Nhà văn Trần Đình Sử (ký theo họ tên thật, ngoài ra còn dùng các bút danh Sử Hồng, Trần Minh) sinh ngày 10-8-1940, quê gốc Thừa Thiên – Huế, hiện thường trú tại Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm1990.
Sau khi tốt nghiệp Đại học trong nước, nhà văn Trần Đình Sử đã tu nghiệp ở Trung Quốc và Liên Xô, là Giáo sư, Tiến sĩ, ủy viên Hội đồng LLPB Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản các tập nghiên cứu – phê bình văn học Thi pháp thơ Tố Hữu, Lý luận và phê bình văn học, Một số vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Dẫn luận thi pháp học, Văn học và thời gian, Thi pháp Truyện Kiều...
Nhà văn Trần Đình Sử đã được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt nam (1997) và Giải thưởng Nhà nước (2000).
Quan sát trong đời sống văn chương xứ ta, mỗi người hành nghề mỗi cách, có người quẩy chữ, có người gánh chữ; như nhà thơ Lê Đạt phu chữ thì lắm khi đánh vật với chữ... Còn nhà nghiên cứu văn học - nhà giáo dạy văn Trần Đình Sử đích thị là người thồ chữ. Cái người quẩy chữ trông phong thái thanh nhàn lắm. Họ đi vào cõi văn chương cứ nhẹ tênh như không, chẳng lam lũ khó nhọc gì. Không biết lao động thực của họ như thế nào chứ cái cách họ xuất hiện, cái cách công bố tác phẩm, cái cách tuyên ngôn, cư xử trong chốn văn thấy cứ nhẹ nhõm như chơi ấy. Hoàng Phủ Ngọc Tường quy cho kiểu người này là loại Người ham chơi.
Lại có những người, như giời đày, chỉ biết lấy công việc làm vui, lấy cái thực hành sở nguyện khai mở, gieo trồng tri thức làm phương châm hành xử. Để cho đời thanh thơi mây gió thì trông vào cái đám người ham chơi. Chứ còn để cho mọi sự được căn cơ, căn bản, phải nhờ những người ham làm. Ham chơi hay ham làm cũng đều là cái căn cái số tự chuốc vào thân, gỡ cũng không ra. Trần Đình Sử thuộc vào kiểu người thứ hai.
Năm 1980, Trần Đình Sử lúc đó vừa tròn tuổi tứ tuần, môi đỏ, tóc xanh, mắt sáng, từ nền học thuật Liên Xô trở về, lòng đầy hăm hở muốn triển khai lý thuyết thi pháp học vào nền học thuật nước nhà. Vừa chân ướt chân ráo về nước, ông đã cho đăng bài viết “Thời gian nghệ thuật trong truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du” (5-1981) khiến giới học thuật trong nước cảm nhận thấy bắt đầu một cái gì đó thật khác trước, thật mới mẻ, mà cũng thật hồ nghi. ổn định công việc giảng day ở khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm Hà Nội, ông tiếp tục công bố bài Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (6-1982). Chỉ với mấy bài viết công phu, bài bản ấy đã gây được sự chú ý đáng kể đối với giới nghiên cứu văn học nước nhà. Một số nhà khoa học ủng hộ dè dặt. Một số khác, tuy không nhiều, cho là Trần Đình Sử rơi vào căn bệnh hình thức chủ nghĩa. GS. Đặng Thanh Lê, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm, có uy tín về Truyện Kiều đã sớm cảm nhận cái hơi lạ ấy, liền mời Trần Đình Sử thuyết trình về thi pháp học và thi pháp Truyện Kiều. GS. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Lộc bên ĐH Tổng hợp văn cũng mời Trần Đình Sử sang thuyết trình vài buổi. Ban LLPB của Hội Nhà văn cũng mời đến để... xem sao. Là đồng nghiệp, lại cùng tổ chuyên môn với nhau, GS. Phương Lựu, khi đọc bài thứ nhất của Trần Đình Sử, bảo đây là một thành công. Khi đọc bài thứ hai, ông lại bắt tay chúc mừng nồng nhiệt: “Lại thêm một thành công nữa của Trần Đình Sử”... Tuy nhiên với bản tính hay đùa, GS. Phương Lựu trêu Trần Đình Sử là nhà... thi phét học! Vẫn biết Phương Lựu là người thích pha trò.
Tôi được theo học GS. Trần Đình Sử từ ngày cao học, vào những năm 88-89. Lúc ấy, chúng tôi được cái không lười, ngốn sách rất ghê. Trước đó đã đọc mấy bài kể trên, rồi đọc Thi pháp thơ Tố Hữu (1987) của Trần Đình Sử. Thấy lạ. Từ trước tới nay vẫn cứ ra rả về các giai đoạn thơ Tố Hữu, nào là người chép sử bằng thơ, nào là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng... Những nhận thức ấy suy cho cùng, không hẳn là khó. Vấn đề thơ Tố Hữu có phong cách riêng nhất quán hay không, phong cách ấy đi từ quan niệm nghệ thuật nào, thế giới nghệ thuật của ông ra sao, ông hay dùng những phương thức phương tiện biểu đạt riêng nào?... thì ít thấy nói, hoặc nói vu vơ. Đến công trình này, hầu hết những vấn đề đó được đặt ra và giải quyết thuyết phục. Dĩ nhiên là người viết bài này, nếu ngày đó mà đã biết đặt ra được những câu hỏi như thế, thì đáng nể quá. ấy là nhìn từ hôm nay để nói lại vậy thôi. Thế hệ chúng tôi, đọc Trần Đình Sử ngày đó vỡ ra được rất nhiều. Điều thấm thía nhất đối với chúng tôi đó là nghiên cứu văn học sao cho văn học được là văn học, tức là nhìn văn chương xuất phát từ cái nhìn nghệ thuật chứ không phải bằng cái nhìn của xã hội học hoặc chính trị thô giản. Các công trình của Trần Đình Sử đã góp phần kéo thế hệ chúng tôi và nhiều người khác ra khỏi cái vòng luẩn quẩn nội dung tư tưởng chính trị xã hội của văn học. Cái mệnh đề nổi tiếng “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu hình thức mang tính quan niệm” của Trần Đình Sử đã thực sự góp phần tiếp sức cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại nước ta.
ở đời làm sao tránh khỏi miệng lưỡi thế gian. Lứa chúng tôi ngày ấy cũng đã nghe lỏm được cái ý cho rằng Trần Đình Sử viết về Tố Hữu để... kiếm điểm. Là học trò, chẳng dám cật vấn. Tuy nhiên thì trong lòng vẫn nghĩ, cho dù có thế thật đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng đã học được rất nhiều ở công trình đó, nhất là cái phương pháp nghiên cứu đưa lại hiệu quả rõ rệt và mới mẻ như vậy. Sau này, khi tuổi lớn thêm, trong lúc tâm tình thân mật, tôi có đem chuyện này ra hỏi lại. Ông cười lớn: “Trời ơi, tôi viết quyển này là do Nhàn (Vương Trí Nhàn) nó đặt hàng. Nhàn lúc đó đang làm ở NXB Hội Nhà văn. Nhàn bảo: năm nay năm chẵn kỷ niệm 40 năm cách mạng, đặt ông viết cuốn nói về thi pháp thơ Tố Hữu. Cách viết đừng lý luận nhiều, cứ đi vào tác phẩm luôn, lý luận ở ta có ai đọc đâu. Tôi nhận lời. Nhàn lại bảo: Nếu cần gặp Tố Hữu, NXB sẽ tổ chức. Tôi từ chối. Khi sách in ra, tôi gửi một cuốn đến NXB nhờ đem tặng ông Tố Hữu. Từ bấy, đến tận năm 1989, ông Hoàng Trinh gọi tôi bảo ông Tố Hữu không còn làm chức tước gì nữa, cậu nên đến thăm ông ấy một chút. Tôi đến. Tố Hữu không nói một câu nào về quyển sách của tôi, mà ông nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Trưa rồi. Bụng thì đói vẫn không dứt chuyện. Phải nói Tố Hữu thông minh. Tiếng Việt ông ấy giỏi lắm, tinh tế lắm... Sau này, một hôm tình cờ gặp nhau, Trần Đương (dịch giả văn học Đức) nói rằng ông Tố Hữu bảo cậu Trần Đình Sử viết được đấy... Về chuyện này, tôi tin Trần Đình Sử chân thành. Phải là người không giỏi (hoặc dốt) về chuyên môn, người ta mới cần chạy chức chạy quyền, chứ đằng này ông là người giỏi. Những người giỏi, người ta lấy chuyên môn làm căn bản, làm gậy chống để đi giữa cuộc đời. Có thể bổng lộc chẳng có gì, nhưng họ được làm người kiêu hãnh. Người kiêu hãnh. Vâng, kiêu hãnh để làm Người. Lại nhớ, cũng những năm 90, chẳng biết nghe ai xui khôn xui dại thế nào, Trần Đình Sử nhận lời làm Chủ nhiệm Khoa. Chủ nhiệm gì mà suốt ngày chúi mũi vào chữ nghĩa. Người ta cần ở cái anh chủ nhiệm khoa biết chúi mũi vào đời sống, làm sao tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra cơ hội mưu sinh...cho mọi nguời, đằng này suốt ngày chỉ biết thế giới nghệ thuật với những cách nhìn cách cảm, không gian thời gian, phương thức phương tiện... gì gì đó. ấy là chưa kể còn bị hiểu lầm, bị cho là vật cản, làm vướng chân người này người nọ có máu tham chấp chính. Thế mà cò cưa mãi cũng hết một khóa 4 năm, sau đó ông thôi không làm nữa. Nhìn lại, việc chuyên môn có giảm sút năng suất đi, sức lực cũng kém đi, cũng chuốc lấy không ít điều dị nghị. May mà, cái con người chức tước Trần Đình Sử chỉ quệt qua một tẹo, chứ ông mà lại đắm đuối vào đấy thì đã chẳng còn được như... Trần Đình Sử hôm nay. Khi tôi nhắc lại vụ này, ông cười xí xoá: “Cũng là một cái dại... Tớ là cái anh chỉ biết có chuyên môn, vụng đường quản lý. Chứ nếu thích quản lý, tớ đã đi theo mấy lời mời mọc chỗ nọ chỗ kia rồi. Như cái chân giám đốc NXB nọ. Như cái chân cao cấp trong Ban kia... Được làm một nhà chuyên môn vẫn là sướng nhất”.
Tôi quan sát thấy, đường đi của các nhà trí thức chân chính thuộc bất cứ lĩnh vực nào, nếu thật ráo riết, rồi cuối cùng thể nào cũng gặp nhau ở đại lộ văn hoá. Vâng, văn hoá là phần kết tinh nhất của các giá trị. Trần Đình Sử là một người như vậy. Ông nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều, thi pháp thơ Tố Hữu, thi pháp văn học trung đại, thi pháp văn học cách mạng... cuối cùng thì lại đụng chạm vào các vấn đề văn hoá. Ông bảo: “Thi pháp học chính là khám phá các giá trị văn hóa của nghệ thuật, chứ không phải đi giải mã nội dung. Chỉ cần một điển tích, một chữ trong một câu thơ, một hình ảnh, một chi tiết, một biểu tượng... trong thế giới nghệ thuật của một nhà văn, nó vừa là sáng tạo của chính nhà văn ấy, vừa là hàm lượng văn hoá của nhiều nghìn năm lịch sử dân tộc kết tinh trong đó, cái mà K.Jung gọi là vô thức tập thể, và còn rộng hơn thế nữa. Các công trình nghiên cứu lớn nhỏ của Trần Đình Sử trong suốt hơn 30 năm qua hiện lên một con đường học thuật đa dạng mà nhất quán: từ thi pháp học đến văn hoá văn học. Khép kín trong thi pháp học, dễ xơ cứng. Với một nhãn kiến văn hoá sâu rộng, Trần Đình Sử đã truyền cho thi pháp học một sức sống linh động và đầy hiệu quả. Có ai đó nhìn vào một vài luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn, đã vội vàng cho rằng thi pháp học đã đi vào chỗ công thức, máy móc. Sao lại đem luận án ra để mà đo một ngành khoa học nhỉ. Luận án chẳng qua là một thứ bài tập tập dượt nghiên cứu khoa học của NCS, chứ đã làm sao được gọi là một công trình khoa học đích thực. Đã đành phương pháp nào dù hay ho đến mấy cũng có giới hạn của nó. Cái quan trọng là người nghiên cứu phải hiểu và biết cách khắc phục nó, nhờ vậy phương pháp được làm giàu có thêm lên, để trở thành một phương pháp mang tính năng sản. Tôi nghĩ, ngày hôm nay có nhiều phương pháp nghiên cứu, và các phương pháp chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Như vậy thì các phương pháp đều bình đẳng, và được quyền chung sống thân ái bên nhau. Hãy cứ cật lực với thi pháp học, vẫn còn rất nhiều điều cần phải nghĩ lại, nghĩ tiếp và nghĩ mới. Thi pháp chẳng phải là triết học, mỹ học, văn hoá học của nghệ thuật đó sao!
Trần Đình Sử là người tham công tiếc việc. Ngoài công việc giảng dạy, nghiên cứu, ông còn can dự vào nhiều thứ lắm. Nào là biên soạn, chủ biên sách giáo khoa (SGK), nào là tham gia vào Hội đồng này nọ. Nói riêng về chuyện SGK, hết chủ biên phần văn, phần lý luận, ông lại còn chủ biên và viết phần Tập làm văn. Nhiều người quý ông, can ông. Dính vào chỗ SGK là dính vào công việc khổ ải nhất. Làm dâu ngàn vạn họ. Gò từng ý từng câu từng chữ. Mà nào có được cảm thông đâu. Người ta phê phán nền giáo dục nói chung, ngưòi ta trút giận trước hết vào SGK. Có người công tâm. Có người ác ý. Lại phải điều trần, giải thích, thậm chí phải tranh luận cho ra nhẽ. Cứ thế, công việc SGK nhiều năm nay lấy đi của Giáo sư Trần biết bao sức lực. Tôi bảo: giả dụ thầy cứ không nhận làm SGK thì có sao đâu nhỉ? Ông sôi nổi: “Mình là cái anh sư phạm, đứng ngoài sao được. Thôi thì lại phải lăn lưng vào, biết rằng rất mệt”. Vâng, để có được tư tưởng: “Dạy văn là dạy cách đọc văn mà ông khai triển, tôi biết, ông đã phải kiên nhẫn đến thế nào. Mọi gắng gỏi của ông suy cho cùng cũng chỉ như muối bỏ biển. Ngày nay, môn văn nhà trường đang suy vi như chính cái nền giáo dục của ta vậy. Tuy nhiên, đã là kẻ sĩ, không thể cho phép mình vô can trong cái sự thăng trầm của lĩnh vực mà mình đang hoạt động, rộng ra là đời sống. Mỗi người, bằng tất cả sự kiên nhẫn của mình, phải liên kết lại, nhờ vậy, hy vọng cuộc sống mỗi ngày nhích lên một chút, sáng sủa lên một chút.
Có lần, tôi cùng một chuyến đi công tác với Giáo sư Trần vào tận đất mũi Cà Mau, rồi lại ngủ chung một phòng khách sạn. Đang đêm, tôi thấy tiếng động lạ. Dỏng tai nghe, không hiểu tiếng gì. Định thần, nhìn sang góc đối diện, hoá ra là tiếng thở do bệnh hen suyễn phát ra từ nơi giáo sư. Tôi hốt hoảng gọi mấy lần: “Thầy ơi thầy, thầy có làm sao không ạ?. Giáo sư tỉnh dậy bảo: “Không sao đâu, tớ bị cái bệnh khó thở ấy mà. Nói xong, tôi thấy ông ngồi dậy, bơm xịt thuốc cắt cơn. Quả thật, tôi không khỏi ái ngại. Lòng thầm lo: Ngài hay đi công tác, mà ngủ một mình thì thế nào?... Lại nghĩ: Thế mà ngài làm việc kinh thật, chẳng biết ngài lấy đâu ra sức lực, công việc như núi mà vẫn cứ chạy băng băng...
Năm nay giáo sư Trần đã vào tuổi thất thập cổ lai hi. Vẫn thấy ông cưỡi xe máy rong ruổi đi về suốt từ phía đông thành phố sang phía tây thành phố. Ông vẫn nhận lời dạy cho nhiều trường Đại học trong Nam ngoài Bắc. Vẫn tham gia cải cách SGK. Vẫn Hội đồng LLPBVHNT trung ương. Vẫn lúc nào cũng ...một vài thằng con con nghiên cứu sinh cứu siếc... Ông đang còn toan tính mấy việc nữa: “Về lý thuyết đọc văn, phải viết một quyển sách đến nơi đến chốn. Tớ là người đầu tiên khởi xướng Tự sự học bằng 2 cuộc hội thảo quốc gia, đã đến lúc phải viết một Giáo trình Tự sự học. Rồi thì bao vấn đề lý luận văn học của một thời kỳ lịch sử cần phải thanh lý, đánh giá lại đúng sai ra sao. Nghĩa là tay bút của ông vẫn còn vạm vỡ lắm. Ông vẫn miệt mài thồ chữ, chuyên chở chữ, chuyên chở tri thức vào cõi văn chương. Nói chuyện với ông vẫn thấy ông cười đùa đáo để, chuyện nổ như pháo. Dĩ nhiên, ở đời này đâu chỉ có chuyện vui. Lắm lúc chạm vào chỗ bất bình, lập tức thấy sắc mặt ông đỏ lựng. ấy là lúc bắt đầu nghiêm trọng rồi đấy...
Với tư cách học trò, tôi học được ở giáo sư Trần thật nhiều. Và cũng có những điều dẫu muốn cũng không học được. Trong những vụn chữ nghĩa bé mọn của tôi, có không ít hương thơm tư tưởng của thầy Trần Đình Sử...
La Thành, ngày 14.5.2010.
Nguồn: Văn nghệ số 23 (5.6.2010)