"Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám" của GS Đinh Gia Khánh và vấn đề nghiên cứu tiến trình văn học qua thể loại

DẪN NHẬP: GIÁO SƯ ĐINH GIA KHÁNH - NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG

Giáo sư Đinh Gia Khánh (1924 - 2003) hoàn thành công trình Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của tuyện cổ tích qua truyện Tấm Cám vào tháng 2 năm 1966 (một điều rất thú vị là công trình được in lần đầu và tái bản tại Nxb KHXH, nhưng được Nxb Hội Nhà văn tái bản năm 1999, điều ấy chứng tỏ tác phẩm của nhà khoa học đã được văn giới cập nhật vì tính hữu dụng của nó). Những nhà khoa học tài năng thường khiêm tốn (tên sách chỉ được tác giả đặt là “sơ bộ tìm hiểu…”) nhưng công trình đúng là những luống cày vỡ đầu tiên để mở mang đất đai, ruộng đồng màu mỡ về sau.

Chúng ta nên chú ý thời điểm GS Đinh Gia Khánh hoàn thành công trình là năm 1966, khi chiến tranh đang hồi ác liệt, điều kiện sống và làm việc vô cùng khó khăn và cuốn sách này chắc chắn được khởi thảo từ trước đó khá lâu. Nghĩa là khoa học, theo chúng tôi, có thể trưởng thành từ trong gian khó và thiếu thốn, khoa học không chờ đợi đầy đủ điều kiện vật chất và tinh thần như ai đó hôm nay vẫn nghĩ và ỷ lại, hay chờ thời. Có thể nói không quá, GS Đinh Gia Khánh là người mở đường và công trình của Thầy như là một sự kích thích nghiên cứu văn học theo hướng này. Các giáo sư ở khoa Văn học như cố GS Phan Cự Đệ (1933 - 2007) đã tập trung nghiên cứu thể loại nòng cốt của văn học Việt Nam: Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập, 1974 - 1975); GS Hà Minh Đức (viết chung với cố GS Bùi Văn Nguyên): Thơ ca Việt Nam - Hình thức và thể loại (1968); và mãi tới năm 2000, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng (Khoa Văn học) mới cho công bố: Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (Nxb ĐHQG Hà Nội), mặc dù công trình đã được khởi thảo nghiên cứu từ hai mươi năm trước đó. Hiện tại, giới nghiên cứu đang đổ xô nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa, với các “mã nghệ thuật”, đang say mê với “trung tâm” và “ngoại biên”, “hậu hiện đại” và “giải cấu trúc” v.v…Vẫn chưa phải là nhiều nhà khoa học chuyên chú nghiên cứu thể loại như một cách tiếp cận tiến trình văn học truyền thống và hiện đại theo cách mà GS Đinh Gia Khánh đã lựa chọn.

Vào thời điểm đó, nghiên cứu tiến trình văn học dân gian thông qua thể loại truyện cổ tích, như công việc của GS Đinh Gia Khánh tiến hành, còn là một lối đi mới mẻ, ít người kì khu theo đuổi vì biết sẽ gian nan. Sau này lớp “hậu sinh” như GS Nguyễn Xuân Kính, thế hệ đã được kê chỗ đứng rất cao trong khoa học, mà mãi tới năm 1992 mới công bố công trình Thi pháp ca dao (một chuyên đề được giảng dạy cho bậc sau đại học trong trường Đại học KHXH & NV). Có người đặt vấn đề: Thế hệ như GS Đinh Gia Khánh khi nghiên cứu khoa học thì dựa vào sức mạnh của kinh nghiệm hay sự chỉ lối của lý thuyết? Tôi nghĩ, cả hai. Chỉ có điều thế hệ này tiếp nhận lý thuyết đông - tây, kim - cổ nhuần nhuyễn hơn thế hệ bây giờ (đôi lúc có tình trạng “ăn tươi nuốt sống”, không “tiêu hóa” được các lý thuyết mới nhập cảng). Trong phần mở đầu chuyên luận của mình, nhà nghiên cứu viết “Những vấn đề của truyện cổ tích Việt Nam nêu lên ở trên chỉ có thể giải quyết thỏa đáng trên cơ sở nghiên cứu hàng ngàn truyện khác nhau. Nếu không có cơ sở tư liệu phong phú và phương pháp nghiên cứu thận trọng và nhất là nếu không có một quan điểm đúng đắn thì không thể rút ra những kết luận chính xác về những vấn đề phức tạp như vậy” (Sđd, tr.6-7, bản in năm 1999). Rõ ràng là tư liệu phong phú và phương pháp ưu việt là thế đi vững chãi bằng cả hai chân, đồng thời phải có quan điểm đúng đắn - giống như sợi chỉ đỏ dẫn dắt nhà nghiên cứu đi đúng hướng, để tạo nên kết quả khả quan của công việc nghiên cứu. Về phương pháp nghiên cứu, chúng ta nhận thấy GS Đinh Gia Khánh đã vận dụng các phương pháp tiên tiến như: thi pháp học, loại hình học, so sánh lịch sử. Vào thời điểm viết chuyên luận, sự vận dụng các phương pháp nghiên cứu tiên tiến chứng tỏ tác giả là người nhạy bén và tinh thông khoa học. Phải nói thêm một vấn đề hết sức quan trọng là: vốn tri thức của tác giả được bồi đắp, mở rộng, đào sâu, nâng cao rõ ràng nhờ vào vốn liếng ngoại ngữ đáng kính nể - tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, và tất nhiên là cả một công cụ sắc bén khác - chữ Nôm - ở trình độ am tường (qua hệ thống tư liệu, tài liệu tham khảo được trích dẫn trong chuyên luận chúng ta thấy rất rõ ).

THỂ LOẠI VÀ TIẾN TRÌNH VĂN HỌC

Đã có một thời nghiên cứu tiến trình văn học thường nghiêng về “khảo và luận”, nghĩa là phục dựng và miêu tả diện mạo tác giả, tác phẩm rồi từ đó “luận” ra các vấn đề của một thời kì văn học. Phương pháp này là phổ biến và có tính chất truyền thống, cho đến tận bây giờ vẫn khả thủ. Nhưng bản chất của tiến trình văn học, nếu nhìn từ một phương diện khác, là khúc xạ qua hệ thống thể loại, vì thể loại được xem là “ký ức sáng tạo của nhân loại”.

Nhà khoa học Ngữ văn Nga tài danh M.Bakhtin trong công trình nổi tiếng Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, năm 1992) đã nhấn mạnh: “Đằng sau cái mặt ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta không nhìn thấy vận mệnh to lớn và cơ bản của văn học, mà những nhân vật chính nơi đây trước hết là các thể loại, còn trào lưu, trường phái chỉ là những nhân vật hạng nhì và hạng ba” (Sđd, tr.28). Quan điểm của nhà khoa học Nga giúp chúng ta ý thức được sâu sắc hơn: Chính M.Bakhtin, chứ không phải ai khác, đã nâng lý thuyết thể loại lên một vị trí quan trọng (trong khi vào những thập niên 30 - 50 của thế kỉ XX, trong các nước thuộc phe XHCN, mà Liên Xô luôn đi đầu, thì các “tính” của văn học - tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc - được quan tâm hàng đầu). Mỗi thể loại (nhất là các thể loại “gạo cội”) đều thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhận biết và giải thích bằng nghệ thuật ngôn từ thế giới và con người. Theo dịch giả Phạm Vĩnh Cư thì “Thể loại là cái trí nhớ siêu cá nhân của nghệ thuật, nơi tích lũy, đúc kết những kinh nghiệm nhận thức thẩm mỹ thế giới. Mỗi thời đại lịch sử đều có hệ thống thể loại của mình, trong đó những thể loại chính thể hiện tập trung nhất, nổi bật nhất tâm thức, tầm nhìn, những mối quan tâm, những quan niệm và chuẩn mực giá trị của con người trong thời đại đó; những thể loại chính ấy như những mặt trời thu hút những thể loại khác vào trong quỹ đạo của chúng. Lịch sử văn học, theo Bakhtin, trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại” (Sđd, tr.7-8).

Trong công trình Lý luận văn học (Nxb Văn học, 2009) của hai tác giả R.Wellek và A.Warren, vấn đề thể loại văn học rất được quan tâm, được dành hẳn chương XVII (Các thể loại văn học) nghiên cứu khá tường tận. Các tác giả nhấn mạnh “Việc nghiên cứu các thể loại rất đáng chú ý ít ra cũng ở chỗ ta nhận thức được sự phát triển bên trong của văn học - điều mà Herny Well (trong tác phẩm New Poets from Old, 1940) gọi là “di truyền văn học”. Cho dù ảnh hưởng của các hoàn cảnh bên ngoài đối với văn học có mạnh mẽ đến đâu, trước hết nó vẫn bị ước định bởi các quá trình bên trong (…). Vấn đề thể loại, như vậy là một trong những vấn đề chủ yếu của cả lịch sử văn học lẫn phê bình văn học, đồng thời là một vấn đề xen kẽ đối với cả hai bộ môn nghiên cứu văn học” (Sđd, tr. 426-430).

Trong công trình Văn học Việt Nam thế kỉ X - XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử (PGS.TS Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb Giáo dục, 2007), các tác giả cũng đã nhấn mạnh “Bên cạnh những yêu cầu phải trình bày về nội dung của văn học, công trình văn học sử cũng cũng phải trình bày cho được những gì làm nên diện mạo của bản thân văn học, những cái khiến văn học trở nên “trước hết là chính nó” tuân thủ sự vận động chặt chẽ của nó trong lịch sử hiện thực, sự giao thoa và tự biệt lập hóa của chính nó với các quá trình vận động của những đối tượng/lĩnh vực khác, nghĩa là phải trình bày thực trạng chất nền của văn học và cấu trúc của nền văn học: ngôn ngữ và hệ thống thể loại” (Sđd, tr.9). Đi theo hướng này, công trình đồ sộ vừa nhắc trên đã dành hẳn Phần bốn (gần 400 trang) để luận giải một nội dung, theo chúng tôi, là cực kì quan trọng và thiết thực: Quá trình vận động của hệ thống thể loại và ngôn ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Trong phần này độc giả được tiếp cận và nhận biết những thể loại quan trọng của văn học trung đại Việt Nam như: Thơ Nôm Đường luật, Từ, Phú chữ Hán, Lục bát và song thất lục bát, Hát nói, Truyện kỳ ảo, Văn học tuồng, Tiểu thuyết chương hồi. Một đặc điểm rất quan trọng của văn học trung đại Việt Nam cũng được các tác giả quan tâm nghiên cứu là Tính song ngữ và sự song hành hai hệ thống thể loại “Các nền văn học vùng Đông Á chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc cũng vận động theo hai quá trình: một mặt nỗ lực để theo kịp khuôn mẫu Trung Quốc (vừa “vô tốn” vừa “bất dị”), mặt khác từng bước kiên trì tìm kiếm và cuối cùng đã kiến tạo được cả ngôn ngữ văn học mới, cả hệ thống thể loại mới. Tính song ngữ và sự song hành hai hệ thống thể loại trong lịch sử văn học Việt Nam là một thực tế kéo dài, ít nhất có thể khảo sát được một cách chắc chắn từ các bài phú Nôm đầu tiên thời Trần cho tới các tác giả là nhà nho chí sĩ đầu thế kỉ XX” (Sđd, tr.33).

TRUYỆN CỔ TÍCH TRONG HỆ THỐNG THỂ LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN

Văn hào Nga thời hiện đại M.Gorki đã nhận định về truyện cổ tích như sau “Trên đời này không có cái gì là không có tác dụng giáo dục, cũng không làm gì có những truyện cổ tích không chứa đựng những yếu tố “răn dạy”, những yếu tố giáo dục. Trong các truyện cổ tích, điều trước tiên có tác dụng giáo dục là sự “hư cấu”- cái khả năng kì diệu của trí óc chúng ta có thể nhìn xa về phía trước sự vật. Trí tưởng tượng phóng túng của những người kể chuyện cổ tích đã biết đến những “tấm thảm biết bay” hàng chục thế kỉ trước khi loài người phát minh ra máy bay, đã tiên đoán những tốc độ di chuyển kì diệu trong không gian từ rất lâu trước khi có máy hơi nước, máy nổ và máy điện. Tôi nghĩ rằng chính trí tưởng tượng, chính sự “hư cấu” đã sáng tạo và tu dưỡng một trong những phẩm chất kì diệu của con người: trực giác, là sự hư cấu thường đến giúp người nghiên cứu thiên nhiên đúng vào những lúc mà tư tưởng của người đó, sau khi đo đạc tính toán, không đủ sức liên hệ những điều đã quan sát được với nhau để rút ra một kết luận thực tiễn chính xác. Những lúc ấy, một linh cảm hiện ra trong trí óc người nghiên cứu (…). Trong văn học, trí tưởng tượng, sự hư cấu, trực giác đóng vai trò quyết định (…). Trong số các di tích tuyệt diệu của sáng tác truyền khẩu dân gian thì các truyện cổ tích của nàng Sêheerazat là di tích đồ sộ nhất (…). Công trình dệt gấm vóc bằng từ ngữ này xuất hiện từ thời tối cổ, những sợi tơ muôn màu của nó lan khắp bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng (…). Riêng về tôi, tôi phải thừa nhận rằng, truyện cổ tích đã có tác dụng hoàn toàn tích cực đối với sự trưởng thành trí tuệ của tôi, khi tôi nghe kể những truyện như vậy từ cửa miệng bà tôi hoặc những người kể chuyện ở trong làng” (Sđd, tr. 313-315).

Tác giả V. Guxev trong công trình Mỹ học folklor (Nxb Đà Nẵng, 1999) đã viết “Do đó chúng tôi cho rằng đặc trưng thể loại cơ bản của truyện cổ tích là sự phản ánh một số xung đột và xung khắc cơ bản trong môi trường những quan hệ xã hội và sinh hoạt gia đình, sự giải quyết những xung đột và xung khắc này trong thực tế, cụ thể lịch sử không thể thực hiện được, do đó nó có tính chất của một sụ hư cấu kì ảo. Do đó tính ước lệ nghệ thuật và tính không giống sự thật là những đặc trưng thể loại thứ yếu (có sau) của truyện cổ tích. Bên cạnh điều này chúng tôi thấy cần phải làm nổi bật chẳng những khuynh hướng hư cấu mà cả xu hướng giáo huấn (diactique) của truyện cổ tích, nó lúc nào cũng khuyên rằng dạy bảo dưới một hình thức lí thú và nhiều khi ngụ ý một cách bóng bảy” (Sđd, tr.227-228).

 Câu hỏi đặt ra là vì sao nhà nghiên cứu lại chọn Tấm Cám để từ đó suy rộng ra và cao hơn là khái quát những vấn đề thi pháp của tuyện cổ tích với tư cách là một thể loại nòng cột của văn học dân gian? Nhà nghiên cứu đã xác tín “Truyện cổ tích là bộ phận quan trọng nhất trong kho tàng truyện dân gian. Truyện cổ tích nảy sinh và phát triển trên cơ sở cuộc sống muôn hình muôn vẻ của các dân tộc và là một trong những tấm gương trung thành nhất phản ánh cuộc sống đó. Là một thể loại dân gian, truyện cổ tích giàu tính chất dân tộc. Nhưng nhiều truyện cổ tích lại còn có tính chất quốc tế nữa” (Sđd, tr.3). Và sự lựa chọn Tấm Cám, như nhà khoa học đã thao tác nghiên cứu, là theo cách “bắn một mũi tên trúng hai đích”, vì “Truyện Tấm Cám là một trong những truyện quen thuộc nhất, một truyện xuất hiện ở nước ta từ rất lâu và lưu hành ở khắp nơi, từ nam chí bắc. Truyện đó không những phổ biến ở dân tộc Kinh mà còn phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số anh em trên đất nước ta. Truyện Tấm Cám cũng là một trong những truyện phổ biến nhất trên thế giới: người ta có thể tìm thấy trên năm trăm dị bản ở các nước khác nhau (…). Truyện Tấm Cám vừa có tính chất dân tộc vừa có tính chất quốc tế” (Sđd, tr.8-9).

Ở đây, nhân dịp tưởng niệm 10 năm mất của GS Đinh Gia Khánh, khi đọc lại công trình Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám của Thầy, chúng tôi không nhằm mổ xẻ lại nội dung cụ thể của nó, mà chỉ muốn nhấn mạnh một vấn đề: phương pháp khoa học ưu việt sẽ giúp chúng ta nhắm trúng đối tượng nghiên cứu, phương pháp khoa học tốt sẽ giúp chúng ta đi tới đích hiệu quả hơn, và cuối cùng phương pháp khoa học mới là “của để dành” của các bậc tiền bối cho lớp hậu sinh. Trong phần kết luận, 8 vấn đề mà tác giả công trình nêu ra, theo chúng tôi, là những bài học kinh nghiệm nghiên cứu khoa học hết sức quý báu: trước hết phải xuất phát từ chính dân tộc mình (truyện cổ tích bao giờ cũng có tính dân tộc sâu sắc); nhưng tính dân tộc hiện đại bao giờ cũng chan hòa với tính quốc tế, như là dấu chỉ của tinh thần tiến hóa và tiến bộ (trong kho tàng truyện cổ tích của mỗi nước, có khá nhiều truyện có tính chất quốc tế bên cạnh tính chất dân tộc); phương pháp lãng mạn chủ nghĩa không cần thiết phải loại trừ - như một thời ấu trĩ chúng ta đã làm - trái lại, cần duy trì, vì nó là một cách thức, một con đường tiếp cận nghệ thuật đời sống (truyện cổ tích phản ánh hiện thực theo phương pháp lãng mạn chủ nghĩa gắn mật thiết với yếu tố kỳ diệu)…

Non nửa số trang của công trình Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám là phần Phụ lục (119 trang trên tổng số 258 trang). Bây giờ trong điều kiện tư liệu rộng rãi, nhất là có sự giúp đỡ của “Ông Gu-gồ” (Google), thì việc truy tìm tài liệu không còn là một việc khó. Nhưng thử hình dung thời điểm năm 1966, có vị ngồi đây còn chưa sinh, thì phần Phụ lục của công trình với nguồn tài liệu cơ bản được cung cấp thật hiếm hoi, đáng quý. Học tập bậc tiền bối, sau này trong công trình Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2000, 2007, 2011) chúng tôi cũng đưa vào phần Phụ lục. Sau 21 năm giảng dạy giáo trình này, càng ngày chúng tôi (và tất nhiên cả người học) càng thấy phần Phụ lục rất quan trọng. Không phải là số lượng tài liệu tham khảo được đưa vào, mà là quan điểm chọn lựa những tài liệu nào thiết thực phục vụ việc dạy và học theo tinh thần thực tiễn mới là cần thiết.

TRUYỆN CỔ TÍCH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ THI PHÁP TRUYỆN NGẮN HIỆN ĐẠI

Một vấn đề, theo chúng tôi, là rất quan trọng: học người đi trước để biết làm cái gì cho thiết thực, hiệu quả đặng có đóng góp, dù nhỏ, theo yêu cầu của nhiệm vụ “dạy tốt và học tốt” trong nhà trường hiện nay. Năm 1974, về trường công tác, sau mấy năm tập sự và chuẩn bị lên lớp, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về hướng nghiên cứu của mình. Là giảng viên của bộ môn Văn học hiện đại Việt Nam, lúc đó phía trước chúng tôi là các “đỉnh” trong nghề nghiệp - các GS đáng kính Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức. Muốn nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam, nhất thiết phải tìm cho ra “đối tượng” phù hợp, và tốt nhất là không “dẫm lên dấu chân của người đi trước”. Lúc đó những vấn đề thể loại văn học đã được nghiên cứu và công bố bởi các giáo sư của bộ môn như Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập, 1974 -1975) của GS Phan Cự Đệ, Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại của GS Hà Minh Đức (viết chung với GS Bùi Văn Nguyên). Sau một thời gian tu luyện, chúng tôi tìm thấy một “chỗ trống” rất thú vị trong nền văn xuôi dân tộc chưa được nghiên cứu có hệ thống: thể loại truyện ngắn. Chúng tôi không dám chắc công trình của GS Đinh Gia Khánh có là gợi mở trực tiếp, hoặc là đầu tiên cho sự nghiên cứu của chúng tôi về sau hay không, nhưng chắc chắn đã có một mối dây gắn kết, dẫu mơ hồ nào đó, và hơn hết là một chất men gợi hứng thú nghiên cứu khoa học. Một lần đọc Nguyễn Tuân chúng tôi rất chú ý đến ý kiến ngắn gọn của bậc trưởng lão văn chương về truyện kể dân gian, đặc biệt là truyện tiếu lâm (truyện cười). Nhà nghệ sĩ ngôn từ tài danh đã viết “Vốn dân tộc ta gồm nhiều mặt. Tiếng nói dân gian, tiếng nói văn học (…). Và nhất là một cái vốn cười nó không khác gì hơn là một cái vốn triết lí thực dụng trong đời sống. Vốn cười tích lũy qua nhiều đời, gồm những truyện vui cười vừa dí dỏm, vừa đốp chát, vừa thanh vừa thô. Cụ thể và phổ biến là truyện (ngắn) Tiếu lâm (…). Nhưng cái vốn Tiếu Lâm đó, ta nghiên cứu được, và khai thác được. Nhất là về mặt cấu tạo truyện và nhân vật truyện của truyện dân gian Tiếu Lâm (…). Tìm ở Tiếu Lâm một khóe cười, một nét cười, một khía cạnh của cái cười nhiều tính vệ sinh và vui sống. Nhưng, theo tôi nghĩ, còn tìm ở Tiếu Lâm có một cái gì có tính chất kĩ thuật và nghệ thuật viết truyện ngắn thật ngắn nữa (…). Truyện ngắn Tiếu Lâm viết ngắn, đọng, nhưng vẫn đủ chỗ để đi vào tâm lí, vào cái lõi của nhân vật (…). Đứng về nghề nghiệp mà bàn tới Tiếu Lâm thì đó là một số kinh nghiệm thành công về mặt kĩ thuật và nghệ thuật dựng truyện ngắn rất kiệm lời, và ý ở ngoài lời thì rất nhiều” (Nguyễn Tuân: Bàn về văn học nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr.588-599).

Về mặt lí thuyết thì một thể loại văn học viết ra đời bao giờ cũng nằm trên biên giới của mối giao thoa giữa văn học dân gian và văn học thành văn. Thêm nữa, lí thuyết thể loại cũng chỉ ra rằng “Thể loại sống trong hiện tại, nhưng bao giờ cũng nhớ về quá khứ, nguồn gốc của mình. Thể loại là đại biểu của kí ức sáng tạo trong tiến trình văn học - chính điều ấy tạo cho thể loại và khả năng của nó thống nhất được một cách đầy đủ và liên tục trong sự phát triển. Điều đó cắt nghĩa vì sao để nhận biết đúng đắn một thể loại, tất yếu phải truy nguyên tới nguồn gốc của nó” (M. Bakhtin - Thi pháp Đôtxtôiepxki, Nxb Nhà văn Xô viết, Matxcơva, 1963, tr.142)).

GS Đinh Gia Khánh đã tập trung nghiên cứu truyện Tấm Cám để từ đó rút ra được những vấn đề thi pháp của truyện cổ tích (tình tiết, nhân vật, xu hướng lịch sử hóa và xu hướng khái quát hóa, tính kì diệu, tính chất quốc tế hóa..), và tất nhiên cũng từ đó rút ra được những quy luật phát triển của văn học dân gian. Đó là bài học về phương pháp luận nghiên cứu khoa học mà chúng tôi tiếp thu được. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi trong bước khởi đầu nghiên cứu truyện ngắn với tư cách một thể loại văn học độc lập trong tiến trình văn học dân tộc nhiều thế kỉ có thành tựu, có “tuổi thọ cao”, nên bắt đầu từ đâu? Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, đúng là “đầu xuôi đuôi lọt”.

Vào giữ những năm tám mươi của thế kỉ trước, qua nguồn tài liệu tiếng Nga (như K.Galưgina - Truyện ngắn trung thế kỉ Trung Quốc, Nxb Khoa học, 1980; N.Elixep - Truyện ngắn trung thế kỉ Triều Tiên, Nxb Khoa học, 1983; A.Subin - Truyện ngắn Nga hiện đại, Nxb Khoa học, 1974…), chúng tôi đã nhận biết về một hiện tượng có tính chất khu vực Đông Bắc Á (nằm trong khu vực “đồng văn” thời trung đại), đó là thể truyện truyền kỳ. Không thể chối cãi được, quê hương của truyền kỳ là Trung Quốc, ít nhất thì cũng bắt đầu từ đời Đường (thế kỉ VIII - IX), phát triển đến đỉnh cao vào thế kỉ XIV với tên tuổi Cù Hựu (1341-1427) và tác phẩm nổi tiếng Tiễn đăng tân thoại (1381); được hoàn thiện bởi Bồ Tùng Linh (1640 - 1715) với Liêu trai chí dị (ra đời vào cuối thế kỉ XVII). Truyền kỳ sau đấy đã “chu du” đến Nhật Bản (từ cuối thế kỉ XVI, đại biểu Asai Rôi với Kha tỳ tử), Triều Tiên (thế kỉ XV, đại biểu ưu tú là Kim Thời Tập với Kim ngao tân thoại), Việt Nam (thế kỉ XVI, đại biểu ưu tú là Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục). Truyền kỳ, dĩ nhiên thấm đẫm yếu tố kì ảo, nhưng cái cốt lõi của nó là cảm quan thực về cuộc đời và con người dương thế, mặc dù hình thức nghệ thuật mang tính chất huyền kì, đầy ắp tính chất kì diệu. Sang đến thời hiện đại, trong văn học Việt Nam, hình thức truyền kì được tiếp biến bởi nhà văn tài danh Nguyễn Tuân với những truyện kiểu “yêu ngôn” (Xác ngọc lam, Trên đỉnh non Tản, Khoa thi cuối cùng, Chùa Đàn…). Các thế hệ sau vẫn tiếp tục viết truyện kì ảo và thu được những thành công đáng kể. Như vậy một ngọn nguồn của truyện ngắn dân tộc, thấy rất rõ là từ nguồn truyện truyền kì (trong văn học thành văn). Và nếu không quá thì có thể nói, đó là một văn mạch chính của dân tộc suốt nhiều thế kỉ.

Vậy ngọn nguồn khác của truyện ngắn dân tộc là từ đâu? Theo Nguyễn Tuân thì từ truyện cười (tiếu lâm) của văn học dân gian. Nhưng khảo sát truyện ngắn hiện đại, nhất là đương đại, chúng tôi thấy chính cổ tích mới là cảm hứng, mới là gợi mở nghệ thuật, đôi khi là mẫu hình, để các nhà văn sáng tác truyện ngắn. Theo cách lập luận này thì Nguyễn Huy Thiệp chính là một đại biểu của giới nhà văn đã khai thác, vận dụng cổ tích để sáng tác truyện ngắn hiện đại. Những ngọn gió Hua Tát là một dẫn dụ đặc sắc để nhận biết cổ tích như là một ngọn nguồn của truyện ngắn hiện đại Việt Nam. Hãy trở lại quá khứ để thấy rõ hơn: vào những năm 20 của thế kỉ XX, Nguyễn Trọng Thuật đã mượn văn học dân gian (nói chính xác là tác giả phóng tác theo cốt truyện dân gian trong Lĩnh nam chích quái) để viết tiểu thuyết Quả dưa đỏ (Giải thưởng văn chương của Hội Khai trí tiến đức, 1925). Tô Hoài trong Vợ chồng A Phủ thực sự đã viết một kiểu truyện “cổ tích mới” theo môtip cướp nàng dâu (cả A Sử, cả A Phủ đều tham gia sự kiện “cướp nàng dâu”). Võ Thị Hảo cũng đã vận dụng cổ tích để viết Chuyện sót lại ở rừng cười…

Thi pháp truyện ngắn hiện đại cho chúng ta nhận biết về tính chất phong phú của hình thức thể loại “nhỏ” trong sự tiếp biến truyện kể dân gian: truyện tiếu lâm có chỗ đứng đặc biệt trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Vũ Bão; truyện “truyền kỳ” như là dấu ấn đặc sắc trong truyện ngắn Nguyễn Tuân; truyện cổ tích có dấu ấn trong truyện ngắn Tô Hoài, đặc biệt Nguyễn Huy Thiệp. Ông đã viết lời giới thiệu cho chùm 10 truyện “giả cổ tích” của mình (có tên chung là Những ngọn gió Hua Tát), như cách gọi của các nhà nghiên cứu văn học “Ở Hua Tát, những chuyện cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh hàng rào trong các ngõ nhỏ. Đàn ông ngậm hoa này trong miệng uống rượu không bao giờ say. Nó cũng giống như những viên đá cuội trắng, có gân đỏ, mảnh như sợi chỉ nằm kín đáo nơi lòng suối. Phụ nữ thích những viên sỏi này. Họ nhặt nó về ủ trong áo lót đủ một trăm ngày. Khi làm đệm cho chồng, họ giấu viên sỏi ấy vào trong. Có lời nguyền rằng, người chồng nằm trên đệm ấy sẽ không bao giờ mơ tưởng đến những phụ nữ khác” (Nguyễn Huy Thiệp: Như những ngọn gió - Truyện ngắn, Nxb Văn học, 1999, tr.479).

KẾT LUẬN

- Tám kết luận về truyện cổ tích trong phần cuối công trình Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm cám của GS Đinh Gia Khánh, theo tôi, chính là phương pháp luận nghiên cứu một thể loại văn học cụ thể (thuộc phạm trù truyện kể dân gian). Nghiên cứu thể loại rất quan trọng, ngõ hầu tái hiện được diện mạo và xu thế phát triển của tiến trình văn học.

- Nghiên cứu văn học không nên dựa hẳn vào một phương pháp duy nhất nào, vì thực tế chứng minh rằng một phương pháp dù tiên tiến nhất thì, bên cạnh mặt khả thủ nhất, vẫn bộc lộ tính chất phiến diện của nó trong tương quan với các phương pháp khác. Trong công trình của mình, GS Đinh Gia Khánh đã cùng lúc vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau (thi pháp học, loại hình học, so sánh lịch sử), có tác dụng hỗ trợ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đạt tới mục đích nhanh hơn, đầy đủ hơn.

- Khoa học phải phục vụ đời sống, khoa học không tự giam mình trong “tháp ngà” hay ngủ yên trong im lặng đến mức không ai biết đến. Công trình của GS Đinh Gia Khánh đã tham gia vào đời sống văn học, đồng hành cùng các nhà văn sáng tác cũng như giới nghiên cứu, lí luận. Vì ý nghĩa ấy mà khoa học tồn tại một cách chính đáng. Liên hệ tới tình hình nghiên cứu khoa học hiện nay, những người có tâm huyết không khỏi lo âu khi đa số công việc và sản phẩm của sự nghiên cứu còn ở “trên trời” hay “bỏ ngăn kéo” (đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn). Học tập tinh thần thực tiễn trong nghiên cứu khoa học của GS Đinh Gia Khánh, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để khoa học đi vào đời sống nhân dân, khoa học phục vụ thiết thực các yêu cầu của xã hội phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

            - M. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du,             1992.

            - Phan Cự Đệ (Chủ biên): Truyện ngắn Việt Nam, lịch sử - thi pháp - chân dung, Nxb Giáo dục, 2007.

            - Đinh Gia Khánh: Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, Nxb Hội Nhà văn, 1999.

            - M.Gorki: Bàn về văn học (2 tập), Nxb Văn học, 1970.

            - Nguyễn Xuân Kính: Thi pháp ca dao, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2004.

            - V.Guxev: Mỹ học Folklor, Nxb Đà Nẵng, 1999.

            - R. Wellek và A.Warren: Lý luận văn học, Nxb Văn học, 2009.

            - Trần Đình Sử (Chủ biên): Tự sự học, một số vấn đề lí luận và lịch sử (Phần 1 và 2), Nxb Đại học Sư phạm, 2004 -2008.

            - Bùi Việt Thắng: Truyện ngắn, những vẫn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại,           Nxb ĐHQG Hà Nội, 2000 (tái bản 2007, 2011).

            - Trần Ngọc Vương (Chủ biên): Văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX, những vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Giáo dục, 2007.

 

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/so-bo-tim-hieu-nhung-van-de-cua-truyen-co-tich-qua-truyen-tam-cam-cua-gs-dinh-gia-khanh-va-van-de-nghien-cuu-tien-trinh-van-hoc-qua-the-loai

Thông tin truy cập

63660367
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4085
17595
63660367

Thành viên trực tuyến

Đang có 774 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website