Tương đồng các tiểu truyện thiền sư Hàn quốc và Việt nam trước thế kỷ XIV

TÓM TẮT

Qua khảo sát có thể khẳng định con đường tiếp nhận, hưng thịnh, suy vong của tư tưởng Phật giáo và dần nhường địa vị cho Nho giáo giữa Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Đặc biệt, thời điểm chung kết ảnh hưởng của đạo Phật với tư cách là Quốc giáo ở Hàn Quốc diễn ra ngay sau khi tướng Yi Song-gye lên ngôi vua vào năm 1392 thì đạo Phật Việt Nam cũng mất dần vai trò đúng khi vương triều Trần suy vi vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIV.

Trên thực tế, truyền thống ghi chép truyện đời các vị thiền sư đã xuất hiện ngay vào giai đoạn đầu của nền văn học cổ Hàn Quốc. Về mặt số lượng, những ghi chép cuộc đời các vị thiền sư được tập hợp trong các bộ sách Những sự kiện thời Tam quốc, Hải Đông cao tăng truyện, Những ghi chép tiểu sử thời xưa, Truyện cuộc đời các đại thần và các thiền sư, Tiểu truyện cuộc đời thiền sư Kiônhô, Cuộc đời Chơkhve Chơkhvon, Truyện thầy Yxan truyền đạo, v.v…

Tại Việt Nam, truyền thống ghi chép truyện đời các vị thiền sư được xác định như một loại hình tác phẩm văn học cổ – trung đại (với các tác phẩm như Thiền uyển tập anh (thế kỷ VIII - XIV), Tam tổ thực lục, Thánh đăng lục (thế kỷ XIV)…

Xét riêng về truyền thống ghi chép truyện đời các vị thiền sư ở Hàn Quốc có thể thấy cũng giống như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Điều này cho thấy sự tương đồng, thống nhất về loại hình truyện tiểu sử thiền sư in đậm dấu ấn văn học trung đại Á Đông vốn cùng chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo. Chắc chắn loại hình tác phẩm ghi chép truyện đời các vị thiền sư kiểu này khởi nguồn chính từ nguyên mẫu những ghi chép về tiểu sử đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni, 563-487 trước CN) kể từ khi sinh, những năm tháng tu hành cho đến khi viên tịch…. Trên phương diện nghiên cứu văn hóa và tư duy văn học cổ – trung đại trong tương quan Hàn – Việt rất nên tập trung nghiên cứu chuyên sâu đề tài này từ phương pháp loại hình và so sánh.

 

SIMILARITIES BETWEEN TIEU TRUYEN [SHORT STORIES] OF BUDDHIST MONKS OF KOREA  AND VIETNAM
BEFORE XIV CENTURY

ABSTRACT

 The process, through which Buddhism came, developed and declined and the emergence of Confucianism in Vietnam and Korea looks similar. The position as a national region of Buddhism ended in Korea when the general Yi Song-gye gain the kingdom in 1392, which is around the same time when Vietnamese Buddhism lose its dominance.

In fact, written records about lives of Buddhist monks dated back at the opening time of the classic Korean literature. These records are included in But the event the Three Kingdoms, Hai story high rise, Records of ancient biography, Mass nor life, family and angels, Elementary stories life natural Kionho, Life Chokhve Chokhvon, The story 0f Sen Monk Isan, v.v… In Vietnam, recording narratives of lives of Buddhist monks became a tradition of classic literature in medieval time with two typical works Thiền uyển tập anh 禪 苑集英 (VIII - XIV), Tam tổ thực lục三 祖寔 錄,, Thánh đăng lục 聖 燈 錄  (XIV)…

The tradition of recording narratives of Buddhist lives in Korea finds it echo in India, China, Japan and Vietnam. This indicates that the genre of biography of Buddhist lives is common in countries which have strong Buddhist influences. It is apparent that these biographies originate from records of the life of Buddha including his birth, his study and his passing away. For studies on cultures and ideologies of classic literature in comparison between Vietnam and Korea, it is necessary to analyze biographies Buddhist monks of these two countries from comparative and form perspectives.

-----***----

Qua những khảo sát bước đầu, chúng tôi nhận thấy con đường tiếp nhận, hưng thịnh và suy tàn dần của tư tưởng Phật giáo giữa Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Đặc biệt, thời điểm chung kết ảnh hưởng của đạo Phật với tư cách là Quốc giáo ở Hàn Quốc diễn ra ngay sau khi tướng Yi Seong-gye (Lý Thành Quế, 1335-1408) lên ngôi vua vào năm 1392(1) thì đạo Phật Việt Nam cũng mất vai trò vào đúng khi vương triều Trần suy vi vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIV. Tiếp sau đó, vai trò Khổng giáo được khẳng định và trở thành hệ tư tưởng chính thống ở cả hai nước.

Xét riêng về truyền thống ghi chép truyện đời các vị Thiền sư ở Hàn Quốc có thể thấy cũng giống như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Điều này cho thấy sự tương đồng, thống nhất về một loại hình in đậm dấu ấn văn học trung đại Á Đông vốn cùng chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo. Chắc chắn loại hình ghi chép truyện đời các vị thiền sư kiểu này khởi nguồn chính từ những ghi chép về tiểu sử đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sekyamu ni, 563-487 trước CN) kể từ khi sinh, những năm tháng tu hành cho đến khi viên tịch.

Trước hết cần xác định khái niệm “tiểu truyện thiền sư” là sự chuẩn hóa hơn nữa cách gọi “truyện thiền sư” nhằm để chỉ loại truyện thiền sư được viết theo nguyên tắc tiểu sử, bao hàm ý nghĩa là tiểu sử, truyện tiểu sử, tiểu sử thiền sư, lai lịch các dòng thiền, Phật tích(2)

Trên thực tế, truyền thống ghi chép truyện đời các vị thiền sư đã xuất hiện ngay vào giai đoạn đầu của nền văn học cổ Hàn Quốc. Về mặt số lượng, những ghi chép cuộc đời các vị thiền sư được tập hợp trong bộ sách Những sự kiện thời Tam quốc, Những ghi chép tiểu sử thời xưa, truyện cuộc đời các đại thần và các Thiền sư, Hải Đông cao tăng truyện, Tiểu truyện cuộc đời Thiền sư Kiônhô, Cuộc đời Chơkhve Chơkhvon, Truyện thầy Yxan truyền đạo, v.v…

Trong công trình Lịch sử văn học Triều Tiên từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV, hai nhà nghiên cứu người Nga M.I. Nikitina và A.Ph. Trôxêvits đã phân chia các tiểu truyện thiền sư theo 3 kiểu loại truyện: truyện có môtip thần kỳ, truyện ghi chép và loại truyện mang tính sử thi(3)… Phân loại về mặt hình thức có thể thấy có những tiểu truyện ghi chép cuộc đời các thiền sư được tập hợp trong một bộ sách lớn – sách mẹ – như những tiểu truyện thiền sư nằm trong chương thứ tư của cuốn sách Những sự kiện thời Tam quốc; hoặc nằm riêng biệt ngoài hệ thống sử ký như trường hợp Tiểu truyện Thiền sư Kiônhô (hoặc trong những tài liệu bia ký, văn khắc đá được gọi là Xinchozoan – sự liệt kê các hoạt động, hành trạng, tiểu sử cuộc đời). Trong tiếng Hàn, những ghi chép tiểu sử chung chung, bất kỳ nào đó được gọi là chon, còn thuật ngữ khenđơzan để chỉ một thể loại ghi chép độc lập như kiểu tác phẩm Tiểu truyện Thiền sư Kiônhô là cuốn sách kể về cuộc đời vị đứng đầu tông phái, người đã đạt đến ngôi vị cao nhất của đẳng cấp Phật giáo và được chính tác giả của nó xếp vào thể loại khenđơzan. Như vậy, có thể giả định rằng thuật ngữ chon được dùng vừa để biểu thị một khái niệm chung, vừa để biểu thị những tiểu truyện nằm trong hệ thống sử ký. Còn thuật ngữ khenđơzan được dùng để chỉ những tiểu truyện tồn tại độc lập, không nằm trong hệ thống sử ký.

Khi tiến hành phân loại các tiểu truyện thiền sư trước hết có thể tách riêng Tiểu truyện Thiền sư Kiônhô như là một bản ghi chép tiểu sử bao gồm đầy đủ các chi tiết, sự kiện, kể từ khi sinh ra đến toàn bộ cuộc đời tu Phật hành đạo, và cuối cùng là cái chết theo kiểu quan niệm Phật giáo, chết là một sự “giải thoát” nhập Niết bàn, một sự trở về với bản thể “chân như” tự nhiên hay chính là một cách tái sinh sang “kiếp” khác. Đó cũng là hình thức kết cấu theo tuyến tính thời gian, theo thứ tự các sự kiện xảy ra từ khi sinh tới lúc qua đời, khi mà “vị thiền sư bậc thầy đã đi về Tây Trúc”.

Ở các tiểu truyện thiền sư còn lại có thể phân chia thành ba loại sau:

            1- Loại các truyện thiền sư có nhiều yếu tố thần kỳ, có nhiều mô tip gần với loại truyện cổ tích, có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa – văn học dân gian (folklore). Đó là các truyện về thiền sư Xaboc và Khêxu…

            2- Loại các truyện thiền sư gần với truyện ký, truyện ngắn, trong đó có dấu hiệu của sự sáng tạo và đan xen bằng những bài thơ ngắn. Loại truyện thiền sư này có tính xác thực và được thể hiện giàu chất văn chương hơn. Ví dụ như truyện về các thiền sư Ianđơzi, Xưnđozon, Chekhen và Pôpkhe, sống vào khoảng thế kỷ VIII-IX…

            3- Loại truyện thiền sư gắn với các sự kiện lịch sử, gần với kiểu nhân vật sử thi. Các vị thiền sư này đại diện cho phái thần quyền, thường có mối liên hệ với vương quyền và gắn bó hơn với Quốc gia, Dân tộc. Có thể kể ra tên các vị thiền sư như Trađơzan (đã từng có vợ con), Yxan, Trinpơkhe và Xin-đơzi(4)

            Đến đây chúng ta thử đi vào phân tích Truyện Thiền sư Yxan bởi thiền sư Yxan vừa là nhà tu hành vừa có sự gắn bó chặt chẽ với vương triều Shilla. Truyện thiền sư Yxan là thí dụ cho thấy ý định của người viết sách nhằm kể lại công tích của nhà sư từ những nguồn tư liệu còn ít người biết đến và không được đưa vào các bộ sử ký chính thống do bá tước Chơkhve Chơkhivôn biên soạn. Vì thế người viết hướng đến chỗ viết một cuốn truyện đầy đủ về nhà sư, chứ không theo kiểu thu thập, ghi chép các tư liệu truyền miệng của văn học dân gian. Do đó tác giả quan tâm chủ yếu đến những hoạt động chính thức của nhà sư Yxan với tư cách một bậc thầy truyền bá Phật giáo, đúng theo ý nghĩa của tên sách là “Thầy Yxan truyền đạo”. Nhưng tác giả không chỉ chú ý đến những hoạt động Phật giáo của sư Yxan mà còn mở rộng đến cả công lao của ông trước vương triều và đất nước. Vào chính khi thiền sư Yxan theo học ở Trung Quốc thì quan hệ Trung Quốc – Shilla đang căng thẳng và các sứ thần Shilla bị giam giữ đã phái Yxan về nước với một sứ mệnh bí mật. Về sau này ông còn có công xây dựng chùa Pusôc “theo đúng ý định của triều đình”. Như vậy, những ghi chép ở truyện thiền sư Yxan đã dựng nên hình ảnh một nhà sư yêu nước và gắn bó với vương triều. Nhưng công lao của Thiền sư Yxan đối với Phật giáo không chỉ dừng lại ở đó mà chính bản thân ông đã là một tác giả của những bản văn ghi chép tiểu sử nổi tiếng và rồi lại được ngay người ghi chép tiểu sử ông đánh giá “chưa hề có ai khác viết được như thế”; đồng thời ông còn có quan hệ khá chặt chẽ với Phật giáo Trung Quốc qua việc ông là môn đệ, học trò, thụ giáo với sư tổ Huan Tri-An và bạn hữu là Phasizan. Tác giả Irion cũng đã đưa vào truyện nguyên vẹn bức thư do Phasizan gửi cho Yxan và cho biết thêm nhà sư Yxan đã cho chuyển số kinh sách do Phasizan gửi sang tới hàng chục chùa cùng nghiên cứu, học tập.

Xét trên phương diện tư duy, trong Truyện Thiền sư Yxan có nhiều chi tiết ảo hóa theo xu hướng tăng cường tính linh thiêng, thần bí khác thường ở nhà sư. Đó là cách mô tả cảnh tượng nhà sư Hàn Quốc này xuất hiện tại ngôi chùa bên Trung Quốc do thầy Huan Tri-An trụ trì. Vào trước ngày Yxan đến, thiền sư Huan Tri-An đã có một giấc mơ báo trước: “Đêm hôm trước, thiền sư Tri-An chợt mơ thấy có một cây cổ thụ đã mọc lên từ mạn biển đông. Cành lá của cây tỏa bóng che rợp cả đất Trung Quốc. Trên ngọn cây có một tổ chim phượng. Thầy Tri-An trèo lên cây, nhìn vào tổ chim thì thấy ở đấy có viên ngọc Mani. Viên ngọc tỏa ánh hào quang rất xa. Nhà sư Tri-An thức dậy và rất lấy làm ngạc nhiên. Ông bèn vẩy một ít nước, quét dọn nơi ở và bắt đầu ngồi đợi. Vừa khi ấy thì thiền sư Yxan đến”… Điều này cũng có nghĩa là tài năng và đức độ của Yxan đã có “cảm ứng”, có “nhân duyên” với thầy Huan Tri-An ngay từ trước khi hai người gặp nhau. Tiếp đó là đoạn kể về việc thầy Tri-An đón tiếp vị khách rất trọng thị và đặc biệt thán phục sự hiểu biết sâu rộng của người đệ tử Yxan. Vậy là giấc mơ lạ trên kia có liên hệ chặt chẽ và chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tốt lành giữa hai thầy trò, hay nói khác đi thì giấc mơ là sự “gieo hạt” trong tâm thức và sự gặp gỡ là hoa trái trong hiện thực. Đương nhiên, trong cách nhìn của người hiện đại, dẫu không có giấc mơ dự báo kia hẳn vẫn có sự gặp gỡ này!

Xét trên phương diện kết cấu, cũng như ở nhiều tiểu truyện thiền sư khác, Truyện Thiền sư Yxan, hầu như không hình thành một cốt truyện rõ ràng. Nguyên tắc cao nhất ở đây là trình bày tư liệu theo trật tự thời gian, song bản thân các tư liệu đó thường là một chuỗi các chi tiết được liên kết, nối ghép với nhau tuân theo các sự kiện xảy ra trong cuộc đời vị thiền sự. Mặt khác, có thể thấy rằng các chi tiết đó thường mang tính nghi lễ qui phạm hướng về Phật giáo chứ chưa phải lối sáng tạo của tiểu thuyết sau này. Cuốn truyện khép lại một cách trang trọng đúng như ở mọi truyện thiền sư khác: tác giả cho biết ông thầy có nhiều đệ tử, mỗi đệ tử có đều là “người kế tục được thầy” và đều “có ghi chép tiểu truyện riêng”. Do nguyên tắc kết cấu được tuân thủ ở loại truyện thiền sư rút cuộc chính là việc xây dựng các tình huống, chi tiết trọn vẹn và nối kết lại theo thứ tự tuyến tính thời gian cuộc đời của nhân vật thiền sư đó.

Sau khi khảo sát tiểu truyện Thầy Yxan truyền đạo và loại truyện thiền sư Triều Tiên trước thế kỷ XIV, hai nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: "Truyện thiền sư Yxan, cũng như các tiểu truyện thiền sư khác, không có cốt truyện. Nguyên tắc trình bày cốt truyện theo trật tự thời gian mà tác giả nêu lên ở đầu truyện đã không duy trì được đến cuối, vì vậy cuốn truyện này mới chỉ là một chuỗi các chi tiết riêng rẽ được nối với nhau bằng một nhân vật duy nhất... Cuốn truyện khép lại một cách trang trọng, trọng thể đúng như mọi truyện thiền sư khác: tác giả cho biết ông thầy có nhiều đệ tử, mỗi đệ tử đó đều là "người kế tục được thầy" và "có ghi chép tiểu truyện riêng". Kết thúc truyện thường là một số việc kỳ lạ do các học trò của nhà sư thực hiện, cũng như phép lạ mà chính ông thầy thể hiện trước sự chứng kiến của các đệ tử. Do đó, nguyên tắc kết cấu được tuân thủ ở loại truyện thiền sư rút cuộc chính là việc xây dựng các tình huống, chi tiết trọn vẹn, hoàn chỉnh”(5)...

Đến đây xin dẫn giải thêm về tác phẩm Hải Đông cao tăng truyện. Theo nhà nghiên cứu Hàn Quốc Jung Min: “… năm 1215, Giác Huấn cũng đã hoàn thành cuốn Hải Đông cao tăng truyện (…). Hải Đông cao tăng truyện không những không có đầy đủ toàn bộ mà các câu chuyện chỉ giới hạn trong phạm vi liên quan đến Phật giáo và sư sãi”(6). Sách chia thành hai quyển, viết về các thiền sư tiêu biểu như Thuận Đạo, Vong Danh, Nghĩa Uyên, Đàm Thủy, A Đạo, Huyền Chương, Pháp Không, Pháp Vân(7), v.v…

Do khả năng và tình hình tư liệu còn nhiều hạn chế, chúng tôi chỉ có thể phân tích giản lược một vài đặc điểm nội dung và nghệ thuật các tiểu truyện thiền sư Hàn Quốc trước thế kỷ XIV như trên. Mở rộng sự so sánh, chúng tôi thấy rằng loại hình tiểu truyện thiền sư (ghi chép tiểu sử cuộc đời, con đường hành đạo và đắc đạo của các thiền sư) có tính tương đồng và tạo nên ý nghĩa văn hóa khu vực, chung cho cả Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam(8)

Đặt trong tương quan và sự tương đồng với loại hình tiểu truyện thiền sư Hàn Quốc trước thế kỷ XIV, ở Việt Nam chủ yếu có hai tác phẩm là Thiền uyển tập anh(9)Tam tổ thực lục(10). Với cả hai tác phẩm này, chúng tôi đã có khảo sát khá chuyên sâu nên ở đây chỉ nêu khái quát và nhấn mạnh những đặc điểm tương đồng trong loại hình tiểu truyện thiền sư hai nước Hàn - Việt.

Tác phẩm Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền) là một cuốn sách cổ vào bậc nhất của văn xuôi Việt Nam - văn học Phật giáo nói riêng - trong đó ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và tiểu truyện các thiền sư nổi tiếng kể từ khoảng giữa thời Bắc thuộc, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý và một số năm đầu đời Trần (thế kỷ VI đến đầu thế kỷ XIII), được khắc in vào niên hiệu Khai Hựu, năm Đinh Sửu (1337). Tác phẩm có giá trị hết sức lớn lao trên các phương diện văn hoá, lịch sử, triết học và đặc biệt có ý nghĩa trong việc tàng trữ các giá trị thơ ca cũng như vai trò mở đầu cho dòng văn xuôi truyền thống dân tộc…

Tác phẩm Thiền uyển tập anh thuộc về loại hình tiểu truyện thiền sư - "cao tăng truyện" - truyện tiểu sử vốn có sự khác biệt tương đối so với hệ thống tác phẩm "truyền đăng" - ngữ lục - thuyết giáo. Đương nhiên trong loại hình tiểu truyện thiền sư vẫn bao quát cả nội dung thuyết giáo song cấu trúc mỗi tiểu truyện cụ thể về cơ bản vẫn là hình thức ghi chép tiểu sử, ghi chép các sự kiện theo dòng thời gian tuyến tính, trong đó bao gồm nhiều chi tiết, sự kiện hiện thực và cả những yếu tố kỳ ảo, "lạ hoá" khác nữa. Việc đi sâu xem xét phần "truyện - tiểu sử" ở các truyện thiền sư tiêu biểu nhất cho thấy cấu trúc chung của tác phẩm là đi từ sự ra đời đến quá trình hành đạo và cuối cùng là sự diễn tả khái quát về cái chết. Đây là đặc điểm nổi trội làm nên đặc trưng của loại hình tiểu truyện thiền sư.

Từ việc phân tích một số môtip tiêu biểu ở các tiểu truyện thiền sư trong tác phẩm Thiền uyển tập anh cho phép nhận diện rõ hơn đặc điểm tư duy nghệ thuật - đặc biệt về môtip khi ra đời, môtip "lạ hoá" trong cuộc đời hành đạo và môtip về sự qui tịch. Bằng cái nhìn duy vật có thể lý giải được các hiện tượng trên vốn in đậm cảm quan Phật giáo, thể hiện cách giải thích và cách hình dung của đạo Phật về đời người, về con đường hành đạo, về lẽ sinh tử. Rõ ràng cách dẫn giải việc các thiền sư được sinh ra như là kết quả của quá trình làm điều thiện, tu nhân tích đức gắn với điềm lạ, giấc mơ lạ hay cách diễn tả cái chết thường được đón nhận với tinh thần chủ động, an nhiên chính là biểu hiện nhân sinh quan "sống gửi thác về" (sinh ký tử qui) hoàn toàn thuộc về quan niệm Phật giáo. Những đặc điểm này biểu hiện sâu sắc trong đời sống văn hóa, phong tục và phát huy ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều tác phẩm văn học dân tộc.

Khảo sát từ góc độ loại hình có thể thấy rõ cấu trúc các tiểu truyện thiền sư thường tuân theo tuyến tính biên niên sử cuộc đời mỗi nhà sư. Song nếu nhìn từ góc độ văn hóa dân gian thì thấy các yếu tố, môtip này thể hiện sâu đậm hình thức tư duy dân gian và khả năng tích hợp các yếu tố folklore trong các tiểu truyện thiền sư. Với cùng một nguồn tư liệu tưởng như trùng hợp song đã được triển khai theo hai định hướng khác biệt nhau: một đằng là các yếu tố folklore được hiểu như là những thành tố, chi tiết và sự kiện tham dự vào cấu trúc cốt truyện thiền sư; một phía khác là khả năng tích hợp các yếu tố folklore được hiểu như là những phẩm chất, đặc trưng và bộc lộ một cách đậm đặc trong toàn bộ tác phẩm Thiền uyển tập anh. Đi sâu tìm hiểu có thể thấy rằng các yếu tố, môtip folklore này có khi có nguồn gốc sâu xa từ Phật giáo Ấn Độ và chuyển hoá qua Trung Quốc, có khi bắt nguồn từ tín ngưỡng bản địa, có khi lại giao thoa, tương đồng với tư duy thần thoại và hệ thống môtip trong truyện cổ tích. Như thế, việc hướng tới khảo sát các yếu tố folklore ở bộ phận "truyện - tiểu sử" và đặt bộ phận "truyện - tiểu sử" này trong chỉnh thể loại hình tiểu truyện thiền sư cho phép thấy rõ hơn màu sắc văn hóa dân gian, mối quan hệ giữa tác phẩm với đời sống văn hóa - văn học dân gian cũng như chính hình thức tư duy nguyên hợp vốn phổ biến trong văn học giai đoạn cổ - trung đại.

Nếu như khả năng tích hợp các yếu tố folklore là một thực tế thể hiện sâu đậm trong tác phẩm Thiền uyển tập anh thì việc tìm hiểu mối quan hệ giữa cốt truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh với các nguồn thư tịch cổ và kho tàng truyện cổ tích Việt Nam lại mở ra những chiều hướng nghiên cứu mới mẻ và thú vị. Qua việc khảo sát con đường chuyển dịch cốt truyện và bút pháp một số tiểu truyện thiền sư tiêu biểu từ Thiền uyển tập anh tới các nguồn thư tịch cổ (chủ yếu là Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái...) và sự hội nhập vào hệ thống truyện cổ tích có thể nhận ra một số đặc điểm của văn xuôi trung đại cũng như mối quan hệ giữa Thiền uyển tập anh với văn học dân gian và quá trình chuyển hoá thành một truyện cổ tích. Mới xem qua dễ nghĩ rằng những thiên truyện về sau này không mấy ăn nhập với cốt lõi vấn đề tiểu truyện thiền sư song chính việc khảo sát này cho phép soi sáng lại vấn đề văn bản gốc, mối quan hệ giữa các tác phẩm trong văn xuôi trung đại, mối quan hệ giữa văn học viết với văn học dân gian và chính những đặc điểm nghệ thuật của Thiền uyển tập anh.

Như một ước thúc của văn chương trung đại, đặc tính nguyên hợp "văn - sử - triết bất phân", dù mức độ đậm nhạt ở từng tác phẩm có khác nhau, song vẫn là nét phổ quát, và Thiền uyển tập anh cũng không đi ra ngoài thông lệ. Trong cách nhìn bao quát, có thể coi đây là một tập hợp, hợp tuyển, tuyển tập những phác thảo chân dung các vị thiền sư - những con người đã từng sống, tham gia truyền giáo và trực tiếp góp phần tạo nên diện mạo văn hoá Phật giáo dân tộc. Về hình thức thể loại, dễ thấy chúng gần gũi với các tác phẩm truyện ký hoặc liệt truyện, thực lục, bi ký, truyện danh nhân, thậm chí chỉ như một phác thảo lý lịch vắn tắt năm bảy dòng. Ở đây, mặc dù còn mang tính hỗn dung về mặt tư duy nghệ thuật (bao gồm cả phong cách chép sử, phong cách văn học viết và văn học dân gian, chất văn xuôi tự sự và thơ ca thuyết giáo, thơ ca trữ tình, đặc tính văn - sử và triết học...), hỗn dung về mặt thể loại (dấu ấn truyện ký và các thể từ khúc, thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn và thất ngôn bát cú, đan xen giữa hình thức ghi chép tiểu sử với những lời thuyết giáo, truyền đăng...), song chính đó mới là những đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu của Thiền uyển tập anh, khiến tác phẩm có một địa vị đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam(11)

Tác phẩm Tam tổ thực lục (Ghi chép về ba vị tổ) được hoàn thành vào thế kỷ XIV, chí ít đã được khắc in vào năm Ất Dậu (1765), là tập tiểu truyện về ba vị tổ khái sáng Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử.

Với tầm vóc danh nhân văn hóa, Trần Nhân Tông (1258-1308) tỏa sáng trên tư cách một vị hoàng đế sáng suốt, vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và để lại những áng thi ca thấm đậm lẽ đạo tình đời. Nghiệm sinh nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và để lại nhiều tác phẩm thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm đặc biệt giá trị(12)… Trên thực tế, có thể nhận diện về Trần Nhân Tông như một nhân vật lịch sử, một mẫu hình hoàng đế phương Đông gắn với vị thế thiền sư - nhà truyền giáo và tư cách thi nhân - người kiến tạo những giá trị văn hóa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng như Tam tổ thực lục đều chép việc Trần Nhân Tông từng mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí... Riêng sách Tam tổ thực lục ghi chép khá kỹ lưỡng cuộc đời Trần Nhân Tông với ý nghĩa một tiểu truyện thiền sư, khởi đầu từ việc Trúc Lâm Đại sĩ (Trần Nhân Tông) sinh ra gắn với điềm lạ, cuộc đời hành đạo có nhiều công tích, để lại nhiều thơ văn và cuối cùng là cái chết thanh thản, "hóa thân", "trở về" theo đúng cảm quan "sinh ký tử qui" của Phật giáo... Trong tiểu truyện về thiền sư Trần Nhân Tông cũng mang đặc tính hỗn dung thể loại, tàng trữ các giá trị thi ca, những lời đối thoại, hỏi đáp về Phật - Pháp - Tăng, về quá khứ - hiện tại - vị lai, về công án - giáo điển, về nhân quả - hóa thân...  Sách này cũng mô tả chi tiết những sự kiện diễn ra trong suốt tháng cuối cùng, lập danh sách bốn tác phẩm của Điều Ngự còn truyền lại. Đồng thời sách tiếp tục giới thiệu việc Điều Ngự mở ba giới đàn ở chùa Chân Giáo trong đại nội, chùa Báo Ân ở Siêu Loại, chùa Phổ Minh ở Thiên Trường và đi đến tổng kết quá trình đào tạo tăng ni: "Các đệ tử nối dòng pháp đã liệt kê đầy đủ nơi bản đồ trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, còn những người được Điều Ngự dẫn dắt, âm thầm khế hợp với tông chỉ thì không kể hết"... Xác định vị thế thiền sư Trần Nhân Tông trong bối cảnh Phật giáo thời Trần, nhà Phật học Nguyễn Lang nhấn mạnh các phương diện "một ông vua xuất gia", "ý nguyện xây dựng một nền hòa bình Chiêm - Việt lâu dài" và nguyện ước "xây dựng một giáo hội mới"(13)...

Truyện về đệ nhị tổ Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330) chia thành hai phần rõ rệt. Phần đầu gần như một bản tiểu sử chi tiết, theo sát cấu trúc loại hình tiểu truyện thiền sư; phần sau có ý nghĩa như một bản phụ lục bài giảng Thiền đạo yếu học. Tính từ khi được trao truyền y bát (1308) đến khi qua đời (1330), đệ nhị tổ Pháp Loa đã có tới 22 năm giữ quyền lãnh đạo cao nhất trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, giữ vai trò tổ chức, điều hành, xây dựng nhiều ngôi chùa, đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm: “Tháng 9 [năm Quý Sửu] (1313), Sư phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, qui định các chức vụ của tăng sĩ trong nước và bổ nhiệm đến hơn trăm ngôi già - lam. Chư tăng trong nước từ đó mới có sổ bộ và đều do Sư trông coi. Bấy giờ, Sư độ hơn mười người. Về sau cứ ba năm độ tăng một lần, mỗi lần khoảng dưới nghìn người”(14)… Đoạn văn ngắn gọn này cũng minh chứng được hai điều. Thứ nhất, trong mối quan hệ hữu hảo giữa vương quyền và thần quyền, đức vua Trần Anh Tông (ở ngôi 1293-1314) đã trực tiếp có chiếu chỉ vời sư Pháp Loa đến chùa Vĩnh Nghiêm để ban bố các qui định liên quan đến cơ cấu tổ chức và bổ nhiệm nhân sự. Việc này chắc đã có sự bàn bạc, thỏa thuận giữa vua Trần Anh Tông với đệ nhị tổ Pháp Loa. Thứ hai, được tin cậy giao cho công việc tổ chức, ngay trong lần này Pháp Loa đã cho bổ đặt đến hơn trăm ngôi già - lam (tức các ngôi chùa mới), đồng thời trực tiếp trông coi sổ bộ tăng sĩ và xét tuyển, nhập độ chúng dân vào giới tu hành. Có thể coi đây là một bước tiến trong quá trình củng cố, phát triển hệ thống tổ chức tăng đoàn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ trung ương đến địa phương, từ xây dựng chùa chiền đến đào tạo, bổ sung nguồn tăng sĩ, từ những việc trước mắt đến kế hoạch hoằng pháp lâu dài.

Với đệ tam tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334), sách Tam tổ thực lục chép: “Lúc Tổ theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phượng Nhãn, thấy Quốc sư Pháp Loa đang hành đạo, liền nhớ lại duyên xưa, bùi ngùi than rằng: “Làm quan lên Bồng Đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi!”. Nhân đó dâng biểu đến ba lần xin từ chức để xuất gia học đạo tu hành. Thuở ấy, vua đang tôn sùng Phật giáo, nên người chấp nhận. Khi được phép vua, Tổ liền thọ giáo với Thiền sư Pháp Loa, được Pháp hiệu là Huyền Quang”(15)... Có thể hiểu rằng vị vua được nói đến ở đây chính là Trần Anh Tông bởi ngay từ năm Quý Tị (1293), Trần Nhân Tông đã nhường ngôi và lên làm Thái thượng hoàng, rồi đến tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng mới chính thức "từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh" và lần đầu gặp Pháp Loa vào năm Giáp Thìn (1304). Vậy thì việc Huyền Quang Lý Đạo Tái theo vua Trần Anh Tông gặp được Điều Ngự và Pháp Loa phải vào khoảng những năm 1305-1306. Đoạn trích cũng xác nhận đến lúc này Huyền Quang Lý Đạo Tái vẫn còn làm quan, phải ba lần dâng biểu mới được từ chức xuất gia tu hành, thụ giới với đệ nhị tổ Pháp Loa - người hơn mình vài hạ nhưng lại kém đến cả ba mươi năm tuổi đời… Theo nguyên truyện, hiện vẫn còn một số chi tiết quan trọng trong tiểu sử Huyền Quang chưa được minh định rõ nét như việc ông học hành đến đâu, có đỗ Trạng nguyên không, có làm quan không, có tham gia đón tiếp sứ thần phương Bắc không, và đặc biệt câu chuyện hư hư thực thực với nàng Điểm Bích. Trên thực tế, ngay từ nguyên truyện trong Tam tổ thực lục đã có ghi chép lại câu chuyện thị phi Huyền Quang - Điểm Bích, tóm tắt như sau: Năm Quý Sửu (1313), sư trở về chùa Vân Yên - Vua (?) cùng quần thần và Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) chủ ý giăng bẫy tình với Huyền Quang - Cung phi Điểm Bích dùng nhan sắc không cám dỗ được nhà sư bèn dùng mẹo lấy được vàng - Điểm Bích (đem theo đứa hầu gái nhỏ) thêu dệt chuyện tình với sư - Huyền Quang được minh oan trong hội Vô già - Điểm Bích bị phạt phải quét chùa trong nội điện… Nhìn toàn cảnh có thể thấy tiểu truyện thiền sư Huyền Quang đã  chuyển sắc màu thành một thiên truyện ký gắn với hai đặc điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, tác giả chủ ý viết lại và lý giải vấn đề theo ý kiến chủ quan của mình, trước hết dựa theo sách Phụ truyền kỳ và thu nạp cả nguồn tư liệu dân gian, lời tương truyền, thơ của “người đời sau”, từ đó so sánh, đối sánh với chính sử và nguyên truyện. Thứ hai, cốt truyện cơ bản được giữ nguyên nhưng có sự thay đổi quan trọng về nội dung và hình thức thể hiện. Các chi tiết, tình tiết, yếu tố đã được gia tăng và theo đó nghệ thuật miêu tả cũng trở nên sinh động, sát sóng, cụ thể, giàu màu sắc tâm lý và hiện thực, nương theo qui luật của sáng tạo, hư cấu, tưởng tượng nhiều hơn. Điều này thể hiện rõ sự chi phối của quan điểm Nho giáo, xu thế Nho hóa và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong việc viết lại, đánh giá, lý giải cuộc đời Huyền Quang và sự kiện Huyền Quang - Điểm Bích với ý nghĩa là những nhân vật văn học.

Từ đề tài này chúng tôi thử nêu tiếp hai vấn đề sau:

1) Mối quan hệ giữa phần truyện tiểu sử và phần tàng trữ giá trị thơ ca thể hiện trong loại hình truyện thiền sư Hàn Quốc như thế nào? Vấn đề này ở Việt Nam đã được tìm hiểu sâu, thậm chí thường chủ yếu coi trọng phần tàng chữ giá trị thơ ca mà chưa chú trọng đặt trong tương quan với phần truyện tiểu sử và cũng chưa nhìn nhận các tiểu truyện thiền sư như một loại hình văn học cổ – trung đại (với các tác phẩm như Thiền uyển tập anh (thế kỷ III-XIV), Tam tổ thực lục, Thánh đăng lục (thế kỷ XIV))…

 2) Trong loại hình tiểu truyện thiền sư Hàn Quốc có phân biệt rõ ràng giữa loại truyện ghi chép tiểu sử (theo kiểu “truyện cao tăng” của bốn triều Lương, Đường, Tống, Minh – Trung Quốc) với những ghi chép ngữ lục (theo kiểu những lời dạy truyền pháp được gọi chung là “truyền đăng” như Cảnh Đức truyền đăng lục do Sa môn Đạo Nguyên biên soạn đời Tống Chân Tông…) trong khi ở Việt Nam, chúng không tạo nên biên giới rõ ràng, tỏ ra mờ nhòa, thậm chí xâm nhập và chuyển hóa lẫn trong nhau, song về cơ bản chúng vẫn thuộc về loại truyện cao tăng – ghi chép tiểu sử.

Xét trên phương diện nghiên cứu văn hóa và tư duy văn học cổ – trung đại vùng Á Đông rất nên tập trung nghiên cứu chuyên sâu đề tài này từ phương pháp loại hình và so sánh. Trong xu hướng chung, việc giới thiệu, so sánh các tiểu truyện thiền sư của Việt Nam và Hàn Quốc ở giai đoạn điển hình trước thế kỷ XIV là vô cùng hữu ích và cần thiết, đang là chiều hướng mở cho những công trình nghiên cứu so sánh ở tầm khu vực và quốc tế tiếp theo./.

_______________

(1)  Hàn Quốc (Đất nước – Con người). Tái bản. Trung tâm Dịch vụ thông tin hải ngoại của Hàn Quốc Xb,  Seoul, 1993, tr.23-26.

(2) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Chương IV- Thiền uyển tập anh, trong sách Truyện ngắn Việt Nam (Lịch sử - Thi pháp - Chân dung). Nxb. Giáo dục, H., 2007, tr.140-158.

(3)  M.I. Nikitina - A. Ph. Trôxêvits: Lịch sử văn học Triều Tiên từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV. Nxb. Khoa học, Mátxcơva, 1969, tr.178-210. Tiếng Nga.

(4)  Xin xem M.I. Nikitina - A. Ph. Trôxêvits: Tiểu truyện các thiền sư Triều Tiên (Nguyễn Hữu Sơn dịch). Tạp chí Văn học, số 8-1995, tr.14-15.

(5)  M.I. Nikitina - A. Ph.Trôxêvits: Truyện thiền sư Yxan (Nguyễn Hữu Sơn dịch). Tạp chí Văn học, số 10-1995, tr.59.

 (6)  Jung Min: Tam quốc di sự và Thù dị truyện – Văn học truyện cổ tích, những câu chuyện thích thú và thần kỳ, trong sách Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX  (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.77-78.

(7) Xin xem: Hải Đông cao tăng truyện (Lý Bỉnh Huân soạn). In lại. Viên Quang Đại học - Hàn Quốc, 1980, tr.125-180.

(8)  Tham khảo Nguyễn Hữu Sơn: Tác phẩm Thiền uyển tập anh trong bối cảnh văn hóa – văn học Đông Á.. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á. Trường Đại học KHXH và NV thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6-7/12/2011, tr.432-442.

(9)  Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thuý Nga dịch, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H., 1990; 254 trang.

- Thiền uyển tập anh (Nghiên cứu và dịch của Lê Mạnh Thát). Tu thư Phật học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1976; 320 trang. In sách Nghiên cứu Thiền uyển tập anh. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000; 846 trang…

- Thiền uyển tập anh (Jeong Cheon Gu 정천구dịch sang tiếng Hàn). Nxb. Dân tộc, Seoul, 2001, 288 trang.

(10) Tam tổ thực lục (Thích Phước Sơn dịch và chú). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1995, 246 trang.

(11)  Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: - Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh (Chuyên khảo). Nxb. Khoa học xã hội, H., 2002, 372 trang. Tái bản, 2003…

- Thiền uyển tập anh - tác phẩm mở đầu loại hình văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Tạp chí Văn học, số 8-2001, tr.59-63. In trong Tự sự học - một số vấn đề lý luận và lịch sử. Nxb. Đại học Sư phạm, H., 2004, tr.246-255.

   (12) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Tác gia hoàng đế - thiền sư - thi sĩ Trần Nhân Tông. Nghiên cứu Văn học, số 12-2008, tr.3-21.

(13) Nguyễn Lang: Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I. In lần thứ tư. Nxb. Văn học, H., 1994, tr.355-397.

(14) Tam tổ thực lục (Thích Phước Sơn dịch và chú). Sđd, tr.44.

(15) Tam tổ thực lục (Thích Phước Sơn dịch và chú). Sđd, tr.80.

 

 


[i] PGS.TS., Viện Văn học

[ii] Prof. Dr., Vietnam Institute of Literature

-------------------------------------------------

Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.

Thông tin truy cập

60532329
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13822
10018
60532329

Thành viên trực tuyến

Đang có 347 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website