Trong những trang cuối cùng của cuốn sách này, giữa những dòng suy tường miên man về thế sự, hai tác giả Lê Công Cơ và Nguyễn Đông Nhật bỗng viết một câu văn đầy chất thơ: “Đôi khi, anh muốn đặt những bước chân nhẹ trên những con đường cũ của những năm tháng đã xa”.
Thật ra cả 17 bài viết trong cuốn sách này đã là những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – “đường ta đi gian nan gánh nặng Tổ quốc trên vai”, như lời một bài hát của Phạm Thế Mỹ. Tuổi trẻ họ đã đi qua những con đường gian nan vào những năm tháng đó mà thời gian tưởng như có thể xóa mờ đưa vào quên lãng.
Hội chứng “ăn mày dĩ vãng” đôi khi làm cho người ta e ngại khi nghe lại những đĩa hát cũ của một quãng đời đã mất, nhất là khi điều đó liên quan đến cái tôi của mình. Nhưng nếu dĩ vãng đó vẫn còn hiện diện trong hiện tại, như đôi mắt của ngày hôm qua vẫn còn soi vào hôm nay, thì một lần nhìn lại nó để bước qua dĩ vãng mà an tâm đi tới tương lai cũng là điều cần thiết.
Huống chi ở đây, với hai tác giả, còn là món nợ ân tình không bút mực nào tả xiết. Nợ mái ấm của một ngôi nhà khi dừng chân trên đường thiên lý, giữa “những trận mưa rừng điên dại”. Nợ những con người thầm lặng mà lịch sử đã vùi lấp tuổi tên như thân xác bị vùi lấp dưới cát biển. Nợ Hòa thượng Thích Đức Tâm, người sáng lập Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán. Nợ Hòa thượng Thích Long Trí, người tu sĩ khẳng khái đã góp phần chèo chống phong trào Phật giáo Quảng Nam qua cơn pháp nạn. Nợ người chị Điện Hòa dâng hiến trọn đời để cứu những người mang bệnh nan y. Nợ Cu Paz xả thân cứu người chiến sĩ nằm sốt mê man trong hốc núi, ngày hòa bình chưa hưởng trọn niềm vui, đã yên nghỉ dưới một nấm đất trơ trụi. Nhất là nợ những bạn bè cùng thế hệ:
“Nhiều năm, dường như anh đã quên những người bạn thầm lặng. Họ như những quả bóng màu phù du vỡ tan trong khoảnh khắc nhưng rồi ba mươi bốn mươi năm sau, anh chợt hiểu rằng họ đã ăn vào đời anh những sắc không phai. Họ giống như nhiều vật dụng yên lặng làm nên mùi hương ấm của căn nhà, mùi hương vô hình mà khi thiếu nó, căn nhà sẽ trở nên tái nhợt. Trong những giấc mơ yên tĩnh hay thét gào, họ là những đôi mắt những tiếng cười trong sạch ngày nào, đã chìm tan giữa bóng phượng xanh đỏ sân trường của ngày trẻ tuổi”.
Đêm đêm những đôi mắt của quá khứ như trở về thao thức trong bóng tối:
“Đã nhiều lần trong bóng đêm dường như đậm đặc của hồi ức nặng nề, dường như anh nhìn thấy lại những người bạn, những chiến hữu thời ấy. Xa hơn, là nhiều người khác, những người quen biết và không quen biết trên quê hương Việt Nam. Đó là hình bóng của hơn bốn triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến tranh vừa qua. Trong bóng đêm, họ xuất hiện thật bất ngờ mà thật rõ ràng, từ những nấm mồ đã khuất. Khuôn mặt họ hiện ra trong bóng nhập nhoạng căn gác nhỏ với vẻ buồn rầu, cau có hoặc dửng dưng. Nhưng họ không nói gì cả mà tất cả đều yên lặng nhìn anh. Ánh nhìn ấy là những câu hỏi vô thanh, lạnh toát rơi xuống người anh. Bên ngoài, trời mưa. Mưa bên ngoài nhưng lại rơi trên thân thể anh đang đờ ra như một khúc gỗ mục. Những khuôn mặt im lặng ấy từ từ quay đi, chầm chậm bước ra khỏi căn gác xép bằng lối cửa sổ, sau lưng chợt kéo dài ra một vệt sáng đục trầm…”.
Có thể xem những hồi ức và suy nghĩ trong cuốn sách này như tiếng nói “cuối đời nhìn lại” của những người thuộc thế hệ băn khoăn đi tìm lẽ sống trong những tháng năm nghiệt ngã của đất nước. Họ đã nhiều lần đặt câu hỏi: trong hoàn cảnh bi thảm này, đâu là con đường nên đi, đâu là cái đích cần đến, hay nói cách sách vở hơn, đâu là lý tưởng? Thậm chí, có lý tưởng đích thật hay không? Tâm ca của Phạm Duy và Nguyễn Đắc Xuân viết: “Để lại cho em một nước phân lìa/ Để lại cho em một giống nòi chia…”. Phạm Công Thiện riết róng: “Chúng tôi không cần lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông. Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên của mình. Con người hồn nhiên không có lý tưởng. Chỉ khi nào người ta mất mát rồi thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng”[i]. Còn Nhất Hạnh thì đối thoại trong ôn hòa: “Lý tưởng là sản phẩm của những ước vọng từ cạn nhất đến sâu nhất của con người và là động lực giúp con người tự thực hiện. […]. Chúng ta không nên nghĩ rằng lý tưởng là một giả tạo của tư tưởng để con người tự đánh lừa mình”[ii].
Thế hệ đó đã đi trên con đường đã chọn để tự thực hiện chính mình. Con đường dẫn họ đi qua những biến động lịch sử gắn với những vùng đất: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Đà Lạt… Cuốn sách này lưu giữ một phần ký ức về những thành phố ấy với những trang viết nghiêng về ký sự lịch sử, có phần khô khan, nhưng cần thiết để hiểu bối cảnh từng chi phối hành động của con người. Những phác thảo lịch sử này, như những cú lia máy của người quay phim trong một bộ phim tư liệu, có thể chỉ là ghi nhận từ một góc nhìn và cũng có thể gây tranh cãi. Dù sao, lịch sử, từ góc độ của người làm chứng, cũng là những trắc diện mà thôi.
Không hẳn là chuyện chơi chữ, khi nói rằng Chân lý (viết chữ hoa) không đồng nhất với sự thật (viết chữ thường). Cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập và thống nhất là Chân lý của thời đại. Còn tái hiện cuộc kháng chiến đó, không phải lúc nào và ở đâu văn học và sử học cũng được nói và nói được sự thật. Từ những phong trào trên bề nổi đến những động cơ ẩn giấu, lịch sử vẫn còn trông chờ những lý giải thật toàn diện, khách quan, không chỉ đối với từng nhân vật, từng sự kiện mà cả với những vấn đề căn bản của đất nước, hôm qua và hôm nay. Dễ hiểu, những bộ óc tầm cỡ như Jean-Paul Sartre, Noam Chomsky… vốn trung thực với lương tâm trí thức của họ, chưa chắc đã nhìn nhận đúng sự thật trong những tình huống nhạy cảm của lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà các tác giả đặt nhan đề cho một bài viết là “Bức chân dung dở dang”. Trên hành trình “tự thực hiện” bản thân mình, cuộc đời nào cũng là một bức chân dung dở dang. Từ bên ngoài nhìn vào và tái hiện một số phận, bức chân dung, bị gián cách nhiều lần qua không gian và thời gian, lại càng không thể trọn vẹn. Điều quan trọng là trong một đường viền của lịch sử, qua cảm nhận của người thời sau, bức chân dung tinh thần của những “người của một thời” hiện ra như những kẻ tìm đường trung thực, dù có khi họ rơi vào những ảo tưởng về những “ô hữu chi hương” hay là những “utopia”, như tên một tác phẩm của Thomas More.
Cuốn sách có thể dễ đọc hơn nếu tìm được một cấu trúc khác, liền mạch, dễ theo dõi. Nhưng trong hình thức như hiện nay, nó lại mang dáng vẻ tự nhiên, thô mộc, như không hề cố tình xếp đặt. Những yếu tố chính luận, suy tưởng và trữ tình hòa kết trong cuốn sách. Xã hội và con người, chiến tranh và hòa bình, cách mạng và đạo đức, bạo lực và nhân bản, danh và lợi… là những nỗi ám ảnh không rời đối với các tác giả, và họ không chấp nhận suy nghĩ “một lần cho tất cả”. Những mâu thuẫn và giằng xé không thôi dày vò ngòi bút. Sau tất cả là những trăn trở về đời người và người đời, về ý nghĩa cuộc nhân sinh. Những vấn đề thời sự gây nhức nhối rồi được làm dịu lại với những đoản khúc tình tự từ đáy lòng:
“Ánh sáng từ khung cửa của một mùa hè bom lửa còn đọng rất lâu trong tâm não anh; có thể không bao giờ phai nhạt. Luồng sáng từ tấm gương chiếu căn phòng mờ tối, làm nổi bật đường nét của những đồ vật yên lặng. Cái giường gỗ tạp, cái bàn viết nhỏ nơi góc phòng, cái bình trống không có bàn tay nào đặt vào khoảng trống của nó những bông hoa… Tất cả, tất cả trở thành cái chìa khoá hé mở được những khía cạnh kín đáo bên trong tâm hồn anh, như một bức tranh dẫn dụ sự bày tỏ nào đấy về ý nghĩa của đời sống. Như yếu tố ánh sáng trong một bức tranh tĩnh vật, cái yếu tố quan trọng trong việc biểu đạt nội dung của bức tranh mà họa sĩ muốn gửi đến người xem. Như những giọt mưa đêm nay…”.
Như vậy, quá khứ hiện về không phải như những vuốt ve cho hiện tại, mà là những tra vấn, những hồ nghi, gợi ra những băn khoăn thao thức. Những câu hỏi mỗi khi tìm được câu trả lời lại nẩy sinh thành những câu hỏi mới. Và chính các tác giả cũng không hề có ảo tưởng rằng mình đã tìm được câu trả lời thỏa đáng cuối cùng:
“Vì sao lại ra nông nổi này? Vì sao chúng tôi nhìn thấy nhau mà không nắm được tay nhau? Vì sao nhiều đêm anh đã khóc lặng lẽ! Những câu hỏi đặt ra, anh không tìm thấy lời đáp! Nào anh có ước mơ nhiều nhặn gì đâu! Chỉ là ước mơ bình thường của bao nhiêu con người bình thường. Có được một mái nhà đơn sơ là hạnh phúc dưới bầu trời rộng. Giữa những tháng ngày trên quê hương đã im tiếng súng, sao anh vẫn cảm thấy bơ vơ như không có nơi nương tựa. Rồi anh chợt hiểu, chỗ trú của anh và biết bao người khác không phải chỉ là những khung cửa sáng đèn hay những mái nhà tối. Mà nơi trú ẩn cuối cùng của chúng tôi, chính là những câu hỏi cần đặt ra, những câu hỏi hiện lên qua những nét đăm chiêu giữa dòng người ly tán”.
Trên quê hương tiếng súng đã không còn nhưng lại xuất hiện “những tiếng rạn vỡ”: “sao giờ đây, nét mặt những mẹ già trong túp tranh xiêu vẹo vẫn ám ảnh như một câu hỏi chưa có lời đáp? Đã nhiều năm sau khi im những tiếng nổ bên ngoài, nhưng còn những tiếng rạn vỡ bên trong? Giờ đây, bên những phố lầu cao, những mái tranh tả tơi vẫn cứa vào lòng”. Câu trả lời phải chăng có thể tìm trong triết lý nhà Phật, rằng “Trầm luân là mẫu số chung cho đa số trong cái cộng đồng phải cộng nghiệp này!”. Nhưng tại sao cái cộng đồng này phải gặp một nghiệp chướng nặng nề như vậy. Và đâu là con đường đề tìm lối thoát ra khỏi nghiệp chướng đó?
Người đọc lại trở về với hình ảnh con đường như một hình tượng ám ảnh trong cuốn sách. Đó là con đường cụ thể ngang qua những làng quê, những phố thị. Những con đường lờ mờ len giữa tán rừng thâm u hay mất dấu dưới sinh lầy. Đó cũng là con đường ẩn dụ: bước theo con đường của cha anh, của lý tưởng. Trên những con đường tăm tối của hôm qua, lòng người như mở hội khi nghe vui một tiếng gà hay nhìn thấy một đốm lửa thấp thoáng. Đó là tiếng gà, đốm lửa thực tại mà cũng là tiếng gà, đốm lửa biểu trưng của niềm hy vọng cho hôm qua và cho cả hôm nay.
Cũng qua hình tượng con đường, tác giả Người của một thời muốn gieo niềm lạc quan cho độc giả, và có lẽ, cũng là cho chính mình, qua những “cảm nhận cuối dòng”:
“… dẫu chiến tranh là một qui luật bất thường của Lịch Sử thì Tình Yêu luôn là Người Bảo Hộ của Thời Gian. Để hôm nay, đi trên những con đường thẫm ánh-xanh-lá-nắng dưới bóng những bức tường phong rêu, những câu hỏi đang dần dần tìm thấy lời giải. Những câu hỏi đã không dễ trả lời một cách nông cạn. Và cũng khó có thể trả lời một cách vội vàng, nếu không trải qua những nỗi đau âm thầm trong suốt nhiều năm. Nhưng, giờ đây, Con-Đường là có thực. Cũng có nghĩa là, Sự Sống không bao giờ dừng lại…”.
Hai đồng tác giả của cuốn sách này đã vào độ tuổi mà những trải nghiệm đủ để không còn những niềm tin và hy vọng dễ dãi. Chúng tôi, người có hân hạnh được đọc cuốn sách này từ trong dạng bản thảo của nó, cũng cảm thấy an ủi phần nào trước viễn cảnh được phác họa. Nhưng nếu có những bạn đọc còn hồ nghi và hoang mang, như các tác giả đã từng hồ nghi và hoang mang, cũng là bình thường. Điều quan trọng là trên hành trình tìm kiếm đó, không có ai “đi chật cả con đường” (Nguyễn Duy), mà “mọi người vừa đi vừa gặp nhau trong cùng một nỗi khắc khoải của lòng mình, trong sự thu hút của chân trời đằng trước mặt”[iii] (Nguyễn Ngọc Lan).
Bởi lẽ có đi - không phải chỉ quay lại những con đường cũ mà còn hướng về những con đường mới - dù là những bước đi rất nhẹ, thì mới có cơ duyên được gặp gỡ…
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
* Lê Công Cơ và Nguyễn Đông Nhật (2016): Người của một thời, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
[i] Phạm Công Thiện (1966): Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, NXB An Tiêm, Sài Gòn, tr. XVI-XVII.
[ii] Nhất Hạnh (1969): Nói với tuổi hai mươi, NXB Lá Bối, Sài Gòn, tr. 45-46.
[iii] Nguyễn Ngọc Lan (1969): Đường hay pháo đài?, NXB Trình Bầy, Sài Gòn, tr. 15.