50 năm ngày “Làng Hồng” đẫm máu

Ngày 16-3-2018 là tròn 50 năm từ khi diễn ra cuộc thảm sát ở làng Sơn Mỹ, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách thành phố Quảng Ngãi 13km về phía đông bắc.

Ngày đó, năm 1968, từ sáng sớm, đại đội Charlie thuộc tiểu đoàn 1, lữ đoàn 11, sư đoàn bộ binh 20 của quân đội Hoa Kỳ cùng đại đội không kích trực thăng 174 bất ngờ tấn công thôn Tư Cung và xóm Gò, nơi mà trong bản đồ hành quân của họ ghi tên là Mỹ Lai hay “Làng Hồng” (Pinkville). Trung đội 1, do trung uý William Calley chỉ huy, đã triển khai chặn đứng các lối thoát và biến từng nhóm dân làng đang ở trong nhà, đi trên đường hay ngoài đồng ruộng thành mục tiêu của cuộc bắn giết. Như đã được trù tính trước, lính Mỹ sử dụng tất cả vũ khí: lưỡi lê, lựu đạn, súng máy để “thanh toán” không thương tiếc những người dân lành trong tay không một tấc sắt. Trẻ con, người già, phụ nữ… bị đâm, bị bắn, xác bị ném xuống giếng hay xuống mương. Không một ai chống lại, cũng không một ai dám chạy trốn trước đám lính đằng đằng sát khí đang trong cơn say máu.

Con số được kiểm chứng cho thấy có đến 504 dân lành đã bị sát hại chỉ trong buổi sáng địa ngục ấy, trong đó có 60 cụ già, 182 phụ nữ, 173 trẻ em, không kể 17 hài nhi còn nằm trong bụng mẹ, 24 gia đình bị giết sạch và 247 ngôi nhà bị đốt cháy. Những người may mắn sống sót là nhờ bị vùi lấp dưới các xác chết và được một viên phi công giàu lòng nhân đạo cứu giúp. Chuẩn uý Hugh Thompson, mới 25 tuổi, cùng hai đồng đội của mình là Lawrence Colburn và Glenn Andreotta, đã tìm cách ngăn bàn tay tàn bạo của Calley và thuộc cấp rồi chuyển 11 người dân bị thương đến bệnh viện bằng máy bay trực thăng.

Một tội ác man rợ như vậy diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật lại bị các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ ém nhẹm trong một thời gian dài, mặc dù từ tháng 4-1968 Đài phát thanh Giải phóng và hai tờ báo Sud Vietnam en lutte Bulletin du Vietnam, phát hành tại Paris, đã loan tin chi tiết về cuộc thảm sát. Mãi đến khi có thư tố cáo của một người lính Mỹ chính trực tên Ronald Ridenhour và bài tường thuật của nhà báo Seymour Hersh, cộng với tiếng nói của phi công Thompson cùng những bức ảnh của phóng viên chiến trường Ronald Haeberle, dư luận mới gây sức ép buộc quân đội Mỹ mở cuộc điều tra vào mùa hè năm 1969. W. Calley bị truy tố và đưa ra tòa án binh ngày 17-11-1970. Những chứng cứ đều chống lại anh ta, nhưng guồng máy chiến tranh đã tìm cách gỡ tội cho Calley: con số nạn nhân hạ thấp xuống còn 109, rồi cuối cùng chỉ còn 22 người. Calley cùng luật sư âm thầm trở lại Việt Nam để tìm lý lẽ bào chữa. Ngày 29-3-1971 tòa kết án anh ta chung thân khổ sai, nhưng được tổng thống Richard Nixon cho phép chỉ phải chịu quản thúc tại gia, sau lại được giảm án xuống 10 năm tù, rồi đến năm 1974 thì anh ta được ân xá.

Nhiều năm sau này, người ta vẫn không tìm ra một nguyên cớ trực tiếp nào có thể giải thích được cho cuộc thảm sát tập thể ấy. Cũng như người ta đã không tìm thấy nguyên cớ trực tiếp nào cho việc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, ngoài cái “nguyên cớ” được nguỵ tạo là sự kiện tàu Maddox bị tấn công năm 1964, như hồ sơ mật của Lầu Năm Góc đã phơi bày. Calley phần nào có lý khi tự biện hộ rằng chẳng qua anh ta chỉ là người thừa hành mệnh lệnh của những cấp chỉ huy cao hơn. Anh ta nói trước tòa: “Tôi không thể dừng lại cân nhắc xem chúng là nam, là nữ hay là trẻ con. Tôi thực hiện mệnh lệnh được giao và tôi không thấy có gì sai trái”. Đúng, Calley chính là sản phẩm tất yếu của một đường lối hiếu chiến.

Sau chiến tranh, trên quốc lộ 24B chạy ven bờ bắc sông Trà Khúc, ngang qua chân núi Thiên Ấn để xuống bãi biển Mỹ Khê và cảng Sa Kỳ, một khu lưu niệm chứng tích tội ác đã được xây dựng. Ngày càng có nhiều cựu binh Mỹ trở lại Sơn Mỹ để sám hối tội lỗi và chữa vết thương tinh thần của chính mình. Tất nhiên trong số đó không có Calley, kẻ kéo lê những ngày cuối đời trong một cửa hàng bán đồ trang sức ở Colombus, bang Georgia. Hugh Thompson và Lawrence Colburn cũng đã trở lại Sơn Mỹ trong vòng tay của những người mang ơn các anh. Trong khi đó, vẫn còn không ít người Mỹ vô cảm và lãng tránh trách nhiệm của họ đối với những nạn nhân của cuộc chiến tranh hủy diệt.

Sơn Mỹ trở thành một đề tài của sáng tác nghệ thuật có sức nhắc gợi và đánh thức lương tâm nhân loại yêu chuộng hoà bình. Ngay trong lòng đô thị miền Nam, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác và phổ biến ca khúc Đâu phải một người, đâu phải một làng. Sau chiến tranh, nhà thơ Thanh Thảo viết trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ. Đạo diễn Trần Văn Thủy dựng phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai. Ở Mỹ, đạo diễn tài danh Oliver Stone chuẩn bị thực hiện phim Pinkville, nhưng thật đáng tiếc, do những trục trặc ngoài ý muốn, vào giờ chót, bộ phim phải ngừng quay. Những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc có thể phần nào giúp cho oan hồn những người vô tội được siêu thoát, giúp cho những người còn sống trả được món nợ với quá khứ bi thương. Thời gian liệu có xóa mờ tất cả hay sẽ có thêm tác phẩm nhắc nhớ những cuộc thảm sát ở Diên Niên - Phước Bình (Quảng Ngãi), Thạnh Phong (Bến Tre), Khe Đá Mài (Huế), Tổng Chúp (Cao Bằng), Tân Biên (Tây Ninh), Ba Chúc (An Giang), Thổ Chu (Kiên Giang), Gạc Ma (Trường Sa)… như đã từng có những tác phẩm gây chấn động về những sự kiện tương tự ở làng Lidice (Tiệp Khắc) và thành phố Guernica (Tây Ban Nha) trong thế kỷ XX.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

                                                                     

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60788056
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7557
24669
60788056

Thành viên trực tuyến

Đang có 377 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website