Một câu chuyện gia đình từ những cuốn sách

Tôi có một người cô họ làm giáo viên tiểu học ở thị xã Quảng Ngãi trước năm 1975. Chồng cô là cán bộ chính trị thời chống Pháp, đi tập kết ra miền Bắc khi con gái đầu lòng của họ chưa giáp thôi nôi. Hai mươi năm xa cách, cô tôi một dạ thủy chung chờ chồng, nuôi con bằng đồng lương nhà giáo.

Nhà tôi ở trong quê, cách nhà cô hơn 20 cây số, nhưng hoàn cảnh hai gia đình giống nhau nên vẫn thường đi lại thăm viếng, sẻ chia. Con gái cô lớn hơn tôi một tuổi, chị học trường tỉnh, tôi học trường quận, nhưng là bạn bè từ thời thơ ấu. Khi lên cấp 3, tôi ra học ở thị xã, thì hai chị em càng có nhiều dịp gặp nhau, trở nên thân thiết.

Là nhà giáo, cô tôi dạy con rất kỹ. Từ bậc tiểu học, chị đã được mẹ chọn sách để đọc, lên trung học thì được hướng dẫn mua sách hay, cách đọc sách, ghi chép vào sổ tay. Tủ sách nhà cô được sắp xếp ngăn nắp, theo từng đề mục, những cuốn sách quý được bọc giấy nhựa cẩn thận. Có lẽ tôi là đứa cháu duy nhất được cô cho mượn sách đem về nhà trọ; để đáp lại lòng tin của cô, bao giờ tôi cũng giữ sách nguyên lành và trả sách đúng hẹn.

Hàng tháng cô trích ra một khoản tiền nhỏ cho con mua sách. Ngày Chủ nhật, hai chị em tôi thường rủ nhau vào mấy hiệu sách quen thuộc nằm dọc đường Quang Trung: Tinh Hoa, Thanh Tịnh và Đồi Non - Hoa Sen. Ở tỉnh lẻ, nhưng các hiệu sách này vẫn nhập về nhiều danh tác văn chương mà học trò cấp ba thời đó đã yêu thích. Sở thích đọc sách của chị và tôi khác nhau: tôi thích truyện về chiến tranh, đời sống xã hội; còn chị thích những tên sách nhẹ nhàng, đầy chất thơ. Có lần thấy chị mua mấy cuốn Chiều xuống êm đềm, Tiếng chim vườn cũ, Niềm im lặng của biển cả; tôi trêu chị: “Chắc chị mua mấy cuốn này để nhớ buổi chiều ngồi trên đồi cỏ Thiên Ấn với bạn trai, vừa nghe tiếng chim hót, vừa nhìn xuống dòng sông Trà Khúc đang chảy xuôi ra biển”. Chị đấm nhẹ vào vai tôi: “Em chỉ giỏi suy diễn, em cầm mấy cuốn này về đọc rồi sẽ hiểu”. Một kinh nghiệm mà từ đó tôi rút ra: nếu mang định kiến, thì người ta chỉ nhìn thấy bề ngoài của sự vật và dễ hiểu sai về nó.

Ngày hòa bình, dượng tôi từ miền Bắc trở về, cô nghẹn ngào đón chồng trong niềm vui đoàn tụ. Hai người tóc vẫn chưa có sợi bạc, cuộc đời hứa hẹn những trang mới đầy hạnh phúc. Nhưng chỉ sau vài ngày vui đầu tiên, khoảng cách dần hiện ra. Chị tôi kể lại: một buổi sáng vừa thức dậy, chị thấy mắt mẹ đỏ hoe, gặng hỏi mãi mới biết đêm qua dượng đã nói thật với cô rằng, những tưởng chiến tranh còn lâu mới kết thúc, lại mất liên lạc không nhận được tin tức gia đình, dượng đã cưới một người vợ mới và có thêm một đứa con gái.

Không khí căng thẳng trong gia đình không dừng lại ở đó. Những ngày tiếp theo, dượng tìm hiểu cuộc sống của vợ con, tỏ ý không bằng lòng khi chị theo học sư phạm văn. Dượng bảo văn học trong này chủ yếu là tiêu cực. Mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh cao khi dượng kiểm tra tủ sách trong nhà và bảo cô nên giao nộp hết sách văn học cho đội bài trừ văn hóa phẩm thực dân mới. Cô tôi hiền hòa, chẳng bao giờ cãi lại ai, nhưng lần này cô không nhịn được, bảo với dượng: “Anh coi kỹ trong này có sách nào là phản động, đồi trụy đâu!”. Dượng cũng không vừa, ra phòng văn hóa thông tin cầm về đưa cho cô xem bản danh sách các tác giả có sách bị cấm lưu hành, trong đó có những cái tên xuất hiện trong tủ sách ở nhà. Chính quyền địa phương lâu nay vẫn nể trọng cô giáo mẫu mực, lại là gia đình cách mạng, không làm gì tổn thương đến cô. Nhưng theo ý kiến dứt khoát của dượng, họ đã đến tịch thu gần hết tủ sách mà hai mẹ con cô dành dụm tích lũy bấy lâu nay.

Hôm tôi đến thăm, cô buồn rầu tâm sự: “Cháu thấy đó, bao năm qua mẹ con cô đọc những sách này, cô vẫn liên lạc và tiếp tế thường xuyên cho cách mạng, con cô ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Vậy mà dượng bảo nhà này dung chứa sách xấu. Sao nhìn ở đâu dượng cũng thấy toàn nọc độc!”. Tôi an ủi cô và tìm cách giảng hòa: “Thật ra thì xứ nào, thời nào cũng có sách hay chen lẫn sách dở, sách tốt chen lẫn sách không tốt. Chỉ đáng trách là dượng cháu chưa đọc tủ sách của cô mà đã vội vơ đũa cả nắm và quy kết!”. 

Thấy không khí gia đình nặng nề, dượng ở chơi mươi ngày rồi trở ra Hà Nội với vợ con ngoài đó. Những năm xa chồng, cô tôi buồn nhưng vẫn lạc quan, hy vọng: hồi trước mỗi khi đến nhà, tôi vẫn nghe cô hát một mình trong bếp. Nhưng từ sau lần gặp lại chồng, thì cô tắt luôn tiếng hát.

May sao, cuộc đời vẫn có những đền bù cho người bị thiệt thòi. Sau lần đó, dượng không về thăm cô nữa, chỉ cho đứa con gái của người vợ sau về Quảng Ngãi để biết quê cha. Kỳ diệu sao, hai chị em cùng cha khác mẹ lại yêu quý nhau ngay từ lần gặp đầu tiên. Và cái gạch nối hai người là tủ sách còn giữ được ít ỏi những cuốn truyện thiếu nhi. Khi chia tay, em xin chị mấy cuốn đem về Hà Nội, chị ngần ngại, nhưng vẫn trao cho em và dặn em đừng cho cha biết.

Chị tôi ra trường, nối nghiệp cô, xin về dạy trung học ở gần nhà để tiện bề chăm sóc mẹ. Chồng chị người trong này, là kỹ sư điện tử, thuộc “trường phái những nhà vật lý” nhưng lại cảm thông với vợ là cô giáo dạy văn thuộc “trường phái những nhà trữ tình”. Để làm vui lòng mẹ và chuẩn bị cho các con, anh chị gầy dựng lại tủ sách trống trải từ mùa hè năm ấy. 

Tuổi già, mắt kém, cô tôi không đọc sách nhiều như xưa nữa. Năm năm trước cô ra đi trong vòng tay con cháu, chị tôi lập bàn thờ cô ngay cạnh tủ sách trong nhà. Mới đây, nhân chị vào Sài Gòn thăm con, tôi đưa chị đi dạo Đường sách Nguyễn Văn Bình. Chị thích lắm, cứ cầm lên đặt xuống hết cuốn này đến cuốn kia. Hai chị em vào hiệu sách cũ, chị ngạc nhiên khi thấy nhiều tên sách mà ngày xưa nhà chị phải giao nộp giờ cũng bán ở đây, giá cao ngất trời, có cuốn gần bằng nửa tháng lương hưu của chị. Cầm tập thơ mỏng của một nhà thơ mà chị yêu thích, lật xem giá tiền phía sau, thấy con số một triệu đồng, chị nhìn tôi, le lưỡi. Chợt nhớ hơn 40 năm trước, chị cũng le lưỡi khi nghe cha thuyết giảng cho mẹ con chị về tác hại của nọc độc… 

Trên đường về, chị hỏi tôi: “Những cuốn sách trước 1975 nay có được phép tái bản không em?”. Tôi trả lời: “Có chứ chị, nhưng chỉ một số ít thôi, có trường hợp bị đổi tên sách hay tên người viết, người dịch”. Trước ngày đưa chị lên tàu về quê, tôi kịp tìm mua tặng chị mấy cuốn sách được tái bản: Dạ khúc chim, Quê hương tan rã, Chiếc cầu trên sông Drina...; thêm những cuốn trong tủ sách Tuổi Hoa do Nhà sách Đức Mẹ in lại, gởi cho các cháu. Chị vui lắm, nói nhỏ với tôi: “Ước gì những cuốn sách đừng làm chia rẽ các cháu nữa, em nhỉ”.

Huỳnh Như Phương

 Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/nghe-xem-doc/8025/mot-cau-chuyen-gia-dinh-tu-nhung-cuon-sach.ndt

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60532722
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14215
10018
60532722

Thành viên trực tuyến

Đang có 294 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website