Ảnh: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở bản Hua Tát.
TP - Ai đã từng đọc Nguyễn Huy Thiệp đều nhớ chùm 10 truyện nằm trong một cái tên chung “Thung lũng Hua Tát” (đầu tiên in trên báo Văn nghệ năm 1987 có tên “Những chuyện kể bất tận ở thung lũng Hua Tát”). Vậy là kể từ lúc truyện này được công bố lần đầu tiên cho đến nay đã tròn 30 năm.
Người đọc cũng đã từng biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có gần 10 năm dạy học tại Sơn La, từ 1971 đến 1980. Như vậy, tính từ khi rời khỏi Sơn La về Hà Nội, cũng đã gần 40 năm.
Đủ duyên thì trở lại
Hỏi anh trở lại Tây Bắc lần này là lần thứ bao nhiêu, anh cho biết mới lần thứ hai. Lần 1, cách đây ít năm lên hỏi vợ cho cậu con trai lấy cô gái huyện Sông Mã, đi vì công việc; lần này đúng nghĩa đi chơi, thăm lại những nơi chốn mà anh đã sống trải, những bạn bè đồng nghiệp thân tình.
Trong số những nơi nhà văn trở lại, có ngôi trường Bổ túc công nông tỉnh Sơn La đóng tại thung lũng Hua Tát, thuộc đất Cò Nòi, gần thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Chuyến trở lại Tây Bắc lần này là do Khoa Ngữ văn-Trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB) đứng ra mời mọc và tổ chức.
Nguyễn Huy Thiệp kể ý tưởng trường ĐHTB mời anh lên thăm trường và Tây Bắc cũng đã diễn ra cách đây mấy năm, nhưng chưa đủ nhân duyên. Anh nhớ, cũng cách đây khoảng dăm năm, có người trong Hội Cựu giáo chức Tây Bắc đóng tại Hà Nội tìm đến, mời anh đi dự ngày gặp mặt thường niên. Anh thấy hay, nên nhận lời. Hôm đó do xe cộ thế nào đó, anh đến muộn, vào đúng lúc mọi người đang uống rượu. Tay bắt mặt mừng. Có người quen, có người không. Khi được ai đó giới thiệu đây là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, có một người đàn ông lừ lừ tiến đến, một tay cầm cốc rượu đầy, một tay là bát canh, cứ thế dội cả hai thứ lên đầu anh, vừa dội vừa bảo: mày cũng là nhà văn thật à?... Anh đứng im, không nói gì, và cũng chưa kịp hiểu ra chuyện gì. Tất cả mọi người lặng ngắt. Lúc sau, người đàn ông ấy chắc thấy ân hận, lủi đi đâu không rõ. Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Sau đó tôi không tham gia Hội ấy nữa. Và cũng chẳng có ý định trở lại Tây Bắc. Tôi cũng không hiểu người đồng nghiệp cũ kia có ý nghĩ như thế nào. Có thể cũng chẳng phải là họ ghét tôi, chỉ đơn giản là họ thấy tôi nổi tiếng, họ không tin; có thể họ cũng chả đọc tôi, chả coi văn chương là cái gì… Lần này, sau mấy cuộc gọi điện của một cô giáo phụ trách khoa Ngữ văn ở ĐHTB, thấy họ có tấm lòng thật, nên tôi nhận lời. Đúng là làm cái gì cũng phải đủ duyên mới thành. Ô mà lạ lắm, tôi có 10 năm Tây Bắc rồi lại về Hà Nội, còn cái thằng con giai tôi chả ở Tây Bắc, cuối cùng lại vớ được cô Tây Bắc về làm vợ ”.
Chiếc xe đưa chúng tôi ngược đường Tây Bắc. Tới địa điểm có tên Cò Nòi (cách thị trấn huyện Mai Sơn chừng hơn chục cây số) trên trục đường quốc lộ 6, đã có mấy bạn đồng nghiệp xưa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đón. Gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Một người đàn bà tóc đã bạc trắng, xưng hô là chị và chú với nhà văn, nghẹn ngào không nói thành lời. Nguyễn Huy Thiệp bảo chị đây ngày xưa như là chị gái tôi vậy… Người đàn bà này nói với Nguyễn Huy Thiệp, vừa như kể cho chúng tôi nghe: “Chú có nhớ lần chú với chú Lân cáng tôi ra bệnh viện đẻ không? May mà kịp, giả sử đẻ dọc đường thì chả biết rồi sẽ thế nào nhỉ. Chắc mẹ con tôi khéo chết rồi. Lại có lần chú cõng con bé ấy đi bệnh viện. Tôi có việc phải đi sau một chút. Tôi còn dặn chú trên đường thỉnh thoảng phải sờ mũi cháu xem nó còn sống không nhé. Sao ngày ấy khổ ơi là khổ. Bây giờ con bé ấy nó lấy chồng, rồi sống bên Gia Lâm, chị bảo lúc nào rảnh sang thăm chú mà nó cũng lười, chửa sang”.
Từ đây, rẽ theo con đường hẹp chừng 3 cây số thì dừng lại. Nơi ngôi trường Bổ túc công nông đóng ngày nào. Bây giờ không còn một dấu tích gì. Cây cầu tre cũng được thay bằng cây cầu xi măng. Nơi mấy lớp học và nhà giáo viên ở bằng tranh tre vách đất khi xưa, bây giờ bình địa, chỉ toàn là nương mía, ruộng lúa xanh rì. Nguyễn Huy Thiệp và mấy đồng nghiệp của anh chỉ trỏ chỗ này chỗ kia, người này người nọ ở… Anh cho biết, trường này được coi là ngôi trường bí mật, phải sơ tán để tránh bị máy bay Mỹ ném bom, cán bộ giáo viên không được phép tiếp xúc với dân, học viên toàn là cán sự 3 trở lên mới được học, họ là cán bộ cấp huyện các nơi về học bổ túc trình độ cấp ba, học viên toàn lớn tuổi, so với anh giáo Thiệp 20 tuổi khi đó thì học viên ít tuổi nhất cũng phải hơn anh đến chừng 10 tuổi.
Anh bảo ngày ấy tôi đói như một con hắc tinh, như con ma địa ngục ấy. Nhớ có lần tôi với mấy anh giáo viên trẻ nhìn thấy xa xa trên rừng có một nương sắn của đồng bào, đói quá rủ nhau đi đào trộm; khi đi loanh quanh thế nào từ đầu giờ chiều đến gần tối vẫn không tới, hóa ra bị lạc lối, thế là đành quay về, đã đói lại đói hơn… Anh kể: “Nhớ có lần một anh bạn bắn được một con chim to, giống con diều hâu thì phải, rồi vặt lông làm thịt. Khi mổ ra, trong dạ dày có một con rắn đang còn cựa quậy. Anh ta đem cái dạ dày đi chôn. Khi nấu xong, tanh lợm giọng, tôi không dám ăn. Có một anh giáo người Hà Nội, trông thì to cao, lịch lãm, tiếc của, khi đêm xuống đi đào cái dạ dày đó, lấy con rắn để làm thịt. Nấu xong, anh ấy gọi tôi dậy ăn, bảo thịt rắn nhiều chất bổ lắm, tôi sợ khiếp vía. Thế mà mấy anh em giáo viên trẻ xì xụp ăn hết đấy. Đói quá mà…”.
Cách ngôi trường Bổ túc công nông khoảng chừng già cây số là một bản người Thái có tên là Hua Tát. Bản không to, chỉ chừng mấy chục nóc nhà. Nguyễn Huy Thiệp cho biết do có lệnh không được tiếp xúc với dân, nên các giáo viên ngày đó cũng không dám vào bản nhiều. Chỉ duy nhất có một lần, nhìn thấy bản bị cháy, mấy anh em bảo chạy vào xem sao. Đến nơi, cả bản chỉ còn những cái cột nhà cháy đen thui chọc lên nền trời, những người đàn bà Thái và những đứa trẻ ôm nhau khóc thảm thiết. Ấn tượng ấy tôi không bao giờ quên được. Sau này khi viết chùm truyện về núi rừng Tây Bắc, tự nhiên cái tên bản ấy hiện về, tôi lấy lại tên bản Hua Tát như là cách lưu giữ ký ức; chứ câu chuyện và các nhân vật là do tôi bịa ra cả”.
Hiện nay, ngôi trường Bổ túc công nông đã bị xóa sổ trên thực địa cũng như trong nền giáo dục Sơn La sau khi đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Riêng bản Hua Tát bây giờ thấy khá nhiều nhà sàn kiểu mới mọc lên, toàn lợp ngói hoặc tấm xi măng, giữa bản có Nhà văn hóa, có điểm trường cấp 1 cấp 2 nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ. Đường sá lối đi trong bản cũng vẫn còn nhiều đoạn chưa đổ bê tông, đang còn lầy lội. Thấy ô tô chở chúng tôi đến, lũ trẻ con chân đất, áo quần màu đất chạy túa ra xem. Tôi dừng lại một ngôi nhà sàn mới dựng, gỗ toàn phần, lợp ngói gốm cao cấp, quy hoạch theo hướng hiện đại. Hỏi ra mới biết chủ của nó là một đôi vợ chồng người Thái trẻ, vợ giáo viên, chồng chủ trang trại trồng mía bán cho nhà máy đường gần đó, giầu có nhất bản. Riêng điểm trường Hua Tát, cổng đóng, do đang dịp hè. Giá như có người, chúng tôi cũng muốn ghé vào thăm…
Có một câu chuyện liên quan đến cái đói và cuộc sống của Nguyễn Huy Thiệp những năm ở Hua Tát. Ngày ấy anh quen một ông phụ trách cục kiểm lâm. Ông này có vợ dạy học ở Hòa Bình. Do làm sếp, có điều kiện hơn, thỉnh thoảng có cái ăn ngon, ông ấy lại cho người mang sang hoặc mời anh giáo Thiệp sang đánh chén. Một hôm ông ấy bảo: anh chả có tiền cho mày, nhưng mày chịu khó thì cũng có ít tiền, anh cấp cho mày cái giấy phép khai thác gỗ lát theo tiêu chuẩn, mày vào rừng chọn chặt lấy cây nào to to xẻ ra lấy ít ván mà bán… Giáo Thiệp mừng quá, thuê hiệp thợ vào rừng chọn chặt một cây to. Khi hạ xuống, hóa ra nó mục bên trong hết cả. Thế là đâm chán. Gặp, ông anh cục kiểm lâm bảo: “Sao mày ngu thế, vào chọn lại, chặt lấy hai cây thật to vào”. Giáo Thiệp thuê hiệp thợ gồm năm người ở dưới xuôi lên. Giáo Thiệp cùng họ vào rừng, làm đúng như lời ông kiểm lâm dặn. Hiệp thợ làm ròng rã hơn tháng trời, rồi vận chuyển về trường (chuyện này đã trở thành một phần nguyên mẫu trong truyện ngắn “Những người thợ xẻ”). “Sau đó - Nguyễn Huy Thiệp kể - đống gỗ chình ình để trong trường, khiến một số người hiểu lầm, một số người đố kỵ, từ chỗ đang không có gỗ thì được yêu, có gỗ thì bị ghét. Mà tôi thì không biết làm gì với đống gỗ tội nợ ấy. Khi được về xuôi, tôi cũng cố chở về theo. May quá, có một đồng nghiệp cũng người Hà Nội, cũng từng sống ở Sơn La, biết tôi có chỗ gỗ ấy, đến gạ mua, thế là tôi bán tống bán tháo cái đống tội nợ ấy đi”.
Dạy trẻ/dạy người
Một trong những chủ đề mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện khá sâu sắc trong truyện ngắn là vấn đề dạy học, rộng ra là giáo dục trẻ con, giáo dục con người. Chủ đề này có khi nằm hẳn trong những truyện riêng lẻ (Thương nhớ đồng quê, Sống dễ lắm, Những tiếng lòng líu la líu lo…), có khi rải rác trong nhiều truyện. Ông kể: ngày dạy ở trường Bổ túc công nông, ban đầu dạy theo SGK, rất ngay ngắn, bài bản. Nhưng khi dạy, nhìn họ, biết họ chán, họ không nghe. Thế rồi tôi chả dạy kiến thức là mấy, chủ yếu kể chuyện cho họ nghe, về quyển sách nọ mới đọc, về nhân vật kia trên thế giới. Thí dụ tôi kể về “Những người khốn khổ” có chàng Giăng Van Giăng, có cô Phăng tin… Ngày đó, nhiều thời gian, tôi làm quen với cô thủ thư của một thư viện ngoài thị trấn. Tôi thấy có cuốn “Từ điển triết học” của Liên Xô, mượn về nhà đọc, thấy có các khái niệm, có các nhân vật, lại có hình vẽ nữa. Tôi đọc rồi ghi chép những chỗ mình thích. Thế rồi tôi cứ kể lại cho học viên nghe. Họ rất thích. Sau họ nhớ mãi. Hóa ra dạy học không chỉ dạy kiến thức trong sách vở, mà phải dạy bằng cái hiểu biết rộng bên ngoài.
Trong buổi giao lưu với thầy trò khoa Ngữ văn-Đại học Tây Bắc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: “Kinh nghiệm 10 năm Tây Bắc dạy tôi: hãy biết trở về với tự nhiên phác thực và biết khát vọng. Tôi mong sao các thầy cô khi dạy học, truyền được cho các em lòng khát vọng. Có khát vọng mới có thể vươn lên. Nếu không khát vọng, cứ ngập ngụa vào những cái dung tục, sẽ phí cả một đời đi”.
Trên đường từ Tây Bắc trở về, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói với chúng tôi: “Ngày xưa ở trên Tây Bắc, tôi vớ được một tập thơ của Nê-zơ-van, mà bây giờ vẫn nhớ mấy câu thơ này: “Tự biết nhé và nếu còn gặp lại/Cũng đủ rồi, cũng kỳ diệu xiết bao/ Tự biết nhé và nếu còn gặp lại/Chẳng phải tôi đây trở lại đâu nào”… Đúng là vậy, vật đổi sao dời. Từ một anh giáo Thiệp ngày nào, bây giờ đã là một nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lừng lẫy. Bây giờ cũng không còn là một nhà văn kiêu bạc như lúc sự nghiệp đang chói sáng. Khi gặp lại Tây Bắc, gặp lại bạn bè, nói chuyện với thầy cô giáo và sinh viên, anh hay nghẹn ngào, có khi anh khóc, giọng khê đặc, mãi mới thốt lên lời. Có lần tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe, anh bảo: “Yếu dần dần rồi. Cũng hợp quy luật. Cứ khỏe mãi cũng nguy chứ ông!”. Vâng, đúng như cách anh thường hay nói: “Hãy sống theo Đạo, trở về với tự nhiên, chứ con người ta, văn chương cũng vậy, nhiều khi hão huyền lắm”.
Sơn La-Hà Nội 19/20-8.2017
V.G
Nguồn: Báo Tiền phong, ngày 27.8.2017