“Tôi chào đời ở Sài Gòn. Thành phố với tôi như hình với bóng. Hơn sáu mươi năm.
Tôi là bán đảo cực nhỏ của Sài Gòn mênh mông.
Tôi là ngấn nắng nóng hổi của Sài Gòn bức bối.
Tôi là giọt mưa của Sài Gòn, vừa bất ngờ lại vừa mau lẹ, thoắt đến thoắt đi.
Sài Gòn mang tôi đi, băng qua thời gian như một dòng nước lũ.
Tôi mang Sài Gòn bên mình như mang chân mày rất rậm là dấu vết của tôi.
Sài Gòn là hang động của cái tôi nguyên thủy.
Sài Gòn là nhân duyên thời tiết của cái tôi chủng tử.
Sài Gòn là kẻ đánh thức mỗi lần tôi ngủ trễ.
Sài Gòn là gã hề ưa đùa giỡn với tôi đến tột bực hả hê.
Sài Gòn là thế mà chẳng phải là thế.
Như tôi là tôi mà chẳng phải là tôi.
Sài Gòn trong tôi thực là bất chợt, chợt tối mò và chợt sáng trưng, nhưng không bao giờ trong tôi mất tích.
Sài Gòn vốn dĩ kỳ khôi. Là vậy đó!”
(Bởi Sài Gòn có sông trong lòng nó - Nhật Chiêu)
Và hơn 60 năm là “bán đảo cực nhỏ của Sài Gòn mênh mông”, với Nhật Chiêu - một nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học phương Đông (nguyên giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), mọi điều lạ lùng, “kỳ khôi” của Sài Gòn đều trở thành câu chuyện của văn hóa, văn chương.
PV: Sinh sống ở Sài Gòn hơn 60 năm, dành phần lớn thời gian cho văn học, vậy mà mãi gần đây ông mới “đãi” Sài Gòn bằng hai tùy bút Bởi Sài Gòn có sông trong lòng nó và Sài Gòn mê. Lời yêu ấy có quá trễ tràng không, thưa ông?
Nhà văn Nhật Chiêu: Việc này có lẽ cũng thuộc về hai nghịch lý của cuộc đời tôi: Người ta sáng tác khi còn trẻ và quan tâm đến học thuật khi về già, còn tôi dành cả tuổi trẻ cho nghiên cứu, giảng dạy, lúc về chiều mới bắt đầu sáng tác. Thứ nữa, lẽ thường, Sài Gòn chỉ phù hợp với người trẻ năng động, và khi có tuổi, người ta lại muốn đến những vùng thôn dã như miền Tây để nghỉ ngơi; còn tôi ngày trẻ lúc nào cũng muốn rời bỏ, mà càng già lại càng mê Sài Gòn. Vì mê, Sài Gòn tự nhiên bước vào văn chương tôi.
* “Muốn rời khỏi Sài Gòn”, “Muốn về miền Tây, lên Đà Lạt, xuống Vũng Tàu”... là những ý muốn rất quen thuộc của người thành phố, ông có thấy vậy không?
- Đúng vậy, người ta thường tưởng rằng mình chỉ gắn bó với cái nơi xô bồ, ồn ào này vì mưu sinh, và chỉ những nơi thanh bình, yên ả nào đó mới là đáng sống. Như tôi ngày trẻ, vì quá đam mê văn chương lãng mạn với những Hàn Mặc Tử, Holderlin, Emily Dickinson…, tôi chỉ muốn có cơ hội xách ba lô rời khỏi cái thành-phố-chẳng-có-gì-lãng-mạn này.
* Thế rồi, đến tận lúc này, ông vẫn chưa rời bỏ nó bao giờ?
- Thực ra thì, “người vắng mặt bao giờ chẳng báu”! Ở Sài Gòn thì đồi thông Đà Lạt vắng mặt, lá trúc sông Hương vắng mặt, bãi cát trắng Phan Thiết vắng mặt. Và tôi lúc nào cũng tin rằng cứ phải “đồi cao bọc trăng ngủ, mình lốm đốm hào quang” thì mới... lãng mạn. Thế nhưng càng lớn, tôi càng quân bình lại và bắt đầu chịu ngắm nhìn Sài Gòn. Sài Gòn không thiếu cái đẹp. Tôi từng sáng tác một bài thơ Haiku - thể thơ đi vào sự thanh đạm, trầm lắng và u huyền của thiên nhiên - khá quen thuộc ở chính Sài Gòn.
“Trên cánh bèo trôi
Đậu con cò trắng
Một mình rong chơi”
Đó chính là hình ảnh tôi thường thấy trong những buổi chiều lặng lờ ở bán đảo Thanh Đa. Ở Sài Gòn, người ta thường chỉ thấy cảnh “Chinh xa tự nhập hồng trần khứ” (Bụi hồng một cõi xe xuôi ngược - thơ Triệu Hổ). Thế nhưng, chỉ cần đừng quẩn quanh trong một vài con phố chật hẹp, Sài Gòn sẽ chẳng tiếc với bạn vài khung cảnh tĩnh lặng, thanh bình. Còn với tôi, cảnh người, xe lao vào đám bụi mù lại thách thức tôi tĩnh tại, và giữ được cho mình một nhịp sống chậm giữa thành phố này.
* Nhưng, một nơi nào đó hoàn toàn thanh bình vẫn phù hợp hơn với văn chương chứ, thưa ông?
- Tôi nghĩ, sự riêng tư mới là điều cần nhất đối với những tâm hồn nghệ sĩ. Sự riêng tư không chỉ có giữa thiên nhiên, nó đến từ chính bạn. Tôi có cảm giác rằng Sài Gòn rất gần gũi, nhưng cũng rất dễ chịu với đời sống riêng tư của mỗi người. Có lẽ một phần cũng vì thành phố này quá rộng lớn, nên nó luôn có chỗ cho thế giới của riêng tôi.
Hơn nữa, Sài Gòn là đất khoan dung. Đến cả thời tiết cũng khoan dung. Như nắng chẳng hạn, thành phố này không bao giờ thiếu nắng. Tôi nhớ, nhân vật Bromden trong Bay trên tổ chim cu của Ken Kesey thường tưởng tượng một cỗ máy phun sương mù đang vận hành đâu đó. Còn ở Sài Gòn, dường như một cỗ máy phun nắng hẳn đang tồn tại đâu đó, hào phóng với tất cả chúng ta.
Có nơi nào phù hợp với văn chương hơn là một mảnh đất luôn trào tuôn sự sống như thế?
* Có nhà phê bình nhận xét rằng, là một nhà văn Sài Gòn “thuần chủng” nhưng Nhật Chiêu lại là nhà văn rất ít chất Nam bộ, là “con hoang của văn chương Nam bộ”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Trong văn học có một khái niệm là “giải lãnh thổ” - vượt lên lãnh thổ, thoát khỏi giới hạn lãnh thổ. Cũng vậy, xuất xứ đa dạng của người Sài Gòn biến nơi này thành “đa địa phương”, Sài Gòn vì thế bị cho là không có bản sắc.
Tôi thì cho rằng, “không có chất là chất của Sài Gòn đấy!”. Cũng bởi sự dung hợp giữa muôn nền văn hóa mà con người mang đến, Sài Gòn tự nó đã giải lãnh thổ: không có tiếng Sài Gòn đặc trưng như tiếng Cà Mau, Bến Tre hay Quảng Nam, Huế; ẩm thực cũng vậy. Cuộc sống phóng khoáng ở nơi này đã cho phép văn chương tôi không có... chất Sài Gòn, hay bất kỳ một chất địa phương nào khác. Có lẽ, “hoang” chính là một cách gọi khác của “giải lãnh thổ” đấy!
* Vậy, không có một điều gì là “của riêng Sài Gòn”, phải không thưa ông?
- Có chứ. Người ta vẫn uống cà phê trên khắp thế giới này, nhưng ở Sài Gòn, nó trở thành một thú tao nhã, một “văn hóa cà phê”. Người Sài Gòn xây những quán cà phê mênh mông, có cả hồ nước rộng ngay giữa phố thị đông đúc, rồi chăm chút nó bằng từng hòn đá, nhánh cỏ, từng khoảng tường, ô cửa.
Vào một quán cà phê ở Sài Gòn, bạn có thể nhìn ngắm dòng chảy ngầm của nghệ thuật đình viên, nghệ thuật điêu khắc; và có khi là cả đời sống văn chương, triết học của thành phố này. Tôi từng dự nhiều buổi chiếu phim, sinh hoạt học thuật do chính những chủ quán cà phê tổ chức. Họ mang văn chương, triết học vào đời sống bằng những buổi nói chuyện về thơ, về Lolita, Người đàn bà trong cồn cát, Bay trên tổ chim cu… trong những quán cà phê. Đó là một nét sang trọng của Sài Gòn.
Tôi còn rất ấn tượng với hình ảnh người người, nhà nhà đọc báo - nhìn rất Sài Gòn! Có lẽ, không ở đâu mà việc mua một tờ báo lại dễ như ở Sài Gòn, bạn có thể ra ngay đầu hẻm và nhìn quanh quất, thể nào cũng tìm ra một sạp báo. Người Sài Gòn dù trí thức hay bình dân đều thích đọc báo, bởi thế mà dù ngồi ở nơi làm việc hay tại một quán cà phê cóc giữa những người xa lạ, chỉ cần xướng lên một đề tài, bạn chắc chắn sẽ được hưởng ứng. Cứ từng chút một như thế, đất và người nơi đây lại đời đời được tiếng cởi mở, thân thiện.
* Và, sự thân thiện, cởi mở ấy có được xem là một nét đẹp văn hóa của người Sài Gòn?
- Tôi nghĩ, đó đã trở thành “nét đẹp văn hóa”, biểu hiện cho sự tự tại, phóng khoáng của người Sài Gòn. Người Sài Gòn không câu nệ nghi thức và đặc biệt rất ít mê tín. Ở đây, người ta không bao giờ “mời lơi”, cũng không tin lắm vào thánh thần hay những gì quá "trầm trọng", phi thường. Sài Gòn với những lời nói chân phương hay thậm chí những quở trách thật lòng, là nơi mà cuộc sống đời thường, con người đời thường được yêu quý, trân trọng, chứ không phải là cuộc sống nào quá cao xa, ngoài tầm với.
Đó là điều khiến tôi thôi mơ tưởng đến những vùng trời lãng mạn ngày trai trẻ, mà đem lòng yêu và tiếp tục chọn nơi này, để sống, để mơ.
***
Tiễn tôi, ông quay vào “căn nhà sách” với hàng vạn cuốn xếp đầy các gian phòng. Ngoài kia, cỗ máy thần bí nào đó vẫn hào phóng phun nắng khắp trời, và Sài Gòn vàng ươm sự sống...
MINH TRÂM thực hiện
Nguồn: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/chinh-tri/chon-noi-nay-de-song-de-mo/a140711.html