Tưởng nhớ người thầy, GS, NGND Lê Đình Kỵ: Ngọn lửa tình yêu nghề

Thầy Lê Đình Kỵ (1923-2009) trong ký ức nhiều thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) mãi mãi là một biểu tượng của một người thầy, yêu nghề và tận tâm tận trí với nghề dạy học.

Trước khi đứng trên bục giảng Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy Lê Đình Kỵ đã từng dạy học ở Trường Trung học Lê Khiết nổi tiếng của Liên khu V (1952-1954). Từng hoạt động xã hội và tham gia cách mạng, vào bộ đội suốt từ năm 1945 đến 1951, nhưng có lẽ cái duyên dạy học đã khiến thầy hướng đời mình sang nghề sư phạm (từ năm 1955 đến 1958 thầy dạy học ở Trường Nguyễn Trãi, Hà Nội, đến năm 1959 thì trở thành giảng viên đại học).

Thầy đã được Nhà nước phong học hàm Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân và được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Thầy đã công bố gần 20 công trình khoa học, trong đó phải kể đến "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du" (1970), "Đường vào thơ" (1969), "Phương pháp nghệ thuật" (1962), "Thơ Tố Hữu" (1979), "Thơ mới - những bước thăng trầm" (1988) và "Trên đường văn học" (1995)... Thầy Lê Đình Kỵ vừa là một nhà giáo giỏi vừa là một nhà khoa học có uy tín, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp "trồng người".

Nhớ về thầy Lê Đình Kỵ là nhớ về một nhân cách đáng kính. Riêng tôi luôn luôn tâm niệm như thế. Tôi là sinh viên Ngữ văn khóa 14, được giữ lại trường và thành đồng nghiệp của thầy nhưng cũng chỉ được khoảng mười năm gần thầy (vì đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước thầy chuyển công tác vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, nay là Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia TP HCM).

Thời gian chục năm gần gũi là ít nhưng lại là nhiều. Cái quan hệ thầy - trò và sau là đồng nghiệp giữa thầy và tôi không có gì thật đặc biệt (theo lối tôi là "học trò cưng" của thầy). Gần gũi thầy, hiểu thầy từ hơn ba mươi năm nay, tôi nhận thấy thầy Lê Đình Kỵ trước hết và luôn luôn là người trí thức có phẩm chất tiết tháo. Trong nghề thầy nhạy cảm, tinh tế bao nhiêu thì trong đời thường thầy thẳng băng bấy nhiêu. Dường như với thầy không có sự "lấy lòng" hay "cửa trước cửa sau".

Tôi vẫn hình dung thầy Lê Đình Kỵ của chúng tôi như một cây thông, thân mọc thẳng vươn cao, thân vỏ xù xì thô ráp, lá cành thì gai góc sắc nhọn. Nhưng thông được ví với tư thế của người quân tử, kẻ sĩ. Là hậu sinh nhưng để "khả úy" được với lớp trước như thầy, tôi nghĩ phải phấn đấu liên tục và hết mình.

Lúc mới ở lại khoa làm giảng viên, tôi quan sát thấy trong những cuộc họp thầy Lê Đình Kỵ thường im lặng ngồi một góc, im lặng như thế ngồi "thiền", đầu óc thầy lại đang nghĩ về một cuốn sách mới đọc, một vấn đề cần gỡ rối. Nhiều người gọi đó là tính "phớt đời kiểu Ăng-lê" của thầy.

Nhưng tôi thì biết là không phải thế. Tôi vẫn thấy một cách rõ ràng và sâu sắc rằng thầy rất cần một "tri âm tri kỉ" giữa đám đông không mấy thuận chiều. Tôi cũng biết là vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi in cuốn sách lý luận "Phương pháp nghệ thuật" (1962) thầy cũng bị dư luận eo xèo về vấn đề "nhân tính" (bây giờ ta gọi là "cái nhân loại") trong văn chương.

Nghe nói thầy không thanh minh, mà làm sao thanh minh được khi cái "thời xa vắng" ấy mọi người rất có thể nghĩ theo cách nghĩ của người khác. Sau này trong lần sửa chữa và in mới, sách "Phương pháp sáng tác" (1986) của thầy Lê Đình Kỵ vẫn được đánh giá cao trong giới nghiên cứu văn học bởi các phẩm chất nhạy cảm, dám đón nhận và triển khai những vấn đề lý thuyết của thế giới.

Đầu những năm tám mươi, khi thầy Lê Đình Kỵ đã chuyển công tác vào Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, tôi mới thực sự thấm thía những điều thầy tâm sự, chia sẻ trước đó (với tôi và có lẽ với các đồng nghiệp trẻ khác).

Tôi mãi nhớ lời thầy: "Thắng nên nhớ, sự thông minh không phải ai cũng có vì nó là trời cho. Nên đừng nghĩ mình có thể hơn người khác bằng sự thông minh. Nếu có tình yêu đích thực với nghề, rồi đến một lúc sẽ làm được một cái gì đó. Người ta nếu hơn nhau là ở chỗ này".

Tôi còn nhớ hôm tiễn thầy vào Nam công tác, thầy nói: "Mình tin là Thắng sẽ làm được một cái gì đó cho nghề vì mình biết ở em có cái tình yêu nghề như mình lúc còn trẻ!". Khi nghe tin từ đồng nghiệp ở phía Nam báo ra, tôi sững người dù biết rằng việc đó sẽ đến như một quy luật "sinh - lão - bệnh - tử". Nhưng vẫn bất ngờ, bất ngờ vì cứ nghĩ những người tốt, người giỏi như thầy Lê Đình Kỵ đáng lẽ phải sống lâu hơn nữa để làm thêm nhiều việc hữu ích cho công cuộc "trồng người".

Ba mươi lăm năm đứng trên bục giảng trường đại học, tôi nghĩ mình đã làm tốt được một số việc không phải bằng sự thông minh hơn người mà chính bằng ngọn lửa tình yêu nghề, yêu người. Mỗi người hiền tài cho ta một bài học, bài học của tôi nhận được từ thầy Lê Đình Kỵ là "Tình yêu nghề", có nó ta sẽ làm được một việc gì đó hữu ích cho đời.

Ở Khoa Văn học chúng tôi có những người thầy đáng kính như thầy Lê Đình Kỵ, thầy Đỗ Đức Hiểu, thầy Trần Đình Hượu, thầy Phan Cự Đệ và thầy Bùi Duy Tân - những người thầy hiền tài đã ra đi mãi mãi.

Hà Nội tháng 11/2009 

Bùi Việt Thắng (Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)

Nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2009/11/122186.cand

Thông tin truy cập

60886721
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10577
18331
60886721

Thành viên trực tuyến

Đang có 669 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website