Tự sự U70

20240721

Ảnh: Bát phố Sài Gòn với bạn văn La Khắc Hoà

       Câu chuyện bắt đầu từ hôm ông mua vé tàu về miền Trung, cách đây đã tám năm. Phòng vé ga Sài Gòn vắng vẻ, không có cảnh chen lấn, sắp hàng như dịp hè, dịp Tết. Khi ông vừa nói với người bán vé: “Cô cho tôi mua một vé tàu khoang giường nằm về Quảng Ngãi ngày …”, thì nhận ngay câu trả lời: “Chú cho cháu mượn chứng minh nhân dân”. “Ủa, mua vé ngày thường mà cũng phải ghi số chứng minh nhân dân sao cô?”. “Dạ không, cháu cần để nhà ga giảm tiền vé cho người cao tuổi”. A, thì ra nhìn ông, cô gái tốt bụng đã xếp ông vào loại khách hàng được ưu đãi!

       Từ hôm đó ông biết mình đã chuyển sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Ngoài các ngày kỷ niệm, ông có thêm một ngày để nhớ: 01 tháng 10, ngày dành cho người cao tuổi. Do yêu cầu công việc, được nhà trường tiếp tục kéo dài thời gian công tác, nhưng mỗi khi chuẩn bị bước vào lớp học, ông không còn tự tin như trước nữa. Có lần ông kể với người bạn cùng tuổi: “Sao lúc này mỗi khi bước vào lớp, tui luôn lo lắng mình chưa kéo fermeture quần tây sau khi ra khỏi nhà vệ sinh” (!). Người bạn nói: “Thì tui cũng giống y chang như ông, nhiều khi kéo dây khóa rồi mà mình vẫn nghĩ là chưa kéo”. Bạn ông là nhà văn nổi tiếng, suốt ngày ngồi trước bàn viết nhìn ra vườn, chỉ thỉnh thoảng giao tiếp với người ngoài, còn ông thì ngày nào cũng là “kẻ bị nhìn” trước mấy chục cặp mắt học trò. Ông nhớ lại thời đi học, một lần vị giáo sư đứng trên bục đang thao thao giảng bài trong tình huống “cửa mở”, bạn bè phải xúi lớp trưởng bước ra hành lang, nói vọng vào: “Thưa thầy, mời thầy ra có người cần gặp gấp”, để thầy bước ra mà nhắc nhỏ vào tai thầy.

       Mấy năm nay, lúc đang giảng bài, ông hay hỏi lại sinh viên: “Không nhớ điều này tôi đã nói với các anh chị chưa nhỉ?”. Hồi mới vào nghề, ông luôn nhìn vào giáo án, chú ý cả những ghi chú bên lề: chỗ này nói lướt qua, không cần đi sâu; thí dụ này để nói ở chương sau; đọc cho sinh viên chép câu danh ngôn này… Khi đã viết và xuất bản giáo trình rồi, ông có thể giảng như thuộc bài mà không cần nhìn vào giáo án. Bây giờ thì trở lại thời còn trẻ, luôn phải nhìn vào đề cương bài giảng để trên bàn, lại còn ghi thêm tờ giấy trắng để trước mặt: “Chú ý đừng nói lan man ngoài chủ đề, đừng kể chuyện riêng tư trong lớp, đừng nói những điều nhạy cảm…”.

       Ôi, ở cái tuổi mà người ta khen là “thầy già, con hát trẻ”, chính lại nẩy sinh bao nhiêu vấn đề mà mình phải tự hiểu và tự giải quyết lấy cho mình. Ở trường, ông là một trong ít thầy giáo hay mang ba lô. Chả phải là làm bộ ra dáng trẻ trung, năng động gì đâu. Chẳng giấu làm chi, cái ba lô mới đủ chứa những vật dụng ông đem theo đến lớp: ngoài giáo trình, sách tham khảo mang cho sinh viên mượn, còn những “trang thiết bị” thường xuyên: vỉ thuốc cảm và viêm họng, cái áo mưa, chiếc áo khoác, lọ nước rửa tay, chai nước suối, bình cà phê pha sẵn, dây sạc điện thoại, xấp khẩu trang, bút xanh, bút đỏ và bút xóa…

      Để đỡ nặng, ông không mang laptop mà nhờ học viên mượn sẵn cùng với máy chiếu PowerPoint. Nhưng ông không bao giờ quên đem theo cái micro mua 50 đô từ 30 năm trước. Lần đó, sau một cơn bệnh lao phổi phải điều trị theo phác đồ chín tháng, ông quyết định không dùng chung micro của nhà trường, vốn không vệ sinh, dễ lây bệnh truyền nhiễm. Câu chuyện micro này cũng là chuyện gây cười trong nghề giáo. Có thầy giáo vào lớp ngồi nói liên tục trước cả trăm sinh viên mà không ai nghe ra câu nào vì thầy nói nhỏ và không để ý là chiếc micro có chân trên bàn đang chĩa thẳng lên trời. Có thầy dùng micro không dây gắn vào túi áo, đang khi giảng bài, chuông điện thoại di động reo, thầy ra hành lang nói chuyện hẹn hò, tán dóc với bạn nhậu và tiếng loa vọng vang cả vào trong lớp. Riêng ông thì chọn dùng micro có dây dài, có thể vừa giảng bài, vừa đi lại viết bảng, nên cái ba lô phải chứa thêm một món đồ nặng.

       Năm nay ông nhận quyết định “về việc cho nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí”. Ô, sao người ta lại ghi thế nhỉ. Ông tưởng chỉ những người bị kỷ luật mới ghi như thế chứ! Trước khi về hưu, ông vẫn được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ cơ mà. Tại sao không ghi đơn giản mà dễ hiểu là “quyết định hưu trí”. Từ khi qua tuổi 60, như một số đồng nghiệp khác, hàng năm ông phải đến bệnh viện quận khám sức khỏe để nộp phiếu cho nhà trường. Đến tuổi này, thể trạng xuống cấp, ai cũng có vấn đề: không giảm thính lực thì đục thủy tinh thể, không tăng huyết áp thì phì đại tiền liệt tuyến. Ai may mắn lắm mới được bác sĩ xác nhận sức khỏe loại 1, còn đa số thì loại 2. Nghe nói ở một trường nào đó có thầy giáo gầy ốm quá bị phê loại 3, đem giấy về, cơ quan không chịu cho kéo dài thời gian công tác, bèn đến thuyết phục bác sĩ ghi thêm: “Sức khỏe loại 3 nhưng về cơ bản các bộ phận vẫn hoạt động tốt”!

      Theo quy định mới, dù ở chức danh gì, người lao động cũng không được kéo dài thời hạn công tác quá 5 năm. Một số đồng nghiệp buồn bã vì không được làm việc lâu hơn như dự kiến để hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học dở dang của mình. Riêng ông thì rất thanh thản, vì so với những người khác, ông cũng thêm được mấy năm rồi, dừng lại bây giờ là đúng lúc, như một cầu thủ đã qua nhiều mùa giải, đá đã xuống chân. Ông tự thấy đời mình may mắn, vì từ khi ra trường đến khi về hưu, chỉ làm đúng một nghề, ở một cơ quan duy nhất, quen thuộc từ người lãnh đạo đến các đồng nghiệp, đi trong trường nơi đâu cũng gặp nụ cười thân thiện, từ người cán bộ phòng tổ chức lo thủ tục hưu trí đến nhân viên thư viện, phòng thiết bị, căn-tin, nhà giữ xe…

        Hôm cầm quyết định nghỉ hưu, ông có cảm giác nhẹ nhõm như vừa thả quang gánh trên vai xuống đất sau một chặng đường dài. Cảm giác đó vừa giống vừa không giống với ngày còn trẻ nhận bằng tốt nghiệp, lúc biết mình thả gánh nặng này thì sẽ lại mang gánh nặng khác. Bây giờ thì cảm giác nhẹ nhõm đi liền với một cảm giác trống trải. Thành ra ông từ chối mọi cuộc liên hoan, họp mặt tiễn đưa để vừa không phải thấy một thay đổi đột ngột nào trong cuộc sống, vừa tận hưởng những giờ phút thanh thản, êm đềm có được.

       Buổi sáng ngày nghỉ hưu đầu tiên, khi thức giấc, ông tự hỏi ngày hôm nay có gì khác với hôm qua. A, cái khác rõ nhất là mình thức dậy mà không có tiếng chuông đồng hồ báo thức, không vội vàng xách ba lô đã chuẩn bị sẵn sách vở, tài liệu từ tối hôm trước, không phải nhanh chóng bấm điện thoại đặt GrabBike đến trường cho kịp giờ vào lớp. Ngày đặc biệt đó, khi ngồi vào bàn theo thói quen, trước laptop, tự nhiên ông thấy mình được buông xả mà không phải gò ép trước một văn bản nào đợi sẵn: một tham luận sắp đến hạn chót phải nộp, một báo cáo công tác - đã báo cáo cuối năm học lại còn thêm báo cáo cuối năm tài chính, đã báo cáo của viên chức lại còn thêm báo cáo của công đoàn viên - bắt phải ngồi khai số giờ dạy từng lớp, tính điểm công trình khoa học theo định mức, rồi cộng cộng nhân nhân để tự đánh giá đủ điểm “hoàn thành nhiệm vụ”. Mà đâu phải chỉ mình ông, cả trường, từ người quản lý đến người dạy học, viên chức đều mệt mỏi vì những kiểm định, kiểm tra từ cấp trên quanh năm, suốt tháng.

       Bây giờ, trong những việc được giải thoát, điều làm ông sung sướng nhất là không còn phải viết lý lịch. Lý lịch nhân thân và lý lịch khoa học. Việc này đòi mẫu lý lịch này, việc kia đòi mẫu lý lịch kia. Có mẫu của hội đồng A, có mẫu của hội đồng B. Có mẫu của cơ quan X, có mẫu của cơ quan Y. Cùng một cơ quan, nhưng năm nay cải tiến, chỉnh sửa lại mẫu cũ, cập nhật thông tin cho mẫu mới. Trong quãng đời 45 năm công tác, ông đã mất bao nhiêu thời gian để viết bao nhiêu lần lý lịch, không tính xuể. Giá như ông chịu khó lưu lại tất cả ngần ấy bản lý lịch đã viết trong đời mình để đóng thành một tập như đóng luận án!

       Nghĩ vẩn vơ, tự nhiên thấy bức xúc, mà đã về hưu rồi thì không nên bức xúc làm gì nữa, như người ta vẫn khuyên, tuổi này đừng bao giờ buồn thái quá, cũng đừng bao giờ vui thái quá. Mỗi ngày nên chọn một niềm vui mà chỉ là niềm vui vừa vừa, nho nhỏ thôi. Như tháng trước ông đi xe buýt với một người bạn ra Thủ Đức, đọc thấy thông báo người đến tuổi 70 sẽ được miễn mua vé. Vui. Như tuần qua, ra Hà Nội, ông rủ người bạn thân đi tàu Cát Linh - Hà Đông một lần cho biết, toa tàu sạch sẽ, giờ cao điểm các cháu thanh niên đứng dậy nhường chỗ một cách lịch sự, tử tế. Vui.

       Kể thêm một chuyện vui nữa về “ưu thế” của tuổi U70. Hè năm ngoái ông đi Huế, một nhóm đồng nghiệp trẻ tổ chức ra ngoại ô thăm nhà lưu niệm của một danh họa mà ông yêu thích từ lâu. Đến cổng, ông phật ý khi nhìn thấy bảng giá vé vào cổng phân biệt khách người Thừa Thiên - Huế với khách từ địa phương khác, chênh lệch nhau đến gần trăm ngàn. Bất bình, nhưng đã đến không lẽ ra về, ông định lấy ví trả tiền thì cô bán vé lại bảo: bác cho cháu xin căn cước công dân (lại giống như cô bán vé tàu hỏa năm nào!). “Thì căn cước mới làm đây nè cô, tôi không phải người Huế, mua vé ngoại tỉnh mà, cần gì căn cước”. “Dạ không, cháu xem để biết bác đến tuổi 70 thì được vào xem miễn phí ạ… A, còn hai năm nữa bác mới đến 70 nhưng tóc bác bạc hết nên cũng xem như đã 70 rồi, vậy mời bác vào tham quan mà không cần mua vé ạ”. Chao ôi, nghe giọng Huế của cô sao mà ngọt ngào, dịu êm quá thể!

      U70 tuyệt vời, vậy mà giáo sư Cao Huy Thuần ở Paris lại viết cho một người bạn trong nước là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc như thế này: “Đừng nghĩ đến con số sau chữ U, bác ạ. Cứ để chữ U trống rỗng. Chữ U không có số là gì, bác biết không? Là lúc ta chưa sinh ra. Chưa sinh ra mà đã vui rồi”.

      Chữ U không có số, nghĩa là sao? Vậy Under gì đây? Ta mãi là hài nhi trong bụng mẹ? Ta mãi là đứa bé chưa giáp thôi nôi trong cuộc đời này? Những câu chuyện U70 sẽ còn tiếp nối hay bây giờ “xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau” như bài hát Kỷ niệm của Phạm Duy?

Huỳnh Như Phương

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63655755
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17068
25210
63655755

Thành viên trực tuyến

Đang có 394 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website