(Phát biều của TS. Phan Thu Vân, cựu sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ trong Lễ kỷ niệm 40 năm hoạt động của Khoa, ngày 12 tháng 4)năm 2015
Kính thưa Ban Giám Hiệu trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM,
Kính thưa các vị khách mời, quý thầy cô, các anh chị và các bạn cựu sinh viên, cùng toàn thể các bạn học viên, sinh viên thân mến,
Khi nhận được lời mời của thầy Đoàn Lê Giang về dự hội khoa Văn học & Ngôn ngữ ngày hôm nay, đồng thời đại diện cho cựu sinh viên phát biểu, tôi đã vô cùng bất ngờ. Tôi đã băn khoăn tự hỏi không biết mình có đủ tư cách để đại diện cho toàn bộ cựu sinh viên của một khoa lớn và có truyền thống vẻ vang như khoa chúng ta hay không, khi mà trưởng thành từ khoa chúng ta có biết bao nhiêu tên tuổi lừng lẫy trong giới nghiên cứu, giáo dục, dịch thuật, sáng tác... Tuy vậy, tôi biết rằng dù ngoài xã hội, chúng ta có là ai, đạt được thành tựu thế nào chăng nữa, thì khi trở về đây, đứng trước lịch sử 40 năm của khoa, đứng trước các thầy cô, chúng ta cũng đều giống nhau, là những học trò nhỏ mà các thầy cô đã từng dạy dỗ.
40 năm quả là một con số đặc biệt. Trong 40 năm này, mỗi cựu sinh viên như chúng tôi đã may mắn nắm giữ 1/10 ký ức về những năm tháng mà khoa đã đi qua. Chúng ta là những mảnh ghép khác nhau để hoàn thành bức tranh lớn lao và ý nghĩa của khoa Văn học và Ngôn ngữ.
Chúng tôi, sinh viên khóa 1998 – 2002, tự hào lưu giữ cho mình 4 năm chuyển mình lịch sử của khoa từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI. Chúng tôi là khóa học “xuyên thế kỷ”, như thầy Huỳnh Như Phương đã từng nói, trong buổi lễ đón tân sinh viên năm 1998. Khi ấy, tôi mới 17 tuổi, bước vào trường với số điểm thi đại học vô cùng khiêm tốn, bằng với số tuổi của tôi lúc đó, cùng với vô số vấn đề của một người chưa trưởng thành. Ý nghĩ duy nhất của tôi khi ấy là cố gắng sao cho tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Lần đầu tiên thi môn chữ Nôm của thầy Nguyễn Khuê, tôi vật vã lắm mới được 6 điểm. Tổng điểm thi lần 1 trong học kỳ đầu tiên thời sinh viên của tôi là 6.0. Thế nhưng bốn năm sau, đến học kỳ cuối cùng, điểm trung bình của tôi là 9.0. Đó không chỉ là sự thay đổi đơn thuần về điểm số. Giờ đây sau nhiều năm nhìn lại, tôi thấy rằng 4 năm dưới mái trường Khoa học Xã hội & Nhân văn là 4 năm quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc sống của mình, nó thay đổi ở tôi quá nhiều thứ. Sự thay đổi ấy đến từng ngày, qua những điều tưởng chừng như rất nhỏ. Có lẽ tôi đã thay đổi từ những ngày nhìn thầy Nguyễn Tri Tài đi dạy học. Năm ấy thầy đã hơn 70 tuổi, mỗi lần lên cầu thang thầy đều phải dừng lại thở mấy chặng, nhưng đã vào lớp rồi là giảng say sưa từ đầu đến cuối. Tôi có thể đã thay đổi giữa những giờ Lý luận văn học của thầy Huỳnh Như Phương, khi thầy dạy rằng đức tính quan trọng nhất của một người viết là sự trung thực, trung thực với lịch sử, trung thực với chính mình. Đó là thầy Nguyễn Khuê, người đã dùng chính cách sống của mình để dạy chúng tôi rằng dù cuộc đời riêng của mỗi người có gặp khó khăn trắc trở đến đâu chăng nữa, trước học thuật chúng ta vẫn luôn phải chỉnh chu, nghiêm cẩn. Đó là sự giản dị tận tụy với nghề của cô Phạm Thị Hảo, người gắn bó với chúng tôi nhiều năm, vẫn luôn tận tình chỉ dẫn ngay cả khi chúng tôi đã ra trường, cho đến ngày cô mất. Đó là tham vọng muốn làm sao để đọc hết tất cả sách vở trên thế gian này của thầy Nhật Chiêu. Đó là những giờ giảng đầy nhiệt huyết của thầy Mai Cao Chương, thầy Trần Xuân Đề, thầy Võ Văn Nhơn, thầy Lê Trung Hoa, thầy Đoàn Lê Giang, thầy Lê Khắc Cường, cô Đoàn Ánh Loan, cô Phan Thu Hiền, cô Trần Thị Phương Phương, thầy Trương Nhơn, thầy Nguyễn Ngọc Quận, cùng rất nhiều thầy cô khác... Đó là những tuần lênh đênh trên sông nước miền Tây Nam Bộ tìm tư liệu Hán Nôm cùng thầy Nguyễn Đông Triều đã khiến lớp chúng tôi ngày ấy thành một tập thể đoàn kết không thể tách rời...
Khoa Văn học & Ngôn ngữ đã cho chúng tôi cơ hội để học tập, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng tình yêu với văn học, với ngôn ngữ dân tộc, và trên hết, cho chúng tôi cơ hội để phát hiện, đồng thời phát triển những khả năng, những thế mạnh riêng, để trở thành người có ích cho xã hội.
Tôi là thành viên của lớp Hán Nôm 98. Lớp chúng tôi ngày ấy chỉ có 14 người, nhưng 14 người này sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, đến hôm nay 100% vẫn đang sử dụng kiến thức chuyên ngành để công tác trong lĩnh vực của mình, 5 người có cơ hội học tiếp lên bậc học thạc sĩ, tiến sĩ, du học nước ngoài, tham gia nhiều công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế... Bước phát triển của tập thể nhỏ bé chúng tôi, có lẽ cũng là một trong những mảnh ghép phản ánh được sự phát triển của tập thể khoa Văn học & Ngôn ngữ.
40 năm chưa phải là một chặng đường dài, nếu so với chặng đường mà chúng ta sẽ bước tiếp trong nhiều năm sau nữa. Chúng tôi mong rằng, trên chặng đường ấy sẽ có sự góp mặt của mỗi người, để trong những lần hội khoa tiếp theo, chúng ta lại được tề tựu ở đây, để ôn cố tri tân, để tự hào chúng ta đều là thành viên không thể thiếu của đại gia đình này.
Lời cuối cùng, xin cho phép em đại diện cho các anh chị và các bạn cựu sinh viên gửi đến các thầy cô lời cảm ơn sâu sắc nhất, kính chúc toàn thể các thầy cô dồi dào sức khỏe, luôn tràn đầy niềm vui trong cuộc sống, trong sự nghiệp trồng người. Chúng em mãi mãi biết ơn và tự hào vì được là học trò của các thầy cô.
PHAN THU VÂN
Thủ khoa khóa 1998 - 2002
Tiến sĩ Văn học Trung Quốc, đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc
Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM