04102024Fri
Last updateMon, 30 Sep 2024 8am

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai với đồng nghiệp và môn sinh

Lời nói đầu

GS.NGND Hoàng Như Mai, vị trưởng lão cuối cùng của ngành Văn ở đại học, đã ra đi tròn một năm. Giáo sư là một người nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu, một nhà hoạt động văn hóa lớn. Nhưng trên hết, Giáo sư là một người Thầy lớn của ĐHQG-HCM và của cả ngành giáo dục nước ta.

Đến với giáo dục như một cái duyên tình cờ, nhưng Thầy Hoàng Như Mai đã gắn trọn đời với ngành giáo dục bởi một tình yêu vô bờ với học trò, với nghề nghiệp, với văn học nước nhà.Trong kháng chiến, thầy được Tỉnh hội Việt Minh tỉnh Thái Bình cử làm Hiệu trưởng Trường Trung học Chuyên khoa tư thục Phan Thanh, rồi sau đó làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc. Hòa bình lập lại, thầy đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, sau đó dạy ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với giáo trình Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1960, thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Sau ngày giải phóng miền Nam, thầy được mời thỉnh giảng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn và đến năm 1980 thầy về dạy ở khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM). Từ năm 1988, thầy là Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1997 là Hiệu trưởng trường THPT Trương Vĩnh Ký. Thầy cũng là người góp phần sáng lập Trường Đại học Văn Hiến.

GS.NGND Hoàng Như Mai hấp dẫn mọi người ở tác phong nghệ sĩ, ở cách phân tích sắc sảo, bởi tinh thần học thuật tự do và nhất là bởi cái tình với văn chương, bởi sự chí tình đối với học trò.  Nhiều sinh viên của thời kháng chiến chống Mỹ trước khi đi vào miền Nam chiến đấu cũng tìm mọi cách để gặp được Thầy, trước là để thăm Thầy, sau đó là để nhận ở Thầy một lời khuyên bảo. Khi ra chiến trường rồi, họ cũng không quên viết thư về báo tin cho Thầy và tâm sự cùng Thầy.

 Kỷ niệm một năm ngày mất của GS.NGND Hoàng Như Mai, Khoa Văn học và Ngôn ngữ có ý tưởng tổ chức một cuộc Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Thầy. Ý tưởng này đã được Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM và nhiều cơ sở đào tạo, tổ chức đã từng gắn bó với Thầy nhiệt tình ủng hộ, như Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo “Giáo sư Hoàng Như Mai – cuộc đời và sự nghiệp” do ba trường Đại học và Hội nói trên đồng tổ chức đã diễn ra vào ngày 22 tháng 11 năm 2014 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM.

Quyển sách này gồm những bài tham gia Hội thảo nói trên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập hợp được từ nhiều nguồn những bài viết, những bức thư của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố; các bài viết của quý Thầy Cô trong ngành giáo dục ; các văn nghệ siỹ. Những bài viết này đều tràn đầy tình cảm và lòng ngưỡng mộ đối với Thầy, một vị Giáo sư đã cống hiến cả đời mình cho giáo dục.

Quyển sách có 6 phần:

1.      Những bài viết về GS.NGND Hoàng Như Mai.

2.      Những bài phỏng vấn GS.NGND Hoàng Như Mai.

3.      Thơ viết về GS.NGND Hoàng Như Mai.

4.      Thư của Học trò cũ.

5.      Một số lời ghi trong sổ tang.

6.      Thủ bút và ảnh kỷ niệm của GS.NGND Hoàng Như Mai.

Các bài viết trong sách được xếp thứ tự alphabet theo tên tác giả, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Do thời gian chuẩn bị bản thảo hạn hẹp nên chúng tôi còn chưa sưu tầm hết các bài viết về GS. Hoàng Như Mai, đồng thời cũng chưa liên hệ được hết với các tác giả có bài trong tập sách này để xin phép sử dụng bài và xin thông tin tác giả. Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi và mong có dịp sửa chữa, hoàn thiện trong lần xuất bản sau.

Nhân đây chúng tôi cũng xin cám ơn anh Hoàng Vũ Quân, con trai GS. Hoàng Như Mai; cô Trần Phượng Linh, cán bộ Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; đã giúp chúng tôi trong việc sưu tầm các bài viết, thư từ, hình ảnh… cho tập sách này.

 

TP. HCM, 10.2014

TM Ban biên tập

Võ Văn Nhơn

Online Members

We have 564 guests and no members online

Homepage Data

62817048
Today
Yesterday
All
11611
14839
62817048

Show Visitor IP: 98.84.18.52
04-10-2024 21:03