nơi hẹp nhất phía Nam đảo 3km.

Theo thống kê của Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Quốc năm 2010 thì dân số trên đảo là 92,574 người, người Việt (87,966), đứng thứ hai là người Hoa (1,851) kế đến là người Khemer (801) và một số là dân tộc khác. Dân cư sống tập trung dọc theo cửa sông Dương Đông, Cửa Cạn và một số làng chài ven biển như: Hàm Ninh, An Thới, Bãi Sao, Cửa Cạn, Rạch Vẹm…

Sinh hoạt kinh tế của cư dân trên đảo chủ yếu là đánh bắt thủy sản nên thường gặp nguy hiểm, bất trắc và những thách thức từ biển. Đó chính là nguyên nhân có những hình thức thờ tự, cúng bái, kiêng kỵ,…cúng kiếng và niềm tin vào các vị thần linh che chở, bảo vệ họ được bình an.Vì thế, tôn giáo - tín ngưỡng và lễ hội là nhu cầu lớn lao; là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu để chống lại tai họa từ thiên nhiên.                                  

Qua khảo sát tại Phú Quốc, có 61 cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo. Các hình thái tín ngưỡng dân gian được thờ như cá Voi, Mẫu và Nữ thần, thần Thành Hoàng, Âm linh/Cô Bác, Anh hùng dân tộc, Quan Công, Huê Quan Đại Đế. Trên đảo có nhiều lễ hội như: lễ cúng đình, lễ Nghinh Ông, lễ hội Nguyễn Trung Trực…trong đó có lễ hội cổ đụng là nét văn hóa riêng của người dân Phú Quốc.

Lễ hội Cổ Đụng

Lễ Cổ Đụng diễn ra tại chùa Sùng Hưng vào dịp Rằm tháng 7 (gồm 2 ngày: Rằm và 16 tháng 7), tại chùa Pháp Quang (28/7AL). Đây là lễ lớn nhất, thu hút hầu hết cư dân đang sống và làm việc trên đảo đến tham dự.

21 Le hoi Co Dung 02

Đông đảo cư dân và khách thập phương tham dự lễ hội

Theo giải thích của các vị sư trong chùa Sùng Hưng, mục đích chính của lễ Xô Đụng là kỷ niệm ngày vía của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đây là lễ nhằm xưng tụng công đức xả thân cứu độ vong hồn của Đức Địa Tạng, và cũng cầu mong Đức Địa Tạng cứu vớt linh hồn cho các chiến sĩ trận vọng, đồng bào chết khô, chết nạn, chết cạn và chết bất thường... được siêu thoát, không còn “vất vơ, vất vưởng” trên thế gian để khỏi “quấy phá” người dân.

Trước ngày lễ, người dân mang đồ đến ủng hộ chùa để thực hiện phát chẩn cho người nghèo, tùy theo điều kiện kinh tế mà mỗi cá nhân đóng góp nhiều hay ít. Các chủ ghe, thuyền thì chuẩn bị bánh, hoa quả để đôm “Đại Hỏa Sơn” mà dân gian gọi là Cổ Đụng (đường kính khoảng 2,5m, cao 2,8m). Các gia đình khác trên đảo mang hoa quả, hương đến chùa nhờ cúng và thắp hương cúng bái để cầu mong bình yên cho gia đình và xóm làng.

Khoảng 3 giờ chiều ngày Rằm tháng 7, các vị sư được mời từ chùa Sùng Hưng sang đình thần Dương Đông để thực hiện lễ Nghinh Thần hay còn gọi là “Bạch Phật thỉnh Thánh”; tức là lễ thỉnh mời các vị thần, các bậc tiền hiền về chứng kiến và hưởng lễ do bá tánh cúng. Một nét đặc trưng để nhận diện ra lễ Cổ Đụng là hình nộm Tiêu Diện Đại Sĩ, mà theo quan điểm của cư dân Phú Quốc, đây là thần coi sóc “cô hồn, dạ quỷ” ở địa ngục.

Lễ vật trong ngày cúng đầu tiên chỉ có bánh, hoa quả và trà rượu. Khoảng 6 giờ chiều, các sư thầy tiếp tục tụng kinh Vu Lan tại chùa Sùng Hưng, ngày đầu tiên coi như kết thúc. Sau đó sẽ phát gạo, vì theo thông lệ, lễ này mang 2 ý nghĩa là âm dương lưỡng lợi, nên người sống và người chết cũng đều được hưởng.

Đến ngày 16 tháng 7 âm lịch, nghi lễ được bắt đầu vào giờ ngọ tại đình Thần Dương Đông, gồm các nghi thức cúng ngọ, phóng đăng, đăng đàn, chánh tế.

Cúng Ngọ diễn ra trong khoảng một giờ (từ 10-11giờ). Đây là lễ cúng, tụng kinh dành cho Âm linh/Cô Bác. Bàn án được đặt bên ngoài sân đình với các lễ vật như hoa quả, bánh trái và đồ vàng mã. Trên bàn án có bài vị cúng thần, gồm thổ Địa, Thành Hoàng, Tiêu Diện Đại Sĩ và Cô hồn. Kết thúc cho lễ cúng Ngọ là lễ thí thực, tức là chia phần thức cho Cô Bác một nửa, thảy gạo muối ra sân và đốt giấy vàng mã. Trong thời gian này, người dân trên đảo có thể vào đình để thắp hương bái lạy.

Đến khoảng 3giờ chiều tiến hành lễ phóng đăng tại đình Dương Đông. Những lồng đèn (giống đèn kéo quân) được bày ra giữa sân đình, bên trong có đốt những cây đèn cầy để rước Cô/bác về chứng giám lòng thành của cư dân trên đảo và xin phù hộ bình an.

Lễ này diễn ra tại các giàn đụng được dựng ở đình Dương Đông. Trên các giàn đụng đặt khoảng 14 đến 15 cái Đại Hỏa Sơn. Từ đỉnh các Cổ Đụng có nhiều mảnh vải được kéo từ trên cao xuống các chậu nước và thắp nến nhằm mục đích để các “cô hồn” tắm rửa sạch sẽ trước khi lên giàn Đụng. Các vị sư quỳ đọc “điệp cấp”, để cầu xin Diêm Vương cho rước các linh hồn về hưởng hương quả. Sau khi đọc kinh xong, những đèn lồng được thả lên trời, ý nghĩa của việc phóng đăng này là “kiệu” các linh hồn bơ vơ không nơi hương quả về hưởng thực.

Đến khoảng 4 giờ chiều, tiến hành lễ động đàn, tức là lập đàn chẩn tế. Trong thời gian này, những người trong ban tổ chức lễ Xô Đụng được phân công lên giữ các Cổ Đụng và đốt giấy tiền vàng bạc. Sau đó, kết thúc nghi lễ.

Phần được nhiều người mong đợi nhất trong lễ này là nghi thức đón Cổ Đụng. Suốt thời gian diễn ra lễ, người dân trên đảo tập trung đông để cùng nguyện hương, xin lộc và cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Khi kết thúc phần lễ, những cái Đụng được xô xuống để mọi người cùng hưởng, thể hiện sự chia sẻ giữa người sống và người chết; giữa người giàu và người nghèo. Người tham gia cũng tranh nhau “chiếc lưỡi dài” của Tiêu Diện Đại Sĩ, vì cho rằng nó trừ được tà ma. Các chủ ghe cố giữ cho được “lá cờ” treo trên đỉnh các Đại Hỏa Sơn để về treo trước mũi ghe nhằm cầu mong sự may nắm cho cả năm.

Lễ Cổ Đụng nằm trong đời sống tâm linh của người dân trên đảo, bởi quan điểm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đã ăn sâu trong suy nghĩ của người dân đi biển với nhiều bất trắc xảy ra. Họ nguyện, cầu và mong muốn sự bình an. Lễ Cổ Đụng chính là dịp để họ thể hiện mong muốn đó và cũng là dịp để họ trả ơn cho Âm linh–Cô bác mà họ đã tin tưởng./.

 

Nguồn: http://chuaxaloi.vn/thong-tin/le-hoi-co-dung-net-van-hoa-rieng-cua-dao-phu-quoc/1113.html

Thông tin truy cập

60514033
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5544
12997
60514033

Thành viên trực tuyến

Đang có 183 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website