Tạp chí Trình bầy: cái chết báo trước của một tiếng nói phản kháng

Cùng với Hành trình, Đất nước, Đối diện... tạp chí Trình bầy như mảnh gương soi rọi tiếng nói phản kháng trong sinh hoạt tinh thần giai đoạn 1954 - 1975 tại miền Nam.

Trình bầy là bán nguyệt san văn hóa chính trị xã hội ra ngày 1 và 15 mỗi tháng (đôi khi xê dịch chút ít). Số 1 ra mắt ngày 1.8.1970, số đình bản 42 ra ngày 2.9.1972. Chủ nhiệm kiêm chủ bút: Thế Nguyên Trần Gia Thoại. Tổng thư ký: Diễm Châu. Quản lý: Tăng Hoàng Xinh. Ban biên tập gồm Lý Chánh Trung, Thanh Lãng, Đỗ Long Vân, Phạm Cao Dương, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Tuấn Nhậm, Diễm Châu, Nguyễn Quốc Thái, Tôn Thất Lập, Thế Nguyên, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng, Nguyễn Nguyên, Trần Đỗ Dũng, Hoàng Ngọc Nguyên, Du Tử Lê, Cao Thanh Tùng, Thuận Giao.

Báo quán và nhà in đặt tại 291 Lý Thái Tổ Sài Gòn. Tờ báo quy tụ nhiều cây bút đến từ nhiều chân trời, khuynh tả như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Ngọc Biên..., thiên cộng như Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Tôn Thất Lập... và có cả cán bộ hoạt động nội tuyến như Nguyễn Nguyên Nguyễn Ngọc Lương - từng giữ chức chủ sự phòng Kiến thức Phổ thông Đài Phát thanh Sài Gòn nhưng lại từng chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Tin văn (1966 - 1967), cơ quan ngôn luận công khai và hợp pháp do Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trực tiếp chỉ đạo.

Ê kíp Trình bầy còn chủ trương tờ Làm dân (nhật báo tranh đấu cho công bằng xã hội, là tiếng nói chống áp bức tại miền Nam Việt Nam) nhằm “cung cấp đầy đủ những tin tức và làm sáng tỏ những sự thật đã bị cái hệ thống chiến tranh lạnh xuyên tạc”.

Trình bầy Xuân Tân Hợi 1971 (số 12 - 13) và Xuân Nhâm Tý 1972 (36 - 37)

Trình bầy ngang nhiên tuyên chiến với nhà cầm quyền. Dồn dập những bài viết ”đảo thiên nghịch địa” trên số 28 (21.9.1971) là bằng chứng. Một, tuyên cáo kêu gọi hủy bỏ cuộc bầu bán tổng thống (3.10.1971). Hai, lên án máy bay Mỹ oanh tạc Bắc Việt. Ba, cho chạy bản dịch bài hát Những chủ nhân ông của chiến tranh của nhạc sĩ phản chiến Bob Dylan (Nguyễn Đăng Thường dịch)...

Và không chỉ một lần, chủ nhiệm kiêm chủ nhiệm Thế Nguyên bị Tòa Sơ thẩm Tiểu hình Sài Gòn tuyên phạt 120.000 đồng vạ treo và bồi thường cho Bộ Nội vụ một đồng danh dự (phiên xử ngày 11.6.1971).

Chiếm lĩnh trên mặt báo là thông điệp về hòa bình và chiến tranh, độc lập và tự do, cách mạng và dân chủ... Khi thì tùy bút Ngày tự do hòa bình đang tới của Trùng Hư/Huỳnh Như Phương (số 26, 18.8.1971) hay truyện ngắn Những ô lưới sắt của Nguyễn Sa Mạc/Nguyễn Hoàng Thu (số 30, 22.10.1971). Khi thì Đói gạo, no bom: Những ngày buồn của mùa thu chết của Trần Trọng Phủ/Thế Nguyên (số 33, 7.12.1971) hay truyện ngắn Mặt trận ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh (số 34, 18.12.1971). Và thường xuyên bị cáo buộc tội trạng “phương hại đến trật tự công cọng, an ninh quốc gia” hay ”đề cao đối phương, xâm phạm tình thân thiện, hợp tác với đồng minh” thì cũng phải thôi.

Mà cũng lạ, cảm hứng tụng ca vẻ bi tráng và oai hùng phía bên kia, Hà Nội ăn bao nhiêu bom rồi/Sơn Tây ôm ngực rách tả tơi (...) Hà Nội ngoan cường Hà Nội ơi/Hồng hà trôi cát mãi chưa nguôi. Mà cũng kỳ, âm điệu hững hờ nhuộm màu tang tóc phía bên này Sài Gòn cúi xuống bên xác chết/Một phút rồi thôi – quên rất nhanh (Mường Mán, số 14, 15.2.1971). Tất cả nằm ngay trên tờ báo giữa Sài đô chứ không phải ở R hẻo lánh hay ngoài Hà thành xa xôi.

Còn đây, thi sĩ tình yêu Nguyên Sa nghiêng xuống thao thức trong khói lửa điêu tàn, sự sống hốc hác giữa cái chết: “(...) bài dài này quấn vội chiếc khăn tang cùng kích thước lên đầu người quả phụ, bài ngắn kia gồm tổng số chữ trên một tấm bia, cơn phẫn nộ ở dòng trên là phẫn nộ của hàng triệu người, nỗi buồn bã dưới chữ kia là nỗi ngậm ngùi ngủ cũng không hết, chết cũng không quên (...)” (Bài tựa cho tập thơ bị kiểm duyệt, Xuân Tân Hợi, số 12 - 13). Bộ Thông tin “không cho in trên nền long ly quy phượng” thì Trình bầy nhân danh “quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản” được ghi nhận long trọng trong Hiến pháp 1967 mà quay ronéo 200 bản Những năm sáu mươi (1971) này để gởi tặng thân hữu trong giới văn nghệ “nhờ giữ hộ”.

Bìa lưng Trình bầy số 24 (20.7.1971) và 35 (15.1.1972) giới thiệu Làm dân

Luật 019/69 (30.12.1969) về quy chế báo chí phản chiếu một ít biến động đời sống, biến đổi chính trị ngày ấy. Nhờ (hay là vì) quy chế này mà tự do ngôn luận sáng sủa hơn (hay tối tăm hơn)? Một đằng, nhờ vậy mà bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và chỉ giới chức có thẩm quyền mới ký lệnh tịch thu, chỉ có cơ quan tư pháp mới ra lệnh đóng cửa tòa báo. Một đằng, vì vậy mà làng báo đối diện với nạn tịch thu, gây thiệt hại tài chính, đe dọa sự sống còn của tờ báo, đi đến phá sản. Lằn ranh nghiệt ngã thật khó phân định. Ngó trước nhìn sau, dẫu sao quy chế ấy cũng tạo không gian pháp lý mà báo giới và dư luận tận dụng để lên tiếng đối thoại và phản biện chính sách đường lối của nhà cầm quyền.

Trong khảo luận Nạn tịch thu báo tại Việt Nam (Ban Báo chí, Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1972), Trịnh Văn Thi tổng kê được những con số giật mình. Năm 1971, liên miên đến 1.175 vụ tịch thu, có thời điểm trên dưới 10 tờ một ngày. Riêng nhật báo Tin sáng của dân biểu Ngô Công Đức đến 154 lần, có lúc đạt kỷ lục rung rinh làng báo: 37 số liên tiếp. Và nó dồn dập quanh mùa bầu cử tổng thống (10.1971), chẳng hạn, tất cả các số Điện tín phát hành tháng 12.1971 đều bị chiếu cố tận tình.

Với Trình bầy, 21 số đầu tiên có đến bốn số không đến tay quý độc giả (2, 4, 17 và 21). Mười số mở màn năm thứ hai thì chỉ ba được yên ổn (số 25, 31, 32) còn lại đều được chính quyền khai tử. Và loạt cuối cùng số 34, 36 - 37, 38, 41... cũng vậy. Một cái chết được báo trước. Thêm nữa. Sắc luật 007/TT/SLU (4.8.1972) buộc tờ báo phải ký quỹ tại Tổng nha Ngân khố một số tiền khá lớn, nếu không sẽ bị rút giấy phép. Và Trình bầy tự đình bản ở số 42.

Bóng dáng Trình bầy chùng lại ý niệm tự do ngôn luận, luôn là khắc khoải của đa số kẻ cầm bút. Có phải đó là nguyên tắc cơ bản mà học giả Nguyễn Hiến Lê dự cảm trong Hồi ký (1993): “Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải nghề tự do thì không thể gọi là một xã hội tự do được”?

Trần Trọng Cát Tường

Nguồn: http://www.nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/8898/tap-chi-trinh-bay-cai-chet-bao-truoc-cua-mot-tieng-noi-phan-khang.ndt

Thông tin truy cập

63706545
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4639
22198
63706545

Thành viên trực tuyến

Đang có 461 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website