Kính thưa quý khách, các giáo sư, các nhà nghiên cứu, các đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc và hào hứng, Hội thảo kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du đang đi vào những phút cuối. Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, chúng tôi có vài lời tạm gọi là tổng kết.
Sau ngày kỷ niệm 220 năm sinh Nguyễn Du, nhà thơ Chế Lan Viên có than thở như sau:
Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn
Chả qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng
Với không khí hội thảo từ sáng đến giờ, chúng ta hẳn đã không nghĩ như thế. Hội thảo đã nhận đến gần 90 tham luận được gửi đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Huế, Đà Lạt, Quy Nhơn, Thái Nguyên, từ các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, từ đại học Tây Bắc xa xôi và cả từ quê hương Hà Tĩnh của nhà thơ. Vượt qua khuôn khổ của một hội thảo cấp quốc gia, Ban Tổ chức cũng đã nhận được nhiều tham luận và sự có mặt của các nhà học giả đến từ nước ngoài như Nga, Mỹ, Nhật, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc. Một số tác giả còn gửi cả 2 tham luận, điều đó chứng tỏ Nguyễn Du vẫn là một cảm hứng lớn cho các nhà nghiên cứu. Thật đúng như Nguyễn Du đã viết:
Rằng bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
Chúng ta tiếp tục bàn về văn chương Truyện Kiều, tiếp tục khảo sát văn bản Truyện Kiều và suy nghĩ về tư tưởng Truyện Kiều. Có những tham luận đã tiếp cận Nguyễn Du bằng những lý thuyết hiện đại mới mẻ, như bằng cái nhìn nữ quyền, từ góc nhìn tự sự học, từ lý thuyết hội thoại ...
Việc tiếp nhận di sản của nhà đại thi hào cũng rất được chú ý. Truyện Kiều đã được cải biên sang chèo ở miền Bắc, cải lương ở Nam Bộ và cả sang điện ảnh. Đặc biệt có khá nhiều tham luận về việc tiếp nhận Truyện Kiều ở Nam Bộ, từ việc cải biên sang cải lương cho đến việc giới thiệu các phó sản của Truyện Kiều như các bản Nôm Kim Vân Kiều Ca, Tuý Kiều phú, Tuý Kiều án, Hoạn Thơ bắt Túy Kiều và có cả một bản Đoạn trường tân thanh được chuyển sang Hán văn.
Truyện Kiều đi ra thế giới như thế nào cũng được không ít các nhà khoa học quan tâm. Buổi sáng hôm nay, chúng ta đã rất hạnh phúc khi được tặng các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Hàn, tiếng Nga và tiếng Đức. Nhiều tư liệu rất quý đã được công bố, như lời giới thiệu bản dịch tiếng Pháp Kim Vân Kiều tân truyện của Abel des Michels từ cuối thế kỷ XIX; bản dịch Truyện Kiều sang Trung Văn mới đây của Kỳ Quảng Mưu. Đã có các so sánh thú vị giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với Truyện Kiều Nhật Bản- Kim ngư truyện của Bakin, với vở kịch cổ điển Le Cide của Corneille. Tình hình nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân ở Đài Loan, Trung Quốc cũng được tiếp tục quan tâm.
Bên cạnh những tham luận về Truyện Kiều, tập đại thành của văn chương cổ điển Việt Nam, nhiều nhà khoa học cũng đã tìm đến thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nơi ông gửi gắm nhiều tâm trạng cá nhân hơn cả, để tìm thấy ở đó chiều kích văn hóa rộng lớn của nhà thơ thiên tài, từ cảm thức về người đẹp, nỗi niềm cố quốc – gia hương, tâm trạng cô lữ trong thơ đi sứ đến không gian tâm linh hư ảo trong sáng tác chữ Hán của ông.
Trong các tham luận được trình bày hôm nay, đã có nhiều tiếng nói đồng thanh đồng khí, nhưng cũng có những quan điểm khác nhau thể hiện trong một vài tham luận, trong trao đổi, thảo luận. Đây là điều không tránh khỏi và cần thiết trong sinh hoạt học thuật. Điều này càng làm cho hội thảo của chúng ta đa dạng, khách quan hơn. Nhưng tất cả là để nhìn nhận lại một Nguyễn Du đúng đắn, gần gũi hơn.
Nhìn lại gần 90 tham luận gửi đến, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cứ liệu quý giá và nhiều phân tích rất công phu, sắc sảo, giúp cho chúng ta nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về đại thi hào của dân tộc và các sáng tác của ông mà trong khuôn khổ một bài tổng kết chúng tôi không thể nào ghi nhận hết được .
Nguyễn Du hình như đã quá bi quan khi có lần đã thốt lên: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Đành rằng có lúc nàng Kiều đã bị đem ra bêu riếu giữa búa rìu dư luận do nhiều lý do khác nhau như chính trị, đạo đức; đã có lúc Kiều phải “bó tròn trong những gói tản cư/ Bà ru cháu bằng ca dao sản xuất” (Chế Lan Viên). Nhưng nhìn chung, Nguyễn Du và các sáng tác của ông luôn được được trân trọng, nhắc nhớ, luôn là một phần không thể thiếu của tâm hồn dân tộc. Nhiều tham luận cho biết, chỉ riêng Nam Kỳ, Nam Bộ cũng đã có rất nhiều hoạt động đã được tổ chức để kỷ niệm Nguyễn Du từ suốt thế kỷ XX. Năm mươi năm trước, miền Nam cũng đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Ngày 1/10/1965, chính tại nơi này, Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn cũng đã tố chức lễ kỉ niệm Nguyễn Du rất trọng thể. Và hôm nay chúng ta lại có mặt ở đây để kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào của dân tộc, khép lại một cách tốt đẹp năm Nguyễn Du của Unesco. Điều đó chứng tỏ “tiếng kêu mới đứt ruột” của ông vẫn còn lay động người sau không dứt.
Cuối cùng, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những đóng góp mà những nhà khoa học đến từ khắp nơi của đất nước; từ các trung tâm khoa học và giáo dục của nước Việt Nam đã mang đến cho Hội thảo. Đặc biệt xin cám ơn các học giả từ nước ngoài đã không quản đường xá xa xôi đến tham dự cùng Hội thảo.
Xin cảm ơn các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên đã đến tham dự và lắng nghe, học hỏi.
Xin cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM, cám ơn tất cả các thành viên Ban tổ chức, Ban hậu cần, Ban Lễ tân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ của Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã chuẩn bị hết lòng để đem đến sự thành công của ngày hội thảo hôm nay.
Xin thứ lỗi cho chúng tôi về những thiếu sót và sơ suất không tránh khỏi trong thời gian tiếp đón và tổ chức hội thảo này. Chúng tôi xin chào tạm biệt và mong sẽ có nhiều dịp gặp lại quý vị trong những sinh hoạt học thuật bổ ích và liên kết chúng ta lại trên tinh thần hiểu biết như hôm nay.
Nhân dịp năm mới 2016 sắp đến, xin kính chúc toàn thể quý vị sức khỏe, thành công và hạnh phúc.