Ăn Tết ở miệt vườn Lái Thiêu

Tóm tắt. Bài viết giới thiệu những nét văn hóa Tết tiêu biểu của miệt vườn Lái Thiêu. Ở đây có nhiều phong tục độc đáo của ngày Tết gắn liền với nghề trồng vườn, khung cảnh thiên nhiên, sản vật địa phương, nhất là đặc điểm con người. Vì vậy, những nét văn hóa Tết của miệt vườn nơi đây cần được  bảo tồn để góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa Tết của dân tộc trong thời đại hội nhập và phát triển.

7Ue7zRYr

Tết là bức tranh sinh hoạt văn hóa và luôn toát lên vẻ tươi đẹp của cuộc sống con người Việt Nam từ xưa đến nay. Ngoài ra, Tết ở Việt Nam còn phong phú và đa dạng vô cùng, góp phần hình thành nên những nét đẹp và các giá trị văn hóa riêng cho mỗi làng quê. Nằm kề bên bờ sông Sài Gòn, miệt vườn Lái Thiêu, vốn nổi tiếng trước nay là xứ sở của những vườn cây sầu riêng, măng cụt và dâu sum xuê, trĩu quả, có một bức tranh văn hóa Tết rất độc đáo, sống động với nhiều đường nét.  Tết ở miệt vườn Lái Thiêu còn là sự hội tụ của những vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của xứ cây trái thanh bình cùng với nết hồn hậu, hiếu khách và tính chăm chỉ từ bao đời nay của cư dân nơi này. 

Miệt vườn Lái Thiêu là vùng đất khá lớn, nằm kề bên sông Sài Gòn và nay chủ yếu thuộc về các phường: Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh, Lái Thiêu và xã An Sơn thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau, hiện tại xã An Sơn là nơi có diện tích trồng cây măng cụt lớn nhất ở miệt vườn Lái Thiêu. Sách Địa chí Bình Dương giới thiệu về vùng đất này như sau: “Vườn cây Lái Thiêu là một trong những nơi tập trung những trái cây đặc sản của tỉnh Bình Dương…. Đi trên quốc lộ 13, rẽ vào thị trấn Búng và đến vườn cây Lái Thiêu, du khách có thể thưởng thức hàng chục loại trái cây ngon bổ, mát lành. Các loại trái cây của Bình Dương vừa mang nét chung của trái cây miền Nam là sự phong phú, đa dạng về chủng loại, có mặt quanh năm, lúc nào cũng tươi ngon, đáp ứng được các loại khẩu vị đa dạng, vừa rất đặc biệt vì có vị ngon ngọt khó quên, do được trồng ở trên đất này, được tưới bằng dòng nước mát của sông Thị Tính, sông Bé, sông Sài Gòn và bằng chính sự chăm sóc cần cù, khéo léo, tài hoa của người nông dân ở đây”. Trên phương diện lịch sử, vùng đất Lái Thiêu là một trong những nơi đầu tiên mà lưu dân người Việt từ miền Trung đến đây khẩn hoang của tỉnh Bình Dương. Cuối thế kỉ XVII, người Việt theo dọc sông Sài Gòn đã đến vùng này khẩn hoang. Ban đầu, chỉ một số ít người Việt đến sinh sống tại vùng Lái Thiêu. Do nhu cầu phát triển kinh tế cũng như lợi thế về đường thủy, thổ nhưỡng , vùng đất Lái Thiêu ngày càng đông dân đến cư ngụ hơn. Do có vị trí nằm kề bên sông Sài Gòn, đất đai lại trù phú do phù sa bồi đắp, thuận lợi cho giao thông đường thủy và cả đường bộ, cho nên miền đất Lái Thiêu nhanh chóng phát triển, nhất là nghề trồng cây trái như măng cụt, sầu riêng, dâu, mít,…từ khá lâu.

Người dân miệt vườn Lái Thiêu chuẩn bị ăn Tết rất chu đáo. Không khí xuân đến với nơi này khá sớm, nhất là sau ngày tiễn Ông Táo về Trời. Trong ngày 23 tháng Chạp, nhiều gia đình chuẩn bị mấy thứ như thèo lèo, trái hồng khô, đường phổi và nhất là món chè trôi nước để cúng đưa Thần Bếp đi đường được thuận lợi, dễ dàng. Phần lớn các gia đình ở Lái Thiêu đều chọn ngày 25 tiếp đó làm ngày chạp mả ông bà tổ tiên. Từ mờ sáng hôm ấy, họ chuẩn bị bánh mứt, trà, bông hoa, nhang đèn và không thể thiếu các vật dụng như cuốc, xẻng, dao đến dọn dẹp sạch sẽ, bày biện cúng bái ở mồ mả ông bà. Ở nhà, các bà nội trợ chuẩn bị sẵn mấy món cháo gà, gỏi bắp chuối, thịt phay, bánh tét,... đợi cánh đàn ông đi về mới cẩn thận dọn lên bàn thờ ông bà. Sau khi hương tàn, họ hàng mới vào bữa, họ vừa ăn uống vừa rôm rả chuyện trò việc chuẩn bị cho ngày Tết ở nhà mình. Gà vườn Lái Thiêu có tiếng mập mạp và chắc thịt, nên những thương lái tìm đến đây thu mua tận những ngày giáp Tết. Cho nên, một số nhà vườn tranh thủ dịp này cho gà xuất chuồng để có tiền sắm sửa một cái Tết đầy đủ và đầm ấm trong nhà. Họ vừa tất bật cho việc chuồng trại vừa chăm chút dọn dẹp trong nhà, ngoài vườn sao cho thật gọn gàng và tươm tất. Đợi đến những ngày cận Tết, người ta mới bày lễ vật, chưng bông hoa lên bàn thờ. Các cụ già kể lại rằng, ngày trước người miệt vườn Lái Thiêu hay ra sau vườn chọn quày chuối sứ hoặc chuối xiêm on vừa già nhưng còn xanh, trái thật đều và đẹp để chưng lên cái chò ở bàn thờ tổ tiên. Người ta còn chèn thêm nhiều quả hồng khô vào giữa từng nãi chuối nên trông rất lạ mắt. Cho đến ngày mùng bốn Tết, khi chuối đã chín vàng, chủ nhà mới hạ xuống. Miệt vườn Lái Thiêu còn nổi tiếng với nhiều nghệ nhân có bàn tay tài hoa chuyên trang trí mâm ngũ quả cầu kỳ, đủ hình dạng khác nhau, để phục vụ trang trí nhà cửa vào dịp Tết. Một số nhà vườn có tính khéo léo và cần cù  đã trồng thêm hoa vạn thọ, mồng gà, cúc,... để bán Tết. Họ trồng hoa thành từng luống, nhiều nhất là dọc theo bờ sông Sài Gòn, nên trông rất đẹp mắt. Dịp này, ai đến miệt vườn Lái Thiêu sẽ có cơ hội ngắm những sắc hoa vàng, đỏ, tím chen nhau giữa buổi bình minh hoặc chiều tà và tranh thủ tận hưởng luôn những làn gió mát rượi thổi nhẹ từ con sông đang êm đềm chảy qua nơi này trong một khung cảnh thanh bình, xanh mướt của những vườn cây trái.   

Nói đến Tết ở miệt vườn Lái Thiêu mà không nhắc đến những món ăn, thức uống dành cho những ngày xuân ắt hẳn là một thiếu sót lớn. Phụ nữ miệt vườn Lái Thiêu, không chỉ nổi tiếng đẹp người đẹp nết, mà còn rất khéo léo trong việc bếp núc, chăm sóc gia đình. Vì vậy, mỗi dịp xuân về là họ lại trổ tài nấu nướng nhiều món ngon trước để cúng ông bà, sau mới đãi đằng khách khứa. Ngày 28 và 29 Tết, hầu như các gia đình ở đây đều gói bánh tét nhân mỡ và có làm thêm bánh tét chay. Bánh tét ở đây khá ngon, gói rất chắc, phần nếp thì dẻo và nhân bánh lại đậm đà. Đồng thời, món thịt kho tàu và canh khổ qua cũng được các bà nội trợ chăm chút sao cho thật ngon và đẹp mắt để múc ra tô, đĩa cúng tất niên. Món cháo gà ăn với gỏi hoa chuối vị chua chua ngọt ngọt, món giò heo hầm măng vị nhẫn nhẫn cũng được cư dân miệt vườn Lái Thiêu ưa chuộng vào mấy ngày Tết. Mấy bà nội trợ còn làm dưa kiệu, phơi củ cải trắng, của cải đỏ xắt miếng vừa rồi bỏ vào hủ ngâm giấm, ăn kèm món thịt heo, lỗ tai heo luộc với rau biền vốn ngon và có vị thuốc (lá cây săn máu, đọt xộp, lá soi nhái, lá lốt, lá lụa, lá đinh lăng, cải, lá xoài non, lá vạn thọ,...) cùng nước mắm chua ngọt. Món dưa giá được mấy bà linh động bỏ thêm mít non trắng phau đã được bào mỏng vào chung nên khi ăn rất dai, kèm với thịt kho tàu thì ngon không chê đâu được. Tuy nhiên, món chả mo cau ở đây thì rất đặc biệt. Người ta làm món này như sau: Thịt heo luộc rồi xắt nhỏ cùng với tôm khô đâm nhuyễn rồi trộn cùng với lòng đỏ hột vịt. Mo cau nhặt ngoài vườn đem vào nhà chằm lại thành hình chữ nhật, có thêm những thanh tre vót sạch xuyên ngang để giữ chặt. Tiếp đó, hỗn hợp trên trộn đều với mỡ, bỏ vào mo cau, cuối cùng mang đi hấp trên xửng. Món này ăn kèm với bánh tráng, rau sống và nước mắm. Khách đến, chủ nhà còn bày món mứt gừng, mứt bí, mứt dừa để đãi khách và nhằm khoe tài khéo. Nằm bên sông Sài Gòn với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, nên ở miệt vườn Lái Thiêu còn dồi dào các loại tôm cá đồng. Qua ngày mùng ba Tết, khi đã ngán mấy món thịt mỡ, người ta nấu món đồng quê canh chua, cá kho để ăn và mê nhất là món cá trê vàng nướng ăn với nước mắm gừng, rau vườn kèm thêm vài chung rượu đế ngâm chuối hột. Nhắc đến đây, không thể không kể đến những loại cá ngon của sông nước miệt vườn Lái Thiêu như:  Cá dứa, cá lòng tong, cá bống trứng, cá bống dừa, cá trê, cá lóc,…và không thể không thiếu con tôm càng xanh, một ban tặng quí giá của tự nhiên cho vùng đất này. Sau khi hạ quày chuối chín trên bàn thờ xuống, người ta ép chuối thành từng miếng, sau đó đem đi phơi khô để ăn lai rai, chấm với muối tiêu thì ngon hơn rất nhiều. Với khách quí, chủ nhà chịu khó bắt thêm con nheng có hình dạng rất giống con sóc hay chim quành quạch chuyên sống trên cây măng cụt đem nướng muối ớt rồi đãi khách thì không chi sánh bằng.

Tết ở Lái Thiêu còn gắn liền với đời sống sinh kế của cư dân nghề vườn với nhiều nét độc đáo, thú vị. Ngày mùng ba Tết, các chủ vườn nơi đây tổ chức cúng Tết nhà, Tết vườn. Họ thức khá sớm, độ chừng ba đến bốn  giờ, để chuẩn bị công việc. Đặc biệt, lúc nào cũng phải có một con gà luộc da vàng hực để cúng Tiền Hiền và Hậu Hiền ở cái bàn khách giữa nhà, một bộ tam sên (trứng, thịt ba rọi, tôm luộc chín) có bỏ mấy hột muối lên trên và bánh tét cùng với nhiều giấy tiền vàng bạc. Cúng xong, người ta lấy một phần nếp của bánh thoa lên nhiều tờ giấy tiền vàng bạc rồi đem dán hủ gạo, lu nước, thạp muối, cối xay bột,....và nhất là đem ra ngoài vườn dán lên thân cây măng cụt, sầu riêng, mít, dâu,....để cầu cho vụ cây trái năm đó thu hoạch được nhiều, vườn tược ngày một sung túc, nhờ đó mà cuộc sống của họ khá giả hơn. Ngoài ra, trong suốt tháng Chạp, người ta còn hồi hộp chờ đợi diễn biến của thời tiết, nếu năm nào khí trời lạnh nhiều thì cây măng cụt dự đoán sẽ ra hoa và cho thật nhiều trái. Ngược lại, nếu trời nóng hoặc mưa bất thường thì dẫn đến rụng bông, trái không đậu. Sau Tết, trái măng cụt lớn dần và đến khoảng tháng tư, tháng năm âm lịch thì chín rộ. Để nhận biết trái chín, người ta thấy dưới đít trái có điểm đỏ vài chấm, người trồng còn gọi là điểm son. Trái măng cụt Lái Thiêu ngon có tiếng trước nay vì trái nhỏ, cuống ngắn, hình tròn, mỏng vỏ, hột nhỏ và đặc biệt khi ăn vào có vị ngọt. Cây măng càng già sẽ cho trái càng ngon và ngọt tuy trái không to và đẹp mắt. Vì thế, dịp tháng Chạp, các chủ vườn có kinh nghiệm hay ra vườn quan sát kĩ những nụ chồi vừa nhú ra ở kẹt lá, đó là dấu hiệu cho thấy măng cụt chuẩn bị trổ hoa. Người ta còn chọn thời điểm này để bón phân cho cây, người trước phân để bón chính là tro bếp. Tháng Giêng còn là tháng mà cây trái miệt vườn Lái Thiêu đang vào mùa sung sức, đâm chồi nảy lộc, làm cho lòng người thêm phấn chấn, vui tươi. Và tháng này còn là mùa của nhiều đám cưới nhộn nhịp trên đường quê rợp bóng cây qua câu ca  dao: “Tháng Giêng mười sáu trăng treo. Anh sắm giường lèo cưới vợ Lái Thiêu”.

Người Lái Thiêu còn nổi tiếng hiếu khách, chân tình và thơm thảo trước giờ. Mỗi khi Tết đến, người ta biếu họ hàng, lối xóm và bạn bè phương xa một hai con gà vườn làm quà xuân, hái đôi quả bưởi còn lủng lẳng trên cành vừa chín tới để biếu khách mang về chưng bàn thờ tổ tiên, tặng vài đòn bánh tét ú nụ để ăn lai rai mấy ngày Tết,...Cho đến giờ, người miệt vườn Lái Thiêu còn giữ tục đi chúc Tết họ hàng, lối xóm, họ uống đôi ba ly rượu, thưởng thức vài chung trà, chúc tụng nhau để kết chặt tình cảm dòng họ, xóm giềng. Các cụ già còn nhớ lại: Ngày xưa, người ta đi chúc Tết sui gia thường là ngày mùng hai Tết, đồng thời lúc nào cũng mặc trang phục truyền thống áo dài khăn đóng, trang trọng đến nhà thông gia trước là thắp hương mừng tuổi ông bà, sau  mới chúc xuân và chuyện trò thân mật bên bàn tiệc rượu được chuẩn bị sẵn.

Nhiều phong tục của ngày Tết xưa được một số gia đình ở miệt vườn Lái Thiêu giữ gìn đến nay. Trước đây, qua thời khắc giao thừa, một số nhà kiêng cữ không được múc nước dưới giếng lên sử dụng, họ đóng mặt giếng lại cho đến hết ngày mùng ba mới được mở ra. Một phong tục còn phổ biến hơn nữa là chủ nhà lấy một ít giấy vàng bạc cúng ngày mùng ba Tết cắt hình trái bầu rồi dán lên góc bàn thờ, cửa phòng ngủ,.... Ai chú ý sẽ thấy  trong nhà có dán hình bao nhiêu trái bầu sẽ biết nhà đó đã được cất bấy nhiêu năm. Hầu như nhà nào ở đây cũng có hủ dưa giá ăn trong ba ngày Tết và họ tin rằng nếu sáng mùng một mở hủ dưa giá ra và thấy nước trong hủ có bọt nổi lên thì sẽ gặp xui xẻo trong cả năm. Ngày Tết, người dân Lái Thiêu, không chỉ viếng mấy cảnh chùa trong vùng (Chùa Niệm Phật Đường, Chùa Thiên Đức, Chùa Sắc Tứ Thiên Tôn,...), mà còn đến những danh lam cổ tự ở Thủ Dầu Một như chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng,....để dâng hương lễ Phật và cầu nguyện. Lễ hội chùa Bà Bình Dương nổi tiếng cả vùng, diễn ra vào dịp đầu năm, đã thu hút khá đông người dân miệt vườn nơi đây đi viếng và xin lộc Bà, cầu mong bình an và sức khỏe, được may mắn cả năm. Nhiều gia đình ớ miệt vườn Lái Thiêu còn theo nếp xưa có từ thời cha ông họ là cúng cơm cho ông bà mỗi ngày đến ba lần, nhằm thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên mỗi dịp xuân về.  

Ăn Tết ở Lái Thiêu là một nét văn hóa đậm chất miệt vườn Nam bộ, chính nó đã góp phần tạo nên một bức tranh đa dạng cho văn hóa Tết Việt Nam xưa cũng như nay. Tết ở đây còn là hơi thở của đất trời, bước khởi đầu cho sự sinh sôi cây trái và nhất là vẻ đẹp tâm hồn của những con người vốn quen với nếp sống làng quê thanh bình, với sự mát mẻ của miệt vườn cây trái nằm bên bờ sông Sài Gòn từ hàng trăm năm qua.  


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương (2010), Địa chí Bình Dương, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia.

2. Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên) (2012) , Người Hoa ở Bình Dương, Hà Nội, Nxb.Chính trị quốc gia.

3. Ban chấp hành Đảng bộ xã An Sơn (2011), Lịch sử truyền thống xã An Sơn (1975-2005).

4. Nguyễn Hiếu Học (2009), Dấu xưa đất Thủ, Nxb Trẻ -Hội VHNT tỉnh Bình Dương.

 

Thông tin truy cập

63661310
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5028
17595
63661310

Thành viên trực tuyến

Đang có 1135 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website