Khác với truyện ngắn và tiểu thuyết vốn có sự ổn định tương đối về đặc trưng thể loại, các tác phẩm ký tuy cùng nằm trong loại hình văn xuôi tự sự song lại là tên gọi chung cho một nhóm thể tài có tính giao thoa giữa báo chí (chính luận, điều tra, ghi chép tư liệu, tường thuật sự kiện...) với văn học, in đậm dấu ấn “sự hợp nhất truyện và khảo cứu” (M. Gorki) và thường có tính xã hội, tính thời sự sâu sắc, bao gồm nhiều tiểu loại thể văn như bút ký, ký sự, phóng sự, tiểu thuyết phóng sự, du ký, hồi ký, nhật ký, tuỳ bút, tản văn, tạp văn, tiểu luận (et-xe)(1)... Đặc điểm sự giao thoa này càng trở nên rõ ràng khi mà bản thân thể tài ký còn đang trong quá trình hình thành và phát triển, khi mà ngay đường biên thể loại giữa truyện ngắn và ghi chép, giữa tiểu thuyết và phóng sự đôi khi cũng chưa được phân định rõ nét. Đây cũng là đặc điểm chung của văn học Việt Nam ở giai đoạn bước đầu hiện đại hoá, đang từng bước hội nhập vào nền văn học có tính chất toàn nhân loại.
- Nguyễn Hữu Sơn
- Văn học Việt Nam
- Lượt xem: 16998
Ký Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945
*
Trên thực tế nền văn học dân tộc thời trung đại, nhất là ở giai đoạn hậu kỳ, cũng đã xuất hiện nhiều tác phẩm ký xuất sắc như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720-1791), Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ (1821-1882), Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898)... Bước sang thế kỷ XX, cùng với sự phát triển vượt bậc của chữ Quốc ngữ và việc ra đời các loại báo, tạp chí, các nhà xuất bản khắp trong cả nước thì thể tài ký cũng xuất hiện và mau chóng giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn học. Ở đây trước hết phải ghi nhận những sáng tác có ý nghĩa đặt nền móng của Tản Đà (1889-1939) - người đã có công “khai sinh cho nhiều thể văn trong văn học Việt Nam buổi đầu thế kỷ” - đặc biệt cũng chính ông là người đã đề xuất và tự mình khai bút cho mục “Việt Nam nhị thập kỷ - Xã hội ba đào ký” trên An Nam tạp chí (không đều kỳ, 1926-1933). Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã sớm xác định vị trí thể văn bút ký của Tản Đà: "Nếu kể Việt văn thì trong khoảng mấy năm 1915, 1916, 1917, Nguyễn Khắc Hiếu đã viết nhiều bài phiếm luận có tính cách bút ký, vì ông đã căn cứ vào cuộc đời để phát biểu tư tưởng của mình. Chắc nhiều người còn nhớ những bài: Luận về ăn ngon, Thằng người ngây cưỡi con ngựa hay và nhiều bài khác nữa trong Đông Dương tạp chí của thi sĩ Tản Đà”(2).
Gắn liền với sự phát triển của báo chí trong vài ba thập niên đầu, tạp chí Nam phong (1917-1934) đã đi tiên phong trong việc in các tác phẩm ký, nhất là loại du ký - du hành, ghi chép và tuỳ bút. Bên cạnh phần trọng tâm là các trang khảo cứu, biên dịch, bình luận các vấn đề chính trị - xã hội - văn hoá là nhiều mục bài ghi chép, du ký - du hành với những đóng góp đa dạng của Phạm Quỳnh, Thiện Đình, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tiến Lãng, Đông Hồ, Mộng Tuyết... Khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong, 1917-1934, nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong 14 bộ môn và nêu nhận xét về thể du ký - còn được ông gọi là du hành - trên Tạp chí Nam phong: “Trong mục Du ký này, phải kể bài Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Lại tới Thần kinh của Nguyễn Tiến Lãng, Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, và nhất là Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh”(3)...
*
Bước sang thập kỷ ba mươi, thể tài ký Việt Nam có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Có thể nói cùng với sự trưởng thành mau chóng của ngành xuất bản, báo chí cộng hưởng với tinh thần cởi mở, dân chủ hoá một bước đời sống tư tưởng xã hội đã góp phần quan trọng tạo nên bước ngoặt của hoạt động văn học nghệ thuật. Trong bối cảnh chung ấy, tất cả các loại hình và thể loại văn học như thơ ca, văn xuôi, kịch, dịch thuật, biên khảo... đều thu được thành tựu lớn lao. Nói riêng ở thể tài ký cũng nở rộ các thể văn như phóng sự, bút ký, tản văn, hồi ký, du ký,... từ đó tạo nên diện mạo chủ yếu của lịch sử thể tài ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Phù hợp với tiến trình văn học sử 1930-1945 nói chung, sự phát triển của thể ký giai đoạn này cũng có thể chia thành hai chặng đường lớn: 1930-1939 và 1940-1945.
Ở chặng đường nằm trọn trong thập kỷ ba mươi, thể loại ký về cơ bản đã định hình phong cách nghệ thuật với các thể văn như phóng sự, hồi ký, nhật ký, bút ký, ghi chép, du ký... Đặt trong dòng mạch phát triển chung, việc xuất hiện phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang (Hà thành ngọ báo, 1932; Trung Bắc xuất bản, 1935) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước hết, tác phẩm vừa xác lập dòng chủ lưu của thể ký, nghĩa là chính thức đưa thể văn phóng sự lên ngôi, đồng thời mở đầu cho một kiểu loại văn học mới. Trong quá trình phát triển thể loại văn học còn chưa rõ ràng, song vẫn có thể định danh được các tác gia viết ký tiêu biểu của thời kỳ này là Tam Lang (Vũ Đình Chí), Trọng Lang (Trần Tán Cửu), Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Phùng Tất Đắc, Lê Văn Hiến, v.v...
Như đã nói trên, Tam Lang là nhà văn giữ vị trí chiếu nhất trong làng phóng sự Việt Nam hiện đại. Có thể khẳng định tất cả các tác phẩm của ông như Tôi kéo xe (1932), Đêm Sông Hương (viết 1932, in sách 1938), Lọng cụt cán (1939), Người... ngợm (1940) đều sớm đạt đến giá trị nghệ thuật chuẩn mực, cổ điển. Qua các phóng sự này, Tam Lang đã nhập thân sâu sắc vào cuộc sống hàng ngày của người phu xe (Tôi kéo xe), kiếp sống long đong của gái làm tiền nơi sông nước (Đêm Sông Hương) và tiếng nói châm biếm sâu cay bọn quan lại, nghị gật (Lọng cụt cán)... Trên phương diện tư duy sáng tạo, vai trò chủ thể giữ ngôi thứ nhất, vừa là người trải nghiệm trong cuộc, chứng kiến chuyện “người thực, việc thực” vừa là nhân vật thuật chuyện, kể chuyện, trình bày rõ những điều tai nghe mắt thấy. Từ năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận định: “Dù ở tác phẩm nào của Tam Lang, người ta cũng thấy cây bút của ông là cây bút tả chân và châm biếm; ông nhạo đời để răn đời, chứ không bao giờ có giọng độc ác. Bởi vậy, nếu xét kỹ, người ta sẽ thấy trong những tập phóng sự và những tập châm biếm, trào phúng trên này những tư tưởng thật là bác ái, bao giờ cũng có cái khuynh hướng bênh vực hạng người nghèo khổ, kém hèn, mà bênh vực vì lẽ phải, vì nhân đạo, chứ không xen lẫn một ý nghĩ chính trị nào”(4). Đến cuối thế kỷ, nhà nghiên cứu Lê Thị Đức Hạnh sau khi khảo sát các phương diện nội dung và nghệ thuật tác phẩm cũng khẳng định: “Với quyển Tôi kéo xe, đã có thể coi ông là người có công mở đầu cho thể văn phóng sự ở nước ta. Hơn thế, ông còn là một trong số hiếm hoi những người có tài năng, có cống hiến đặc sắc, độc đáo vào thể văn châm biếm, trào phúng trong văn chương Việt Nam những năm ba mươi của thế kỷ XX này”(5).
Nối tiếp là Vũ Trọng Phụng - nhà văn được bậc khai quốc thể phóng sự hiện đại Tam Lang ghi nhận là đã vượt lên và tiến xa trên nhiều phương diện. Điều đáng nói là phóng sự sáng tác của Vũ Trọng Phụng nói chung đều nằm trọn vẹn trong thập kỷ ba mươi với các nhan sách nổi tiếng như Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy, cơm cô, Lục xì (1937), Một huyện ăn tết (1938)... Các phóng sự của Vũ Trọng Phụng thể hiện rõ sự đa dạng về đề tài, về khả năng phân tích sự kiện và tâm lý nhân vật, về tầm bao quát nội dung xã hội cũng như nghệ thuật dẫn truyện. Vũ Trọng Phụng đi sâu phát hiện vấn đề, miêu tả sâu sắc nhiều trạng huống xã hội mới nảy sinh như nạn cờ bạc đã được nâng thành kỳ nghệ (Cạm bẫy người), nghề me Tây mới phất (Kỹ nghệ lấy Tây), cuộc sống đời thường muôn mặt của những con sen đứa ở (Cơm thầy cơm cô), thế giới đầy nhọc nhằn của bọn gái làm tiền (Lục xì) và đủ lối làm tiền tham lam trắng trợn của tầng lớp quan lại chốn hương thôn (Một huyện ăn tết)... Ngay từ đương thời, nhà phê bình Trương Tửu đã phân tích sâu sắc những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mang đầy tính nghịch lý trong mạch văn phóng sự của họ Vũ: "Ông làm phóng sự về con bạc, làm phóng sự về đầy tớ, làm phóng sự về gái điếm, làm phóng sự về me tây. Ông viết ra bốn quyển kiệt tác: Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây - nền móng đầu tiên của nghệ thuật phóng sự trong văn giới Việt Nam hiện đại. Viết bốn quyển ấy, ông muốn lột trần cái hạ đẳng của xã hội. Trong các trang giấy đó, không có sự khinh bỉ, không có lòng thương hại, không có ác ý mỉa mai. Ngòi bút ông thật là khách quan và vô tư. Ông sợ cái đời hạ đẳng ấy. Cái sợ này rất chính đáng. Ông đã thừa biết bọn người khốn nạn kia không bao giờ chờ được ở xã hội một cứu tế thiết thực. Đó là hạng người muốn tiêu trừ hơn là cứu vớt. Rơi xuống cái đẳng cấp ấy tức là trầm luân mãn kiếp và bị diệt vong... không để lại tiếng vang nào"(6). Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung xác định vị trí văn học sử của bộ phận phóng sự: “Vũ Trọng Phụng chỉ nổi tiếng từ những phóng sự Cạm bẫy người và Kỹ nghệ lấy Tây. Là một trong hai người viết phóng sự đầu tiên, Vũ Trọng Phụng đã có công lớn trong việc nhanh chóng đưa thể loại văn xuôi này đến chỗ thành thục, có vị trí vững vàng trong văn xuôi quốc ngữ... Ông là một trong số những người mở đầu và là người có công lớn nhất trong việc đưa thể loại phóng sự ở Việt Nam đến thành thục”(7). Qua thời gian dài, việc đánh giá về Vũ Trọng Phụng ngày càng khách quan, sâu sắc và toàn diện hơn, ngày càng nhận thức khoa học hơn những đóng góp xuất sắc của dòng văn phóng sự đối với sự phát triển chung của nền văn học hiện đại.
Tác giả Trọng Lang cũng là cây bút viết phóng sự sớm và chuyên nhất với thể văn này trong một thời gian dài. Các tác phẩm chính của Trọng Lang có Trong làng chạy, Đời bí mật của sư, vãi, Gà chọi (1935), Đồng bóng (1935-1936), Hà Nội lầm than (1937), Làm dân (1938), Làm tiền (1939); và sau này còn có thêm Thầy “lang”, Vợ lẽ nàng hầu, Những đứa trẻ (1941-1944)... Các phóng sự, ghi chép của Trọng Lang in khá rõ phong cách điều tra, kể chuyện, khai thác tư liệu thực tế. Nhà văn đã mở rộng diện đề tài, bao quát cả những khía cạnh đời sống tinh thần, phong tục tập quán và thực trạng những lối sống mới đang nảy sinh. Ở đây có cả thế giới muôn màu vẻ của bọn trộm cắp (Trong làng chạy), đời sống nhếch nhác cùng cực nơi thị thành (Hà Nội lầm than, Làm tiền) và muôn mặt những tệ nạn sau luỹ tre làng (Làm dân, Xôi thịt)... Nhiều trang viết thực sự sinh động, phô bày được những góc khuất tối của bọn người trộm cắp, đồng cốt, gái làm tiền, tệ nạn thuốc phiện... Không chỉ phản ánh và bộc lộ thái độ trước các vấn đề xã hội mà Trọng Lang còn tỏ bày khuynh hướng tư tưởng, chỉ ra những nỗi cơ cực, đau xót của lớp người “làm dân” dưới đáy xã hội. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan từng khái quát ý nghĩa sáng tác của Trọng Lang: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình... Muốn hiểu tâm hồn những hạng dân quê đã bị “lây” ít nhiều thói tỉnh thành, phải đọc những phóng sự của Trọng Lang; nhưng muốn hiểu tâm hồn những người dân quê còn đặc quê mùa, cần phải đọc những tập phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Ngô Tất Tố”(8).
Ngô Tất Tố viết khá nhiều phóng sự, ghi chép, tiểu phẩm báo chí. Ông là nhà phóng sự xuất sắc viết về đề tài nông dân và làng cảnh thôn quê trước Cách mạng, đặc biệt với các tác phẩm Tập án cái đình (1939), Việc làng (1940) - trước đó còn có tập Dao cầu thuyền tán và nhiều tiểu phẩm văn học khác. Là người có vốn văn hoá sâu rộng và thông thuộc nhiều mặt đời sống dân quê, Ngô Tất Tố đã phản ánh được bức tranh xã hội rộng lớn, bao gồm từ phong tục tập quán đến cuộc sống thường ngày, từ nỗi khổ cùng cực của người dân đen đến muôn mặt tệ lậu đám chức dịch. Ngô Tất Tố xứng đáng được coi là nhà xã hội học nghệ thuật ngôn từ xuất sắc bậc nhất về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ nhận xét: “Trong hai phóng sự Tập án cái đình và Việc làng, Ngô Tất Tố tìm cách phơi trần những sự thật xấu xa về các hủ tục ở nông thôn, xem đó là một cái gì vô lý “quái gở”, “mọi rợ”... Việc làng đã góp phần lên án chính sách ngu dân thâm độc của đế quốc Pháp ở thuộc địa, đã tố cáo những thủ đoạn bóc lột của bọn cường hào lý dịch ở nông thôn và là một đòn đánh rất mạnh và trực tiếp vào chủ nghĩa phục cổ”(9). Về tiểu phẩm báo chí, Ngô Tất Tố (với các bút danh Thục Điểu, Đạm Hiên, Thuyết Hải, Thôn Dân, Tuệ Nhỡn, Hy Cừ, Phó Chi, Xuân Trào, Lộc Hà...) có nhiều trang viết sắc sảo, giàu tính chiến đấu, giàu ý thức dân tộc...
Mặc dù trong ký còn có sự giao thoa giữa các “thể” và “tiểu loại”, song Vũ Ngọc Phan đã định danh những người viết bút ký tiêu biểu của thời kỳ này: “Lối văn này không mới, nhưng nhiều người vẫn cho là mới đối với những loại văn sản xuất gần đây. Nếu kể Việt văn thì trong khoảng mấy năm 1915, 1916, 1917, Nguyễn Khắc Hiếu đã viết nhiều bài phiếm luận có tính cách bút ký, vì ông đã căn cứ vào cuộc đời đã phát biểu tư tưởng của mình... Gần đây, những nhà văn viết bút ký cứng cáp hơn cả là Nguyễn Tuân và Phùng Tất Đắc”(10)... Với Nguyễn Tuân, tác phẩm của ông có khi được gọi là du ký như Một chuyến đi (in báo 1938, in sách 1941), có khi là phóng sự như Ngọn đèn dầu lạc (1939), Tàn đèn dầu lạc (1941) - trong khi Vũ Ngọc Phan cho đó “chỉ là một thiên phóng sự về thuốc phiện, chia làm hai quyển, mà đáng lý phải mang chung một nhan đề: “Ngọn đèn dầu lạc” - hoặc tuỳ bút như Chiếc lư đồng mắt cua (1941). Các tác phẩm ký của Nguyễn Tuân có tính chất tiếp nối giữa hai thập kỷ ba mươi và bốn mươi. Ngoài ra, tác phẩm của Nguyễn Tuân thể hiện rõ hơn hết cốt cách nhà văn và tính chất hỗn dung giữa các thể văn. Vũ Ngọc Phan đã nhận xét đúng mức: “Ông là một nhà văn đứng hẳn ra một phái riêng, cả về lối văn lẫn về tư tưởng... Những bài bút ký, những truyện ngắn, truyện dài của ông (...) đã làm cho văn giới Việt Nam phải chú ý đến lối hành văn đặc biệt của ông và những ý kiến cùng tư tưởng phô diễn bằng những giọng tài hoa, sâu cay và khinh bạc, lúc thì đầy nghệ thuật, lúc thì bừa bãi, lôi thôi, như một bức phác hoạ, nhưng bao giờ nó cũng cho người ta thấy một trạng thái của tâm hồn”(11)... Với Phùng Tất Đắc, thực chất ông chỉ viết một số tản văn, tạp văn trên các báo Đông Tây, Nhật tân và tập sách Trước đèn (1939). Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan xếp Trước đèn vào thể bút ký nhưng cũng gọi đây là tập “phiếm luận”, “nói chơi”, “lời bàn phiếm”... Như vậy, các sáng tác của Nguyễn Tuân, Phùng Tất Đắc đã bổ sung thêm dòng phong cách nhấn mạnh vai trò chủ thể, khả năng cảm luận, phiếm luận để rồi sau này phát triển hoàn chỉnh thêm ở các tác phẩm tuỳ bút, bút ký.
Nói đến diện mạo lịch sử ký Việt Nam thời kỳ này cần phải ghi nhận vai trò của nhiều cây bút đã viết ghi chép, phóng sự điều tra, nhật ký, hồi ký, du ký. Ở đây có những trang tường thuật cuộc sống người nghệ sĩ như Trương Đình Thi với Tôi, kép kịch (1934), Trần Tiêu có phóng sự điều tra Thanh niên thôn quê (1938). Về hồi ký có Lê Văn Hiến với Ngục Kontum (1938) đã kể lại cuộc sống lao tù khắc nghiệt nhưng đầy quả cảm của những người cách mạng. Ngoài ra còn có nhiều trang viết in báo ngắn gọn mang phong cách du ký (bao gồm đi thăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái, lễ hội, hội chợ...) của nhiều cây bút như Nhất Linh, Việt Sinh (Thạch Lam), Lê Ta (Thế Lữ), Thạch Lam, Trọng Lang, Khái Hưng, Thanh Tịnh... Tất cả những trang ghi chép này góp phần làm phong phú và tạo nên dòng chảy chung của thể ký Việt Nam, tạo tiền đề cho cả một quá trình phát triển tiếp theo.
*
Nối tiếp thời kỳ phát triển cực thịnh trong suốt thập kỷ ba mươi, các tác phẩm ký Việt Nam từ 1940 đến Cách mạng tháng Tám 1945 có bước tiếp nối và sự chuyển hướng mới rất đáng chú ý. Trước hết, các tác giả chủ lực như Trọng Lang, Ngô Tất Tố... vẫn tiếp tục có đóng góp; đồng thời các cây bút mới tiếp tục xuất hiện và khẳng định với tên tuổi những Nguyễn Đình Lạp, Thạch Lam, Vũ Bằng... Nhìn chung, các tác phẩm ký một mặt vẫn tiếp tục khai thác hiện thực đời sống muôn màu muôn vẻ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến; mặt khác đã quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề dân tộc, từng bước ý thức sâu sắc hơn về tính dân tộc và ý thức về yêu cầu giải phóng dân tộc đang ngày càng trở nên rõ nét hơn. Theo nhà phê bình Lê Thanh thì những năm 1940-41 là “một đoạn đường quành rõ rệt, ít nhất là đoạn đầu của một đường quành”, “Từ năm 1939 cuộc thế giới chiến tranh mở đầu. Tiếng súng nổ, nhà văn ta đương nhiên miên man trong cuộc sống trụy lạc nhổm dậy trông thấy cái nguy cơ của sự lười biếng của mình... Họ đứng dậy rũ áo tìm cách đoạn tuyệt với cái quá khứ nặng nề của họ. Bây giờ là thời đại của lịch sử, của sự sống còn, của sự chiến đấu. Họ dự bị bắt tay vào việc”(12). Gần đây, nhận xét về tình hình văn học thời kỳ này, Giáo sư Hoàng Như Mai nhấn mạnh: “Những năm đầu của thập niên bốn mươi dẫn đến Cách mạng tháng Tám 1945 chứng kiến một sự chuyển biến, chuyển hướng trong tư tưởng nghệ thuật của các nhà văn tiêu biểu. Một sự đổi hướng tích cực... Những năm 1940-1945 là cái gạch nối giữa hai chặng đường văn học, là cái đường băng cho văn học dân tộc khởi động, chuyển bánh, lấy đà, cất cánh bay vút lên cao”(13). Đó cũng là âm hưởng chung của đời sống tinh thần xã hội, đời sống văn hoá- văn nghệ và ý thức dân tộc của số đông các nhà văn: “Họ thấy sứ mệnh mình đối với quốc gia, ra sức hô hào cho việc làm lại xã hội, tự cường xây dựng quốc gia. Luồng gió phục hưng dân tộc đã thổi mạnh vào tư tưởng xã hội”(14)...
Xét trên phương diện tác gia và tác phẩm, các cây bút ký xuất sắc như Trọng Lang, Ngô Tất Tố tiếp tục có đóng góp mới. Vào thời gian này, Trọng Lang cho in các phóng sự đã in báo trước đây thành sách như Làm tiền (1942), Làm dân (1943), viết tiếp Thầy lang (in báo 1941, in sách 1944), đồng thời với các phóng sự mới viết về đời sống gia đình như Vợ lẽ nàng hầu (viết 1943, in 1950), Những đứa trẻ (viết 1944-1945, in 1950). Trong khi đó nhà văn Ngô Tất Tố tiếp tục khai thác đề tài tệ nạn chốn hương thôn với tập phóng sự Việc làng (in báo 1940, in sách 1941)... Ngoài ra, ở thời điểm đêm trước của cuộc Cách mạng tháng Tám vẫn xuất hiện thêm một số cây bút có vị trí quan trọng trong làng văn làng báo như Nguyễn Đình Lạp, Thạch Lam, Lộng Chương, Vũ Bằng, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Mãn Khánh Dương Kỵ, Biệt Lam Trần Huy Bá...
Xem xét trên phương diện thể tài nghệ thuật có thể thấy hình thức tiểu thuyết phóng sự đã lên ngôi và giữ một vị trí khá đặc biệt. Với các tác phẩm được định danh là “tiểu thuyết phóng sự” quả đã có sự hỗn dung thể loại, hỗn dung phong cách khiến cho một sự phân chia thể loại theo lối khoa học, rành mạch trở nên hết sức khó khăn. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu được chính các tác giả duy danh là “tiểu thuyết phóng sự” hoặc “phóng sự tiểu thuyết” như Lều chõng (Ngô Tất Tố, 1941), Ngoại ô (Nguyễn Đình Lạp, 1941), Hầu thánh (Lộng Chương, 1942), Ngõ hẻm (Nguyễn Đình Lạp, 1943)... Nói riêng với tác phẩm Bút nghiên (Chu Thiên, 1942), tuy tác giả đề rõ là tiểu thuyết, song Vũ Ngọc Phan đã xác định: “Tập Bút nghiên của ông tuy đề là tiểu thuyết trơn, nhưng có thể coi như một tập ký sự về cái lối đi học thi của ông cha chúng ta thuở xưa, hay đặt nó vào loại tiểu thuyết phóng sự cũng được”(15). Hầu hết tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng như Giông tố, Vỡ đê cũng in rõ dấu ấn chất phóng sự với những mức độ đậm nhạt khác nhau. Điều này có nghĩa là nhiều tác phẩm in đậm tính chất giao thoa thể loại, trong phóng sự đã có nhiều phần nghệ thuật được nâng cấp gần với tiểu thuyết và trong hình thức tiểu thuyết vẫn in đậm phong cách ghi chép phóng sự. Những tác phẩm phóng sự xuất sắc được coi là tương đối thuần nhất về mặt thể loại có thể kể đến Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam, 1943) và Cai (Vũ Bằng, 1944)... Về mặt nội dung, các tập Lều chõng và Bút nghiên đều hướng tới đề tài khoa cử, thể hiện muôn mặt đời sống học đường dưới thời quân chủ Nho giáo đã một đi không trở lại. Hai tập tiểu thuyết phóng sự Ngoại ô và Ngõ hẻm thì cùng đề cập đến cuộc sống người dân nghèo thành thị và cùng có một bút pháp thống nhất. Với tập Ngoại ô, Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Như tác giả đã cho in ngoài bìa, Ngoại ô là một tập phóng sự tiểu thuyết. Nhưng phóng sự tiểu thuyết là thế nào? Là một tiểu thuyết mà tác giả muốn thuật lại những việc có thực, những việc có thể làm đầu đề cho những thiên phóng sự và chỉ có rất ít tưởng tượng... Ngoại ô chỉ là một tập tiểu thuyết tả thực, một tập tiểu thuyết tả chân, vì nó có rất nhiều tưởng tượng. Ở lối tả chân, nhà tiểu thuyết có thể dùng rất nhiều tưởng tượng, miễn là chỉ căn cứ vào sự thực, vào những điều mắt thấy tai nghe là đủ”(16). Khi đọc Ngõ hẻm, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng cảm nhận: “Cuốn Ngõ hẻm của ông Nguyễn Đình Lạp đã phơi ra ánh sáng những mẩu đời vất vả, vật lộn, những cảnh gia đình vì nghèo túng mà xẩy ra tai nạn, nhưng cũng không vì nghèo túng mà làm mất cái hạnh phúc gia đình... Chính đọc xong cuốn Ngõ hẻm tôi đã có cảm tưởng ấy mỗi khi qua con đê Kim Liên, nhìn dòng nước sông Tô và tôi lại nhớ đến những cảnh gia đình đã được mô tả một cách rành rọt dưới ngòi bút linh động của ông Nguyễn Đình Lạp... Tôi xin vui lòng giới thiệu thiên tiểu thuyết phóng sự có giá trị với ai ai là người hằng để tâm đến việc xã hội cứu tế”(17). Như vậy, dù luận bình về nội dung hay nghệ thuật thì người đọc đương thời vẫn nhận rõ màu sắc sự thật được tái hiện trong tác phẩm, nghĩa là thấy rõ cả yếu tố tiểu thuyết và phương thức ghi chép người thực việc thực của phóng sự. Còn lại tập tiểu thuyết phóng sự Hầu thánh tập trung kể về nạn mê tín dị đoan, những trò đồng cốt, những kẻ sùng bái mù quáng và cả một bọn lợi dụng lòng tin người đời để lừa lọc kiếm ăn... Nhìn chung, các tác phẩm được gọi là “tiểu thuyết phóng sự” nêu trên đều tiềm tàng đặc điểm “già phóng sự, non tiểu thuyết”, nghĩa là đã gia tăng yếu tố tưởng tượng, hư cấu, song vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của các chi tiết đời sống hiện thực, người thực việc thực.
Đặt trong dòng chủ lưu các thể ký thời kỳ đêm trước Cách mạng tháng Tám còn có những tác phẩm thực sự sáng giá là phóng sự Cai (Vũ Bằng, in báo 1940, in sách 1944), Nợ văn (Lãng Tử Thúc Tề, 1941) và tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam, 1943). Thực tế tác phẩm Cai cũng có thể gọi là tiểu thuyết phóng sự hoặc truyện ký mà không sai bao nhiêu. Trong tác phẩm này có cả một cốt truyện tình yêu bi hài, có cả những trang miêu tả diễn biến tâm lý sinh động về kẻ nghiện, có cả những ghi chép chi tiết về nạn thuốc phiện và đan xen thêm cả hình thức ghi chép nhật ký. Trong chiều hướng chung nhất, có thể xem đây là thiên phóng sự đặc sắc, phong phú bậc nhất viết về tệ nạn nghiện hút dưới thời thực dân phong kiến. Phóng sự Nợ văn của Lãng Tử Thúc Tề đi sâu mô tả đời sống giới văn bút trong muôn mặt đời thường ở đất báo Sài Gòn. Còn lại Hà Nội băm sáu phố phường là tập bút ký chủ yếu tái hiện cuộc sống con người và quang cảnh phố phường Hà Nội ở những khía cạnh truyền thống văn hoá dân tộc, vẻ hào hoa thanh lịch với những biển hàng, những phố đẹp, những hiệu cao lâu - và đặc biệt là cuộc tổng kiểm kê và trình diễn các món quà mang đầy hương vị Hà Nội ngàn năm. Có thể xem đây là áng văn trong sáng, đầy thi vị của một tinh thần duy mĩ, một tấm lòng tha thiết mến yêu quê hương, đất nước, góp phần làm nên sự phong phú của thể ký đương thời.
Bên cạnh các tác phẩm tiêu biểu nói trên còn có nhiều trang ghi chép ngắn gọn của nhiều tác giả khắp trong Nam ngoài Bắc, chủ yếu in báo, trong đó nổi bật nhất là thể tài du ký. Đến lúc này, du ký phân nhánh thành nhiều cụm chủ điểm như khảo cứu phong tục, đi thăm di tích lịch sử, nơi danh lam thắng cảnh, du ngoạn bằng đường không, đường bộ, tàu hoả, tàu thuỷ. Ở đây có nhiều trang ghi chép khá sâu sắc, chi tiết về văn hoá học, dân tộc học như Tam Lang với Một ngày ở xứ Chàm (Tri tân, 1941); Biệt Lam Trần Huy Bá với lữ ký Ban Mê Thuột (Tri tân, 1942), Hai tháng ở gò Óc Eo hay là câu chuyện đi đào vàng (Tri tân, 1944-1945); Nhật Nham Trịnh Như Tấu với Sau tám năm trở lại thăm Laokay, Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể (Tri tân, 1942); Mãn Khánh Dương Kỵ với Indrapura - Đồng Dương, Thiên YANA (Tri tân, 1943)(18); Thái Hữu Thành với Giống Mọi ở Đồng Nai thượng, 15 ngày với Mọi có đuôi, Mọi “Xà Niên”, Ngải Mọi ở Đồng Nai thượng (Nam Kỳ tuần báo, 1943-1944)... Đồng thời nhiều địa danh lịch sử và danh thắng như Hạ Long, Yên Tử, Kiếp Bạc, Cát Bà, Hoa Lư, Sầm Sơn, Huế, Đà Lạt, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Hà Tiên, Phú Quốc... đều đã được miêu tả lại khá sinh động, chi tiết. Dù không trực diện phản ánh cuộc đấu tranh xã hội đương thời song chính mảng văn du ký cũng góp phần nâng cao nhận thức và niềm tự hào dân tộc, mở rộng hơn nữa dung lượng hiện thực và tầm bao quát sâu rộng, đa diện của thể ký đương thời.
*
Nhìn lại chặng đường phát triển của thể loại ký Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước những bước tiến vượt bậc cả về đội ngũ sáng tác, phạm vi đề tài, nội dung và nghệ thuật thể hiện. Khác với phong trào Thơ mới và kiểu sáng tác kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết còn in đậm dấu nét giao lưu, tiếp nhận ảnh hưởng văn học phương Tây thì bản thân các thể tài ký lại mang tính nội sinh hết sức rõ nét. Điều này có lý do trước hết bởi các thể tài ký có phương thức thể hiện chủ đạo là ghi chép, gần với phong cách thông tin người thật việc thật của báo chí. Do đó các đề tài và nội dung hiện thực phải là con người và sự kiện đang diễn ra ở Việt Nam chứ khó có hình thức mô phỏng, tiếp nhận cốt truyện ký ở nước ngoài vào Việt Nam. Sau khoảng một thập kỷ tập dượt, phải sang những năm ba mươi thì các thể tài ký mới có bước phát triển vượt bậc. Với tư cách là dòng chủ lưu của thể ký, các tác phẩm phóng sự với trang viết khởi đầu là Tôi kéo xe (1932) đã đóng một vai trò đặc biệt trong nền văn xuôi trước Cách mạng tháng Tám. Nhìn chung, các thể tài văn học ký đã phản ánh đầy dủ mọi khía cạnh bức tranh đời sống xã hội ở một giai đoạn lịch sử phức tạp và đầy biến động. Đó cũng đồng thời là con đường tự định hình, hoàn chỉnh dần các đặc điểm thể loại và xây dựng được nhiều tác phẩm xuất sắc, có đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển chung của nền văn học hiện đại./
_____________
(1) Tham khảo: - Hoàng Ngọc Hiến: Ký và tiểu luận (et-xe), trong sách Năm bài giảng về thể loại. Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, H, 1992. Tái bản. Nxb. Giáo dục, H, 1999; tr.5-24.
(2) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Quyển ba. Nxb. Tân Dân, H, 1942. Tái bản, Tập I. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr.413.
(3) Nguyễn Khắc Xuyên: Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong, 1917-1934. Trung tâm Học liệu - Bộ Văn hoá- Giáo dục ấn hành, Sài Gòn, 1968; tr.33. Tái bản. Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2002, tr.34.
- Xin xem Du ký Việt Nam - Nam phong tạp chí (1917-1934), ba tập (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007; 1918 trang.
(4) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Quyển ba. Nxb. Tân Dân, H, 1943. Tái bản, Tập I. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr.514.
(5) Lê Thị Đức Hạnh: Thể phóng sự và văn châm biếm của Tam Lang. Tạp chí Văn học, số 8-1998; tr.58.
(6) Trương Tửu: Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại. Tao đàn, số Đặc biệt, tháng 12-1939. In lại trong Vũ Trọng Phụng với chúng ta (Trần Hữu Tá sưu tầm, biên soạn, giới thiệu). Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1999, tr.144.
(7) Nguyễn Hoành Khung: Chương XIV - Vũ Trọng Phụng (1912-1939), trong sách Văn học Việt Nam (1900-1945). Tái bản lần thứ ba. Nxb. Giáo dục, H, 1999; tr.422-450.
(8), (10), (11) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Quyển ba. Sđd; tr.559-560,413, 415.
(9) Phan Cự Đệ: Chương XVIII - Ngô Tất Tố (1892-1954), trong sách Văn học Việt Nam (1900-1945). Sđd, tr.389-412.
(12) Lê Thanh: Nhìn qua văn học Việt Nam năm 1941. Tạp chí Tri tân, số 40, tháng 3-1942. In trong Tạp chí Tri tân (1941-1945) – Phê bình văn học (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn sưu tập, giới thiệu). Nxb. Hội Nhà văn, H, 2000; tr.54-55.
(13) Hoàng Như Mai: Chặng đường văn học 1940-1945. Tạp chí Văn học, số 9-1997; tr.14.
(14) Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn: Tạp chí “Tri tân” và xu thế phục hưng văn hoá dân tộc thời kỳ 1941-1945. Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 9-1998; tr.47-49; In lại trong sách Tạp chí Tri tân (1941-1945) – Phê bình văn học. Sđd; tr.7.
(15) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Quyển IV, Tập thượng, Nxb. Tân Dân, H, 1943. Tái bản, Tập II. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr.935.
(16) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Quyển IV, Tập hạ. Nxb. Tân Dân, H, 1945. Tái bản, Tập II. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr.1008-1009.
(17) Tiên Đàm: Đọc sách Ngõ hẻm của Nguyễn Đình Lạp. Tạp chí Tri tân (1941-1945) - Phê bình văn học. Sđd; tr.602-603.
(18) Xin xem Tạp chí Tri Tân (1941-1945) - Truyện và ký (Lại Nguyên Ân và Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm). Nxb Hội Nhà văn, H, 2000; 884 trang