Trao hình hài mới cho hồn thơ xưa

Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Văn học Việt Nam và Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa”, vào sáng ngày 21/12/2013, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức buổi tọa đàm với đề tài “Sáng tác và giảng dạy sáng tác thơ ca”. Các diễn giả của buổi tọa đàm là nhà thơ, nhà văn Nhật Bản, đồng thời là giáo sư của ĐH Temple (cơ sở ở Nhật Bản) Mariko Nagai, và nhà văn Nhật Chiêu. Nhà thơ Hoa Kỳ, giáo sư Đại học Wyoming Harvey L. Hix tuy không đến tham dự được, nhưng cũng đã gửi bài viết và một số tác phẩm đến buổi tọa đàm. Ngoài ra, các sinh viên hệ cử nhân tài năng của Khoa cũng đã tham gia với một số bản dịch tác phẩm của GS. Nagai và GS. Hix, cũng như trình bày tác phẩm của mình được viết song ngữ Việt – Anh.

Xin trân trọng giới thiệu các bài nói chuyện tại buổi tọa đàm, và các sản phẩm dịch thuật và sáng tác của các bạn sinh viên.
 
Nhật Chiêu, sinh tại Sài Gòn. Như một học giả và dịch giả văn học, ông là tác giả của nhiều sách và hàng trăm bài viết, bài biên khảo và dịch thuật. Là một nhà văn, ông đã xuất bản các tập sách Người ăn gió & Quả chuông bay đi (2007), Mưa mặt nạ (2008), Viết tên trên nước (2010), Lời tiên tri của giọt sương (2011). Ông nguyên là Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài, nguyên Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ (ĐHKHXHNV TP.HCM).

Trong hình hài mới (new bodied form) văn chương không cần phân biệt quá rành mạch thơ ca và văn xuôi.

Người ta thường cho rằng văn xuôi (prose) thiên về cái thường ngày, bước lê trên mặt đất, nhạt nhẽo hoặc ít ra là duy thực; từ đó xem thơ như là bay bổng, lãng mạn, lúc nào cũng mang cái đẹp kỳ ảo.

Tất nhiên, luôn có ngoại lệ. Có văn xuôi đẹp như thơ hay, và cũng có thơ đọc như một thứ văn xuôi tệ hại.

Văn xuôi của Proust rất dài nhưng đọc vẫn thơ, Virginia Woolf, Nabokov cũng thế.

Tiếng Việt với sáu thanh là một ngôn ngữ giàu nhạc tính, có vận tiết tự nhiên là một ngôn ngữ rất gần với thơ ca. Đôi khi tôi nghĩ, bản thân tiếng Việt chính là thơ ca rồi.

***

Tôi chuyên viết truyện ngắn và truyện tuyệt ngắn (micro fiction). Truyện tuyệt ngắn của tôi đôi khi chỉ một câu hoặc vài câu, thậm chí có truyện chỉ một chữ.

Ở Việt Nam, truyện ngắn của tôi thường được xem là “như thơ”, thậm chí đôi khi có người gọi hẳn đó là thơ.

Như vậy, trong truyện tuyệt ngắn của tôi, lằn ranh giữa thơ và văn xuôi là rất mong manh, nếu không muốn nói là nó có còn tồn tại nữa đâu.

Ví dụ: truyện VONG (Missing) trong tập Lời Tiên Tri Của Giọt Sương (A Dewdrop’s Foretelling) (trang 30):

“Là người cuối cùng được phóng vào vũ trụ, anh nhìn thấy trái đất nổ tan.”

MISSING

“Being the last man launched into the universe, he sees the earth exploding.”

Bạn xem đó là một bài thơ thì cũng được thôi. Nhưng dù tuyệt ngắn nó cũng có đủ các yếu tố của truyện:

nhân vật: phi hành gia cuối cùng

diễn biến: trái đất nổ tan

Và nó có một đoạn kết rất mở: Điều gì sẽ xảy ra cho anh phi hành gia cuối cùng đó. Anh sẽ lang thang với niềm cô đơn vũ trụ cho đến bao giờ? Và anh có gặp một người hành tinh nào khác? Rồi liệu anh có tạo ra một loài con lai liên hành tinh?

Tôi tin rằng người đọc, chứ không phải tác giả, sẽ dẫn dắt câu chuyện quá ngắn này vào vô số diễn tiến, vô số chân trời.

Tôi cũng tin rằng công việc của nhà thơ là “phát minh những điều chưa hiện hữu” (to invent what does not exist) như Ortega y Gasset đã nói. Và triết gia Tây Ban Nha lừng danh này còn bảo: “Nhà thơ làm tăng trưởng thế giới, thêm lục địa phi thực vào thực tại có sẵn. Chữ ‘tác giả’ (author) đến từ một chữ Latinh là AUCTOR, người tăng trưởng, cái tước mà La Mã phong cho vị tướng nào chinh phục được một vùng đất mới.” (The poet augments the world, adding to the real... a unreal continent. ‘Author’ comes from AUCTOR, the one who augments. Romans gave this name to the general who conquered a new territory for his country.)

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website