Này người thợ - nghệ sĩ, giao thừa này xin anh hãy cầm khèn ra giữa bản, thổi lên khúc nhạc hôm nào để tống tiễn một năm truân chuyên vật vã của tất cả chúng ta.
Những ngày cuối năm, tôi thường dành thời gian sắp xếp lại không gian trong phòng văn ảo cho ngăn nắp, gọn gàng: những trang viết dở dang trên laptop đã đứt mạch cảm hứng, những file tài liệu lưu trữ thông tin thời sự đã mất giá trị tham khảo…, sau một chút lưỡng lự trước khi cho vào quá khứ, dọn mình cho một khởi đầu mới.
Việc ấy hằng năm vẫn làm theo thói quen mà năm nay thấy lòng nặng trĩu. Bao nhiêu hình ảnh mùa dịch lưu trong laptop những ngày phong thành nay chạm vào bỗng thấy run tay. Những em bé bơ vơ ngơ ngác trên đường cách ly. Những chiếc xe chờ trước khu hỏa táng. Những bộ đồ bảo hộ kín mít bên ngoài áo blouse thấm đẫm mồ hôi... Xin cho nỗi buồn năm cũ qua đi theo những hình ảnh đau thương này.
Đau đớn nhất là khi chạm đến những email, tin nhắn của bạn bè. Bạn ta, một nhà văn tinh tế và nhạy cảm, mới hôm trước báo tin mừng đã tiêm được mũi thứ hai, hôm sau ngã bệnh, đối diện con dốc tử sinh và may mắn vượt qua. Bạn ta, một nhà văn trào phúng hoạt náo, bỗng một ngày Zalo không tín hiệu, bạn ra đi mà ta không thể tiễn đưa. Những dấu vết đó không thể nào xóa đi dù biết sự hiện diện sẽ làm nặng nề lòng ta.
Chưa bao giờ cuộc sống đặt ra nhiều câu hỏi đau đớn và dữ dội như cái năm tang thương vừa qua. Trong tình cảnh nghiệt ngã này ta có giúp được gì cho người khác. Ai sẽ cứu ta và người thân của ta khi tai họa đang rình rập. Một đóng góp nhỏ bé, một lời đề nghị được nêu ra, hình như điều đó cần cho lương tâm ta hơn là cho cộng đồng. Một thông tin thiếu kiểm chứng có thể là một lời hù dọa. Ta thành ích kỷ, bó chân trong thế giới riêng mình đã thấy bải hoải, hụt hơi.
Những ngày cuối năm hàng triệu người Việt Nam được đoàn tụ bên gia đình, nhớ lại một năm rã rời đã qua, không thể quên bao người đã cứu giúp. Một thành phố được những đôi tay nâng đỡ đứng dậy và dìu những bước đi trở lại. Là các bác sĩ, điều dưỡng ở các cơ sở y tế không quản ngày đêm cứu người giữa lằn ranh sinh tử. Là những nữ tu thiện nguyện chở người qua những chốt chặn để đi chạy thận hay lau rửa cho bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến. Là người chủ nhà trọ miễn thu tiền thuê nhà nửa năm liền để gia đình người thợ yên tâm trụ lại Sài Gòn. Là người đồng bào tốt bụng đã tặng chiếc xe máy cho gia đình anh công nhân hỏng xe trên đường Trường Sơn. Là những người dân hai bên quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc đã đem cơm vắt, bánh mì, nước uống để sẵn dọc đường cho đoàn người về quê. Đây là chất liệu cho một thiên ký sự dài hơi hay một bộ phim tư liệu nóng ấm những dòng nước mắt hòa trong những nụ cười.
Trong những thước phim hồi cố những ngày tháng tai ương vừa qua, in đậm nhất trong tôi hình ảnh một người thanh niên dân tộc Mông vào miền Nam làm ăn, đã vượt qua những chặng đường gian nguy nhất về tới quê nhà. Anh phải vào trại cách ly trước khi được về với gia đình. Vừa mới đến cổng trại, tháo hành lý trên xe để lấy ra chiếc khèn mang theo trên đường thiên lý, anh ra đứng giữa sân, nâng khèn lên thổi một khúc nhạc vang khắp núi đồi, dội ngược trở lại con đường mưa gió anh đã đi qua trong gian nan vất vả, báo với đất trời anh đã về đến quê hương.
Này người thợ - nghệ sĩ, giao thừa này xin anh hãy cầm khèn ra giữa bản, thổi lên khúc nhạc hôm nào để tống tiễn một năm truân chuyên vật vã của tất cả chúng ta. Ở thành phố phương Nam này, chúng tôi lắng nghe tiếng khèn năm mới của anh, tiếng vi vút xa xôi mà gần gũi vô cùng.■
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 29.01.2022.