Ảnh: Thái Kim Lan
“Tết” đối với tôi hồi trẻ thơ hình như luôn gắn liền với chữ “mới”. “Năm mới”, như bà tôi thường bảo khi tháng chạp đã nghiêng, ánh nắng pha màu trăng lấp ló bên kia sông, kéo lên đỉnh núi Kim Phụng từ đồi Hà Khê. Ấy là lúc nắng “mới” lên, sau mấy tháng mưa dầm lê thê. Một buổi sớm mai còn ngái ngủ trong mùng, nghe bà nói vọng sang bên gian chái phía tây, dặn dò mấy bác sửa soạn lá dong, lá chuối, đong nếp, chuẩn bị mứt món đón Tết, mừng năm mới.
Có lẽ đối với người lớn, “mới” mang ý niệm thời gian như dòng sông Hương đang chảy ngoài kia, mải miết sóng dồn sóng triền miên – năm cũ bước sang năm mới, – có một biến chuyển sắp xảy ra, một bước nhảy thể tính, thay đổi đời người, thay đổi vận mệnh trong hướng lạc quan, hy vọng. Tiễn đưa năm cũ để đón năm mới đối với người lớn là một lễ nghi mang nhiều bí nhiệm, liên quan đến trời đất cỏ cây con người…
Còn đối với tôi ngày ấy, hình như cái gì vui, cái chi ngon, cái chi hay đều gắn liền với mới, với Tết như áo mới, quần mới, trò chơi mới, tiền lì xì mới. Thuở ấy không như bây giờ sắm sanh phung phí, bừa bãi theo quảng cáo thời thượng, gia cảnh dù giàu sang nhưng đều có định kỳ mua sắm cho các phần tử trong gia đình, ăn mặc thứ tự lớp lang, đứa nhỏ tuổi hơn mặc áo của các anh chị để lại, cho đến ngày Tết… Cho nên từ khi tiếng của bà phát âm chậm rãi chữ “năm mới” vọng lên trong căn nhà, có một nỗi mừng khấp khởi làm nao lòng, và chờ đợi dấy lên từ lúc não nao… Đợi đến năm mới… nghe sao nó lâu hơn cả thế kỷ… trong trái tim non… Bao nhiêu giấc mơ quấn tròn theo chữ mới ấy nhỉ?… Mà phải đợi… ôi lâu! Dạo ấy đời sống còn đơn sơ, mơ ước cũng thật giản dị vô cùng, một đồng xu mới, một con tu huýt đất sét mới nặn, một đôi guốc mộc còn thơm mùi gỗ mới, áo mới, quần mới… Những điều chưa có đều được mắc vào cành cây mùa xuân… với nỗi ngóng mong…
Cho đến sáng mồng một Tết, khi được mẹ mặc cho áo mới, quần mới, tôi mới biết mùi “mới” lạ thế nào, đó là mùi vải quyến còn thơm sợi vải bông gòn ngai ngái mà nếu không vì… năm mới… thì tôi đã giãy nãy không chịu mặc vào, trẻ nít thường ưa áo cũ, vì ghiền hơi áo quen thuộc ngọt ngào, nhưng cũng chỉ vì hai chữ năm mới, thấy mình như người lớn mà lau chau đòi mặc. Khi mặc vào thì thấy người mình cứng đơ như con nộm giấy biết đi. Cái áo hắn mới chi mà lạ!
Khi nút áo cuối cùng được gài xong thì đã thấy các anh chị con bác con cô suýt soát tuổi xúng xính ngoài hiên, bộ dạng khác với thường ngày, tay chân lúng ta lúng túng, đi chập chững từng bước một, nhưng mặt ai cũng hí hửng nghênh nghênh, bộ tịch ngượng nghịu buồn cười… trong bộ cánh mới tinh…”
Chén trà sớm của tôi hôm nay đã nguội trong tay, mà tôi còn lan man… lẩm cà lẩm cẩm với cũ mới mô tê… như nói mớ trong mê, nếu không có tiếng rơi trịch của đóa hải đường trên sân đất và nắng sớm len qua buồng hoa cau mới trổ, khẽ rớt lên thềm, làm chói mắt. Mới biết tôi đang ngồi đây, trên nền cũ ngôi nhà xưa ấy, như mỗi lần trở về, uống chén trà hoa mộc với cảm giác mình có thể ngồi mãi nơi đây, cả tháng liền năm, hương trà nhấp đượm một thứ hạnh phúc đến từ cội rễ ngàn xưa… rót lại ngàn sau.
Để xin lỗi cho chén trà muộn này,- và những câu cà kê,- trăm dâu chỉ một tội này mà thôi, xin đổ lỗi này cho… màu nắng ấy! Nắng mới! Mà hình như chỉ có ở Huế mới có thứ nắng này, lạ lẫm như chưa bao giờ thấy, như hư như thực có thể xui mơ giữa ban ngày. Chén trà của tôi rung động trong nắng thấp thoáng gần xa. Màu nắng mới đang mông lung choàng lên buồng hoa cau, rải trên lá nhãn lá vải lấp lánh màu sáng tựa ánh trăng, mơ hồ trên dòng nước huyễn hoặc khói sương sau hơn chín mươi ngày trót mưa. Ai trải qua ba tháng mưa dầm ở Huế, mưa và mưa như không thể dứt, sợi liền sợi, giọt nối giọt, khi ồ ạt khi thánh thót, khi nhẹ như tiếng ru, khi não nuột những thở dài, khi tấm tức nghẹn ngào, khi ủ dột u sầu, mờ mịt tối tăm luôn cả tâm hồn, nhão nhẹt cả tứ chi, mới biết nắng về như một ân huệ hồi sinh. Khi mặt trời vừa vén mây thả lơ lửng vài sợi nắng trên con sông bao phen chìm lỉm trong mưa, chậm rãi nâng núi vươn cao trong một thứ ánh sáng hầu như không thật… khu vườn với cây lá bỗng hiện ra ảo mộng như trong cổ tích. Cổ tích mà có thật trên thế gian. Bởi ánh nắng ấy chỉ ban ơn cho những ngày xuân ở Huế. Cho nên tôi thường gọi nó là nắng Tết. Cho nên khi nắng hé lên tỏa khắp không gian, ta có thể kêu lên “nắng như Tết … Tết đã về ngoài ngõ… ”
Thì kia, trên thềm nhà, nắng rỡ ràng đang xoa tóc lũ trẻ chúng tôi mười mấy đứa từ 7 cho đến 10 tuổi, đang áo mới nửa xun xoe nửa ngượng ngùng tiến đến gần với nhau, cười lỏn lẻn. Chúng tôi là anh em ruột rà bà con cô bác, dì chú sống chung trong đại gia đình, thường cùng chơi cùng học cùng ăn với nhau, đến nỗi hễ một đứa ốm bệnh là cả lũ ốm theo, – còn nhớ có lần cả lũ trẻ mười mấy đứa nằm la liệt trên ván gỗ rầm hạ của ngôi nhà xưa vì cùng lây ban sởi, mê sảng sốt vùi gọi mớ tên nhau… Đến khi lành bệnh, hễ vui chơi thì cũng òa vào bắt chước nhau mà gọi mà cười reo tở mở, nhất là ngày Tết.
Bàn bài vụ, theo ký ức, do một người bạn Đức vẽ theo lời kể của Thái Kim Lan, năm 1970 |
Như một lễ nghi ngoài nghi lễ, sáng mùng một Tết, sau giờ chúc thọ các ông bà, các bác, các cô, anh chị em chúng tôi kéo nhau ra sân khoe với nhau áo mới, đủ màu hồng vàng xanh đỏ, những vạt áo tay áo sột soạt còn cứng nước hồ. Áo đứa mô cũng đẹp hết! So áo xong rồi chụm đầu lại với nhau mở bao lì xì đếm cho nhau những tờ bạc mới toanh. Bà và mẹ không thiên vị với đứa trẻ nào, 2 tờ bạc mới được đếm lui đếm tới thành… như nhiều hơn! Bạc mới thời ấy thơm ghê! Chả là tôi đã nhiều lần đưa tờ bạc lên mũi hít để nghe rõ mùi nó mới ra làm sao!
Thế rồi cả bọn kéo nhau ra ngoài ngõ, đi xem Tết. Bức tranh tết Huế ngày xưa quả khác với ngày nay. Trên con đường dọc bờ sông Hương, con đường đến chùa Linh Mụ nhẹ hẫng tiếng chuông hành hương ngày mồng một Tết, rải rác những hột nổ xanh đỏ tím vàng của buổi cúng đêm giao thừa nhà nhà đã tung ra theo với lời khấn nguyện “trời quang mây tạnh, phước lộc hằng hà” và xác pháo mừng xuân tưng bừng tô điểm vui mắt người đi… Mà người nào cũng áo mới nón mới khi ra ngoài ngõ, mặt mày vui tươi… bà tôi bảo đầu năm mới, khi mô cũng mỉm cười, không được đưa bộ mặt bí xị làm xui người gặp! Trên đường rộn tiếng chào “thưa ôn năm mới”, “bác năm mới”, “chị năm mới”, “mệ năm mới” giòn giã thân thiện dù lạ dù quen, phong tục làng quê mộc mạc trong ba bữa Tết làm gần như sông với núi.
Dòng sông Hương chung thủy dẫy nước lao xao xanh màu lục thúy, núi Kim Phụng xanh màu xanh da trời bát ngát đằng xa, và nắng đan bóng tre trên con đường đất làm vui chân khách vãng cảnh chùa, những tà áo mới màu sắc muôn vẻ vờn bay trong gió. Nhìn là thấy hân hoan, hớn hở trong lòng, khiến cho cảm thấy bình an dưới thế.
Xa xa dưới chợ Kim Long tiếng trống chầu giòn giã trong gió thoảng của gánh hát bội ngày xuân, tiếng hô bài chòi gióng giả theo sóng nước giạt đến tận Hà Khê…
Cảnh vui Tết ngày xưa cũng khác với cảnh Tết thời nay, rộn ràng mà không hỗn loạn xô bồ. Xế trưa mồng một Tết đã thấy dưới bóng cây đa hay lũy tre những đám đông tụ lại quây quanh những bàn bài vụ, bàn bầu cua cá cọp, bàn nhất lục, thử vận đỏ đen trong những ngày đầu năm. Cảnh tượng thanh bình, hoan lạc mà dung dị, thuần thành. Ngoài đình chợ Kim Long thường có bài chòi, trong gia đình chúng tôi chơi bài tới, đổ xăm hường. Những cuộc chơi thử vận đỏ đen này được cho phép trong ba ngày Tết. Chơi bài ngày Tết không đồi trụy như tứ đổ tường, không khủng hoảng tinh thần như những thứ cá độ, không phá sản như các sòng bạc casino.”
Tẩn mẩn nhớ về những tiếng vui ngày ấy. Chơi đùa cũng là một cách thể hiện tính xã hội của hiện sinh tại thế, nó thuộc tính người, từ lúc trẻ thơ đến khi già cỗi, ai cũng thích chơi. Chơi cũng là một cách xã giao giữa người với người. Ở đây tính xã hội nằm trên bình diện thả lỏng, tự nguyện không ép buộc, trong khuôn khổ đồng thuận “chơi” cùng với nhau, có thể tăng thêm phẩm chất cuộc sống chung thay vì sát phạt, chém nhau. Giải trí cần thiết cho con người, và cách thể hiện giải trí như thế nào bộc lộ phẩm chất văn hóa của con người. Tôi đang triết lý cùn làm chén trà chao bóng nhãn bên hiên, có chi rắc rối mô, chả là bé Janos nhà tôi níu tay bà đòi chơi cả ngày không chán đó kia…
“Cho nên mỗi năm một lần ngày Tết chúng tôi được phép chơi bài, ăn thua với những đồng tiền mới, gia tài “kếch sù” gồm mấy đồng bạc mới được lì xì. Bà tôi thường bảo đầu năm phải chơi bài mới đúng Tết, bỏ bớt những nghiêm trang khệnh khạng (mà bà suốt năm tháng thường nhắc nhở lễ phép lễ nghi với con với cháu nhất), được thi đua, ăn chơi nhưng cấm cay cú hơn thua, phải biết thua thì mới biết ăn, ăn không tham, thua chớ khóc thì mới là người chơi! Cứ Tết này qua Tết khác, tôi thuộc lòng các môn chơi bài ngày Tết đến nỗi nằm mơ từ chốn tha hương: con ngựa hồng, con trâu xanh, con voi trắng, ếch vàng, tôm hồng, cá bạc, con heo đen, con rùa xanh trên tấm gỗ vuông vẽ hình các con thú của bàn bài vụ. Những ngày năm ấy, bọn trẻ đùa vui trên ngõ, quay lui quay tới đã thấy anh H. sà vào bàn bài vụ bên vệ đường. Anh H. mê bài vụ đến nỗi ngồi lì ở đó quên cả ăn cơm và có nhiều khi đi về với những đồng bạc rủng rỉnh trong túi mặt mày hớn hở chia phần cho chúng tôi nhưng cũng có khi sạch bách tiền lì xì, sạch luôn cả tiền mượn chúng tôi. Còn chị tôi mê bài tới. Bài tới, nguồn gốc của trò chơi bài chòi, gồm những quân bài có tên những sinh hoạt và hiện vật ngày thường, biểu hiện thú chơi dân dã: thầy, trò, ngủ trưa, gióng, gối, trường hai, trường ba, sáu tiền, tám tiền, thường chơi 6 người trong gia đình, đem lại nụ cười cắn chỉ trầu cau của bà, mẹ, chị, anh, em, ở mỗi tiếng hô quân bài, kèm theo những câu thơ trào phúng làm những người cùng chơi cười hỉ hả. Vào những ngày ấy, người ta không khóc nhỉ! Nghe như tiếng cười còn đọng quanh cột nhà! Chị tôi thích bài tới vì chị thường gặp hên, năm mô cũng “tới rồi” (tiếng hô khi thắng cuộc, hết quân bài rác, còn lại con bài “chực” (tiếng Huế của chờ) được người cùng chơi đánh trúng với nụ cười đẹp nhất của chị từ thuở ngày xưa! Còn tôi mê nhất đổ xăm hường…”
Chơi đổ xăm hường năm 2004 |
Chén trà nguội ngắt trong tay và mưa bắt đầu lạt sạt trên lá chuối bên song, trời hửng sáng từ lâu mà câu chuyện nghìn lẻ mấy một … sáng chưa dứt, ký ức tôi đang trì kéo níu tôi quay về với tiếng leng keng của sáu hột xúc xắc của bộ xăm hường, một trò chơi tiêu biểu của gia đình Huế vào dịp đầu năm. Đầu năm nếu ai đổ ra mặt hường (mặt tứ của con xúc xắc được bôi màu đỏ) là hên, đổ ra ông trạng (tứ hường) thì năm mới công danh thành đạt, đổ ra ngũ hường đoạt ba ông trạng là công danh hiển hách, đổ ra lục phú là giàu to (lùa hết cả làng!), đổ ra lục phú hường, họa hiếm nhất trong trò chơi này, được lùa hết cả làng mà còn có nghĩa đại đại phú kếch sù, ăn gấp đôi, nhưng người Huế thường cho rằng, đỏ quá hóa thành đen, đổ lục hường xui, năm mới phải đề phòng!
Xăm hường là một trò chơi phản ảnh ít nhiều nhân sinh quan của con ngưởi ở chốn cố đô kinh kỳ, giấc mơ trạng nguyên, tiến thân của mỗi người trong xã hội, ẩn nấp trong trò chơi này, vận đỏ đen của đời người và niềm hy vọng tiến lên phía trước… đồng thời với quan niệm sống trung đạo ngay cả trong lúc chơi, không nên đỏ quá, mà thành xui! Xăm hường với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy làm thích thú vì tiếng reo của xúc xắc trên tô sứ xưa nghe leng keng vui tai đến bây giờ còn vẳng lại… và tiếng hô đổ ra ông trạng náo động cả căn nhà xưa. Ngày Tết mà không nghe tiếng bát sứ kêu lanh canh do hột xúc xắc quăng xuống là… chưa phải Tết ở Huế tôi…
“Còn nhớ, ngày mồng một Tết năm nào, không phải ngày mồng một Tết nào cũng êm đềm áo mới như mơ. Trẻ thơ thì vẫn cứ trẻ thơ dù cho áo mới có chỉnh tề đến đâu. Đến cuối ngày thì áo mới đã thành cũ mèm khi các mẹ thay áo cho con. Áo đứa thì lấm bùn bê bết, đứa thì xoạc vạt, đứa thì rách tay…, đứa thì ống quần toe xơ mướp! Đến chiều có đứa lên cơn sốt vì chạy dang nắng cả ngày ngoài trời. Năm ấy em tôi bị ban sởi không ra ngoài thi nhau chạy chơi với các anh chị em, phải nằm nhà cả ngày. Tối mồng một, sau buổi cơm, bác tôi mở tủ lấy hộp đựng xăm hường, trịnh trọng sắp các quân bài (1 ông trạng anh, 2 ông trạng em, 4 thẻ tam hương, 8 thẻ tứ tự, 16 thẻ nhị hường, 32 thẻ nhất hường) bày ra trên bàn cùng với 6 con xúc xắc và một tô sứ xưa để đổ xúc xắc vào thi đua. Cả nhà quây quanh tô sứ và các quân bài, bắt đầu đổ để tính điểm (mặt hường bốn nút là mặt chủ trong trò chơi này). Ai đỏ hường mới được lấy quân bài, ngoài ra còn những quy luật khác để lấy thẻ. Phải đổ làm sao để lấy các thẻ, nếu chơi sáu người thì mỗi người phải có 32 thẻ xem như vốn quy định, sau khi đổ hết các thẻ, thì tính vốn, nếu ai thiếu vốn có nghĩa là thua, phải mua thẻ của người đổ được nhiều thẻ. Trò chơi này mang nhiều tiếng cười, nhất là khi đổ được ông Trạng Anh, thì có người nhẩy cẫng lên hò reo đắc thắng, nhưng rồi cũng nhiều tiếng than vì hụt hẫng không đổ ra được mặt hường, lại nhiều khi hụt hơi gần tắt thở vì bị cướp trạng! Bà tôi nằm nghỉ trong giường thỉnh thoảng trả lời vọng ra những câu hỏi về luật chơi xăm hường mà bà đã thuộc nằm lòng từ tấm bé.”
Vì tội nghiệp nên bác trưởng cho phép em tôi ngồi cùng chơi để khuây cơn sốt, em ngồi trong lòng mẹ và lũ chúng tôi cũng được tập cho đổ xăm hường. Mắt đưa mô cũng hau háu nhìn sáu con xúc xắc quay tít trong bát sứ xưa. Vừa đổ mọi người vừa hô kết quả của sáu hột xúc xắc: nhất hường, nhị hường, tam hường, tiếng hô to nhất là khi đổ trạng hay khi ông trạng bị cướp, mọi người hò reo hứng thú khi con xúc xắc quay tít thò lò. Lũ trẻ chúng tôi thích nắm xúc xắc quăng xuống tô, dành luôn cả mẹ và các bác để chơi. Còn nhớ lần ấy em tôi đổ yếu ớt ít được quân bài. Thấy em mếu máo sắp khóc, một phần vì bệnh, một phần tính em tôi hay khóc nhè, mau nước mắt, thấy mọi người đứa thì trạng anh, đứa thì trạng em, đứa thì tam hường, đứa thì ngũ tử đại ấn…, còn em vỏn vẹn chỉ mấy „xương sườn“ như chúng tôi hay đùa thẻ nhất hường là xương sườn! Nước mắt chạy quanh, mà sáu con xúc xắc không nể tình, hay chòng ghẹo những ai mới tập chơi. Bà tôi bảo xúc xắc biết tính người, lắm lúc nó xoay tít không ngã ra ngay để “chọc quê” thiên hạ đang háo hức chực ông trạng về mình, làm mọi người “đứng tim”! Chúng cũng nghịch ngợm thử tính người chơi, lắm lúc không chịu ra ông trạng phải đổ hoài đổ mãi. Ngày Tết năm ấy, con xúc xắc chòng ghẹo em tôi đến khóc… là do thế… chúng cũng trẻ thơ… mà không chừng cũng rất người lớn với minh triết con người.
“Thấy em sắp khóc, chị tôi đang được nhiều thẻ, bèn lén bỏ những thẻ được vào dưới chiếu bên phần thẻ của em. Thấy chị bắt đầu, vài anh khác cũng làm theo. Riêng tôi thì ban đầu hơi tiêng tiếc mấy thẻ tam hường đẹp như mơ nhưng rồi cũng theo gương chị mà làm, chúng tôi đứa nào đổ được thẻ cũng đều lén bỏ cho em ở dưới chiếu, cho đến khi soát bài tìm ra dưới chỗ ngồi của em bao nhiêu là thẻ. Cuối cùng hết ván bài, em được thẻ nhiều nhất, và em cười trong cơn sốt, còn chúng tôi thì cười hể hả khi thấy em cười vui, mà còn được cả ông trạng anh nữa, trong lúc người đổ trạng là mẹ đó chơ!!! Hóa ra mẹ đã chuồi thẻ qua trước cả chị! Mới hay chơi ngoài luật chơi, còn có tình chơi! Dù người chơi nay đã không còn mà tình vẫn còn ăm ắp như nguyên.
Tôi mê xăm hường từ ngày ấy.”
Cho đến bây giờ, bên trời Tây, tôi vẫn còn giữ bộ xăm hường xưa như một gia bảo, vẫn bày ra ngày Tết để chơi với con cháu và với cả những người bạn Đức, họ cũng bắt chước hô nhất hường nhị hường… Và trong những lần đổ xăm hường cho đến hôm nay vẫn còn nghe xen lẫn tiếng cười reo, tiếng hột reo của ngày xưa ấy với những kỷ niệm lạ lùng, mà mỗi khi nhớ về, có thể rớt nước mắt vì thương…
Mưa đã tạnh cơn rồi, bình trà vừa cạn, nghe điện thoại reo và tiếng Kim Chi hỏi: “Chị ơi chiều nay có đổ xăm hường?“ Tiếng trong trẻo như tiếng của ai một thời thơ dại… Tôi biết Tết đang về bên hiên…
Huế, lập xuân Mậu Tuất 2018
T.K.L
Nguồn: Tạp chí Sông Hương, ngày 13.2.2018