2020

2020 là năm buồn vui đan xen trong đời tôi.

Buồn là người mẹ thọ 103 tuổi của tôi đã ra đi mãi mãi vào ngày 13 tháng 5. Tình cảm mẹ con suốt 75 năm, sự ra đi của mẹ, lòng đau đớn mãi không vơi. Mỗi khi trở về Bích Sơn, không còn được thấy bóng dáng mẹ hiền, chỉ thấy di ảnh và bài vị của bà, niềm thương cảm trong lòng khó thốt nên lời. Muốn viết chút gì đó để kỷ niệm mẹ, nhưng bất chợt chẳng biết bắt đầu từ đâu, thật thẹn với ơn dưỡng dục 75 năm của mẹ. Nhưng tôi tin đây chỉ là tạm thời, vì mẹ mãi sống trong tim tôi, cho dù không thể viết lại cuộc đời tuyệt vời của bà, nhưng ít nhất có thể kể chút ít về cuộc đời bà. Vì vậy, tôi để đó thai nghén rồi sẽ viết sau, chắc rằng mẹ quá cố sẽ không trách con bất hiếu.

Vui là vì Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập (陳長慶短篇小說集), phiên bản song ngữ Trung - Việt, do Trung tâm dịch vụ liên hợp Kim Mã - Viện Hành chính xuất bản phát hành, và có những buổi ra mắt sách tổ chức tại Bảo tàng Văn học Quốc lập Đài Loan ở Đài Nam (National Museum of Taiwan Literature) ngày 18.7, tại Thư viện Văn học trường Duệ Hữu ở Kim Môn (金門睿友文學館) ngày 25.

Cuốn sách này có bản dịch tiếng Việt, trước hết cần cảm ơn sự kết nối của Giáo sư Trần Ích Nguyên, Viện trưởng Viện khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc lập Kim Môn, đã mời PGS.TS. Lê Quang Trường, Trưởng khoa Văn học của trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM, cùng nhóm dịch giả Phan Thu Vân, Nguyễn Hoàng Yến, Hoàng Thị Thu Thủy, Nguyễn Đông Triều, Hồ Ngọc Minh, chuyển ngữ sáu truyện ngắn. Sau đó, Đại học Quốc lập Kim Môn kết hợp với Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ của Việt Nam ấn hành.

Tại phiên khai mạc của “Hội thảo quốc tế Giao lưu văn hóa, tư tưởng Việt Nam và Đông Á” do Khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM chủ trì tổ chức ngày 8 tháng 11 năm 2019, ban tổ chức đã có buổi giới thiệu bản tiếng Việt của Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 nhà khoa học, trong đó có các học giả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Tôi nhận được lời mời tham dự nhưng vì lý do cá nhân nên không thể góp mặt, đành phải từ chối. Nhưng Viện trưởng Trần Ích Nguyên đã giúp tôi quay một clip cảm ơn, phát tại hội trường hội thảo. Đại ý là:

Hôm nay lòng tôi phấn chấn vô cùng, vì tác phẩm Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập của tôi đã được giới thiệu tại quý trường. Với tư cách tác giả sách này, đáng lý phải đến góp mặt, đồng thời tỏ lòng cảm kích và cảm ơn quý vị, nhưng vì lý do cá nhân, không thể đích thân có mặt, cảm thấy áy náy vô cùng, những xin quý vị lượng thứ.

Quyển sách này được dịch sang tiếng Việt và xuất bản phát hành ở Việt Nam, trước hết tôi cần phải cảm ơn hai trường đã hợp tác để xuất bản quyển sách này; như vậy, đối với một ông lão chỉ mới học qua một năm trung học cơ sở mà nói, càng thêm ý nghĩa đặc biệt. Cho nên, tôi đặc biệt cảm kích và cảm tạ đối với hai nhà trường và Viện trưởng Trần Ích Nguyên.

Kế nữa, tôi muốn cảm ơn Trưởng khoa Lê Quang Trường của Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM, nếu không có ông và quý vị dịch giả, dịch từng câu từng chữ trong tác phẩm của tôi sang tiếng Việt, thì quyển sách này vẫn không thể nào hiện diện trước mắt bạn đọc Việt Nam. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất với trái tim nồng ấm đến toàn thể quý vị.”

Dù Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia khác nhau, nhưng trong lịch sử và văn hóa, giữa hai nước lại có rất nhiều điểm tương đồng. Trong tác phẩm của tôi, để làm nổi bật sắc thái địa phương của đảo Kim Môn, tôi thường cài vào một vài phong tục dân tình và tục ngữ bản địa, lại còn có một số từ vựng chuyên dùng trong quân đội, cho nên cũng gây ít nhiều trở ngại cho việc dịch. Nhưng Trưởng khoa Lê Quang Trường và các vị dịch giả đã khắc phục được và chuyển tải được nguyên ý của chúng, khiến tôi khâm phục.

Quyển sách này được xuất bản và phát hành ở Việt Nam, có thể nói là niềm vinh dự lớn nhất trong hơn năm mươi năm sáng tác văn học của tôi. Dù rằng tôi không hiểu tiếng Việt, nhưng trong thâm tâm phấn khởi không sao tả xiết, hy vọng thông qua sự ra mắt của quyển sách này, có thể giúp độc giả và bạn bè Việt Nam, hiểu được đầy đủ hơn văn hóa lịch sử và phong tục dân tình của Kim Môn.

Các truyện ngắn của tôi còn nhận được sự trọng thị của các nhà phê bình văn học ở Việt Nam như Giáo sư Huỳnh Như Phương, Giáo sư Nguyễn Thu Hiền, PGS Trần Lê Hoa Tranh, Nguyễn Đình Minh Khuê, qua các bài viết, khiến tôi cảm thấy rất vinh dự. Tác phẩm của tôi được dịch sang tiếng Việt, được độc giả và học giả Việt Nam đón nhận, trước hết là nhờ Viện trưởng Trần Ích Nguyên. Nếu chẳng có ông nối nhịp cầu, thì quyển sách này chẳng có cơ hội ra mắt ở Việt Nam.

Ngay sau khi bản tiếng Việt được học giả và độc giả Việt Nam đón nhận, Viện trưởng Trần Ích Nguyên nhận ra ở Đài Loan có rất nhiều người Việt Nam sinh sống, gồm mười mấy vạn người kết hôn ở Đài Loan, cùng với tám chín vạn người lao động và du học sinh, tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Việt; rồi con cái của những gốc Việt nhập tịch, cha mẹ chúng đọc được tiếng Việt, thế là viện trưởng lại có ý tưởng xuất bản bản song ngữ Trung - Việt của quyển sách này cho nhóm độc giả này. Ngay khi ông đề xuất ý tưởng này, đã nhận được sự xem trọng của ngài Ông Minh Chí, trưởng chấp hành Trung tâm Dịch vụ liên hợp Kim Mã - Viện hành chính, và sự ủng hộ của Nghị sĩ Phạm Yến Yến. Vậy là nhờ sự vận động của Viện trưởng Trần Ích Nguyên, mấy tháng sau bản song ngữ Trung - Việt của Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập đã được Trung tâm Dịch vụ liên hợp Kim Mã - Viện hành chính xuất bản. Quyển sách dày hơn 400 trang, thật là một kỷ lục cực kỳ đáng quý trong cuộc đời sáng tác hơn 50 năm của tôi.

Kế đó buổi họp báo giới thiệu sách đầu tiên được Bảo tàng Văn học Quốc lập Đài Loan tổ chức, cho dù trước đó Viện trưởng Trần Ích Nguyên có hỏi ý tôi muốn mời những ai tham gia. Nhưng vì mẹ tôi vừa mới qua đời, chữ hiếu mang nặng, thật không tiện ra mặt mời bất cứ một ai đến tham gia, cho nên hết thảy theo ý viện trưởng. Viện trưởng cũng hiểu cho tâm tình của tôi, không chút miễn cưỡng, ông tự lên danh sách rồi đích thân gọi điện khách mời. Có điều nhân viên bảo tàng cho biết vì lý do dịch bệnh, không cho phép tập trung quá tám mươi người; trong khi danh sách khách mời của Viện trưởng cho tôi đã hơn cả trăm, đó là chưa kể trợ lý Trung văn của Đại học Thành Công, rồi đồng nghiệp công tác trong bảo tàng.

Khách mời và bạn bè xuất thân khác nhau, có người ở cơ quan chính phủ, đơn vị học thuật, đoàn thể nhân dân, cho đến thông dịch người Việt, tu nữ, giáo sư, du học sinh, dân gốc Việt nhập tịch và con cái của họ... vân vân. Trong đó, Bảo tàng Văn học Quốc lập Đài Loan ngoài Tô Thạc Bân, Giám đốc đương nhiệm của bảo tàng ra, còn có ba cựu giám đốc bảo tàng là Trịnh Bang Trấn, Lý Thụy Đằng, Trần Ích Nguyên tham dự; nhà văn nổi tiếng, giáo sư thỉnh giảng của Đại học Thành Công là Tô Vĩ Trinh cũng bớt thì giờ đến tham gia; Cố vấn phủ tổng thống, nhà thơ Ngô Thạnh cũng tranh thủ đến; Hoàng Mỹ Nga – Trưởng ban nghiên cứu văn học Đại học Đài Loan, Tôn Quốc Khâm – Chủ nhiệm Sở dịch vụ Đài Bắc huyện Kim Môn, Lã Khôn Hòa – Cựu Cục trưởng Cục văn hóa Kim Môn, Dương Trúc Quân – Tổng biên tập Kim Môn văn nghệ (金門文藝), luật sư Trần Vân..., cũng đi từ Đài Bắc xuống; Hầu Minh Phúc – Hội trưởng, Ngô Xuân Phúc – Chủ tịch Quỹ Văn hóa nghệ thuật Phủ Thành Quan Hưng, Trần Thụy Hoa – Tổng thư ký Hội đồng hương Kim Môn thành phố Đài Nam, cùng với phó tổng thư ký Hà Bách Đình, cũng đến chúc mừng. Không khí buổi họp báo náo nhiệt, sinh động, thật khiến cho tôi đây hồi hộp.

Khi buổi họp báo chưa bắt đầu, Bảo tàng Văn học Đài Loan sắp đặt nghi thức trao tặng văn vật. Tôi không dám nói thứ mình trao tặng là văn vật, vì còn phải trải qua một trình tự nhất định, chờ bảo tàng mời chuyên gia thẩm định rồi mới có thể chính thức đăng ký là Văn vật. Nhưng những thứ này đối với tôi mà nói khá là quan trọng, két sắt của người khác có lẽ thường là vàng bạc châu báu, còn két nhà tôi thì chứa những thứ mà đối với tôi còn quý hơn nhiều.

Phần liên quan đến Văn nghệ Kim Môn

1. Hành chính viện Tân văn cục Xuất bản sự nghiệp Đăng ký chứng (số 0049, bản tháng 9 năm 1962, cục trưởng Tiền Phúc)

2. Kim Môn huyện chính phủ doanh lợi sự nghiệp đăng ký chứng (số 1711, ngày 10 tháng 4 năm 1965, huyện trưởng Đàm Thiệu Bân)

3. Trung Hoa dân quốc tạp chí sự nghiệp hiệp hội hội viên chứng thư (số 0408, ngày 6 tháng 5 năm 1970, chủ tịch Nhậm Trác Tuyên)

4. Kim Môn văn nghệ, kỳ 1 đến kỳ 7, bản lần thứ nhất (kỳ thứ 7 loại hình báo giấy)

5. Kim Môn văn nghệ bản mới, kỳ 1 đến kỳ 4, bản lần thứ nhất (kỳ thứ 4 là loại hình báo giấy)

Phần cá nhân:

1. Chứng nhận tác quyền tác phẩm Gửi người con gái xa quê (số 5939, tháng 11 năm 1962, trưởng bộ Nội chính Lâm Kim Sinh)

2. Công hàm bộ Nội chính (số công văn: 62.11.20, số hiệu 548132, bộ trưởng Lâm Kim Sinh)

3. Gửi người con gái xa quê bản lần thứ nhất (ngày 20 tháng 6 năm 1961, Đài Bắc lâm mạch xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Lâm Phật Nghê)

4. Chứng nhận tác quyền tác phẩm Đom đóm (số 6202, tháng 2 năm 1963, Bộ trưởng Nội chính Lâm Kim Sinh)

5. Công hàm Bộ Nội chính (Số công hàm, 63.2.6, số hiệu 562276, Bộ trưởng Lâm Kim Sinh)

6. Đom đóm, bản in lần 1 (ngày 20 tháng 5 năm 1962, Đài Bắc lâm bạch xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Lâm Phật Nghê)

7. Bản thảo viết tay tác phẩm Mùa xuân đã mất dày 330 trang

8. Bản in lần thứ nhất tác phẩm Mùa xuân đã mất (tháng 7 năm 1986, Đài Bắc đại triển xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Thái Sâm Minh)

9. Bản in lần thứ nhất tác phẩm Mùa xuân đã mất (năm 92, chính quyền huyện Kim Môn xuất bản, người phát hành: Lý Trụ Phong, Đài Bắc liên kinh xuất bản công ty in lại/phát hành)

10. Bản thảo viết tay tác phẩm Thu liên, 184 trang

11. Bản in lần đầu tác phẩm Thu liên (秋蓮) (tháng 10 năm 1987, Đài Bắc đại triển xuất bản xã xuất bản, người phát hành: Thái Sâm Minh)

Việc trao tặng văn vật này xuất phát từ việc nhiều lần nhận được sự động viên của Viện trưởng Trần Ích Nguyên, thêm nữa bản thân tôi cũng có nhận thức như vầy, so với việc đem những thứ này cất vào két sắt, rồi để lại cho con cháu sau này, chi bằng đem trao tặng cho bảo tàng văn học quốc gia để bảo quản, còn có ý nghĩa thực chất hơn. Vì vậy, tôi hoàn toàn không bàn bạc với ai, tự ý gửi hòm văn vật này cho Giám đốc bảo tàng Tô Thạc Bân. Hôm nay nhân buổi họp báo ra mắt bản song ngữ quyển Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập này, nhóm chuyên môn đã chủ ý thực hiện nghi thức trao tặng này, đồng thời Giám đốc bảo tàng đích thân trao cho tôi thư cảm ơn. Sự trọng thị của Bảo tàng văn học Đài Loan đối với văn vật, sự tôn trọng đối với người trao tặng, thật đáng mừng.

Buổi họp báo được Tiến sĩ Triệu Khánh Hoa của Bảo tàng văn học Đài Loan tuyên bố mở màn, sau đó được Viện trưởng Trần Ích Nguyên đích thân chủ trì. Nhờ học thức uyên thâm, nghiên cứu sâu rộng, kinh nghiệm sáng tác, khả năng hùng biện của mình, Viện trưởng đã giúp cho buổi họp báo vốn dĩ khô khan trở nên thoải mái vừa có chiều sâu vừa có chiều rộng, khiến quan khách và bạn bè cảm thấy tự nhiên. Đầu tiên, ngài Ông Minh Chí thay mặt đơn vị xuất bản phát biểu chào mừng, Giám đốc bảo tàng với tư cách chủ nhà cũng phát biểu chào mừng; kế đó là một loạt các quan khách, chức sắc địa phương lên bày tỏ sự động viên khích lệ đối với lão già tôi, cũng như ủng hộ tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.

Buổi họp báo còn chào đón hiệu trưởng và học sinh vốn là con em của những người gốc Việt nhập tịch Đài Loan, tổng cộng có gần 30 người, càng khiến cho buổi họp báo mang sắc thái Việt Nam. Người chủ trì họp báo còn nói vui: người Việt Nam đến dự còn đông hơn cả người Kim Môn.

Đến lượt tôi phát biểu, tôi không thể dùng những lời hoa lệ để nói hết tấm lòng mình đối với khách quý, nhưng sâu trong tâm muốn cảm ơn rất nhiều: cảm ơn Đại học Quốc lập Kim Môn và Đại học KHXH&NV - ĐHQG-HCM đã xuất bản bản tiếng Việt; cảm ơn Trung tâm Dịch vụ liêm hợp Kim Mã - Viện hành chính đã xuất bản bản song ngữ Trung - Việt; cảm ơn Thư viện văn học quốc lập Đài Loan đã tổ chức cho tôi buổi họp báo giới thiệu sách mới; cảm ơn quan khác và các bạn Việt Nam ở Đài Loan đã đến dự. Cuối cùng, cảm ơn Viện trưởng Trần Ích Nguyên, người đã lao tâm khổ tứ giúp tôi giới thiệu tác phẩm này đến bạn đọc.

Thật tình mà nói, lão già cổ hủ này chỉ là một vô danh tiểu tốt trên văn đàn, đa số khách mời đều xa lạ với tôi, vậy mà buổi họp báo lại có thể long trọng sôi động như vậy, hết thảy đều nhờ họ nể mặt Viện trưởng Trần Ích Nguyên mà đến, tôi đây thực lòng hiểu được. Đặc biệt cảm ơn phu nhân của Viện trưởng, cô Lâm Du Văn, đã đón tiếp nồng hậu chu đáo chúng tôi trong suốt quá trình ở Đài Nam. Thưa cô, vất vả cho cô quá, xin cảm ơn!

Ngày 25, tại quảng trường Kim Môn, Thư viện Văn học Duệ Hữu tổ chức họp báo giới thiệu sách, dù nóng bức lại ở ngoài trời, nhưng khách đến dự đông vượt mong đợi. 130 túi quà tặng đựng Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập bản in lần thứ nhất song ngữ Trung - Việt do Đại học Quốc lập Kim Môn chuẩn bị, cùng quạt giấy in mục lục của quyển sách này, trong nháy mắt đã không còn. Cuộc họp báo lần này vẫn do Viện trưởng Trần Ích Nguyên chủ trì. Khách đến dự có nhiều thành phần khác nhau, trong đó phải kể đến những người Việt Nam tại Đài Loan. Đặc biệt, Đại học Quốc lập Thành Công đã mời cô Trịnh Thùy Trang, nghiên cứu sinh khoa Trung văn đến biểu diễn ca khúc Để gió cuốn đi của Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam.

Dù nhiều người dự họp báo không hiểu tiếng Việt, mới đầu chỉ cảm nhận được giai điệu uyển chuyển du dương, tiếng ca trong trẻo như chim oanh của người hát, nhưng sau khi được Trịnh Thùy Trang dịch lời ca sang tiếng Trung, mọi người mới hiểu thì ra tình cảm của bài hát lại phong phú, lời bài hát lại xúc động đến vậy.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì em có biết không?

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông

Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông

Ôi trái tim đang bay theo thời gian...

Tôi cảm động sâu sắc với lời bài hát, nên khi nói lời đáp từ sau buổi họp báo, bất giác tôi buột miệng: “Đời này tôi nguyện làm người kể câu chuyện đắng cay của Kim Môn!” Câu nói này không chỉ là lời hứa với mảnh đất này, mà còn là lời giải thích hay nhất cho tác phẩm của tôi.

Tôi gửi lời cảm ơn đến các báo đài, ngoài Kim Môn nhật báo ra, còn có Trung Quốc thời báo, Trung Hoa nhật báo, Kim Môn tiền phong báo, Việt Nam thanh niên báo. Các trang mạng điện tử như CNA, www.greatnews.com.tw, www.crt.org.tw, www.ccsn0405.com. Đài phát thanh truyền hình Giáo dục Quốc lập cũng đưa tin với tiêu đề Trần Trường Khánh đoản thiên tiểu thuyết tập nối liền Kim Môn với Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều bài viết, lời giới thiệu, đàm luận về quyển sách. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả.

Trần Trường Khánh

Hồ Ngọc Minh lược dịch

(Bài viết do tác giả gửi đến Khoa Văn học).

Thông tin truy cập

60515099
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6610
12997
60515099

Thành viên trực tuyến

Đang có 212 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website