Huỳnh Vĩnh Phúc
Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ
Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng chính thống của xã hội phương Đông , trong hàng nghìn năm lịch sử không những đã bảo vệ và gìn giữ trật tự xã hội, mà còn đem đến những thành tựu to lớn về văn hoá. Thực vậy, Nho giáo chính là nền tảng, là động lực cho sự an ninh và phát triển của xã hội phương Đông. Thế nhưng, Khi tiếp xúc, giao lưu với văn minh phương Tây, trước những thách thức của hoàn cảnh thế giới hoàn toàn mới đầy tính cạnh tranh và biến động, Nho giáo đã bộc lộ những bất cập trong việc thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Để đáp ứng với hoàn cảnh thế giới mới, giới trí thức Việt Trung đã tiến hành nhận thức lại Nho giáo một cách triệt để, trong quá trình tái nhận thức đó họ đã phát hiện ra sự khiếm khuyết cơ bản của xã hội Nho giáo là xã hội đã không khuyến khích được sự nẩy sinh và truyền bá của tư tưởng khoa học và tư tưởng xã hội. Họ nhận ra rằng sự tập trung khẳng định vào đạo đức và luân lí, lấy luân lí và đạo đức làm căn bản để nhận thức thực tại và xử lý các quan hệ xã hội của tư tưởng Nho giáo đã kiềm chế sự phát sinh và phát triển của tư tưởng khoa học và tư tưởng xã hội. Nhận thấy hệ tư tưởng đạo đức luân lý nhân văn sâu sắc của Nho giáo đã bị biến thành hệ tư tưởng chính trị chuyên chế, bảo thủ, và do đó, những nghĩa vụ do đạo đức luân lý Nho giáo đề ra đã trở thành sự ràng buộc và áp chế trong đời sống xã hội. Ở Việt Nam, các trí thức của phong trào Duy tân (1906) đã lên tiếng phê phán tính chất chính trị chuyên chế đó của học thuyết Nho giáo. Phan Chu Trinh (1872 - 1926) qua hai bài diễn thuyết tại Hội khuyến học Nam kỳ năm 1925 - « Luân lý và đạo đức Đông Tây » và « Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa » - đã công kích mãnh liệt vào thể chế đạo đức luân lý chuyên chế phong kiến, thậm chí, ông còn dẫn lời của Montesquieu để khẳng định trong một thể chế cực quyền thì không có đạo đức, và trong điều kiện đó, dân chúng chỉ là một đám nô lệ, quốc gia chỉ có nhân khẩu chứ không có công dân[1]. Một trí thức khác, ông Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947) cho rằng nền học thuật chú giải kinh điển Nho giáo sở dĩ chiếm được địa vị chủ đạo trong xã hội là vì Nho giáo cậy dựa vào quyền lực chuyên chế, và trong chế độ xã hội và học thuật chuyên chế đó tư tưởng của con người bị ràng buộc, nhân cách con người bị hư hỏng[2]. Tại Trung Quốc, từ mậu tuất (1898)về sau, đạo đức luân lý Nho giáo đã trở thành đối tượng phê phán kịch liệt của giới tri thức. Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Nghiêm Phục đều lên tiếng phê phán học thuyết tam cương ngũ thường của lễ pháp Nho giáo. Lương Khải Siêu cho rằng chính trị chuyên chế làm tàn hại nhân cách, nuôi dưỡng tính nô lệ, làm mất năng lực chính trị của người dân, và do đó, khiến tình trạng chính trị quốc gia không thể cải thiện[3], hơn nữa ông còn chỉ rõ Trung Quốc « hữu quốc chi danh, vô quốc chi hình » (有国之名,无国之形), « chỉ có triều đình, không có quốc gia » (只有朝廷,没有国家”)[4].
Chúng ta biết rằng nền văn minh phương Đông đáp ứng lại những thách thức hiện đại đến từ phương Tây là quá trình đi từ « thích ứng » trên các bình diện kỹ thuật, kinh tế và chính trị đến « chia sẻ » những giá trị tư tưởng và văn hoá. Quá trình đó cho thấy đồng thời diễn ra sự giải thể của mô thức văn minh đặt trên nền tảng kinh tế nông nghiệp, xã hội gia tộc và chính thể chuyên chế của Nho giáo và sự kiến lập của mô thức văn minh đặt trên nền tảng của kinh tế thị trường, chính trị dân chủ và văn hoá công dân của phương Tây. Chế độ khoa cử - cơ chế vận hành của văn minh phương Đông – bị phế bỏ tại Trung Quốc vào năm 1905 và tại Việt Nam năm 1919, từ đó trở đi, Nho giáo mất đi cơ sở tồn tại mang tính thể chế và hậu quả tất yếu là Nho giáo phải dần dần thoái lui trên các lĩnh vực giáo dục và chính trị, và hơn nữa, cuộc vận động xây dựng văn hoá mới đã trực diện tấn công vào trật tự giá trị luân lý và quyền uy tinh thần của Nho giáo. Các giá` trị luân lý, đạo đức và tinh thần của Nho giáo bị đặt thành vấn đề hoài nghi và chất vấn, trong đó hệ thống chính trị hành chánh triều đình quan liêu chuyên chế bị tố giác là nơi làm băng hoại nhân cách con người ; trong khi đó, các giá trị luân lý, đạo đức, tinh thần của phương Tây, trong đó tự do, dân chủ, bình đẳng và luật pháp công chính được coi như là nguyên tắc nền tảng cho sự vận hành của xã hội hiện đại không ngừng xâm nhập và ảnh hưởng. Bối cảnh đó đã tạo ra xung lực giữa truyền thống và hiện đại, xung lực này giằng kéo và chi phối tiến trình hiện đại hoá của xã hội phương Đông.
Đầu thế kỷ 20, Việt Nam và Trung Quốc vẫn là những quốc gia tiền hiện đại, vì thế tại Việt Nam và Trung Quốc cuộc vận động của chủ nghĩa dân tộc đều cùng nhắm đến mục đích xây dựng một quốc gia hiện đại. Ở đây chúng ta nhận thấy, trên vấn đề làm thế nào để kiến tạo một quốc gia hiện đại, giới trí thức của hai nước đã có cùng chung một suy tư : Muốn đất nước tiến bộ, điều tiên quyết là phải cải cách về phương diện tư tưởng, mà điều quan trọng nhất là thúc đẩy trong xã hội hình thành nên tinh thần đạo đức mới và tư tưởng xã hội mới, tức là làm cho quần chúng có được ý thức mới về quan hệ giữa quốc gia và quốc dân, cương quyết từ bỏ thân phận nô lệ để trở thành con người tự do, từ đó, kiến lập một tinh thần đạo đức luân lý mới cho quốc dân. Sống trong xã hội lấy tư tưởng Nho giáo lảm nền tảng để thực thi chế độ gia tộc chuyên chế, luân lý khắc khe, giới trí thức Việt Trung đã cảm nhận cách thâm thiết rằng tự do chính trị là nến tảng tinh thần đạo đức của cá nhân cũng như của toàn xã hội, và do vậy, nếu không có tự do chính trị thì tất nhiên sẽ không có đạo đức. Mà tự do chính trị chỉ có thể được tạo lập trên nền tảng của sự bình đẳng xã hội. Do đó, chúng ta không thể không hiện đại hoá hệ thống luân lý cực quyền của chúng ta, thông qua những quan niệm tư tưởng mới để hình thành một trật tự xã hội mới, làm cho trật tự luân lý « lễ pháp – đẳng cấp » cố hữu của xã hội truyền thống phương Đông chuyển biến thành quan hệ trật tự « công dân – quyền lợi » của xã hội hiện đại. Về vấn đề này, họ có một cách nhìn rất mẫn nhuệ, trong tư tưởng của họ, hệ thống trật tự luân lý mới đó lấy dân chủ, tự do, bình đẳng và luật pháp công chính làm cơ sở, trên phương diện đạo đức thể hiện sự truy cầu tinh thần luân lý chính nghĩa trong xã hội, làm cho tự do và lễ pháp cùng thống nhất, tự do của cá nhân và trật tự xã hội được điều hoà, quyền lợi của cá nhân và lợi ích của quốc gia cùng nhất trí, bài trừ sự áp bức về tinh thần của thể chế xã hội đối với cá nhân, đảm bảo nguyện vọng của cá nhân và mục đích của cộng đồng đều thực hiện đầy đủ, từ đó làm cho các quan hệ trong trật tự luân lý đó – nhất là quan hệ giữa công quyền của quốc gia và nguyện vọng của công dân – đều đạt được tính chính đáng và hợp pháp. Trong khi thúc đẩy thực hiện hiện đại hoá trật tự luân lý giới trí thức Việt Trung đã khẳng định dư luận xã hội - tức nguyện vọng của dân chúng- là động lực tối quan trọng của tiến trình này. Ở đây, chúng ta nhận thấy có sự tương đồng thú vị của giới trí thức Việt Trung, đó là họ đều lấy báo chí làm công cụ truyền bá hữu hiệu, và trong khi dấn thân cải thiện xã hội họ đều đóng cùng một lúc ba vai trò : nhà cải cách tư tưởng, nhà hoạt động chính trị và nhà báo. Và thông qua hoạt động báo chí năng động và tích cực của mình, họ đã đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, trong ngôn luận của họ, hai quyền đó là hai tiêu chí quan trọng xác nhận một xã hội chuyển từ truyền thống sang hiện đại.
Nhận thức rằng trong hoàn cảnh thế giới mới, khoa học và tư tưởng xã hội trở thành một động lực mới cho sự phát triển và tiến bộ xã hội, giới trí thức Việt Trung ngoài việc nổ lực truyền bá triết học và khoa học kỹ thuật của phương Tây, họ còn chú tâm trong việc phổ biến những tri thức về luật học, tâm lý học, xã hội học, kinh tế học v.v. là những tri thức thiết yếu trong sự điều hành và quản trị xã hội hiện đại. Tuy đều là những nhà đạo đức và mô phạm theo truyền thống Nho giáo, nhưng với nhãn quang hiện đại họ đã nhận ra trong xã hội hiện đại nếu chỉ tập chú vào đạo đức là không đủ để xử lý và điều hoà các quan hệ xã hội, học vấn giới hạn trong các phạm trù đạo đức và luân lý của Tứ Thư, Ngũ Kinh là không đủ để kẻ sĩ hiện đại thực hiện sứ mạng kinh bang tế thế. Tuy nhiên, cũng cần thiết nói rõ, giới trí thức Việt Trung trong khi đề cao khoa học và tư tưởng xã hội của phương Tây, mặt khác, họ cũng tinh tế nhận ra những bất cập, mâu thuẫn trong các học thuyết xã hội của phương Tây và rất cảnh giác trước những nguy hiểm của chủ nghĩa cơ giới, cạnh tranh, bài trừ và bạo lực. Do vậy, dung hoà văn hoá Đông Tây là một chủ đề suy tư thu hút nhiều tinh lực của trí thức Việt Trung : trí thức Trung Quốc suy tư, biện luận về « Trung thể Tây dụng », trí thức Việt Nam suy tư, biện luận về « Đông Tây hoà hợp ». Có thể nói, Lương Khải Siêu và Phạm Quỳnh là những người tiêu biểu cho chủ trương dung hoà văn hoá Đông Tây, trong khi thâu thái tinh hoa của văn hoá phương Tây, dùng cái sở trường của phương Đông bù cho cái sở đoản của phương Tây, vì vậy, họ đã rất nhiệt thành khẳng định những giá trị tích cực của tư tưởng đạo đức luân lý phương Đông, mong muốn xã hội vẫn giữ được an ninh trong một biến đổi tiệm tiến và « lành tính », tránh sự hỗn loạn đổ vỡ của cải cách cấp tiến và « kịch tính ».
Tài liệu tham khảo.
1) Nguyễn Văn Dương : « Phan Chu Trinh tuyển tập », nhà xuất bản Đà Nẵng, 1995.
2) Phạm Quỳnh : « Thượng Chi văn tập », nhà xuất bản Văn học, 2006.
3) Nguyễn Ngọc Thiện : « Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX », nhà xuất bản Lao Động, 2001.
4) 高兆明 :《现代化进程中的伦理秩序研究》,人民出版社,2007年。
5) 萧公权 :《中国政治思想史》,新星出版社,2005年。
6) 张汝伦 :《现代中国思想研究》,上海人民出版社,2001年。