Sắc tức thị không

 

Viết nhân dịp giỗ đầu của Cô!

Hôm giỗ đầu của Cô, con ra chợ khá sớm, mua vài thứ về nấu mấy món chay đạm bạc để tưởng nhớ. Mới đó mà đã một năm, Cô bỏ tấm thân tứ đại vướng trọng bệnh nhiều năm về cõi Phật, làm bạn với chư Hiền, Thánh chúng, an trú vào chốn vô sinh bất diệt. Con ngồi trước bàn thờ Phật, tụng thời kinh A Di Đà với lòng thành nguyện cầu Tam bảo gia hộ cho Cô tinh tấn bất khả tư nghì, liễu thoát sinh tử, sớm hội cùng bản thể chân như, nhập với Bồ đề  Phật tính.

 Còn nhớ hôm Cô mất, con đang ở trường bận bịu với công việc cuối năm. Nghe tin Cô hấp hối, gia đình ở quê cũng có mặt đầy đủ ở tịnh thất khu ngoại viện Thiền viện Thường Chiếu, con vội vàng đón xe ra nhanh và biết mình chuẩn bị mất đi một người thân. Nhìn thân thể gầy còm, ốm yếu của Cô và từng hơi thở ngắt quãng và yếu dần mà lòng con đau quặn thắt, không nói nên lời. Chẳng biết nhân duyên thế nào, nhưng trong cuộc đời mình cho đến giờ, con đã chứng kiến nhiều người thân của mình từ bỏ thế giới này ra đi vĩnh viễn, trải nghiệm từ bài học vô thường này đến bài học vô thường khác. Con nghĩ chắc đó là cái duyên cho con đến với Phật pháp, vì con người ta có khổ đau và mất mát mới hiểu rõ qui luật sinh diệt của cuộc đời. Nhớ lại, lúc còn tại thế, đức Phật từng hỏi đại chúng rằng đời người  được bao lâu? Duy chỉ có vị tì kheo trả lời rằng mạng người chỉ trong vòng một hơi thở. Ngài mới nói với toàn thể rằng vị tì kheo đó là người hiểu rõ chân lý mà Phật đang hoằng hóa cho chúng sinh. Cho nên, nhờ có khổ đau mà con người ta mới nương theo Phật, hiểu Phật và tâm Bồ đề mới trưởng dưỡng, kiên cố. Nhưng hơn nữa, với con, sự ra đi của Cô là một bài pháp nhiệm mầu vì lần đầu tiên trong đời, con cảm nhận mọi thứ đều trong trạng thái thanh tịnh, chỉ có lời kinh Bát Nhã trầm bỗng hòa vào cây cỏ, không trung, tuyệt nhiên không có những âm thanh náo động, buồn bã của thế gian. Bất chợt lúc đó, con thậm thâm vi diệu bài kệ của kinh Kim Cang:

                                  “Nhất thiết hữu vi pháp

                                    Như mộng huyễn bào ảnh

                                    Như lộ diệc như điện

                                    Ưng tác như thị quán.”


              Con bao nhiêu tuổi là Cô bấy nhiêu năm bước vào cửa Thiền. Chắc nhờ huân tập phước duyên của đời trước, từ ở vùng đất Ba Tri (Bến Tre) xa xôi, Cô đã chọn Thiền Viện Linh Chiếu làm nơi xuất gia, làm đệ tử của Ni trưởng Như Hạnh-một vị đệ tử xuất sắc của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Cô đã trở thành một thiền sinh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy kinh Bát Nhã làm nền tảng giải thoát, tìm Phật tính trong tâm mình. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, nhưng khi xuất gia, Cô lại sống trong điều kiện vật chất chẳng có gì. Hồi tưởng lại, lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng con được  theo bà nội ra thăm Cô. Cả Thiền viện Thường Chiếu và Linh Chiếu lúc đó còn thắp đèn dầu, trời mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì nóng nực, nhất là mỗi chiều phải thoa dầu xả để cho muỗi đừng cắn,...Vậy mà mấy chục năm, chẳng thấy Cô than phiền gì, cứ bảo tu ngày càng an lạc, tinh tấn mặc dù trong điều kiện thiếu thốn và bệnh tật hành hạ triền miên. Mỗi lần về thăm quê hay có ai về, cô hay mang mứt mít-một thứ quà do quí sư cô Linh Chiếu làm mà đến giờ con vẫn còn nhớ và thèm. Và đặc biệt, không thể không thiếu mấy quyển kinh, băng giảng của Hòa thượng Thích Thanh Từ về cho cả nhà xem. Vì thế, con đã được Cô gieo mầm Phật pháp ngay từ nhỏ.

Chẳng hiểu công phu tu tập của Cô thế nào, nhưng những ngày Cô trọng bệnh, mỗi lúc con vào bệnh viện thăm, lúc nào trên khuôn mặt cô cũng an lành và hoan hỉ, như chẳng có bệnh tật hành hạ gì cả. Con cháu hay anh em, chỗ quen biết đến thăm, Cô cũng đều bảo về sớm, sợ làm phiền mọi người và bảo đừng lo cho Cô vì có bệnh viện lo hết rồi. Biết Cô đau, con nhắc Cô niệm Phật, nhưng Cô bảo lúc khỏe mạnh chẳng chịu tinh thấn tu, đến gần chết thì niệm Phật để làm gì nữa. Lúc ấy, con giật mình và cảm phục vì Cô vẫn còn giữ được chánh niệm giữa những cơn đau buốt của thể xác, giữa sự sống và cái  chết. Khi con nhắc đến chuyện chết chóc thì Cô cười và nói đi tu mà sợ chết thì tu làm gì, tưởng chừng 40 tuổi đã chết ai ngờ kéo dài đến giờ là có phước lắm!.Cô vui vẻ dặn dò vài chuyện hậu sự nếu chẳng may ra đi....Con nhớ rất rõ, khi đó, con nói Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ độ ngang tuổi với Cô là đã viên tịch trên núi Yên Tử thì Cô cười sảng khoái….

        Những ngày đám tang Cô, con một lần nữa được chứng kiến phước báu hiện tiền. Lúc sinh thời, Cô luôn tôn trọng các bậc Sư trưởng trong tông môn. Cho nên, ở giai đoạn cận tử nghiệp, trợ tiến cho Cô là hai vị đại Tăng của Thiền phái Trúc Lâm để Cô vững tâm hơn. Đặc biệt, buổi trưa nắng gắt, vậy mà Thầy phó Linh Chiếu-Sư bà Như Tịnh vẫn quá bộ từ thiền viện xuống, đứng bên người đệ tử thân yêu của mình mà nhắc nhở giúp cho nhất tâm bất loạn để tái sinh về cõi lành, tiếp tục làm sứ giả Như Lai. Buổi tối, khi đưa quan tài của Cô từ thiền thất ra Viễn Tức Đường sao mà thanh thoát đến lạ, trên trời thì trăng sáng vằng vặc, dưới đất là đèn sáng lấp lánh tỏ lối đi. Hỏi ra mới biết, những ngày tang Cô cũng là dịp tang của thân mẫu Hòa thượng trụ trì Thiền viện Thường Chiếu. Cho nên, không chỉ có nến mà hoa các đoàn viếng cũng được mang xuống đặt bên Cô vì quá nhiều. Quí Sư cô ở các thiền viện, tịnh thất đến viếng khá đông và nhiều người bảo ngày trước ai cúng cho một ít tiền, Cô không dám xài vì sợ tổn phước và dùng tiền đó mua đèn và hoa gửi lên Thường Chiếu hay sang Linh Chiếu cúng Phật.
          Với anh em con, Cô bảo là có phước nên mới được ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định và theo được thiện nghiệp. Cô hay nói chẳng sợ gì chỉ sợ chúng con làm gì đó thất thố mà mất phước, thọ lãnh nghiệp báo. Nghe tin con phát tín tâm lập bàn thờ Phật tại nhà, Cô nhín thời gian vào Sài Gòn thăm, nhìn bàn thờ và khen trang nghiêm, đẹp và không quên nhắc thờ Phật vốn là ở tâm chứ chẳng phải nơi hình thức. Thấy con thích tượng Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu và Quán Thế Âm Bồ tát, Cô thỉnh ở thiền viện và gửi vào Sài Gòn để con thắp hương thờ cúng mỗi ngày. Hôm 49 ngày của Cô, con mang một ít ảnh của Cô về làm kỉ niệm và sách mà Cô hay đọc khi lúc còn khỏe, có nhiều quyển rất hay và giá trị, trong đó có vài cuốn mà ông bà  nội cho tiền Cô mua khi mới xuất gia.

   Giờ đây, khi về cõi tịch diệt, xung quanh Cô lúc nào cũng có tiếng chuông ngân nga, thanh thoát, có tiếng gió rì rào và tiếng chim hót, làm bạn với hoa lá cỏ cây, với những đêm trăng sáng tĩnh mịch giữa cõi Thiền chốn nhân gian, với lời kinh Bát Nhã thâm diệu sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị,....Sự ra đi của Cô không phải là sự mất đi mà là sự trở về với bản tâm, về với thiên nhiên để nghỉ ngơi và chuẩn bị một hành trình tiếp tục…

Vài dòng nhân dịp giỗ đầu của Cô!


Nguyện Cô nơi cõi Phật thường gia hộ cho anh em chúng con được sống trong thiện nghiệp, ngày càng  tín tâm với Tam bảo và phước trí tròn đầy!

                                             Ngày rằm tháng 11 năm Giáp Ngọ (2014)

Nguồn: Tập san Hoa Đàm, số 18, tháng 3/2015

 

Thông tin truy cập

63540794
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12053
25711
63540794

Thành viên trực tuyến

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website