Lương thiện ít đi và người ta có nhiều dục vọng hơn với tiền bạc

TTO - Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa vừa có cuộc trò chuyện tại khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM sáng 8-4. Đây là cuộc gặp gỡ độc giả lần thứ hai trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông.

20190408 DLK

Nhà văn Diêm Liên Khoa (trái) cùng TS Phan Thu Vân trò chuyện với bạn đọc tại Đại học KHXH&NV TP.HCM sáng 8-4 -

Ảnh: L.Điền

"Sự lương thiện ngày càng ít đi và người ta ngày càng có nhiều dục vọng hơn với tiền bạc"

- Nhà văn Diêm Liên Khoa

Mặc dù chủ đề của buổi trò chuyện có sức gợi đặc thù Trung Quốc và văn học trong một thôn trang, nhà văn Diêm Liên Khoa xuất hiện với cách nói dung dị kiểu một người đang hào hứng kể lại những "chuyện làng tôi" mà ông cho là rất đáng quan tâm.

Thôn trang có tầm... nhân loại

Bằng cách kể giễu nhại với nét duyên ngầm, những câu chuyện về thôn trang của Diêm Liên Khoa cuốn hút thật. Từ thôn trang ngày xưa chỉ có 2.000 dân, nay đã lên đến 8.000 dân, câu chuyện biến động về cảnh vật và lòng người cũng diễn ra rất khốc liệt. "Sự lương thiện ngày càng ít đi và người ta ngày càng có nhiều dục vọng hơn với tiền bạc".

Ông kể câu chuyện người em họ của chính ông, "Anh ta dành dụm tiền mua chiếc xe tải chở hàng, ngay ngày đầu tiên đã tông phải hai mẹ con đi xe đạp, đứa bé 3 tuổi chết tại chỗ, người nhà bắt bồi thường ba vạn tệ, khi kể lại với tôi người em chỉ đau xót vì bị mất tiền, chứ không hề đau xót vì một đứa bé chết như thế".

Và câu chuyện đốn hạ cây xanh mới gần gũi với không gian cuộc trò chuyện làm sao, trong căn phòng D201 cách đường Tôn Đức Thắng chừng trăm bước chân, Diêm Liên Khoa kể rằng "Ở thôn của tôi cũng xảy ra nạn chặt trộm cây xanh đi bán, đến nỗi tuy là thôn trang nông thôn mà giờ không còn cây xanh nữa, Chính phủ phải đem cây dương biến đổi gen tới trồng bù vào".

Rồi cũng chính ông, trong một lần đưa đứa cháu về thôn để nhìn cảnh sắc nông thôn thì đã không còn tiếng bò, tiếng ngựa, tiếng chó, tiếng gà gì nữa. Ông buồn bã nói: "Ta có giàu đến đâu cũng nên lưu giữ tiếng chim hót trên trời và tiếng ngựa bò gà chó trong thôn, nếu không còn những thứ ấy, có lẽ ngày tận thế cũng đến gần rồi đấy".

Và trong cái thôn trang nay đã thành trấn ấy, có ngồn ngộn câu chuyện đầy tính văn học. Nhưng ấn tượng hơn cả là hình ảnh một bà cụ 70 tuổi người đạo Thiên Chúa. Diêm Liên Khoa kể từ những năm 1930 trong thôn ông đã không còn ngôi giáo đường nào dù Thánh kinh thì còn.

Khi lớn lên, ông thấy có 1 bà cụ 70 tuổi không chồng con, sống một mình, ngày ngày dùng hai chiếc đũa cột lại thành cây thập giá để nơi cửa sổ, mỗi khi ra khỏi nhà và trước khi ngủ bà đều đến cầu nguyện trước cây thập giá đôi đũa ấy, Amen, rồi mới đi.

Không chỉ duyên dáng trong cách kể, Diêm Liên Khoa còn có niềm tin rằng mỗi vấn đề lớn lao nào của thời đại đều có đối ảnh tại thôn trang của ông.

Khi nói về cái xấu, các ác trong văn ông, Diêm Liêm Khoa cho rằng cũng cần có người viết về bóng tối khi đã có nhiều người viết về cái xán lạn. 

Và trong vị thế một người theo dõi các dòng văn chương, GS Huỳnh Như Phương đã đưa ra nhận định sát sườn với Diêm Liên Khoa: "Có vẻ với những bậc thầy viết về nông thôn như Lỗ Tấn ở Trung Quốc nay Nam Cao ở Việt Nam, thì nông thôn ấy hãy còn có thể cứu chữa, nhưng đến Diêm Liên Khoa viết về nông thôn thì nông thôn đã không còn cứu chữa được nữa rồi".

Và GS Phương đưa ra một câu hỏi: Viết phơi bày về cái xấu cái ác như thế, liệu có giúp được gì cho nông thôn hay không?

Đây có lẽ sẽ còn là mối ưu tư của nhiều người, nhiều thế hệ cầm bút tiếp sau. Riêng với Diêm Liên Khoa, ông tự nhận mình không còn nhiều thời gian, điều quan trọng là viết ra được thế giới nội tâm của mình, còn được tán dương hay bị chửi rủa đối với ông không còn quan trọng nữa.

20190408 DLK2

Dịch giả Quế Sơn đặt vấn đề về tự kiểm duyệt khi sáng tác với nhà văn Diêm Liên Khoa - Ảnh: L.Điền

Không ai viết về chiến tranh được như Bảo Ninh

Diêm Liên Khoa cũng dành một phần thời gian bày tỏ sự ngưỡng mộ tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Chính ông đã viết lời tựa cho bản dịch tiếng Trung tác phẩm này từ năm 2015. Diêm Liên Khoa thừa nhận không có nhà văn Trung Quốc nào, "kể cả tôi" viết về chiến tranh hay được như Bảo Ninh, đặc biệt là chất trữ tình Á Đông trong Nỗi buồn chiến tranh.

Và trong một cái nhìn tự vấn, Diêm Liên Khoa cho rằng hiện những nhà văn Trung Quốc đang say mê văn chương Âu - Mỹ mà bỏ quên văn chương châu Á, với các nền văn học láng giềng như Việt Nam.

Bằng chứng là Nỗi buồn chiến tranh sau khi ấn hành 25 năm tại Việt Nam mới được dịch và giới thiệu ở Trung Quốc. Ông "mong rằng sự mê muội về chủ nghĩa nước lớn của Trung Quốc sẽ bớt dần đi, và tôi sẽ được đọc tác phẩm của các nền văn học khác bất kể dân số của họ là bao nhiêu".

Nhắc đến cái chất Á Đông ở văn giới Việt Nam và Trung Quốc, Diêm Liên Khoa cũng có nhận định thật thâm thúy: "Nhà văn Việt Nam và Trung Quốc có lẽ khó viết được tác phẩm vĩ đại về đề tài tôn giáo, nhưng hoàn toàn có thể viết được tác phẩm lớn về sự hoài nghi tôn giáo".

Đề tài Trung Quốc hiện đại cũng vậy, ông cho rằng đây đang là nơi có nhiều tư liệu văn học nhất, và nhà văn chỉ cần chọn phương pháp thích hợp để kể lại.

Sách của Diêm Liên Khoa đã được dịch sang tiếng Việt 5 quyển: Phong Nhã Tụng, Người tình phu nhân sư trưởng, Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn, Kiên ngạnh như thủy, Đinh trang mộng.

Sắp tới sẽ có quyển thứ 6 là Tứ thư. Tại cuộc trò chuyện ông cũng cho biết còn 5 quyển nữa cũng sẽ dịch và ấn hành tại Việt Nam.

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 08.4.2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63753459
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16330
35223
63753459

Thành viên trực tuyến

Đang có 69 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website