Về vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa chùa Giác Lâm

          

            Năm 1744, cư sĩ Lý Thoại Long phát tâm quyên góp khởi dựng ngôi chùa Giác Lâm trên gò Cẩm Sơn cao ráo. Đến năm 2014, ngôi cổ tự này tròn 270 năm tuổi và nó đã gắn liền với bao thăng trầm, biến cố của vùng đất Sài Gòn- Gia Định. Ngày nay, chùa Giác Lâm còn giữ được một số cấu kiện kiến trúc tiêu biểu của ngôi chùa Việt Nam bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong chùa hiện lưu giữ nhiều pho tượng quí, nhiều bao lam, hoành phi và câu đối giá trị, là ngôi tổ đình của thiền phái Lâm Tế dòng Đạo Bổn Nguyên và từng trở thành một trung tâm Phật giáo của cả vùng đất Nam bộ. Vì vậy, bài viết mong được tập trung tìm hiểu cũng như việc khai thác các giá trị lịch sử và văn hóa của chùa với sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

 

1.Chùa Giác Lâm-một di tích mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật        

Trên Báo Giác Ngộ số 747 (6/6/2014), Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết: Chùa Giác Lâm là một trong ngũ đại tòng lâm của đất Gia Định xưa. Cùng với quốc tự Khải Tường, các chùa Kim Chương, Mai Khâu, Giác Viên được liệt vào danh sách năm ngôi đại tòng lâm lớn của Sài Gòn-Gia Định. Qua nhiều biến cố của lịch sử, nay chỉ còn lại hai ngôi cổ tự là Giác Lâm và Giác Viên[1]. Hiện tại, hai ngôi chùa này vẫn còn tiếp tục hiện hữu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, là di sản tiêu biểu của văn hóa Phật giáo Nam bộ cần được giữ gìn và phát huy giá trị.

            Gần 200 năm trước, trong Sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã miêu tả chùa Giác Lâm như sau: “Ở trên gò Cẩm Sơn, cách lũy Bán Bích về phía Tây 3 dặm, gò chùa này như đống vàng bồng nổi lên giữa chỗ đồng bằng trải thảm cả trăm dặm, giống như tựa bình phong, đội nón, mở trướng, trải thảm, rộng 3 dặm, cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói bốc lên quấn cuộn, tuy nhỏ nhưng lý thú….Trùng cửu nhàn hạ, thi nhân du khách kết đoàn 5,3 người đến đây mở tiệc thưởng hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa đời thường, bụi bặm xa cách ra ngoài tầm mắt, thật là một nơi đáng du lịch và thưởng ngoạn[2]. Qua những dòng ghi chép của tác giả quyển sách đã cho thấy đây là ngôi cổ tự có phong cảnh đẹp và hữu tình, tọa lạc nơi cao ráo, nhất là đã trở thành nơi du ngoạn và sinh hoạt văn hóa của văn nhân thi sĩ vùng đất Gia Định.

            Mặt khác, chùa Giác Lâm còn là ngôi tổ đình của thiền phái Lâm Tế dòng Đạo Bổn Nguyên, gắn với tên tuổi nhiều vị cao tăng của Phật giáo Nam bộ. Ban đầu, chùa có tên gọi là Cẩm Đệm. Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (?-1827) được Hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc là bổn sư cử về làm trụ trì sau khi chùa được cư sĩ Lý Thoại Long xây cất xong. Tử khi thiền sư Viên Quang về trụ trì, chùa Giác Lâm trở thành một ngôi già lam sung túc. Với khả năng Hán học và Phật học của thiền sư, chùa trở thành một Phật học xá, vì thu hút chư tăng khắp nơi về tu học[3]. Ngài cũng là người bạn tâm giao với Trịnh Hoài Đức, được triều đình Huế phong làm Tăng cang. Kế tục sự nghiệp của ngài là các vị hòa thượng: Tiên Giác-Hải Tịnh (1788-1875), Minh Vi-Mật Hạnh (1828-1898), Hoằng Ân-Minh Khiêm (1850-1914), Hồng Hưng-Thạnh Đạo (1877-1949), Nhựt Dần-Thiện Thuận (1900-1974), Huệ Sanh-Lệ Sành (1935-1998). Các vị cao tăng này đã có nhiều đóng góp lớn trong việc hoằng pháp, đào tạo tăng ni và in ấn kinh sách tại chùa Giác Lâm. Vì vậy, chùa đã nhanh chóng trở thành ngôi tổ đình, một trung tâm của Phật giáo Nam bộ qua nhiều thời kì. Ngoài ra, các vị hòa thượng trụ trì đã có công lao rất lớn trong việc trùng tu để giữ gìn và phát triển ngôi cổ tự Giác Lâm. Cho nên, từ ngày thành lập đến nay, chùa đã trải qua các lần trùng tu lớn vào các năm: 1798-1804, 1900-1909, 1990-1996, 2006-2008.

            Hiện tại, chùa Giác Lâm mang kiến trúc tiêu biểu của ngôi chùa Việt Nam bộ. Chùa còn giữ được phong cách cổ kính, từ xa đã thấy mái chùa thấp hòa mình vào những tán cây, cạnh đó là khu tháp Tổ trầm mặc với thời gian. Khuôn viên bên ngoài rộng rãi với nhiều cây xanh làm cho ngôi chùa khá gần gũi với thiên nhiên, tạo nên cảnh trí đẹp, thanh tịnh vốn có của chốn thiền môn. Khi xưa phía trước chùa là một vùng đất trũng sâu luôn có nước, dù mưa hay nắng, có lẽ đây là “Minh đường”. Theo lời kể lại của các vị trụ trì, chùa đã có nhà thủy tạ trên ao sen này[4]. Đặc biệt, trong sân chùa có trồng cây bồ đề do Ngài Narada từ Srilanka sang tặng cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vào năm 1953. Nhìn đại thể, chùa có cấu trúc mặt bằng hình chữ Tam. Chánh điện gồm 5 gian, kết cấu sườn mái theo kiểu tứ tượng. mái ngói âm dương. Ngoài ra còn có nhà trai, nhà giảng và khu tháp Tổ, tháp Ngũ Gia Tông Phái. Sách Chùa Giác Lâm di tích lịch sử văn hóa của Trần Hồng Liên cho biết: Trong số 118 pho tượng hiện còn lưu giữ tại chùa, có 113 pho tượng cổ, trong đó có bộ Thập Bát La Hán, bộ Thập Điện và bộ “Phật và Tứ Chúng” (Phật Thích Ca Mâu Ni, Phổ Hiền, Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát), là gây được sự chú ý của khách đến chiêm bái nhiều nhất[5]. Ngoài ra, toàn bộ chùa có 23 bức hoành phi được dâng cúng bằng gỗ, khắc nổi chữ Hán, chạm nổi hoa văn nên rất có giá trị. Tại chính điện, nghệ thuật chạm khắc cổ còn được thể hiện trên các bao lam bàn thờ với nhiều đề tài phong phú về hoa, lá, thú vật, chim muông. Và nổi bật hơn hết, các bao lam bàn thờ này đã tự nói lên vùng đất Nam bộ đầy đủ nhất bằng hình ảnh những đóa mai đang nở ấy. Toàn chùa có 9 bao lam thành vọng, nhưng một trong những bao lam gây được sự chú ý nhiều nhất có lẽ là Cửu Long. Chín con rồng được chạm lộng trong mây, có sự phá lệ trong phân bố. Ở đây con rồng được thể hiện đường nét dịu dàng, thuần phục, đang phun nước chầu hầu vào những phút đầu tiên Phật đản sinh, mà cũng là biểu tượng cho vùng đất nông nghiệp, mưa thuận gió hòa, vùng sông nước Cửu Long Nam bộ[6]. Làm nên sự trang nghiêm, giá trị cổ kính của ngôi chùa còn có 86 câu đối dưới dạng liễn hoặc khắc hẳn vào gỗ được sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo.

Đặc biệt, chùa Giác Lâm còn gắn liền với phong trào cách mạng của nhân dân Sài Gòn-Gia Định trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong 9 năm kháng chiến (1945-1954), chùa Giác Lâm đã trở thành cơ quan hậu cần, nuôi giấu cán bộ, cất giữ tài liệu từ căn cứ trở về. Hòa thượng Hồng Hưng-trụ trì chùa là thành viên sáng lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ. Những năm chống Mỹ cứu nước(1954-1975), chùa là nơi mở các hội nghị của nhiều tổ chức đoàn thể thành phố. Trong cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân (1968), chùa Giác Lâm là bộ phận lãnh đạo đấu tranh chính trị cả đợt I và II. Buổi lễ qui tụ được đông đảo đại biểu đoàn thể chính trị, nhân sĩ trí thức, các linh mục…[7]. Vì vậy, chùa Giác Lâm là một chứng nhân lịch sử, một địa chỉ gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc của thành phố Hồ Chí Minh, nhất là vào những thời điểm gian lao, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng.

Với các giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật ấy, cho nên vào năm 1988, chùa Giác Lâm được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Di sản văn hóa, trong đó có chùa Giác Lâm, cần được đặt trong mối quan hệ với sự phát triển hiện nay. Trong quyển sách Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập do Ngô Đức Thịnh (chủ biên) đã nhắc đến một vấn đề là: Sản nghiệp văn hóa là những di sản văn hóa có giá trị cao về nhiều mặt (giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, nghệ thuật,…) đáp ứng được những nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá của nhân dân, có thể đưa vào khai thác mang lại những giá trị kinh tế cao vừa đóng góp vào nền kinh tế quốc dân vừa tạo ra nguồn lực có thể đầu tư trở lại nhằm bảo tồn và phát huy bản thân di sản văn hóa ấy. Chính thông qua hoạt động quảng bá sản nghiệp văn hóa và các giá trị văn hóa, di sản văn hóa truyền thống dân tộc được người dân tiếp nhận một cách sâu sắc hơn[8].

Từ cách tiếp cận này, chúng tôi cho rằng, chùa Giác Lâm cần được quảng bá cho khách du lịch trong và ngoài nước, cho cộng đồng người dân thành phố để hiểu biết một cách sâu sắc hơn về giá trị của nó và tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm phát huy vai trò của ngôi cổ tự này trong đời sống văn hóa và xã hội của người dân thành phố Hồ Chí Minh, cũng như việc khẳng định bản sắc văn hóa văn hóa đô thị ở đây hiện nay.

2. Chùa Giác Lâm- từ giá trị đến sự phát triển

Dưới đây, chúng tôi phân tích một số giá trị của chùa Giác Lâm và hướng vận dụng chúng vào sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay ở một số khía cạnh như sau:

_ Là một ngôi cổ tự tồn tại gần như song hành với quá trình hình thành và phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, chùa Giác Lâm ngày hôm nay vẫn tiếp tục tỏa sáng giá trị lịch sử - văn hóa của mình. Vì vậy, chùa có một vai trò rất lớn trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử của vùng đất Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm qua. Đặc biệt, ngôi chùa Giác Lâm còn gắn liền với các nhân vật lịch sử mà Trịnh Hoài Đức là tiêu biểu, là nơi hậu cần và che chở cán bộ suốt những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Một trong một chức năng quan trọng của di sản văn hóa là mang đến cho cộng đồng những hiểu biết về lịch sử và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Cho nên, các cơ quan giáo dục, văn hóa của thành phố nên tạo điều kiện đưa học sinh, sinh viên đến tham quan và tìm hiểu. Điều này góp phần vào việc giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ để họ hiểu và yêu thêm về một thành phố trẻ, năng động, đồng thời còn là một thành phố anh hùng, có truyền thống lịch sử và mang nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Truyền thống ấy cần được tiếp nối một cách cụ thể thông qua việc đưa họ đến tiếp cận, hiểu biết thông qua chùa Giác Lâm. Để thực hiện điều này, thiết nghĩ việc bảo tồn nguyên trạng cũng như việc đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Giác Lâm cần được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới. Trên thế giới, ở các nước phát triển hiện nay, người ta quan tâm đến việc bảo tồn di sản kiến trúc để khẳng định bản sắc đô thị và là một tiêu chí đánh giá yếu tố phát triển bền vững của một đô thị. Vì vậy, công tác bảo tồn chùa Giác Lâm cần phải được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa trong bối cảnh thành phố đang nổ lực vì mục tiêu phát triển bền vững, khẳng định bản sắc văn hóa đô thị trong bối cảnh hội nhập ngày nay.

_Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế, góp phần lớn vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam cũng như phát triển ngành du lịch nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong đó, một địa chỉ mà nhiều du khách tìm đến ở thành phố Hồ Chí Minh là ngôi cổ tự Giác Lâm. Vì vậy, cần có các hoạt động phù hợp để chùa Giác Lâm phát huy giá trị và hiệu quả cho khách du lịch, tạo cho họ một dấu ấn và tình cảm sâu sắc. Đầu tiên, trang web của chùa Giác Lâm hiện nay cần phải sinh động hơn nữa, có nhiều bài viết riêng về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của chùa, được dịch bằng tiếng Anh để khách quốc tế tham khảo được. Với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, việc cơ quan quản lí du lịch cùng với chùa có thể mở một số buổi tập huấn kiến thức về chùa Giác Lâm để họ hiểu biết, thuyết minh sâu hơn và nhấn mạnh được các giá trị riêng của ngôi cổ tự này. Ngoài ra, chùa Giác Lâm cần có những tài liệu ngắn gọn bằng nhiều thứ tiếng để giới thiệu với du khách. Khách nước ngoài đến chùa không những chiêm ngưỡng giá trị vật thể mà cần cho họ trải nghiệm các giá trị phi vật thể của nền văn hóa Phật giáo Việt Nam vốn nổi tiếng, độc đáo. Điều này sẽ tạo cho họ nhiều cảm xúc, ấn tượng lâu dài. Như đã nói, chùa Giác Lâm là một địa chỉ du lịch và do vậy cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch cho ngôi chùa này thông qua các hoạt động mang tính chất văn hóa. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến khái niệm sản phẩm du lịch, vốn được tiếp cận từ sự tham gia của các yếu tố văn hóa, của tác giả JohnWiley như sau: Một khi điểm đến được mời chào bán tức là một điểm mà khách du lịch mong muốn được đến thăm, thì phải được phát triển sản phẩm một cách tổng thể. Phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng tương xứng. Phải mở rộng và trình diễn được di sản văn hoá của mình. Cần phải phát triển một hệ thống đầy đủ và đa dạng về khách sạn và các cơ sở lưu trú khác, nhà hàng và các dịch vụ, hệ thống vận chuyển nội địa và các dịch vụ liên quan khác. Và phải huy động phát triển được tất cả các loại hình nghệ thuật đương đại và các hoạt động văn hoá[9]. Cho nên, chùa Giác Lâm và ngành du lịch phối hợp nhiều hoạt động văn hóa như giới thiệu vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc qua các bao lam, hoành phi, câu đối và tranh, tượng thờ, cần có thời khóa thực hành nghi lễ cố định mỗi ngày vào buổi trưa để cho du khách quan sát và tham gia trong một không gian trang nghiêm để mang đến cho họ nhiều trải nghiệm thú vị, hoặc là tổ chức cho khách nước ngoài phóng sinh ở chùa với sự đăng kí trước của công ty du lịch, chú trọng trưng bày những hiện vật lịch sử và văn hóa, sinh hoạt tu hành trong chùa của nhiều thế hệ chư Tăng, tổ chức sinh hoạt thiền tập cho khách du lịch có nhu cầu,… . Mặt khác, chùa cần liên kết với các công ty du lịch tổ chức cho một số đoàn khách ăn cơm chay tại chùa để du khách có thể hiểu hơn về văn hóa ẩm thực chay Việt Nam-một hình thức rất dễ tạo ấn tượng và lôi cuốn khách nước ngoài. Làm được như vậy, chùa Giác Lâm sẽ khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, nhất là đang cần những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Đồng thời điều này sẽ tạo cho du khách nhiều ấn tượng đẹp để họ quay trở lại lần sau và là nhân tố để bản thân họ sẽ trở thành người quảng bá du lịch một cách rộng rãi cho đất nước, con người Việt Nam.

_ Phát triển đô thị trên thế giới ngày hôm này còn gắn với nhân tố sinh thái vì người dân rất cần những mảng xanh để gần gũi với tự nhiên, cân bằng nhịp sống đô thị vốn hối hả, phức tạp. Đây là xu hướng của cư dân đô thị ở nhiều nước phát triển, tránh đi lối sống xô bồ, tình trạng đầy khói bụi và khí thải. Hiện tại, cư dân thành phố Hồ Chí Minh rất cần nhiều mảng xanh trong không gian sống của họ trong điều kiện thành phố ngày một đông đúc, chật chội và ô nhiễm. Góp phần không ít vào không gian xanh của thành phố này là hệ thống cây cổ thụ hiện ở các công viên, trường học, bệnh viện, đình, chùa,… Vì vậy, chùa Giác Lâm còn có vai trò trong việc duy trì và phát triển mảng xanh cho thành phố, góp phần vào việc xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp. Vườn chùa Giác Lâm có một không gian mát rượi, xanh um, nhiều cây cổ thụ tỏa bóng che tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng, thanh thoát cho người viếng. Điều này sẽ giúp họ thanh thản, an lạc, xả bỏ phiền muộn mỗi khi bước vào cổng chùa. Nhờ có nhiều cây xanh, vườn chùa còn là nơi chim chọc tụ về sinh sống. Vì thế, chùa Giác Lâm còn là một không gian sinh thái. Việc bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh, bảo vệ chim chóc khu vườn là một vấn đề mà chùa Giác Lâm cần phải quan tâm. Vườn chùa cần có trồng nhiều loại hoa như sen, lan, cúc,…để tạo thêm nét đẹp tự nhiên. Không gian sinh thái chùa Giác Lâm chắc chắn sẽ đóng góp rất lớn vào việc cân bằng cuộc sống, thư giãn và sự trải nghiệm tâm linh độc đáo cho người dân thành phố.

_ Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh vốn có truyền thống nhập thế, đồng hành cùng với người dân thành phố trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Một hoạt động tiêu biểu cho đặc điểm này chính là Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh là một thành viên tham gia tích cực vào mạng lưới an sinh xã hội, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó, tô đẹp cho lối sống nghĩa tình, nhân hậu của con người Sài Gòn. Những hoạt động từ thiên-xã hội của chùa Giác Lâm trong những năm qua cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Gần đây, hoạt động từ thiện xã hội chùa Giác Lâm ngày càng nổi bật với nhiều hình thức như: Trao xe lăn cho người khuyết tất, tài trợ mổ mắt cho người nghèo, hưởng ứng tiếp sức học sinh các tỉnh, thành vào mùa thi đại học, trao quà từ thiện cho người nghèo, nhất là việc đi hỗ trợ người nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở các tỉnh xa (Đồng Tháp, Quảng Trị,…). Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động từ thiện phục vụ cộng đồng xã hội, chùa Giác Lâm cần tập trung đi sâu vào một lĩnh vực nào đó để tạo điểm nhấn riêng. Ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi khi nhắc đến chùa nuôi trẻ mồ côi là người ta nhắc đến chùa Diệu Giác (quận 2), chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp), chùa Pháp Võ (huyện Nhà Bè), chùa Long Hoa (quận 7),…Hoặc khám chữa bệnh là chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận), tịnh xá Trung tâm (quận Bình Thạnh), chùa Vạn Thọ (quận 1). Còn nuôi người già neo đơn thì không thể không nhắc đến chùa Lâm Quang (quận 8), chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh),…Làm được điều đó, chùa Giác Lâm sẽ đóng góp vào tính chuyên nghiệp trong hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, góp phần hỗ trợ cộng đồng và phát huy lối sống nghĩa tình cũng như tính nhân văn của con người Việt Nam.

3. Thay lời kết

Trên bước đường phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, chùa Giác Lâm là một nhân tố đóng góp trong việc duy trì bản sắc văn hóa, kiến trúc và là một điểm nhấn về không gian sinh thái, một địa điểm du lịch nổi tiếng, một nơi gắn liền với người nghèo, bất hạnh ở thành phố. Vì vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị của ngôi cổ tự Giác Lâm trong mối quan hệ với mục tiêu phát triển bền vững của thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện được điều này, chùa Giác Lâm sẽ tiếp tục tỏa sáng giá trị của mình trong lòng một thành phố trẻ đang vươn mình với tính năng động và hiện đại, nhân văn.

Ths Dương Hoàng Lộc

                                                       (Trường Đại học KHXH&NV TpHCM)

                       

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Hoàng Tuấn (2008), Phát triển bền vững đô thị- những vấn đề lý luận và kinh nghiệm của thế giới, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội.
  2. Hòa thượng Thích Giác Toàn (2014), Tổ đình Giác Lâm một trong “ngũ đại tòng lâm” của Gia Định xưa. Báo Giác Ngộ, số 747, ngày 6/6/2014.
  3. Hồng Liên (2014), Chư tiền bối tổ sư tại Tổ đình Giác Lâm, Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.
  4. 4.Trần Hồng Liên(2008), Chùa Giác Lâm- di tích lịch sử văn hóa, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội.
  5. 5.Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch), Đồng Nai, Nxb.Đồng Nai.
  6. 6.Nguyễn Thu Hạnh (2011), Tư duy sáng tạo sản phẩm du lịch, Hà Nội, Nxb Xây dựng.

Nguồn: Tạp chí Di sản văn hóa, số 4/2015

 


[1] Hòa thượng Thích Giác Toàn, Tổ đình Giác Lâm một trong “ngũ đại tòng lâm” của Gia Định xưa. Báo Giác Ngộ, số 747, ngày 6/6/2014, trang 10.

[2] Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch), Đồng Nai, Nxb.Đồng Nai, trang 224.

[3] Hồng Liên (2014), Chư tiền bối tổ sư tại Tổ đình Giác Lâm, Đồng Nai, Nxb. Đồng Nai, trang 30.

[4] Trần Hồng Liên (2008), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử văn hóa, Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, trang 12.

[5] Trần Hồng Liên (2008), sđd…, trang 81.

[6] Trần Hồng Liên, (2008). Sđd…,trang 138-139.

[7] Trần Hồng Liên (2008), sđd…,trang 168-170.

[8] Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2012), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội,, trang 281.

[9] Nguyễn Thu Hạnh (2011), Tư duy sáng tạo sản phẩm du lịch, Hà Nội, Nxb Xây dựng, trang 19.

Thông tin truy cập

63540760
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12019
25711
63540760

Thành viên trực tuyến

Đang có 176 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website