Rơm rạ cuối mùa

20250122

  Vinh, chị đã về đến nhà chiều hôm qua. Ba năm rồi, từ ngày má qua đời, nay chị mới về quê ăn Tết. Năm nay gần cuối tháng chạp rồi mà quê mình còn lạnh quá, lạnh hơn cả Kon Tum, nơi anh chị định cư hơn 17 năm qua. Buổi sáng chị ra giếng nhìn qua vườn nhà em, lối đi ngày xưa thông giữa hai nhà đã bị rào ngăn. Nhớ những năm nào hai gia đình mình góp nếp gói bánh chưng, rồi anh Hiển và chị dẫn em ra chợ chơi lô tô, mua pháo chuột.

          Anh Hiển mất đã tròn 20 năm rồi em nhỉ. Năm nay chị về vừa để lo giỗ má, vừa tưởng nhớ ngày giỗ của anh. Chồng chị biết ý nên không về cùng chị, để chị đi xe đò về một mình.

          Bao năm rồi em không về quê đón Tết? Nghe nói mùa hè em vẫn thường về thăm, có qua thắp hương cho ông bà nội và má chị. Nhà chị cũng như nhà em, người đi lập nghiệp xa, đất vườn lên giá, đã cắt bán bớt. Khu vườn lưu giữ bao kỷ niệm của chúng mình giờ thu hẹp, thêm những người hàng xóm mới, nhà cửa xây lại khang trang nhưng cái hồn của vườn như cũng bay đi mất.

          Hồi đó chiến tranh chưa lan tới quê mình, đêm không có tiếng súng, không có hỏa châu, chỉ có vầng trăng nhìn đám thiếu niên chơi đánh trận giả ngoài cánh đồng mới gặt, rạ còn phơi khô trên bờ ruộng. Anh Hiển và các em một phe, chị và các bạn khác một phe. Phe em mạnh quá đuổi bắt phe chị, chị bị anh Hiển xô ngã vào một đụn rơm, anh siết lấy thân chị, chị mềm nhũn trong cái hôn đầu đời của anh. Em nhìn thấy đã lao vào “cứu” chị, đấm thùm thụp vào vai anh Hiển, bảo “buông ra, buông ra”. Anh Hiển bị quân cùng phe phá đám, tiu nghỉu bỏ đi; còn chị thì tẽn tò vì hạnh phúc ngắn ngủi bị vuột mất giữa chừng.

         Mùi rơm rạ ôm ấp tuổi dậy thì của chị mùa hè năm đó. Rơm dính vào áo quần, vương những hạt lúa lép làm xót da thịt. Cảm giác hạnh phúc trong hương rơm rạ còn trở lại với chị một lần nữa cùng với khổ đau. Nhưng đó là câu chuyện vài năm sau.

        Những ngày tháng đó chị đã yêu anh Hiển, chắc rồi, nhưng kỳ lạ là hình như chị cũng yêu em nữa, Vinh à. Không, chị thương em thì đúng hơn, một tình thương khác biệt; và có vẻ em cũng đối với chị như vậy, vì lúc đó em đã gần tuổi dậy thì rồi, em kém anh chị ba tuổi chớ mấy. Nhưng em vẫn còn cái ngây thơ như hạt mầm chưa nứt vỏ. Khi anh Hiển đi rồi, em mới thành người khác. Hiển sinh động, tháo vát bao nhiêu thì em trầm tư, ủ dột bấy nhiêu. Có lẽ xa anh Hiển, em thấy như cũng dần xa chị, em mất cả hai nguồn tình cảm sưởi ấm tâm hồn thơ dại đã nhuốm mùi âu lo và xáo trộn của em.

         Nhà vắng Hiển, em tập chơi cây đàn guitar anh để lại. Hằng đêm chị ra giếng nghe em hát một mình, những bài hát mà chị chưa hiểu hết. Hồi đó cánh thôn nữ quê mình chỉ biết hát Trộm nhìn nhauĐưa em vào hạ[i]. Còn em thì hát “Hỡi những con chim đêm sao chưa vỗ cánh/ Hỡi những anh nông dân sao chưa về làng/ Hỡi những người mẹ già hằng đêm sao khóc…”[ii]; “Đêm nay có thuyền em đi/ Thuyền trôi nhanh đến nơi đầu sông/ Đường đêm lấp lánh sao trời…”[iii]. Chị mềm lòng vì giọng hát của em, nhớ Hiển và thương em vô vàn.

         Trước ngày ra đi, Hiển rủ chị ra bờ sông câu cá. Nhưng anh chẳng để ý gì động tĩnh của cái phao, vì mải tâm sự với chị. Cha anh đã ngã xuống trên chiến trường, anh sắp đến tuổi bị bắt quân dịch; không thể cầm súng bắn về phía của cha mình, anh phải lên chiến khu. Chị không biết nói gì, chỉ biết khóc, nước mắt đẫm cả má chị và má anh. Lần đó anh chị hôn nhau thật lâu, vì không có em đi theo như những lần chúng mình ra sông tập bơi.

         Hiển không đi xa đâu, chị biết, anh chỉ ở trên núi Vàng thôi, đội du kích của anh thỉnh thoảng vẫn xuống đồng bằng. Các anh cẩn trọng không về gần xóm mình để giữ an toàn cho gia đình. Cách xóm mình chừng 300 mét, một đồn lính được xây lên do một trung đội địa phương quân trấn giữ để bảo vệ cây cầu sắt nối liền quốc lộ 1. Hồi còn ở nhà, Hiển có lần nói với chị, cái đồn lính đó làm anh ngứa mắt lắm, thế nào cũng có lúc anh đánh sập nó; nhưng chắc rồi anh lại lo việc ấy sẽ ảnh hưởng đến mẹ, em, người yêu và hàng xóm của anh.

         Lúc đó chắc em chưa hiểu hết lý do làm Hiển “ngứa mắt” đâu. Cầu bị du kích thả mìn giật sập nhiều lần. Chính quyền tìm mọi cách để giữ giao thông trên tuyến quốc lộ huyết mạch này không bị gián đoạn. Hồi đầu chiến dịch tố Cộng, vì có người thân thoát ly lên núi hay tập kết ra miền Bắc, những bà mẹ xóm mình bị lính bắt ôm chiếu ra ngủ bên vệ đường để ngăn du kích không đặt mìn giật sập cầu.

        Hằng đêm lính bắn đạn vào các lùm cây trong xóm để dè chừng du kích trở về. Mỗi khi vang tiếng súng trong đêm, các ngôi nhà như đều co rúm vì sợ hãi. Người dân phải xây hầm và chất bao cát ngăn đạn. Lính còn gài lựu đạn trên lối đi. Có lần một con chó vướng lựu đạn nổ, kéo theo loạt súng bắn xối xả, một viên đạn lửa đã làm cháy mái tranh nghèo nhà chị. Nửa đêm nghe tiếng kêu cứu, cả xóm xúm lại chữa cháy. Ngọn lửa lan nhanh, chỉ kịp chuyển ông nội và một ít đồ đạc ra khỏi nhà. Hiển và em cũng lao ra giếng xách nước dập lửa, ướt đẫm cả áo quần. Rồi xóm mình góp công, góp của sửa lại nhà cho gia đình chị. Sau lần cháy nhà, ông nội và má chị càng thương Hiển và em, mong ước được làm sui với mẹ em. Nghe người lớn nói chuyện đó, chị mắc cỡ mà cười thầm trong bụng, làm bộ như không biết gì.

         Từ khi đồn lính có người trung đội trưởng mới, xóm nhà mình dễ thở hơn. Thay vì gài lựu đạn và bắn tỉa vào xóm, sau giờ cơm tối, họ đến chuyện trò với dân, hỏi thăm sức khỏe người già, mua kẹo và tập vở cho trẻ em. Dân xóm ngạc nhiên. Phải chăng lính ân hận vì đã bắn cháy nhà dân hay họ biết xóm mình có những người tiếp tế cho kháng chiến, nên tìm cách thăm dò? Chỉ riêng chị hiểu lý do thâm sâu của sự thay đổi thái độ đó.

         Mỗi lần đi chợ về qua cầu, chị luôn bắt gặp ánh mắt của Thuận, người trung đội trưởng. Anh ta cũng thường vào nhà uống nước trà với ông nội. Linh cảm một điều gì đó, chị luôn tìm cách xa lánh, nhưng ông nội và má chị thì tiếp đãi Thuận ân cần. Ông nội chỉ nói chuyện mùa màng, thời tiết, chớ không bao giờ đả động đến chuyện thời sự, dù đêm nào, với chiếc tai nghe, ông cũng nghe đài Hà Nội để vọng nhớ người con trai duy nhất đang sống trên đất Bắc xa vời. Có lần, Thuận vô tình mở cái radio trên bàn, nghe giọng nói từ chương trình “Phát thanh vào Nam”, anh giật mình vội tắt ngay và xem như không có chuyện gì xảy ra. Cảm kích cách ứng xử của Thuận, từ hôm đó nhà chị tỏ vẻ quý mến anh. Sau ngày Hiển ra đi, chị càng giữ ý hơn trong giao tiếp với Thuận. Thuận biết tình yêu của chị dành cho Hiển và anh ta cũng không làm điều gì khiến chị thấy e ngại mà cảnh giác. Nhưng chị biết Thuận vẫn dõi theo chị trong một khoảng cách gần, vì vậy chị càng trở nên thận trọng.

         Ngày Hiển còn ở nhà, mỗi chạng vạng, chị ra tắm ở giếng nước chung của hai gia đình. Giếng lúc đó chưa xây nhà tắm, chỉ có hàng cây duối bao quanh che chở. Mỗi lần thấy chị ra giếng, Hiến khẽ khàng khép cánh cửa sổ phòng anh. Chị vừa tắm vừa nghe tiếng đàn guitar của anh rót vào tai mát rượi như những làn nước giếng. Còn Vinh, em bé hư của chị, những lúc đó hay đi thẫn thờ trong vườn, liếc nhìn ra giếng; có hôm trăng sáng, chị bắt gặp ánh nhìn trong veo của em khi chị vừa thay bộ quần áo mới. Giá em ở gần thì chị đã kéo em lại và cú đầu em một cái. Vinh ơi, sao trong buổi chiều cuối năm bên thềm giếng này, chị nhớ biết bao những giây phút hân hoan khi có Hiển và em ở gần. Ước gì lúc đó chị vòng tay ôm lấy cả Hiển và em vào bộ ngực phập phồng và ướt đẫm nước mát. Chị cũng hư quá, còn hư hơn cả em, phải không? Chỉ có Hiển là ngoan nhất, anh lúc nào cũng thương chị, thương em. Có thể anh không biết những chuyển biến tâm lý trong em, nhưng nếu biết chắc anh cũng chẳng la rầy. Cũng như hồi bé ba đứa mình ra đồng bắt cua bắt cá bỏ chung vào một giỏ. Khi chia tay về nhà, em hiếu thắng muốn giành những con lớn nhất để về khoe công với mẹ. Còn Hiển thì từ tốn nhắc nhở em rồi chia đều cho chị và em. Cùng một tuổi nhưng từ nhỏ chị đã thấy Hiển ra vẻ người lớn, yêu thương, bao dung, nhường nhịn.

        Trước ngày đi, Hiển cùng em dựng một chòi lá dừa bên bờ giếng làm phòng thay đồ cho những người phụ nữ của hai gia đình. Hiển đi xa hai cái tết, tin về rất thưa thớt, nhưng chị vẫn như thấy Hiển ở đâu đây. Thi thoảng một lời nhắn tin qua người bà con đi chợ hoặc một mẩu giấy nhỏ cuộn trong gói lá trầu người ta đưa cho hai bà mẹ. Chị không cần gặp mặt Hiển, chỉ cần biết anh bình an trong những ngày lửa đạn. Em giờ cũng thành người lớn rồi, chững chạc, sâu sắc, học giỏi, không còn nhìn trộm chị ngoài giếng nữa. Hi. Mà từ khi vắng Hiển, chị đâu dám ra giếng tắm những buổi hoàng hôn: chị tưởng tượng cái ống nhòm chiếu ra từ đồn lính.

        Hiển đi rồi, hai gia đình mình vẫn qua lại thăm viếng, giúp đỡ nhau. Chính quyền tra vấn mẹ em và chị, nhưng cũng không làm khó dễ gì hơn. Hình như Thuận vừa theo dõi, vừa âm thầm che chở chúng ta. Trung đội lính cắt phiên canh gác cẩn mật hơn, lắng nghe từng tiếng động trong các khu vườn.

        Tết năm đó có một tuần hưu chiến, nghe đài nói nơi những vùng tranh chấp người ta dựng lên những căn “nhà hòa hợp” để lính hai bên gặp nhau giao lưu đón tết. Em ra giếng gặp chị thì thầm: “Có khi anh Hiển sẽ về thăm nhà đó chị”. Coi bộ trung đội lính ngoài cầu có vẻ thân thiện với đồng bào hơn trước. Họ mang gạo nếp vào các gia đình nhờ gói bánh chưng. Chị ra chợ sắm một ít kẹo mứt và mua một vuông vải trắng rồi qua nhờ em vẽ đôi chim trên cành mai với hai chữ HM để chị thêu chiếc khăn tay. Em khuyên chị đừng thêu chữ, kẻo rủi ro gây hệ lụy. Sau này chị mới hiểu, thì ra em sáng suốt nghĩ xa hơn chị rất nhiều. Em khéo tay, vẽ đẹp, chị cũng chăm chút từng đường kim mũi chỉ để có món quà tết tặng anh Hiển.

         Mấy ngày trước tết hai gia đình mình trải qua một niềm vui thầm lặng trong nỗi chờ mong ngày đoàn tụ. Thuận đến thăm, ông nội bảo: “Nghe đài nói sắp đình chiến rồi”. Thuận cũng nói: “Cháu mong sao sớm hòa bình, trả bộ đồ lính này, về quê cưới vợ. Đời lính khổ quá, ông ạ. Có lẽ tết này hưu chiến, cháu xin nghỉ phép ít ngày về thăm gia đình”. Những lúc đó, chị cảm thấy ít nhiều có cảm tình với Thuận, thấy anh dễ gần và bớt nghi ngờ, dè dặt với anh. Nhưng như hoa hướng dương, lòng chị chỉ hướng về Hiển.

          Những ngày cận tết, thời gian đi nhanh hơn, nhà nhà lo sắm tết, mổ heo, làm bánh. Đến đêm 30 thì thời gian như đi chậm lại. Chị treo mùng cho ông nội, cho má, nằm bâng khuâng nghĩ về Hiển. Giờ này anh ở đâu, anh có được ăn tết không? Đối mặt với cái chết trên chiến trường, có giây phút nào anh nghĩ đến em, nhớ em đang quay quắt trong tình yêu cách trở? Trong căn nhà nhỏ, tiếng rên vì đau nhức của ông nội, tiếng thở dài của má đang nhớ ba, tiếng những con tắc kè, thằn lằn kêu trên mái lá nghe rõ mồn một.

          Gần giao thừa, trong tiếng pháo đì đẹt nổ, chị nghe tiếng má ho khẽ, cùng lúc có tiếng gõ nhẹ vào cửa sổ. Chị choàng tỉnh, lắng tai. “Mai ơi!”. Ôi, anh Hiển về. Chị khẽ mở cửa sau, anh Hiển đứng đó, áo bà ba, quần xắn đến gối, vai khoác khẩu tiểu liên. Anh như bức tượng đen thẫm trong ánh sáng nhợt nhạt của hỏa châu trên nền trời đêm. Anh nắm tay chị kéo ra vườn sau, đến bên cây rơm che khuất đầu người. Anh ôm chị hôn ngấu nghiến. Chị đưa tay vuốt tóc anh, vai anh, đâu còn anh Hiển thư sinh ngày nào, người anh đen nhẻm, gầy gò, mặt hốc hác. Vừa rời nụ hôn, chị nói: “Anh về được bao lâu, anh qua nhà anh chưa, anh vào nhà thăm ông nội và má em nhé”. “Không, anh không thể ở lâu, bọn lính của Thuận vẫn canh gác, anh băng đồng về đây mừng tuổi em rồi phải đi ngay, không có hưu chiến thật đâu”. “Vậy em vào chuẩn bị quà tết cho anh và các bạn đây”. “Không cần. Các bạn đang ở góc vườn, canh cho anh gặp em. Cả hai gia đình khỏe là anh mừng rồi. Nghe Vinh học giỏi, thi đậu, khỏi đi lính để hai anh em không bắn nhau”. “Dạ, Vinh ngoan lắm, nó đi lại giúp đỡ cả nhà em”. “Thuận còn quấy rầy em không?”. “Không. Anh đừng lo. Thuận biết ý em kiên quyết, nên không dám nói gì. Anh ta kính nể ông nội nên không làm gì thất thố”. “Dù sao, em dặn hai gia đình đừng tin vào lòng tốt của nó”. “Dạ”.

         Hiển lại ôm choàng lấy chị, hai người ngã xuống lớp rơm khô, nụ hôn dài gợi nhớ đến mùa hè năm nào trên cánh đồng vương mùi rơm rạ. Tay anh chạm vào da thịt chị, chị quấn riết lấy người anh. Ôi, Hiển ơi, em yêu anh vô cùng, anh hãy giữ mình cho em. Anh hãy trở về lành lặn, chúng mình sẽ sinh con. Rồi anh đi học trở lại, em ở nhà nuôi dưỡng ông nội, hai bà mẹ, chăm sóc khu vườn, gởi tiền cho anh và Vinh ăn học. Em chỉ mơ ước có thế thôi. Người Hiển vương mùi bùn non khiến anh ngập ngừng khi cả hai đều khao khát hòa vào trong nhau. Hiển ơi, em để dành cho anh đến ngày hòa bình.

         Bỗng một tràng súng liên thanh từ đồn lính nổ giòn, tiếng giày đinh chạy rầm rập trên lối đi vào xóm. Chị choàng tỉnh khỏi cơn mê: đây là trận đánh thật, không phải trận đánh giả năm nào. Hiển buông chị ra. “Em vào nhà ngay đi, anh phải thoát ra đồng đây”. Chị quýnh quáng nhưng vẫn kịp lấy chiếc khăn thêu luôn để trong túi áo nhét vào túi áo bà ba của Hiển.

         Hiển và đồng đội vừa kịp biến vào bóng đêm thì toán lính ập đến nhà. Người còn vương mùi mồ hôi của Hiển, chị sửa lại tư thế và mở cửa. Một người lính hạch hỏi: “Việt Cộng vừa vào nhà đây, đâu hết rồi?”. “Cả nhà tôi đang ngủ, có thấy ai vào đâu!”. Người trung đội phó quen mặt lạnh lùng bảo: “Thôi, đừng nói dối với tôi nữa”. Rồi anh ta rọi đèn pin xuống khắp nền nhà nhưng không thấy dấu chân người hay dấu bùn đất. Chị nghĩ thầm, dấu vết của anh Hiển ở trên da thịt tôi đây. Ông nội và má chị ngồi co ro trên giường, run rẩy không biết chuyện gì vừa xảy ra. Không tìm được chứng cớ, đám lính thất vọng túa ra khu vườn dò tìm khắp từng lùm cây bụi cỏ.

         Trước bữa cơm chiều mùng một, Thuận bước vào nhà chị, chào ông nội và má, nói: “Tưởng hưu chiến, cháu xin nghỉ phép, nhưng đêm qua đơn vị báo tin có biến cố ở xóm mình nên cấp trên ra lệnh hôm nay phải trở về đồn ngay. Cháu vào chúc tết ông và bác. Chuyện đêm qua chắc không có gì nghiêm trọng, ông và bác đừng lo lắng”. Má mời Thuận ở lại ăn cơm, nhưng anh bảo phải đi ngay. Chị đưa Thuận ra ngõ, anh dừng lại ngập ngừng đưa cho chị chiếc khăn tay chị thêu tặng anh Hiển. Chị nhanh trí: “Ồ, chiếc khăn em mới thêu xong, làm rơi ở đâu mà anh có?”. “Lính anh tìm thấy trên lớp rơm rạ ngoài vườn. Anh hiểu hết rồi. Nhưng anh cũng giải thích với trung đội như ý của em. Vậy em đừng lo nghĩ gì. Có ai hỏi, cứ trả lời như em đã nói”.

         Hai gia đình mình vừa thoát khỏi một tai nạn lớn trong gang tấc.

         Sau cái tết năm đó, thêm hai cái tết nữa là hết chiến tranh. Trung đội của Thuận vẫn đóng ở đồn, nhưng Thuận giữ ý, ít khi vào thăm chị. Anh Hiển cũng thận trọng không liên lạc với gia đình thường xuyên. Đến tết năm 1975, chỉ còn ba tháng trước khi tiếng súng ngưng nổ trên quê hương, anh Hiển hy sinh trong một trận đánh giành dân lấn đất. Nhận được tin, chị đau xé lòng mà ngoài mặt vẫn giữ điềm tĩnh. Chị xin hai bà mẹ cho chị để tang anh Hiển, nhưng mẹ em không đồng ý, bảo chị còn trẻ, phải tìm hạnh phúc mới khi hòa bình trở lại. Mất Hiển, chị là người con gái lỡ làng, biết tìm hạnh phúc ở đâu.

          Ngày hòa bình, ba chị từ miền Bắc trở về, kịp gặp ông nội khi ông hấp hối vì tuổi già bệnh nặng. Niềm vui đoàn tụ không đủ bù đắp cho nỗi đau mất mát. Ba chị giờ một cảnh hai quê, ông còn một gia đình nữa phải lo ngoài Hà Nội. Sức khỏe mẹ chị suy sụp dần. Mãn tang ông nội và cũng qua hai năm ngày Hiển mất, chị đã bằng lòng đi lấy chồng. Ngày cưới chị, ba chị không dự. Em đi học xa, chị có nhắn tin, em nhận được không mà chẳng thấy em gởi lời chúc mừng chị. Hay em cũng giống ba chị, không tán thành chọn lựa của chị? Nhưng chị may mắn có hai bà mẹ bao dung ở bên cạnh trong ngày hạnh phúc. Khi thắp hương trên bàn thờ ông nội và bàn thờ anh Hiển, chị tin hai người thân yêu cũng tha thứ và chấp nhận cho người ấy có mặt trong đời chị.

         Vinh à, em biết rồi đó, sau hơn hai năm đi học tập cải tạo trở về, người đen đủi khô đét, không còn cái dáng vẻ oai phong của người trung đội trưởng năm nào, Thuận đến nhà thăm má và chị. Ngay lần tái ngộ, anh đã nói hết nỗi lòng, tình yêu của anh dành cho chị. Anh mong một lần trút hết niềm tâm sự rồi sẽ ra đi lập nghiệp trên vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Khi Thuận nắm tay chị để chia tay, chị đã gục đầu vào bờ vai của anh. Trong giây phút ấy, chị đã chọn lựa anh không đắn đo. Chị muốn đi với anh, người đàn ông còn lại mà chị tin cậy sau bao biến đổi cuộc đời.

         Chị đã tìm thấy bến đỗ bình yên. Chỉ còn một điều chị chưa toại nguyện. Chị mong gặp lại em một lần nào đó ở quê nhà. Một mùa gặt mới, chị em mình dẫn những đứa trẻ về quê, bày lại trò chơi dân dã trên cánh đồng mới gặt còn thơm mùi rơm rạ, hoài niệm tuổi niên thiếu trôi qua trong những ngày tháng không nguôi khao khát hòa bình.

HÒA VINH

Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh Xuân Ất Tỵ 2025.

 


[i] Nhan đề hai ca khúc của Trầm Tử Thiêng.

[ii] Ca khúc “Đừng mong ai, đừng nghi ngại” của Trịnh Công Sơn.

[iii] Ca khúc “Thuyền em đi trong đêm” của Nguyễn Phú Yên.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

65773531
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12151
17313
65773531

Thành viên trực tuyến

Đang có 439 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website