Hòa thượng Thích Thanh Từ: Xuân trong cửa Thiền

20240209

       Mùa xuân Giáp Thìn 2024 này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sinh ngày 24-7-1924, đi trọn khánh niên bách tuế và bước qua tuổi “bách dư niên” trong cuộc đời. Gần 80 năm xuất gia, tu tập và hoằng dương chánh pháp, Hòa thượng đã thành lập, xây dựng, trùng tu và phát triển 175 thiền viện trong và ngoài nước, 110 đạo tràng, góp phần phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ quê hương Trà Ôn, Vĩnh Long nghèo khó, Ngài đã đặt chân đến các miền Tổ quốc và hơn mười quốc gia trên thế giới để giáo hóa, hướng dẫn tu tập, chứng pháp quy y cho hàng chục vạn Phật tử trong và ngoài nước.

      Cùng với những hoạt động Phật sự kiên trì, bền bỉ có ảnh hưởng tích cực trong đời sống văn hóa của dân tộc, Thiền sư Thích Thanh Từ còn cống hiến cho đời những công trình dịch thuật, biên khảo rất giá trị, xứng đáng có vị trí trân trọng trong tủ sách của những gia đình quan tâm đến Phật học.

      Theo một thống kê được cập nhật gần đây nhất, Hòa thượng Thích Thanh Từ có 103 công trình dịch thuật, giảng giải, luận bàn kinh Phật, khảo cứu về tư tưởng Thiền học, lịch sử Thiền tông, hành trạng và sự nghiệp của các thiền sư Việt Nam và Trung Hoa. Nổi bật trong số đó là bộ sách về kinh Bát Nhã, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Kim Cang, kinh Lăng Già, kinh Viên Giác, kinh Pháp Bảo Đàn… Một trong những điểm đặc biệt thể hiện rõ nét tâm nguyện kế thừa, tiếp nối và phục hưng Thiền phái Trúc Lâm là việc Hòa thượng Thích Thanh Từ chuyên tâm dịch thuật, khảo luận các tác phẩm Thiền tông đời Lý - Trần, tiêu biểu là bộ sách Khóa Hư Lục giảng giải, Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải, Tham Đồ Hiển Quyết và Thi tụng các Thiền sư đời Lý giảng giải

      Như vậy, trong tâm nguyện và hành động của Hòa thượng Thích Thanh Từ, phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ là khôi phục, tôn tạo những cơ sở tu trì mà quan trọng là làm sống lại tinh hoa của Thiền phái qua những kinh sách uyên áo do các thế hệ thiền sư để lại và lưu truyền vào tâm thức của đại chúng. Hai việc này phải tiến hành song song, có quan hệ và tương tác với nhau một cách mật thiết. Và xét cho cùng, không phải những cơ ngơi đồ sộ với tòa ngang dãy dọc mà chính tinh hoa, căn cốt tư tưởng Thiền học được củng cố, phát huy mới làm nên rường cột giữ cho Thiền phái phát triển vững bền và trường cửu.

      Mở đầu bản dịch Bích Nham Lục, một công trình do Thiền sư Viên Ngộ trước tác dựa theo nguyên tác của Thiền sư Tuyết Đậu (đời Tống), dịch giả Thích Thanh Từ viết: “BÍCH NHAM LỤC là tập sách rất quan thiết trong Thiền môn, cần phải được phiên dịch. Song nó rất khó dịch; vì cố gắng giúp phần nào cho người sau, buộc lòng chúng tôi phải dịch ra. Khi dịch, chúng tôi chia mỗi tắc thành năm phần hoặc bốn phần: Lời Dẫn (Thùy Thị), Công Án, Giải Thích, Tụng, Giải Tụng. Có tắc không có Lời Dẫn, chỉ còn bốn phần. Chúng tôi lược bớt lời giải ngắt quãng trong công án và trong bài tụng, để độc giả đọc công án và lời tụng mạch lạc hơn.

      “Bản dịch này chúng tôi y cứ theo bản Hán văn BÍCH NHAM LỤC trong tập THIỀN HỌC ĐẠI THÀNH và THIỀN HỌC TẬP THÀNH bổ túc cho nhau. Phần tựa đầu dịch đủ, phần hậu tự chúng tôi lược bớt.

     “Dám mong Thiền giả đọc nó cốt “đạt lý, đừng kẹt lời”, “ứng dụng tu hành không nói rỗng”, thế là mãn nguyện của chúng tôi”[1].

      Như vậy, trong quan niệm của Thiền sư Thích Thanh Từ, dịch thuật là cố đạt lý chứ không “mắc kẹt” trong văn tự, ngôn từ, như kinh Viên Giác khuyên ta hãy nương theo ngón tay để thấy mặt trăng. Điều đó không có nghĩa là xem nhẹ ngôn từ mà nhằm nhắc nhở đừng để ngôn từ cản trở cho sự lĩnh hội tư tưởng. Đọc các bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, ta thấy ngôn ngữ giản dị mà không giản đơn, dễ thông hiểu và thông đạt đến mọi người - hình như đây cũng là văn phong của một vùng đất cởi mở, khoáng đạt trong tính cách con người.

      Giảng giải công phu những bộ sách “văn chương tuyệt hảo, lý đạo u huyền”, nhưng Hòa thượng Thích Thanh Từ luôn thể hiện đức khiêm cung: “Sự giảng giải của chúng tôi giá trị ở nhiệt tình, chớ không ở văn chương và sáng tỏ lý thiền. Bởi thiền là vô ngôn, chúng tôi dùng đa ngôn thì khó tránh khỏi sai lầm. Mong quý độc giả cảm thông tha thứ việc làm gắng gượng của chúng tôi”[2].

      Bộ sách Thiền sư Trung Hoa gồm 2 tập, được Hòa thượng Thích Thanh Từ soạn dịch từ ba bộ sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Chỉ Nguyệt LụcCao Tăng Truyện. Bộ sách này giới thiệu tiểu sử, hành trạng, đức hạnh và công tích của các vị thiền sư từ đời thứ nhất sau Lục Tổ Huệ Năng đến đời thứ tư là lúc bắt đầu chia tông phái (Tập 1), rồi từ đời thứ năm gồm năm tông (Tào Động, Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn) và bảy phái (Tông Lâm Tế lại chia thêm thành hai phái Huỳnh Long và Dương Kỳ) (Tập 2), gồm 144 vị.

      Trước khi vào sách, độc giả được soạn giả dặn dò: “Người tu theo Thiền tông cốt nhận được bản tâm, thấy được bản tánh của mình. Khi nhận được bản tâm, mới tin “tâm tức là Phật”. Khi thấy được bản tánh mới tin “tánh mình đầy đủ tất cả, xưa nay vẫn thanh tịnh”. Nhưng tâm tánh ở đâu, thế nào? Tất cả người tu Phật đều thắc mắc vấn đề này. Khi đặt câu hỏi tâm tánh ở đâu, thế nào, thì khác gì người cỡi trâu tìm trâu, vác Phật đi cầu Phật, biết bao giờ thấy được”[3].

      Lấy bản tâm làm chủ, Thiền tông hướng con người nhìn thấy “bản lai diện mục” của mình ngay chính nơi mình mà không cầu nơi nào khác, như Trần Nhân Tông viết: Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch (Trong nhà có sẵn của báu, đừng đi tìm nơi nào khác).

      Thiền sư Thanh Từ dặn tiếp: “Người tu Thiền phải dẹp sạch bản ngã, dù là bản ngã thánh cũng không còn. Nếu còn thấy sở đắc là còn bản ngã, giả sử thấy đắc quả thánh cũng là vị thánh tương đối, chớ chưa thật giải thoát. Chỗ giải thoát cứu cánh là tâm không còn dính mắc một chỗ nào”[4]

      Thiền tông Việt Nam có những điểm gặp gỡ với Thiền tông Trung Hoa mà cũng có những đặc trưng riêng do hoàn cảnh đặc thù của đất nước và văn hóa dân tộc. Điều này được phản ánh sinh động trong hai tác phẩm Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XXThiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thích Thanh Từ.

       Được tác giả ấp ủ và thai nghén nhiều năm trước khi ra mắt, sách Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX khẳng định: “Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ VI đến nay đều là các thiền sư”. Theo tác giả, “Có lắm người Phật tử hâm mộ tu Thiền, song sự có mặt của nhiều lối tu Thiền ở Việt Nam làm họ không biết đâu tà đâu chánh. Nếu người dè dặt đành chịu chùn chân không biết theo ai. Nếu người nhiệt tình nóng bỏng nghe đâu theo đó, họ dễ bị lạc vào thiền tà ngoại. Đây là một khuyết điểm lớn lao do không có người giản trạch chánh tà cho họ. Người chịu trách nhiệm này chính là tăng ni. Tăng ni là người có bổn phận dẫn đường chỉ lối cho tín đồ tu học. Nếu chỗ sở mộ của Phật tử khác với đường lối hiện tu của mình, bổn phận mình phải chỉ cho họ nơi nào hợp với sở mộ mà đúng chánh pháp. […]. Chính đây là một trong những mục tiêu chúng tôi nhắm để viết quyển sách này”[5].

      Trong tinh thần đó, cuốn sách tập hợp những bài viết và bài giảng của tác giả có liên quan đến chủ đề Thiền tông: “Cội nguồn Thiền tông”, “Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX”, “Yếu chỉ Thiền tông”. “Vào cổng nhà Thiền”, “Vào cửa Không”, “Chỉ Ông chủ”. Đặc biệt trong phần “Yếu chỉ Thiền tông”, tác giả đã phân tích và bình luận những vấn đề quan yếu: “Chủ đích Thiền tông”, “Đức Phật qua cái nhìn của Thiền tông”, “Thiền tông với các kinh Đại thừa”, “Thiền tông với các môn thiền khác”, “Thiền tông không nặng hình thức tôn giáo”, “Đặc điểm Thiền tông”, “Những nghi vấn về Thiền tông”, “Những bệnh của người tu thiền”.

      Kết hợp với phần giảng giải, cuốn sách giới thiệu những bài kệ do chính tác giả phiên dịch, giúp bạn đọc dễ lĩnh hội và thẩm thấu những tư tưởng uyên áo của Thiền học. Chẳng hạn, đây là bản dịch bài kệ của Thiền sư Huệ Sinh đời Lý: Pháp gốc như không pháp/ Chẳng có cũng chẳng không/ Nếu người biết pháp ấy/ Chúng sanh cùng Phật đồng/ Trăng Lăng Già vắng lặng/ Thuyền Bát Nhã rỗng không/ Biết không, không giác có/ Chánh định mặc thong dong.

      Sách Thiền sư Việt Nam là một đóng góp lớn của Hòa thượng Thích Thanh Từ vào việc nghiên cứu Thiền tông trong bối cảnh văn hóa Phật giáo và dân tộc. Tác giả trình bày tiểu sử, hành trạng, đức hạnh và công tích của 127 vị hòa thượng, thiền sư, đại sư, thiền lão, quốc sư, trưởng lão, cư sĩ, ni sư, ni cô có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Thiền tông ở nước ta, mà những vị đặt nền móng ban đầu là Khương Tăng Hội, Thích Đạo Thiền, Thích Huệ Thắng, Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Cuốn sách còn cung cấp cho bạn đọc các đồ biểu phái Thiền tông ở Trung Hoa truyền sang Việt Nam, phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái Thiền Vô Ngôn Thông, phái Thiền Thảo Đường, phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, tông Tào Động, phái Lân Giác ở Bạch Mai, phái Nguyên Thiều - Siêu Bạch, phái Thiệt Diệu Liễu Quán; các sơ đồ truyền thừa của Hòa thượng Ẩn Sơn, Thiền sư Thiện Hiếu; phụ bản Tham Đồ Hiển Quyết, phụ bản Những dòng kệ các phái. Đây là những chỉ dẫn quý báu rất bổ ích cho những người học Phật.

       Nhìn lại những cuốn sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ, có thể thấy những năm 90 thế kỷ trước là thời gian tác giả công bố nhiều công trình có tiếng vang nhất, hầu hết đều do Thành Hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh và Thiền viện Thường Chiếu ấn tống. Mùa Xuân năm 1992, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh có cơ duyên được Hòa thượng đến thăm và có một buổi thuyết giảng trầm ấm mà cuốn hút các giáo sư, giảng viên và sinh viên ngồi kín một giảng đường lớn. Đó cũng là dịp cuốn sách Xuân trong cửa Thiền, tập hợp những bài pháp thoại tinh tế và sâu sắc của Hòa thượng trong những buổi lễ tất niên hay giao thừa nhiều năm trước, vừa được xuất bản.

       Nghĩ về mùa Xuân Di Lặc, Hòa thượng Thích Thanh Từ nhắc đến bốn câu kệ của Thiền sư Bổn Tịnh (đời Đường):

                       Nhứt niên xuân tận nhứt niên xuân

                       Dã thảo sơn hoa kỷ độ tân

                       Thiên hiểu bất nhơn chung cổ động

                       Nguyệt minh phi vị dạ hành nhơn.

       Thầy dịch:

                       Một năm Xuân trọn một năm Xuân

                       Cỏ dại non hoa mấy độ tươi

                       Trời sáng chẳng do chuông trống động

                       Trăng trong đâu bởi khách đi đêm.

       Và Thầy bình luận: “Ở trên cuộc đời này có bao nhiêu người cứ theo cái mê lầm ảo tưởng của mình, chạy theo ngoại cảnh, bám vào ngoại cảnh cho là mình. Cho nên phải khổ đau theo dòng sinh diệt của ngoại cảnh. Như bao nhiêu người thấy cái gì cũng nói cái đó là của mình, lệ thuộc mình từ cái bản thân cho đến cái sự vật bên ngoài. Không có cái nào là không bám chặt vào mình. Bởi cái chấp ngã nặng nề đó cho nên con người phải khổ đau, khổ đau dằng dặc từ kiếp này đến kiếp khác. Đó là cái chấp ngã sở, tức là vật sở hữu của mình. […]. Bởi vì mình đặt chủ quan của mình vào sự vật, bắt sự vật lệ thuộc vào mình. Mình muốn lòng người đối với mình và sự vật thuộc về mình trường tồn vĩnh cửu. Cho nên khi có trạng thái biến đổi, xê dịch thì mình cảm thấy bất an, không vui rồi”[6].

      Theo giải thích của Hòa thượng Thích Thanh Từ, bài kệ của Thiền sư Bổn Tịnh truyền đi thông điệp rằng: “Nếu mình có cái nhìn khách quan, thì sẽ thấy ngoại cảnh là ngoại cảnh, không cái gì thuộc về mình hết. Trăng trong là trăng trong, không phải vì mình đi đêm mà trăng trong. Trời sáng là trời sáng chớ không phải vì chùa đánh chuông, đánh trống là trời sáng. Như hoa cỏ nó tươi nó nở là tới thời tiết nó tươi nó nở, chớ không phải vì cái gì mà nó tươi nó nở”[7].

       Nhưng phải chăng là cái nhìn khách quan đó sẽ cắt đứt mọi liên lạc giữa Ngã và Tha, giữa nội tâm và ngoại giới? Không phải, Thiền sư chỉ muốn nói rằng ta không nên có thái độ “chấp ngã sở” đối với ngoại giới mà phải dọn lòng để hòa hợp với ngoại giới. “Nếu trong lòng chứa đêm ba mươi, tức tối như mực thì cái gì cũng không xuân hết, cái gì cũng đen như mực. Sở dĩ ở ngoài đời nó đẹp là do trong lòng mình đẹp”[8].

       Để minh họa điều đó, Hòa thượng Thích Thanh Từ dẫn ra bài thơ của Thiền sư Phật Nhãn, hiệu Thanh Viễn (đời Tống): Xuân nhựt xuân sơn lý/ Xuân sự tận giai xuân/ Xuân quang chiếu xuân thủy/ Xuân khí kết xuân vân/ Xuân khách xuân tình động/ Xuân thì xuân cánh tân/ Duy hữu thức xuân nhơn/ Vạn kiếp nguyên nhứt xuân. Nghĩa là: Ngày xuân xuân trong núi/ Việc xuân thảy đều xuân/ Hồ xuân ánh xuân chiếu/ Khí xuân kết mây xuân/ Khách xuân lòng xuân động/ Thi xuân xuân càng tươi/ Chỉ có người biết xuân/ Muôn kiếp một mùa xuân. (Thích Thanh Từ dịch).                           

       Vậy làm sao để thành “người biết xuân” mà hưởng một “mùa xuân muôn kiếp”? Thầy Thanh Từ dạy ta năm điều: 1) Tùy hỷ: từ bỏ tật đố kỵ để phát tâm tuỳ hỷ theo việc tốt, việc lành của người khác; 2) Hỷ xả: vui vẻ mà buông bỏ hết những bực bội, cố chấp trong lòng; 3) Pháp hỷ hay pháp lạc: nghe chánh pháp mà tìm ra được lẽ thật, nguồn an ủi vui tươi, trong lòng thấy nhẹ nhàng thơ thới; 4) Thiền duyệt: niềm vui khi tọa thiền, thấy thân tâm an ổn, hơi thở nhẹ nhàng; 5) Tịch lạc: niềm vui cứu cánh, một niềm vui lặng lẽ khi đã thoát khỏi mọi vọng tưởng của sinh diệt[9].

       Đó là con đường tu tập kiên trì, bền bỉ, từ cái vui gần đến cái vui xa, để đạt đến mùa xuân bất tận, vĩnh cửu như nụ cười không bao giờ tắt của Đức Phật Di Lặc.

Huỳnh Như Phương

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024


[1] Bích Nham Lục (Thích Thanh Từ dịch), Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1995, tr. 5.

[2] Thích Thanh Từ: Tham Đồ Hiển Quyết và Thi tụng các Thiền sư đời Lý giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, 1997, tr. 6.

[3] Thanh Từ (soạn dịch): Thiền sư Trung Hoa, tập 1, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1990, tr. 6.

[4] Thanh Từ: Sđd, tr. 11.

[5] Thích Thanh Từ: Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, tr. 5, 7-8.

[6] Thích Thanh Từ: Xuân trong cửa Thiền, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1991, tr. 71, 72.

[7] Thích Thanh Từ: Xuân trong cửa Thiền, Sđd, tr. 76.

[8] Thích Thanh Từ: Xuân trong cửa Thiền, Sđd, tr. 202.

[9] Thích Thanh Từ: Xuân trong cửa Thiền, Sđd, tr. 181-203.

Thông tin truy cập

63670656
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14374
17595
63670656

Thành viên trực tuyến

Đang có 640 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website