(Viện KHXH vùng Nam Bộ)
Nam Phong là tạp chí có tính học thuật đầu tiên ở Việt Nam. Chương trình hoạt động của Nam Phong trước hết là cổ động cho việc xây dựng chữ quốc ngữ và nền văn học Việt Nam hiện đại, và sau đó là phổ biến kiến thức và tư tưởng Đông Tây, bàn luận các vấn đề của xã hội hiện đại, tường thuật các diễn biến xã hội trên thế giới. Những nỗ lực hoạt động đó nhằm mục đích nâng cao dân trí, xây dựng đội ngũ trí thức và phác thảo cho Việt Nam một con đường, một phương cách phát triển trong bối cảnh xã hội thế giới hiện đại rất khác biệt với xã hội truyền thống cố hữu Việt Nam.
Từ một xã hội truyền thống cố gắng canh tân để theo kịp trào lưu tiến hóa của xã hội hiện đại, giới trí thức Việt Nam đương thời đã chủ yếu học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến phương Tây. Tuy nhiên, Nhật Bản một quốc gia « đồng văn » với Việt Nam đã thành công trong việc hiện đại hóa đất nước mình và sự thành công đó đã trở thành kinh nghiệm tham chiếu quan trọng cho giới trí thức đương thời.
Trên tạp chí Nam Phong, lịch sử Nhật Bản, sự phát triển của nền văn minh Nhật Bản, kinh tế, chính trị, giáo dục và xã hội Nhật Bản là những chủ đề được giới thiệu và bàn luận. Trong đó chúng tôi nhận thấy có những bài quan trọng như : Phạm Quỳnh với các bài « Khảo về học chế của Nhận Bản » đăng trên Nam Phong số 27 ( 09/1919) nhằm tham chiếu cho việc cải cách chương trình giáo dục , « Khảo về hiến pháp Nhật Bản » đăng trên Nam Phong số 153 (08/1930) nhằm tham chiếu cho cuộc vận động lập hiến ; Đồ Nam Nguyễn Trong Thuật với các bài « Tài chính Nhật Bản hồi duy tân » đăng trên Nam Phong số 168 (01/1932) tham chiếu cho việc xây dựng tài chính Việt Nam, « Tư pháp Nhật bản hồi duy tân », Nam Phong số 187 (08/1933) tham chiếu cho cuộc vận động lập hiến.
Từ khóa : Duy tân, canh tân, văn minh