Về một câu tục ngữ liên quan đến bốn làng quê xứ Huế có cùng mô hình cấu trúc với nhiều câu tục ngữ ở các nơi khác

20170724. Senvhdg

1. Đặt vấn đề

Ở Thừa Thiên Huế có câu tục ngữ “Bất thú Dạ Lê thê, bất thực Lương Quán kê, bất giao Nguyệt Biều hữu, bất ẩm Thạch Hàn thủy” (không cưới vợ ở Dạ Lê, không ăn gà ở Lương Quán, không kết bạn ở Nguyệt Biều, không uống nước ở Thạch Hàn)(1).

Lí do của “bốn không” này, được một số người giải thích rằng: gái làng Dạ Lê (Thị xã Hương Thủy) thì không chung thủy, gà ở Lương Quán (thành phố Huế) không béo, bạn ở Nguyệt Biều (thành phố Huế) hay phản trắc, nước ở khe Thạch Hàn (Thị xã Hương Trà) thì độc.

Các lí do dễ gây tò mò vừa nêu, tất nhiên, chỉ phù hợp với một số ít người, hoặc ở vào một thời điểm nhất định trong quá khứ (chứ suy rộng ra, khái quát lên, thì không đúng). Do vậy mà cũng không cần phải bàn quá sâu về chúng (chẳng hạn, nước ở Thạch Hàn độc như thế nào (?), vì sao gà ở Lương Quán không béo?...).

Nhưng khi nghiên cứu tục ngữ, các tác giả thường chú ý đến bình diện ngữ nghĩa, như nghĩa khái quát và mô hình cấu trúc tạo nghĩa, của thể loại này. Chẳng hạn, trong bảy loại nghĩa của tục ngữ (nghĩa đen; nghĩa khái quát; nghĩa bóng; nghĩa đen và nghĩa khái quát; nghĩa đen và nghĩa bóng; nghĩa khái quát và nghĩa bóng; nghĩa đen, nghĩa khái quát, và nghĩa bóng), thì số câu tục ngữ có nghĩa khái quát chiếm vị trí đáng kể (như: “Có bột mới gột nên hồ”, “Trâu he hơn bò khỏe”, “To thuyền thì to sóng”, “Cá kể đầu, rau kể mớ”,...); và mô hình tạo nghĩa ở cấp vi mô, với những câu tục ngữ cùng nghĩa (như mô hình [Làm nghề] A [mà bản thân không có] a (a là sản phẩm của A), gồm các câu tục ngữ cùng nghĩa: “Thợ rèn không có dao ăn trầu”, “Làm hàng săng chết bó chiếu”, “Cô ả bán dầu(2) bôi đầu bằng nước lã”, “Làm ruộng chết đói, làm mói chết lạt”, “Làm thầy địa lí mất mả táng cha”, “Thợ mộc đẽo gỗ nghênh ngang, cửa nhà dột nát như hang chuột chù”,...).

Do đó, để tương ứng với các nghiên cứu có trước, và phần nào giúp việc nắm bắt câu tục ngữ đặt ra, ở đây, cần tìm hiểu hai vấn đề liên quan: Có hay không một mô hình mà câu tục ngữ vừa nêu phỏng theo, ở kho tàng tục ngữ của dân tộc (?); và nghĩa của câu tục ngữ đang bàn, thuộc loại nào trong bảy loại nghĩa đã ghi (?), cùng giá trị đích thực của nó. Trả lời chúng đồng nghĩa với việc đã giải quyết cơ bản vấn đề.

2. Giải quyết vấn đề

Để trả lời câu hỏi đầu, người viết sử dụng hai tài liệu: a) Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên) (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội (sách này tập hợp 16.098 đơn vị tục ngữ, chủ yếu ra đời trước năm 1945, từ 63 đầu sách có trước) - viết tắt: KTTNV; và b) Nguyễn Xuân Diện (2009), “Những lời nguyền khủng khiếp”, (Trannhuong.net), đăng ngày 03/8/2009 (bài viết tập hợp được 6 câu tục ngữ liên quan) - viết tắt: NLN. Để trả lời câu hỏi sau, dùng bài “Nghĩa của tục ngữ” (2004), Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5 (95), tr. 8-17.

2.1. Trong kho tàng tục ngữ người Việt, có một mô hình chung, trong đó, câu ở Thừa Thiên Huế là một biểu hiện

2.1.1. Một số câu tục ngữ cùng loại với câu ở Thừa Thiên Huế, trong kho tàng tục ngữ người Việt

Dưới đây, là 6 câu (từ 1 đến 6), trích từ [KTTNV, 2857 - 2861], và 4 câu (từ 7 đến 10), trích từ NLN (kèm theo các chú thích từ hai tài liệu này):

1/ “Vật ẩm Thanh Lanh thủy, vật đả Bá Hạ đề, vật thú Ái Liên thê, vật giao Đức Cung hữu” (Nguyễn Khắc Xương, Tục ngữ ca dao dân ca Vĩnh Phú, Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Vĩnh Phú xuất bản, 1994, tr. 21).

Theo Tục ngữ ca dao dân ca Vĩnh Phú: không uống nước Thanh Lanh, vì suối từ rừng Tam Đảo chảy ra, lá rụng đầy, nước độc; không đánh nhau với Bá Hạ, vì họ sẽ kéo cả làng ra bảo vệ nhau(3); không lấy vợ Ái Liên, vì con gái ở đây nổi tiếng lẳng lơ; không kết bạn với người Đức Cung, vì trong việc làm ăn có tiếng là không sòng phẳng. [KTTNV, 2857] ghi: Ở Vĩnh Phúc, Bá Hạ, Ái Liên nay thuộc xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên; Đức Cung nay thuộc xã Cao Minh, huyện Mê Linh.

2/ “Vật du Vũ Yển thị, vật thực Phao Võng kê, vật thú Hoàng Cương thê, vật giao Lương Lỗ hữu” (Tục ngữ ca dao dân ca Vĩnh Phú, sđd., tr. 21).

Theo Tục ngữ ca dao dân ca Vĩnh Phú: không chơi chợ Vũ Yển, vì trộm cắp nhiều; không ăn thịt gà ở Phao Võng, vì có thể là gà ăn cắp; không lấy vợ ở Hoàng Cương, vì phụ nữ vùng này có tướng sát phu; không đánh bạn với người Lương Lỗ, vì dân ở đây ít chơi bời, giao thiệp, chỉ căn cơ vun vén việc nhà. [KTTNV, 2859] ghi: Ở tỉnh Phú Thọ, các địa điểm của câu tục ngữ đều thuộc huyện Thanh Ba(4).

3/ “Vật dục Thiểm Xuyên trì, vật giáo Đông An nhi, vật giao Hương La hữu, vật thú Như Nguyệt thê” (Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Đình Bưu, Phương ngôn xứ Bắc, Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Hà Bắc xuất bản, 1994, tr. 160).

Theo Phương ngôn xứ Bắc: ao Thiểm Xuyên nước đục, không tắm được; trẻ em Đông An đã nói khoác giống người lớn, khó răn bảo(5); con trai làng Xà (Hương La) sắc sảo khó chơi; con gái Như Nguyệt trôi nổi sông nước, không nên lấy làm vợ). [KTTNV, 2859] ghi: Ở tỉnh Bắc Ninh, các địa điểm ở câu tục ngữ đều thuộc huyện Yên Phong.

4/ “Vật giao Phù Lưu hữu, vật thú Đình Bảng thê, vật ẩm Đồng Kị thủy, vật thực Cẩm Giang kê” (Phương ngôn xứ Bắc, sđd., tr. 160).

Theo Phương ngôn xứ Bắc: Phù Lưu hời hợt với khách, rất khó chơi, con gái Đình Bảng khinh trai thiên hạ nghèo, làng Đồng Kị buôn trâu, nước bẩn không uống được, ăn thịt gà ở Cẩm Giang hay bị cạnh khóe. Câu này, ở tài liệu Phương ngôn tục ngữ(6), tr. 38b, hai vế cuối chép là: vật ẩm Niết Thủy(7), vật thực Cẩm Nương kê.

5/ “Vật giao Xuân Đán hữu, vật thú Đông Loan thê” (Phương ngôn xứ Bắc, sđd., tr. 160).

Theo Phương ngôn xứ Bắc: trai Xuân Đán (Xuân Phú, huyện Yên Dũng) khó chơi, con gái Đông Loan nganh ngạnh.

6/ “Vật kết Ninh Tào, vô giao Đức Thắng” (Phương ngôn xứ Bắc, sđd., tr. 160).

Theo Phương ngôn xứ Bắc: Ninh Tào thuộc tổng Gia Cát (nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa); hai nơi trên khó giao du, kết bạn. Các địa danh ở câu này và câu liền trước thuộc tỉnh Bắc Giang.

7/ “Vật thú Vân Đình thiếp, vật giao Hoà Xá hữu, vật thực Tử Dương kê, vật thính Bài Lâm thuyết” (chớ lấy con gái Vân Đình làm vợ bé; chớ kết bạn với người Hòa Xá; chớ ăn thịt gà Tử Dương; chớ nghe lời người Bài Lâm).

Các địa danh thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ).

8/ “Mạc tranh Đại Đồng trưởng, mạc thú Tảo Thượng thê, mạc giao Đông Sàng hữu, mạc thực Mỹ Lương kê (chớ tranh chức trưởng với dân Đại Đồng, chớ lấy con gái Tảo Thượng làm vợ, chớ kết bạn với người làng Đông Sàng, chớ ăn thịt gà Mỹ Lương).

Các địa danh thuộc tỉnh Sơn Tây.

9/ “Mạc giao Hoằng Nghĩa hữu, mạc thú Nguyệt Viên thê, mạc đả Bút Sơn kì, mạc thương Quan Nội huyện (chớ đánh bạn với dân Hoằng Nghĩa; chớ lấy vợ Nguyệt Viên; chớ đánh cờ với người Bút Sơn; chớ buôn bán với dân chợ huyện Quan Nội).

Các địa danh thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 1

0/ “Vật hành Cương Gián lộ, vật giao Mỹ Dương nho, vật thú Tả Ao thê, vật bằng Cộng Khánh hữu (chớ đi đường Cương Gián; chớ giao du với nhà Nho ở Mỹ Dương; chớ lấy con gái làng Tả Ao làm vợ; chớ kết bạn với dân Cộng Khánh).

Các địa danh thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

2.1.2. Đặc điểm cơ bản của số câu tục ngữ đang đặt ra

Bước đầu, có thể phân tích để nắm bắt về xuất xứ, về hình thức, về nội dung và về mô hình cấu trúc, tức đặc điểm cơ bản của các câu tục ngữ vừa dẫn (dưới đây, gọi tắt là “nhóm tục ngữ”):

- Về xuất xứ, trừ các câu từ NLN mới ghi được gần đây (tức được lưu truyền đến thời hiện tại), những câu khác ở KTTNV được chép từ các sách: Tục ngữ ca dao dân ca Vĩnh Phú, Phương ngôn xứ Bắc, và Phương ngôn tục ngữ (sách bằng chữ Hán Nôm). Như đã giới thuyết khi nêu KTTNV, điều này cho thấy, “nhóm tục ngữ” đặt ra xuất hiện trước 1945, có thể sớm hơn mốc này vài trăm năm, và lưu truyền đến nay. Địa bàn lưu truyền trải dài từ Bắc Bộ đến Trung Bộ(8).

- Về hình thức, các câu của “nhóm tục ngữ” đều theo hình thức Hán văn, gồm bốn vế (trừ hai câu 5 và 6, chỉ hai vế), mỗi vế năm tiếng. Mở đầu các vế, là các tiếng (đồng thời là từ) cùng/gần nghĩa: “vật” [勿] (đừng, không nên), “mạc” [莫] (chớ, đừng), “bất” [不] (không, chẳng). Trừ câu 10, các vế có quan hệ với nhau bằng vần (vần chân), theo lối thơ ngũ ngôn tứ tuyệt: vần trắc, như câu 7; vần bằng, như các câu 3, 4, 8 (tài liệu NLN đã trình bày các câu tục ngữ theo thể thơ này). Do không phải ngũ ngôn tứ tuyệt luật Đường, các quy định về việc gieo vần, tạo đối và niêm luật không đặt ra, nên nếu gọi là thơ thì nó khá phóng túng (chưa nói đến số trường hợp không quan tâm đến vần). Đó là lí do chúng được trình bày như văn xuôi, dạng câu tục ngữ khá dài (đến hai mươi tiếng).

- Về nội dung, những sự việc mà “nhóm tục ngữ” đang bàn quan tâm, gồm: a) Việc kết bạn, thì cần trừ ở A ra: 11 bài (100%); b) Việc lấy vợ, thì cần trừ B ra: 10 bài (90,9%); c) Việc ăn uống, thì không nên ăn gà ở C: 5 bài (45,5%), không nên uống nước ở D: 4 bài (36,4%); d) Việc vui chơi, thì không nên quan hệ giao lưu ở E: 2 bài (18,2%), không nên đánh cờ ở F: 1 bài (9,1%); dạo chơi ở G: 1 bài (9,1%); tắm táp ở H: 1 bài (9,1%); e) Ngoài ra, là các việc đi đường, buôn bán, dạy học, nghe lời người khác, cùng các chuyện đánh nhau, tranh chức trưởng: mỗi việc/chuyện một bài (A, B, C, D, E, F, G, H: chỉ một thôn làng - có khi là tên đường, tên chợ,... - trong huyện, tỉnh có câu tục ngữ).

- Về mô hình cấu trúc, “nhóm tục ngữ” đặt ra có cùng mô hình: Vật (mạc/bất) giao A hữu, thú B thê, thực C kê, ẩm D thủy (chớ kết bạn ở A, chớ lấy vợ ở B, chớ ăn thịt gà ở C, chớ uống nước ở D) [A, B, C, D: tên thôn làng, chúng thường thuộc vào một địa bàn nhất định, như huyện hay tỉnh; các nội dung “ăn thịt gà”, “uống nước”,... có thể được thay bằng “dạo chơi”, “đánh cờ”, “tắm táp”, “dạy học”, “buôn bán”,...]. Đây là mô hình ở cấp vi mô (cấp cơ sở, đơn vị), của một nhóm nhỏ các câu tục ngữ cùng nghĩa, do mô hình quy định. Đồng thời, là nhóm mô hình lưu truyền kinh nghiệm, có tính chất của một lời khuyên.

2.2. Nghĩa của câu tục ngữ ở Thừa Thiên Huế

2.2.1. Ở trước đã nêu bảy loại nghĩa của tục ngữ, trong đó, có nghĩa đen. “Nghĩa đen là nghĩa được suy trên cơ sở sự thống nhất, sự phù hợp giữa đối tượng được đề cập (hay hiện thực được nói đến) trong câu tục ngữ với cuộc sống thực, với chân lí khách quan. Câu tục ngữ chỉ có duy nhất nghĩa đen là câu tục ngữ có nghĩa được suy trên cơ sở vừa nêu, và ngoài nó ra, không tạo một sự liên tưởng nào khác”(9). Chẳng hạn, các câu “Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, “Thừa mạ thì bán, chớ có cấy ráng(10) ăn rơm”, “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”. (Phân tích: vào khoảng tháng bảy âm lịch, ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ thì thường xảy ra mưa lụt; khi cấy, thấy mạ thừa mà cấy rậm vào, thì lúa sẽ ít hạt; tôm có nhiều trên mặt nước lúc chạng vạng, trong lúc cá lại kéo thành đàn vào rạng sáng - biết để đánh bắt); chúng đều có nghĩa đen, được hình thành bởi nghĩa này. Nghĩa của bộ phận tục ngữ nhằm truyền đạt kinh nghiệm hay khuyên răn, hầu hết thuộc loại nghĩa ấy.

Câu tục ngữ “Bất thú Dạ Lê thê, bất thực Lương Quán kê, bất giao Nguyệt Biều hữu, bất ẩm Thạch Hàn thủy”, biểu thị các nội dung cơ bản mà mô hình của “nhóm tục ngữ” đặt ra, trong khoảng cao nhất của chúng (từ 36,4% đến 100%), nhằm lưu truyền kinh nghiệm hay khuyên răn, nên thuộc loại tục ngữ có nghĩa đen.

Dạ Lê là tên gọi hiện nay của hai làng Dạ Lê Chánh (cũng nói Dạ Lê Gót), thuộc xã Thủy Vân, và Dạ Lê Thượng thuộc xã Thủy Phương (hai làng đều thuộc Thị xã Hương Thủy)(11). Làng Dạ Lê Chánh có khả năng được thành lập sau chiến thắng của vua Lê Thánh Tông, trong cuộc chinh Nam (vào đầu năm 1471, nhà vua đã đóng quân ở Hóa Châu)(12). Nếu Dạ Lê Chánh nổi tiếng với nghề làm gót (cót), chằm nón, đan ghe tre, làm mui thuyền (hai nghề sau được Lê Quý Đôn ghi nhận trong Phủ biên tạp lục), thì Dạ Lê Thượng lại nổi tiếng với “than, củi, chủi, lá” (lá ở đây dùng để nấu nước uống hàng ngày, vừa giải khát vừa bồi bổ sức khỏe, gồm các loại: mắm nêm, nhân trần, chó đẻ, bướm bạc, hà thủ ô, bò bò, choài choại, ngấy,...). Thuở mới lập làng, đa số cư dân Dạ Lê Thượng xuất phát từ Dạ Lê Chánh, nên dù câu tục ngữ không chỉ rõ Chánh hay Thượng, cũng có thể hiểu cả hai.

Nguyệt Biều và Lương Quán là hai làng của phường Thủy Biều (thuộc thành phố Huế). Người xưa có câu: “Nguyệt Biều, Lương Quán bao xa/ Cách nhau cái hói, chia ra hai làng”. Một số tư liệu cho biết, làng Nguyệt Biều hình thành vào khoảng 1559, còn làng Lương Quán thì thành lập sau đó. Hiện nay, tại phường Thủy Biều có một số điểm di tích như Hổ Quyền, đền Voi Ré, thành Lồi, đền Long Thọ Cương (nay không còn), và một hệ thống các nhà rường cổ mang đậm tính chất của Huế (Theo: “Thủy Biều”, Vi.wikipedia.org, ngày truy cập: 6/2/2017)

Thạch Hàn, cũng gọi Đá Hàn, thuộc xã Hương Thọ (Thị xã Hương Trà). Có người cho nước khe ở đây có thể gây rụng răng, có người bảo nước giếng mới độc (đều là chuyện của ngày nào). Xã Hương Thọ có diện tích 47,08 km², dân số năm 1999 là 4866 người, mật độ dân số đạt 103 người/km² (Theo: “Hương Thọ, Hương Trà”, Vi.wikipedia.org, ngày truy cập: 8/2/2017).

2.2.2. Như đã nêu, do kinh nghiệm hay lời khuyên bảo của câu tục ngữ này khá hồ đồ, vơ đũa cả nắm, nên không cần thiết phải bàn kĩ. Nhóm biên soạn sách KTTNV đã thận trọng dành bốn chỗ, trong vòng ba trang sách, để chú dưới các câu tục ngữ thuộc nhóm vừa trình bày, rằng: “Đây là chuyện ngày xưa và cũng chỉ đúng với một số người”. Sự thận trọng ấy là cần thiết, để tránh hiểu nhầm.

Bên cạnh đó, cũng nên nói cho rõ thêm, là với nhóm tục ngữ có nội dung khuyên nhủ, truyền đạt kinh nghiệm, thì những kinh nghiệm kia không phải vĩnh viễn đúng, mà thông thường chỉ xác thực ở một thời điểm, một địa bàn hẹp, và lắm khi cũng chỉ phù hợp với một nhóm người nhất định. Nghĩa của câu tục ngữ ở Thừa Thiên Huế thuộc “nhóm tục ngữ” đang bàn, ứng với những điều ấy.

3. Nhận xét, kết luận

3.1. Trước hết, có thể nói, câu tục ngữ qua mô hình của nó, được lưu truyền phổ biến ở một vùng rộng lớn trên đất Bắc, từ các khu trung tâm, như Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội, đến các vùng lân cận như Sơn La, Bắc Giang, có độ dài ngót 400 cây số. Rồi từ đó, nó đi dọc theo chiều dài đất nước, qua Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Nam, vượt 600 cây số đường chim bay, và có thể còn nữa... Khi đến xứ Huế, xứ Quảng, từ “bốn chớ” (hay “bốn điều không nên làm”), trở thành “bốn không”: mức độ phủ định có dứt khoát hơn.

Kế đến, cũng cần xem xét về thể loại của các câu đang bàn. Tục ngữ phần lớn từ 4 đến 10 tiếng. Số tục ngữ khá dài, gồm một cặp lục bát (như “Con hư bởi tại cha dong, vợ hư bởi tại thằng chồng cả nghe”), cũng chỉ 14 tiếng. Các câu này thuộc loại có dung lượng lời lớn, gồm 20 tiếng, nhưng chưa phải là lớn nhất(13). Ở thể loại này, có những đơn vị dù dung lượng lời lớn, nhưng do sự “phân khúc”, tức chia tách thành các nhóm nhỏ đều đặn về hình thức (số lượng tiếng, vần, nhịp), độc lập về nội dung, thì vẫn được chấp nhận để xếp vào. Các câu đang bàn đáp ứng yêu cầu này, nên chúng có tư cách là tục ngữ.

Cuối cùng, từ chi tiết về nội dung trình bày ở tiểu mục 2.1.2., chỉ ra: chủ nhân (hiểu như người sáng tạo, lưu truyền) của “nhóm tục ngữ” này là nam thanh niên, có nhu cầu kết bạn, lấy vợ, ăn uống, vui chơi,..., trong phạm vi ở huyện hay tỉnh của mình. Phạm vi này được quan tâm, bởi thông thường, các nhu cầu như đã nêu, khi được thực hiện bằng đôi chân, tức đi bộ, thì kể từ điểm xuất phát, bán kính thường nhỏ hơn năm mươi cây số.

3.2. Ở trên, là việc đặt câu tục ngữ “Bất thú Dạ Lê thê, bất thực Lương Quán kê, bất giao Nguyệt Biều hữu, bất ẩm Thạch Hàn thủy” trong nhóm các câu tục ngữ có cùng mô hình cấu trúc, rồi đặt “nhóm tục ngữ” có cùng mô hình này trong thể loại tục ngữ của người Việt để xem xét “tư cách tục ngữ”, khi đủ tư cách là tục ngữ rồi, thì tìm hiểu loại nghĩa thích ứng với chúng, và cuối cùng là nêu ý nghĩa đó ra. Sở dĩ phải qua một “dây chuyền” công việc như vậy, vì không thể muốn nắm hiểu một sáng tác văn học dân gian mà bỏ qua hệ thống đã sinh thành ra nó. Bởi tục ngữ cũng như các thể loại văn học dân gian khác được sáng tạo, phổ biến và lưu truyền dựa trên mô hình cấu trúc văn bản đã nêu.

Đây là câu tục ngữ được phổ biến mạnh không phải ở nội dung, mà cái chính là mô hình của nó. Giả sử việc tiếp cận vấn đề đặt ra không tuân thủ “bài bản” đã nêu, thì câu và “nhóm tục ngữ” đang bàn rất có thể sẽ khiến người đọc hoang mang, thậm chí phát hoảng. Nhan đề “Những lời nguyền khủng khiếp”, khi sưu tầm, tập hợp một số đơn vị của chúng, qua NLN đã nêu, cũng phần nào cho thấy điều ấy.

T.N (TCSH340/06-2017)

 

-------------------------

(1) Triều Nguyên (2006), Tục ngữ Thừa Thiên Huế, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 65.

(2) Dầu: dầu thơm, để bôi tóc (ngày trước, thường gặp là dầu dừa).

(3) “Đề” trong “vật đả Bá Hạ đề”, là lấy chân đá (Đào Duy Anh (1994), Hán Việt từ điển, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 263/quyển thượng).

(4) Vĩnh Phú, từ năm 1968 đến năm 1996, là một tỉnh của Việt Nam. Hiện nay, địa danh Vĩnh Phú bao gồm hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

(5) Làng Đông An (thuộc tổng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) nói khoác nổi tiếng. Có câu “Đông An cả làng nói khoác”, nên khó thể cho trẻ em được đặt ra ngoài cuộc.

(6) Phương ngôn tục ngữ là sách Hán Nôm, không ghi tên người biên soạn hoặc người sao chép. Sách này sưu tập nhiều tục ngữ, thành ngữ, câu đố chữ Nôm, chữ Hán. Các thành ngữ, tục ngữ xếp theo 28 đề mục, bằng chữ Hán.

(7) Thật ra, vế “vật ẩm Niết Thủy”, vẫn có thể ghi “vật ẩm Niết Thủy thủy”, cho dù “thủy2”, một danh từ chung, cùng âm với một yếu tố thuộc địa danh.

(8) NLN có ghi thêm một câu sưu tầm được ở Quảng Nam: “Bất giao Thừa Thiên hữu, bất thú Quảng Ngãi thê, bất thương Bắc Hà khách, bất đấu Bình Định kê” (đừng kết bạn với người Thừa Thiên; đừng lấy con gái Quảng Ngãi làm vợ; đừng buôn bán với khách buôn Bắc Hà; đừng chọi gà với dân Bình Định). Có người nói, còn nghe được những câu tương tự ở nam Trung Bộ và Nam Bộ (nhưng người viết chưa nắm bắt được cứ liệu).

(9) Triều Nguyên (2004), “Nghĩa của tục ngữ”, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5 (95), tr. 9.

(10) Ráng: cố, gắng.

(11) Cách đây chưa đến 100 năm, người địa phương, và các văn bản chính thức gọi vùng đất này là Dã Lê. Riêng Dã Lê Thượng thì đến đầu thế kỉ XIX, vẫn được gọi là thôn (so với xã của Dã Lê Chánh), như đơn trình xin chia tách bộ điền (chia đất đai) giữa hai bên, vào năm 1811; đến đầu thế kỉ XX mới chính thức gọi là xã (qua sắc phong thần cho cụ Nguyễn Đình Thủy vào năm Khải Định thứ hai, 1917) - Theo “Dã Lê hay Dạ Lê” (không ghi tên tác giả), (Tapchisonghuong.com.vn), ngày đăng: 28/2/2014. Việc hình thành hai làng Dã Lê, tương tự với hai làng Thanh Thủy, ở gần bên (cũng gồm Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thủy Thanh, và Thanh Thủy Thượng, thuộc xã/phường Thủy Dương), cùng thuộc huyện/thị xã Hương Thủy.

(12) Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 28-29.

(13) Cũng có câu tục ngữ với dung lượng lời lớn hơn 20 tiếng, như câu “Liềm kẻ Rào, dao Thống Vát, bát Cầu Cậy, gậy Xuân Lai, trai Quế Ổ, rổ Đức Tái, gái Mộ Đạo, gạo Nghiêm Xá, cá Thất Gian” [KTTNV, 1614], đến 27 tiếng.

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, ngày 30.6.2017.

Thông tin truy cập

63694457
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14749
23426
63694457

Thành viên trực tuyến

Đang có 600 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website