Lệ thưởng đào của làng Đông Ngạc và các bài văn thưởng đào

20170924 Dong Ngac
Ảnh: Đình Vẽ - làng cổ Đông Ngạc
 
Đông Ngạc - tên nôm là Kẻ Vẽ là một ngôi làng cổ nằm ven sông Nhị. Nơi đây có bến Ngác và chợ Vẽ nổi tiếng trong lịch sử . Vào cái thuở đường thủy là huyết mạch giao thông, bến Ngác khi ấy là một nơi trên bến dưới thuyền và chợ Vẽ là một "trung tâm thương mại". "Nhất cận thị, nhị cận giang", Đông Ngạc đã hội được cả hai yếu tố để trở thành một làng giàu mạnh về kinh tế. Với một nền kinh tế mạnh và lại có vị trí gần sát kinh thành Thăng Long nên người Đông Ngạc rất thuận tiện khi ra kinh đô ăn học và rước thầy giỏi từ kinh đô về dạy trong làng. Bởi vậy trong nhiều thế kỷ, Đông Ngạc đã đóng góp cho đất nước 25 vị tiến sĩ và cả ngàn hương cống, sinh đồ, cử nhân, tú tài... "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ". Người Đông Ngạc làm quan khắp nơi và không thời nào không có các vị triều quan về làng đóng góp tiền của và trí tuệ để xây dựng quê hương. Nhờ có lực lượng quan viên trí thức đông đảo như vậy nên Đông Ngạc - qua nhiều thế kỷ - nổi tiếng là một làng văn hiến, là làng "mỹ tục khả phong".
Quả thật trong quá trình tìm hiểu tục lệ Đông Ngạc, chúng tôi nhận thấy lệ làng và các nghi lễ nơi đây đã được quan viên hương lão trong làng quy định hết sức nghiêm ngặt, sang trọng và khá văn minh. Đặc biệt, nghi lễ tế thần nhân dịp làng vào đám có thể xem như một điển hình về phong tục tế lễ của các làng Việt cổ truyền ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Song việc trình bày, giới thiệu về tục lệ và chi tiết lễ hội của Đông Ngạc là một đề tài lớn, chúng tôi xin được trình làng dưới dạng một cuốn sách, còn ở đây, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, chúng tôi chỉ giới thiệu về lễ Thị yến thưởng đào.
Thông thường đa số các làng quê của Bắc Bộ Việt Nam mở hội làng, hay còn gọi là "vào đám" lúc đầu xuân khoảng kỳ tháng Hai, Đông Ngạc cũng vậy. Hội làng Đông Ngạc bắt đầu từ mồng 9 tháng Hai và kéo đến 14 thì tế "giã đám". Trong những ngày này làng tổ chức rước tế thành hoàng làng, vui chơi, chèo hát suốt đêm ngày và có mời nhà trò hát thờ thần (tức hát cửa đình). Sách Đông Ngạc xã tụclệ(1) cho biết hết sức chi tiết các nghi lễ trong những ngày này. Về lễ Thị yến thưởng đào chúng tôi xin được tóm lược như sau: "Từ ngày 11 đến ngày kết thúc, ba hàng làng(2) và tám giáp(3) cùng thị yến(4). Cỗ yến ở đây do tám giáp đệ đến. Cỗ được bọc giấy hồng điều, dán trang kim chữ "Thọ" và đậy lồng bàn. Sau khi viên chấp sự gõ 1 hồi tang trống và đánh 4 tiếng trống, các viên trung nam đến mở lồng bàn, đốt hương rồi các cô đào đọc thơ chúc rượu. Nhạc công nổi nhạc, các cô đào đến múa, hát mừng. Lần lượt các quan viên ở ba hàng làng ban phiếu thưởng cho cô đào. Sau khi ba hàng làng thưởng xong, tám giáp căn cứ theo phiếu thưởng của ba hàng làng, lần lượt bốn giáp nhất đứng dậy gọi đào, đọc bài tán văn rồi thưởng cho cô đào. Bốn giáp nhất thưởng xong, viên chấp sự lại nổi 1 hồi tang trống và đánh 4 tiếng trống, bốn giáp thì lại lần lượt đứng lên tiếp tục gọi đào, đọc tán văn và trao thưởng. Việc thưởng đào trong lễ này được Dĩ thủy Phạm Văn Thuyết, tác giả sách Đông Ngạc tập biên và là người làng Đông Ngạc - một nhân chứng của lễ hội ở Đông Ngạc vào trước năm 1945 cho biết chi tiết hơn, chúng tôi xin được trích nguyên văn: "Sau khi ba hàng làng thưởng xong thì đến tám giáp. Mỗi giáp phải làm 1 bài chúc mừng dân, dài độ mười câu, khi gọi đầu thì đọc. Vị cầm chịch đánh 3 tiếng đại cổ thì giáp Đông nhất gọi "ớ đầu". Cô đầu "dạ", đến hát mừng, xong giáp ấy đọc bài chúc dân. Đọc 2 câu 1 lần dằn, nghĩa là cứ đến 2 chữ cuối câu thứ 2 thì phải dằn to lên và vị cầm chịch điểm theo một tiếng trống rồi lại gọi "ớ đầu". Cứ theo thế cho đến hết bài. Đến tiếng trống điểm câu cuối cùng phải gọi "ớ đầu thưởng" rồi thưởng cho cô đầu. Sau đó vị cầm chịch đánh vào tang trống một tiếng, viên vừa đọc hết bài đó "dạ" rồi đi đến chỗ vị cầm chịch lĩnh thưởng. Việc thưởng này tùy theo mỗi giáp đọc bài chúc hay hay không hay, và khi đọc có nhầm lẫn không, để liệu mà ban thưởng cho giáp ấy. Bài chúc phải đưa nộp trước, khi đọc phải đứng và mặc áo thụng. Người đọc phải học thuộc lòng"(1).
Trên đây chúng tôi vừa trình bày trình tự lệ ban thưởng cho cô đào ở Đông Ngạc, theo đó có thể thấy trong lệ này, khi thưởng cho cô đào, mỗi giáp phải đọc một bài tán văn (hoặc bài chúc) và việc đọc này được quy định rõ ràng về nội dung bài văn, cách đọc, nhận thưởng... Vậy bài tán này ra sao? Sách Đông Ngạc tập biên(1) có giới thiệu 2 bài, chúng tôi xin được dẫn ra đây một bài:
                     Ngày xuân mở hội thanh bình
              Đồng dân cầu phúc linh đình "vui thay"
                     Tiệc thần chèo hát đêm ngày
              Thập hàng thị yến vui vầy "xiết bao"
                     Bình văn điệu giọng thấp cao
              Trống chiêng cầm chịch điểm vào "thấy vang"
                     Ngác nhì mừng chúc dân làng
              Sĩ thời hiển đạt phẩm hàm "vinh thăng"
                     Nông thời hòa cốc phong đăng
              Công thương phát đạt mọi đằng "giàu sang"
                     Trẻ già trai gái trong làng
              Bình yên vui vẻ thọ khang "đời đời"
                     Thưởng đào một đóa hoa tươi
              Đào dâng ngũ phúc có lời "mừng dân"(2)
Trong quá trình nghiên cứu về tục lệ Đông Ngạc, xung quanh vấn đề tế lễ, chúng tôi thu thập được khá nhiều tư liệu, trong đó có những bài thơ tương tự bài vừa dẫn ra ở trên. Đó là 9 bài trong Đông Ngạc sự thần ca xướng thưởng đào nương văn và 9 bài trong Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao (nhân nói đến 9 bài của Lê Đức Mao, chúng tôi xin được cảm ơn anh Nguyễn Xuân Diện đã chỉ cho chúng tôi biết tư liệu này). Như vậy, phải chăng 9 bài ở Đông Ngạc sự thần ca xướng thưởng đào nương văn và 9 bài ởĐại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao đều là các bài tán văn để các giáp đọc khi thưởng đào theo như lệ định vừa trình bày ở trên?
So sánh 18 bài này với hai bài được giới thiệu trong Đông Ngạc tập biên chúng tôi nhận thấy:
1. Về nội dung: chúng tương tự nhau ở chỗ đều ca ngợi và chúc phúc làng Đông Ngạc.
2. Gần như ở bài nào cuối cùng cũng kết thúc bằng câu có 2 chữ "thưởng đào", như "thưởng đào một giải mừng làng" hay "thưởng đào hai chữ phụ khang mừng làng"...
Còn một điều nữa là, ngay tên gọi Sự thần ca xướng thưởng đào nương văn có thể dịch là "Bài văn thưởng đào nương hát thờ thần". Và Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn có thể dịch là “Nghĩ hộ tám giáp bài văn thưởng giải ả đào". Điều này cộng với những điều vừa nói trên có thể cho phép chúng ta khẳng định đây là các bài tán văn mà các giáp phải làm để đọc khi thưởng đào theo lệ định của làng Đông Ngạc. Có lẽ chính vì vậy mà Lê Đức Mao mới phải "nghĩ hộ".
Về 9 bài của Lê Đức Mao, GS Hoàng Xuân Hãn khi trích 3 bài đưa vào sách Thi văn Việt Nam đã cho rằng đây là các bài hát ả đào. Ông viết: "Bài hát này làm khi ông (tức Lê Đức Mao - TKA chú) còn ở Đông Ngạc. Nghĩa là trước năm 1504. Mục đích là để cho ả đào hát (chúng tôi nhấn mạnh) chúc làng vào ngày hội xuân lập ra vào tháng Hai để tế thần cầu phúc"(1). Và ông gọi đây là "lối văn hát (chúng tôi nhấn mạnh) bằng thể thất lục bát"(2). Nhận định này của Hoàng Xuân Hãn về sau được các nhà nghiên cứu văn học dẫn lại và nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu nghiễm nhiên coi những bài này là các bài hát ả đào. Ngay gần đây nhất, trong một bài viết về đề tài hát nói, tác giả Nguyễn Đức Mậu đã viết: "Nếu điệu hà nam thời Hồng Đức giống điệu hà nam sau này thì hát nói đã hoàn chỉnh thể loại của nó trước hoặc cùng thời với mấy bài hát của Lê Đức Mao" (chúng tôi nhấn mạnh)(3).
Như vậy trong suốt một thời gian dài đến nửa thế kỷ, giới nghiên cứu vẫn coi đây gần như là những bài hát ả đào cổ nhất. Vậy nay, với những thông tin chúng tôi đưa ra, nên chăng cần xem xét lại?
(Tạp chí Hán nôm, số 2 (39) 1999)
Nguồn: Ca trù nhìn từ nhiều phía- Nguyễn Đức Mậu biên soạn, giới thiệu, Nxb Văn hóa thông tin, H.2003

 


(*) Trần Thị Kim Anh (sinh 1954) quê Đà Nẵng. Công tác tại Viện Hán Nôm (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia). Dịch: Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ, Tuyển tập thơ văn.

(1) Đông Ngạc xã tục l: Chữ Hán, Thư viện Viện Hán Nôm, Ký hiệu A.732.

(2) Ba hàng làng: Tầng lớp bậc trên trong làng, gồm quan viên, hương viên và hương lão.

(3) Tám giáp: Đông Ngạc chia thành tám giáp. Trong tám giáp lại chia thành Tứnhất và Tứ nhì. Tứ nhất gồm Đông nhất, Ngác nhất, Vẽ nhất, Đoài nhất. Tứ nhì gồm Đông nhì, Ngác nhì, Vẽ nhì và Đoài nhì.

(4) Thị yến: Trong lễ này, hàng làng chỉ xơi tửu lạc chứ không ăn cỗ (cỗ sau đó được chia phần) nên gọi là "Thị yến".

(1) Phạm Văn ThuyếtĐông Ngạc tập biên. Tác giả xuất bản. Sài Gòn, 1963, tr. 192 - 193.

(1) Đông Ngạc tập biên, Sđd, tr. 193.

(2) Tác giả để các chữ cuối câu trong ngoặc kép ý nhắc các chữ này phải đọc dằn theo như lệ định.

(1) (2) Hoàng Xuân Hãn: Thi văn Việt Nam. Nxb. Sông Nhị, H, 1951, tr. 51.

(3) Nguyễn Đức Mậu: Hát nói - Từ điệu thức ca trù đến thể loại văn họcTạp chí Văn học,  số 11/1998 tr.50-59.

Thông tin truy cập

63670374
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14092
17595
63670374

Thành viên trực tuyến

Đang có 681 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website